Nhận được tin chú mình mất đã hơn hai tháng mà Hoàng chưa thể về được, do kẹt kỳ thi tốt nghiệp, đồng thời do đường sá quá xa xôi. Cho đến hôm nay mới leo lên máy bay về nước, Hoàng bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm với ông chú ruột mà Hoàng thương như cha. Bởi cha mất sớm, nên suốt quãng đời thơ ấu của Hoàng hầu như gắn bó với chú và sự lớn lên của anh, cũng như xuất ngoại du học cũng là một tay ông chú này. Bởi vậy khi hay tin ông mất mà mình về không được Hoàng đã ray rứt suốt cả tháng trời sau đó.

Hơn năm tiếng đồng hồ ngồi máy bay, vậy mà vừa xuống ở phi trường, Hoàng đã thuê xe về ngay quê nhà, nơi cách thành phố đến hơn trăm cây số. Người tài xế cũng ái ngại giùm Hoàng:

- Bây giờ đã hơn 8 giờ tối rồi, sao cậu không nghỉ ở khách sạn rồi mai hãy về sớm?
Hoàng cười nhẹ:

- Tôi có việc gấp.

Anh tranh thủ ngả lưng ra băng ghế, cố chợp mắt một lát. Nhưng chỉ được vài mươi phút thì chợt giật mình, bởi chiếc xe thắng gấp, kèm tiếng càu nhàu của người tài xế.

- Bộ điên chắc!

Hoàng mở mắt ra hỏi:

- Có chuyện gì vậy anh?

Chỉ tay về phía lề đường, bác tài xế đáp:

- Tôi không thắng kịp thì cô ta đi đời rồi?

Thoáng thấy một bóng người mặc chiếc áo dài trắng đứng bơ vơ bên vệ đường, Hoàng ngạc nhiên:

- Cô gái đó?

- Cô ta từ trong lề đã bất thần lao ra chặn trước đầu xe mình, nếu tôi thắng không kịp thì không biết chuyện gì đã xảy ra!

Hoàng chưa kịp có ý kiến gì thì đã thấy cô gái tiến đến gần bên xe, nói gì đó lí nhí mà trong xe Hoàng không nghe rõ. Anh hỏi:

- Cô ấy nói gì vậy?

Bác tài có vẻ không hài lòng:

- Cô ấy xin quá giang xe.
Nhìn ra thấy cô gái đang xách trên tay chiếc va-li lớn, có vẻ nặng, Hoàng tỏ ra thương cảm:

- Chắc cô ta về xa mà đón không được xe hay gì đó...

Bác tài lắc đầu nguầy nguậy:

- Thời buổi này hơi sức đâu mà tin mấy cô này cậu ơi! Bọn lừa đảo nhiều chiêu lắm...

Nhưng Hoàng đã đột nhiên quyết định:

- Anh cứ hỏi xem cô ta về đâu?

Và không đợi bác tài xế hỏi, Hoàng đã kéo kính gió xuống, ló đầu ra hỏi:

- Cô muốn đi nhờ?

Cô gái mừng rỡ:

- Dạ, em về Vĩnh Long, mà giờ này không còn xe. Em đón hoài không ai cho quá giang. Em thân gái không biết phải làm sao...

Hoàng nhìn cô nàng, mặc dù trời tối, nhưng cũng nhận ra nét duyên dáng, trong sáng của một nữ sinh, anh nói liền:

- Tôi cũng về Vĩnh Long, vậy cô cứ lên đi, xe còn rộng.

Hoàng quay sang nói với bác tài:

- Cứ cho cô ấy quá giang, mình giúp đỡ nhau mà.
Bác tài vẫn làu bàu:

- Cậu rước phiền phức cho coi...

Nhưng Hoàng cương quyết:

- Tôi không ngại, anh cứ chở.

Đích thân Hoàng bước xuống mở cửa xe và mời:

- Cô lên ngồi phía sau với tôi. Mình là đồng hương mà.

Cô gái hơi ngượng khi phải ngồi chung với người lạ, nhưng Hoàng đã trấn an:

- Tôi đi du học mới về, tôi quen cách xử sự của phương Tây, nên cô đừng ngại. Ngồi chung mà hồn riêng thì đâu việc gì phải sợ!

Thấy Hoàng vui vẻ nên cô gái cũng bước lên ngồi bên trong. Hoàng bảo tài xế:

- Anh cho va-li cô ấy ra thùng xe cho gọn.

Lúc đầu bác tài không có cảm tình với cô nàng, nhưng khi đã nhìn rõ mặt cô ta thì anh chàng lái xe hơi giật mình, cô ta đẹp và hiền quá, nên anh lại có cảm tình.

Sau khi cho va-li vào thùng xe xong, anh tài xế còn hỏi:

- Cô đón xe bao lâu rồi?

- Dạ, hơn một tiếng đồng hồ mà chiếc xe nào cũng từ chối! Mà nào em có quá giang không đâu...
Không hiểu ý cô nàng, Hoàng hỏi lại:

- Cô nói thế là sao?

Anh tài xế phải giải thích giúp:

- Cô ấy nói mình quá giang có trả tiền đàng hoàng!

Hoàng nhìn sang cô ta và giật mình trước nhan sắc mà anh không ngờ! Anh buột miệng:

- Cô... cô là...

- Em là Ngọc Hà. Em đi học ở Sài Gòn, nay nghỉ hè về quê.

- Vừa rồi cô nói là quá giang xe có trả tiền, vậy nếu tôi nói tôi không muốn người đi chung mà trả tiền cho người cho mình quá giang thì cô nghĩ sao?

Cô nàng vẫn bình tĩnh chớ không chút gì lúng túng:

- Đó là em nói với những người từ chối cho mình quá giang, chớ còn... như xe này thì có cho vàng em cũng không dám nghĩ vậy!

Cách ăn nói dạn dĩ của cô gái đã khiến Hoàng cảm thấy gần gũi hơn, anh hỏi:

- Em nói ở Vĩnh Long mà cụ thể là ở đâu?

- Dạ, ở ngay thị xã, cách chừng hơn cây số.

Hoàng reo lên:
- Gần vườn nhãn Thầy Tiêu không?

Cô gái ngạc nhiên:

- Anh cũng biết nơi đó?

Hoàng cười:

- Bởi vườn nhãn Thầy Tiêu là đất nhà tôi!

Lần này đến phiên cô gái reo lên:

- Vậy liền nhà nhau rồi!

Hỏi ra thì mới biết cô gái có nhà ở sát bên đất vườn nhà của Hoàng. Tuy đi học xa lâu ngày mới về một lần, nhưng Hoàng cũng còn nhớ có lần anh nhìn thấy ngôi nhà ngói lớn bên cạnh, thì ra là nhà cô gái này:

- Đúng là quả đất tròn rồi! Mà sao lâu nay tôi chưa từng gặp cô lần nào?

- Em cũng thỉnh thoảng mới về.

Câu chuyện của họ càng lúc càng thân tình, sôi nổi. Hoàng tỏ ra hào hứng khi nghĩ kỳ nghỉ hè này sẽ có được một người bạn mới ngay cạnh nhà. Anh đề nghị:

- Tuần này Ngọc Hà có rảnh không? Mình tổ chức một chuyến đi dọc sông Cổ Chiên, qua bên kia cồn chơi cho vui?

Cô nàng có vẻ tư lự:
- Chuyện này... để em tính đã. Em sẽ trả lời anh Hoàng ngay ngày mai thôi. Bởi em về còn có một ít việc...

- Cũng được, mình còn tới mấy tháng hè mà.

Xe vừa qua bắc Mỹ Thuận thì cô gái xin xuống:

- Em ghé nhà ngoại em rồi chiều mới về nhà. Nhà ngoại em ở cầu Trường An đây, xin chú tài xế làm ơn ngừng ở đây.

Cô xuống xe rồi mà Hoàng vẫn còn nhìn theo, cho đến khi bóng cô ta khuất sau hàng cây ven đường. Bác tài xế hình như thông cảm với vị khách của mình:

- Cô ấy đẹp quá hả thầy!

Hoàng cũng buột miệng:

- Đẹp thật!

- Thầy đúng là có số hên!

Hoàng ngạc nhiên:

- Số hên gì anh?

- Thì hên nên mới cho người quá giang đẹp cỡ đó.

Nhìn sang băng ghế bên cạnh phát hiện chiếc áo khoác cô nàng bỏ quên, Hoàng kêu lên:

- Cô ấy quên cái áo rồi!

Bác tài rất rành tâm lý nên nói:

- Con gái mà quên đồ khi ngồi với trai, một là do quá hồi hộp, lúng túng, hay là cố ý... mà như vậy thì thầy Hai có cớ để gặp lại cô ta chứ!
Xe về đến nhà đã khá khuya, nhưng Hoàng vẫn bảo người tài xế dừng lại trước ngôi nhà của Ngọc Hà để quan sát khá kỹ. Tuy là sát ranh nhau, nhưng cổng ra vào nhà này lại ở hướng khác, nên từ nhà chú Hoàng mà muốn sang đây phải đi vòng một quãng đủ mỏi chân.

- Nhà cô ấy đó!

Hoàng nói đột ngột nên người tài xế nghe không hiểu, anh ta hỏi lại:

- Vào nhà này hả thầy?

Hoàng chỉ tay tới trước:

- Nhà kia.

Việc Hoàng về lúc nửa khuya làm cả nhà anh vừa mừng vừa ngạc nhiên. Thím Ba Hoàng trách:

- Sao về nước mà con không đánh điện về báo trước, để cả nhà lên Sài Gòn đón!

Hoàng chỉ tay sang người tài xế:

- Có chú này đón là đủ rồi!

Rồi anh bảo:

- Đã quá khuya rồi, anh ngủ lại rồi sáng về sớm.

Bác tài khoái thác:

- Mới hơn mười giờ mà ăn thua gì, tôi quen chạy xe đêm rồi nên về giờ này mát. Vả lại sáng mai tôi còn có mối đi Vũng Tàu gấp. Thôi, xin cám ơn thầy Hai và xin kiếu.
Anh ta vừa lùi xe ra cổng bỗng chợt nhớ ra, kêu lên:

- Còn chiếc va-li của cô ấy!

Hoàng hốt hoảng:

- Ờ, lúc nãy cô ấy xuống xe mình quên nhắc!

Bà thím Ba Hoàng ngạc nhiên:

- Có cô nào vậy con?

Hoàng vừa tiếp nhận chiếc va-li do anh tài xế mở thùng xe đưa cho, vừa ngượng nghịu đáp:

- Dạ... một cô quá giang dọc đường.

Một cách vô tình, người tài xế nói:

- Cô ấy nhà ở cạnh đây mà lo gì, ngày mai thế nào cô ấy chẳng qua lấy.

Bà thím càng thắc mắc thêm:

- Ai mà ở cạnh nhà con?

Hoàng đành phải nói thật:

- Cô gái ở nhà cạnh đất mình đây, gặp con ở dọc đường, cô ấy quá giang xe...

Bà thím tròn xoe mắt:

- Con nói... đứa nào? Ở nhà nào?

- Dạ, ngôi nhà ngói lớn sát ranh đất mình đây!

- Nhà Huyện Thời?

- Dạ, con không rõ, nhưng cô ấy nói ngôi nhà sát đất mình, mà ở cạnh đây thì chỉ có đúng ngôi nhà ngói này thôi. Cô ấy tên Ngọc Hà!
Bà thím run thấy rõ:

- Trời ơi... sao lại có chuyện này? Sao lại...

Bà kêu với vào trong nhà:

- Con Ngọc đâu, ra má bảo!

Ngọc là con gái lớn của chú thím Hoàng, tuy gọi Hoàng bằng anh, nhưng tuổi thì lớn gần gấp đôi. Từ trong bước ra, cô mừng khi thấy Hoàng:

- Anh Hoàng về nãy giờ mà em bị bệnh không ra được. Có chuyện gì vậy anh Hoàng?

Bà thím hỏi liền:

- Con còn nhớ con Ngọc Hà con Huyện Thời nhà ở cạnh mình không?

Ngọc đáp ngay:

- Sao không nhớ má, dẫu nó chết cách đây gần chục năm rồi, nhưng thời con gái con với nó chơi thân nhau mà!

Hoàng cười lớn:

- Cô em lớn xác của tôi ơi, không phải cô Hà đó đâu! Cô này chỉ khoảng mười tám đôi mươi thôi?

Ngọc gân cổ cãi:

- Nếu là con ông Huyện Thời thì chỉ có mỗi con Hà đó, nó bằng tuổi em mà!

Trong lúc Hoàng còn đang ngơ ngác thì bà thím Ba tiếp bằng giọng run run:
- Con lâu về đây nên không biết, ông Huyện Thời chỉ có đứa con gái duy nhất tên là Ngọc Hà, con nhỏ xinh đẹp nhất vùng này nên nhiều người theo đuổi, nhưng nó chưa chịu lấy ai thì bỗng lăn đùng ra chết khi mới vừa học xong tú tài! Nó chết rồi nhà ông Huyện tuyệt nòi luôn, bởi chỉ sau đó hai năm thì cả vợ chồng ông Huyện cũng đua buồn mà chết theo. Thế rồi...

Bà xúc động không kể tiếp được, Ngọc phải bổ sung:

- Còn hai người anh của Ngọc Hà nữa, nhưng ảnh làm ăn ở Sài Gòn, nghe nói chơi bời trác táng lắm nên không bao giờ về quê, do vậy ngôi nhà lớn của ông bà Huyện từ đó hầu như bỏ hoang luôn. Lâu rồi chẳng thấy có ai léo hánh nên xứ này người ta hầu như quên bẵng nó.

Hoàng vẫn chưa tin đó là sự thật:

- Để sáng mai tôi đi hỏi kỹ lại coi quanh đây còn ngôi nhà ngói nào nữa hay không. Có thể có và cũng có một cô Ngọc Hà khác nữa...
Ngọc cười, lắc đầu:

- Nguyên cả vùng này chỉ có nhà mình và nhà Huyện Thời là nhà ngói thôi. Anh có kiếm đỏ con mắt giờ cũng chẳng ra ngôi nhà thứ ba!

Hoàng bí quá phải đưa chiếc áo khoác ra nói:

- Đây là áo của cô ấy bỏ quên trên xe của anh. Còn đây nữa, chiếc va-li này cũng của cô ấy.

Lúc này Hoàng mới để ý trên chiếc va-li có đính theo một cái thẻ, trên thẻ có ghi họ tên và địa chỉ. Cúi xuống đọc xong Hoàng kêu lên:

- Nè, em đọc coi có phải rành rành tên, địa chỉ của "Lê Thị Ngọc Hà, xóm Thị, xã Hàng Thái (biệt thự Huyện Thời)"

Cả Ngọc và thím Ba đều ngơ ngác:

- Sao có chuyện này được!

Thím Ba còn nói thêm:

- Hồi đám tang con Ngọc Hà thím có dự nữa mà. Mồ mả dòng họ đó vẫn còn chôn trong đất nhà, sát ranh mình đây, nếu cần thì mai mốt con qua đó mà coi!

Ngọc nhận xét:
- Em nghi đứa con gái nào đó nó thấy anh đi xe hơi, tướng tá bảnh bao nên bày trò gạt anh đó!

Hoàng ngẩn người ra một lúc rồi lẩm bẩm:

- Không thể...

Anh đem chiếc va-li về chỗ ngủ của mình mà vẫn luôn nghe lời bình phẩm phía sau lưng của Ngọc:

- Mấy chàng công tử dáng đẹp trai, con nhà giàu, lúc nào cũng bị con gái bám theo!

Hoàng muốn cãi nhưng lại thôi. Với anh, cách tốt nhất là trực tiếp điều tra sẽ hay hơn... Ngọc còn nói với theo lúc Hoàng bước vào căn phòng dành cho anh:

- Căn phòng đó cửa sổ nhìn thẳng qua bên mấy cái mả của nhà ông Huyện Thời, trời sáng trăng có thể nhìn thấy dễ dàng!

Hoàng không hứng thú gì chuyện đó, nhưng những lời của Ngọc cũng khiến anh không tài nào ngủ được. Anh cũng không thể nào không tò mò với chiếc va-li của cô nàng. Sau vài phút lưỡng lự, Hoàng thử bấm chốt khóa và mở được liền. Va-li không khóa.
Những gì bên trong khiến Hoàng ngẩn người ra. Toàn quần áo mặc trong nhà. Tất cả hầu như còn mới và chỉ một màu trắng tinh khiết. Hương thơm dịu nhẹ nhưng sức lan tỏa thì vô cùng... Hoàng như bị ngất ngây với mùi hương kỳ lạ đó...

***

Cuối cùng thì Hoàng cũng toại nguyện. Anh đã đột nhập được vào ngôi nhà cổ bên cạnh. Đây là ngày thứ ba anh về đây, và phải khó khăn lắm trước sự dặn dò và theo dõi của bà thím anh cũng như cô em quá tò mò. Họ lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại:

- Đừng bao giờ dại dột tìm cách vào ngôi nhà hoang đó nghe chưa!

Tuy tỏ vẻ nghe theo, nhưng đã hai ngày qua, lúc nào Hoàng cũng tìm cách để tiếp cận cho được ngôi nhà. Thật sự Hoàng không hề nghi ngờ gì về cô gái tên Ngọc Hà. Với anh, những chuyện có tính cách ma quái, hoang đường ấy chẳng qua kể để nghe cho vui. Chứ những gì anh đã thấy, đã gặp mới đáng tin. Nhất là cái va-li quần áo, nó là bằng chứng sống cho thấy người mặc những quần áo đó không thể nghi ngờ gì, cô ta là một cô gái bằng xương bằng thịt bình thường như mọi người! Điều này chính linh tính nhạy bén của Hoàng đã cho anh biết như vậy.
Sáng nay, Hoàng phải tìm cách nói với bà thím là anh đi qua làng bên cạnh thăm mấy người bạn cũ, phải chiều mới về. Nhờ vậy anh mới rời khỏi nhà mà không có sự tò mò của Ngọc. Hoàng phải thật sự đi một quãng đường trên năm sáu cây số, rồi lén quay lại bằng đường tắt, để rồi lẻn vào ngôi nhà qua cổng phía sau, tức cách xa ranh đất của nhà chú thím Ba.

Nghĩ là nhà không có ai ở, nên Hoàng cứ đủng đỉnh đi từ phía bên này sang bên kia và sau cùng đi thẳng vào nhà lớn. Phải công nhận là ngôi nhà còn lớn rộng và bề thế hơn nhà của chú Ba. Tuy đã cũ và lâu không có người ở, nhưng toàn bộ ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn và bên trong không có vẻ gì là hoang phế.

Bước tới đâu Hoàng cũng tỏ ra tiếc rẻ, anh thầm nghĩ, một ngôi nhà như thế này mà không có người ở thật là uổng. Đặc biệt là khi đến trước một căn phòng để hé cửa, Hoàng đã phải dừng lại, bởi có hương thơm nhẹ nhàng từ trong tỏa ra, khiến Hoàng phải buột miệng:
- Hương thơm này!

Anh thấy nó giống y như mùi thơm từ quần áo trong rương của cô gái!

- Cô Ngọc Hà ơi!

Hoàng bật lên tiếng kêu mà không kịp suy nghĩ. Vì anh, chắc chắn người mang mùi hương đó là Ngọc Hà!

Cánh cửa bỗng mở rộng ra mà chẳng thấy ai mở. Vừa khi ấy, có một giọng nói vừa đủ nghe phát ra từ bên trong:

- Ai tới thì bước vào, chứ tôi không thể ra ngoài được...

Giọng nói có vẻ mệt nhọc và hụt hơi. Hoàng hơi sửng sốt nhưng chỉ thoáng qua, rồi anh lấy lại sự gan lì cố hữu, bước hẳn vào phòng.

Đến lúc này thì Hoàng sững sờ trước căn phòng bài trí hài hòa, ấm cúng. Một căn phòng của người sống đang ở, Hoàng nghĩ như vậy!

- Đóng cửa lại, bởi tôi đang bệnh không chịu được tiếng ồn bên ngoài. Tôi cũng sợ ánh sáng nữa.

Lúc này Hoàng mới đánh bạo hỏi:

- Bà là chủ ngôi nhà này? Tại sao bên ngoài hoang phế mà trong này lại...
Một tiếng thở dài tuy nhỏ nhưng Hoàng vẫn nghe. Tiếp theo là giọng nói lúc nãy lại cất lên:

- Cậu đi tìm một cô gái phải không?

Hoàng đáp nhanh:

- Dạ đúng. Bà đây là...

- Tôi thì không quan trọng. Con gái tôi mới đáng nói...

- Vậy ra cô Ngọc Hà là con gái của bà?

Một tiếng reo khẽ:

- Đúng là cậu rồi! Con Hà nó dặn phải là người biết được tên nó thì mới cho vào đây. Mà sao tới bữa nay cậu mới sang?

- Ngọc Hà đâu rồi bác?

- Nó chờ cậu hai ba ngày rồi, bữa nào cũng ngồi trong phòng này chờ cho tới chiều tối...

Hoàng sốt ruột:

- Cô ấy biết nhà cháu mà, sao không qua bên đó hỏi. Cháu cũng chờ...

- Nó có qua hai ba lần, nhưng người ta không cho gặp, khiến cho con nhỏ về ngồi than vắn thở dài, bởi bao nhiêu quần áo nó để quên trong va-li, làm hai hôm nay phải mặc quần áo giặt đi giặt lại.
Hoàng hốt hoảng:

- Vậy để cháu về lấy đem qua ngay!

- Khoan đã. Nó đi qua ngoại nó rồi, chiều mới về.

- Bên Trường An?

Hoàng vẫn muốn chạy về lấy chiếc va-li, nhưng người đàn bà trong phòng vẫn cố giữ anh ở lại:

- Cậu đã sang rồi thì hãy ngồi lại đây, tôi cần nói chuyện với cậu.

Và không đợi Hoàng hỏi thêm, bà ta đã chủ động nói tiếp:

- Cậu muốn hỏi sao mẹ con tôi lại ở trong ngôi nhà hoang này chứ gì?

- Dạ...

- Nhưng cậu vào đây có thấy nó có đúng là nhà bỏ hoang không?

- Dạ không. Cháu đang thắc mắc điều đó...

Một tiếng thở dài nữa, lần này nghe rõ hơn, hình như bà ta đến gần hơn với tấm màn che ngang căn phòng mà người bên ngoài không nhìn thấy bên trong. Giọng hơi khó nghe hơn, nhưng vẫn đủ cho Hoàng hiểu được những gì bà đang nói:

- Mẹ con tôi là hai người cuối cùng còn lại của dòng họ danh giá và cũng lắm tai tiếng này. Chỉ bởi...
Bà ngừng lại một lúc khá lâu rồi mới tiếp:

- Chỉ bởi tôi mắc chứng bệnh nan y...

Hoàng bật kêu lên:

- Thì ra...

- Nhưng cậu đừng lo. Bệnh tôi nan y, nhưng không lây, do vậy...

Hoàng cải chính liền:

- Dạ ý cháu không phải vậy. Cháu chỉ muốn biết có phải vì chuyện này mà bác giấu tông tích mình với mọi người không?

- Gần như vậy. Nhờ thế mà lâu nay tôi được ở yên. Chỉ phiền là mỗi lần con tôi về thăm là nó phải trốn tránh mọi người, không dám ra ngoài.

Bà lại ngừng nói, mất thêm mấy chục giây nữa, rồi tiếp bằng giọng trách móc:

- Tôi chẳng hiểu giữa cậu với con gái tôi quen thân thế nào mà nó lại chỉ cho cậu nơi ở này. Đây đâu phải là nơi người như cậu tới. Nhất là cậu lại là con của người bên cạnh nhà... Cậu là thế nào với cô Ngọc bên đó?

- Bác biết em họ cháu?
Bỗng người bên trong tấm màn thảng thốt kêu lên:

- Cậu là con của... Biện lý Vĩnh?

Nghe bà ta gọi đúng tên cha mình, Hoàng quá đỗi ngạc nhiên:

- Ba cháu chết lâu rồi, sao bác biết ba cháu?

- Trời ơi...

Một tiếng kêu thảng thốt từ bên trong khiến cho Hoàng hốt hoảng, suýt nữa anh đã vén màn chạy vào rồi.

Cũng may người kia ngăn kịp:

- Cậu không được vào đây! Tôi hỏi lại, có đúng cậu là con của Hai Vĩnh không?

- Dạ đúng. Cháu là đứa con duy nhất của ba cháu. Ông ấy chết lúc cháu mới lên hai tuổi, nên cháu được chú Ba cháu nuôi cho ăn học. Cháu đi học xa nên ít khi về quê, do đó ít quen biết ai ở đây. Cháu cũng chỉ quen Ngọc Hà mới đây thôi, trong lúc cô ấy quá giang xe cháu.

- Vừa rồi cậu nói gì? Ba cậu...

- Dạ, ba cháu mất cách đây đã bảy tám năm rồi, mất ở bên Pháp.

- Cái gì, Hai Vĩnh đi Pháp hồi nào?
- Dạ, ba cháu đi một lượt với cháu. Qua Pháp được hai năm thì ông ấy mất trong một tai nạn giao thông. Chôn ở bên Pháp.

- Trời ơi!

Lần này tiếng kêu trời nghe não lòng hơn, rồi sau đó là tiếng bật khóc và nấc lên từng hồi. Hoàng hoang mang quá, anh chờ một lúc rồi mới dám lên tiếng hỏi:

- Bác làm sao vậy? Có cần...

Giọng bà ta tỏ ra khá mệt:

- Cậu về đi Nếu tiện thì lúc nào đó cậu mang giùm cái va-li của Hà qua đây. Cậu cứ để ngoài cửa cũng được không cần vào. Tôi cám ơn cậu...

Sau câu nói đó hầu như Hoàng không còn nghe bất cứ động tĩnh nào bên trong, cánh cửa phòng ngoài nãy do tự anh đóng lại, bỗng nhiên mở ra từ từ như người mở. Hoàng giật mình nhìn lại thì chẳng thấy ai ở cửa, anh lên tiếng trước khi bước lùi ra:

- Cháu xin phép về. Rồi cháu sẽ mang va-li qua ngay.
Vẫn không nghe trả lời. Khi Hoàng vừa bước ra khỏi cửa thì cánh cửa tự động khép lại. Ngôi nhà trở lại vẻ u tịch vốn có của nó. Hoàng ra về bằng cửa lúc vào, nhưng anh hơi bất ngờ khi cánh cổng đó đã bị ai khóa lại rồi! Loay hoay mãi, cuối cùng Hoàng mới tìm được một lối ra khác, mà khi lọt được ra ngoài rồi anh vô cùng ngạc nhiên, bởi chắn ngang lối ra là một nghĩa địa gia tộc, mà từ đó Hoàng có thể nhìn thấy nhà chú thím mình chỉ cách một hàng rào tre! Đúng như Ngọc đã nói đêm trước, đây là nơi chôn cất nhà Huyện Thời. Trong số năm ngôi mộ có một ngôi mà vừa nhìn thấy Hoàng đã buột miệng kêu lên:

- Ngọc Hà!

Nếu không được nghe Ngọc nói trước thì chắc là Hoàng đã sửng sốt đứng tim!

Anh cúi xuống nhìn kỹ và đọc được dòng ghi ngày tử: 14 tháng 4 năm Ất Sửu...
Nhẩm tính xong, Hoàng lẩm bẩm:

- Như vậy là đã hơn năm năm rồi... Không thể nào!

Hoàng còn đang ngẩn ngơ nhìn ngôi mộ thì từ bên kia hàng rào tre có tiếng gọi lớn:

- Anh Hoàng, sao anh ở bên đó?

Hoàng nhìn lên thì thấy Ngọc và thím mình đang tròn xoe mắt nhìn sang. Anh lúng túng:

- Con... con sang...

Ngọc gọi giật:

- Anh về nhà liền đi, có khách ở Sài Gòn ngồi chờ bên nhà nè!

Hoàng ngạc nhiên:

- Khách nào? Anh đâu có quen ai ở Sài Gòn đâu?

Thím Ba cũng giục:

- Người ta chờ hơn nửa tiếng rồi, con mau về đi!

Hình như họ sợ hãi lắm khi thấy Hoàng đứng giữa mấy ngôi mộ. Ngọc bảo:

- Hay anh vạch rào đi tắt về cho nhanh!

Hoàng không muốn kinh động trong nhà, nên anh chấp nhận sự đi tắt không đàng hoàng đó. Khi anh về được bên nhà mình thì Ngọc nói:

- Lối đó là của mấy con chó chạy qua lại lâu ngày thành đường đi, nhưng đâu ai dám qua bên đó!
Thím Ba trách:

- Sao con qua đó một mình làm gì?

Hoàng đành phải nói:

- Con tính kiếm cô gái ấy để trả lại chiếc va-li. Cũng may là gặp...

Cả thím Ba và Ngọc đều sửng sốt:

- Gặp ai?

Hoàng chợt nhớ là mình chưa tiện nói ra những gì vừa gặp, anh nói lảng sang chuyện khác:

- Ai đợi vậy?

Ngọc chỉ tay vào nhà:

- Một cô gái, nói là bạn của anh, cổ ngồi đợi lâu lắm rồi, em có nói là chưa biết lúc nào anh về thì cô ấy bảo đợi tới giờ nào cũng được!

Hoàng bước nhanh vào nhà, nhờ vậy tránh được câu trả lời cho thím Ba. Vừa bước vào tới phòng khách, anh đã phải kêu lên:

- Kìa, Ngọc Hà!

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play