Y-vôn (Yvone) ngỡ ngàng trước cảnh vật nơi cô vừa đặt chân tới. Đồn điền cao su Đất Đỏ (Plantation Terre Rouge) mà từ lâu cô chỉ nghe nói đến qua những lá thư mà Béc-na (Bernard) gửi về. Béc-na, chồng Y-vôn từ Pháp sang đây làm việc đã được ba năm, chỉ về xứ mỗi năm vài lần, nên tuy cưới nhau gần bốn năm mà họ chỉ có với nhau một đứa con.

Y-vôn sợ cái xứ sở mà cô nghe mô tả như là một nơi hoang dã kém văn minh, đời sống lạc hậu và thiếu thốn đủ điều. Vì vậy, được nhiều bạn bè khuyên, nhưng cô vẫn không chịu cùng theo chồng. Một người bạn thân đã dọa Y-vôn:

- Mày coi chừng mấy cô gái bản xứ, họ tuy không đẹp nhưng có sự quyến rũ khó lường, nhiều người đã mất chồng vì bọn đó!

Y-vôn vốn tự tin. Tuy nhiên, hai tháng trước đây cô nhận được một mẩu tin cắt ra từ một tờ báo địa phương, nơi Béc-na làm việc, trong đó thuật lại những vụ cưỡng bức phụ nữ dẫn đến cái chết của hai cô gái, mà thủ phạm lại có dính dáng đến chồng. Y-vôn viết thư hỏi chuyện thì Béc-na phủ nhận, cho rằng các tờ báo này đăng không chính xác.
Mà ai đã gửi mẩu tin trên tới Y-vôn, trong khi từ đồn điền cao su xứ sở Viễn Đông tới địa chỉ của cô vợ tội nghiệp cách hơn nửa vòng trái đất? Trong thư chỉ ghi là "một người quan tâm đến gia đình anh chị". Thế thôi...

Chưa có dự tính làm cuộc phiêu lưu xa vạn dặm, chợt có một cơ may. Một người chú của Y-vôn đến nhận nhiệm sở ở một tỉnh gần đồn điền của Béc-na, ông hỏi cô nếu muốn đi theo thì ông sẽ đưa đến tận nơi Béc-na đang làm việc. Thế là cô vợ trẻ ra đi một mình, gửi con lại cho ông bà ngoại ở ngoại ô Paris chăm sóc.

Xe ô tô đưa Y-vôn đến tận đồn điền Te-Rui (Terre Rouge) rồi bàn giao cho Béc-na, ông chú đã đi ngay về Sài Gòn. Mặc dù không phấn khởi lắm với sự xuất hiện của vợ, nhưng Béc-na vẫn tỏ ra săn đón, đưa ngay Y-vôn về biệt thự mà đồn điền đã dành cho những người có vai vế trong ban giám đốc. Béc-na giữ vai trò là một đốc công phụ trách kỹ thuật bởi anh là kỹ sư tốt nghiệp trường Đại Học Canh Nông ở Pháp.
Y-vôn được chồng dẫn đi xem một vòng đồn điền rộng lớn vào bậc nhất ở vùng này. Những công nhân bản xứ nhìn xe Béc-na đi qua đều đứng nép vào hai bên đường, cũng có thể là do sợ hãi, nhưng hình như cũng có phần nào vì không ưa con người này. Y-vôn rất tinh tế, cô hỏi ngay:

- Những người kia có vẻ không hào hứng lắm khi thấy anh?

Béc-na nhún vai:

- Có gì đâu, bởi họ là tôi tớ còn mình là chủ. Tớ có bao giờ ưa chủ đâu, mà là chủ Tây nữa!

Y-vôn muốn góp một câu với ý: "kiểu thế này thì anh bỏ quách nơi này về xứ đi, thiếu gì công việc!", nhưng kịp nghĩ lại, nên cô giữ im lặng suốt quãng đường.

Chỉ những dòng suối chảy qua khu đất thấp, Y-vôn thích thú reo lên:

- Ồ, đẹp quá! Mình có thể ra đó tắm được không anh?

Béc-na không hồ hởi:

- Được nhưng còn thiếu gì chỗ tắm khác, ở trong nhà mình có xây hẳn một bể bơi đấy.
Y-vôn lắc đầu:

- Tắm trong hồ bơi giữa khu rừng thơ mộng như thế này thì có gì là thú vị. Được rồi, sáng mai anh đưa em ra đó...

Nàng bỏ lửng câu nói, xoay qua chỉ tay về phía xa, nơi có những căn nhà lá nằm khuất trong rừng cao su:

- Nhà của ai trong ấy vậy?

Béc-na xua tay:

- Nhà của công nhân đồn điền. Nhưng tuyệt đối không được tới đó, nghe chưa!

- Sao vậy?

Anh chàng lộ vẻ không thích thú:

- Thì đã nói là không nên mà. Ở đó...

Không tìm được câu nói thích hợp, Béc-na vội quay đầu xe lại, chạy nhanh hơn lúc nãy, anh ta vừa lặp lại câu nói:

- Em không nên tới khu đó suốt những ngày ở đây. Mà nè, em định bao giờ thì trở lại bên ấy?

Bất mãn với thái độ của chồng. Y-vôn nhìn thẳng vào anh ta:

- Anh không muốn em ở lại, tại sao?

Béc-na chống chế.

- Thì... thì tại... sợ em không quen với nơi heo hút này. Vả lại, ai ở đây cũng đều dễ bị sốt rét, nguy hiểm lắm!
Y-vôn không còn kiên nhẫn được, cô gắt lên:

- Hay là anh sợ em ở đây rồi khám phá ra đủ thứ chuyện về anh! Được rồi, em sẽ về ngay bây giờ, cho em xuống xe.

Thấy nguy, Béc-na dịu giọng:

- Anh nói không khéo, chẳng qua vì lo cho em thôi chớ còn như anh, đã bao năm nay anh chịu đựng quen rồi...

Không khí căng thẳng giữa họ cũng qua khi xe về đến nhà. Y-vôn giận dỗi bỏ về phòng, đóng ầm cửa lại và gom hết quần áo cho vào vali.

Béc-na gõ cửa mãi không được, quay sang dặn người giúp việc:

- Nếu cô ấy có hỏi cách về Sài Gòn thì bảo là phải sáng mai mới có chuyến xe.

Anh chàng bỏ sang nhà người bạn đồng hương gần đó. Nửa giờ sau Y-vôn hỏi chị giúp việc hiểu được chút tiếng Pháp:

- Có cách nào liên lạc được với Sài Gòn?

Chị giúp việc bảo:

- Có, nhưng phải sang văn phòng, nơi đó có tổng đài điện thoại gọi thẳng về dưới.
- Văn phòng ở đâu?

Chỉ về tòa nhà phía bên kia, chị ta đáp:

- Ở đó, cách vài trăm mét, nhưng giờ này không ai mở cửa, vả lại...

- Vả lại thế nào? Có phải Béc-na đã cấm chị không được giúp tôi chớ gì?

- Dạ, dạ không. Tôi phục tùng bà, thưa bà Béc-na.

Thấy thái độ của chị ta. Y-vôn cũng nguôi cơn giận.

Cô dịu dàng hỏi:

- Chị làm ở đây được bao lâu rồi?

- Dạ, gần hai năm.

- Còn trước kia?

- Dạ, làm công nhân cạo mủ.

Một ý hay, lóe lên trong đầu, Y-vôn hỏi tới:

- Nhà chị ở đâu?

Chỉ tay ra màn đêm, chị ta đáp:

- Dạ, phía bên kia, chỗ ban ngày bà nhìn thấy nhiều nhà lá lụp xụp đó.

- Ngày mai chị dẫn tôi sang đó được không?

- Dạ, được chớ.

Đáp xong chị ta lại tỏ vẻ hoảng hốt:

- Mà chắc không được đâu. Ông Béc-na mà biết chắc ổng gϊếŧ tôi mất!

Y-vôn nhíu mày:

- Sao vậy? Đi qua đó cho biết sinh hoạt của công nhân thì có gì mà sợ. Bộ Béc-na cấm chị phải không?
- Dạ... dạ...

Thấy chị ta ấp úng mãi, Y-vôn phải trấn an:

- Thôi được, sáng mai chị cứ dẫn đường rồi tôi sẽ tự đi. Mà hay là chị xem có ai biết nói tiếng Pháp, nói họ giúp tôi cũng được. Tôi chỉ muốn trước khi về Pháp, biết được đời sống công nhân ở đây mà thôi, tôi cần báo lại cho bố tôi biết, để có cải thiện, giúp cho đời sống họ khá hơn.

Nghe xong, thái độ của chị người làm đổi khác ngay:

- Thôi được rồi, sẵn sáng mai tôi được ông Béc-na cho nghỉ nửa ngày, tôi sẽ dẫn bà về nhà chơi cho biết. Nhưng bà nhớ là đừng cho ông biết, tôi không muốn...

Vỗ vai chị ta, Y-vôn thân thiện:

- Chị khỏi phải lo, tôi sẽ giấu.

Trước khi Y-vôn quay về phòng riêng, chị người làm còn dặn:

- Ban đêm bà đừng mở cửa sổ, ở đây muỗi mòng và...

Chị ta ái ngại điều gì đó và nên ngừng lại không nói tiếp. Đến khi Y-vôn sắp đóng cửa phòng, chị căn dặn với theo:
- Tôi ngủ ngay nhà bếp, nếu bà có cần gì thì ấn chuông gọi, tôi sẽ tới ngay. Bà đừng mở cửa ra ngoài...

Tự dưng chị ta thấy có cảm tình với người phụ nữ trẻ đẹp này, người mà đáng lẽ ra chị ta phải sợ sệt, như đã và đang sợ ông chủ Béc-na trong nhà này.

Y-vôn đã thay đổi ý định, cô muốn ở lại thêm vài ngày để ít ra cũng có thể hiểu thêm về nơi chốn này. Cô nghĩ, có lẽ mình nên làm dịu với chồng, mặc cho thái độ kỳ quặc của anh ta... Mà cụ thể là ngay đêm nay, cô sẽ thể hiện vai trò người vợ trẻ xa chồng quá lâu, gặp lại và cống hiến đến tối đa những rạo rực trong cơ thể đang căng tràn sinh lực...

Vậy mà đến quá nửa đêm Béc-na vẫn chưa về. Lát sau người làm công bên nhà người đồng hương sang báo là do uống quá chén nên phải sáng mai Béc-na mới về nhà được.
Cơn giận lên đến đỉnh điểm, nhưng Y-vôn chỉ còn biết ôm mặt khóc rấm rứt một mình, giá mà cô có thể thét lên thật to, hét cho đến bao giờ cơn uất trào hạ xuống...

Đêm càng khuya thì không khí càng lạnh, không gian càng u tịch lạ thường. Những con chim rừng kêu lên tha thiết. Và thỉnh thoảng có những âm thanh gì đó rất lạ, lúc đầu còn xa, nhưng càng lúc dường như càng gần hơn. Đến lúc Y- vôn nghe như ngay ngoài cửa sổ. Cũng may là cửa sổ đã được đóng kín từ lúc chiều...

- Béc-na! Béc-na! Mày ở đâu, hãy ra đây. Hãy ra đây mà nhận lấy con của mày.

Đang nằm, Y-vôn bật ngay dậy. Rõ ràng câu nói của ai đó đang chỏ vào cửa sổ.

- Người ta gọi Bec-na?

Cô đầm trẻ lần đầu tiên trong đời gặp tình huống này, nên nhất thời chưa biết phản ứng ra sao, thì giọng ngoài kia càng nghe rùng rợn hơn:
- Béc-na! Mày định trốn tránh đến bao giờ, liệu có trốn mãi được không... Hãy ra đây mau, không thì tao vào phòng mày!

Đến lúc này thì Y-vôn không chịu đựng nổi, cô quên cả lời dặn của chị người làm Sao-leng, tung cửa chạy ra ngoài, gọi to:

- Chị gì ơi! Chị ơi!

Cũng may vừa lúc Sao-leng từ bếp chạy ra, chị đẩy vội cô chủ trở vô phòng lại, vừa trấn an:

- Không sao đâu! Để tôi đuổi chúng đi.

Chị hướng ra cửa sổ nói một tràng tiếng dân tộc, chẳng hiểu nội dung ra sao, nhưng đã thấy hiệu quả. Ngoài kia im bặt...

Y-vôn hai tay ôm lấy ngực, hơi thở gấp gáp như sắp ngất đi. Thấy vậy, Sao-leng vội đỡ cô nằm xuống giường vừa trấn an lần nữa:

- Không có gì đâu, chẳng qua là... là...

Chị ta cũng không biết giải thích như thế nào. Cũng may là Y-vôn đã yên, cô ôm chầm lấy người làm của mình như một cứu cánh trong lúc này. Thấy cô chủ có vẻ yên, đôi mắt nhắm nghiền như đi vào giấc ngủ, Sao-leng lấy mền đắp lên cho cô, vừa định bước ra, thì đã nghe Y-vôn gọi giật lại:
- Chị đừng đi, hãy ở lại với tôi đêm nay. Béc-na không về chị biết rồi đó.

Chị Sao-leng đành phải ngồi lại với sự áy náy. Bởi từ khi vào làm ở nhà này, một trong những nghiêm lệnh là tuyệt đối không được bước vô phòng chủ. Vi phạm, ngoài việc bị đuổi lại còn bị bắt đưa ra ngoài chợ, nhốt mục xương luôn. Nhưng bây giờ còn làm gì khác hơn...

Y-vôn định thần lại, cô ngồi lên đối diện với Sao-leng, giọng khẩn thiết:

- Tôi xin chị, hãy nói cho tôi nghe vừa rồi là chuyện gì? Có phải đó là ma hay không?

Sao-leng lặng thinh hồi lâu, đến khi Y-vôn nhắc lại lần nữa, chị mới đáp:

- Tôi cũng không biết nữa chỉ có điều...

- Đó là ai vậy?

- Sao-ly...

Vừa đáp xong, thấy lỡ lời, chị Sao-leng ngưng ngay lại, đưa mắt nhìn cô chủ đầy vẻ sợ hãi. Y-vôn hỏi dồn:

- Sao-ly là ai vậy? Và tại sao...
Sao-leng vốn chất phát của phụ nữ dân tộc thiểu số, chỉ ấp úng:

- Đó là... đó là...

Rồi chị ta ôm mặt òa lên khóc như một đứa trẻ. Ngơ ngác không hiểu chuyện gì, Y-vôn đưa tay vịn vai chị, an ủi:

- Không sao đâu, chị cứ nói, tôi hứa là chỉ mình tôi biết thôi. Tôi van chị...

- Không dám đâu! Nếu Sao-leng này nói ra thì chỉ có nước chết mà thôi. Ông chủ mà biết thì chẳng riêng mình tôi, mà cả dòng họ cũng không toàn thây. Tôi sợ lắm...

Chị ta bất ngờ sụp xuống lạy Y-vôn trước sự lúng túng của cô chủ người Pháp.

- Này, chị đừng làm thế! Tôi không phải là Béc-na, tôi là vợ anh ấy và tôi hứa sẽ ủng hộ chị, bảo vệ chị, chị cứ nói ra đi, rồi nếu cần tôi sẽ cho chị một số tiền đủ để đi nơi khác sống mà không phải sợ ai quấy rầy cả, giúp tôi đi chị.

Ngẩng lên nhìn Y-vôn một lúc, Sao-leng dường như mạnh dạn hơn, chị đáp rất khẽ:
- Nó là cháu gái của tôi...

- Nó còn sống?

- Không, đã chết rồi!

Y-vôn nghe lạnh cả người. Cô hỏi, giọng run run:

- Là hồn ma? Là...

Sao-leng nhẹ lắc đầu:

- Tôi cũng không biết, ở đây người ta gọi nó là ma rừng!

- Ma rừng? Nhưng tại sao cháu của chị bị chết? Và tại sao cô ấy lại gọi tên chồng tôi?

Trước những câu hỏi dồn dập, Sao-leng càng bối rối và cuối cùng chị lại một lần nữa quỳ lạy cô chủ:

- Xin cô đừng hỏi nữa. Tôi lạy cô, nếu cô muốn tôi còn sống...

Trước tình hình đó Y-vôn đành không hỏi nữa. Nhưng chỉ được một lúc, cô chợt nhớ và lấy ra mẩu báo cũ còn lưu giữ, đưa ra trước mặt người giúp việc của mình:

- Chị biết chuyện này?

Tất nhiên là chị ta không biết, bởi báo viết bằng tiếng Pháp. Y-vôn phải đọc và nói lại bằng thứ tiếng Pháp đơn giản như nãy giờ cô nói, lúc này Sao-leng mới gật đầu:
- Đúng, có chuyện đó.

- Phải chăng một trong hai nạn nhân là cô gái cháu của chị?

Chỉ một cái gật đầu nhẹ, rồi Sao-leng lại im lặng, bần thần. Chị chợt bước ra cửa phòng như chạy trốn. Y-vôn phải van lơn:

- Chị cứ ở lại đây với tôi, tôi sẽ không hỏi gì nữa vì tôi đã đoán biết được một phần rồi...

Sao-leng chẳng đặng đừng phải lưu lại, nhưng xem ra chị tỏ ra khá mỏi mệt, kiệt sức. Y-vôn lấy chăn gối cho chị ta nằm ngủ cạnh mình, tuy nhiên Sao-leng lại từ chối quyết liệt:

- Cô cho tôi ngủ ở dưới gạch được rồi, chỉ cần trải chiếc chiếu.

Chị ta ra ngoài lấy chiếu và trở vào với một chiếc lá khô có lẽ đã được cất giữ lâu ngày, đưa cho Y-vôn:

- Người dân tộc chúng tôi dùng loại lá này để cho ma rừng tránh xa. Bà thử để dưới gối rồi bà sẽ ngủ ngon.
Nhìn chiếc lá mà chẳng biết là lá gì, nhưng Y-vôn cũng chiều lòng, nhét ngay dưới gối. Cô tắt bớt đèn để dễ ngủ, vừa nói:

- Chị cứ ngủ yên, Béc-na sẽ không trở về lúc nửa đêm đâu đừng lo.

Lúc ấy có lẽ cũng đã hai giờ sáng. Y-vôn mệt mỏi bởi cuộc hành trình, sắp đi vào giấc ngủ... chợt cô bật dậy lần nữa bởi tiếng khóc của ai đó từ ngoài màn đêm vọng vào.

- Chị Sao... Sao-leng, ai khóc ngoài kia vậy?

Sao-leng chưa ngủ, chị cũng thút thít:

- Tội nghiệp, con nhỏ lạnh lẽo nên đêm nào cũng khóc.

- Cháu chị hả, Sao-ly hả?

Không đáp ngay câu hỏi, chị ta nói khẽ, hướng về phía phát ra tiếng khóc:

- Đi đi Sao-ly ơi, đùng làm khổ mình nữa. Đi đi...

Lạ làm sao, tuy tiếng nói của chị ta không lớn, ở ngoài kia không thể nghe, nhưng lời chị vừa dứt thì tiếng khóc cũng im bặt theo. Sao-leng thở dài nghe não ruột:
- Tội nghiệp con nhỏ, cứ đi lang thang rồi khóc suốt như vậy thì ai mà chịu cho nổi. Bà chủ ơi...

Y-vôn xuống đất nằm cùng chị, giọng cô xúc động.

- Ngày mai chị hãy nói cho tôi biết, tôi phải làm sao để cô gái ấy không kêu khóc nữa. Có cách nào không chị?

Giọng thành khẩn của bà chủ đã làm cho Sao-leng bình tâm lại. chị đáp khẽ:

- Dạ.

Chị nhắm mắt lại cố ngủ nhưng chỉ được một lát, chị lại mở mắt ra, bắt gặp Y-vôn đang nhìn mình. Ngồi bật dậy, giọng chị thân thiện:

- Để tôi kể cho bà nghe chuyện những con ma rừng.

Mừng quá, Y-vôn ôm chầm lấy chị, giục:

- Kể đi chị!

Giọng Sao-leng đều đều:

- Trong bộ tộc chúng tôi, hễ phụ nữ đang mang thai con so mà bị chết thảm thì thế nào cũng thành ma rừng. Tức những con ma chỉ xuất hiện về đêm. Còn các cô gái còn trinh nguyên mà chết thì sẽ trở thành ma xó, chuyên ẩn núp ở bụi, bờ, khe suối hay ngay cả trong nhà để nhát đàn ông chưa vợ. Ma của người chúng tôi không ác, khi nào uất hận lắm họ mới hung hãn và độc ác. Nhất là những con ma rừng bị cưỡng bức.
Chị kể đến đó thì ngừng lại, làm cho Y-vôn lạnh cả người. Cô nhớ lại tiếng kêu thảm thiết, đầy uất hận của cô Sao-ly nào đó lúc nãy, nỗi sợ làm lan khắp cơ thể...

Biết mình đã lỡ lời, Sao-leng trấn an:

- Có tôi ở đây thì chẳng có việc gì cả. Tôi hứa với bà...

Chi tiết vừa rồi có lẽ là giọt nước làm tràn ly. Nỗi sợ hãi và sức chịu đựng của một người phụ nữ từ bao giờ chưa hề biết đến những chuyện kinh khủng như thế này có hạn. Bất thần Y-vôn ngoẹo cổ sang một bên và ngất đi, toàn thân lạnh ngắt.

Quá hoảng sợ, chị Sao-leng ra khỏi phòng tìm vật gì đó để báo động, cuối cùng chị ta vừa dùng hai chiếc nồi sắt khua vào nhau vừa thét lên ầm ĩ! Chỉ lát sau thì đám bảo vệ, gia nhân ngủ ở các ngôi nhà gần đó chạy sang đông nghẹt, bế xốc bà chủ lên chiếc xe Xi-trô-en hai ngựa, hối chị Sao-leng:
- Chị theo xe để tôi chở tới trạm y tế đồn điền, nhanh!

Một vài người chạy đi báo cho Béc-na.

Đêm rừng như thâm u và lạnh lẽo thêm...

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play