Ầu ơ... Gió đưa bụi chuối... ờ... ơ... sau hè...

Anh theo vợ bé... ờ... ơ... Ầu ơ... Anh theo vợ bé bỏ bè con ơ... ớ... thơ... ơ...ơ...!

Điệu hát ru cứ xoáy vào tâm trí tôi vào mỗi đêm trăng sáng. Nó làm tôi day dứt không yên trong những đêm khó ngủ. Xung quanh phòng tôi có rất nhiều cây, cứ vào mùa đông, rơi vào những đêm rằm thì sương dăng dăng. Đứng trong cửa sổ nhìn ra ngoài chỉ thấy mờ mờ ảo ảo, như khói tủa mùa đốt đồng...

Chính những lúc như thế, tiếng hát ru lại dập dìu, phảng phất đâu đây. Lời ru ai oán, thê lương làm rệu rã cả lòng người...

***

Tính ra tôi ở đây đã được năm năm. Một thời gian đủ dài để hiểu từng tấc đất, ngọn cỏ, quanh ngôi nhà cổ. Nhà bà Tám có đến năm bậc chứ không phải là tam cấp, cất ba gian theo kiểu cổ xưa. Tôi nhớ khi còn ở thị xã với gia đình, những căn nhà kiểu này thường gọi là "nhà xưa". Bởi trông nó xưa cũ và buồn ảm đạm...

Duyên số đẩy đưa tôi đến với căn nhà, bắt đầu từ lúc tốt nghiệp sư phạm. Ra trường, tôi nhận công tác tại vùng xa, thế là biết nơi đây. Còn một lý do khiến một cô giáo trẻ như tôi gắn bó với "nhà xưa", là... dạy kèm thằng cháu nhỏ của bà chủ nhà.

Thằng Tân vừa vào lớp bốn, tính hiếu động và thích chạy vòng quanh cái sân rộng lớn như sân bóng. Cây cối ở quê rất phong phú, nào xoài, mít, đu đủ, mía... đều có cả. Vì vậy lúc vào hè, thời tiết oi ả, mới thấy giá trị đích thực của sự mát mẻ ở vùng đồng quê thanh vắng. Tất cả những việc này chung qui rất ưng ý, bởi tôi là mẫu người thích không gian và sự tĩnh lặng.

Lâu ngày nhẵn mặt là thế, mà tôi cố công tìm mãi vẫn không biết tiếng hát ru xuất phát từ đâu. Cứ mỗi dịp sáng trăng, nó lại cất lên ai oán. Có lúc tôi tưởng ở ngay cạnh nhà, lúc lại thấy nó dập dìu như xa xa vẳng đến. Quanh đây cũng có nhà ở, nhưng cách rất xa. Từ khoảng cách như thế mà tính, không thể nào lời ru bay đến đây được. Vả lại tôi đã tìm hiểu và biết những mái lá ấy không hề có trẻ nhỏ thì ru hát để làm gì.

Người già thường hay cưng cháu. Vì lẽ đó tôi được ở trong "nhà xưa" miễn phí, với một trách nhiệm phù hợp với bản thân là "Dạy cho thằng Tân học hành mau tiến".

Ngoài giờ lên lớp và dạy thằng Tân, thời gian còn lại của tôi là ngồi bên chiếc bàn đặt cạnh khung cửa sổ. Soạn giáo án, viết thư nhà đều là đây. Và... nghe tiếng ru hời cũng từ đây.

Bà Tám đã ngoài bảy mươi. Con cháu đi làm xa, chỉ mỗi hai bà cháu và cô Hai phụ việc ăn uống, sống trong căn nhà rộng thênh thênh. Vì vậy khi tôi về đây cả nhà vui hẳn ra, ngay cả cô Hai thỉnh thoảng cũng cười khi thấy tôi đi dạy về - một điều hiếm thấy đối với thằng Tân hay quấy phá.

Tranh thủ những lúc rỗi việc, tôi hay bắt chuyện với cô Hai. Biết đâu khi giao lưu với người đàn bà lớn tuổi này, tôi lại thỏa mãn tính tò mò của mình về những lời ru ma quái...

Thế nhưng mọi việc lại làm tôi thất vọng, cô Hai bao giờ cũng lắc đầu khi tôi đề cập đến lời ru. Sắc mặt người đàn bà trở nên tái đi khi nghe tôi nói đến điệu ru văng vẳng vào đêm trăng sáng. Về phần bà Tám thì cương quyết hơn. Bao giờ bà cũng gạt phăng những nghi vấn của tôi với một câu gọn lỏn: "Cô giáo mải việc nên mệt mỏi nghe lầm đó thôi. Tôi sống hơn bảy mươi năm trong căn nhà này, đâu có nghe ai hát hò gì bao giờ..."

Câu nói của bà Tám làm tôi bán tín bán nghi, nghĩ trong nhà có việc nên giấu không cho ai biết, nửa còn lại cho rằng mình lo nghĩ vẩn vơ sinh ra mộng tưởng.

Nhưng... tôi là người được xếp vào loại có cá tính mạnh mẽ, gặp khó khăn ít chịu lùi bước, sao lại tự gây ảo giác về lời ru. Từ ngày đó tôi mãi băn khoăn với những nghi vấn trong lòng nhưng không có lời giải đáp. Sau cùng quá mỏi mệt, tôi gạt chúng qua một bên rồi quên bẵng.

Học kỳ cuối của năm, tôi tất bật với việc ôn luyện cho học sinh nên sức khỏe sút hẳn. Có hôm về thăm nhà, ai nấy đều quở: "Lúc này sao con nhỏ ốm ra". Nhưng tôi không còn thời gian lo cho bản thân, vì "đàn em thân yêu" cứ đeo bám cô giáo suốt buổi.

Ngày tết Đoan Ngọ, phụ huynh học sinh thi nhau mời cô giáo đến nhà dùng bữa. Rồi hội hè nối tiếp nhau đến ngày rằm lúc nào cũng không hay. Tôi có thói quen hay đi lễ chùa vào những ngày rằm.

Hôm đó, sau khi vào chùa Hang thắp nhang, về đến nhà tôi liền lăn quay ra ngủ lúc nào không hay. Nửa đêm, tai tôi chợt nghe thấy tiếng ru quen thuộc nổi lên văng vẳng... Lần này cũng một giai điệu, nhưng lời ru đã biến đổi:

"Gió đưa cây cải về trời...

Rau răm ở lại chịu đời đắng cay..."

"Má ơi đừng gả con xa...

Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu..."

Đêm khuya thanh vắng, lời ru vang lên rất rõ không thể nhầm lẫn được. Có điều tiếng ru bị gió đu đưa, lúc xa lúc gần, nghe có lúc như mất hẳn, lúc lại nổi lên mồn một sát bên tai.

Tôi lắng nghe xung quanh. Cả nhà đều đã ngủ. Hôm nay tôi nhất định phải khám phá cho được cái bí mật chất chứa lâu nay.



Đẩy khẽ cánh cửa phòng, tôi bước lên nhà trên không một tiếng động. Nhấc thanh cài và hé nhẹ cái cánh cửa cũ kĩ, tôi lách người bước ra bãi cỏ trước sân nhà. Ánh trăng lung linh soi tỏ mấy cây hoàng hậu và hàng râm bụt được cắt tỉa gọn ghẽ. Từ chỗ này tôi có thể quan sát phía bên kia sân vườn, nhưng lại không nhìn được cái cửa sổ phòng mình. Bởi nó đã bị ngăn cách bởi một hàng chuối xanh um, lá đung đưa trong ánh trăng vằng vặc.

Tôi bước khoảng mươi bước về phía trái của sân vườn nhưng chợt đổi ý định. "Bên đó nhìn đã thấy, không nên phí sức". Vừa quay người tôi chợt phát hiện cánh cửa sổ phòng bà Tám vừa có ai dùng tay khép lại. "Ồ! Như vậy đâu phải chỉ có riêng tôi nghe thấy tiếng hát ru. Bà Tám cũng nghe, nhưng không muốn nhận đó thôi..."

Ánh mắt tôi chợt dừng lại nhìn vào cái xích đu nằm dưới cửa sổ phòng bà Tám và phòng tôi. Cái xích đu đang động đậy như có ai dùng tay đẩy. Không! Không phải đẩy, mà như có ai đang ngồi trên đó chơi đùa thì phải.

Tôi không muốn tin vào mắt mình, nhưng không thể phủ nhận sự chuyển động của cái xích đu. Phía trên chiếc xích đu có một vùng sương mờ ảo như bóng người đang ngồi, đầu hơi cúi xuống vỗ về một đứa trẻ vậy. Tôi hơi chùn bước khi phát hiện điều này. Người cảm thấy gai gai trong nỗi sợ thoáng qua. Rồi khi nhớ đến lời nói của bà Tám hôm nào, tôi quyết tâm trong lòng: "Nếu không làm rõ sự thật thì chính tôi mới là người đang hoang tưởng".

Khi cách chiếc xích đu khoảng ba bước chân tôi chợt dừng lại. Nhìn chiếc xích đu bất động tôi thấy hoang mang. Không lẽ tôi đang tự kỷ ám thị về cái xích đu? Có khi nào vừa tỉnh cơn ngái ngủ khiến tôi nhìn gà hóa cuốc! Chiếc xích đu nằm bất động, vùng sương trắng cũng không còn. Vậy lúc nãy tôi vừa thấy cái gì cơ chứ? Trong đầu tôi thoáng hiện ra ý nghĩ ma quái và bắt đầu sợ hãi.

Nhưng lúc này sợ có ích gì? Bởi tôi đang đứng quá gần chiếc xích đu với ý nghĩ mới chui ra trong nỗi sợ sệt: "Đã sợ thì đừng đến. Đã đến rồi chạy cũng không kịp". Và sự bình tĩnh vốn có ở tôi lại xuất hiện với dáng vẻ hùng dũng tạm bợ. Tay hơi run, tôi vịn vào hai sợi dây và bắt đầu ngồi lên cái xích đu. Trọng lượng cơ thể khiến chiếc xích đu chao đi rồi theo quán tính bắt đầu dao động...

Tôi nghĩ chiếc xích đu này họa hoằn chỉ có mỗi thằng Tân là hay ngồi. Bởi nơi đặt nó khuất sáng, xung quanh chỉ toàn cây lá nên ít ai lai vãng. Thế nhưng sự chuyển động của cái xích đu làm tôi kinh ngạc. Thay vì phải kêu cót két bởi lâu ngày ít ai sử dụng, nhưng ngược lại nó quay rất êm và không gây bất cứ tiếng động nào. Cơn sợ hãi lúc đầu vừa lắng xuống bỗng chợt bùng lên khi tôi có cảm giác ai đó vừa lắc đẩy chiếc xích đu. Lúc đầu cái lắc hơi nhè nhẹ, sau trở thành những cái dặt ngang mạnh mẽ như muốn hất tôi xuống đất. Hoảng sợ tôi định đứng lên thì trớn của nó đã đẩy tôi ngã lăn trên nền cỏ ẩm ướt. Cổ chân tôi đau điếng, khiến một chân phải bước lò cò đi tìm chiếc dép. Tôi đứng ngây người nhìn chiếc xích đu đầy vẻ sợ sệt xen lẫn ngạc nhiên.

Trong đầu tôi hiện lên ý nghĩ về lời ru của một ai đó bên chiếc xích đu, trước lúc tôi mò đến phá bĩnh và... phải trả giá về sự tò mò của bản thân. Oan hồn ru con ư? Rõ ràng lời ru và chiếc xích đu có quan hệ với nhau, mặc dù lần đầu tiên tôi thấy nó chuyển động mà không có ai ngồi. Tiếng ru nhất định xuất phát từ đây! Và có nghĩa là, chiếc xích đu đã từng chuyển động mỗi khi lời ru cất lên. Điều đó chứng minh về những vòng quay êm ái khiến ai cũng phải ngạc nhiên khi ngồi lên nó, nhưng... không lâu.

...

Sáng hôm sau nhìn bước chân của tôi, cô Hai kinh ngạc hỏi:

- Chân cô giáo bị làm sao vậy?

Tôi nhìn cô Hai cười sượng sùng:

- Tôi ngồi xích đu, bất ý nên bị té trẹo chân ấy mà...

Không đợi tôi nói hết câu, cô Hai đã thảng thốt:

- Cô ngồi lên chiếc xích đu ư? Sao lại như thế... Ở nhà này ngoài thằng Tân ra, không ai...không ai...

- Không ai như thế nào hở cô Hai?

Lời cô Hai mang tính lảng tránh:

- Cô giáo không nên ra đấy làm gì... Cứ biết thế là đủ rồi!

Cuộc nói chuyện như vậy là kết thúc, để lại sự ấm ức trong tôi...

Cái chân trở nên đau đớn đến nỗi tôi phải bó ngải cứu hết mấy hôm. Sau đó tôi ra chợ và mua về một cái lục lạc của trẻ nhỏ hay chơi. Cả nhà không ai biết gì, bởi tôi biết có nói ra cũng không ai đồng tình với sự ương bướng của mình.

Trời vừa chạng vạng, tôi đem cái lục lạc treo dưới chiếc xích đu với lời tự thưởng về sự thông minh của bản thân. Bây giờ không cần phải làm gì, ngoài việc cắt bớt mấy tàu lá chuối che quanh khung cửa sổ. Sau đó là chờ đợi.

Ngồi trong phòng với tâm trạng thấp thỏm rất là bực bội, tôi với tay lấy mấy quyển sách trên kệ ra xem. Kệ sách này là "tài sản" của "nhà xưa". Nó lam nham bụi đóng bởi ít ai đụng đến, mặc dù có đôi lần tôi dùng chổi quét qua quít.

Lần theo từng gáy sách, tôi chợt chú ý đến một quyển sổ nho nhỏ, bìa đã ngả màu, nằm chen lẫn trong mớ sách hỗn độn. Lấy nó ra trước ánh đèn tôi lật qua loa vài trang và phát hiện đây là một quyển nhật ký có thâm niên đáng nể. Mấy trang đầu viết nhăng nhít những sự kiện đáng nhớ, nhưng năm tháng rất xa.

Sau đó như tức giận điều gì nên chủ nhân của nó xé đi, cũng may trên giấy còn lưu một số chữ đủ để phán đoán đây là một quyển nhật ký. Dòng chữ theo thời gian đã mờ nhạt, tôi phải đưa lại gần ánh đèn mới đọc được lõm bõm mấy chữ: "Nhỏ bạn sinh con mà mình cứ nôn nao... Anh ấy đi, ở nhà vắng ngắt... Con thú nhồi bông xinh ơi là xinh... Mình thích hát ru lắm... Ầu ơ cho ai... Nước mắt chảy ướt cả gối... Chắc anh ấy chán mình rồi... 14.8.1981... Hôm nay Vu Lan trăng đẹp lạ thường..."

Sau nữa là những trang còn lành lặn, viết đầy những câu ca dao rất lý thú:

"Má ơi con má chính chuyên



Ghe bầu đi nối một thiên cá mòi

Không tin mở hộp ra coi

Rau răm ở dưới cá mòi ở trên..."

"Chiều chiều hái mướp nấu canh

Chạy ra xách chảo gặp anh trèo giàn

Thôi thôi thiếp chẳng thương chàng

Đôi bông thiếp trả đôi vàng thiếp xin..."

"Má ơi con vịt chết chìm

Thò tay xuống vớt, cá lìm kìm nó cắn tay..."

Kế bên những trang giấy đó, là một khoảng bỏ trống bị xé toạc, với dòng chữ thấp thoáng bên góc trái mà ý nghĩa có trời mới hiểu được.

Tôi kiên nhẫn lật những trang tiếp theo và cuối cùng cũng thỏa nguyện. Có hai ba trang trong quyển nhật ký bị nhảy cóc do cảm hứng của "tác giả" nên may mắn còn nguyên vẹn. Thời gian ghi trên quyển nhật ký cách nhau cả tháng, khiến tôi phải suy nghĩ và diễn giải nhiều:

"Ngày 8.9.1981. Hôm nay tính theo âm lịch là ngày 11 tháng 8, tiết bạch lộ, có sương. Tôi ngồi bên chiếc xích đu với những con búp bê nhồi bông rất dễ thương. Không biết mình chơi với những con thú bao lâu rồi? Chỉ biết đã thành thói quen mỗi khi anh ấy đi vắng. Tôi hiểu, khi người đàn bà không thể sinh con là một điều đau đớn nhất trong đời. Chồng dù thương, lâu ngày vẫn lạnh nhạt. Họ nhà chồng nhìn mình với ánh mắt thật khó tả. Có thể họ cho rằng, không sinh con là chuyện do mình gây ra, nên ánh mắt mọi người thật ghẻ lạnh. Sự khác biệt này chỉ có người trong cuộc mới hiểu, khi nhìn những đổi thay từng ngày trong mắt của người thân...

Nói ra ai cũng gật đầu cảm thông, nhưng thật giả tạo khi hiểu rằng, với cánh đàn ông việc có vợ mà không sinh con đã là bỏ đi. Ở nơi này người ta ủng hộ: "Không sinh con đâu phải tội của riêng mày", nhưng nơi khác lại cho rằng: "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại..." Chén trà tiệc rượu, lâu ngày ai mà chẳng dao động... Nỗi buồn đó đeo bám theo tôi với ước muốn mãnh liệt từ trong sâu kín: có một đứa trẻ để ru hời...

Càng lâu không có con, tôi càng yêu thích điệu hát ru. Những câu ca dao ngày thơ nhỏ, cảm nhận qua lời ru của mẹ, nay lại sống dậy với niềm tin cháy bỏng: Được hát ru cho đứa con riêng mình...

Nhưng đâu phải ở đời niềm ao ước nào cũng được thỏa nguyện! Nếu như vậy không phải mọi người đều hóa thành tiên hay sao? Tôi thích một đứa con, nhưng đó vẫn là chuyện của riêng mình chứ không thể bắt mọi người ban phát cho được. Và khi con người không quán xuyến được chuyện cá nhân thì đừng trách ông xanh sao vô tình chẳng đoái hoài đến...

...Ngày buồn quạnh quẽ cứ trôi. Với những con thú bông chơi đùa thay cho niềm mơ ước. Anh ấy ngày một xa vắng hơn. Tôi biết, nếu không có được một đứa con thì sớm muộn sẽ mất anh. Mất anh bởi chính cái điều mà cả hai đều ao ước. Và cháy bỏng nhất vẫn là người cùng một lúc phải đối diện với hai khó khăn: giữ được chồng và thiên chức của người đàn bà.

Nếu một ngày nào đó tôi vẫn đơn độc bên cái xích đu, thì cũng không trách được khi anh đi khỏi một gia đình mãi mãi chỉ có "hai người"... Buồn sao là buồn.”

"21.1.1984. Tiết đại hàn rơi vào ngày 19 tháng 12 âm lịch, năm Quý Hợi. Chỉ còn mười hai ngày là Nguyên Đán. Thời tiết lạnh quá mà tôi vẫn ngồi bên chiếc xích đu với những con thú tẻ nhạt. Bây giờ chỉ còn tôi trong những đêm se lạnh, ốm o, gầy guộc, với chứng suy nhược cơ thể và căn bệnh tim kéo dài bấy lâu. Tôi biết mình sẽ chết với giấc mơ chưa thành hình, nhưng vẫn ra ngồi bên chiếc xích đu để ru bài hát của ngày nào. Tay tôi vuốt ve lên con thú nhồi bông với sự dịu dàng của người mẹ. Nước mắt đã chảy xuống trong tiếng nấc nghẹn ngào. Tôi không biết nên trách người hay trách số phận, khi cuộc đời nhỏ nhoi muốn đánh đổi tất cả để một lần được làm mẹ. Nhưng... mãi mãi cách xa. Còn lại tất cả là điệu ru ai oán được lưu truyền, nhưng đến tôi đã gián đoạn.

Ầu ơ... Gió đưa bụi chuối... ờ... ơ...sau hè... Anh theo vợ bé... ờ... ơ... Ầu ơ... Anh theo vợ bé bỏ bè con ơ... ớ... thơ... ơ... ơ...!

Dù sao đi nữa tôi vẫn muốn được làm mẹ. Cho dù phải tái hiện ở kiếp sau. Như thế tôi cần phải tập hát ru. Hát cho thật hay để sau này đứa con ra đời sẽ nghe chính lời ru của mẹ nó. Trong tiếng kẽo kẹt của võng nôi, không thể thiếu lời hát ru. Con người có thể truyền nòi giống thì lời ru không thể mất đi cho những người như tôi được..."

...

Đọc đến đây tôi chợt nghe tiếng lục lạc khua khe khẽ dưới khung cửa sổ. Bước đến gần tôi nhìn thấy cái bóng lờ mờ trong làn sương trắng, đang đung đưa trên cái xích đu. Từ nơi ấy vang lên những lời ru quen thuộc, nhưng nó không còn làm cho tôi kinh sợ như buổi đầu nghe thấy nữa.

Bây giờ tôi hiểu ai đã hát ru, khi đôi lần bà Tám hay than phiền về người con gái lớn bất hạnh của mình. Cô Hạnh mất cách đây đã mấy mươi năm. Lúc còn sống, người quanh đây đều khen đức hạnh và tình yêu trẻ của cô. Điều này giải thích vì sao chỉ có bé Tân là ngồi lên được cái xích đu, trong khi tôi lại bị trẹo chân.

Nhìn trang nhật ký khiến tôi chạnh lòng. Con người có thể đánh mất nhiều thứ từ những toan tính mưu sinh, nhưng cái không thể đánh mất là thiên bẩm. Không riêng về việc duy trì nòi giống và phong tục tập quán, những đức tính sẵn có khác như nhân hậu, trung tín, thủy chung, v.v... Nếu mất đi thì buồn thật. Và nếu như không ai than phiền về điều đó thì điệu ru bên chiếc xích đu thật đáng sợ biết bao.

Riêng tôi lại thấy rằng, từ đây nếu lời ru có vô tình bay vào tai trong những đêm khó ngủ, thì thật hạnh phúc. Bởi ý đồ chính của người ru vẫn là tìm đến một giấc ngủ say, cho một tâm hồn thơ dại và hồn nhiên...

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play