Một người khi còn chưa học được yêu thương, đã học xong oán hận là một chuyện đáng buồn biết nhường nào.
Tôi tên là Nhan Tứ Nguyệt, theo họ mẹ.
Kỳ thật tôi sinh ra trong tiết trời se lạnh của mùa xuân tháng hai, mẹ lại cứ khăng khăng gọi tôi là “Tứ Nguyệt”. Sau này mẹ giải thích rằng tháng hai rất lạnh, mà tháng tư là lại chính là mùa của trăm hoa đua nở, vạn vật hồi sinh, mẹ hy vọng cuộc sống sau này của tôi sẽ mãi mãi ấm áp như mùa xuân tháng tư. Chỉ là thành phố nơi tôi sinh ra và lớn lên là Thượng Hải, mùa xuân ở đây ẩm ướt mưa nhiều, chỗ tôi ở biển người náo nhiệt, cao ốc san sát, ít khi nhìn thấy cây xanh và hoa tươi, sắc màu mùa xuân trong kí ức thơ ấu của tôi luôn luôn xám trụi. Hơn nữa chúng tôi không có điều kiện sống trong cao ốc, ở Thượng Hải, rất nhiều cao ốc đều chen chúc giữa những ngõ nhỏ rách nát chật hẹp, phố xá phồn hoa sầm uất kề cận ngay kế bên, cuộc sống thời thượng hiện đại hóa ngay trong tầm mắt, mùa xuân cũng cách chúng tôi rất gần, nhưng nó lại không thuộc về chúng tôi.
Hồi nhỏ, khi mẹ ra ngoài làm việc lúc nào cũng khóa tôi trong nhà một mình. Mỗi ngày tôi đều bê ghế đặt lên bệ cửa sổ ngóng theo bóng mẹ khuất dần nơi cửa ngõ, luôn khóc lóc lo sợ, lo sợ mẹ sẽ bỏ tôi lại một mình không bao giờ trở về. Đồ ăn mẹ để lại trên bàn tôi thường không ăn. Đói bụng cũng không ăn. Tôi sẽ chờ mẹ về cùng ăn. Cho nên mỗi khi nghe thấy tiếng bước chân của mẹ vọng tới ngoài hành lang tôi sẽ chạy như bay ra mở cửa, mà dù rằng mẹ có bao nhiêu vất vả mệt nhọc bên ngoài, bao giờ khi vào cửa cũng kéo tôi ôm vào trong lòng, “Tứ Nguyệt, hôm nay có ngoan hay không”, “Tứ Nguyệt, có nhớ mẹ hay không”, “Có đói bụng hay không”, “Xem mẹ mang đồ ăn ngon gì về cho con này” … Tôi thích cái ôm của mẹ, ấm áp mà thơm thơm, cái ôm của mẹ chính là mùa xuân của tôi.

Sau khi lớn thêm một chút tôi đi học, sớm tối mỗi ngày mẹ đều đạp xe đưa đón tôi tới lớp và tan trường, tuy rằng kinh tế khó khăn, mẹ chưa bao giờ để tôi mặc quần áo rách hay quần áo bẩn, mẹ luôn luôn cho tôi mặc quần áo rất xinh đẹp, còn bản thân mẹ thì quanh năm mặc quần áo lao động bằng vải bông thùng thình ướt đẫm mồ hôi, làm việc vận hành máy tiện trong công xưởng. Hàng tháng chỉ cần vừa phát tiền lương, chuyện đầu tiên mẹ làm chính là mua đồ ăn ngon cho tôi, hoặc là mua truyện cổ tích tôi yêu thích cho tôi. “Tứ Nguyệt, mẹ hy vọng con được lớn lên trong một thế giới cổ tích không có tổn thương, không có bất trắc, hơn nữa hạnh phúc mãi mãi.” Mẹ nói như vậy. Tôi yêu mẹ, mẹ là người thân duy nhất trên đời của tôi.
Từ nhỏ đã có người hỏi: “Tứ Nguyệt, ba cháu đâu?”
“Ba cháu mất rồi.” Tôi luôn trả lời như vậy. Mẹ dạy tôi nói như vậy. Sau khi lớn thêm một chút tôi mới biết ba tôi thật sự đã mất rồi, ngay khi tôi sinh ra chưa đến một tuổi đã mất rồi. Mẹ rất hiếm khi kể cho tôi về ba, mỗi ngày mẹ đều làm việc bên ngoài đến rất khuya mới trở về, có đôi khi nấu xong bữa tối cho tôi mẹ còn ra ngoài bày bán hàng rong, mẹ không có thời gian, cũng không có sức lực để nói với tôi quá nhiều. Mẹ trong kí ức là một người lặng lẽ ít lời, lúc mẹ yên lặng cực kỳ giống với cây hoa lan bày trên bệ cửa sổ, sáng trong xinh đẹp, lẳng lặng tỏa ngát hương thơm. Đây chính là điểm đặc biệt của mẹ. Dù rằng mẹ vất vả quanh năm, cuộc sống khốn cùng, quần áo lao động rộng thùng thình vẫn không giấu được vẻ đẹp của mẹ. Chủ cho thuê nhà của chúng tôi thường xuyên nói: “Mẹ cháu đẹp thật!”
“Đúng vậy, mẹ cháu chính là người phụ nữ đẹp nhất trên đời này!” Tôi luôn nói với vẻ hồn nhiên. Lời này không phải do mẹ dạy, mẹ không thích nhất là bị người ta bàn tán. Mẹ không giống với bất kì người phụ nữ nào ở trong ngõ, khi những người khác tán gẫu, buôn đủ thứ chuyện[1] thì bao giờ mẹ cũng lẳng lặng làm việc của mình. Ánh mắt của mẹ lúc nào cũng u ám, vào lúc đêm khuya yên tĩnh tôi thường có thể nhìn thấy âu sầu tràn ra trong đáy mắt mẹ, còn có cả nước mắt.
[1] Nguyên văn là: Đông gia trường Tây gia đoản (Nhà Đông dài, nhà Tây ngắn: một nhóm người tụ tập với nhau, nhàm chán thì thích kiếm đề tài ra tán gẫu).
Trong ngõ, rất nhiều người đều thích bàn tán về mẹ. Khi đó tôi còn nhỏ, nghe không hiểu những người lớn nói cái gì, nhưng mà luôn luôn có thể cảm nhận được sự xem thường và diễu cợt lộ ra trong ánh mắt của bọn họ. Mà tôi, trong sự chế giễu không có thiện chí của những người đó, nghiễm nhiên là một vai hề. Từ nhỏ tôi đã bị trẻ con trong ngõ bắt nạt, bọn chúng ném đá vào tôi, nhổ nước bọt, chửi tôi “Dã chủng”. Thậm chí còn mang cả mẹ tôi ra để chửi, “Giống hệt với mẹ mày, đồ đê tiện!”
Tôi khóc lóc chạy về nhà hỏi mẹ: “Mẹ, đồ đê tiện là cái gì?”
Lần đầu tiên nghe thấy tôi hỏi như vậy mẹ hoảng sợ nhìn trừng tôi, viền mắt lập tức hoen lệ. Mẹ ôm tôi vào trong lòng, vỗ nhẹ lưng của tôi, mẹ không để tôi nhìn mặt mình nhưng tôi biết mẹ đang khóc. Ngay sau đó mẹ quyết định chuyển nhà, va li và vật dụng trong nhà nặng như vậy đều do một mình mẹ khiêng. Trong kí ức thơ ấu của tôi, chúng tôi thường xuyên chuyển nhà liên tục, đến khi rốt cuộc không cần chuyển nữa thì tôi đã trưởng thành rồi. Mà mẹ cũng không chuyển nổi.
Nơi cuối cùng chúng tôi chuyển đến vẫn ở trong một cái ngõ, là một ngôi nhà nhỏ lụp xụp cũ nát, tôi và mẹ ở tầng trên, mặt tiền tầng dưới cho thuê. Chúng tôi đã phải gian nan sống qua ngày dựa vào chút tiền thuê ít ỏi như vậy. Mà sau này tôi mới biết hóa ra ngôi nhà nhỏ đó là của gia đình ba tôi, là ngôi nhà mà anh cả của ba đã sắp xếp cho chúng tôi vào ở. Bác trai vô cùng thân thiết và hòa ái đó mặc đồ tây phẳng phiu, đi về đều có xe con đưa đón, mỗi lần đến thăm chúng tôi đều xách theo đủ thứ trong túi lớn túi nhỏ.

Bác trai thích nhất là ôm tôi ngồi trên đầu gối của mình, như suy nghĩ điều gì đánh giá tôi, “Tứ Nguyệt, cháu rất giống mẹ cháu. Nhưng mà cháu lại càng giống ba cháu hơn.” Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói về ba tôi từ trong miệng một người khác.
Nghĩ tới vẻ mặt mờ mịt của tôi kích động bác trai, ông nói với mẹ: “Em không thể để Tứ Nguyệt quên mất ba nó được, tuy rằng Kính Trì đã không còn trên đời nhưng em không có quyền để con gái của nó quên mất ba nó, điều này rất tàn nhẫn, Bội Lan.”
Bội Lan là tên của mẹ tôi.
Mẹ yên lặng gật đầu, tựa như đồng ý với lời của bác trai.
Từ đó về sau mẹ bắt đầu nói cho tôi biết một số chuyện có liên quan tới ba. Dần dần hiểu biết của tôi về ba cũng nhiều lên. Ba tôi tên là Mạc Kính Trì, bác trai đến thăm chúng tôi tên là Mạc Kính Phổ, là anh cả của ba. Tôi không rõ bối cảnh trong nhà ba tôi là gì, chỉ biết được mơ hồ qua lời bàn tán của những người hàng xóm rằng nhà ba rất giàu, trước khi tân Trung Quốc[1] thành lập đã khánh thành nhà máy sợi bông lớn, mặc dù thời “Văn cách[2]” đã bị quật ngã làm mất đi hơn phân nửa gia sản nhưng sau cuộc cải cách mở cửa[3], dựa vào chính sách ưu đãi đã Đông Sơn tái khởi[4] rất nhanh. Nhà họ Mạc của bây giờ là một đại gia tộc nổi danh lừng lẫy trong thành phố này. Mà tôi, là đứa con gái ngoài giá thú.
[1] Tân Trung Quốc thành lập: nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập.
[2] Văn cách: hay Đại cách mạng văn hóa, là một giai đoạn hỗn loạn xã hội và tình trạng vô chính phủ ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa diễn ra trong 10 năm từ năm 1966-1976. (Nguồn: Wikipedia)
[3] Cuộc cải cách mở cửa: cuộc cải cách kinh tế xã hội mở đầu vào 12/1978 ở Trung Quốc và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.
[4] Đông Sơn tái khởi: trùng hưng được thanh thế.
Phảng phất như trưởng thành trong một đêm, tôi đã hiểu được rất nhiều. Từ nhỏ bị người xem thường, từ nhỏ bị người bắt nạt, và còn nước mắt của mẹ, tiếng thở dài của mẹ, đều không phải vô duyên vô cớ. Hóa ra tôi là một đứa con gái ngoài giá thú.

Nhưng mà mẹ nói với tôi rằng: “Tứ Nguyệt, con là món quà quý giá nhất của mẹ, ngoại trừ bản thân con ra thì không ai có thể xem thường con, làm người phải có cốt khí.”
Mẹ nói nhàn nhạt.
Mẹ nói điều gì cũng đều mang vẻ mặt nhàn nhạt.
Vào năm tôi mười hai tuổi mẹ tổ chức sinh nhật cho tôi, lần đầu tiên kể cho tôi câu chuyện của ba và mẹ. Vẫn là giọng điệu nhàn nhạt, vẻ mặt nhàn nhạt.
Mẹ và ba hoàn toàn không môn đăng hộ đối, mẹ là người vùng khác, sau khi tốt nghiệp đại học thì vào làm việc trong một nhà xưởng của nhà họ Mạc rồi quen biết cha tôi, sau đó thì có tôi. Nhưng mà ba đã có vợ, còn có cả con cái, mẹ kiên cường sinh tôi ra đã phải chịu không ít lời chửi rủa của bên kia, hơn nữa khi đó vẫn còn là những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, tập tục xã hội còn xa mới cởi mở được như hiện nay, đứa con gái ngoài giá thú làm cho danh dự của ông ngoại và bà ngoại ở quê nhà mất sạch, dưới cơn nóng giận ông ngoại đã đoạt tuyệt quan hệ cha con, từ nay về sau không còn qua lại, cho đến giờ tôi vẫn không biết vị trí chính xác của quê nhà, chỉ biết đại khái là một trấn nhỏ bên kia Hồ Nam.
Mà ở bên chỗ ba, lúc đầu tôi sinh ra cũng không được thừa nhận, mẹ gọi nhà của ba là “Bên kia”. Mẹ nói ba từng ôm tôi sang bên kia, ngoại trừ ông cụ nhà họ Mạc cũng chính là ông nội của tôi ra thì không còn ai thích tôi. Ông cụ Mạc sinh được ba đứa con trai, con của ba đứa con trai cũng đều là con trai, khi ông cụ còn trẻ cũng rất muốn có một đứa con gái nhưng chưa được như ý nguyện, đột nhiên lại có cháu gái, đương nhiên là như nhặt được báu vật rồi. Ông cụ có quyền uy tuyệt đối ở nhà họ Mạc, ông muốn ba sắp xếp ổn thỏa cuộc sống ẹ, để mẹ mang theo tôi vào một ngôi nhà cũ của nhà họ Mạc ở ngoại ô, vợ cả của ba có không bằng lòng cũng không dám lên tiếng, bởi vì ông cụ đã phát biểu rằng kẻ nào dám gây khó dễ cho cháu gái của ông, kẻ đó sẽ bị đuổi ra ngoài.
Thế nhưng ngày vui chóng tàn, một vụ tai nạn xe cộ bất ngờ đã đoạt đi tính mạng của ba và ông nội, bên kia lập tức trở mặt, không những đuổi mẹ ra khỏi nhà lớn mà còn không cho phép mẹ tham dự lễ tang của ba. Sau đó mẹ mang theo tôi sống nay đây mai đó, nếu không phải sau này anh cả Mạc Kính Phổ của ba tìm được chúng tôi rồi sắp xếp cho chúng tôi vào ở một ngôi nhà trong ngõ, có lẽ tôi và mẹ vẫn còn đang lưu lạc khắp nơi.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play