Sau lễ tang của Vĩnh Thuận đế, Lê Duy Minh dưới sự "thúc ép" của đám triều thần dưới trướng liền đăng cơ, lấy hiệu là Vĩnh Hưng. Đại cuộc đã định, bá quan trong triều cũng không dám dị nghị gì. Duy chỉ có các lão triều thần như Đỗ Chí, Lê Tông và Nguyễn Chấn trong lòng rất bàng hoàng nghi vấn không nguôi về cái chết của tiên vương cùng thái hậu. Chính các ngài ấy cũng rất mâu thuẫn. Bản thân vốn không tin tưởng thân thế của Vĩnh Thuận đế, năm lần bảy lượt nghĩ kế để điều tra. Nhưng đến khi Vĩnh Thuận đế băng hà, trước cái chết đột ngột ấy càng khiến các ngài không kịp trở tay không biết phương hướng mà lần. Tuy rằng, ban đầu các ngài cũng từng có ý muốn ủng hộ Lạng Giang Vương nhưng sự tình chuyển biến đột ngột quá. Lạng Giang Vương vốn là phiên vương thất thế, về kinh chưa bao lâu trùng hợp hoàng thượng liền xảy ra chuyện. Lạng Giang Vương bỗng chốc sau cái chết của hoàng đế liền vọt lên ngai cao. Hơn nữa trong đêm kinh biến đó, hoàng cung bị phong tỏa. Ba vị cố mệnh đại thần cũng không thể tiến cung, toàn bộ hoàn cung đều chỉ có Lạng Giang Vương cùng thuộc hạ. Triều thần không dám nói nhưng tất nhiên ai ai cũng ngầm giữ ý nghi trong đầu. Càng là Lạng Giang Vương vừa tiếp nhận giám quốc liền dàn xếp quốc sự đâu đó rõ ràng. Thuộc hạ cũ của Vĩnh Thuận đế cũng qui thuận thần phục Lạng Giang Vương tuyệt đối khiến các vị triều thần ngầm hoảng sợ. Có lẽ nào Lạng Giang Vương đã ngấm ngầm nuôi dưỡng thế lực trong cung từ rất lâu, chính các ngài cũng không nghĩ đến? Tuy nhiên, dù có thể nào, thế cuộc đã định, các ngài cũng không thể manh động kháng lại tân vương.
Sau buổi tảo triều, các quan cũng chuẩn bị rời đi, Lê Duy Minh bất chợt gọi Nguyễn Chấn ở lại. Hai đại thần Đỗ Chí, Lê Tông nghe vậy cũng muốn ở lại. Lê Duy Minh cũng không phản đối. Hắn xếp lại số tấu chương trên tay, hỏi Nguyễn Chấn:
- Nguyễn đại tướng quân, mấy ngày nay tiểu bằng hữu của trẫm ở chỗ của khanh, hẳn là không gây phiền toái cho khanh chứ?
Nguyễn Chấn kinh ngạc tròn mắt:
- Bẩm,hoàng thượng đang muốn nói đến là...
- Mạnh Kì Phong! - Lê Duy Minh chậm rãi nhã ra.
Một lời vừa ra, cả ba người Nguyễn Chấn, Đỗ Chí cùng Lê Tông đồng thời kinh ngạc. Là tiểu tử kia sao? Hắn có bản lĩnh như thế nào đã trở thành thái giám, được lòng thái hậu ở bên bà bấy lâu. Bây giờ thái hậu không xong, hắn lại có thể là bằng hữu với Lê Duy Minh được?
Thấy hai vị đồng liêu cùng lúc nhìn mình nghi hoặc, lại thấy ánh mắt của Lê Duy Minh cũng đang xăm soi về phía mình. Nguyễn Chấn gượng gạo, nhất thời cũng chưa biết làm sao mở miệng thì Lê Duy Minh đã nói:
- Hắn là một người rất thông minh, có thể sánh với Tư Mã Thiên. Chẳng may nông nỗi phạm tội mới chịu cảnh cung hình. Trẫm cũng học theo Hán Vũ đế, không nỡ để hắn phải ở lại trong cung làm một thái giám hèn mọn, cho nên tước bỏ cung tịch, cho hắn rời cung. Vừa hay biết hắn và khanh từng có quan hệ sâu rộng. Hẳn là Nguyễn ái khanh sẽ không vì thân phận hắn mà chê bỏ đi?
Nguyễn Chấn lúc này mới hiểu ra ý đồ của Lê Duy Minh, ông thở phào một tiếng nói:
- Hoàng thượng xin an lòng! Nguyễn Chấn trước giờ vẫn xem Mạnh Kì Phong như con cháu. Hắn ở lại Nguyễn phủ rất tốt.
Lê Duy Minh ngồi thẳng lưng, bày ra tư thế oai vệ, cười nhẹ nói với Nguyễn Chấn:
- Trẫm đăng vị chưa lâu, rất cần nhân tài. Mạnh Kì Phong đích thực là nhân tuyển tốt. Ai, thời buổi cần dùng người, xem như trẫm phá lệ, muốn dùng hắn. Các ái khanh xem, hắn có thể nên thích hợp ở binh bộ, hình bộ hay lễ bộ?
Tức thời ba vị đại nhân đồng loạt quì xuống tấu:
- Hoàng thượng, xin suy xét! Mạnh Kì Phong đó thân đã là hoạn quan. Không thể tham dự triều sự!
Lê Duy Minh nghiêng người, nhướn mày nói lại:
- Mạnh Kì Phong đã trừ cung tịch, không còn là hoạn quan. Đỗ tư đồ, ngài không nhớ lời trẫm nói qua sao?
Lê Tông nghe thấy Lê Duy Minh chỉnh Đỗ Chí, ông ta cũng không nhịn được lên tiếng thẳng thắn:
- Bẩm hoàng thượng, Mạnh Kì Phong tuy được hoàng thượng xá bỏ cung tịch cho tự do nhưng hắn cũng không thể xếp ngang dân thường. Hắn vốn đã là hoạn quan, bây giờ có được ân huệ xuất cung, cũng là hoạn nhân. Nếu hoàng thượng đặc cách cho hắn làm quan. Như vậy đối với những môn sinh thiên tử khác thật sự có sự bất công. Huống chi, vẫn còn chưa nói tài năng của Mạnh Kì Phong, vốn chẳng có gì đáng. Hắn cùng lắm chỉ thích hợp làm một tên hầu!
Ánh mắt Lê Duy Minh quắc lên, vẻ mặt lộ ra vẻ bất mãn không nhẹ. Ba vị đại nhân trộm nhìn biểu lộ của hắn, trong lòng thầm thán: "Thiên tử là bậc chuyên nghĩ và làm những chuyện mà người khác không thể đoán nổi hay sao? Vĩnh Thuận đế và thái hậu trước kia ưu ái Mạnh Kì Phong đó, còn có thể có lí do nghi ngờ giữa bọn họ có ẩn tình thâm sâu. Nhưng vị tân đế trước mặt này với Mạnh Kì Phong đó lại có can hệ gì, cũng ra sức nâng đỡ. Kẻ họ Mạnh kia kiếp trước tu tích được đại phước gì thế này?"
Trong khi Đỗ Chí, Lê Tông đang ngầm phán đoán thâm ý của Lê Duy Minh, Nguyễn Chấn lại chợt nghĩ đến thái độ của gã thái giám Lữ Vệ đêm hôm ấy. Gã nói Lạng Giang vương cậy Nguyễn Chấn ông chăm sóc cho Mạnh Kì Phong. Nói như vậy, không lẽ là Mạnh Kì Phong vốn là người của Lạng Giang Vương sao? Ngay khi Nguyễn Chấn còn chưa kịp nghĩ thông, Lê Duy Minh bất chợt nói:
- Trẫm có nghe nói trước đây Nguyễn đại tướng quân và Mạnh thái y từng định hôn ước cho Mạnh Kì Phong và cửu tiểu thư nhà ngài. Cửu tiểu thư cũng đã hơn mười bảy rồi. Nhân đây, hay là để trẫm làm mối, ban hôn cho hai người bọn họ. Nguyễn ái khanh, khanh thấy sao?
"Lê Duy Minh nói thật nhẹ nhàng nhưng ý tứ có khác nào mỉa mai xúc phạm Nguyễn Chấn đâu?" Hai vị Đỗ Chí, Lê Tông nhìn nhau rồi nhìn sang Nguyễn Chấn. Chỉ thấy Nguyễn Chấn sắc mặt tái xanh, tròng mắt đứng lại, không thể nhìn ra biểu tình gì. Lê Tông vẫn là người lên tiếng:
- Hoàng thượng, sao có thể như thế? Mạnh Kì Phong đó đã là hoạn nhân. Hoàng thượng người sao có thể bắt nữ nhi của Nguyễn đại nhân phải gả cho một hoạn nhân được chứ?
Đỗ Chí cũng giật giật bộ râu bạc trắng, tâm tình hết sức bất bình nói:
- Bẩm hoàng thượng, người xem trọng Mạnh Kì Phong cũng không thể lấy hôn sự của một nữ nhân ra đùa giỡn. Người làm như vậy, thật là ủy khuất cho Nguyễn đại nhân cùng cửu nữ nhi của ngài ấy.
Lê Duy Minh bật chợt gõ mạnh tay lên long ỷ, giọng lạnh lẽo nói:
- Nguyễn Chấn đại nhân, ngài nói ngài không chê bỏ Mạnh Kì Phong. Vậy thì hôn ước này, ngài nhất định không sẽ bội tín đi?
Nguyễn Chấn cứng ngắt người, khóe môi giật giật, không thể nói ra lời. Đỗ Chí lại lên tiếng thay:
- Hoàng thượng, không chê bỏ, cũng có thể nhận hắn là nghĩa tử. Nhưng nếu bắt Nguyễn đại nhân tuân thủ hôn ước gả con cho một kẻ đã không thể là nam nhân. Thử hỏi người làm cha mẹ nào có thể? Khẩn xin hoàng thượng thu lại thánh lệnh!
Lê Duy Minh liền đứng thẳng dậy, mặt cau mày dựng lộ rõ phẫn nộ nói:
- Các vị đại nhân quả nhiên là đại nhân nhỉ? Ngày trước, muốn lợi dụng Mạnh Kì Phong, là ai dàn xếp cho hắn phải bị bắt tiến cung? Là kế của ai khiến hắn phải tịnh thân, đặt hắn ở chỗ thái hậu, muốn hắn làm nội ứng thăm dò bí mật của thái hậu?
Cả ba vị cố mệnh đại thần đều trợn mắt, sượng cứng người. Nhớ lại ngày hôm ấy, ba vị cùng họp bàn với Lê Duy Minh về chuyện muốn đặt nội ứng chỗ thái hậu. Lê Tông đã nói:
- Thái hậu tính tình đa nghi, lại rất cẩn thận. Bao nhiêu năm nay người của chúng ta đưa đến chỗ bà, đều không thu được chút tin tức gì. Ngay cả lão hồ ly Mạnh Hiếu Khang cũng quá thận trọng. Ông ta cứ độc lai độc vãn, người của chúng ta không thể tiếp cận.
Đỗ Chí nói:
- Họ càng thận trọng, càng khiến chúng ta không thể không nghi ngờ thân thế của hoàng thượng. Nhưng lão hồ li Mạnh Hiếu Khang thật quá quỉ quyệt. Hừ! Muốn tìm một chút sơ hỡ chỗ ông ta, còn khó hơn mò kim đáy biển. Ngay cả khi ông ta đã chết, cũng không để lại một chút dấu vết khác thường.
Lê Duy Minh không tin hỏi:
- Các vị đại nhân, bổn vương từng nghe nói nhi tử của Mạnh Hiếu Khang là Mạnh Kì Phong sinh ra rất giống với hoàng thượng. Các ngài xem, có cách nào đưa hắn đến trước mặt hoàng thượng cho bá quan xem xét. Đợi khi mọi người đều dấy lên lòng nghi vấn. Chúng ta có thể buộc hoàng thượng trước đại điện lấy máu nghiệm thân, chứng thực quan hệ với Mạnh Hiếu Khang?
Đỗ Chí thở dài nói:
- Vương gia, nhưng Mạnh Hiếu Khang đã chết, còn nhỏ máu nghiệm thân thế nào đây?
Lê Duy Minh không đồng tình nói:
- Bổn vương có nghe nói trước kia người Tống đã chế ra một loại thuốc, dùng nó liền có thể nghiệm thân xác nhận quan hệ giữa một người sống với xương cốt của một người đã chết. Nếu máu tươi của người sống cùng huyết thống với người chết, tức thì máu sẽ ngấm vào xương, còn ngược lại sẽ bài xích. Chúng ta có thể làm thử không?
Nguyễn Chấn lắc đầu nói:
- Vương gia, cách của ngài, chúng ta đã nghĩ qua. Lúc nghiệm thi của Mạnh Hiếu Khang, chúng ta đã thử cắt xương của hắn rồi nhỏ thuốc kia cùng máu người lên. Nhưng có lẽ Mạnh Hiếu Khang đã đoán trước chúng ta sẽ làm cách này. Ông ta dùng độc dược khiến xương cốt đều đen cả. Không chỉ là máu người mà bất cứ loại máu nào vào xương đều ngấm sâu. Như vậy làm sao mà chứng minh được?
Lê Tông bất chợt nói:
- Nếu không thể nghiệm từ chỗ của Mạnh Hiếu Khang, chúng ta đành phải ra tay chỗ Mạnh Kì Phong, nhi tử của hắn!
Đỗ Chí nhíu mày hỏi:
- Nhưng đứa nhi tử kia của Mạnh Hiếu Khang từ nhỏ đã lắm bệnh, yếu nhược vô cùng. Hắn như thế làm sao có thể so sánh với hoàng thượng?
Nguyễn Chấn lại nói:
- Hơn nữa, đừng nói là việc nghiệm thân chỉ có thể đáng tin cậy nếu là huyết thống phụ tử. Còn nếu chỉ là huynh đệ, e rằng sẽ không khả thi lắm!
Lê Tông chợt cười nhẹ lắc đầu nói:
- Ta không nói phải dùng cách phức tạp đó. Nếu hắn thật là Mạnh Kì Phong, chỉ cần đưa hắn đặt hắn đến ở bên cạnh thái hậu. Với tính cách của thái hậu nhất định sẽ không đối tệ với đứa nhi tử lẻ loi còn lại của Mạnh Hiếu Khang. Chỉ cần chúng ta thu được tâm tư của Mạnh Kì Phong này, hắn sẽ giúp chúng ta điều tra bí mật chỗ thái hậu.
Lúc này, nghe Lê Duy Minh nhắc lại chuyện này, Nguyễn Chấn là người đầu tiên lộ ra áy náy. Vốn ông là người phụ trách giúp đỡ và lo lắng cho mẫu tử Mạnh Kì Phong, chính là thu thập tâm tư của y theo như lời của Lê Tông đại nhân đã nói. Đưa y lên kinh, đối xử thật tốt với y, còn có lấy ra hôn ước của y và Diễm Yên để chiêu dụ tình cảm, khiến y phải tin tưởng và hết lòng giúp ông. Chỉ là ông không ngờ đến Diễm Yên nhi nữ trân quí nhất của ông lại thật sự động lòng với Kì Phong, còn liều mình lấy thân chắn đao cho hắn. Nghĩ đến chuyện đó, trong lòng ông lại không dằn được đau đớn và tự trách. Nhưng kế hoạch đã định vẫn phải tiến hành. Nhân vừa lúc nghe tin Mạnh Kì Phong rời phủ, xông đến chắn kiệu. Nguyễn Chấn liền thông báo Lê Tông đến điều người của Tông Nhân phủ ra tay. Dù lúc đó, Mạnh Kì Phong chắn nghi trượng có được Mã Kì tha bổng hoặc đuổi đi, người của Tông Nhân phủ cũng sẽ đến bắt y đưa vào cung dưới danh nghĩa theo lệnh của thái hậu và hoàng thượng.
Theo dự mưu, đáng ra Kì Phong vào cung, ở chỗ thái hậu, trong lòng sẽ tràn ngập oán hận với thái hậu, tất nhiên sẽ hết sức hết lòng tra ra bí mật của bà rồi tìm cách báo lại cho phía Nguyễn Chấn. Nào ngờ hắn vào cung không bao lâu lại như hình với bóng với thái hậu. Vốn là con cờ mình đưa vào lại biến thành phe địch. Đỗ Chí, Lê Tông liền thúc ép Nguyễn Chấn tìm cách dụ dỗ ép buộc Kì Phong. Lúc nghe tin Kì Phong bị thương, Nguyễn Chấn vào thăm, định là sẽ dùng an nguy của Mạnh phu nhân ở chỗ ông ta để uy hiếp Kì Phong thể hiện lập trường với thái hậu. Nhưng khi nhìn thấy y một thân yếu nhược, đau đớn thều thào trên giường, lòng Nguyễn Chấn cũng thắt lại. Dẫu rằng không phải thực ý nhưng ngày tháng tiếp xúc, ông cũng xem Kì Phong như con cháu trong nhà mình. Lại nửa phần là do áy náy. Nếu đứa trẻ này không bị các ông dùng mưu hại phải mất thân nam nhi thì y đã là một nam nhân tốt đẹp. Bây giờ, Lê Duy Minh cố ý nhắc lại chuyện này, còn muốn bắt Nguyễn Chấn phải thực hiện hôn ước như đã định kia. Dù là Lê Duy Minh thực tình hay có ý gì khác, đó cũng là một cách bù đắp cho Mạnh Kì Phong. Nguyễn Chấn thật sự khó xử. Nhưng mà đó là hạnh phúc của nữ nhi mình, ông không thể không cân nhắc. Nghĩ vậy, ông liền tâu:
- Bẩm hoàng thượng, Kì Phong từ sau khi được xuất cung, ở chỗ của lão thần, tính tình trở nên rất u hoài lạnh nhạt. Thần nghĩ trong lòng y cũng còn rất nhiều tâm sự. Hơn nữa, phụ thân y mất cũng chưa đến hai năm, cho dù muốn tổ chức hôn sự, cũng chưa phải lẽ cho lắm. Hay là chuyện này cứ dời lại ít lâu. Thần nói lại với Kì Phong ý tốt của hoàng thượng đợi khi y mãn tang phụ thân rồi định đoạt!
Lê Duy Minh không nói gì, chỉ cầm lấy ngọc ấn đóng xuống một cái trên giấy rồi cao giọng nói:
- Nguyễn Chấn tiếp chỉ!
Nguyễn Chấn lật đật quì xuống. Đỗ Chí và Lê Tông cũng quì theo. Lê Duy Minh không có ghi thánh chỉ mà chỉ tuyên bằng miệng nói:
- Trẫm quí trọng Mạnh Kì Phong là nhân tài, nhận làm ngự đệ, ban cho quốc tính, phong làm quận công. Ban hôn cho Mạnh Kì Phong cùng cửu tiểu thư của Nguyễn phủ. Khâm thử!
Nguyễn Chấn, Đỗ Chí, Lê Tông cũng kinh ngạc đến biến sắc. Lê Duy Minh thản nhiên đưa hôn thư cho thái giám trao đến tay Nguyễn Chấn, lạnh nhạt nói:
- Trẫm là hoàng đế, ngay cả việc nhỏ như ban hôn cho một người cũng dông dài không quyết. Các khanh nói xem như vậy trẫm có còn có quân uy một thiên tử hay không?
Đỗ Chí, Nguyễn Chấn, Lê Tông đồng thời cúi mặt không dám lên tiếng. Xem ra ý tứ của việc ban hôn lần này chính là hoàng thượng đang muốn dò thử lòng họ. Đồng thời hạ chỉ ban hôn cũng chính là dằn mặt bọn họ đây. Cả ba trong lòng lạnh lẽo than thầm. Xem ra Lê Duy Minh so với Vĩnh Thuận đế càng là thâm sâu khó lường!