Trời tháng 8 oi bức, sáng sớm em gái tỉnh lại chạy khắp nhà cũng không tìm thấy anh, hoảng lên ngồi phịch xuống đất khóc lóc. Bảo mẫu không dỗ được, Tân Hồng đành phải tự mình làm: “Anh đến trường rồi, ngoan nào, tối mình gọi điện cho anh nha.”
Bạn nhỏ khịt mũi nói không được không được, Tân Hồng cũng phiền, giao lại cho cha cô bé.
Cha bé vô cùng nhẫn nại, dỗ nửa tiếng cuối cùng bé cũng ngủ say.
Tân Hồng đánh răng rửa mặt xong chuẩn bị ăn sáng: “Con trai ông sáng nay mấy giờ rời nhà?”
Ông vuốt phẳng áo cho con gái, nói: “Hơn 6 giờ.”
“Sớm vậy hả?”
“9 giờ phải có mặt, muộn quá sợ không kịp.”
“Nó đi huấn luyện lái máy bay không người lái thật đấy à?” Tân Hồng uống một miếng sữa bò.
Ông Tống gật đầu: “Ừ, nó nói vậy mà.”
Tân Hồng phân tích: “Ông biết hôm nay ngày gì không? Ngày Thất Tịch đó, nó bỗng dưng đi huấn luyện hơn nửa tháng, đi với ai đây?”
Ông Tống ngẫm lại: “Ý bà là nó đang yêu?”
“Chắc đến 80, 90%.”
Ông Tống cũng không hiểu cách đoán suy nghĩ của con cái, nghe vợ nói vậy thì bắt đầu ngẫm: “Vào đại học rồi, yêu cũng được mà.”
“Tôi cũng đâu có nói không được.”
Chuyện liên quan đến con cái trong nhà do Tân Hồng làm chủ, bà nói được thì ông cũng không nhiều lời, gật đầu nói được rồi đọc báo.
Tân Hồng thấy mãi mà chồng không nói gì, bèn gõ mặt bàn: “Ông Tống này, tôi vừa nói hôm nay là ngày gì ấy nhỉ?”
Ông Tống ậm ừ: “Ngày gì?”
Tân Hồng bỏ cuộc, mở máy chuẩn bị hẹn hội chị em đi ăn hàng Thái.
Con trai giờ thì hiểu chuyện rồi, vậy mà ông này vẫn đầu đất như vậy.
Sáng ngày Thất Tịch, nhân lúc mặt trời còn chưa lên cao, Tống Tông Ngôn bắt một chuyến tàu cao tốc đến thành phố kế bên, hắn báo danh một chuyến huấn luyện lái máy bay không người lái ngắn hạn, chỉ tuyển người trong tỉnh, giá cả ưu đãi, do Văn Khâu tình cờ nhìn thấy.
Tống Tông Ngôn tới ga tàu cao tốc trước mười lăm phút, vào McDonald mua hai suất ăn sáng. Trong chuyến du lịch lần trước, hai người họ vì tiện nên chỉ ăn toàn bánh mỳ, ăn đến mức ngán ngẩm, giờ ngửi mùi đã thấy buồn nôn.
Thành phố kế bên là một thành phố du lịch kém nổi tiếng của tỉnh, kinh tế phát triển không theo kịp, chỉ được cái non xanh nước biếc, không khí tươi mát.
Trường huấn luyện không lớn nhưng mới, các loại phương tiện cũng đầy đủ hết. Văn Khâu cùng Tống Tông Ngôn ở chung một ký túc xá —— Nói là ký túc xá, thực ra chẳng khác khách sạn giá rẻ là bao.
Thật ra hai người họ cũng chẳng mấy hứng thú với máy bay không người lái, lần này đi chủ yếu cũng để thử và tìm cơ hội ở bên nhau, dù sao quanh năm suốt tháng đều phải yêu xa, về nhà thì phải tránh gia đình rồi bạn bè, chẳng sung sướng gì.
Ngày huấn luyện thứ ba, Tống Tông Ngôn đã hiểu sơ sơ mấy khu xung quanh rồi. Tối hai người cơm nước xong thì định đến dạo ven hồ ở gần đó, đi nhầm vào một khu dân cư.
Đường ở khu dân cư ngoằn ngoèo, hương long não tràn ngập khắp phố. Văn Khâu chỉ vào một cái cây ở sâu trong ngõ: “Chờ xíu, chụp ảnh đi.”
Ở cuối ngõ là những mái ngói thắp đèn dây tóc, toả ra ánh sáng mờ ảo, bóng cây rủ trên mặt đất, trông khá thơ.
“Anh đứng lại đó, em chụp cho anh một bức.” Văn Khâu chỉ huy.
Tống Tông Ngôn nói: “Em đứng đi, anh chụp cho em.”
“Kỹ thuật của anh không đủ để chụp khung cảnh như này.” Văn Khâu từ chối.
Tống Tông Ngôn đành phải đứng, Văn Khâu mất hai, ba phút mới chụp được một tấm.
“Nhìn xem, thế nào?” Cậu dâng camera lên, “Một bức ảnh của vị nam chính vùng nông thôn trong phim văn nghệ.”
Tống Tông Ngôn nhìn: “Loại không ăn khách lắm.”
“Ít nhất cũng có doanh thu 300 triệu.”
Hai người vừa đi vừa đùa, còn có vài người theo sau, có lẽ là học sinh của trường huấn luyện.
“Hình như có hai người cứ đi theo chúng ta mãi?” Văn Khâu phát hiện hình như có hai người cứ đi theo sau họ.
“Ừm, chắc vậy.” Tống Tông Ngôn đáp.
“Hai người họ muốn làm gì?” Văn Khâu nhíu mày.
Tống Tông Ngôn ra hiệu cho cậu im lặng, nghe hai người kia thì thào—-
“Đường này đi được đến hồ à?”
“Không biết.”
“Chúng ta có nên quay lại không?”
“Đã đi hơn mười phút rồi.”
“Vậy thì đi tiếp đi, người phía trước có vẻ biết đường, đừng để lạc mất.”
Văn Khâu nói: “Chúng ta cũng đâu biết đường.”
“Có lẽ không sao, chắc là ở phía trước.” Tống Tông Ngôn khá tự tin.
Lúc sắp đi đến cuối đường bỗng có một con chó xông ra, Văn Khâu đang kể cho Tống Tông Ngôn nghe chuyện kinh dị, bỗng một tiếng chó sủa làm cậu hoảng sợ, nhìn lại thì thấy là một chú chó bản địa màu trắng vàng đang nhìn họ đầy hung dữ.
Văn Khâu hét với nó: “Mày sủa làm gì?”
Con chó kia dừng lại, vòng bên chân cậu một hồi rồi chạy mất.
Hai người họ bỏ qua, tiếp tục đi về phía trước. Ai ngờ nghe tiếng chó sủa ác hơn, Văn Khâu quay đầu lại thấy con chó kia lại sủa với hai người đi đằng sau cậu, đi vòng vòng quanh người ta, còn dám cắn quần áo.
Cậu trai bị cắn quần áo hoảng sợ: “Tránh ra!”
Chủ con chó nghe tiếng bèn gọi: “Đậu Đậu, vào đây! Đậu Đậu, vào đây!”
Con chó không thèm nghe, vừa sủa vừa cắn quần áo.
Cậu trai trông lùn hơn cố trốn, hét vào với chủ: “Cậu ra đây gọi nó đi, ở trong đấy nó không nghe!”
Người chủ kia không nghe cậu, vẫn gọi chậm rì rì: “Đậu Đậu, vào đây, đừng cắn người ta.”
Cậu trai: “…”
Cuối cùng may nhờ có cậu trai cao hơn bên cạnh cậu doạ con chó kia chạy mất.
Văn Khâu không nhịn được cười: “Tụi tôi chỉ mới nói hai tiếng nó đã chạy, sao nó cứ sủa cậu mãi thế?”
Cậu trai kia cũng cạn lời: “Tôi cũng không biết, tôi cũng chẳng mang theo thứ gì, nó cứ sán lại gần tôi!”