Phủ Tả tướng mộc mạc hơn hẳn so với các phủ Thừa tướng khác.

Thầy trò hai người ăn cơm xong, lau sạch tay bằng khăn ẩm rồi đến thư phòng của Kỷ Ông Tập.

Vừa mới mở cửa, hương giấy mực cũ kĩ đã phả vào mặt. Kỷ Ông Tập vào trong thư phòng, lấy mấy cuốn sách đưa cho Triệu Tĩnh. Triệu Tĩnh cung kính nhận bằng cả hai tay.

Kỷ Ông Tập: “Đường đi Tần Châu gian nan, núi non trùng điệp, không biết bao giờ mới gặp lại nhau. Con ở đàng ấy ráng đọc nhiều, sau này có dịp hồi kinh thì thuật lại cho vi sư nghe.”

Triệu Tĩnh: “Học trò xin vâng.”

Tặng sách xong, thầy trò hai người cáo biệt.

Triệu Tĩnh cúi rạp mình, chắp tay giơ cao: “Học trò mong còn được gặp lại tiên sinh ở Thịnh Kinh.”

Kỷ Ông Tập cười: “Đi đi con.”

Triệu Tĩnh quay gót ra đi, đầu không ngoảnh lại. Đầu giờ chiều, một cỗ xe ngựa gọn nhẹ chở theo mấy hòm sách rời khỏi Thịnh Kinh. Đến chạng vạng, từ cổng phủ Hữu thị lang bộ Hộ cũng có mấy cỗ xe ngựa chở theo hành lí chạy ra khỏi thành. Xe ngựa rời thành được khoảng mười dặm thì đến đình Thập Lý. Tần Tự vén rèm lên, hai mắt sáng ngời, ra lệnh cho xà ích thắng xe lại.

Xe ngựa dừng bánh, Tần Tự trong bộ thường phục nhanh nhẹn bước tới đình Thập Lý, hành lễ: “Tội quan Tần Tự xin được diện kiến Thượng thư đại nhân.”

Bốn bề cuồn cuộn cát vàng, trên con đường cổ xưa dài tít tắp là một ngôi đình bé nhỏ đơn sơ. Trong đình, Vương Trăn ngồi chờ Tần Tự đã lâu.

Vương Trăn ngắm nghía Tần Tự một hồi, giọng chàng điềm đạm: “Tần đại nhân gầy đi nhiều quá.”

Tần Tự khổ tâm lắm chứ.

Từ hồi xảy ra án mạng ở phủ Quảng Lăng đầu năm nay, anh ta bị hoàng đế giam lỏng tại nhà gần nửa năm, có khỏe mấy cũng gầy mòn thành cái xác ve. Tần Tự áy náy: “Tội quan thẹn với Thượng thư đại nhân, làm hỏng cả việc ở ty Độ Chi lẫn bộ Hộ.”

Vương Trăn tỏ ra ngạc nhiên: “Ngươi có sai gì đâu nhỉ?”

“Đại nhân?”

“Trước những ngày nắng đẹp, bao giờ cũng có mây đen che khuất mặt trời và mưa rào xối xả. Đến lúc trời quang mây tạnh, vầng thái dương sẽ còn rạng rỡ hơn cả trước cơn mưa. Chẳng lẽ Tần đại nhân không thấy vậy ư?”

Tần Tự rối bời, cuối cùng anh ta đành thở dài: “Vâng.”

Vương Trăn chỉ cười chứ không nói nữa.

Vương Thuyên muốn mượn hai mươi ba điều cải cách thuế ruộng làm vỏ bọc ngụy trang để tránh tai mắt thế gia đại tộc, âm thầm phát triển tiền giấy. Tiếc rằng đường lối này đã trở thành ngõ cụt. Những người đi trên con đường ấy, dù Triệu Tĩnh hay Tần Tự thì đều bị liên lụy, biếm trích đến đất khách quê người.

Nhiệm vụ của ty Độ Chi nếu thắng lợi sẽ mang lại vô vàn lợi ích cho dân chúng, Tần Tự biết chứ. Nhưng đằng sau mỗi công trình lớn luôn ẩn chứa vô vàn rủi ro. Tần Tự biết mình làm việc cho Vương Thuyên và cho Vương Trăn; chỉ tiếc rằng trong cuộc chiến giữa hai đảng phái, cả anh ta lẫn Triệu Tĩnh đều bại trận, hai hổ cắn nhau con thương còn què. Dẫu vậy, Tần Tự vẫn ôm hi vọng. Khi tới đình Thập Lý để tiễn khách ngoài thành, anh ta đã ngó ra ngoài với nhiều mong đợi.

Quả nhiên, Tần Tự thấy được Vương Trăn!

Tần Tự im lặng, anh ta đợi một lời giao hẹn từ Vương Trăn.

Tất nhiên, Vương Trăn không khiến anh ta thất vọng.

“Nghe nói Vu Đức thích ăn điểm tâm của Thái Kỳ trai nhất. Thái Kỳ trai chỉ kinh doanh ở Thịnh Kinh chứ không có chi nhánh ở đâu khác. Nếu không được ăn thêm một lần nữa, chẳng phải sẽ nuối tiếc đến tận cuối đời sao?”

Hai mắt Tần Tự bừng sáng: “Đại nhân…”

Vương Trăn cười: “Thích thì cứ ăn nhiều lên nhé.”

Phía tây, vầng mặt trời từ từ lặn xuống. Đằng đông, mảnh trăng sáng dần dần ngoi lên.

Vương Trăn và người hầu đứng trong đình Thập Lý, dõi theo ba cỗ xe ngựa đưa Tần Vu Đức rời khỏi Thịnh Kinh. Tần Tự ngồi trong xe, trên tay là điểm tâm Thái Kỳ trai Vương Trăn đưa cho. Anh ta mở hộp ra ăn một miếng. Tần phu nhân lấy làm lạ: “Phu quân xưa nay có chuộng những của ngọt này bao giờ đâu?”

Tần Tự cười lớn: “Phu nhân nhầm rồi đấy. Từ nay về sau, Tần Vu Đức ta sẽ thích đồ ngọt!”

Hai đảng tranh chấp, có được có mất, nhưng ty Độ Chi sau cuộc chiến này coi như chấm hết.

Triệu Phụ đã từng trách cứ các đại thần trên điện Thùy Củng, chất vấn rằng họ thực sự cho rằng Thái Tổ bãi bỏ Tam Ty chỉ để làm suy yếu quyền Tể tướng, củng cố hoàng quyền sao? Các quan lớn trong điện im phăng phắc, không ai trả lời ông ta. Lúc đó, ngoài hoàng đế và các đại quan nhất phẩm, nhị phẩm ra thì chỉ còn một Khởi Cư lang và một Khởi Cư xá nhân trong điện.

Tiếc rằng hai người này trời sinh ngu độn, tuy có lòng trung thành, nhưng trước những chuyện thế này thì chỉ biết nhắm mắt bịt tai, không dám nghe cũng chẳng dám nghĩ.

Câu hỏi này sau đấy bị Vương Trăn coi như truyện tiếu lâm, kể lại cho Đường Thận nghe chơi.

Đường Thận nghe xong, tí nữa thì cười phá lên.

Thái Tổ ấy à?

Thái Tổ là một tay mãng phu chính hiệu kia mà!

Một tướng quân thô lỗ giành lấy giang sơn từ chiến trường máu lửa!

Còn lí do nào khác để Thái Tổ loại trừ Tam Ty ngoài mục đích hạn chế quyền lực thừa tướng? Chẳng nhẽ ông ta vẽ ra nổi cái gì cao siêu lắt léo hơn?

Triệu Phụ mượn uy Thái Tổ để chặn miệng bốn vị tướng công, miễn cho họ nhì nhằng đòi tái thiết Tam Ty thêm lần nữa. Sau vụ ty Độ Chi, cả Kỷ đảng lẫn Vương đảng đều tổn thất, riêng Triệu Phụ làm Lã Vọng buông câu, ung dung quan sát bề tôi tranh giành đấu đá.

Nhưng có thật là chỉ mình hoàng đế được lợi chăng?

Triệu Tĩnh bị cách chức, Kỷ Ông Tập mất đi cánh tay đắc lực nhất trong triều của mình, Triệu Phụ càng yên tâm hơn về phe Tả tướng.

Tần Tự bị cách chức, Vương Trăn mất đi một thuộc hạ giỏi giang, Triệu Phụ đôn một người thuộc phe Tả thừa Trần Lăng Hải lên ghế Hữu thị lang bộ Hộ. Song ngoài chuyện đó ra, Vương Trăn hoàn toàn không sứt mẻ chút nào. Trái lại, Triệu Phụ còn giao phó ty Ngân Dẫn cho chàng toàn quyền quyết định, tin dùng hơn cả trước.

Ty Ngân Dẫn mới được thiết lập ở Tây Bắc, chủ yếu quản lí lương thực và tiền lương cho quân sĩ1.

Hồi tháng tư, Đường Thận lén gửi sổ con cho Vương Thuyên, chỉ sau mấy ngày, Vương Thuyên đã viết một bản tấu dâng lên hoàng đế. Lúc ấy, Triệu Phụ đang tràn trề thất vọng với ý tưởng “lấy giấy làm tiền”, bực bội không vui mãi.

Triệu Phụ đã ngoài sáu mươi, suốt ba mươi năm trị vị, ông ta đã lập nên nhiều công trạng vẻ vang. Tỷ như năm Khai Bình thứ mười, Triệu Phụ tuyên chiến với nước Liêu, kết thúc bằng một hòa ước giữa hai nước. Tỷ như năm Khai Bình thứ mười bảy, Triệu Phụ cho người sửa trị Hoàng Hà, giảm thiểu đáng kể nguy cơ lũ lụt. Mới hơn thì cách đây hai năm, Triệu Phụ ra lệnh xây dựng ba tuyến quan đạo kết nối miền Bắc, một công trình mà đến trăm năm sau vẫn có sức ảnh hưởng to lớn.

Làm một minh quân, Triệu Phụ nghĩ, mình đã xứng đáng lưu danh thiên cổ rồi.

Nhưng nếu hoàn thành được việc “thay tiền bằng giấy”, ông ta càng có cơ hội trở thành vị đế vương hiển hách nhất trong hàng nghìn năm lịch sử.

Vương Thuyên vẽ ra cho ông ta một viễn cảnh phi thường, nói rằng có thể lấy cải cách thuế ruộng làm bình phong để phổ biến tiền giấy. Kết quả thì sao? Cả Kỷ Ông Tập lẫn Vương Thuyên, hai tể tướng đầu triều hợp sức mà sự vẫn đổ bể! Hôm nay Vương Thuyên lại bảo ông ta rằng tâu hoàng thượng, nếu chúng ta không mượn đường cải cách thuế ruộng được, thì chúng ta mượn nẻo tiền lương quân đội Tây Bắc. Lấy tình hình chiến sự Tây Bắc làm vỏ bọc, âm thầm tiến hành công cuộc “dùng giấy thay tiền”!

Triệu Phụ tuy bán tín bán nghi, nhưng ông ta vẫn cho phép.

Ty Ngân Dẫn, ngoài mặt là cơ quan quản lí tiền lương cho ba quân, nhưng sau khi ba lối quan đạo được xây xong, Ty Ngân Dẫn Tây Bắc sẽ tự động trở thành một ngân hàng như thời hiện đại! Ty Ngân Dẫn sẽ là nơi các quan võ tập trung toàn bộ những thứ triều đình phát xuống. Nếu muốn sử dụng, bắt buộc phải có văn tự làm bằng chứng. Nhưng dần dà, ty Ngân Dẫn sẽ phát hành các loại “tiền giấy”. Quân sĩ sẽ không nhất thiết phải đi đổi tiền và vật phẩm về nữa; trong phạm vi các châu Tây Bắc, họ có thể giao dịch trực tiếp bằng văn tự, ty Ngân Dẫn “chỉ nhận giấy, không nhận người”!

Đây là kế che mắt mà Đường Thận hiến cho Vương Thuyên.

Tây Bắc là nơi Đại Tống tiếp giáp với nước Liêu, quanh năm chiến loạn không ngừng nghỉ. Đây là nơi mà bàn tay của thế gia đại tộc không thể vươn tới, nên nó là thí điểm lí tưởng cho chính sách phổ biến tiền giấy. Sau khi thử nghiệm thành công và hoàn thiện kĩ lưỡng khâu chuẩn bị ban đầu, việc nhân rộng mô hình ra toàn quốc sẽ vừa đơn giản mà lại vừa hiệu quả. Khi ấy, giới quý tộc sẽ rơi vào thế bị động, muốn trở tay cũng không kịp nữa rồi.

Hiềm nỗi, công việc này vô cùng vất vả, không thể thành công trong một sớm một chiều. Chính vì thế, Triệu Phụ mới giao trọng trách cho thanh niên trai tráng Vương Trăn thay vì Vương Thuyên.

Trên triều đình, đến tận khi ty Ngân Dẫn chính thức vận hành, quần thần dẫu ôm một bụng ngờ vực cũng không hiểu nổi rốt cuộc cơ quan này đang làm cái gì.

Kỷ Ông Tập ngầm ưng thuận, để mặc cho ty Ngân Dẫn hoạt động.

Giữa mùa hè như thiêu như đốt, Đường Thận soát tấu chương xong thì trình lên Từ Bí. Từ Bí kiểm tra xong xuôi, Đường Thận đang định về chỗ mình làm thì Từ Bí lại cười bảo: “Đường đại nhân, hiện giờ triều đình nhiều việc, tấu chương ngươi phải xem sẽ tăng lên so với trước đấy.”

Đường Thận dừng bước, quay lại thưa: “Hạ quan tuân mệnh.”

Đến khi Đường Thận trở về phòng mình, quả nhiên sai nha khiêng một hòm tấu chương đặt lên bàn cậu. Đường Thận mở ra đọc, không chỉ có báo cáo quân sự Tây Bắc, cả tấu chương từ các vùng miền mà Từ Bí không cho cậu tiếp cận hồi năm ngoái giờ cũng trở về rồi. Đường Thận trầm tư nhìn đống tấu chương, nhắm mắt ngẫm nghĩ xem rốt cuộc hơn một năm vừa qua Từ Bí đã làm những gì.

Nghĩ xong cậu chỉ thấy tức cười.

Từ Bí chẳng làm gì cả!

Kỷ đảng bị biếm trích, Vương đảng chỗ được chỗ mất. Phe Trần Lăng Hải có một người thế chân Tần Tự, trở thành Hữu thị lang bộ Hộ. Còn Từ Bí, ông ta chẳng làm gì cả, cũng chẳng thiệt gì cả! Ông ta vẫn cứ là người vô hình trong mắt hoàng đế, một Hữu thừa có mà như không, một quyền thần không hề mang lại bất cứ mối uy hiếp nào cả.

Trong lúc đó, Hữu thị lang bộ Lại Dư Triều Sinh bước vào gian phòng của Từ Bí, vái chào: “Học trò bái kiến tiên sinh.”

Từ Bí cười hiền từ với anh ta: “Hiến Chi, con và Đường Cảnh Tắc tài thật đấy. Cứ lúc cậu ta vừa đi là con xuất hiện.”

Dư Triều Sinh ngạc nhiên: “Đường đại nhân vừa tới đây ạ?”

Từ Bí nói: “Ngồi đi.”

Thầy trò hai người ngồi đối diện nhau, trao đổi đôi chút về học vấn rồi chuyển sang chuyện gia đình của Dư Triều Sinh. Dư Triều Sinh về Thịnh Kinh đã được nửa năm. Mấy hôm trước, vợ anh ta sinh em bé. Hôm nay Dư Triều Sinh đến đây cốt là để xin thầy đặt tên cho con mình.

Từ Bí nói: “Con thành thân hơn mười năm, cuối cùng cũng có đứa con nối dõi, cởi nỗi băn khoăn bấy lâu nay của vi sư. Chắc con cũng biết, hai năm trước vi sư còn suýt tưởng con giống Vương Tử Phong, cùng phường đoạn tụ.”

Dư Triều Sinh hốt hoảng: “Vương đại nhân mà mê Long Dương ấy ạ? Làm sao tiên sinh biết được?”

Từ Bí hỏi ngược lại: “Nếu không chuộng Long Dương, thì cớ sao y đã hai mươi tám tuổi mà vẫn chăn đơn gối chiếc? Hiến Chi ơi là Hiến Chi, việc bé tẻo teo ấy con cứ ngẫm một tí là nó lộ ra ngay. Mà ắt hẳn hoàng đế của chúng ta đã biết việc này rồi. Bằng không, luật lệ Đại Tống ta không cấm Phò mã làm quan, một hôn phu xuất sắc nhường ấy, đáng lí phải được Thánh thượng ban hôn với công chúa, kết mối thân tình từ lâu rồi.”

Dư Triều Sinh ngượng ngùng: “Học trò có mắt như mù.”

“Thánh thượng tin sủng y như thế, khó có chuyện ngài không biết nguyên nhân y mãi bơ vơ lẻ bóng, không vợ không con lắm.” Từ Bí im lặng một lát mới nói tiếp: “Thôi kệ y. Con đầu lòng của con, phải đặt tên thật hay mới được. ‘Phạt kha như hà? Phỉ phủ bất khắc2,’ đặt là Dư Kha có được không?”

“Tạ ơn tiên sinh ban tên.”

[2] Kha là cán rìu, có thể được ví von với lễ nghĩa hoặc người quân tử mẫu mực.

Hai thầy trò lại hàn huyên thêm một lúc, Từ Bí nhấp ngụm trà, ý nhị nói: “Năm ngoái Vương Thuyên dâng tấu xin thực thi hai mươi ba điều cải cách thuế ruộng, lão phu lập tức thay đổi công việc của Đường Cảnh Tắc, chỉ cho cậu ta đọc tấu sớ từ Tây Bắc chứ không cho đụng đến các vấn đề địa phương. Ai dè năm nay, Vương Thuyên lại đề xuất lập ty Ngân Dẫn ở chính vùng Tây Bắc. Ty Ngân Dẫn, Tây Bắc… Cậu Đường Cảnh Tắc này cũng hay ho ra phết.”

Năm Khai Bình thứ ba mươi, ngày hai mươi ba tháng bảy. Miền Tây Bắc, ba mươi dặm ngoài thành Yến Châu.

Đêm hè Tây Bắc cháy bỏng như rượu Thiêu Đao tử, không khí khô ran, những trận gió ào ạt không mang đến sự dịu mát mà phả từng luồng hơi oi nồng lên mặt. Hơn ba mươi tướng sĩ trẻ tuổi trong trang phục đi đêm núp sau một gò núi nhỏ, lẳng lặng quan sát phía trước.

Ở giữa đội ngũ là một tướng quân với gương mặt sáng láng điển trai, nước da ngăm đen và thân hình cao lớn. Cặp mắt sáng quắc của hắn ghim chặt vào con đường nhỏ gập ghềnh dưới chân gò núi. Ánh trăng rọi vào đôi mắt đầy nhiệt thành, hừng hừng như có lửa.

“Cà rộp… cà rộp…”

Có tiếng ngựa xe vọng lại từ đằng xa.

Chừng một khắc sau, một toán người Liêu thoạt trông như một đội lái buôn băng ngang gò núi nhỏ. Toán người đó đi tới giữa hai tảng đá đồ sộ; bất thình lình, tay lái buôn đầu đoàn sa vào hố bẫy, cả đoàn ngựa thồ hoảng loạn, rối tung cả lên.

“Mai phục, có mai phục!” Toán người Liêu hét ầm lên, nói liên thoắng bằng ngôn ngữ của họ.

Trên gò núi, một mũi thương Nhạn Linh3 vừa tuốt khỏi vỏ ngay tức thì, ánh thương sáng lóa như tuyết. Lý Cảnh Đức gầm lên: “Quân Phi Long ở đâu!”

Trong đêm trăng, ba mươi tướng sĩ dạ ran váng trời: “Ở đây!”

“Xông pha theo bản tướng quân!”

“Rõ!”

Quân Liêu ngụy trang thành lái buôn nghe tiếng reo hò rung trời chuyển đất thì sợ vãi linh hồn, vội nhìn lên gò núi. Té ra địch chỉ có mấy chục mống người! Chỉ mấy chục người mà khí thế cứ như thiên quân vạn mã. Binh tướng nước Liêu tức tối chửi ầm lên, rút phắt khảm đao4 từ xe ngựa ra, xông vào trận chiến.

Dưới ánh trăng vằng vặc, binh khí cắm vào thịt da, máu đào tung tóe.

Chòm tua trắng dưới mũi thương Nhạn Linh đỏ ngầu.

Sau trận chém giết, quân Tống bắt giữ được mấy tướng sĩ Liêu làm tù binh, tịch thu toàn bộ lương thảo, tiền bạc cho quân đội mà đoàn xe thồ theo.

Một người Liêu bị áp tải đến trước mặt Lý Cảnh Đức: “Thưa tướng quân, chỉ huy của toán quân Liêu đã chết, kẻ này hình như có chức quan cao nhất trong đám tù binh. Y không phải lính Liêu mà là quan văn. Ban nãy, toán quân kia đang hộ tống y thì bị quân ta tóm gọn.”

Lý Cảnh Đức chùi máu trên mặt bằng tay áo: “Phải quan lớn không?”

Viên quan người Liêu thế mà biết nói tiếng Tống, chửi toáng lên: “Thằng súc sinh Lý Cảnh Đức! Chỉ nay mai thôi, quân Liêu tao sẽ đánh rốc tới thành U Châu, chặt đầu mày bêu trước cổng thành!”

Chớp mắt, mũi thương bạc cắm phập vào ngực tên quan Liêu. Y ngỡ ngàng, chết rồi mà vẫn không hiểu tại sao có kẻ dám giết tù binh, nhất là một tù binh đáng lẽ sẽ hữu dụng như mình.

“Mẹ cha nhà mày. Thấy bố mày im im, mày tưởng bố không biết cáu hả?”

Lính Tống cũng đến bó tay với chủ tướng: “Kìa tướng quân!”

“Rút thôi, khuân hết đống chiến lợi phẩm này về, trình lên Đại nguyên soái đòi khao thưởng.”

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play