Rời khỏi bến tàu, Đường cử nhân lập tức cho Đường Thận thay một bộ áo gấm tinh tươm. Cậu đội mũ điêu1, chân xỏ giày ngọc, đeo đai lưng bảo thạch, đến cây quạt trên tay cũng là quạt cổ từ triều trước. Từ khi Đường Thận được hoàng đế khâm điểm làm Thám hoa trên điện Tử Thần, chưa bao giờ cậu ăn mặc long trọng đến vậy!

[1] quan lớn, bậc quyền quý thời xưa đội mũ có đúc con ve vàng hoặc gắn đuôi chồn (điêu)

Mọi người trong cả dòng họ Đường, chẳng cần biết có thân quen với Đường Thận không, đều tặng cậu đủ loại quà cáp.

Khi đoàn người trùng trùng điệp điệp tiến đến từ đường dòng họ thì trên tay Phụng Bút đã kĩu kịt hàng đống hộp gấm.

Đường Thận đi theo Đường cử nhân và tộc trưởng vào từ đường, chú bác trong họ ngồi kín ghế thái sư hai bên. Đầu tiên, Đường cử nhân quỳ xuống, nói: “Tổ tiên họ Đường trên cao, hôm nay cháu Đường Thận thuộc chi thứ hai nhà họ Đường đỗ Thám Hoa làm rạng danh dòng họ. Là bá phụ của cháu, chúng con mừng rỡ vô cùng. Nhà họ Đường chúng ta có bậc kì tài này2, ắt sẽ hưng thịnh trăm năm!”

Tộc trưởng đứng trước linh vị tổ tiên, mở cuốn gia phả, đọc tên Đường Thận lên cho tổ tiên trên trời rồi từ tốn đọc to gia quy. 

Vào thời đại này, đỗ Tiến sĩ là việc vẻ vang dòng họ. Nếu đỗ Trạng Nguyên thì sau hôm thi đỗ sẽ có mười sáu sai nha rước bảng Trạng Nguyên theo tân thủ khoa về thăm quê, lệ ấy gọi là phụng chỉ về quê. Trạng Nguyên cùng khóa với Đường Thận là Diêu Thiện đã được hưởng nghi lễ ấy, nhưng nhà anh ta ở Thịnh Kinh, chỉ cần tổ chức ngay tại chỗ là được, không phải đợi chờ lâu.

Đường Thận đỗ Thám Hoa năm ngoái, sau đó suốt một năm rưỡi cậu không quay về phủ Cô Tô khiến cả họ Đường chờ mòn mỏi, chỉ thiếu điều dong buồm lên Thịnh Kinh kiếm Đường Thận, hỏi tận nơi xem cậu có định về thăm quê cũ không.

Hôm nay Đường Thận cuối cùng cũng về rồi, người nhà họ Đường sao có thể tiếp đón qua quýt được.

Đường cử nhân bùi ngùi xúc động: “Thận nhi, cả họ Đường chúng ta chỉ có mỗi cháu đỗ Thám Hoa, thậm chí chỉ có mình cháu là Tiến sĩ. Cháu chính là vinh quang của cả dòng họ ta, đại bá phụ chân thành cảm ơn cháu!”

Đường Thận nói: “Đều là máu mủ ruột rà, đại bá phụ chớ nói vậy.”

Đường cử nhân xúc động đến nỗi rơm rớm nước mắt, ông muốn nói thêm dăm câu ba điều, nhưng giờ Đường Thận chẳng những là tân khoa Thám hoa lang mà còn là đại quan tứ phẩm, thành ra ông có phần sợ sệt, không dám nhiều lời.

Đến tối, bữa tiệc linh đình ba ngày ba đêm của nhà họ Đường bắt đầu diễn ra.

Dân chúng trong thành Cô Tô đều kéo đến nhà họ Đường chúc tụng. Mọi người không đến chỉ để đánh chen thỏa thuê mà còn để chung vui với không khí đón mừng Thám Hoa lang.

Nhân tài ở Cô Tô nhiều như nấm mọc sau mưa, nơi đây là đất lành, đất thiêng đã sản sinh ra bao đời hiền tài. Tuy nhiên, Cô Tô đông nhân tài đến mấy đi chăng nữa, trong những năm Khai Bình cũng mới có năm Tiến sĩ, trong năm Tiến sĩ lại chỉ có một Bảng Nhãn mà thôi.

Sau bữa tiệc ai đến trước xơi trước kéo dài ba ngày ba đêm, Đường Thận rốt cuộc cũng có thời gian xả hơi. Nhưng vừa hết tiệc thì đến lượt phủ doãn Cô Tô ghé nhà bái phỏng.

Phủ doãn mới của phủ Cô Tô mang họ Cổ, là tiến sĩ năm Khai Bình thứ ba. Bởi trong triều không có chỗ dựa, ông thi đỗ Tiến sĩ hơn hai mươi năm mà vẫn chỉ có thể làm tri huyện, phủ doãn ở những địa phương xa xôi hẻo lánh. Hơn năm mươi tuổi, Cổ phủ doãn mới được Trần tướng công điều về cai quản phủ Cô Tô. Được thế coi như khổ tận cam lai, đến tuổi già được về nơi đất lành an dưỡng.

Cổ phủ doãn là quan tứ phẩm giống Đường Thận, nhưng so ra về vinh dự thì kém xa.

Quan địa phương không bằng quan kinh thành, quan phổ thông càng không bằng quan trong điện Cần Chính.

Việc Cổ phủ doãn đến nhà mình bái phỏng không khiến Đường Thận ngạc nhiên. Cậu lấy lễ đối đãi, mở tiệc tiếp đón Cổ phủ doãn ở phòng khách. Cổ phủ doãn cẩn thận lựa lời chúc mừng Đường Thận, rồi hỏi thăm những chuyện gần đây ở Thịnh Kinh. Rượu quá ba tuần, Cổ phủ doãn nói: “Đường đại nhân, hôm nay ghé thăm phủ ngài, kì thực tôi còn dẫn theo một người.”

Đường Thận hỏi: “Ồ, ngài dẫn theo ai vậy?”

Cổ phủ doãn ra lệnh cho sai nha về nha môn, dẫn một ông lão tóc bạc trắng đến Đường phủ. Đường Thận thấy người đó thì sửng sốt, cậu nhìn kĩ một lát rồi thốt lên: “Bác trưởng thôn?”

Trưởng thôn Đường gia đứng khép nép trong phòng khách, có chút thấp thỏm lo âu.

Chuyện Đường Thám hoa trở về phủ Cô Tô đã lan truyền khắp toàn phủ, nhà họ Đường thiết yết mời cả phủ ăn uống thỏa thuê suốt ba ngày ba đêm, người thôn Đường gia cũng nghe đồn. Hay tin Đường Thận trở về, mọi người trong thôn đều động viên trưởng thôn đến phủ thành một chuyến, không phải để lôi kéo quan hệ với Đường Thận hòng trục lợi, mà cốt là để xin chữ của cậu.

Đường Thận nói: “Bác trưởng thôn, năm năm không gặp, suýt thì cháu không nhận ra bác đấy.”

Nói rồi, Đường Thận tiến đến đỡ ông ngồi xuống.

Trưởng thôn quýnh lên: “Thế này không được đâu!”

Hai người ngồi ở bàn này, một là Phủ doãn Cô Tô, một là Thám hoa Đường Thận, trưởng thôn làm sao dám ngồi. Không ngờ, khi ông toan đứng dậy, một bàn tay thon thả nhưng rất cương quyết đã đặt nhẹ lên vai ngăn ông lại. Trưởng thôn nhìn sang thì thấy Đường Thận đang mỉm cười với mình.

Rõ ràng là nụ cười rất ôn hòa, nhưng ở Đường Thận có uy thế rõ rệt của người làm quan, vừa nghiêm trang vừa trịnh trọng, khiến người khác chỉ có thể nghe lời.

Đường Thận suýt thì không nhận ra trưởng thôn, trưởng thôn cũng chẳng tài nào nhận ra cậu.

Ai mà tưởng tượng nổi, sau năm năm, cậu bé sống dựa vào nghề bán nước hoa quả ở đầu thôn Đường gia đã lớn khôn, thành đạt như bây giờ!

Trưởng thôn ngồi xuống, Đường Thận sai Phụng Bút lấy thêm bát đũa cho ông.

Hàn huyên một hồi, Đường Thận mới biết được nguyện vọng của trưởng thôn, cậu dở khóc dở cười: “Hồi trước A Hoàng chỉ nói đùa vậy thôi, không ngờ mọi người lại tưởng thật. Thực ra thì không cần đổi thành thôn Đường gia đâu, nhưng nếu đã lỡ rồi thì đành vậy. Bác trưởng thôn, bác muốn cháu viết ba chữ ‘Thôn Đường gia’ cho thôn mình phải không?”

Trưởng thôn gật đầu.

Đường Thận suy nghĩ một lát, kêu Phụng Bút chuẩn bị giấy mực. Cậu cầm bút lông sói cỡ lớn, múa ba chữ đại tự “Thôn Đường gia” lên giấy Tuyên Thành.

Vừa dứt bút, Cổ phủ doãn đã trầm trồ thốt lên, vỗ tay khen: “Tuyệt vời! Chữ đẹp lắm! Khí thế hiên ngang, sức lực tràn trề như tùng bách, nét bút thoăn thoắt tựa rồng cuộn, quá đỗi phi thường!”

Nịnh nhau rắm thối cũng thành thơm, Đường Thận gãi tai, nghĩ thầm: bản thân việc nịnh đã là nói không thành có rồi, tinh hoa nằm ở chỗ phải biết một vừa hai phải, hiểu không?

Cổ phủ doãn có ý ca tụng Đường Thận, trưởng thôn vốn không biết thư pháp đẹp xấu chỗ nào, nghe Cổ phủ doãn nói thế, chỉ cảm thấy Đường Thận đúng là người trời. Chữ của Thám Hoa lang đương nhiên phải vượt xa sĩ phu thông thường rồi, ông định bụng sau khi đem bức thư pháp này về khắc thành bia đá ở đầu thôn Đường gia xong xuôi, sẽ bí mật giấu làm của báu gia truyền cho con trai thừa kế!

Nghe tin trưởng thôn đến chơi, Đường Hoàng cũng ra khỏi hậu viện ôn chuyện với ông ta.

Loanh quanh bận bịu suốt bốn ngày, đến ngày thứ năm thì Đường Thận mới có thể nghỉ ngơi tử tế.

Thảnh thơi chưa được hai ngày đã lại đến Tết.

Đêm giao thừa, hai anh em đến nhà Đường cử nhân, cùng nhau đón chào năm mới. Đường cử nhân và đại công tử Đường Vân đều hơi rén Đường Thận, không dám nói chuyện với cậu như trước nữa. Chỉ có Đường phu nhân là vẫn đối xử với hai anh em như con cháu trong nhà, gắp cá cho Đường Thận và Đường Hoàng, chúc: “Niên niên hữu ngư nhé*.”

(*) “ngư” (cá) và “dư” đồng âm (yú). Câu chúc năm sau giàu có, no đủ hơn năm trước

Họ hàng nội ngoại Đường gia ở phủ Cô Tô rất đông, nhưng Đường Thận không cần đến tận nơi thăm hỏi vì ngay mùng hai, tất cả mọi người đã đổ xô đến nhà họ Đường để chúc Tết rồi.

Đường Thận tiễn hết tốp khách này đến tốp khách khác, xong xuôi mới trở về thư phòng, trải giấy mực ra viết chữ.

Ở Thịnh Kinh, Đường Hoàng đã xin Đường Thận viết cho mình một bảng chữ mẫu. Đường Thận hàng ngày đi làm ở điện Cần Chính, về nhà lại mải mê chế tạo thủy tinh, không dư ra được phút nào để viết bảng chữ cho em gái cả. Hôm nay cậu đã chế tạo thủy tinh thành công, lại được nghỉ Tết về quê, cuối cùng cũng có thời gian rảnh để chuẩn bị một quyển chữ mẫu tươm tất cho em gái, để cô bé luyện viết theo.

Đường Thận nắn nót viết lên trang giấy Tuyên Thành: “Thiên địa huyền hoàng, vũ trụ hồng hoang, nhật nguyệt doanh trắc, thần túc liệt trương…”

Viết xong một bản Thiên tự văn, Đường Thận đăm chiêu nhìn trang giấy, hồi lâu sau cậu mới thì thầm: “Khí thế hiên ngang, sức lực tràn trề như tùng bách, nét bút thoăn thoắt tựa rồng cuộn, quá đỗi phi thường? Mình thấy rõ ràng chỉ giống được phần hình, chứ nào bắt chước được phần ý trong chữ Vương Tử Phong.”

Khi Đường Thận mới tập tành viết chữ, cậu học theo chữ Lương tiên sinh, ông dạy cho cậu lề lối căn bản trong thư pháp. Khi chữ của cậu còn chưa định hình, Vương Tử Phong cho cậu bảng chữ mẫu của Chung Thái Sinh để cậu rèn từng nét ngang, nét móc, nét phẩy, nét mác. Khi cậu thực sự học được cách thổi hồn vào con chữ, thì Đường Thận học theo chữ của Vương Tử Phong.

Trên đời không phải không có chuyện trò giỏi hơn thầy, nhưng thiên phú của Đường Thận về thư pháp quả thực thua xa Vương Trăn. Thậm chí toàn cõi Đại Tống chẳng có mấy ai sánh kịp Lang Gia Vương Tử Phong!

Người này cứ như yêu nghiệt ngàn năm có một, cầm kỳ thi họa không gì không tinh thông.

Ngoài tường nhà, hàng xóm bắt đầu đốt pháo. Đường Thận nghe tiếng pháo nổ đì đùng, tự dưng lại thấy nhơ nhớ Vương Trăn.

Lúc này Vương Trăn đang làm gì thế nhỉ?

Niềm mong nhớ cứ trôi hoài theo dòng suy tư, Đường Thận mơ màng một chốc, bỗng giật mình, thầm nghĩ sao đang yên đang lành lại nhớ Vương Tử Phong. Cậu lắc đầu, rũ ngay cái ý nghĩ đáng sợ ấy đi rồi trở về nhà ngủ.

Triều đình cho nghỉ năm mới hơn hai mươi ngày, đến tận mười tám tháng Giêng mới kết thúc.

Đường Thận dự tính mùng mười sẽ quay về Thịnh Kinh.

Mùng sáu, cậu sang nhà Đường cử nhân ăn cơm. Đường phu nhân lén lút giữ cậu lại, sai cô con gái thứ của Đường cử nhân dắt Đường Hoàng sang biệt viện chơi, giữ chân cô bé lâu lâu một chút. Đường Thận không hiểu bà định làm gì, cậu vừa uống Bích Loa Xuân vừa ngẫm nghĩ xem có phải Trân Bảo Các gặp rắc rối, nên Đường phu nhân mới muốn nói chuyện riêng với mình.

Đúng lúc đấy, cậu nghe Đường phu nhân hỏi: “Thận nhi, năm nay cháu mười tám rồi đấy, thế đã… để ý cô gái nào chưa?”

Đường Thận: “…”

Miếng trà nóng tí nữa thì phụt ra khỏi mồm, may mắn là Đường Thận ở Thịnh Kinh ba năm nay, hàng ngày nếu không dính lấy con cáo già đạo mạo Vương Tử Phong thì cũng bầu bạn với con hổ chúa Triệu Phụ, tâm lý của cậu đã được mài giũa vững như thành đồng rồi.

Đường Thận lấy lại bình tĩnh, đáp: “Đại bá mẫu, cháu chưa từng nghĩ đến chuyện này. Tuổi cháu còn nhỏ, chưa cập quan, chuyện cưới xin tạm thời cứ thong thả.”

Đường phu nhân cười nói: “Anh họ cả của cháu lúc bằng tuổi cháu đã đính ước, đầu năm nay mới thành thân xong. Cha mẹ cháu mất sớm, trong nhà không có người lớn quyết định những việc đại sự này, đương nhiên bác phải lo liệu cho cháu rồi. Nhưng dù sao cháu nói cũng đúng, cháu có phải cái thằng ngốc Đường Vân kia đâu, làm quan ở kinh thành vất vả, chuyện cưới gả thư thư ra mấy năm cũng được. Nhưng Thận nhi này, chuyện hôn nhân của Đường Hoàng… Cháu có tính toán gì chưa?”

Đường Thận nhíu mày, đặt chén trà xuống, nghiêm túc bảo: “Chuyện này cháu cũng trăn trở thật ạ.”

Đường phu nhân nói: “A Hoàng năm nay mười bốn rồi, sang năm là cập kê, nên lập gia đình. Nếu cháu bằng lòng để đại bá mẫu thu xếp, thì cháu cứ yên tâm, bác đã thay A Hoàng xem xét hết những chàng trai tốt nhất hai phủ Cô Tô, Kim Lăng rồi, cũng chấm được mấy cậu đấy. Còn nếu cháu nhắm được nhà nào triển vọng ở Thịnh Kinh cho A Hoàng thì bác lại theo cháu.”

Đường Thận: “Chuyện này không cần vội đâu ạ, để cháu hỏi ý Đường Hoàng trước đã.”

Đường phu nhân hết sức ngạc nhiên.

Huynh trưởng như cha, chuyện cưới gả của con gái vốn là cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, với nhà Đường Thận thì cậu nên là người quyết định thay Đường Hoàng.

Nhưng Đường phu nhân lại nghĩ, Đường Thận xưa nay vẫn rất thương yêu em gái mình, thế là bà bèn nói: “Được, tất cả đều theo ý cháu. Mà Thận nhi này, bác đã đánh tiếng với mấy cô nương ở Cô Tô và Kim Lăng rồi đấy. Nếu cháu không bận gì, hai hôm tới, bác cháu mình bàn bạc chút xem sao nhỉ?”

Đường Thận: “…”

Ở trạm dịch Thứ Châu nguy hiểm trùng trùng, Đường đại nhân nhạy bén cảnh giác, tùy cơ ứng biến, ung dung không sợ hãi.

Theo hầu đương kim hoàng thượng tính tình đa nghi, Đường đại nhân múa bút như thần, miệng trơn như bôi mỡ, dễ dàng bay vút lên mây xanh.

Thế mà giờ đây khi “đối đầu” với Đường phu nhân hết lòng quan tâm, muốn thu vén hôn sự cho mình, Đường đại nhân vắt chân lên cổ mà chạy, ngay hôm sau đã bịa ra một lí do để chuồn đi Kim Lăng.

Đường Thận dắt theo thư đồng Phụng Bút, trốn biệt sang phủ Kim Lăng.

Phụng Bút theo Đường Thận đã ba năm, cũng hiểu tâm tư Đường Thận, biết cậu sang Kim Lăng để né tránh chuyện dạm ngõ. Khi đến nơi, Đường Thận ngẫm nghĩ một lát rồi bảo: “Ngươi theo ta đi thăm Cẩm Tú Các một chuyến.”

Chủ tớ hai người đến Cẩm Tú Các, chỉ thấy trong cửa hàng đầy ắp người dân đến mua xà phòng. Ngó nghiêng một hồi, Đường Thận phát hiện bức thư pháp treo giữa cửa hàng. Cậu tròn mắt, nhìn trân trối dòng chữ kia, không kìm nổi kinh ngạc.

Phụng Bút thấy dáng vẻ ngỡ ngàng của chủ nhân, bèn đọc dòng chữ ấy lên: “Khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát. Công tử, câu thơ này có gì không ổn ư?”

Đường Thận dở khóc dở cười: “Ta chưa bao giờ nghĩ rằng, duyên phận của ta với sư huynh hóa ra lại bắt nguồn từ nơi đây.”

“Có phải Đường tiểu đông gia phủ Cô Tô đấy không ạ?”

Đường Thận ngoái đầu lại, liền thấy đại chưởng quỹ Phương của Cẩm Tú Các đang dè dặt quan sát họ. Khi Đường Thận quay ra, đại chưởng quỹ Phương mừng rỡ thi lễ rồi nói: “Quả đúng là ngài, cậu chủ Đường. À không, giờ phải gọi là Đường đại nhân mới đúng chứ. Bốn năm trước từ biệt ở Kim Lăng, không ngờ tiểu nhân có phúc ba đời, vẫn được gặp đại nhân một lần nữa.”

Đường Thận nói: “Bốn năm mới tái ngộ, Phương đại chưởng quỹ có khỏe không?”

“Không ngờ ngài vẫn nhớ tên tiểu nhân.” Đại chưởng quỹ Phương xúc động quá, “Tôi khỏe, mọi sự đều tốt lành. Xà phòng và Hoàng Kim Lũ ở Cẩm Tú Các đều rất đắt hàng, hẳn là kế toán Lâm cũng nói với ngài rồi. Tôi thấy ban nãy Đường đại nhân ngắm mãi bức thư pháp kia, chắc hẳn ngài đã phát hiện bức thư pháp ấy được viết bởi chính đại công tử Lang Gia Vương thị, Vương Trăn – Vương tướng công. Nghe nói Đường đại nhân là sư huynh đệ với Vương tướng công, ngài đến Kim Lăng để bái phỏng Vương tướng công đúng không ạ?”

Đường Thận sửng sốt: “Tử Phong sư huynh đang ở Kim Lăng à?”

“Đúng thế, năm nay Vương tướng công về ăn Tết ở Kim Lăng đấy ạ!”

Nửa canh giờ sau, Đường Thận tần ngần đứng trước hẻm Ô Y, ngước mắt trông cánh cổng oai nghiêm hùng vĩ của Lang Gia Vương thị.

… Rốt cuộc, vì sao cậu phải đứng ở đây hả trời!?

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play