Tạ Thành và Từ Lệnh Hậu là quan Thị lang tam phẩm. Kỷ Tri là Giám sát Ngự sử của Ngự Sử đài, có chức trách giám sát tất cả các quan lại, giữ gìn khuôn phép triều đình. Nghe danh oai phong là thế, nhưng chức quan này chỉ xếp vào hàng lục phẩm, còn thấp hơn Đường Thận một cấp. Tuy vậy, ở thành Thứ Châu không ai dám coi thường Kỷ Tri hết.
Ông ta là Giám sát Sứ do hoàng đế bổ nhiệm, trước khi vụ việc cầu sông Kinh Hà được giải quyết xong xuôi, tánh mạng gia quyến toàn thể các quan trong thành Thứ Châu đều nằm trong tay ông ta cả.
Đoàn Giám sát Sứ vào thành Thứ Châu xong thì đến thẳng nha môn phủ doãn.
Kỷ Tri là một người đàn ông tầm tuổi trung niên, tương mạo nghiêm nghị, cứng rắn và lạnh lùng. Các quan trong Ngự Sử đài tuy phẩm cấp thấp nhưng trong triều đình không phải sợ ai cả, bởi cơ quan này chịu sự quản lí trực tiếp của hoàng đế và chỉ nghe lệnh của hoàng đế mà thôi. Ngoài đức vua ra, không ai được quyền sai sử họ.
Vào nha môn phủ doãn, Kỷ Tri ngồi luôn vào ghế chủ tọa, không cần phải nhường ai.
Ông ta nhìn một lượt xung quanh, nói bằng thứ giọng lạnh ngắt: “Các vị đại nhân, hạ quan phụng chỉ Thánh thượng đến Thứ Châu, hẳn chư vị cũng biết mục đích chuyến đi này là gì. Mưa to ở Kinh Hà làm sập cầu, gây tử thương cho gần một trăm thợ khéo và quan viên, khiến Thánh thượng nổi giận lôi đình. Việc này tuyệt đối không thể qua loa lấy lệ. Mấy ngày tới, xin các vị đại nhân hãy phối hợp để chúng ta dễ bề làm việc.”
Mọi người đáp: “Vâng.”
Kỷ Tri nhanh chóng chia đoàn Giám sát Sứ ra thành hai nhóm. Một nhóm ở lại thành Thứ Châu, còn nhóm kia đi theo ông ta đến sông Kinh Hà khảo sát hiện trường. Đường Thận bị phân vào nhóm ở lại thành.
Thiệt hại gần trăm nhân mạng, thiên tai chỉ góp một phần, yếu tố con người không thể nào coi nhẹ.
Sự cố vừa xảy ra, quan phụ trách xây dựng cầu sông Kinh Hà lập tức bị tống giam. Những người thợ có liên quan đến vụ việc đều bị hạ ngục. Hữu thị lang bộ Công – Tạ Thành dẫn đoàn Giám sát Sứ vào nhà lao Thứ Châu để chọn một số quan lại và thợ thuyền lên nha môn thẩm vấn.
Trong ngày hôm ấy, các quan viên và thợ thủ công được chọn ra từ đại lao đều bị xét hỏi hết ở nha môn.
Đường Thận đi theo đoàn Giám sát Sứ đến nhà giam, thấy các quan viên bị lột sạch mũ mão, quan bào cũng lấm bùn. Họ gầy gò và ốm yếu đến thảm hại, song mỗi buồng giam chỉ nhốt ba đến bốn người, trông tinh thần các quan vẫn không đến nỗi. Trái lại, các thợ thủ công bị đối xử tàn tệ, người ta đã nhồi nhét hơn hai mươi người thợ vào một nhà giam vừa hôi hám vừa bẩn thỉu. Giữa mùa hè oi bức, có người thợ bị lôi tới nha môn mà mặt cứ dại ra, không trả lời nổi câu hỏi.
Quan với dân phạm tội, chẳng bao giờ trông mong được đối xử ngang hàng.
Đường Thận ngồi trong nha môn, bỗng cảm thấy xót xa khôn tả.
Ánh nhìn của cậu từ từ hướng về trung tâm của đại sảnh, chĩa thẳng vào Hữu thị lang Tạ Thành ngồi ngay dưới ghế chủ tọa.
Trong số các quan có tội, chức to nhất phải kể đến Tạ Thành! Thế mà gã ta vẫn chưa hề bị tống giam, còn được ngồi đây tiếp đón đoàn Giám sát Sứ, thẩm vấn phạm quan.
Đúng là quan trường!
Đường Thận ngồi một góc im ắng, thỉnh thoảng ghi biên bản. Cuối ngày, cậu soạn lại tổng thể những việc xảy ra trong trận mưa to ở sông Kinh Hà.
Đầu tháng Tư, các quan và thợ thủ công di chuyển đến Thứ Châu chuẩn bị mở đường. Hạ tuần tháng Tư, họ đến khu vực sông Kinh Hà và khởi công bắc cầu. Do cây cầu này là hạng mục khó thi công nhất, nên Tạ Thành chuẩn bị mất nửa năm, dự định xây cầu trước, sau đó lấy cây cầu này làm trung tâm để mở đường về hai hướng Bắc, Nam.
Khó làm trước dễ làm sau, phương án của Tạ Thành không sai, nhưng không ai lường trước được việc cầu sẽ bị sập trong trận mưa to cả.
Nguyên nhân chính của sự kiện lần này là thiên tai.
Miền Bắc ít khi có mưa to, nhưng không may, năm nay là năm mưa lớn. Sông ngòi phương Bắc thưa thớt, chỉ có sông Kinh Hà là con sông to nhất, dòng chảy xiết nhất thì họ thi công ở đúng nơi đây. Hai yếu tố thiên nhiên hợp lại với nhau, cầu vừa xây được một nửa nước sông đã dâng cao, mưa tuôn xối xả, thế là cầu sập.
Sau ngày làm việc đầu tiên, đoàn Giám sát Sứ đã lý giải được phần lớn vụ việc.
Kỷ Tri rời Thứ Châu, giao nhiệm vụ chỉ huy đoàn Giám sát Sứ cho Thủy bộ Lang trung họ Quách ở bộ Công. Ông này là quan ngũ phẩm, nhưng vì đang đảm nhiệm chức Giám sát Sứ nên Tạ Thành và Từ Lệnh Hậu đều coi ông ta là thượng cấp, vô cùng tôn kính.
Quách Lang trung thẩm vẩn xong các quan viên và thợ thủ công thì bảo: “Hôm nay đến đây thôi, ngày mai thẩm vấn tiếp.”
Các quan thưa: “Dạ.”
Đoàn Giám sát Sứ đến trạm dịch Thứ Châu trọ lại.
Hôm nay là ngày đầu tiên Đường Thận đến Thứ Châu, lệnh của hoàng đế là cứ ba ngày cậu phải viết một bức thư gửi về, nhưng không nói bức thư đầu tiên phải chờ ba ngày sau mới viết. Đường Thận ngồi trong phòng, nhắm mắt suy tư, hồi tưởng lại hết một lượt những việc mình nhìn thấy, nghe thấy ở nha môn Thứ Châu ngày hôm nay, đoạn lấy giấy bút ra viết thư.
“Kính tâu đức Chí Thượng, thần khó nén kinh hãi, nếu có gì sai sót, tội đáng muôn chết.
Rằm tháng Tám vừa qua, thần và đoàn Giám sát Sứ đến Thứ Châu. Các quan trong thành đều ra cổng đón chào… “
Viết hết những điều tai nghe mắt thấy hôm nay là hết một tờ giấy. Đường Thận thổi khô mực rồi bỏ thư vào bao, cẩn thận dán kín. Đến chỗ quan sở tại ở trạm dịch, Đường Thận lấy lệnh bài ra, nói: “Gửi phong thư này đến Thịnh Kinh, ra roi thúc ngựa.”
Quan phụ trách truyền tin giữa hai đầu thấy lệnh bài này thì hết hồn, nhận thư rồi nói ngay: “Dạ.”
Người đưa thư nhanh chóng nhận thư, cưỡi khoái mã rời khỏi Thứ Châu.
Cùng lúc đó, ở trạm dịch U Châu.
Thượng thư bộ Công Viên Mục ngồi trong một căn phòng sạch sẽ trang nhã, nhấc ấm trà bằng sứ Thanh Hoa tự châm một chén. Cẩn thận nhấp môi thưởng thức, ông ta xuýt xoa: “Giáo kia treo một cờ này1, vị đi tươi mát vị về ngọt thơm, trà ngon lắm! Đúng là Bích Loa Xuân hái trước tiết Thanh Minh. Quả nhiên, ở chốn khỉ ho cò gáy U Châu, chỉ đến phòng Vương đại nhân mới có thể uống trà ngon bực này. Tiếc là ngày mai ngài phải đi rồi. Vương đại nhân, để lại ít lá trà được không?”
[1] Chỉ búp trà non mới mọc một lá, tức là loại cực phẩm.
Vương Trăn thổi nhẹ làm mặt trà gợn sóng, phong thái rất mực ung dung, lời nói lại khiến người ta lộn ruột: “Mơ hão.”
Viên Mục chẳng khách sáo, rót tiếp một chén.
Ngoài trời mưa tầm tã, tiếng mưa xối trên khung cửa sổ nghe rì rào rì rào. Trong phòng, Viên Mục nói: “Năm nay cũng kì lạ thật. Mưa to thế này ở miền Bắc hiếm lắm, xui thay trúng năm nay thì mưa lớn, đúng là ông trời trêu ngươi. Nếu không có trận mưa cỡ này, cầu sông Kinh Hà có lẽ không sập được.”
Vương Trăn: “Viên đại nhân cũng tinh thông thiên văn, khí tượng quá nhỉ?”
Viên Mục: “Gọi là biết võ vẽ thôi chứ có thạo lắm đâu.”
Hai người ngồi đối diện nhau. Được một lát, Viên Mục nói: “Đáng lẽ trước Trung thu là ngài được về rồi đấy. Tiếc là xảy ra việc này nên phải kéo dài đến tận hôm nay.”
“Cuối tháng Viên đại nhân mới về Thịnh Kinh à?”
“Đương nhiên. Lúc ấy về kinh rồi, ta có đến phủ Thượng thư bộ Hộ xin Vương đại nhân một chén Bích Loa Xuân, ngài phải cho ta đấy nhé.”
Vương Trăn mỉm cười không đáp.
Viên Mục đứng lên, đi ra đóng cửa sổ cho mưa khỏi hắt vào nhà. Lúc chuẩn bị đóng cửa, tự dưng ông ta lại ngẩng lên bầu trời đen kịt vần vũ, lặng ngắm hồi lâu, đoạn nói: “Hoàng thượng phái ngài tới U Châu để điều tra gì đấy?”
Vương Trăn không buồn ngẩng lên, chỉ chăm chú thắp nến trong phòng, bình tĩnh đáp: “Chẳng phải Viên đại nhân đã đoán được từ sớm rồi hay sao?”
Viên Mục đóng cửa sổ lại, quay ra nhìn Vương Trăn, cười: “Ta đoán thì đúng thật, nhưng người phải tiếc là Vương đại nhân chứ. Đi cả một chuyến mà đến nhầm chỗ, rõ uổng công! Nói vậy chứ trên đời này dù là ta, ngài, hay thánh thượng đi chăng nữa cũng không thể tiên đoán miền Bắc đổ mưa dữ dội đến thế, sập cả cầu sông Kinh Hà. Thằng ôn kia đúng là người mang mệnh trời, chuyện ngon ăn nào cũng đến lượt nó xơi! Ta là ta ghen tị lắm đấy!”
Vương Trăn hết sức ngạc nhiên: “Viên đại nhân mà lại ghen tức với một quan tứ phẩm nhỏ nhoi à?”
Viên Mục nói sâu xa: “Nhỏ nhoi ư? Chỉ e ta về đến Thịnh Kinh, người ta đã thành đại thần tam phẩm từ tám mươi đời, có khi ngang cấp với hai chúng ta luôn ấy chứ!”
Trong phòng hoàn toàn yên tĩnh, không ai nói nữa.
Viên Mục uống nốt một chén trà rồi đứng dậy đi về. Bỗng Vương Trăn nói: “Hộp Bích Loa Xuân này xin Viên đại nhân hãy cầm theo.”
Viên Mục quay lại, ngạc nhiên nhìn chàng.
Vương Trăn cười nói: “Vốn là mang đến cho ngài đấy.”
Viên Mục nhìn Vương Trăn hồi lâu, cười gượng gạo: “Người ta hay bảo bữa cơm đầy thịt là bữa cuối của tử tù, sao ta cứ nghĩ, Vương đại nhân tặng ta hộp Bích Loa Xuân cực phẩm này là để tiễn ta đi nốt chặng đường cuối nhỉ?”
“Sao Viên đại nhân lại nghĩ thế?” Vương Trăn tỏ vẻ kinh ngạc.
Viên Mục đối mặt với chàng một hồi cũng thấy dở khóc dở cười: “Vương Tử Phong, đừng nói thêm gì nữa, hẹn tháng sau tái ngộ ở Thịnh Kinh!”
Cầm hộp Bích Loa Xuân rời khỏi trạm dịch, Viên Mục trở lại nha môn U Châu. Vừa về tới nơi ông ta đã liệng luôn hộp trà xuống đáy rương, hậm hực: “Thôi thì khuất mắt đi cho khỏi phiền lòng này. Cái tay Vương Tử Phong đáng ghét này, đến giờ rồi còn không chịu nói thật. Rõ rành rành nó biết chuyện chẳng can hệ gì đến ta, thế mà cứ câm như hến! Thảo nào ở điện Cần Chính, cứ thấy nó là mình lại ngứa cả mắt!”
Đến khi ăn tối xong, Viên Mục nằm trên giường nghĩ Tần nghĩ Sở, lại bò dậy lục hộp Bích Loa Xuân ra.
“Không thể để Vương Tử Phong hời thế được, của này là của báu mà.”
Vương Tử Phong là cái đồ bụng một bồ dao găm, nhưng hộp Bích Loa Xuân này vô tội biết bao, sao nỡ lãng phí chứ?
Về phần mình, Đường Thận yên tâm gửi thư mà không lo bị đọc trộm. Lệnh bài này Triệu Phụ cấp riêng cho cậu, nếu thư của cậu bị lộ, thì tính mạng người đưa thư mới là điều đáng lo hơn.
Về đêm, Đường Thận đang định ngủ, quan viên phụ trách trạm dịch lại đến gõ cửa, bảo có khách tới thăm.
Đường Thận lấy làm lạ. Cậu vừa mặc xong quần áo thì một chàng trai trong bộ áo gấm đen bước vào phòng. Đường Thận đơ ra mất một lúc mới định thần bước tới: “Chào Tô đại nhân. Đêm khuya Tô đại nhân ghé thăm, chẳng hay có việc gì?”
Vị khách ấy chính là Tô Ôn Duẫn.
Đường Thận từ trước đến nay chưa thấy Tô Ôn Duẫn mặc quần áo màu đen bao giờ, thực tế ra đây cũng là lần đầu tiên cậu thấy Tô Ôn Duẫn mặc thường phục thay vì quan bào. Không thể không nói, nếu Vương Tử Phong là chàng tiên giáng thế ở tít trên cao, thanh nhã xuất trần đến nỗi ai thấy cũng phải nghiêng mình, thì Tô Ôn Duẫn như con dao găm bén ngọt, lưỡi dao giấu trong vỏ không chỉ sắc bén mà còn đầy nọc độc. Anh ta ưa nhìn thật đấy, nhưng cũng cực kì đáng gờm, khiến người khác khó lòng sinh hảo cảm.
Tô Ôn Duẫn đi thẳng vào vấn đề luôn: “Hôm nay Đường đại nhân quan sát những người trong đại lao Thứ Châu, có cảm tưởng gì không?”
Đường Thận thăm dò: “Ý của Tô đại nhân là…?”
Tô Ôn Duẫn nở nụ cười: “Ngươi nghĩ, chỉ là thiên tai thôi à?”
Đường Thận lẳng lặng chưa đáp vội. Trong ánh nến, gương mặt Tô Ôn Duẫn mỹ miều vô cùng.
Tháng bảy, Triệu Phụ phái ba người tâm phúc chia nhau đi U Châu, Thứ Châu và Ninh Châu.
Tháng tám, cầu sông Kinh Hà bị lũ cuốn trôi, Thánh thượng nổi trận lôi đình. Đoàn Giám sát Sứ được cử đến Thứ Châu, Triệu Phụ vô duyên vô cớ lại ghé thêm Đường Thận vào.
Hóa ra…mọi chuyện chính là vậy!
Đường Thận tự dưng bật cười. Mọi việc trước mắt cậu trở nên sáng tỏ, nhưng trong lòng cậu rối rắm lung bung, vừa thấy khó xử lại vừa thấy hài hước.
Đang yên đang lành lại cười, Đường Thận không trả lời ngay câu hỏi của Tô Ôn Duẫn. Song Tô Ôn Duẫn tạm thời chưa phát hiện phản ứng bất thường của cậu. Ánh nến leo lét, Đường Thận cứ lặng lẽ cười, Tô Ôn Duẫn có chút ngạc nhiên, tự dưng lại quên mình định nói gì.
Đường Thận nhớ đến hôm ấy trong kiệu, Vương Tử Phong đã kéo tay cậu lại, dặn dò.
Chớ nghe, chớ hỏi.
…Không nghe, không hỏi, đúng là cách người khôn giữ mình.
Bây giờ cũng chỉ còn cách làm người khôn giữ mình thôi.
Đường Thận làm bộ băn khoăn, nghĩ tới nghĩ lui một hồi mới đáp: “Hạ quan…Thật sự không hiểu ý Tô đại nhân ạ!”
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT