Đường Thận và Diêu Tam cùng đến lò rèn của thợ rèn Vương.

“Choang…choang…” – những tiếng quai búa đều đặn vang lên từ trong cửa hàng. Thợ rèn Vương để trần hai cánh tay, nện từng nhát búa lên miếng sắt trên đe. Thấy Đường Thận và Diêu Tam tới, ông hồ hởi: “Tiểu Đường lang và Diêu Tam đấy à? Sao hôm nay lại có thời gian rảnh sang đây chơi thế?”

Đường Thận đáp: “Bác Vương, cháu sang nhờ bác xem giúp dụng cụ này xem có rèn ra được không ạ.”

“Ờ, đưa bác xem nào.”

Đường Thận giở bản phác thảo “Bình chưng cất tinh dầu*” mình vẽ hồi nãy ra cho ông.

Hiển nhiên, sau khi chế tạo xong xà phòng theo phương pháp thô sơ của thời cổ đại, sản phẩm kế tiếp Đường Thận muốn chế tạo chính là tinh dầu.

Thợ rèn Vương cả đời theo nghề rèn đúc, đã từng thấy biết bao nhiêu bản thiết kế vũ khí và các loại đồ trang trí khác nhau. Đương nhiên, ông có con mắt hơn hẳn Diêu Tam trong việc đọc bản vẽ. Mặc dù ban đầu, cách vẽ phối cảnh Đường Thận dùng để mô tả chiếc bình chưng cất đơn giản này khiến ông hơi bối rối, nhưng sau khi nghiên cứu một lát, ông chỉ ngay vào một bộ phận được vẽ bởi hai đường cong trên bản thiết kế, hỏi: “Đây là cái gì?”

“Bộ phận này là ống ngưng tụ. Bác Vương, cháu miêu tả để bác thử hình dung nhé. Cháu muốn rèn một cái bình lớn. Ở đáy bình bác làm cho cháu một cái rây để ngăn cách nước sôi với khoang chứa các loại cỏ, hoa ở trên. Toàn bộ bình về cơ bản là kín, khí nóng bốc lên sẽ đi qua hai cái ống này. Khoảng trống bao quanh hai ống này mình sẽ xối nước lạnh.”

Thợ rèn Vương suy nghĩ một lát, nói: “Tiểu Đường lang, dụng cụ này bác chế tạo được, nhưng mà sẽ mất công ra phết đấy.”

Đường Thận vốn không hi vọng nhiều, nghe thế thì mừng rỡ: “Thế cần bao lâu thì xong hả bác?”

“Cỡ nửa tháng. Cháu muốn nhanh hơn thì phải thêm tiền công. Bác không nói thách đâu, bác đang có mấy đơn người ta đặt hàng từ trước. Cháu cần gấp thì bác tính năm xâu tiền, sau ba ngày là có.”

“Được ạ!”

Thợ rèn Vương không nói ngoa, ba hôm sau, ông đã khuân đến nhà Đường Thận một cục sắt to tổ chảng kiểu dáng thô sơ, vừa nặng vừa đen sì sì.

Theo tiêu chuẩn thì bình chưng cất phải đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về độ kín khí, nhưng do điều kiện có hạn, Đường Thận không đòi hỏi quá cao. Cậu đã nhờ Diêu đại nương và Đường Hoàng ra ngoài thành hái một ít hoa cúc, hoa hồng và hoa quế về, bứt cánh hoa để vào trong chậu. Hai chiếc chậu lớn làm cả khoảnh sân ngào ngạt hương hoa.

Có bình chưng chất, Đường Thận bắt đầu công cuộc tạo ra tinh dầu.

Tinh dầu nghe thì có vẻ ghê gớm nhưng kì thực lại dễ làm. Ở thời hiện đại, chỉ cần mua một bình chưng cất nhỏ là có thể tự làm tinh dầu tại gia. Đường Thận ngắm nghía “cục than bự” nhà mình, nghĩ bụng: Đằng ấy hơi thô sơ tí thôi nhưng cũng là bình chưng cất thứ thiệt đó, đừng làm tớ mất mặt nha.

Tinh dầu có được chế tạo thành công hay không phải xem chiếc bình chưng cất “thời đồ Đá” này có hoạt động không đã.

Trong ba loại cánh hoa, Đường Thận lựa ra hoa quế có mùi hương nồng nhất. Cậu nhồi một đống cánh hoa vào trong bình. Bình chưng cất chia làm ba bộ phận, nằm dưới cùng là khoang chứa nước, trên mặt nước là rây lọc, trên rây lọc là ngăn chứa cánh hoa.

Đường Thận đặt bình chưng cất lên lò đun nóng, khi nước trong lò sôi sục lên, hơi nước quyện hương hoa sẽ bốc lên đỉnh bình. Đỉnh bình được đúc kín, chỉ có hai ống sắt nhỏ thông ra ngoài.

Hai ống sắt này đều được uốn tròn để giảm diện tích, chứ nếu duỗi thẳng ra thì mỗi ống phải dài ít nhất hai mét.

Thợ rèn Vương khá tò mò Đường Thận đặt hàng dụng cụ kì lạ đó để làm gì, bèn ở lại trong sân xem cậu hí hoáy. Ông bảo ba người Diêu Tam: “Cái dụng cụ này ngộ ghê! Tiểu Đường lang chế tạo nó để làm gì thế? Đã tạo ống ngoằn ngoèo ngoài bình, lại còn uốn thành mấy vòng, rồi ngâm hai cái ống vào trong nước nữa.”

Diêu Tam cũng mù mờ không khác gì ông: “Tiểu đông gia làm gì, chúng tôi chẳng bao giờ hiểu nổi. Chuyện của người đọc sách ấy mà.”

Thợ rèn Vương vẫn thắc mắc: “Cái thứ trong ống lại không tiếp xúc với nước, thế phỏng có ích gì?”

Đường Thận nói: “Có ích lắm đấy, bác cứ chờ mà xem.”

Hơi nước đi theo hai ống sắt, ngưng tụ thành từng giọt nhỏ xuống. Đường Thận liên tục đổ thêm nước vào khoang làm mát chứa các ống sắt này. Hơi nước chậm chạp di chuyển trong đường ống ngoằn ngoèo khiến người ta sốt hết cả ruột, rồi từ từ nhỏ giọt đằng miệng ống. Đường Thận nhanh nhẹn hứng lấy. Cậu nín thở, hồi hộp chờ đợi tinh dầu nhỏ xuống từ ống dẫn. Chờ mòn mỏi đến khi nước trong bình chưng cất đã bay hơi hết sạch mới hứng được non nửa chén tinh dầu.

Tinh dầu màu vàng đậm sóng sánh, tỏa hương nồng nàn.

Trong các loài hoa nở vào mùa này, hoa quế là loài hoa thơm hơn cả. Đường Hoàng hít căng mũi, thích thú hỏi: “Anh ơi, thứ anh muốn làm là đây hả? Thơm quá, dễ chịu quá!”

Ấy thế mà Đường Thận chưa hài lòng chút nào.

Cậu cho nhiều hoa quế đến vậy mà chỉ chiết xuất được có một tí tinh dầu.

Tinh dầu là chất thơm được chiết xuất từ rễ, cành, lá, quả của cây, có thể coi là hương liệu cơ bản nhất. Ở thời hiện đại, chẳng có nhà máy nào xa xỉ đến mức sản xuất tinh dầu từ cánh hoa, nhụy hoa cả, vì như thế thì lãng phí quá. Do thiết bị thô sơ, Đường Thận mới phải xa xỉ dùng mỗi cánh hoa làm nguyên liệu, nhưng không ngờ cũng chỉ chiết xuất ra được một tẹo tinh dầu mà thôi.

Chi phí sản xuất đắt đỏ thế này, muốn sản xuất tinh dầu với số lượng lớn là vấn đề vô cùng nan giải.

Chợt, thợ rèn Vương ồ lên: “Bác hiểu rồi. Tiểu Đường lang, hóa ra là cháu tôi sắt!”

Đường Thận sửng sốt: “Bác Vương, bác bảo sao cơ, tôi sắt ấy ạ?”

“Cháu muốn chưng cất mùi hương, cũng giống như làm nguội kim loại nóng chảy đúng không? Hầy, bác nói hơi rối rắm, nhưng cái cháu đang làm rất giống với công đoạn tôi kim loại trong nghề rèn của các bác. Khi rèn mình cũng phải nung sắt lên thật nóng rồi dội nước vào cho nguội đi, sau đó lại làm nóng lên rồi gia công tiếp. Giờ cháu làm như thế này chưa được, chỉ dội nước lạnh thì hiệu quả thấp lắm, dụng cụ của cháu nhất định phải cải tiến thêm. Mình không được để nhiệt độ hạ xuống mau quá, phải giữ khí ở nhiệt độ cao một lúc, sau đó mới dẫn vào nước lạnh để giảm nhiệt từ từ!”

Đường Thận suy nghĩ một lát, khẩn trương phác thảo một thiết kế mới trong đầu: “Bác nói chí phải!”

Thợ rèn Vương lại vác cục sắt về nhà, hí hoáy sửa sang mất ba bốn hôm, rồi lại mang sang nhà Đường Thận.

Lần này, Đường Thận chiết xuất được hẳn một chén tinh dầu.

“Nhiêu đây là đủ rồi!”

Đường Thận nấu một chảo xà phòng, đổ tinh dầu vào, khuấy đều rồi đợi xà phòng đông lại.

Sau khi hoàn thành, Đường Thận ép xà phòng ướp tinh dầu thành bánh, hoàn thiện thành phẩm xà phòng thơm.

Hôm sau, Đường Thận và Diêu Tam mang hai bánh xà phòng thường và hai bánh xà phòng thơm đến Đường phủ.

Trên đường đi, Diêu Tam băn khoăn: “Tiểu đông gia, cậu làm ra xà phòng đã được nửa tháng rồi, sao giờ vẫn chưa bán? Lẽ nào cậu không có ý định kinh doanh mặt hàng này?”

Đường Thận cười đáp: “Diêu đại ca, nhà ta tới phủ Cô Tô cũng đã hai tháng rồi, anh có tính xem việc buôn bán lời lãi ra sao không?”

Diêu Tam quýnh lên: “Tiểu đông gia đừng nói thế, đó là tiền của cậu và A Hoàng, nào có liên quan đến tôi.”

“Anh chớ lo, tôi không nói anh tham tiền bạc, phẩm hạnh của Diêu đại ca chưa bao giờ khiến tôi phải đắn đo. A Hoàng còn bé, nhưng rất may mà có anh và Diêu đại nương để mắt nó trong thời gian mọi người đi bán bánh gần đây. Trông nom một cô nhóc1 chín tuổi như con bé đúng là vất vả.”

Diêu Tam thở phào nhẹ nhõm, lúc này mới nói: “Việc buôn bán lãi kha khá đấy ạ.”

“Có đủ để mua đứt một cửa hàng ở Toái Cẩm nhai không?”

“Dĩ nhiên là không, mua vậy tốn nhiều tiền lắm!”

“Thế có đủ mua một xưởng ở Cô Tô, sản xuất xà phòng, tinh dầu số lượng lớn không?”

“Cũng chẳng đủ đâu.”

Phủ Cô Tô và thôn Triệu gia khác nhau một trời một vực. Ở thôn Triệu gia, một lượng bạc đủ nuôi một nhà ba miệng ăn phủ phê cả năm trời, trong khi ở Cô Tô, một lượng bạc chỉ đủ đút kẽ răng, giỏi lắm thì nuôi được một miệng. 

Từ khi Đường Thận chuyển đến phủ Cô Tô, bánh chiên ngũ cốc dẫu đắt như tôm tươi thì thu nhập mang lại cũng chỉ ở mức thường thường bậc trung, còn khuya mới được xếp vào hàng ngũ khá giả.

“Không mua xưởng được, thì xà phòng và tinh dầu mình chỉ có thể sản xuất tại nhà. Diêu đại ca, giả sử bây giờ mình không bán bánh buổi sáng nữa, thì anh, tôi, A Hoàng, Diêu đại nương, bốn người cộng lại, mỗi ngày chỉ làm được tối đa năm mươi bánh xà phòng, một hai bình tinh dầu. Đó chưa phải là vấn đề, vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta phải đi đâu để bán những sản phẩm này?”

Đường Thận hỏi Diêu Tam xong, lại nói tiếp: “Xà phòng khác với bánh chiên. Bánh chiên ăn xong là hết, giá rẻ, ai cũng có thể mua. Xà phòng mua một lần dùng được lâu, tinh dầu thì càng miễn bàn, anh cũng biết phải bỏ vốn rất nhiều, bán ra cũng phải bán giá cao, không phải mặt hàng mà bày ra sạp là có người mua. Nếu mình buôn bán vậy, chỉ dăm tháng thôi là cả nhà ta hít gió tây bắc trừ bữa.”

Diêu Tam hổ thẹn vô cùng: “Tôi chỉ là chân hộ vệ trông nhà, không hiểu những thứ sâu xa phức tạp, để tiểu đông gia chê cười rồi.”

Đường Thận không vì đó mà coi thường Diêu Tam. Cậu dừng bước, bảo: “Chúng ta đến nơi rồi.”

Đây là lần đầu tiên Diêu Tam đến Đường phủ.

Có lẽ sau sự cố lần trước Đường phu nhân đã dạy dỗ lại tôi tớ trong phủ, nên lần này quản gia Đường phủ dẫn hai người vào trong ngay chứ không trễ nải nữa. Gã ta dẫn Đường Thận tới phòng khách phụ, sai nha hoàn dâng trà nóng và hai đĩa điểm tâm. Trong chốc lát, Đường phu nhân đã có mặt. 

Đường Thận tưởng mình sẽ gặp Đường cử nhân, nào ngờ người xuất hiện lại là Đường phu nhân. Cậu tính toán trong chớp nhoáng, nghĩ bụng thế này càng tốt, bèn đứng lên thưa: “Đại bá mẫu, thấm thoắt đã bao ngày, hôm nay cháu trai xin phép tới quấy quả bá mẫu. Đây là hộ vệ nhà cháu, Diêu Tam – Diêu đại ca.  Diêu đại ca, đây là đại bá mẫu của tôi, Đường phu nhân.”

“Kính chào phu nhân.” Diêu Tam chắp tay chào hỏi.

Đường phu nhân hòa nhã nói: “Ngồi xuống cả đi.” Vừa vào phòng khách, Đường phu nhân đã để ý thấy hai chiếc hộp nhỏ Đường Thận bê trên tay. Song, bà chỉ làm bộ như vô tình liếc thấy, rồi tập trung nói chuyện với Đường Thận: “Lần trước bác cháu mình gặp nhau là ở Toái Cẩm nhai. Hôm nay gặp cháu bác mới sực nhận ra cũng đã một tháng, cháu hình như lại gầy đi rồi đấy.”

Đường Thận đáp: “Vâng, bác cháu mình gặp nhau từ trước dịp tết Trùng Cửu.”

Đường phu nhân cho rằng Đường Thận đến biếu quà vì muốn theo học ở lớp học riêng của Đường gia. Bà bèn chủ động bắc cầu cho Đường Thận: “Hai anh cháu mấy bữa nay lại nhắc đến cháu, chúng nó mong gặp cháu lắm, nhưng sợ đường đột quá thì khiến cháu không thoải mái.”

Kiếp trước, Đường Thận là trai bách khoa “thuần chủng”, có phẩm chất trời phú là miễn dịch với các mối quan hệ xã hội vòng vo của loài người. Nhưng cậu cày ải ba năm thạc sĩ, ba năm tiến sĩ, dẫu đần đến mấy cũng được môi trường đại học trui rèn ít nhiều. Tuy chẳng dám nhận là miệng lưỡi trơn tru, nhưng cũng nghe ra được ý tứ của Đường phu nhân.

Đường Thận cười nói: “Cháu cũng mong gặp hai anh nhà lắm ạ.”

Đường phu nhân đang định lái sang chuyện đi học của Đường Thận thì Đường Thận đã tiếp lời ngay: “Đại bá mẫu, hôm nay quấy quả bá mẫu cũng vì lúc cháu chân ướt chân ráo tới Cô Tô, đại bá mẫu đã giúp cho ngay hai rương đồ đạc. Ơn nghĩa ấy cháu ghi lòng tạc dạ. Vừa khéo nhà cháu làm được mấy món, cháu liền mang sang đây cho đại bá mẫu xem thử.”

“Ồ, những thứ này nhà cháu tự làm ư?”

Đường Thận đáp: “Vâng, cháu tự tay làm đấy ạ.”

Đường phu nhân ngạc nhiên: “Cháu còn biết nấu ăn nữa à?”

Đường phu nhân nói câu này chẳng hề có ý coi thường.

Trong sách Mạnh Tử, thiên thứ nhất – Lương Huệ Vương, phần thượng, có câu: “Quân tử xa nhà bếp.” Sau ngàn năm, câu nói này bị người đời sau hiểu sai thành “người quân tử có phẩm đức cao thượng sẽ không vào bếp, cũng không biết nấu ăn.” Trên thực tế, nguyên văn câu này là “Quân tử chi vu cầm thú dã, kiến kỳ sinh, bất nhẫn kiến kỳ tử; văn kỳ thanh, bất nhẫn thực kỳ nhục. Thị dĩ quân tử viễn bào trù dã.”

Tức là, người quân tử đối diện với chim trời cá nước, chẳng nỡ nhìn chúng lìa đời; nghe được tiếng chim muông, không đành lòng ăn thịt chúng. Thế nên quân tử luôn luôn lánh xa bếp núc. 

Nói cách khách, quân tử không vào bếp, không phải do việc nấu nướng là việc thấp hèn không xứng với quân tử, mà vì quân tử có trái tim nhân từ.

Người xưa không suy ra lắm nghĩa bóng từ câu nói này đến vậy, thậm chí không đánh giá cao cái gọi là “quân tử xa nhà bếp.”

Huống chi, con người ai cũng phải ăn, đến Đức thánh Khổng còn có tích “ba tháng không biết mùi thịt”, nói rằng “Không ngờ nhạc được sáng tác đến mức tuyệt vời như thế!”2 Thử hỏi Mạnh tử làm sao có thể nói quân tử không được phép vào bếp?

[2] Luận ngữ: Đức Khổng tử kiêng thịt, giữ lòng thanh khiết để cảm nhận được cái hay của nhạc Thiều, khúc nhạc do vua Thuấn sáng tác. 

Dĩ nhiên, Đường Thận giải thích ngay: “Đây không phải thức ăn đâu.”

Đường phu nhân hỏi: “Thế nó là vật gì?”

“Đại bá mẫu cứ mở ra xem là biết ngay thôi.”

Hai bác cháu hàn huyên một hồi, Đường Thận bảo Diêu Tam đưa một hộp cho Đường phu nhân, sau đó hai người rời Đường phủ, đi sang Lương phủ.

Chính xác, hôm nay Đường Thận mang theo hai chiếc hộp, trong mỗi hộp là một bánh xà phòng thường, một bánh xà phòng thơm, tặng riêng cho Đường phu nhân và Lương đại nho.

Đường Thận về rồi, Đường phu nhân bèn sai quản gia mở hộp.

Hộp đựng không đắt tiền, nhưng bề ngoài trông mới mẻ, chế tác cũng rất khéo tay. Phu nhân vừa cầm lên đã biết dù chỉ là một chiếc hộp thôi cũng được Đường Thận chọn lựa tỉ mỉ.

“Cháu ta tuy còn nhỏ, mặt mũi khôi ngô trong sáng, nhưng tâm tính chẳng hề ngây thơ.”

Quản gia hỏi: “Thưa phu nhân, chẳng hay thiếu gia biếu gì đấy ạ?”

Đường phu nhân mở nắp hộp, liền thấy ở tầng thứ nhất là một vật màu vàng nhạt, vật này trơn tuột, sờ lên nhờn như mỡ. Bà mở tầng hộp thứ hai, cũng thấy một vật màu vàng như vậy, chạm vào thì nhờn tay, nhưng thoang thoảng hương hoa quế ngọt bùi.

Có một chuyện Đường Thận không biết là trước cửa khuê phòng của Đường phu nhân ở nhà mẹ đẻ có trồng một cây hoa quế. Nghe mùi hoa, Đường phu nhân trong lòng lâng lâng, tưởng chừng như được trở về nơi sinh ra và lớn lên của mình vậy.

Hai món đồ lạ kì khiến Đường phu nhân tò mò lắm. Bà xem trong hộp thì tìm được một bức thư tay của Đường Thận.

Đường phu nhân cười: “Chữ viết hóa ra cũng thường thôi. Đứa cháu này, trông thì có vẻ thông minh sáng láng3, nhưng thi huyện chưa chắc đã qua nổi.” Bà nào hay, Đường Thận kiếp trước đâu có viết bút lông bao giờ, bản lĩnh viết chữ hiện tại còn phải cảm ơn chủ nhân ban đầu của thân thể này đã tập viết đại tự suốt hai năm.

Đường phu nhân mở thư ra, càng đọc mắt càng sáng lên.

“Hải Đường, con xuống bếp lấy một bát dầu và một chậu nước lên cho ta.”

Nha hoàn gật đầu vâng lệnh, nhanh chóng dâng lên một bát dầu ăn và một chậu nước. “Con thử bôi dầu lên tay đi.” Bà nói xong lại thấy không thỏa đáng lắm, “Thôi thôi, để ta tự làm.” Đoạn, Đường phu nhân tự mình bôi đầy dầu lên tay. Sau đó, bà chà tay bằng bánh xà phòng màu vàng, rồi nhúng vào chậu nước tráng sạch.

Kết quả khiến Đường phu nhân sửng sốt: “Ô, rửa sạch ghê nhỉ?”

Tiếp theo, bà lại thử bánh “xà phòng thơm” còn lại.

“Kì diệu, quả là một vật kì diệu!”

Quản gia hiếu kì hỏi: “Phu nhân, thứ này là gì thế ạ?”

Đường phu nhân nói: “Ngươi cũng thử đi, dùng hai cục này rửa dầu ăn.”

Quản gia vâng lời, rửa tay một hồi. Rửa xong, gã cũng kinh ngạc thốt lên: “Thứ này là gì vậy trời, còn tốt hơn cả di tử!”

Đường phu nhân nói: “Thư của cháu ta viết, cục thứ nhất có mùi là lạ kia gọi là xà phòng, còn cục thứ hai có mùi hoa quế thì gọi là xà phòng thơm.” Vừa dứt lời, Đường phu nhân hít mấy hơi, mắt bà sáng lên, đưa lá thư của Đường Thận đến gần mũi để ngửi thử.

Thoạt tiên khi đọc thư, Đường phu nhân không để ý tới mùi giấy viết thư. Lá thư để xa chỉ nghe mùi thoang thoảng, nhưng để gần thì không còn nhạt nhòa nữa. Hương hoa quế đậm đà dâng tràn, len lỏi vào khoang mũi.

Đường phu nhân ngẩn ra một thoáng, bà ngắm nghía phong thư hồi lâu, chợt thốt lên: “Lẽ nào loại hương này có thể tẩm lên bất kì đồ vật gì ư?”

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play