Luân chờ Nhu hỏi mình, nhưng Nhu lại bóp trán.
- Thưa Tổng thống, thưa Đức cha... Nhu nói mà không ngó ai cả - Chúng ta cần hết sức tỉnh táo. Cái gì ở đằng sau vụ tự thiêu và nhất là cái gì ở đằng trước nó? Ta có thể nào xét vụ tự thiêu vừa rồi tách ra khỏi sự cố ngày 11-11-1960, sự cố tháng 27-2-1962 hay không? Tôi không tin là Phật giáo đủ sức khuấy động đến mức thành áp lực đối với Chính phủ.
Nhu móc trong túi ra một bức thư:
- Tôi xin phép Tổng thống đọc bức thư của Cha Cao Văn Luận từ Mỹ gửi về, chỉ đọc những đoạn cần thiết thôi. “Ngày 16-5, tôi lên máy bay đi Mỹ với Âu Ngọc Hồ và trạm đầu tiên tôi đáp xuống là San Francisco. Tôi muốn nhắc lại một chút, ngày 14-5, tôi tham dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây cất trường Đại học Sư phạm ở Thủ Đức, cùng với Tổng thống. Đại sứ Nolting hỏi tôi về tình hình ở Huế và tôi trả lời rằng tình hình sở dĩ gay cấn cũng có phần lỗi của Chính phủ, chẳng hạn Chính phủ cấm treo cờ đúng ngày lễ Phật đản trong khi các cuộc lễ bên Công giáo thì được tự do treo cờ. Ngày mười lăm, Tổng thống gặp tôi và đã khiển trách tôi là đã chỉ trích Chính phủ trước một đại sứ ngoại quốc. Tôi đã thưa với Tổng thống là tôi chỉ đưa ra một vài giải thích và thật tình tôi xem hành động của Chính phủ ở Huế là bất lợi. Nhân tiện, tôi cũng bộc bạch với Tổng thống, đại ý: số giáo dân Thiên Chúa ở trong Nam chỉ vài trăm nghìn, nhờ phong trào di cư, tổng cộng ngót một triệu, tỉ lệ đó vẫn là thấp so với toàn dân mà Tổng thống và các chức vụ lớn trong chính quyền đều do người Công giáo đảm trách. Dù không có sự thiên vị nào đi nữa, mà chỉ dựa vào tài năng thì bên ngoài, người ta cũng có thể nói rằng Tổng thống thiên vị Công giáo và bạc đãi các tôn giáo khác. Mặt khác, ai cũng thấy từ khi Cụ cầm quyền thì nhà thờ mọc lên khắp nơi, các nhà thờ bị phá hủy trong chiến tranh đều đã được tái thiết gần hết, cả những nơi không có bao nhiêu giáo dân cũng có nhà thờ đồ sộ. Trước đó nữa, tôi yết kiến Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, Ngài chia sẻ với tôi những lo âu tương tự. Nhưng Đức cha Ngô Đình Thục thì lại bảo tôi: Cha cứ yên tâm, các phong trào chống đối của dân bất quá như ngọn lửa rơm bùng lên một chốc rồi tắt ngay, có chi phải sợ.
Những điều tôi băn khoăn được xác nhận ngay tại San Francisco. Ông chủ tịch tổ chức Asia Foundation vốn thiện cảm với Việt Nam Cộng hòa từ lâu, trong bữa cơm thân mật đã nói nỗi lo lắng của ông với tình hình Huế và Sài Gòn. Từ San Francisco tôi đến Hoa Thịnh Đốn. Đại sứ Trần Văn Chương đón tôi tại phi trường và cùng ngồi xe với tôi về tòa đại sứ, ông Trần Văn Chương hỏi qua về tình hình trong nước và báo cho tôi biết những khó khăn mà đại sứ Việt Nam đang gặp phải ở Mỹ. Đại sứ hàm ý trách cứ tôi đã không dùng ảnh hưởng của mình tác động với Tổng thống và khi biết rằng quan điểm của tôi không được Tổng thống nghe theo thì đại sứ thở dài. Nhân vật Mỹ đầu tiên tôi gặp là Thượng nghị sĩ Mike Mansfield, tiểu bang Montana. Ông Mansfield là người rất có thế lực thuộc Đảng Dân chủ cầm quyền, ông lo lắng cho chế độ của Tổng thống ta khó qua được cơn sóng gió. Ông nói rõ dư luận Mỹ trước năm 1960 rất có thiện cảm với Tổng thống ta. Nhưng sau cuộc bầu cử Tổng thống ngày 9-4-1961, báo chí Mỹ bắt đầu chỉ trích chế độ Việt Nam Cộng hòa và cũng bắt đầu dùng danh từ “Nhà độc tài” để mô tả Tổng thống. Ông Mansfield cho rằng cuộc bầu cử đó là “gian lận” - gian lận không cần thiết vì uy tín của Tổng thống trong nước đảm bảo cho Tổng thống đắc cử dễ dàng. Thượng nghị sĩ Mansfield cho tôi biết rằng hiện nay chẳng những dư luận báo chí Mỹ mà phần lớn các nhân vật trong Chính phủ Mỹ đều cho rằng chế độ Việt Nam Cộng hòa là gia đình trị, Công giáo trị, không đoàn kết được toàn dân, đẩy những kẻ đối lập quốc gia đến bước đường cùng phải chống đối bằng bạo động, do đó không thể thắng được Cộng sản. Chính phủ Mỹ cũng như dân chúng Mỹ hết sức lo lắng và thất vọng. Ông khuyên tôi nên trình bày lại với Tổng thống hiểu chiều hướng của dư luận Mỹ, và nếu có thể, nên giúp Tổng thống thay đổi đường lối, nhân sự thì mới được sự ủng hộ của Mỹ, bằng không rất có thể Mỹ sẽ bỏ rơi Tổng thống, nếu không phải là bỏ rơi Việt Nam.
Tôi cố gắng biện hộ cho Tổng thống, trả lời rằng theo chỗ tôi thấy thì không có nạn cuồng tín tôn giáo tại Việt Nam lúc này, và cũng không có sự xung đột tôn giáo nào giữa Phật giáo - Công giáo. Có thể có những mâu thuẫn hiềm khích giữa chính quyền và Phật giáo.
Tổng thống không mấy tin tưởng Phật giáo và Phật tử tích cực chống Cộng cho nên dè dặt đối với Phật giáo. Tôi cũng trình bày về chuyện cấm treo cờ, biến cố ở Huế, vừa đưa ra lối giải thích cùng quan điểm của tôi. Những giải thích và biện hộ của tôi xem chừng không đủ sức thuyết phục được Thượng nghị sĩ Mansfield.
Trước khi chia tay, Thượng nghị sĩ Mansfield nhắc nhở lần nữa rằng nếu Tổng thống không có những thay đổi chính trị sâu rộng, nhằm đưa ra một chế độ dân chủ thật sự kết hợp nhiều thành phần chính trị dị biệt, thì Chính phủ Mỹ cũng như dân chúng Mỹ không thể tiếp tục ủng hộ Tổng thống lâu hơn được nữa.
Lúc bấy giờ Đảng Dân chủ của Tổng thống Kennedy đang nắm quyền và ông Mansfield là một lãnh tụ có nhiều uy tín của đảng này. Lập trường cũng như ý kiến của ông có thể được coi như lập trường không chính thức của đảng và Chính phủ dân chủ.
Do đó những lời ông Mansfield nói ra làm tôi lo lắng nhiều lắm. Tôi có cảm tưởng là người Mỹ đã hết tin ở Tổng thống ta và đang nghĩ đến một thay đổi lớn lao, không phải chỉ là thay đổi nhân sự hay chính sách.
Tôi muốn biết thêm quan điểm của Đảng Cộng hòa đối lập, do đó tôi thu xếp gặp Thượng nghị sĩ Dirksen, một lãnh tụ Cộng hòa lão thành. Ông Dirksen cũng cho tôi biết những ý kiến tương tự như ông Mansfield, nói rằng dân chúng Mỹ, các chính sách Mỹ không phân biệt Cộng hòa hay Dân chủ đều tỏ ý thất vọng với chế độ Tổng thống, và coi như sự ủng hộ của Mỹ đối với Tổng thống nên được chấm dứt càng sớm càng tốt.
Báo chí Mỹ có vẻ đã thổi phồng những xung đột giữa Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Phật giáo với một dụng ý nào đó tôi không hiểu rõ lúc bấy giờ.
Trong lúc tôi đang ở Hoa Thịnh Đốn, thì có tin về những cuộc lễ cầu siêu cho các nạn nhân trong vụ đổ máu tại Đài phát thanh Huế và lễ cầu siêu đã biến thành biểu tình ở Huế và Sài Gòn, ngày 30-5, báo chí Mỹ đăng những tin tức về những hành động đàn áp Phật giáo, như quân đội hay các lực lượng an ninh canh gác các chùa ở Huế, cúp điện trong khu chùa Từ Đàm.
Trong thời gian này, tôi gặp ông Robert Kennedy, bào đệ Tổng thống Kennedy, hiện là Bộ trưởng Tư pháp; ông Kennedy chỉ trích những hành động độc tài đàn áp đối lập, kì thị tôn giáo của Tổng thống Diệm. Ông nói rằng nếu tình trạng này không thay đổi, thì Chính phủ Mỹ không thể tiếp tục ủng hộ Tổng thống Diệm được nữa, vì dư luận dân chúng và Quốc hội Mỹ sẽ làm áp lực buộc Chính phủ Mỹ bỏ rơi Tổng thống Diệm, hoặc bỏ rơi hẳn Việt Nam.
Trong cuộc họp báo ngày 22-5 về Việt Nam, Tổng thống Kennedy, đã có những lời lẽ chỉ trích Chính phủ của Tổng thống Diệm, và một câu nói của ông như một lời giận dỗi: Mỹ sẽ rút hết quân đội và chấm dứt viện trợ cho Việt Nam bất cứ lúc nào Chính phủ Việt Nam yêu cầu. Trả lời cho báo chí, ông ngụ ý là Việt Nam muốn chiến thắng Cộng sản, thì cần có những thay đổi chính trị sâu rộng, từ căn bản.
Trong cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy, tôi được nghe ông nhắc lại những luận điệu này, và ông nói rõ hơn là Tổng thống Diệm phải mở rộng Chính phủ, lập Thủ tướng, tăng quyền cho các Bộ trưởng, kêu gọi các thành phần chính trị đối lập tham gia tân Chính phủ, chấm dứt những sự bắt bớ đàn áp vì lí do chính trị hay tôn giáo.
Giọng ông có vẻ gay gắt, khi nhắc đến những tin tức quanh việc đàn áp Phật giáo. Ông châm biếm rằng không nên vì cái chuyện cờ quạt mà làm mất lòng 80% dân chúng Việt Nam. Ông đề cập đến ông bà Nhu và tuy ông không nói rõ, song ngụ ý rằng cách hay nhất để xoa dịu dư luận Việt Nam cũng như Mỹ, là Tổng thống nên cho các ông Nhu, ông Cẩn và bà Nhu rời khỏi chính trường trong ít lâu, hay đi du lịch thế giới với tư cách cá nhân. Đến đây thì tôi không thể nghi ngờ gì được nữa. Tôi hiểu ảnh hưởng của ông Robert Kennedy với Tổng thống Kennedy. Vậy quan điểm của ông em cũng có thể được coi như quan điểm của ông anh.
Mặc dù ông Robert Kennedy không nói ra, nhưng tôi hiểu ý ông ta muốn dành cho Tổng thống Diệm một cơ hội cuối cùng, muốn tôi khuyên Tổng thống Diệm nên cải tổ chính trị sâu rộng để tránh khỏi bị Mỹ bỏ rơi.
Đến nơi nào tôi cũng được nghe những dư luận tương tự. Những sinh viên Việt Nam mà tôi gặp ở các nơi cũng tỏ vẻ bất mãn với Tổng thống Diệm, có lẽ vì bị ảnh hưởng của dư luận Mỹ nhiều hơn là do chính kiến của họ. Dĩ nhiên là tôi cố gắng bênh vực Tổng thống Diệm, nhưng tôi chẳng thuyết phục được ai cả...”
Không khí phòng họp lặng như tờ, cái biến đổi duy nhất là sắc mặt của từng người. Người thay đổi sắc mặt nhanh nhất là Lệ Xuân và người hầu như không thay đổi là Nhu. Luân cố gắng chọn ình một số cử chỉ thích hợp. Thật ra, anh quá cẩn thận. Hầu như chẳng ai để ý đến anh. Những người như Trần Kim Tuyến, Nguyễn Văn Y có mỗi bận tâm riêng. Bức thư của linh mục Cao Văn Luận thật tàn nhẫn. Và, Ngô Đình Nhu còn tàn nhẫn hơn:
- Chưa hết! Thư của linh mục Luận còn một đoạn, tôi muốn Tổng thống, Đức cha và mọi người biết. Tôi xin đọc tiếp: “Tôi lên Nữu Ước và gặp một chuyện bất ngờ đau lòng. Giáo sư Buttinger, trước là Chủ tịch Hội New Land Foundtion(1) và bây giờ là Chủ tịch Hội “Những người Mỹ bạn Việt Nam” tỏ ra chán nản thất vọng về Việt Nam, về Tổng thống của ta và không còn sốt sắng giúp đỡ cho ta như trước nữa. Giáo sư Buttingger gợi ý ta nên thay đổi Hiến pháp, bớt quyền Tổng thống, chỉ định Thủ tướng và cho các Tổng Bộ trưởng có thực quyền gồm những nhà chính trị có uy tín và tốt nhất nên mời các chính sách đối lập tham gia tân Chính phủ. Giáo sư Buttinger nhấn mạnh với tôi rằng Chính phủ Việt Nam hãy chấm dứt cho được sự kì thị đối với Phật giáo.
(1) Xây dựng vùng đất mới.
Cũng tại Nữu Ước, gặp ông Fishell từ Việt Nam sang có lẽ do một công cán đặc biệt nào đó. Ông rời Việt Nam sau tôi mấy hôm và có nhiều tình hình hơn tôi, tất nhiên là tình hình không mấy lành mạnh đối với chúng ta. Ông Fishell không giấu giếm với tôi rằng ông là một trong những người lãnh đạo cấp cao của Trung ương tình báo Mỹ. Từ Michigan, ông Fishell hấp tấp tìm tôi ở Nữu Ước bằng một chuyến bay riêng và chúng tôi nói chuyện từ mười bốn giờ đến hai mươi tư giờ. Ông Fishell nói toạc với tôi rằng, “nếu Tổng thống Diệm không chịu thay đổi đường lối chính trị và cải tổ nội các, thì nội trong năm 1963 này, Mỹ sẽ tìm cách loại bỏ Tổng thống Diệm ra khỏi sân khấu chính trị bằng nhiều biện pháp, mà không loại trừ biện pháp xóa ông Diệm về mặt thể chất...”
- Quá quắt lắm! - Diệm giận dữ đấm tay lên bàn - Tôi không phải là bù nhìn, không phải là tôi tớ của Mỹ. Việt Nam Cộng hòa không phải là một bang của Mỹ... Chú Nhu giao thư đó cho tôi, tôi sẽ gọi đại sứ Nolting đến và chính thức gửi kháng thư sang cho Tổng thống Mỹ...
- Hình như linh mục Luận hơn thổi phồng. Sự thể có lẽ không giống như thế. - Tổng giám mục nói mà ai cũng có cảm giác là ông đang bày tỏ hi vọng hơn là phát biểu một ý kiến.
Trần Lệ Xuân nói gần như quát:
- Nếu tôi bảo Tổng thống Mỹ Kennedy hãy cho ông Robert Kennedy thôi chức Bộ trưởng Tư pháp vì là em của Tổng thống thì thế nào? Lố bịch đến thế là cùng!
Trần Kim Tuyến rụt rè báo:
- Theo tin vừa nhận được, Paul Maurice Katterburg, trợ lí của Fishell và Colby vừa bí mật sang Sài Gòn.
- Hắn là ai? - Diệm hỏi.
Tuyến lúng túng, liếc cầu cứu Đặng Văn Quang và Nguyễn Văn Y, nhưng hai người kia đều khẽ lắc đầu.
- Anh Luân có biết tay này không? - Nhu hỏi.
- Biết sơ sơ qua một vài tài liệu của ông ta. Katterburg sinh năm 1922, người Bỉ, di cư đến Mỹ năm 1943, trước là nhân viên OSS nay là CIA, chuyên viên các vấn đề Đông Dương và Nam Dương, một trong những tác giả cuộc lật đổ Soekarno.
Không ai nói, nhưng gần như mọi người trong gian phòng đều cùng thốt một lượt trong tư tưởng: Vậy là đã rõ!
- Có lẽ mọi người chờ ý kiến của anh Luân. - Nhu bảo.
Trong tất cả những người có mặt, Luân bỗng trở thành một “cây đinh.” Anh biết tầm quan trọng của những ý kiến mà anh sắp phát biểu cùng với tính chất phức tạp của nó. Nói cái gì đây? Nói như thế nào? Nhưng, dẫu sao cũng không thể không nói. Anh đứng lên với vẻ trịnh trọng, nhưng Nhu đã ra hiệu cho anh ngồi và Diệm cũng bảo:
- Cháu Luân cứ ngồi mà nói!
- Trước hết, tôi không cho chúng ta phải đối phó với vấn đề Phật giáo mặc dù sự chống đối của Phật giáo đang là trung tâm của các rối ren. Vì lẽ đó, tôi nghĩ là chúng ta phải hết sức thận trọng vói những cái mà tôi tạm gọi là “hữu hình” để ngăn ngừa cái mà tôi cũng tạm gọi là “vô hình”
Phật giáo hiện nay hết còn chỉ là biểu tượng của hoạt động một số nhà sư nào đó, một số chùa chiền nào đó, ở một địa phương nào đó. Nếu Chính phủ tập trung đối phó một số nhà sư, một số chùa chiền... thì cái kết quả sẽ làm cho tình thế nghiêm trọng hơn, sự bất mãn lan rộng hơn và xét cho cùng, chính chúng ta bị dẫn dắt vào một trận đồ đầy đường ngay ngõ tắt, sinh nở ra nhiều đối thủ mới mà sau lưng họ là hàng triệu con người. Bức thư của cha Luận không có gì bất ngờ đối với chúng ta. Tôi đã từng nghe anh cố vấn nhiều lần nhắc đến mặt trái của chính sách Mỹ đối với Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, cái mà tôi chưa tự giải đáp được là vai trò của cha Luận và cuộc gặp gỡ giữa cha Luận với giáo sư Fishell phải chăng hoàn toàn ngẫu nhiên. Tôi xin nói rõ hơn: những chính sách Mỹ, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, sinh viên Việt Nam ở Mỹ phát biểu những lời mà cha Luận ghi trong thư là do họ tự nói hay cha Luận mớm cho họ. Đáng lí, với tư cách là một con chiên, tôi không có quyền đi sâu vào mối quan hệ của hàng giáo phẩm, của các đấng bề trên, nhưng tôi buộc lòng phải nghĩ đến những ý muốn không lấy gì làm kín đáo lắm của cha Luận qua những hoạt động ở Viện Đại học Huế, những hoạt động mà cha Luận có lẽ cảm thấy đôi điều bị gò bó kể từ khi Đức cha được giao cai quản Tổng giáo phận...
Ngô Đình Thục lắng nghe đoạn sau của Luân, thỉnh thoảng ông gật đầu đồng tình.
- Người Mỹ nhắc đi, nhắc lại yêu cầu mở rộng cơ cấu chính trị. Ta hiểu cái chứa đựng bên trong của yêu cầu đó là gì? Chắc chắn họ muốn vây quanh Tổng thống là những Phan Quang Đán, Phan Huy Quát, Trần Văn Hương, Nguyễn Trân, Nghiêm Xuân Thiện, Phan Khắc Sửu... Chắc chắn là họ muốn thay đổi một số bộ phận bằng các Bộ trưởng tốt nghiệp ở Michigan và quan trọng hơn, giao quyền binh ột số sĩ quan được họ đào tạo. Họ nhắc đến chế độ đại nghị - một Tổng thống ít quyền với một Thủ tướng nhiều quyền và họ nói toạc ra là phải cho anh chị Nhu lưu vong. Tức là sẽ giải tán Đảng Cần lao, Phong trào cách mạng quốc gia, Thanh niên và Thanh nữ Cộng hòa, bỏ Sở Nghiên cứu chính trị của bác sĩ Tuyến, Trung tâm tình báo mà Đại tá Đặng Văn Quang sắp nhận chức thành một chi cục của Trung tâm tình báo Mỹ.
Tướng Paul Harkins chứ không phải tướng Lê Văn Tỵ là Tổng tham mưu trưởng... Tôi quên một ý: thay Đảng Cần lao bằng Đảng Đại Việt... Tất cả để sửa soạn ột cái gì? Cho một bộ máy cai trị “kiểu Mỹ” tại Việt Nam Cộng hòa và ột lực lượng Mỹ chưa ai đoán được số quân tràn ngập lãnh thổ chúng ta và quân đội Việt Nam Cộng hòa sẽ trở lại thời kì của Pháp, nghĩa là chỉ đóng vai trò quân bổ túc, lính partisan. Tôi không đi quá xa trong suy luận, nhưng tôi tin ở những cơ sở để có những suy luận như vậy...
Luân dừng ngang đó. Anh phát ra một viễn tượng đối với gia đình Ngô Đình Diệm thật rùng rợn, mặc dù những người có mặt hôm nay ai cũng linh cảm mức này hay mức khác hình ảnh tang tóc ấy.
Ngô Đình Diệm vừa đập bàn hồi nãy, đang ngã người trên chiếc ghế bành, gương mặt đăm đăm. Có lẽ ông thấm thía về những thứ quyền uy mượn tạm và khi người chủ nợ muốn lấy lại, ông chỉ còn trơ trọi cái thân xác. Họa may còn Đức Chúa đoái hoài đến ông. Nhiều lần Diệm viết thư riêng cho Hồng y Spellman và bao giờ cũng nhận được thư trả lời đầy nồng nhiệt. Nhưng, lần hồi ông Diệm hiểu rằng Hồng y Nữu Ước không phải là người quyết định chính sách của Nhà Trắng. Trong phút chốc, những kỉ niệm cũ vụt qua giống như một đoạn phim thời sự mà thuở nền điện ảnh còn phôi thai: động tác của con người “cà giật” theo tốc độ của kĩ thuật quay phim lúc ấy, hình ảnh cũ bỗng trở nên kệch cỡm, đầy tính hài hước. “Nước Mỹ, chỉ coi lợi ích của nước Mỹ là quan trọng nhất” - Diệm chua chát nghĩ thầm. Và tự nhiên, ông nhớ liền đến Magsaysay và cái chết vì rơi máy bay ở đảo Cébu. Cái giá mà “người hùng” Phi Luật Tân phải trả, khi muốn nới chiếc thòng lọng thắt cổ của Chính phủ Mỹ. Ông lại nhớ Lý Thừa Vãn, một “người hùng” khác của Đại Hàn đang sống lưu đày có lẽ còn tệ hơn Nã Phá Luân trên đảo Saint Hélène. Ông cũng nhớ đến Tưởng Giới Thạch. Người Mỹ hứa “giải phóng Hoa Lục” và Tưởng thống chế từng tâm sự với ông cái ngày “kí khai đắc thắng mã đáo thành công,” cờ Thanh thiên bạch nhật rợp bóng Thiên An môn. Tổng thống Eisenhower há không từng nhắc ông công cuộc “Bắc tiến” thu hồi cả giang sơn, duyệt binh giữa Hà Nội, đó sao? Lãnh tụ cả nước Việt Nam - Diệm chưa bao giờ nghi ngờ khả năng trong tầm với ấy của ông. Lãnh tụ toàn Đông Dương - chẳng có gì phải bàn cãi. Lãnh tụ Nam Á, phải đâu là viển vông. Diệm trở mình, chiếc ghế bành có lẽ lâu ngày không tra dầu mỡ, bật lên tiếng “cót két” khô khan. Giấc mộng bá chủ thu nhỏ đến mức ngang với chiếc ghế bành và hình như để giữ cho chiếc ghế bành được nguyên vẹn không phải là việc dễ.
- Tôi không phản đối phân tích của anh Luân, - Trần Lệ Xuân cất tiếng lanh lảnh - nhưng chữa cháy phải biết dập ngọn lửa nơi phát ra chủ yếu. Phải xóa ngay cái gọi là vấn đề Phật giáo! Đây là lúc chúng ta cần chứng minh với người Mỹ rằng chúng ta là chủ, chúng ta nắm vững tình hình, chúng ta đủ sức đè bẹp mọi phản kháng. Có như vậy, người Mỹ mới bắt buộc phải đánh giá lại thực trạng Việt Nam Cộng hòa từ những nguyên tắc căn bản nhất. Cả nhà còn nhớ khi Tổng thống về nước nhận chức Thủ tướng, quân trong tay tướng Hinh, lực lượng giáo phái cát cứ, quân đội Pháp còn mấy chục vạn, Cộng sản chưa bị đánh tan. Thế mà chúng ta đã thắng. Còn bây giờ? Thật lạ lùng nếu tự dưng chúng ta ình vào thế yếu và lại vào thế yếu trước các “lũ trọc” chỉ biết có “mô Phật” và chỉ biết có tự “rôti.” Chúng ta tự kỉ ám thị và cái đó là cái yếu nguy hiểm hơn hết. Phải hành động! Tổng nha Cảnh sát đừng ngủ gật nữa. Bộ Tổng tham mưu đừng tán gẫu nữa. Ông Tuyến, nếu cần, hãy đeo theo vài cặp kiếng để moi cho ra những tên đầu sỏ phiến động. Ông Quang hãy làm cho Trung ương tình báo của ông thành một cơ quan biết trước các mưu toan, kể cả mưu toan của CIA, chứ không phải chỉ làm báo cáo cho Tổng thống khi mọi việc đã rành rành.
Hãy chỉ thị cho ông Mẫu tiến hành một cuộc phản kích thật rộng trên thế giới. Tôi nói hơi vô lễ, Tổng thống và Đức cha chắc không bằng lòng, cha mẹ tôi đảm đương trọng trách ngoại giao nhưng gần đầy lại dao động. Cũng như chú Luyện, tôi nói thẳng, chú làm đại sứ lưu động còn quá tài tử... Tại sao không cho phép giáo dân phải biểu tình, tại sao không biểu dương lực lượng của Thanh niên, Thanh nữ Cộng hòa để dằn mặt bọn thầy chùa? Tại sao không thiết lập tòa án để xử các vụ giết người bằng hình thức tự thiêu? Tại sao không cách chức Viện trưởng Đại học Huế của Cha Luận. Tôi đồng ý với anh Luân, Cha Luận là một tên phản trắc, một tên làm mủ, làm nhọt, một tên tình báo ăn tiền của Mỹ. Ông ta thèm chức Giám mục mà không được. Thế là ông ta trở quẻ. Tại sao Tổng thống không sử dụng quyền mà quốc hội cho phép trong tình trạng khẩn cấp, mở liền các phiên xử của tòa án quân sự đặc biệt, tổng tính sổ từ vụ Bình Xuyên, vụ Nguyễn Chánh Thi, vụ Phạm Phú Quốc. Tại sao?...
Khi bắt đầu nói Lệ Xuân ngồi, nói một lúc mụ đứng dậy và trước mắt Luân, là một người đàn bà không còn một nét mĩ miều nào, sao mà giống những mô hình Võ hậu, Lữ hậu, Tây thái hậu trong tiểu thuyết và trên sân khấu đến thế!
- Còn anh! - Lệ Xuân gần như điểm mặt Ngô Đình Nhu - Anh đã thấy chủ trương nhượng bộ của anh mang đến cái gì rồi đó. Trước kia, với tướng Hinh, với Bảy Viễn và với Nguyễn Chánh Thi, anh cũng chủ trương nhượng bộ. Nếu nhượng bộ, tất cả chúng ta không lưu vong thì cũng vào khám. Làm mạnh, và mạnh hơn nữa. Tình hình đòi hỏi như vậy!
Lệ Xuân ngồi xuống, mặt mụ sát khí đằng đằng. Lệ Xuân thu được kết quả trông thấy. Diệm bắt đầu tươi tỉnh. Nhu tuy vẫn đắn đo nhưng anh ta không còn rít thuốc liên hồi, thói quen chứng tỏ anh ta đã có chủ kiến rõ ràng. Luân không nói gì hết và anh cũng biết, Trần Lệ Xuân không muốn đương đầu với anh.
Cuộc họp giải tán, Nhu ngồi nán lại khá lâu.
Luân tin rằng nội hôm nay, một loạt chỉ thị sẽ được kí.
*
Về đến nhà, Luân gặp Saroyan ngồi chờ anh ở phòng khách. Dung bận công việc ở Tổng nha.
- Em đã báo với bà đại tá và bà đại tá bảo em gặp anh. - Saroyan cầm tay Luân khá lâu.
- Saroyan ngồi xuống! - Luân bảo, Saroyan gặp anh nhất định vì một việc gì đó hết sức quan trọng. Và đúng như vậy.