P6 - Chương 10
“Trong hàng loạt biện pháp ấy đáng chú ý hơn cả là “quốc sách” Ấp chiến lược và chiến thuật trực thăng vận. Với kế hoạch Staley – Taylor dự kiến bình định miền Nam trong vòng mười tám tháng, Mỹ và ngụy lấy việc gom dân vào Ấp chiến lược làm “chương trình xương sống.” Ngô Đình Nhu gọi Ấp chiến lược là “kế cuối cùng” và ra lệnh cho bộ hạ không được quyền nghĩ đến thất bại khi thực hiện kế hoạch này”…
Luân và Dung ngồi quanh chiếc radio bán dẫn, theo dõi buổi tin tức của Đài phát thanh Hà Nội. Ngoài yêu cầu qua đài mà hiểu tình hình chung – họ đứt liên lạc sau khi Lục vào lọt trong khu – các buổi phát của đài còn mang đến cho họ tình cảm gắn bó với chiến trường, với cả miền Nam, với cả nước. Riêng Dung, cô thông thạo các bài hát giải phóng – thỉnh thoảng, cô vẫn hát khẽ cho Luân nghe “Chiếc khăn tay,” “Xuân chiến khu,” “Qua sông”…
Nghe xong bản tin, Luân gọi Thạch đưa anh ra bờ sông. Gần đây hễ rảnh rang, Luân thường ngồi băng đá trên bến Bạch Đằng ngắm dòng sông vào buổi tối. Có khi Dung cùng đi với anh, nhưng thường anh đi một mình – Dung tôn trọng những lúc anh suy tư.
Thạch ngồi trong xe nghe ca nhạc. Luân lững thững đến chiếc băng đá quen thuộc, khuất bóng đèn, gần một khóm cây. Từ radio trong xe, Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết song ca bài “Trăng rụng xuống cầu.” Dòng sông màu sẫm đục, bên Thủ Thiêm, vài ánh sáng vàng bắt trên sóng lăn tăn.
“Thế nào đây?” Luân bắt đầu soát lại các diễn biến của tình hình. Ấp chiến lược quả gây khó khăn cho ta – qua báo cáo của các nơi, Luân thấy rõ ngụy phần nào hồi phục sức lực sau cú bị choáng váng năm 1960 kéo dài đến giữa năm 1961. Về đất, chúng chưa lấn rộng được bao nhiêu song về dân, mức kiểm soát của chúng cao hơn trước. Cũng qua thông báo chiến sự, Luân hiểu là quân giải phóng chưa đối phó chủ động với chiến thuật trực thăng vận – khá mới mẻ. Taylor hi vọng chiến thuật này sẽ giúp quân ngụy cơ động hơn, nhất là tận dụng được các đơn vị tinh nhuệ và phát huy được ưu thế ở những địa hình bằng phẳng. Taylor – khác Mac Garr – coi trọng châu thổ sông Cửu Long, lấy bình định khu vực đông dân, nhiều tài nguyên này làm mục tiêu số một, trong khi tạm thời sử dụng bom pháo và xây dựng các tuyến phòng ngự ngăn giải phóng phía rừng núi. Hễ bình định xong đồng bằng, chúng sẽ mở các chiến dịch đánh vào hệ thống căn cứ đầu não của Mặt trận Giải phóng nằm phía tây bắc Sài Gòn.
Hợp đồng tốt nhất với quân dân ta, theo trách nhiệm của bản thân, Luân nghĩ nhiều đến những khả năng gây rối loạn nội bộ Sài Gòn. Sau cú của Nguyễn Chánh Thi, tình hình bề ngoài có vẻ tạm ổn, song Luân thừa hiểu các các mối mâu thuẫn không tài nào dàn xếp nổi vẫn ngấm ngầm phát tirển, thậm chí rộng và sâu sắc hơn trước chính biến 11-11-1960, Mỹ đã hoãn mọi dự định thay đổi Diệm – một phần chờ đợi kế hoạch Staley – Taylor triển khai, phần khác do thái độ ủng hộ Diệm rất tích cực của Nolting. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Mỹ sẽ ủng hộ Diệm với bất cứ giá nào. Kế hoạch Staley – Taylor mà sụp thì Diệm khó lòng đứng vững. Vấn đề là đánh bại kế hoạch đó… Theo dõi nhiều bài bình luận liên tục của đài Hà Nội cộng bản điểm tin, báo chí Hà Nội mà hằng ngày Sở nghiên cứu chính trị cung cấp cho, Luân nhận thức rằng cơ quan lãnh đạo của ta lấy đánh bại kế hoạch đó – qua phá vỡ Ấp chiến lược – làm công tác trọng tâm.
Thế lực chống Diệm thì nhiều song rời rạc. Thế lực đó trong quân đội lại lệ thuộc hoàn toàn vào thái độ của Mỹ. Cái còn bí ẩn là Đại Việt, Nguyễn Tôn Hoàn đang ở Mỹ. Hoàn sốt ruột, muốn hành động sớm bởi gã ngại kế hoạch Staley – Taylor mà thành công thì Mỹ sẽ giữ Diệm – gã dù tham chính, cũng chỉ là nhân vật số hai, số ba. Còn đợi đến khi kế hoạch Staley – Taylor sụp thì không phải phe cánh của gã được giao nhiệm vụ thay thế Diệm mà là người khác. Nhưng Hoàn sẽ làm gì? “Người bạn phi công” của Mai có thể làm tới đâu?
Luân chìm trong các loại logic mà anh lật tới lật lui nên không để ý hai người đứng sát anh – cả hai đều lực lưỡng, đội kết kéo sụp. Khi Luân bừng tỉnh thì hai khẩu súng ngắn đã gí vào đầu và hông anh:
- Ngồi yên! – Một giọng ồm ồm ra lệnh.
Luân bị tước súng.
- Đứng yên! - Vẫn giọng ồm ồm – Đừng hô hoán, nếu muốn sống. Chúng tôi là biệt động thành, hiểu chưa? Đi!
Một tên thúc súng vào lưng Luân, đẩy anh men theo bóng cây, ra đường. Một chiếc Citroen sơn đen đang nổ máy chờ. Từ xe Thạch, tiếng cao vút bây giờ là của một nữ ca sĩ…
Luân bắt buộc phải chui vào băng sau xe, hai tên kẹp anh. Ghế trước, một tên ngồi sẵn, tay lăm lăm súng.
- Chạy! – Tên ngồi trước bảo tài xế, rồi bảo Luân: - Nếu anh còn một chút lương tâm thì không được chống cự. Theo chúng tôi về căn cứ. Ở đó, cấp trên sẽ nói chuyện với anh.
Xe chạy ngã Nguyễn Bỉnh Khiêm ra cầu Phan Thanh Giản lên xa lộ.
“Họ là ai?” Luân cố đoán. Hai tên kế Luân nồng nặc mùi rượu. Ánh đèn đường từng lúc soi vào xe: cả bốn tên mặt mũi bình thường. Khó có thể là biệt động thành. Nhưng, biết đâu…
- Các ông cất súng, kẻo cảnh sát thấy, nguy hiểm các ông…
Luân tìm hiểu bọn này bằng cách của anh. Anh thành công ngay: cả ba cho súng vào túi. “Không phải Mai Hữu Xuân hay Trần Kim Tuyến. Còn khả năng: CIA, Đại Việt, cũng không loại trừ biệt động thật.”

- Anh đừng hòng kêu cứu, chúng tôi đủ thời giờ kết liễu mạng anh… - Người ngồi ghế trước dọa.
Đến ngã tư Hàng Xanh, đèn đỏ. Xe ngừng.
- Các anh bật đèn trong xe lên. Xe tối om, cảnh sát dễ nghi, sẽ xét hỏi, lôi thôi…
Luân lại góp ý. Tài xế hiểu giống Luân, với tay mở công tắc. Hai cảnh sát ngó vào xe. Bốn người trên xe cố giữ bình tĩnh. Luân có thể nhân cơ hội này kêu cứu với cảnh sát, song anh không làm. Trong một thoáng, Luân đi đến lập luận: Nếu là biệt động thành, anh sẽ nhờ nối liên lạc; nếu không phải, có thể anh tìm ra một cái gì cần cho công việc của anh. Giả sử đây là một nhóm muốn khử anh, họ bắn anh ở bờ sông rồi tẩu thoát, đâu cần áp giải anh cho nguy hiểm. Do đó, Luân chỉ cười cười với hai cảnh sát. Nhờ thái độ tự nhiên của Luân, hai cảnh sát cười đáp lễ.
Xe ngoặt về hướng Bà Chiểu, rẽ sang bán đảo Bình Quới tây. Khi xe vượt cầu Kinh, cả bốn người thở phào – Luân biết xe đã lọt vào vùng an toàn của họ.
Con đường xuyên bán đảo tối om. Đèn pha xe quét hai bên lề đầy cây rậm rạp.
Xe dừng trước một cổng lớn. Cổng mở, xe chạy luôn vào bên trong một khu vườn có tường cao bao bọc. Xe đỗ sát thềm một biệt thự hai tầng, cạnh sông. Trong biệt thự, đèn sáng choang. Luân kịp nhìn thoáng một chiếc Jeep quân sự đậu nép – như cố giấu mình – đằng sau gốc xoài um tùm.
- Mời anh xuống, vào nhà… - Người ngồi ghế trước bước ra khỏi xe bảo Luân
Họ đưa anh vào phòng khách – bày biện trang nhã. Hẳn là ngôi nhà nghỉ cuối tuần của một tên giàu sộp nào đó.
- Chào đồng chí Bảy Luân! – Một người béo lùn, đầu hói, trạc tuổi năm mươi, đón Luân ngay cửa phòng khách. Ông ta nói giọng Thừa Thiên.
- Đồng chí mạnh chứ? Ngồi, ngồi…Rồi ta nói chuyện… - Ông ta bắt tay Luân, kéo ngồi xuống ghế.
- Tụi em phải uy hiếp đồng chí Bảy đó! – Người giọng ồm ồm nói – Xin giới thiệu đồng chí Bảy, đây là đồng chí Hai Thuận, chỉ huy trưởng biệt động thành.
- Trước hết, tụi này xin lỗi đồng chí. Cấp trên lệnh cho chúng tôi mời đồng chí vào khu, nhưng không có điều kiện liên lạc với đồng chí, theo dõi một thời gian phát hiện ra quy luật của đồng chí chiều tối thường ngồi trên băng đá bến Bạch Đằng… Đành phải vô lễ vậy… Trong công tác, đôi khi chúng ta phải ngụy trang. Tôi bảo các đồng chí: đồng chí Bảy Luân tính Đảng cao, cứ nói là biệt động thành cần nói chuyện với đồng chí, đồng chí sẽ không phản ứng… Quả đúng như dự đoán. Bây giờ, tôi báo cáo với anh Bảy, khu ủy muốn gặp anh, gặp ở Hố Bò. Sáng mai, chúng tôi sẽ bố trí đưa anh Bảy đi, theo đường du kích.
Hai Thuận giảng giải thao thao, khi gọi Luân là đồng chí, khi là anh. Luân ngó lên trần nhà tỉnh bơ.
- Đi theo đường du kích mất mấy hôm? – Luân hỏi.
Mặt Hai Thuận rạng rỡ - cái rạng rỡ không ăn nhập gì với nội dung câu hỏi của Luân.
- Dạ ba hôm…
- Sao lâu quá vậy?

- Đường khó lắm… Hố Bò ở xa…
- Hố Bò thuộc về đâu?
- Ủa, anh Bảy chưa biết Hố Bò sao? Hố Bò thuộc căn cứ Cục R…
- Anh Hai đã lên đó rồi?
- Nhiều lần… Mới tuần trước tôi về họp với anh Chín Dũng… Anh Bảy quen anh Chín không? Anh Chín là bí thư Khu ủy.
- Hố Bò ra sao? – Luân không trả lời, hỏi tiếp.
- Ối, quán xá đen nghẹt, buôn bán sầm uất lắm.
- Có phải bò qua hố không?
Hai Thuận chớp mắt, hơi hoang mang:
- Hết rồi! Có cầu, cầu lớn…
“Thằng cha này chưa chắc là Hai Thuận” - Luân nghĩ bụng.
- Ở đây có điện thoại, anh Bảy cần dặn chị Bảy việc nhà, xin gọi… Hoặc anh Bảy cần lấy tài liệu để báo cáo với Khu ủy…
- Cám ơn. Khỏi gọi. Thế nào nhà tôi cũng biết tôi đi đâu… - Luân nói ung dung.
- Vậy, anh Bảy không phải mới ra khu một lần? – Mặt của “Hai Thuận” lại rạng rỡ.
“Tụi này chắc đặt máy ghi âm...” Luân cười nhẹ:
- Đúng, tôi ra vô mật khu nhiều lần rồi. Kể cả Hố Bò…
- Ủa, sao lúc nãy anh Bảy hỏi Hố Bò thuộc về đâu?

- Ờ, tôi chưa rõ Hố Bò nào… Hố Bò mà tôi biết thuộc làng Phú Mỹ Hưng. Ở đó, thuở xưa là chợ bán bò, bò dồn trong một cái hố… Còn Hố Bò mà anh nói lại là cây cầu bắc ngang hố, người qua phải bò…
- Anh Bảy rành vùng của mình hơn tụi tôi… Xin báo cáo với anh Bảy, đội biệt động tụi tôi gồm hơn mười đội viên, tất cả là đảng viên. Tôi là chỉ huy trưởng kiêm bí thư Đảng bộ. Nhân anh Bảy ghé đây, chi bộ họp bất thường, đề nghị anh Bảy nói chuyện về tình hình nhiệm vụ. Hoạt động nội thành, tụi tôi ít được bồi dưỡng, còn anh Bảy là cán bộ cấp cao, nhận chỉ thị, nhận quyết định của Khu ủy hoặc của Trung ương thường xuyên. Anh Bảy nói chuyện, anh em phấn khởi… Hỏi thiệt anh Bảy, hỏi cho biết để thêm tin tưởng thôi: anh Bảy gặp anh nào ở ngoài Hà Nội vô chưa? Gặp tướng Trần Nam Trung chưa? Trần Nam Trung là ai vậy anh Bảy? Phải Đồng Văn Cống không?
- Biệt động các anh không ngăn cắt với nhau? – Luân châm thuốc, hỏi sang chuyện khác.
- Không… Ngăn cắt hả… cái đó. – Ông ta ngập ngừng.
- Họp ở đây, lỡ công an ụp vào thì làm sao né kịp?
- Anh Bảy yên tâm, ngôi nhà được canh gác cẩn thận.
Luân vươn vai, đứng lên… Góc phòng, trên búp-phê, có một khung ảnh. Luân làm như cần suy nghĩ, đi đi lại lại dọc theo phòng. Trong khung, ảnh một cô gái đẹp. Và, Luân cười thầm: ảnh Trúc Đào, có lẽ chụp hồi chưa lấy Vũ Liệu.
- Tụi này được Bộ chỉ huy quân khu nhắc nhở phải yểm trợ cho anh Bảy hoạt động thắng lợi. Dễ gì có một cán bộ cỡ anh Bảy “mai phục” lọt cạnh Tổng thống ngụy… - “Hai Thuận” tán riết.
- Đủ chưa? Luân ngồi xuống ghế, hỏi đột ngột.
- Đủ rồi. Anh em tập trung từ chiều, đang ngồi ở phòng trên lầu. Mời anh Bảy. – “Hai Thuận” hí hửng.
- Anh hiểu sai câu hỏi của tôi. Tôi hỏi anh vở tuồng đến đây đủ chưa… Các anh thu băng cuộc nói chuyện của tôi đủ chưa?
“Hai Thuận” sững sờ. Cái trán hói của ông ta lấm tấm mồi hôi.
- Anh Bảy nói gì, tôi nghe không rõ.
- Thôi, ta đi vào cốt lõi của cuộc gặp gỡ. Tốt nhất, hãy tắt máy ghi âm đi… Bởi vì, dầu có ghi, các anh cũng khó sử dụng được. Từ đoạn này trở đi, băng ghi âm không giúp cho các ông tài liệu để làm áp lực trả giá với tôi… Ông học lóm vài ngôn ngữ của Việt Cộng, nhưng buồn cho ông, hiểu biết của ông cạn, quá cạn… Một đội biệt động chỉ có đội trưởng, không có chỉ huy trưởng, không bao giờ có một đội biệt động lại biết mặt nhau tất cả… lại còn “Cục R” – chỉ có phía Quốc gia gọi như vậy. Còn Hố Bò… Muốn làm giả, cũng phải công phu, làm giả Việt Cộng càng công phu hơn…
“Hai Thuận” từ sững sờ chuyển sang nổi cáu:
- Đã vậy… đã vậy tụi tôi không coi anh là đồng chí nữa… Đồ phản quốc, phản động! Đồ tay sai cho nhà Ngô!
- Rất khó làm “đồng chí” với các ông… Tôi chỉ nói về sự thông minh. Phàm người khôn, việc nhỏ cũng cho thấy chỗ khôn, còn người ngu, việc to bằng cái đình vẫn ngu.
Luân khoanh tay trước ngực, thách thức.
- Im mồm… Tao bắn mày chết tươi bây giờ! – “Hai Thuận” gầm như con thú bị thương.
- Chớ giở thói lưu manh… Cấp trên của ông không nương tay với ông nếu cuộc nói chuyện hôm nay thất bại. Ông đóng quá lố vai được phân rồi…
Luân xem đồng hồ tay:

- Vào đề ngay thôi, nếu ông được ủy quyền. Tôi nghi ngờ. Ông không đủ tư cách. Dầu sao, cũng không nên phí thì giờ. Chậm độ nữa giờ, một dọc lãnh tụ của các ông bị bắt, tôi cam đoan như vậy.
- Mày nói cái gì, thằng kia? – “Hai Thuận” vẫn một mực hùng hổ.
- Ông mời người có đủ tư cách của đảng ông ra gặp tôi! Bằng không, chính ông là kẻ phản đảng, đảng của ông. Hoàng Xuân Tửu, Hoàng Xuân Lâm, Vũ Liệu, Hà Thúc Ký… Không ai thoát!
- Hả? – Mặt của “Hai Thuận” đực hẳn.
- Ông ngu lắm. Tôi mất tích, Phủ Tổng thống đặt câu hỏi: ai bắt cóc. Đảng Đại Việt lòi lưng ngay. Một cú điện thoại của Ngô Đình Nhu, các ông từ vùng I tới Sài Gòn, có cánh cũng không thoát. Ông Nhu chờ cái cớ để lùa các ông xuống P.42. Cái cớ đó là tôi. Tốt vô cùng… hiểu chưa?
Luân lại xem đồng hồ tay.
- Ông còn già hai mươi phút một tí để tránh tai họa.
- Còn mày, mày chỉ được một phút thôi. Nghe tao hỏi: Vì sao mày biết đây là căn cứ của Đại Việt. Đứa nào mách với mày… Tao đếm ba tiếng… Một!
- Ông quẫn trí rồi… - Luân vẫn điềm nhiên... - Nói thật chính xác, ông phá vỡ kịch bản… Luôn Nguyễn Tôn Hoàn cũng không yên thân bên Mỹ. Mỹ hỏi tội lãnh tụ tối cao của các ông: tại sao xuẩn ngốc đến thế để cả một chính đảng bị tiêu diệt. Tiêu diệt còn đau đớn hơn biến cố đau lòng nữa…
- Hai! – “Hai Thuận” lầm lì đếm, tay đã lăm le khẩu súng ngắn – Mày xưng tội đi thì vừa, thằng chó săn nhà Ngô… Tao phải trả món nợ P.42 này… Mày nhất định dính vào đó…
- Ngu xuẩn! – Chợt tiếng ai đó vang lên. Từ cửa ngách một người bước ra. Để râu mép, mặc sơ mi ngắn tay, đeo kính trắng, tuổi khó đoán – đã có nép nhăn ở khóe mắt song xét chung còn rất trẻ.
- Dẹp khẩu súng của anh lại. – Người đó, giọng Quảng Trị ngó “Hai Thuận,” lạnh lùng – Định đấu súng với Trung tá Nguyễn Thành Luân à?
- Xin lỗi… - Ông ta nghiêng người – Để cấp dưới lỗ mãng với người như trung tá, chúng tôi rất xấu hổ. Đảng quy của chúng tôi nghiệm mật, trung tá tin đi, hắn sẽ được sửa trị ngang với lỗi lầm của hắn… Cút! – Ông lại quắc mắt. lần này, “Hai Thuận” ríu ríu đứng lên, thất thểu bước vào trong…
- Có lẽ ông Hai Thuận bị xúc động! – Luân trông theo cái vẻ chán chường của “Hai Thuận,” ái ngại.
- Cám ơn trung tá quan tâm. Đúng, hắn mất người anh ở P.42. Hắn không phải là Hai Thuận.
- Tên gì, không quan trọng. Hình như ông ta có một người cháu là phi công lái AD6.
- Đúng! Mà sao trung tá biết? – Người mới xuất hiện tỏ rõ kinh ngạc pha ít nhiều lo lắng.
- Xin phép ông. Tôi nói chuyện với ai đây?
- Tôi là Hoàng. Xin lỗi trung tá về những gì vừa gây khó chịu cho trung tá. Mọi việc khi nằm trên kế hoạch thì có vẻ hoàn hảo nhưng đi vào thực hiện lại lộ không biết bao nhiêu khuyết điểm…
Ông ta ngồi vào chỗ “Hai Thuận,” nói vừa như thanh minh vừa như dạy đời
- Tôi biết ông Hai Thuận có người cháu lái AD6 và biết luôn thảm cảnh của gia đình ông. Do đó, tôi xin các ông chớ trừng phạt ông Thuận. Còn tại sao tôi biết, thì – Luân cười thoải mái – nếu tôi không biết tình hình trong đảng các ông mới là điều đáng kinh ngạc… Tuy nhiên, hình như các ông để những ân oán kiểu ông Hai Thuận và kiểu vụ Ba Lòng cũ chen hơi nhiều vào chủ trương của các ông…

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play