P6 - Chương 7
Nhưng, Luân chưa bắt đầu cuộc họp mặt các nạn nhân thì Nhu đã gọi Luân vào Dinh Độc Lập.
- Anh cứ để việc đó cho bác sĩ Tuyến lo, có cô Dung thay anh. Tôi cần gặp anh gấp…
Luân lại lên xe. Chuyện gì? Hay là Nhu không muốn các vụ bắt cóc phơi bày trần trụi mọi khía cạnh mà chính anh ta không còn chỗ núp? Một cú đánh lén và bây giờ, anh ta sợ dấu vết? Luân tư lự mãi. Thạch thỉnh thoảng liếc Luân qua kính chiếu hậu - vụ khách sạn Vị Lai thật kinh khủng với Thạch. Tại sao những người Quốc gia cư xử với nhau đến mức ấy? Tại sao ông Nhu kí giấy phép cho Ly Kai bắt anh? Nếu anh lọt vào tay chúng, chí ít cũng một trận đòn mềm xương. Tất nhiên, chúng bắt anh vì trung tá. Mà trung tá với ông Nhu rất thân kia mà! Tại sao? Trung tá vừa thoát chết ở Kiến Hòa - do Việt Cộng chủ mưu - bây giờ lại bị Quốc gia rình rập. Kì cục thấy bà…
Nhu đón Luân, không được vui. Anh ta đẩy cặp hồ sơ dày cộm cho Luân.
- Anh đọc đi…
“Bằng chứng…” - Luân nghĩ về mình và như một phản xạ, đặt tay lên bụng. Anh lật cặp hồ sơ. Và anh thở phào - cố nén không để Nhu nghe.
Té ra Lê Thiệu và Hoàng Trọng, hai trí thức, gửi đơn cho Tổng nha thông tin xin xuất bản tờ nhật báo Anh ngữ, lấy tên Saigon Daili News(1). Đơn xin chỉ có một tờ giấy đánh máy, nhưng hồ sơ thì đủ thứ: ý kiến của Tổng nha thông tin, Tổng nha cảnh sát, Phòng nghiên cứu chính trị, Tổng ủy tình báo… kèm lí lịch của người đứng đơn - do các cơ quan an ninh sưu tra - cùng bản chụp các bài báo của hai người viết đăng rải rác trên báo Mỹ, phần lớn xoay quanh vấn đề chính trị và kinh tế quốc tế. Luân lật các bài báo - khá nhiều - thấy Nhu gạch bằng bút chì đỏ với các dấu hỏi đậm.
Lí lịch của Lê Thiệu và Hoàng Trọng cũng bị Nhu gạch đậm những đoạn liên quan đến cấp bằng của hai người - Michigan và Princeton.
- Tôi bảo ông Ngô Trọng Hiếu dứt khoát bác đơn này. Ta đã có tờ Sài Gòn Post, ở Sài Gòn mấy người đọc được tiếng Anh mà có tới hai tờ báo Anh ngữ? Một Sài Gòn Post, một Journal D’Extrême(2) là đủ. Không khéo, các tay thân Pháp so bì, đòi ra thêm tờ Pháp ngữ nữa.
(1) Sài Gòn Nhật báo.
(2) Nhật báo Viễn Đông
Luân hiểu rằng Nhu chưa nói điều chủ yếu khiến anh ta nổi nóng. Và, nó đây:
- Tôi không chịu nổi lối xấc xược của mấy tên trí thức vừa về nước. Đơn xin ra báo mà phó bản gửi khắp thiên hạ: Đại sứ quán Mỹ, Phòng thông tin Mỹ! Chúng nó không xin ra báo, chúng nó yêu sách… Tôi không cho, để xem chúng nó làm gì… Đồ… đồ cặn bã!
Câu chót, Nhu rít qua kẽ răng.
Bây giờ, Luân lấy lại bình tĩnh. Có thể các vụ bắt cóc xảy ra đúng như Nhu giải thích. Điều mà Nhu quan tâm lại là thêm một tờ báo tiếng Anh - với sự nhạy cảm, Nhu nhìn tờ báo như một quân cờ nữa Mỹ gí vào anh em Tổng thống. Thiệu và Trọng là ai. Luân chưa rõ song chắc tờ báo sẽ quấy rối chế độ ở mức nào đó.
- Anh nói hết chưa?… Anh nghe tôi…
Giọng Luân thong thả, chứng tỏ anh đã suy nghĩ kĩ, rất kĩ. Nhu hiểu như vậy.
- Anh nói đi…
- Có lẽ các sự kiện không êm ả tác động thần kinh anh. Theo tôi, sự khôn khéo hiện nay có giá trị hơn bao giờ hết. Tôi nhớ một lần đã nói với anh: tòa đại sứ Mỹ cao thêm một tầng, Dinh Độc Lập thấp đi một tầng. Ta đang làm việc với nước Mỹ của Kennedy, giữa thời buổi kế hoạch Staley - chưa được Nhà Trắng kí, song đó chỉ là thủ tục - và nhất là sau sự cố 11-11, với không phải vài trăm cố vấn Mỹ mà cả vạn, với không phải một MAAG(3) mà là một MAC(4). Ngân sách Việt Nam Cộng hòa, anh nắm vững hơn tôi, tính bằng Mỹ kim. Khái niệm chủ khách bắt đầu phá với cách định nghĩa thông thường. Và, kéo vào nước ta cả ngạn ngữ: People give nothing for nothing!(5) Quân lực Việt Nam Cộng hòavị tất giữ nguyên mãi lời thề trung thành khi mà các phần Việt Nam Cộng hòa trên họ thu hẹp đến mức chỉ còn cái thể xác. Áo, giày, thắt lưng, súng, mũ, bữa ăn, cách bò toài, điếu thuốc lá… Ngay ngôn ngữ vị tất còn thuần khiết. Ngay thể xác, người Mỹ trả lương… Anh thấy các bảng hiệu la liệt khắp Sài Gòn không? Trường dạy tiếng Anh mọc, chưa chắc nấm đã nhanh bằng!
(3) Military Assistance and Advisory Group: Phái bộ viện trợ quân sự.
(4) Military Assistance Command: Bộ chỉ huy viện trợ quân sự.
(5) Không ai cho không cái gì cả.
- Tức là, theo anh, ta nên thuận cho ra một tờ báo Anh ngữ nữa, dù biết rằng tờ báo đó chẳng dành cho ta lấy một gramme cảm tình? - Nhu hỏi, giọng pha chế giễu…
- Đôi khi, chúng ta buộc phải gật đầu nhiều yêu sách tệ hại hơn gấp trăm, nghìn lần… - Luân kiên trì thuyết phục.
- Anh nói hơi nhiều về tài chính… Đúng, Mỹ nắm ngân sách của ta. Song, nếu chỉ riêng về tiền - tôi nói đô-la - tôi không ngại lắm…
- Anh không ngại? - Luân hơi lạ, mang máng về một quan điểm chính trị nào đó của Nhu, một đường lối “thắt lưng buộc bụng” chẳng hạn. Anh định cười.
Song Nhu đã bảo:
- Tôi có cách… Đến một lúc nào đó, anh sẽ hiểu. Còn bây giờ…
Nhu thở dài. Anh ta rút tờ báo hằng ngày, liếc qua tựa chạy dài tám cột: Đại đức Thích Nhật Thịnh, Tiến sĩ Thần học, thuyết trình ở Hội Việt Mỹ về vấn đề bình đẳng tôn giáo trong xã hội dân chủ.
Luân vừa theo dõi Nhu vừa nói tiếp:
- Khi Tổng thống Kennedy nhấn mạnh rằng quân nhân Mỹ ở Việt Nam có quyền nổ súng, tôi không cho đó là câu tuyên bố đơn thuần quân sự, đơn thuần xác lập thế đứng mới của quân nhân Mỹ trước đối phương. Và, điều này mới thật đáng lưu ý: hơn mười nghìn quân Mỹ chỉ vừa vặn một đội tiền trạm, nếu người Mỹ không định đùa với chiến tranh.
Nhu gạt cặp hồ sơ sang bên - dấu hiệu cho biết tờ Sài Gòn Daili News sẽ được phép xuất bản. Như tiện tay, Nhu mở tờ Sài Gòn Post, liếc qua.
- Công báo! Nhu chán nản - Khi có Sàigòn Daili News, tờ này phát không chưa chắc có người đọc…
Luân hiểu rõ nỗi lo lắng của Nhu. Công giáo sẽ mất dần vị trí độc tôn mà chế độ xây đắp từ bảy năm nay, cũng như Diệm nằm trong hàng tá nhân vật - Mỹ rộng đường chọn lựa…
- Anh Luân nè! - Nhu chồm sát Luân, hạ thấp giọng - Tôi có cảm giác là đã đến lúc chúng ta chọn interlocuteur(6).
- Với Nguyễn Tôn Hoàn, hay Thích Tâm Châu, hay Mai Hữu Xuân, hay Phan Huy Quát? Cựu hoàng Bảo Đại chăng? Trần Văn Tuyên chăng?
Luân bày hàng xén. Nhu nhăn mặt:
- Tôi nói nghiêm chỉnh… Với đối thủ khó chơi nhất!
- Maitre(7) Nguyễn Hữu Thọ?
(6) Người đối thoại.
(7) Luật sư.
- Anh đừng cho tôi tung hỏa mù. Tôi đã suy tính kĩ. Đối thoại trong lúc chúng ta còn đủ yên cương… Đúng, Mặt trận Giải phóng, hoặc, trực tiếp với Hà Nội.
Nhu nói, ngả người, mắt ngó lên trần. Cái logic khắc nghiệt của cuộc sống đun đẩy tay đệ nhất mưu sĩ triều Ngô vào bước phiêu lưu này.
- Tôi không phản đối sáng kiến lớn của anh và tôi cũng tin là anh đã suy tính kĩ. Nhưng, theo tôi, tỉnh như quyết định của anh đến trễ. Trễ trên hai nghĩa: người mà anh muốn đối thoại e rằng họ không công nhận tư cách đối thoại của chúng ta, hai là đệ tam nhân có chịu cho anh chơi cây đàn thứ nhất không… Sự thể lần lần nghiêng về hướng người Mỹ và Việt Cộng giành hết mặt bằng của sân khấu!
Đôi vai của Nhu rủ xuống. Chẳng qua Luân nói bằng lời những cái Nhu nhẩm trong óc…
- Không! Tôi sẽ chẳng bao giờ chịu số phận của kẻ lấp ló bên cánh gà! - Nhu chợt rống lên, đôi mắt ửng nhiều đường gân máu.
- Hơn nữa, thương lượng là việc hệ trọng… - Luân làm vẻ không quan tâm đến tình trạng gần như động kinh của Nhu, tiếp tục nói - Nếu chỉ vì bị ép mà ta nảy ra ý thương lượng, nghĩa là thương lượng chỉ nằm trong mục đích đe dọa… Đe dọa hay giận dỗi, cũng thế thôi… Nếu thương lượng theo chiều hướng đó thì rốt cuộc rất nguy hiểm. Việt Cộng không tin ta. Người Mỹ thêm cớ để xa ta. Có bao giờ anh tính rằng giữa anh và Việt Cộng có một chỗ gần gũi nào đó không? Không có thì đừng nói đến thương lượng… Tôi nhắc lại: hậu quả sẽ rất nguy hiểm…
Có thể có một lúc nào Nhu tự ví mình cỡ Napoléon. Nhưng, bây giờ trước mặt Luân, Nhu là một Napoléon sau trận đại bại ở Mátxcơva - bao nhiêu hào khí tan biến, còn lại màu da mặt tai tái và đôi môi thâm.
- Tôi chưa hoàn toàn thống nhất với anh. - Nhu nói, uể oải - Ta còn trở lại đề tài này…
Rồi Nhu đưa ngón tay lên miệng:
- Between!(8)
(8) Giữa hai ta.
Luân cười thông cảm, đứng lên:
- Vụ Mai Hữu Xuân…
- Thằng cha phá rối… - Nhu cau mày - Tôi đã sạc nó một trận. Nó thề đó là hành động cuối cùng của đời nó va chạm với anh. Nó xin phép được gặp anh…
- Tôi gặp ông ta để làm gì? - Luân gằn giọng - Nói thật, nếu cần chứng minh mối quan hệ hiện nay giữa ông ta với Savani, trùm Phòng nhì Pháp, tôi chẳng có một chút khó khăn nào… Tôi không cần làm vì thừa biết anh nắm mọi ngóc ngách. Nhưng…
Luân ngó thẳng Nhu - và Nhu lẩn cái nhìn tựa phóng hai tia lửa đó.
- Nhưng, tôi mong anh đừng dùng Mai Hữu Xuân để balancer(9) với tôi. Mai Hữu Xuân là cái gì? Tôi không phản đối anh dùng ông ta, mặc dù tôi luôn nhắc anh: một con dao có thể đâm vào lưng anh bất cứ lúc nào. Nhưng ông ta là hạng không hề biết sỉ nhục…
(9) Cân bằng.
- Sao anh lại nghĩ như vậy? - Nhu cười gượng - Tôi không bao giờ dùng gã để đối chọi với anh. Tôi biết gã là ai và… - Nhu cười lớn - đem gã chọi với anh thì tôi cầm chắc cái thua trong tay…
Luân toan nói thêm, điện thoại reo. Nhu cầm ống nghe và kêu thảng thốt:
- Vậy sao… Đại sứ an toàn không?… Đang lùng hung thủ?… Được, tôi sẽ cho người của An ninh Phủ Tổng thống đến ngay…
Nhu gác máy, tay hơi run, gác mãi máy mới chịu nằm trong ổ.
- Đại sứ Nolting vừa bị ám sát.
- Sao? - Đến lượt Luân thảng thốt.
- Hai tên Việt Cộng đi môtô ném lựu đạn vào xe đại sứ Nolting tại góc đường Pasteur và Trần Quý Cáp. Lựu đạn lọt vào xe nhưng không nổ. Hung thủ chạy thoát.
Nhu không thể nghe tiếng thở dài nuối tiếc của Luân.
- Đúng là Việt Cộng không? - Luân hỏi.
- Tôi cũng ngờ ngợ. Sao lựu đạn lại không nổ? Tôi phải gọi các nơi…
Luân chào Nhu, ra về. “Thêm một ‘pha’ ngoạn mục nữa trong vở diễn sắp đến hồi gay cấn nhất.” Luân nghĩ thầm dù anh không thể xác định ý nghĩa chính xác của vụ ném lựu đạn.
Vũ Huy Lục. Luân trở lại số phận của Lục. Phải làm cho ra lẽ. Tất nhiên, “làm cho ra lẽ” không có nghĩa đút đầu vào tròng của chúng. Khó khăn hơn cả: vẫn chưa rõ “chúng” là ai, Lục ra sao rồi? Nước mắt chực trào - Lục có bề gì, lỗi ở Luân. Giá anh ta cứ làm việc cho Trần Kim Tuyến và lái xe, chắc yên ổn.
Báo cáo của Luân về Lục, mãi không thấy anh Sáu Đăng hay A.07 cho nhận xét - cũng như nhiều báo cáo khác.
*
Lúc mà Luân băn khoăn trăm thứ thì tại chợ Bến Thành xảy ra một sự việc thu hút các nhà báo.
Buổi sáng, một thiếu phụ - rất đẹp và lộng lẫy - rời chiếc xe Chrysler đen đậu bên đường Phạm Ngũ Lão cùng một người đi theo, vào chợ. Người đi theo đeo súng, do đó, người ta đoán bà là một mệnh phụ.
Bà mặc kiểu áo “nâng cao,” kiểu áo hở cổ nổi tiếng của đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân: áo để trần hẳn vai và cho phép bộ ngực ngoi ra đến gần nửa.
Bà bước vào chợ - mọi người đàn ông dán mắt vào bà, còn bà, kiêu kì bước từng bước núng nính.
Bỗng, một người nào đó - một phụ nữ đứng tuổi - từ trong đám đông khách mua bán, nhảy xổ tới trước bà. Từ tay người phụ nữ, một lon sữa bò vụt bắt tới. Bà ôm mặt thét to: “Trời đất ơi!”
Người cận vệ không tài nào phản ứng kịp - người chen nhau đông nghịt.
Bà ngã xuống, oằn oại. Mãi sau, xe cấp cứu mới đến.
Báo chí tường thuật: Bà Trúc Đào, vợ trung tá Vũ Liệu, chỉ huy thiết giáp, bị tạt ác-xít… Báo chí đăng ảnh một bộ mặt lở loét khủng khiếp…
Nhà báo Fanfani săn tin đâu đó, viết một bài ngắn: Dư luận cho rằng bà Trúc Đào bị đánh ghen. Bà có quan hệ với một quan chức cao cấp Mỹ và đó là hậu quả. Ai chủ mưu? Dư luận cho rằng một bà khác - trong cuộc chạy đua quanh “mốt” áo dài…
Một tờ báo tiếng Việt làm một phóng sự giật gân - Trúc Đào chiếm nửa trang báo. Nhưng, Tổng nha thông tin ra lệnh chấm dứt…
Trong khi đó, đại sứ Mỹ Nolting quyết định Cơ quan tình báo Mỹ phải điều tra, bởi lẽ ông có mối quan hệ bạn bè với trung tá Vũ Liệu. Cơ quan tình báo Mỹ chưa kịp chấp hành lệnh của Nolting thì nhận được lệnh hủy bỏ cuộc điều tra cũng của Nolting: nói không cần thiết.
Người nắm được tất cả mọi việc là Tony Forting, cận vệ của Nolting. Tony đón Trần Lệ Xuân vào nhà riêng đại sứ - bà đến chia mừng đại sứ vừa thoát nạn - và sau gần hai giờ đồng hồ, tiễn bà, Foriting phát hiện mớ tóc bới rất kiểu cọ của bà Nhu không như cũ và cũng phát hiện trên sơ mi đại sứ vài dấu son môi…
Nolting, tần ngần vào phòng. Hẳn ông đang so sánh giữa Trúc Đào và Trần Lệ Xuân - lần đầu tiên ông khám phá người đàn bà danh tiếng như cồn ở Việt Nam Cộng hòa…
- Chỉ một lần thôi, như cô ta nói? Đâu được! - Nolting lẩm bẩm.
*
- A… lô!
Luân vừa nhấc máy thì nghe tiếng James Casey.
- Alô! Trại biệt kích Nha Trang vừa báo: một xác người tấp vào bãi biển. Mặt mũi đã rữa, quần áo không có… Nhưng vóc dáng thì rất giống chuẩn úy Lục. Nạn nhân chết vì hai phát đạn súng ngắn xuyên ngực và bụng. Cuộc khám nghiệm để xác nhận đang tiến hành. Sẽ có kết quả ngay…
Luân gác máy, rụng rời… Thế là hết Vũ Huy Lục. Dung bật khóc…
Điện thoại reo. Bây giờ thì Mai Hữu Xuân nói chuyện với Luân:
- Đã tìm được xác Vũ Huy Lục. Tuy cuộc khám nghiệm cần thêm một ít thời gian nữa mới hoàn tất, sóng chắc chắn là Vũ Huy Lục. Ông Lục bị giết. Tôi cam đoan với trung tá: tôi không hề hay biết việc này và cam đoan thêm, tôi sẽ lôi hung thủ ra ánh sáng. Khả năng nhiều nhất là Việt Cộng… Tôi phải làm bởi trung tá, tôi dám chắc, vẫn nghi ngờ tôi. Tôi có lỗi, song mong trung tá hiểu, tôi thực hiện chức vụ và bây giờ tôi sẵn sàng được kề vai với trung tá nếu trung tá đồng ý…
Luân không ừ hử, lão quỷ quyệt như chồn cáo này giăng thêm cái bẫy gì nữa đây.
Điện thoại reo. Luân bực mình, không thèm nhấc máy. Dung phải làm thay. Hóa ra, Nhu gọi:
- Đại Hàn lại đảo chính nữa, anh biết chưa? Chưa biết? Park Chung Hee(10) lật Chang Do Yung.
(10) Park Chung Hee (1917-1979), nhà độc tài, Tổng thống Hàn Quốc (1963-1979), người thực hiện của đảo chính quân sự năm 1961.
Cả Pak lẫn Chang, Luân đều mù tịt. Nhưng Nhu đặc biệt quan tâm đến sự cố tận Nam Cao Ly. Cái bóng ma đang ám ảnh Nhu là quân đội mà nạn đảo chính do họ chủ xướng giống cơn dịch lan tràn khắp thế giới.
Nhu chỉ thông báo bấy nhiêu rồi cúp máy. Luân gieo phịch người trên ghế, ôm đầu. Ai giết Lục? Vì sao?
Điện thoại reo. Vẫn Dung nhấc máy.
- Alô, xin lỗi, ai ở đầu dây… Dạ! Tôi là Thùy Dung… Ủa! - Dung che máy, gọi Luân, rất khẽ.
- Hả? - Luân vụt nhảy lên, giành máy.
- Alô…