P6 - Chương 2
Ngày 8-5-1961, Frederick Ernest Jr. Nolting đến Sài Gòn, thay Dlbridge Durbrow.
Có thể tìm thấy vài chi tiết khác nhau giữa Nolting và Durbrow: Nolting sinh 1911, trẻ hơn Durbrow bảy tuổi; nếu Durbrow là một chuyên gia các vấn đề Đông Âu và Nam Á - ông từng làm lãnh sự ở liên Xô, Ba Lan, Rumani, Mã Lai… - thì Nolting lại là một chuyên gia về các vấn đề bao quát hơn: phụ trách Vụ Âu châu Bộ Ngoại giao, có chân trong đoàn đại biểu Mỹ ở khối Bắc Đại Tây Dương.
Sự thay đổi đại sứ được Chính phủ Mỹ giải thích như là điều bình thường. Vài chi tiết khác nhau giữa Nolting và Durbrow không nói rõ hơn những gì mà dư luận muốn biết. Chính phủ Sài Gòn lặng lẽ chấp nhận Nolting. Thật ra, cả Diệm lẫn Nhu chẳng thích thú mấy Durbrow: ít năng nổ, vai trò lu mờ, chưa công khai, không tán thành một việc cụ thể nào của Việt Nam Cộng hòa và cũng chưa hề tỏ ra nồng nhiệt đối với sự nghiệp của họ Ngô. Mặt khác, Durbrow nhất định dính dáng đến vụ đảo chính cuối năm 1960, ông ta rời Sài Gòn là phải.
Nolting đến Sài Gòn không mang theo vợ, bà Olivia Lindsay sẽ sang khi đại sứ xong bước tiếp xúc với thực tế và thấy rằng bà Olivia Lindsay có thể sang. Gần đây, dư luận Mỹ đồn đãi về những hiểm nguy đối với người Mỹ ở Nam Việt do du kích Cộng sản nhan nhản khắp nơi, cả tại Sài Gòn và giữa ban ngày. Danh sách người Mỹ “thiệt mạng vì công vụ” ở Nam Việt dài ra một cách đột ngột… Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ Trần Văn Chương và đại sứ quan sát viên Việt Nam Cộng hòa tại Liên Hợp Quốc, bà Trần Văn Chương, cung cấp tài liệu quá ít ỏi về Nolting. Phải chăng vì Nolting liên hệ với khối quân sự Bắc Đại Tây Dương nên Chính phủ Mỹ cử ông sang Việt Nam - nơi mà công thức “vũ khí Mỹ, lính Nam Việt” trong cuộc chiến tranh không tuyên bố đang bị thử thách? Hay là, với tư cách một nhà thương lượng mềm mỏng, Nolting cần thiết cho sự hàn gắn những vết nứt đáng lo ngại giữa Chính phủ Mỹ và ông Diệm?
Ngô Đình Nhu tìm quyển: Who’s who in American,”(1) tập mới nhất và chỉ thấy những dòng tiểu sử quá ngắn gọn của Nolting. Tổng nha cảnh sát, Trung tâm tình báo, Sở nghiên cứu chính trị của Bác sĩ Trần Kim Tuyến và Nha an ninh quân đội đều mù tịt về Nolting. Buổi trình ủy nhiệm thư không giúp cho Nhu thêm tư liệu, trừ ngoại hình của đại sứ Mỹ: dong dỏng cao, mắt hơi sâu, có nụ cười tình tứ…
(1) Từ điển nhân vật Hoa Kỳ
Sau Nolting ba hôm, Phó Tổng thống Mỹ Lindon Baines Johnson đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, trên đường từ Mỹ sang thẳng, chỉ dừng chân ở Honolulu. Dĩ nhiên, Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã từng đến Nam Việt, nhưng người ta chờ đợi chuyến đi của Johnson bởi đã có nhiều báo hiệu về sự bất đồng trên nhiều phương diện giữa Kennedy - bây giờ là kẻ nắm quyền sinh sát trong Nhà Trắng - với cá nhân Tổng thống Diệm. Chuyến thăm Nam Việt của Johnson, do đó, có thể đóng góp vào quyết định một kết thúc - kết thúc sự bất đồng, kết thúc nguyên nhân đẻ ra bất đồng…
Tuyên bố báo chí được chuẩn bị sẵn của Phó Tổng thống Mỹ phát tại sân bay khá dài dòng. Vị thầy cãi Texas năm mươi ba tuổi dùng lối văn nghề nghiệp để minh định lập trường Mỹ ở Nam Việt và Đông Nam Á. “Hợp chủng quốc Mỹ ra đời do nhu cầu tự do. Chính phủ Mỹ dành tất cả nỗ lực để bảo vệ nền tự do của bản thân và của các quốc gia bạn hữu. Tổng thống Mỹ cử người trợ lí thân cận của mình sang Sài Gòn bởi mối quan tâm và lòng mong muốn chia sẻ với đất nước nhiều bất hạnh của các bạn và tin rằng sự khát khao tự do là sức đẩy giúp các bạn chiến thắng tất cả trở lực, kiến tạo cuộc sống phồn vinh.” Nguyễn Ngọc Thơ đưa Johnson từ sân bay về thẳng Dinh Độc Lập gặp Diệm, theo yêu cầu của Johnson. Diệm và Johnson từng quen nhau khi Diệm sang Mỹ, năm 1956. Bấy giờ, Đảng Cộng hòa cầm quyền, thái độ của Johnson rất nhũn nhặn. Chính Johnson đọc một bài chào Diệm, lời lẽ nồng nhiệt. Bây giờ họ vẫn bắt tay nhau nồng nhiệt trước khi bước lên chiếc thảm đỏ trên thềm; song Diệm linh cảm Phó Tổng thống Mỹ không mang đến cho ông tin mừng - không chỉ vì Johnson theo đạo Tin Lành, khác với ông. Bức thư riêng của Kennedy mà Johnson trịnh trọng trao cho Diệm có giá trị như một giấy giới thiệu, và cái câu hàm xúc nhất lại là “tôi thẳng thắn mong Ngài và đại diện của nước Mỹ tìm được tiếng nói chung vì tương lai của Nam Việt, trong đó, mọi tầm nhìn thiển cận đều phải gạt bỏ, nếu chúng ta muốn chiến thắng…”
Cuộc hội đàm bắt đầu ngay sau bữa ăn trưa. Johnson đề nghị Nhu không nên dự họp.
“Dư luận Mỹ quá thành kiến với ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Chính phủ Mỹ không muốn khiêu khích dư luận.” Johnson nói toạc như vậy. Dự hội đàm, do đó, về phía Nam Việt, chỉ có Diệm, Thơ, Tổng tham mưu trưởng Lê Văn Tỵ, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu và về phía Mỹ, có Johnson, Nolting và Mac Garr. Hai bên đi một vòng chân trời chính trị thế giới và châu Á, tình hình toàn bán đảo Đông Dương và tình hình Nam Việt. Về tình hình thế giới, Diệm tránh cho Johnson khó chịu nên lờ hẳn vụ Macsaysay chết trên đảo Cébu, vụ Lý Thừa Vãn phải đi đày, cả vụ “vịnh Con Heo” và vụ chiếc máy bay U2. Diệm cũng không bài bác quan điểm của Mỹ về sự rối loạn ở Algérie - theo Mỹ, tướng Salan thấy được nguy cơ Cộng sản qua chính sách thiếu cứng rắn của De Gaulle nên đã li khai… Nhưng, tình hình Đông Dương, nhất là tình hình Nam Việt, không được hội đàm đánh giá thống nhất. Johnson cho rằng các chính thể tự do ở ba quốc gia thiếu khả năng chận đứng sự bành trướng của Cộng sản. Diệm cho rằng “Không thể thắng Cộng sản nếu các đồng minh hùng mạnh của ba quốc gia Đông Dương không gột óc vụ lợi.” Johnson cho rằng Nam Việt nguy kịch. Diệm giảm nhẹ thế lực của Cộng sản đến mức thấp nhất. Càng đi sâu vào tình hình Nam Việt, họ càng xa cách nhau.
Diệm - cố kềm chế song không được kín đáo lắm - phàn nàn về một nhúm giả danh Quốc gia “nấp dưới cái ô của người bạn lớn của Việt Nam Cộng hòa gây rối hàng ngũ chống Cộng,” “Lực lượng biệt kích Mỹ xây dựng gần như độc lập với quân đội Cộng hòa,” “Báo chí Mỹ đưa tin về Việt Nam Cộng hòa đầy ác ý, phản ánh sai lạc cả tình hình lẫn chủ tâm của Chính phủ”… Diệm nói tiếng Anh - âm sắc còn cứng, song đúng văn phạm. Vũ Văn Mẫu phiên dịch cho Thơ và Tỵ, Johnson tỏ ý không hài lòng về “sự thiếu khéo léo của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đối với các nhân tài giàu thiện chí, sự thiếu khéo léo đã dẫn đến “một mức li tán nào đó trong nỗ lực chống Cộng ở Việt Nam và giúp cho Việt Cộng giành được thắng lợi ở thôn xã”… Diệm giải thích, Johnson cáo buộc. Cuộc hội đàm bế tắc. Buổi dạ tiệc tưng bừng vẫn không xua được nét đăm chiêu trên mặt Diệm. Mọi người đều thấy Johnson thoải mái giả tạo.
*
Nguyễn Thành Luân vừa rời bệnh viện, người còn xanh lả. Chính Nhu ghi tên Luân vào danh sách những thượng khách trong buổi dạ tiệc. Nhu không muốn chường mặt, dù trong buổi dạ tiệc nên chọn Luân thay anh ta. Thật ra, Luân không có bất cứ danh nghĩa gì đến đây, nơi anh là người có cấp và chức thấp nhất.
Luân chọn lối đi kín đáo đi vào phòng tiếp tân. Nhưng tướng Mac Garr đã nhận ra anh. Ông ta vồn vã đến chào:
- Xin chúc mừng trung tá bình phục.
- Cám ơn tướng quân!
- Đây, một nhân vật huyền thoại mà đại sứ cần làm quen. - Mac Garr giới thiệu Luân với Nolting.
- Ồ! Hân hạnh! - Nolting nắm tay Luân chặt và lâu - Tôi nghe nhiều về trung tá và nôn nóng muốn gặp. Rất tiếc, tôi sang Việt Nam vào lúc trung tá bị thương. Sở dĩ tôi chưa vào bệnh viện là vì, mong trung tá thông cảm, các việc bàn giao ở tòa đại sứ quá kéo dài…
- Không có chi. Tôi xem việc bàn giao ở tòa đại sứ phải kéo dài giữa Ngài Durbrow và Ngài Nolting là một sự trách cứ chúng tôi. Chúng tôi đã để tình hình bề bộn… - Luân nói nghiêm túc.
Anh tranh thủ quan sát Nolting: một nhà ngoại giao có vẻ một nhà ngoại giao hơi tài tử - nụ cười, bộ quần áo may ở hiệu Dior, mùi nước hoa… Chắc chắn Nolting cũng quan sát anh.
- Không… Hoặc, nếu quả như vậy đi nữa thì tỉnh Kiến Hòa vẫn không gây bận tâm cho bất kì ai. Trước kia thì khác. Bây giờ, trung tá đã làm chủ được tình hình. - Nolting kéo Luân lại bàn.
- Tôi chưa làm chủ được tình hình. Phát đạn xuyên người tôi đã làm chứng. - Luân thở dài như người có lỗi.
- Không phải. Ai lường nổi một tên phản bội bắn lén? Ta nghĩ đến cái gì cao rộng hơn một viên đạn… Nolting kéo ghế mời Luân.
Mac Garr rỉ tai với Johnson. Phó Tổng thống Mỹ đi thẳng đến chỗ Luân.
- Xin chào vị anh hùng! - Johnson chìa tay.
Luân, đứng thẳng người, bắt tay Johnson.
- Cám ơn Phó Tổng thống. Tôi không đủ tư cách làm một anh hùng.
Johnson giữa tay Luân trong tay mình, nói vừa đủ cho Diệm nghe - Diệm đang sắp ngồi vào bàn:
- Khiêm tốn là đức tính cần thiết của người anh hùng.
Luân làm như vừa trông thấy Diệm, nghiêng người chào.
- Cháu đã khá chưa? - Diệm hỏi, không bắt tay Luân.
- Cám ơn Tổng thống, cháu đã khỏe.
Một lóe kiêu hãnh trong mắt Diệm. Hẳn ông đã so sánh cử chỉ của Luân đối với Johnson và đối với ông.
Diễn từ của Diệm ngắn. Đáp từ của Johnson dài hơn. Dù ngắn hay dài, toàn lời phù phiếm.
Sau tuần khai vị, không khí lần lần tự nhiên hơn.
- Tôi chưa nắm được hết các mặt tình hình Nam Việt. Những báo cáo mà tôi đọc ở Washington dù sao cũng không thay được cho thực tế. Theo trung tá, vấn đề gì là then chốt nhất trong sự kiện Nam Việt hiện nay? - Nolting hỏi Luân.
Luân không trả lời ngay. Anh dự đoán những nước cờ mới trên bàn cờ mà một số quân đang xếp lại hay dự định xếp lại.
*
… Viên đạn xuyên bụng, trổ ra dưới mạn sường đã đưa Luân vào cơn hôn mê. Cuộc giải phẫu, dù ngay tại phòng khách dinh tỉnh trưởng, vẫn hoàn hảo. Giáo sư Đệ là bậc thầy về khoa này. Người ta đưa Luân lên trực thăng. Một cái lắc nhẹ ở máy bay, anh đau toát mồ hôi và anh hôn mê trở lại.
Anh mở mắt và nhận ra ngay nơi quen thuộc - Bệnh viện Grall. Bây giờ, Dung đang ngồi cạnh anh. Một cái gì xót xa cồn cào trong Luân. Dung tiều tụy quá. So vớí lần anh chết hụt ở Bình Dương, Dung tiều tụy hơn nhiều. Anh cảm thấy mình thật đáng trách. Tại sao Dung phải chịu đựng những khinh xuất của chính anh? Liệu hạnh phúc mà anh mang lại bù đắp nổi những đau đớn dằn vặt Dung - mà làm sao đoán trước đây có phải là lần cuối cùng hay không?
Đôi mắt bồ câu vụt long lanh - cùng với cái mở mắt của Luân. Nếu không có vị giáo sư người Pháp và giáo sư Đệ, cả nhóm bác sĩ ngồi cách gường Luân vài bước thì cả hai chắc đã khóc òa.
Dung nhoẻn cười, tay đặt lên môi Luân, tay kia vuốt mấy sợi tóc lòa xòa phủ trán Luân. Một Dung biến hóa, khác hẳn mấy giây trước đó. Luân nén cái thở dài. Cái sống và cái chết của mình đã là của Dung.
- Anh xin lỗi em! - Luân thều thào…
Dung đáp lại bằng cái lắc đầu nhè nhẹ. Nước mắt đầm đìa trên má cô: Anh có lỗi gì?
Kẻ bắn Luân lần này không phải tên trung sĩ lái xe ở Bình Dương mà là một nội tuyến - một người yêu nước, trà trộn đến cấp trung úy truyền tin. Thật cay đắng. Và cũng thật đáng mừng: Nhất định sự việc xảy ra vào cái đêm kinh hoàng ấy góp phần xóa dấu vết mà Luân để rơi rớt không ít trong thời gian ngắn làm tỉnh trưởng Kiến Hòa. Chỉ cần cộng các biện pháp mà Luân thực hiện với Thường, ông giáo Tâm, chuẩn úy Tập, với dân Cồn Ốc, bà Hai Sặc và với bọn công an, biệt kích… những tay tình báo gà mờ nhất cũng phải đặt một dấu hỏi to tướng. May quá, viên đạn trúng Luân vào chỗ trí mạng và không ai nghi ngờ về dụng ý của kẻ bấm cò.
Tổng giám đốc công an, sau khi Luân bị bắn, đã thổ lộ với Dung:
- Tổng nha nhận được nhiều báo cáo về trung tá tỉnh trưởng. Bác sĩ Tuyến và ông cố vấn cũng thấy lạ lùng. Tại sao trung tá lặp lại cách làm việc mà người ta bắt buộc phải suy luận rằng trung tá tung đòn phản gián để bảo vệ cán bộ đầu sỏ Việt Cộng? Nhưng, chính trung tá lại là mục tiêu số một của Việt Cộng ở Kiến Hòa. Viên đạn xua tan mọi hoài nghi. Cái cần trao đổi - tôi thành thật mong trung tá sẽ hồi phục - là trung tá có nên tiếp tục vai trò phiêu lưu cũ hay không? Trung tá định lấy lòng dân, nhưng dân lại nghe Việt Cộng. Người của Việt Cộng đeo bám trung tá… Tốt hơn hết, trung tá vớ được tên nào bắn tên nấy…
Thiếu tướng Tổng giám đốc cho Dung xem một tài liệu của Việt Cộng mà công an vừa tịch thu: Thông báo của T.2 - mật danh của Khu ủy Trung Nam Bộ, về những thủ đoạn xoa dịu quần chúng của Nguyễn Thành Luân. Thông báo gọi Nguyễn Thành Luân là một tên phản bội kháng chiến, liếm gót gia đình Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, một phần tử bại hoại cần phải loại bỏ với bất cứ giá nào.
Hôm Luân về nhà, Nhu đến thăm. Anh ta phàn nàn:
- Vậy là “bên kia” kết án anh rồi…
Luân hiểu Nhu nuối tiếc một chiếc cầu. Có lần, Nhu đã hỏi thẳng Luân khả năng móc nối với “bên kia.” Bây giờ, theo Nhu, đổ vỡ hết…
Luân cười mỉm:
- Làm thế nào khác được… Khoảng cách lớn quá.
… Cùng đề tài Luân bị ám sát, Ly Kai, Lâm Sử và Dương Tái Hưng có ba cách nhìn khác nhau. Ly Kai tường thuật nội vụ cho hai người kia nghe và kết luận: Việt Cộng đoạn tuyệt với Nguyễn Thành Luân. Lâm Sử, ngần ngừ khá lâu, mới nói:
- Chưa chắc! Bằng cớ là Luân còn sống. Tại sao không phải là một “khổ nhục kế?” Chuyện cổ Trung Quốc có trường hợp Vương Tá, tướng của Nhạc Phi tự chặt tay để lừa quân giặc…
Dương Tái Hưng cười theo lối kẻ cả:
- Không thể có chuyện “khổ nhục kế.” Thằng đó bắn Nguyễn Thành Luân thật. Nó quyết giết y ta. Chỉ có sự may mắn đã cứu Nguyễn Thành Luân.
Ly Kai hí hửng:
- Đúng rồi, Việt Cộng đoạn tuyệt…
Dương Tái Hưng nheo mắt:
- Ông Ly Kai ngây thơ quá! Không có chuyện đoạn tuyệt…
Giữa sự ngơ ngác của Lâm Sử và Ly Kai, Dương Tái Hưng nhấn mạnh từng tiếng:
- Việt Cộng Bến Tre không được cấp trên cho biết Luân của ai. Nguyên tắc bí mật…
Thấy hai người gật đầu công nhận hắn cao kiến, Dương Tái Hưng nói tiếp:
- Nghĩa là việc theo dõi tên Luân vẫn phải tiếp tục, hơn nữa, tiếp tục thật nghiêm ngặt… Có dịp thì… - Gã ra dấu: bấm cò.
*
… Luân vẫn phải trả lời Nolting:
- Câu hỏi của đại sứ quá rộng. Tôi chưa tìm được cách diễn đạt gọn mà không rơi vào một thứ sáo rỗng. Tuy nhiên, trước sau tôi vẫn cho rằng, muốn chiến thắng ở Nam Việt, phải nắm được quần chúng…
Nolting nhún vai:
- Nếu tôi không lầm, trung tá là một quân nhân - gọi là quân nhân chuyên nghiệp cũng được. Quân nhân nên diễn đạt theo lối riêng của mình.
Nolting liếc về phía Diệm:
- Người ta nói với tôi, ông Diệm và em trai, em dâu của ông ấy là vấn đề then chốt nhất…
Luân ngồi thẳng lưng. Cử chỉ có tính toán của Luân được Nolting đánh giá như một phản xạ. Ông ta cười gượng.
- Thế nào là “vấn đề then chốt nhất?” - Luân hỏi, giọng khô khan.
Nolting xua tay:
- Chẳng lẽ Tổng thống một nước không là nhân tố quyết định hàng đầu tình hình của nước đó? Việt Nam Cộng hòa, như Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, theo chế độ Tổng thống… Tạo điều kiện để cho Tổng thống Diệm làm hết vai trò của ông ấy, tại sao không phải là “vấn đề then chốt nhất?”
Rõ ràng, Nolting lấp liếm.
Luân bắt mạch quan điểm của ông ta - hẳn cũng là quan điểm của Kennedy: tìm cách xoay Diệm sau khi gạt tay chân thân tính của ông. Anh thăm dò thêm một bước:
- Trong ý nghĩa như vậy, tôi không có điều gì khác Ngài đại sứ. Tuy nhiên, để giúp Tổng thống nước chúng tôi làm hết vai trò, điều kiện không giản đơn…
- Trung tá có thể nói rõ hơn không?
- Tổng thống chúng tôi phải đối phó với rất nhiều khó khăn…
- Tôi hiểu! - Nolting ngắt lời Luân - Việt Cộng mạnh…
- Không chỉ Việt Cộng - đến lượt Luân ngắt lời Nolting - Khó khăn đôi khi, và bây giờ là thường khi, lại từ phía đồng minh của chúng tôi…
- Ông là người của gia đình Tổng thống Diệm, - Nolting nói như thất vọng - người ta gán cho ông là lãnh tụ quan trọng của Đảng Cần lao, thật không sai.
- Ngài đại sứ hãy nghe, - Luân vẫn từ tốn - tôi chưa hề chối, và việc gì phải chối, về mối quan hệ cá nhân của tôi với Tổng thống và vị trí của tôi trong Đảng Cần lao. Nhưng những cái đó không phải là việc cần trao đổi. Chúng tôi phạm một số thiếu sót, đúng như vậy… Cái thiếu sót đó gọi chung là vội vàng. Quá vội vàng… Phải đâu người Mỹ không chịu trách nhiệm gì cả trong các thiếu sót của chúng tôi? Trước kia, nước Mỹ muốn xóa Bắc Việt Cộng sản qua chúng tôi. Hiện nay, nước Mỹ muốn thanh toán Việt Cộng đôi ba tháng. Làm sao được?
Nolting lắng nghe và không rõ chịu hay không chịu lập luận của Luân, ông ta chạm li với Luân.
*
Nhu mời Luân đi chơi ngay buổi sáng mà báo chí công bố thông cáo chung Việt - Mỹ: Hoa Kỳ sẽ tăng việc trợ quân sự, đảm đang luôn phần trang bị cho lực lượng Bảo an, sẽ cử sang Việt Nam một phái đoàn cao cấp cùng Nam Việt nghiên cứu kế hoạch quân sự, kinh tế và kế hoạch chống du kích Việt Cộng.
Hai người ngồi chung một xe, có cảnh sát hộ tống, chạy theo xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa vừa khánh thành cuối tháng trước, do hãng thầu RMK - BRJ thực hiện. Lễ khánh thành đồng thời với lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống nhiệm kì hai của Diệm.
Xe vượt cầu Phan Thanh Giản, qua vùng mới xây dựng: những dãy nhà lợp tôn lụp xụp nối tiếp đến ngã tư Hàng Xanh. Xe lại vượt chiếc cầu rộng bắt qua sông Sài Gòn với tốc độ 100 km/h. Luân chìm trong suy nghĩ: con đường chiến lược nối cảng Vũng Tàu được xây dựng không phải là một thứ trang sức và cũng không phải chỉ do nhu cầu kinh tế. Người Mỹ sửa soạn khá chu đáo ọi tình huống.
- Anh biết đêm hôm qua Di Linh bị tấn công không? - Nhu lại chìm trong hướng suy nghĩ khác, hỏi Luân.
Luân lắc đầu:
- Sao, thiệt hại lớn không?
- Cũng kha khá… Mất ba tiền đồn. Đồng thời, công trường Đa Nhim cũng bị tấn công, một số xe cộ, máy móc bị phá, một số chuyên viên Nhật bị thương, tệ hơn hết là quận trưởng Đơn Dương bị bắt và bị sát hại…
Xe tăng tốc độ. Kim chỉ 120 km/h.
- Sẽ xây dựng khu đại học ở đây. - Nhu trỏ một khu đồi phía trái - Và một huấn khu quân sự tại đây. - Nhu trỏ phía Chợ Nhỏ.
- Phải đưa sinh viên ra ngoại thành. Dễ kiểm soát và kềm chế… - Nhu bỏ lửng câu nói, hỏi đột ngột: - Anh biết tin đảo chính ở Đại Hàn chưa?
Luân biết, qua đài BBC. Thủy quân lục chiến đóng ở Kimpo, cách Seoul 15 cây số, kéo về thủ đô, tuyên bố lật đổ Chính phủ, thành lập Hội đồng cách mạng do tướng Chang Do Yung(2) cầm đầu…
(2) Chang Do Yung (1923–?), Thủ tướng Hàn Quốc (tháng 5 đến tháng 7 năm 1961)
- Kết quả rất hiển nhiên của việc người Mỹ thọc sâu vào nội trị một nước! - Nhu bình luận.
Luân hiểu Nhu lo lắng về bản thông cáo chung Việt - Mỹ.
- Bảo an sắp nhận viện trợ - Luân tặc lưỡi - Giới hạn của viện trợ đó tới đâu?
- Chưa định rõ, đợi phái đoàn Mỹ sang. Johnson báo trước: Phái đoàn do giáo sư Staley cầm đầu. Anh Tổng thống không yêu cầu song Johnson mặc nhiên cho rằng Bảo an cần có cố vấn chống du kích… Johnson còn gợi ý ta cử Giáo sư Vũ Quốc Thúc tham gia soạn thảo kế hoạch kinh tế.
- Tại sao là Vũ Quốc Thúc? - Luân hỏi.
Nhu nhún vai:
- Có lẽ vì ông ta tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế học, hiện đang là cố vấn kinh tế của Tổng thống.
- Ông Thúc từng đứng đầu tổ chức chính trị Phong trào tranh thủ tự do…
- Cái đó thì chỉ có cái nhãn… - Nhu cười khinh miệt.
- Cái nhãn, đúng rồi. Song, ai cho ông ta dán nhãn?
Nhu lại nhún vai.
Xe vượt cầu sông Đồng Nai. Đến ngã rẽ ra Vũng Tàu. Nhu bảo dừng xe. Hai người đi bộ theo con đường còn bốc mùi nhựa hăng hắc.
- Johnson bảo riêng anh Diệm: cho tôi và nhà tôi nghỉ. Anh Diệm nổi nóng… Theo anh, tôi và nhà tôi nên như thế nào?
- Còn như thế nào nữa? - Luân trả lời không do dự. Anh thừa biết Nhu không phải là hạng suy nghĩ bằng cái đầu của người khác, nhưng dầu sao vấn đề cũng gay gắt, Nhu mong Luân gợi được vài cảm hứng để anh ta chọn phương án.
- Tôi nghe anh. - Nhu đứng lại. Hai người đối mặt nhau.
- Bài toán chỉ có hai đáp số: theo ý người Mỹ và không theo. Đi đến mỗi đáp số có phép giải khác nhau…
- Chính vì bài toán chỉ có hai đáp số mà tôi phải hỏi anh. Càng ít đáp số, bài toán càng phức tạp… - Nhu cười mà mắt vẫn ưu tư.
- Có phải việc anh chị không tham gia chính quyền mang một ý nghĩa quan trọng thật sự đối với người Mỹ? Tôi không tin như vậy…
- Ta không mất công phân tích các toan tính thầm kín của người Mỹ. Bây giờ, họ quả quyết rằng việc tôi và nhà tôi thôi dính líu đến chính trị là sự đáp ứng tích cực của ta đối với việc Mỹ mở rộng viện trợ.
- Đằng sau yêu sách vô lí đó, là cái gì?
- Là Mỹ hóa tình hình ở Nam Việt… Sẽ chỉ có một Chính phủ bù nhìn. Thậm chí, sẽ có những con người máy Việt Nam, những kẻ đánh thuê.
- Nhưng, Tổng thống sẽ bác bỏ…
- Tất nhiên… Song, tôi muốn Tổng thống không bị động.
- Tổng thống sẽ bị động gấp đôi nếu anh chị rời chính quyền. Nhượng bộ này kéo theo nhượng bộ khác. Và vân vân.
- Cám ơn anh! - Nhu xởi lởi - Ta sẽ bàn kĩ về chiến thuật… Anh chưa cần trở lại Kiến Hòa sớm.
Xe quay về Sài Gòn. Nhu nói huyên thuyên so với bận đi, đủ thứ chuyện, kể cả quyển tiểu thuyết “Dịch hạch” của Camus - anh ta không có thì giờ đọc, con gái anh ta tóm lược cho anh ta…
*
Giám mục Ngô Đình Thục ăn cơm với Luân. Suốt bữa ăn, ông ít quan tâm đến thực đơn - do Dung trực tiếp nấu - mà hỏi han Luân về thời cuộc. Người chủ chăn giáo phận rất có khiếu về kinh tài. Nhiều lúc, Dung phải vờ lấy khăn lau miệng để khỏi cười vô lễ.
- Mần răng mà sắt, xi măng giá cao rứa… Cha tính cho đứa nào sang Bến Tre mua dừa. Một hãng Nhật bằng lòng đổi sắt, xi măng lấy dừa. Khi nó sang Bến Tre, con bảo bọn dưới giúp nó… Cha cho phép họ đạo Cái Mơn xây thêm nhà thờ, chủng viện. Bổn đạo tự thu xếp tiền nong. Chỉ cần cha sẵn sắt, xi măng… Còn gạch, họ mua dễ, vả lại giá không cao…
Nhưng giám mục lại ngờ nghệch về chính trị:
- Hôm bầu cử Tổng thống, cha hạ lệnh cho các linh mục trong giáo phận rao giảng các nhà thờ: không bầu bán gì cả, chỉ có việc suy tôn Tổng thống thôi… Cha cũng ra lệnh cho công an cấm tuyệt bọn Hồ Nhật Tân, Nguyễn Đình Quát xuống các tỉnh. Bầu cử làm chi cho hao tốn. Cha nghe có người nói Chính phủ Mỹ bất hòa với Chính phủ ta. Họ nói sai. Tuy Tổng thống Mỹ theo đạo Tin Lành song họ cũng thờ Chúa. Cùng thờ Chúa với nhau, sao lại bất hòa?
Giám mục hỏi Luân, đột ngột:
- Ở Kiến Hòa, Phật giáo ra răng?
- Có chùa, có sư và các ngày lễ, tín đồ vấn đến cúng vái… - Luân trả lời lửng lơ.
- Hừ! - Giám mục bực bội - Bọn nó chẳng hiền đâu… Con phải coi chừng.
Tiễn giám mục ra về, vợ chồng Luân ngồi lại, định soát xét các mặt của công việc thì Thạch vào:
- Thưa ông, nhà tôi với mấy đứa nhỏ lên, xin phép chào ông và cô…
Thạch chưa bao giờ gọi Dung là bà. Đơn giản thôi, Dung quá trẻ.
Vợ Thạch cùng hai con thập thò mãi ở hàng hiên, Dung phải dìu cả mẹ con vào, ấn ngồi lên ghế.
- Con nghe ông bị tai nạn ở Bến Tre… Mắc mùa màng, không thăm ông được, nay mới tới… Thiệt Trời Phật có mắt nên phù hộ người ngay… - Vợ Thạch vừa nói vừa rưng rưng nước mắt.
Luân cố phân tích tâm trạng của người phụ nữ nông thông này - đâu là tình cảm mà chị dành cho Luân, “ông chủ biết điều của chồng” và đâu là khói mù của một bàn tay nào đó…
- Quê cô yên tĩnh không? - Luân hỏi.
- Thưa, năm ngoái, tề lính bỏ chạy hết, “mấy ổng” chiếm nhà làng. Năm nay, quân đi càn mấy lần vướng lựu đạn, nên chỉ đi theo lộ lớn. Nhà con khuất vô trong, chưa bị mất con gà con vịt. Mà, đồn hay thụt mọt-chê… Yên thì cũng yên mà lộn xộn thì cũng lộn xộn. Vái trời…
Nói bấy nhiêu, vợ Thạch im bặt. Hai đứa nhỏ nép vào mẹ, ngó Luân và Dung trân trối. Chị vái trời cái gì?
- Mấy anh giải phóng có kéo về chỗ cô không?
- Thưa có. Nhờ mép biền, họ đóng dọc theo rạch, “Quốc gia” không hay…
- Anh Thạch làm việc với “Quốc gia,” dưới đó không làm khó dễ cô sao?
- Thưa, chú bác trong làng biết nhà em chỉ vì chén cơm. Với lại, đi theo ông thì đâu làm bậy được…
- Ai nói với chị là đi theo tôi thì không làm bậy?
- Dạ, tự em tính ra, chớ đâu có ai nói… - Vợ Thạch trả lời khá lanh, song Luân bắt gặp một thoáng bối rối ở người phụ nữ chắc ít quen nói dối.
Luân dặn Thạch giữ vợ con ở Sài Gòn chơi vài ngày.
“Ai?” - Luân tự đặt câu hỏi. Ai bày biểu cho vợ Thạch, bạn hay thù? Nếu là thù, không khó đối phó lắm. Nếu là bạn, rất phức tạp - một đồng chí nào đó phát hiện hành tung của Luân.
Luân và Dung thì thầm với nhau suốt buổi sáng. Chị Sáu dọn cơm, mời hai ba lần, vợ chồng Dung mới ngồi vào bàn.