Lễ phóng thích tổ chức ngay sân trại giam. Dân chúng địa phương không hay biết gì nhưng phóng viên báo chí nước ngoài lại có mặt khá đông. Trước giờ, Henlen Fanfani đưa một người Mỹ râu tóc màu hung đến chào Luân. Anh ta là Victor Gray, phóng viên ảnh của tờ Newsweek - chồng của Fanfani.
- Hân hạnh! - Victor Gray bắt tay Luân - Tuy hôm nay mới gặp ông song Henlen giúp tôi làm quen ông từ lâu…
- Victor không biết ghen, ông kĩ sư đừng ngại! - Fanfani đùa. Cả ba cười hồ hởi.
- Ông bắt đầu một trắc nghiệm nữa, phải không? - Fanfani vẫn liến thoắng.
- Một trong những người mà tôi luôn luôn đề phòng là cô, cô Helen thân mến! - Luân thân mật khoác vai Fanfani và kéo Victor Gray cùng bước lững thững theo rìa sân - Cô thích đi xa hơn suy nghĩ của người khác trong các bài báo thiên về phân tích tâm lí…
- Tôi sẽ không bao giờ gắn cho ông bất kì một tư tưởng nào mà ông không có… Ông cố gắng chống đỡ cho chế độ của ông Diệm đứng vững. Tôi sẽ viết như vậy. Tất nhiên, ông cho phép tôi được bình luận về ý định của ông, tức là bình luận về tính hiện thực của những cố gắng ấy…
- Ông Gray có thấy mình có một người vợ đặc biệt sắc sảo về chính trị không? - Luân hỏi vui Victor và ngầm bảo Fanfani là anh không thích tranh luận hôm nay.
- Tất nhiên là có! - Gray xác nhận - Giữa chúng tôi, bao giờ cô ấy cũng lấn át.
Fanfani không cãi, cô đột ngột hỏi Luân bằng tiếng Việt:
- Bà kĩ sư không ở Kiến Hòa? - Cô nói luôn - Chồng tôi không biết một tiếng Việt nào cả…
- Sắp tới giờ, xin hẹn gặp lại cô Helen Fanfani và ông Victor sau buổi lễ… - Luân rời hai người, rảo bước lại chiếc bạn kê trên thềm, dành cho tỉnh trưởng.
“Can phạm” ngồi chồm hổm thành nhiều hàng, mỗi người mang gói hành lí riêng. Ai cũng đinh ninh sau mấy lời hăm he của tỉnh trưởng, tất cả được tống lên những chiếc xe bít bùng, chở đến một phương trời nào đó - gọi là trại cải huấn - nơi mà số phận họ phó thác ay rủi. Sẽ chịu tra tấn tinh thần và thể xác dai dẳng, có thể nói là bất tận, nếu sống sót. Và sống sót cũng thân tàn ma dại. Tiếng tăm các trại cải huấn đã khá lừng lẫy để mọi người hiểu “đi cải huấn” còn rùng rợn hơn ra trường bắn. Bởi vậy, mọi người im lặng. Họ chẳng để ý đến viên tỉnh trưởng đang ba hoa.
- Tôi cho các người ít nhiều tham dự vào những cuộc chống đối Chính phủ Việt Nam Cộng hòa do Ngô Tổng thống lãnh đạo… Không ai bị bắt oan cả. Theo luật 10-59, đáng lẽ các người phải ra tòa. Tuy nhiên, Chính phủ khoan hồng, bởi các người kém học, bị xúi giục, chưa gây tội ác. Thừa lệnh Tổng thống, tôi nhắc các người từ nay chăm lo làm ăn…
Luân nói tới đây thì khắp sân xao động. “Can phạm” ngó nhau và ngó anh.
- Đây là lần cuối cùng Chính phủ ban ân huệ. - Luân vẫn tiếp tục nói - Nếu bị bắt lần nữa, các người đừng oán trách… Tôi đảm bảo các người được tự do làm ăn. Bất kì ai ức hiếp các người, cứ tố cáo với tôi. Hễ đủ bằng chứng, tôi sẽ trị thẳng tay. Tôi nhắc lại: tỉnh Kiến Hòa phải được cai trị bằng luật pháp!
Tuy ý của Luân đã rõ, song mọi người vẫn chờ đợi ở tỉnh trưởng câu nói quyết định. Và, đây là câu nói đó:
- Kể từ giờ này, những ai có tên sau đây được trở về nhà mình… Ai không đủ tiền bạc, Chính phủ sẽ giúp…
Đứng khá xa đám đông mà Luân và các nhà báo nghe rõ tiếng rầm rì đột ngột lan nhanh, phó Ty công an Tống Văn Tình gọi tên từng người. Mỗi người nhận lệnh phóng thích mang chữ kí của tỉnh trưởng, các giấy tờ bị giữ trước đây, kể cả tiền bạc, tư trang. Tống Văn Tình liền miệng nhắc: “Xem coi đủ các thứ chưa? Ai còn thiếu, cho biết.” Tất nhiên không ai khiếu nại - việc quan trọng nhất là thoát nhanh khỏi nơi đây.
Mỗi người giữ một thái độ khác nhau khi rời Ty công an: người lặng lẽ, người liếc Luân một cách bàng quan, người nhìn anh với vẻ khó hiểu, người cố giấu không để nhà báo chụp rõ mặt, người khinh khỉnh, người khẽ gật đầu cám ơn…
- Chừng mươi phút nữa thôi, ông trở thành đối tượng nghiên cứu của dân chúng toàn tỉnh Kiến Hoà… - Fanfani bảo Luân.
- Và, qua ảnh của Victor Gray, bài của Helen Fanfani, chính giới Mỹ sẽ mang “con quái vật” Nguyễn Thành Luân lên bàn mổ… - Luân đáp lại, hài hước.
- Trong chính giới Mỹ cũng có những cái đầu tỉnh táo. Ông không bị cô lập đâu! - Fanfani bác lại - Để ông không còn đất tấn công tôi, tôi nói thêm: Ngay cả trong CIA cũng không phải ai đều theo Mac Carthi(1) cả.
(1) Một nhân vật Mỹ chống Cộng mù quáng đến nỗi thành “chủ nghĩa Mac Carthy.”
- Tôi thử ủng hộ ông - Victor nói - Tôi lấy được một số ảnh rất có lợi cho ông. Mặc dù phương pháp của ông chưa thuyết phục tôi… Dân chúng và Việt Cộng ở đây không ngô nghê. Trước tiên, họ đánh một dấu hỏi trên việc làm của ông. Ai có lợi trong trường hợp này? Những người nhà quê bị bắt vô cớ, họ có quyền về nhà, và viên tỉnh trưởng bỗng trở thành ân nhân không mất tiền! Làm sao có thể giản dị như thế được?
Victor hoàn toàn không hiểu rằng Luân rất sung sướng nghe phân tích của anh ta…
Sân vắng lần. Sau cùng, còn sót hai mươi mốt người.
- Các người không được thả! - Luân bảo, trước vẻ mặt không lấy gì sợ hãi của hai mươi mốt người đó - họ sẽ sang trại cải huấn - tức là họ chuồn ra theo ngã hậu.
- Các người cũng không qua trung tâm cải huấn! - Luân nói, gằn giọng - Tôi kí giấy truy tố các người, những nhân viên Cộng sản chính cống…
Thái độ dửng dưng của số tù còn lại tan biến tức khắc. Sao cớ sự ra như vậy? Họ đảo mắt tìm trưởng Ty công an. Lưu Kỳ Vọng không dám nhìn họ.
- Tỉnh Kiến Hòa chưa lần nào thiết lập tòa án quân sự đặc biệt… - Luân nói tiếp - Máy chém chưa lưu động tới đây. Đó là điều phi lí.
Có người khóc. Có người nấc. Cảnh sát lùa họ vào trại biệt giam…
*
Báo cáo của Thiếu tá Lưu Kỳ Vọng.
Kính gởi thiếu tướng Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia.
Trình thiếu tướng,
Thiểm ty thấy có bổn phận trình lên thiếu tướng Tổng giám đốc tình trạng rất kì lạ sau đây xảy ra ở Kiến Hòa trong vòng chưa đầy tháng nay:
Từ khi thay Trung tá Lê Như Hùng làm tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hoà, Trung tá Nguyễn Thành Luân giải quyết công việc theo một đường lối khác thường, đang gây xôn xao trong giới chức tỉnh và xáo trộn quy tắc lâu năm của thiểm ty, vốn là quy tắc do Tổng nha hướng dẫn. Ông Luân can thiệp quá sâu phần chuyên môn của Ty công an, hơn nữa, ông trực tiếp kí lệnh phóng thích đến một trăm năm mươi mốt can phạm, tất cả đều xong hồ sơ về tội đích thân hoặc a tòng hoạt động Việt Cộng trong tỉnh. Mặt khác, ông lại kí lệnh tống giam và truy tố ra tòa án quân sự khá đông nhân viên công an, kể cả một số mật báo viên và nhân viên đặc biệt của chúng tôi, cách chức và giam cứu Trung úy đồn trưởng Thành Triệu thuộc hệ cảnh sát đặc biệt, cách chức và truy tố đại ủy trưởng phòng điều tra của ty về những tội không lấy gì làm nghiêm trọng.
Hiện nay, nhân viên cộng lực tỉnh đều bất mãn, giữa lúc mà bọn Việt Cộng đẩy mạnh hoạt động. Đó là nguy cơ lớn. Nhiều vị đầu ngành trong tỉnh không hài lòng chính sách của Trung tá Nguyễn Thành Luân, như Đại úy Chung Văn Hoa, chỉ huy trưởng Bảo an, nhưng sợ thế lực của ông Luân nên không dám công khai phản đối.
Thiểm ty khẩn cấp mật báo để thiếu tướng tường và mong thiếu tướng trình với Hội đồng An ninh Quốc gia và Tổng thống nguyện vọng của quan chức Kiến Hòa là Chính phủ sớm rút Trung tá Nguyễn Thành Luân khỏi trách nhiệm hiện nay, ngõ hầu tránh cho Kiến Hòa rơi vào tình thế xấu hơn.
Thiểm ty cũng xin lưu ý thiếu tướng là trong thời gian chưa dài lắm kể từ khi trung tá Luân được bổ xuống Kiến Hòa, chúng tôi ghi nhận số lượng tấn công và quấy rối của Việt Cộng tăng gấp ba lần so với trước. Chúng kiểm soát nhiều trục lộ bộ và thủy then chốt, trong đó có chợ Thơm, Hương Mỹ, An Định… Tỉnh lị Trúc Giang bị bao vây, ban đêm Việt Cộng mít tinh ngay cầu Ba Lai, cầu Chẹt Sậy và tự do chè chén giữa chợ Mỹ Lồng, cách trung tâm Trúc Giang không xa.
Đính kèm bản đồ chiến sự trong ba tuần mới nhất, bản đồ vùng Việt Cộng kiểm soát hoàn toàn, kiểm soát ban đêm, bảng danh sách một trăm năm mươi mốt can phạm được phóng thích, bảng danh sách hai mươi bảy nhân viên bị tống giam và truy tố.
Sau chót, một hiện tượng khiến thiểm ty vô cùng nghi hoặc: Trung tá Luân hết sức quan tâm đến số mật báo viên mà chúng ta gài trong hàng ngũ Việt Cộng, nhất là điệp viên mang bí số J5 - ông ta nhiều lần hỏi dò thiểm ty.
Tờ trình này gởi riêng cho thiếu tướng, mong thiếu tướng hủy khi đọc xong, bởi sẽ khó khăn cho thiểm ty nếu tiết lộ tới tai trung tá Luân! Vợ trung tá Luân đang làm việc ở phòng bí thư Tổng nha.
Xin thiếu tướng nhận nơi đây lòng trung thành tuyệt đối của tôi…
Trúc Giang, ngày... tháng… năm 1960
*
… Báo cáo nói là gởi riêng cho thiếu tướng Nguyễn Văn Là nhưng cả Mai Hữu Xuân, Fishel đều có. Hơn nữa, Dương Tái Hưng cũng nhận được một bản sao bằng chụp ảnh…
Về phần Luân, anh biết báo cáo đó khá trễ: Ngày 16-7, khi dự lễ khánh thành Khu trù mật Thành Thới, Ngô Đình Nhu trao cho anh. Đó là bản chính, thiếu tướng Là chuyển báo với Nhu, không bình luận. Nhu cũng không ghi chú như thói quen một chi tiết nào trong báo cáo.
Lễ khánh thành xong. Nhu đáp trực thăng cùng Luân về tỉnh lị. Họ trao đổi kế hoạch thêm một Khu trù mật nữa, khu Thới Thuận, nằm sát biển, cách huyện lị Bình Đại chừng mươi cây số.
- Tôi biết quan điểm chung của anh về chính sách Khu trù mật, - Nhu bảo Luân - song Tổng thống quyết định đích thân khánh thành một cái của Kiến Hòa, cho nên anh phải chú ý…
Luân trầm ngâm một lúc:
- Tôi sẽ đảm bảo an toàn cho Tổng thống. Nhưng xin lỗi anh, tôi không tin vào kết quả của Khu trù mật về lâu dài. Theo tôi đó là một chủ trương nguy hiểm, chẳng những mất lòng dân, thiếu hiệu quả cô lập Cộng sản, mà còn giúp Cộng sản bám chặt hơn nữa, đưa Cộng sản tiếp cận ta hơn…
- Trước kia, nghĩa là vào giữa năm 1959, tôi mê tín kinh nghiệm Mã Lai của người Anh. - Nhu bộc lộ suy nghĩ của anh ta rất chân thành - Bây giờ, tôi thấy tôi lầm… Tuy nhiên, chúng ta chưa thể xóa một chủ trương lớn, được giới thiệu rộng rãi trong dư luận quốc tế, vẫn còn đợi tác dụng chiến thuật và tâm lí ở một số nơi trong nước. Vả lại, Tổng thống chưa đổi ý, mặc dù Tổng thống đã nói đến việc từ nay phải lo củng cố hơn là xây thêm Khu trù mật. Ở Kiến Hòa, tốt nhất là anh giữ đừng cho Khu trù mật Thành Thới tan rã, xây dựng khu Thới Thuận kịp khánh thành vào tháng 10 theo lệnh của Tổng thống, đồng thời thực hiện phương hướng, bình định như anh dự kiến… Mỗi ngày qua, tôi nghiêng hơn về chính sách của anh. Có thể trong vài tháng tới, sẽ mở hội nghị toàn quốc bàn công tác bình định. Tôi hi vọng anh sẽ giới thiệu kinh nghiệm cùng thành tích của Kiến Hòa…
Nhu nói tới đây, vừa cười vừa rút trong cặp ra một tờ giấy đánh máy:
- Tìm tòi bao giờ cũng rắc rối… Chuyện quả trứng của Christophe Colomb(2)... Anh xem đây.
Luân đọc tờ giấy có chữ đỏ bên trong: Confidential(3) - Báo cáo của thiếu tá trưởng Ty công an Kiến Hòa Lưu Kỳ Vọng gởi Thiếu tướng Nguyễn Văn Là. Đọc xong, Luân cười lạt, trả lại cho Nhu.
(2) Christophe Colomb, người tìm ra Tân thế giới, trong cuộc gặp gỡ với thân hữu, đố mọi người đặt quả trứng đứng. Không ai làm được. Ông đập một đầu trứng và quả trứng đứng. Mọi người cười ông: Thế thì dễ. Ông đáp: Khó là sự tìm tòi ban đầu.
(3) Mật.
- Anh giữ! Nên “tẩm quất” tay này một trận… - Nhu bảo.
- Tôi chưa báo với anh về thiếu tá Vọng. Tôi thấy chưa cần quấy rầy anh. Vả lại, xáo trộn nội bộ trong lúc này không hay lắm… - Luân thở dài.
- Coi kìa! - Nhu kêu lên - Tôi thừa hiểu, dù tôi chưa biết chi tiết… Sao anh có vẻ bực bội? Gã Vọng này không hiền đâu… Người của Mai Hữu Xuân!
- Không chỉ của Mai Hữu Xuân! Anh biết tại sao tôi quan tâm đến tay mật vụ mang bí số J5? Bây giờ, tôi mới biết nó mang bí số J5, chứ trước thì Vọng giấu biệt.
- Chính tôi định hỏi anh việc đó. - Nhu chăm chú nghe.
- Anh nhận được một nghị quyết của Trung ương Cộng sản, gọi là nghị quyết 15 chưa?
Nhu cười:
- Được rồi… Tôi có mang theo đây, nếu anh chưa có, tôi đưa anh một bản…
- Anh nhận được từ bao giờ? Do đâu? - Luân hỏi, sốt ruột. Một số dự đoán của anh đúng hay sai tùy thuộc câu trả lời của Nhu.
- Hôm kia… Bộ tổng tham mưu chuyển sang, tài liệu tịch thu trong một cuộc hành quân ở Cai Lậy.
Nghe Luân thở ra, Nhu kinh ngạc:
- Anh thấy có điều gì không bình thường? Tài liệu đây…
Luân nhận tài liệu, lật vội vàng ở trang chót:
- Nghị quyết thông qua cuối năm 1959, mãi tới nay mới đến tay anh… Anh không lạ sao?
- Tôi cho là Cộng sản lưu hành nghị quyết có phần hạn chế… Nhưng, cơ quan tình báo ta cũng kém… - Nhu nói, mắt vẫn không rời Luân.
- Tôi biết chắc chắn: người Mỹ có nghị quyết này trước ta ít ra cũng ba, bốn tháng…
- Điệp viên của Mỹ ở khắp nơi. - Nhu không tỏ vẻ hăm hở nữa - Có thể tình báo của họ ở Moscow, ở Bắc Kinh kể cả ở Hà Nội lấy được…
- Rất tiếc, Mỹ nhận tài liệu ở Việt Nam Cộng hòa, hơn nữa, ở Kiến Hòa…
- Thế sao? - Nhu sa sầm mặt - Đại sứ Mỹ hay cô Fanfani bảo anh?
- Không chỉ có hai người đó… Nhưng họ nói là họ có một nghị quyết quan trọng của Cộng sản. Tôi tìm ra nguồn cung cấp. Thằng cha hay con mụ mang bí số J5 trao tài liệu cho thiếu tá Vọng và ông ta lờ anh.
Nhu lắc đầu:
- Chưa logique(4) lắm! Thiếu tướng Là không giấu tôi…
- Nếu thiếu tướng Là cũng như anh, nghĩa là cũng bị “bịt mắt” thì sao? - Luân cười mỉm.
- Chà! Thằng Vọng… - Nhu gầm gừ.
- Anh có thể lần mối: ai được trao tài liệu, ngoài tình báo Mỹ?
- Mai Hữu Xuân có không? - Nhu hỏi.
- Tôi nghĩ là có!
Nhu về Sài Gòn. Luân tư lự với những ngã rẽ đột ngột trong bước đường phát triển của miền Nam. Chính phủ Ngô Đình Diệm sợ nghị quyết chuyển hướng đấu tranh của Cộng sản thì ít mà sợ nhiều hơn lối đi vòng vèo của những tờ giấy… Bắt tay Luân tại sân bay, Nhu nói, đầy ý nhị:
- Nguyên tắc éliminateire(5) người ta định chơi trò bipartie(6) tất nhiên một partie(7) phải ra rìa… Tại sao ta không chơi trò đó? Mong anh suy nghĩ…
(4) Hợp lí
(5) Nguyên tắc loại trừ.
(6) Song phương
(7) Một bên.
Làm sao chuyển những biểu hiện mới này cho lãnh đạo? Luân gọi Dung - cô ấy phải gặp Sa…
Thiếu tá Lưu Kỳ Vọng dường như không có xương sống khi gã bắt gặp ngay trên bàn viết của tỉnh trưởng bản mật báo do chính gã kí tên - không phải một bản sao. Thế là xong đời! Gã thầm trách mình không đủ khôn để đo lường sức vóc của đối thủ: thiếu tướng Là chưa bằng cái móng chân của Luân.
- Chắc ông rõ, tôi gọi ông đến để nghe ông giải thích về cái này… - Luân đẩy báo cáo về phía Vọng - Tôi đủ chứng cớ đưa ông ra tòa hoặc tống giam ông. Tôi đã không làm như vậy bởi tin rằng sớm muộn gì rồi ông cũng hiểu. Thật đáng buồn, ông không hiểu. Có lẽ tôi phải nói thẳng với ông: Thiếu tướng Mai Hữu Xuân, Thiếu tá James Casey nhận được tài liệu nghị quyết 15 của Cộng sản do ông gửi, trong khi đó, cấp trên tại chỗ của ông là Trung tá tỉnh trưởng Lê Như Hùng và cấp trên dọc của ông là Thiếu tướng Nguyễn Văn Là không nhận được… Ông biết đó, bây giờ tôi không cần mất công đưa ông ra tòa. Tôi có quyền xử bắn ông như đối với mọi điệp viên nước đôi… Tôi cho ông cầu cứu Williams Porter, Fishel hay cả Mac Garr sắp thay Williams hoặc ai mà ông thấy đủ sức cứu ông… Tôi sẵn lòng chờ ba hôm trước khi trói ông vào cột.
Thiếu tá Vọng ngỡ rằng sự khuất phục của gã đã cứu gã. Gã khai tuốt luốt mối quan hệ của gã với Mai Hữu Xuân và CIA, thuận miệng, gã khai luôn việc gã được Mai Hữu Xuân ra lệnh bắt cóc Luân hồi năm 1955. Lần đầu tiên, Luân nghe những tiếng lóng: Pénalty, Franc direct… chỉ dùng trên sân cỏ. Bây giờ Luân biết J5 là ai: Nguyễn Văn Côn, huyện ủy viên Mỏ Cày, huyện đội phó. Còn tay mà Luân nghi ở Cồn Ốc là chi ủy viên xã Thạch Phú Đông, trưởng công an xã, tên Hiếm.
Vọng được tiếp tục làm việc.