P5 - Chương 5
- Em chuyển nhanh báo cáo này cho A.07 - Luân đưa cho Dung một mảnh giấy. - Có thể sẽ có một cái gì đó dữ dội hơn hai phát súng Tây Nguyên. Không phải hành động may rủi kiểu anh Phúc mà từ một cái nền, từ những điều kiện đã chín muồi.
Nhận mảnh giấy, Dung đọc nhanh.
- Em sẽ mã ngay! - Dung bảo, - Nhưng…
Đôi mắt đen láy của người yêu ánh một số tia hoài nghi. Luân ngồi xuống cạnh cô.
- Anh tổng hợp các dữ kiện và đi đến kết luận này. Người Mỹ bắt đầu nghĩ đến khả năng xếp đặt lại con bài khi mà họ cảm thấy công thức được đề ra năm năm qua đi gần đến sự phá sản - công thức một chính quyền bản xứ mạnh cộng với viện trợ Mỹ. Nói cụ thể hơn, công thức đó là Diệm - Williams - Gardiner. Thực tế, Nam Việt đứng trước nguy cơ khó tồn tại với tư cách một thực dân địa kiểu mới của Mỹ, ở đó Mỹ chỉ làm cái việc đơn giản là trả tiền và dạy bảo. Chính quyền đã mất một bộ phận nông thôn quan trọng, đặc biệt ở vùng châu thổ sông Cửu Long. Lực lượng cách mạng phát triển nhảy vọt. Diệm chẳng những không đáp ứng đòi hỏi ổn định tình hình mà Mỹ hết sức thiết tha, lại làm cho tình hình thêm phức tạp, tất nhiên, theo nhận định chủ quan của Mỹ, Đảng Cộng hòa chắc chắn là phải rời chính quyền trong cuộc bầu cử tới, không còn đủ lí do bảo vệ Diệm. Đảng Dân chủ, ngay từ bây giờ, đang tính sổ. Họ không muốn, bốn năm sau, lại là nạn nhân như Đảng Cộng hòa, thất cử vì thất bại ở Việt Nam.
Diệm, về phần ông, giải thích tình hình từ điểm xuất phát ngược hẳn: những khó khăn hiện thời do người Mỹ chao đảo trước phe Cộng sản, không dồn sức viện trợ cho Việt Nam, đặc biệt, không dám cam kết ủng hộ Nam Việt thay đổi lằn ranh chia đôi đất nước. Ông Diệm trách người Mỹ theo bánh xe của thực dân Pháp - kiềm hãm sự phát triển tại đây. Ông Diệm lần lần khẳng định ông ta phải đủ mạnh - chính sách của ông ta là xây dựng sức mạnh đó về chính trị, quân sự, ý thức hệ, mặc kệ người Mỹ thích hay không thích? - Nói như anh, Mỹ sắp thay công thức? - Dung hỏi.
Luân cười, cầm tay cô.
- Em đừng nghĩ thay công thức đồng nghĩa với xóa ông Diệm… Điều đó chưa cần thiết. Diệm vẫn còn - anh tin vậy - nhưng ông ta sẽ không chỉ làm việc với “hình thức Williams”…
- Nghĩa là Mỹ tăng thêm lực lượng?
- Em tôi thông minh thật! - Luân áp bàn tay Dung vào má mình - Mỹ tăng thêm lực lượng nghĩa là mở rộng vai trò ở Nam Việt. Vai trò Mỹ mở rộng, công thức biến chất - ông Diệm không còn là ông Diệm như trước đây.
- Và như điện của anh gởi A.07, có thể có một hành động cảnh cáo nào đó của Mỹ?
- Anh nghiêng về khả năng đó… Một ngọn roi của ông chủ nẹt vào mông con ngựa bất kham… Tuy nhiên…
Luân nhìn chăm chú mắt Dung.
- Tuy nhiên Diệm không đến nỗi khờ khạo không thấy cái gì đang chờ đợi ông. Ông hành động. Lữ đoàn Dù là một trong những hành động tự vệ đó. Vả lại, cả Mỹ và ông Diệm đều hiểu họ mất quyền chủ động trong tình hình Nam Việt, cho nên, khi đấu đá, họ vẫn tự kiềm chế, anh muốn nói yếu tố Pháp. Có thể cái bất ngờ đối với họ là Pháp.

Chuông điện thoại reo. Luân cầm máy:
- Tôi đây! Chào trung tá… Tôi nghe… Không có gì đặc biệt. Đó là nhận xét đơn thuần của một người quan sát về một vấn đề cũng đơn thuần kĩ thuật… Cám ơn, tôi sẽ có mặt!
Dung không hiểu nội dung Luân vừa trao đổi bằng điện thoại.
- Ai vậy, anh?
- Trung tá Vương… Ông ta băn khoăn nhận xét của anh ta về trang bị lữ đoàn Dù. Anh nhận xét rằng lữ đoàn Dù trang bị “nhẹ.” Ông ta muốn rõ ý anh… Vì ông ta hốt hoảng mà anh càng tin mình phân tích đúng… Em mã ngay bức điện nhé.
Dung giật đầu, đứng lên. Nhưng Luân giữ tay cô:
- Em cho anh hôn!
Dung đỏ bừng má, nhắm nghiềm mắt, chờ đón…
*
Luân đoán trước anh được gọi và Dinh Độc Lập để làm gì. Gần một tuần nay Nhu giao cho anh đọc tất cả các báo cáo mới nhất của tỉnh trưởng Kiến Hòa, các thông báo liên quan đến Kiến Hòa của tình báo quân khu. Ở châu thổ sông Cửu Long, hiện nay, Kiến Hòa là tỉnh rơi vào điểm xấu nhất, đứng về an ninh nội địa. Tuy tỉnh trưởng Kiến Hòa cố chống chế và giảm nhẹ thực trạng, song bức tranh chung hết sức đen tối. Việt Cộng làm chủ gần như toàn tỉnh, chỉ trừ tỉnh lị và một số thị trấn. Cơ quan tình báo Mỹ coi Kiến Hòa là “vườn ươm các giống cây phiến loạn,” nếu không ngăn chận, toàn bộ lưu vực sống Cửu Long - còn có thể rộng hơn - sẽ bị Cộng sản tràn ngập.
Khi giao cho Luân tài liệu, Nhu bảo:
- Tôi định tung một lực lượng quân đội lớn bình định Kiến Hoà, tỉ như sư 7 và sư 21. Biệt động quân, nếu cần, cả lữ đoàn Dù. Anh nghiên cứu kĩ, rồi ta sẽ trao đổi. Nhưng gấp lắm…
Các tài liệu đều nêu lên nhận định - nói đúng hơn, giả định, bởi bì tình trạng Kiến Hòa không giống bất kì tình trạng nào mà Mỹ và chính quyền Sài Gòn từng biết trước đây. Suốt năm năm, cái tỉnh rợp bóng dừa và mênh mang sông nước này ngoan ngoãn - đến nỗi chưa bao giờ cần đến các cuộc hành quân - ngay đồn bót và dân vệ cơ hồ không có việc để làm, ngoài uống rượu, cờ bạc và trêu chọc gái, trừ vụ náo động sau ngày đình chiến ở Mỏ Cày - quân đội đàn áp đẫm máu một cuộc biểu tình mừng hòa bình của dân chúng. Sĩ quan ở Bộ tổng tham mưu không ít người mơ ước chân cai trị ở Kiến Hòa - nhàn hạ, yên thân, “đồng ra đồng vào” vừa phải. Cù lao lớn, cù lao nhỏ xanh mướt, dạo chơi bằng thuyền máy, bằng tàu trên sông là thú tiêu khiển lôi cuốn dân có tiền ở Sài Gòn mỗi cuối tuần. Mọi sự phẳng lặng. Đùng một cái, Kiến Hòa báo động khẩn. Qua vài ngày, hầu hết thị trấn và cả thị xã Trúc Giang bị cô lập. Hệ thống cai trị hạ tầng giống sáp kê gần lửa, đồn bót sụp đổ; hàng trăm nhân viên công an mất tích. Cù lao Bảo, cù lao Minh, Bình Đại hay Mỏ Cày, Ba Tri hay Thạnh Phú… chìm trong ánh đuốc rực trời, trong tiếng mõ lấn áp mọi tiếng súng.
Ban đầu, người ta đưa lên hàng chủ yếu nguyên nhân: Việt Cộng “từ nơi nào đó kéo về Bến Tre.” Vì chỉ có như vậy mới tạo nổi một đảo lộn quá sức lạ lùng. Nhưng lập luận đó không đứng vững: Việt Cộng từ nơi nào? Từ Đồng Tháp Mười? Từ rừng U Minh? Vô lí! Vài báo cáo đẩy nguyên nhân ra tận Hà Nội - Bắc Việt cho quân đổ bộ lên bờ biển Bến Tre.
Vài tháng qua, thêm chứng cớ, người ta biết là không có lấy một cán binh Việt Cộng nào từ nơi khác đến Bến Tre. Tất cả là do dân Bến Tre! Và, người chỉ huy “Cộng sản dậy” ở Bến Tre - một người phụ nữ nổi tiếng lâu, thứ Ba, tên Định: Nguyễn Thị Định. Bài toán, với những phát hiện này, chỉ càng bí hiểm hơn. Bộ tổng tham mưu dốc xuống Kiến Hòa toàn bộ liên đoàn thủy quân lục chiến thuộc lực lượng tổng trù bị, mở một cuộc tấn công quy mô vào ba xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh của quận Mỏ Cày, nơi mà tin tình báo cho biết đầu não Tỉnh ủy Việt Cộng đang đóng sở chỉ huy. Cái gì mà Quân lực Việt Nam Cộng hòacó - bom, pháo, giang thuyền, máy bay, xe lội nước - đều được sử dụng tối đa trên một diện tích chưa tới 4.000 hecta, địa hình nói chung không quá phức tạp. Suốt nửa tháng quần thảo, Quân lực Việt Nam Cộng hòakhông chạm trán một trận nào lớn với Việt Cộng, song giờ nào, phút nào cũng vấp tổn thất: bị bắn tỉa với kiểu súng cổ, bị vướng lựu đạn, đạp chông, bị “súng ngựa trời,” thậm chí, bị ong đánh! Dồn các tổn thất lại, con số thương vong đáng sợ: hàng nghìn - chết ít thôi, song mất khả năng chiến đấu là phổ biến. Vấn đề chưa phải hết. Một hôm, chợ Mỏ Cày náo động. Hàng vạn người - đa số là bà già, ông già, người tu hành, trẻ con - bồng bế, gồng gánh chạy vào thị trấn, nói là tránh “quân đội Quốc gia đốt nhà, phá làng, giết người.” Dọa họ, họ không nao núng. Bắn chỉ thiên, họ càng xông lên hăng hơn. Rốt cuộc, dinh quận bị vây. Quận trưởng báo cáo về tỉnh, tỉnh xin ý kiến Sài Gòn. Chỉ thị của Sài Gòn: xoa dịu. Thế là quận trưởng phải hứa thu quân. Cuộc càn quét ba xã chẳng những không hề hấn Việt Cộng mà còn đẻ ra một lực lượng chống đối mới - những người biểu tình, đặc biệt trong đó ngày càng nhiều hơn thân nhân binh sĩ đang tại ngũ.

Có thể nói là tình thế rối tinh.
*
- Anh thấy thế nào? - Nhu hỏi Luân.
- Khó hiểu! Bởi vậy, tôi không dám đưa ra một nhận xét. - Luân trao trả cặp hồ sơ dày cộm cho Nhu.
- Tôi sẽ giúp cho anh tìm hiểu! - Nhu mỉm cười, đưa cặp hồ sơ lại cho Luân - Tổng thống đã kí quyết định giao anh là tỉnh trưởng Kiến Hòa. Quyết định có hiệu lực từ chiều hôm qua.
Luân làm như bị bất ngờ. Thái độ của anh khiến Nhu cười ồ:
- Anh đừng rủa tôi ùn cho anh chuyện khó… Thiệt tình, từ gợi ý của Tổng thống. Tôi tán thành vì chưa thấy cách nào hay hơn…Sẵn sàng chứ?
Luân không trả lời ngay. Anh gõ mấy ngón tay lên mặt bàn, ngó đăm đăm bức tranh trên tường.
- Rubens gợi ý gì hay cho anh không? - Nhu hỏi, cười cười. Anh ta nói về bức tranh sơn dầu “Kermess” của danh họa Rubens - phiên bản có lẽ treo từ thời Toàn quyền Đông Duơng.
- Anh cho tôi suy nghĩ vài ngày, được không? - Luân đắn đo.
- Tôi tưởng là anh đã suy nghĩ cả tuần nay rồi… Anh thấy chỗ nào khó khăn hoặc bất tiện đối với chức vụ của anh? - Nhu bắt đầu sốt ruột.
- Tôi ngại không đảm đương nổi…
- Nếu anh nói như vậy, tôi yêu cầu anh xuống Kiến Hòa nội hôm nay! Kiến Hòa thiếu đầu đàn, anh hiểu chứ?
- Anh quên câu danh ngôn của Ani: Le chef du troupeau est un animal comme les autres(1) - Luân bớt căng thẳng.

- Không quên! Tôi còn nhớ một danh ngôn khác: C’est aux miracles que I’on connait les Saints;(2) Anh ta lấy tên thánh Robert(3) mà! Và, hôm nay, gần ngày lễ bổn mạng của của… Vả lại, Rubens đã tiên tri công việc của anh! Kermess.(4)
(1) Người đầu đàn cũng là một động vật như các động vật khác.
(2) Chính trong mầu nhiệm mà người ta tìm ra các ông Thánh
(3) Thánh Robert, thế kỉ XI, lễ vào tháng 4.
(4) Ngày hội
- Tôi muốn biết quyền hạn của tôi… - Luân nói sang việc khác và Nhu biết là anh không từ chối nhiệm vụ.
- Anh khỏi lo! - Nhu cười như anh ta đúng là tri kỉ của Luân - Quyết định của Tổng thống nói rõ: Anh toàn quyền hành động… Anh đọc đi. - Nhu chìa cho Luân tờ giấy đánh máy…
Đọc xong, Luân vẫn im lặng.
- Còn gì nữa? - Nhu hỏi.
- Tới đây, có thể không phải giữa tôi và một số người khác nhau về cách lặp lại trị an ở Kiến Hòa mà giữa tôi và anh…
- Được! Đâu phải đây là lần đầu chúng mình khác ý nhau… Mà khác ý về cái gì?
- Anh định đưa một lực lượng lớn xuống Kiến Hòa… Tôi chưa tin lối ra tìm được từ các sư đoàn. Sư đoàn nào dám bắn các bà mẹ, nhất là trong các bà mẹ đó có cả mẹ ruột của mình?
Luân đã chiếu tướng Nhu. Anh ta ngắc ngứ một hồi lâu:
- Thôi, sau khi nắm đầy đủ tình hình tại chỗ, tụi mình trao đổi lại. Có thể anh có lí. Nhưng, Kiến Hòa không phải là Bình Dương…
- Và năm 1960 không phải là năm 1958, chắc anh muốn nói như vậy. - Luân ngắt lời Nhu - Tôi không sẵn trong mình một cái khuôn…
- Tôi hiểu…
- Tôi chưa nói hết ý, anh hãy nghe: Nếu anh tin cậy vào những sư đoàn dám bắn mẹ chúng thì ta thực sự ngồi trên ngọn núi lửa!

Giọng Luân khô khốc. Anh giống kẻ đi săn quyết truy con thú tới cùng.
- Anh từng nói: Ami ou enemi, puisqu’on me craigne(5). Nếu cái khiến người ta sợ không còn hiệu lực nữa, sẽ thế nào? Y người dạy thú gãy cây roi điện.
(5) Bạn hay thù, miễn họ sợ tôi
Nhu chới với. Lần đầu tiên, anh nghe Luân phê phán kịch liệt như vậy. Tất nhiên, nếu vài năm trở về trước, lời lẽ kiểu đó của Luân chắc chắn đưa Nhu đến một hành động trừng phạt khủng khiếp, không nương tay.
- Tôi cám ơn anh. Thành thật cám ơn. - Nhu nói trong giọng trầm trầm - Mà tôi cũng tự cám ơn tôi! Tôi đã đủ khôn ngoan tạo ra sự hợp tác giữa chúng ta… Nếu không… Bây giờ thì tôi không muốn che giấu anh: Nhiều lúc tôi nghĩ đến biện pháp cụ thể loại trừ anh, và tôi tin anh đoán ra - nếu tôi cư xử với anh như vậy thì vĩnh viễn tôi không còn được nghe những lời khuyên chí tình, những lời khuyên xét cho cùng, vì chúng tôi…
- Vì cả tôi nữa! - Luân nói chen.
- Nếu anh thích diễn đạt theo ý riêng… Tôi định hôm nào rảnh nói chuyện với anh. Nói hết! Tại sao chúng ta không làm như vậy, phải không?… Sự hợp tác giữa chúng ta đi đến chỗ chúng mình tìm thấy tiếng nói chung. Đã đến lúc chúng ta không nên thủ thế… Điều quan trọng là mỗi người chúng ta đều có khía cạnh lợi cho nhau. Năm năm! Một alliance(6) khá bền bỉ… Vài hôm, khi anh về Sài Gòn. Còn bây giờ, tôi phải uống mừng tân tỉnh trưởng Kiến Hòa!
Nhu bấm chuông gọi người phục vụ.
(6) Liên minh
*
Chỉ thị A.07 đến, nhưng không đủ. Bức điện dài khác thường chỉ thu được non một nửa. Điện đài bị bom.
“Được báo cáo của Kị sĩ và Mimosa. Hoan nghênh về việc riêng của hai đồng chí, tổ chức không thấy gì trở ngại. Xin được chúc mừng. Bản Tango đắc lực. Song, đến lúc chấm dứt. Bản Tango trên đường về. Sau đây là tóm tắt phân tích tình hình chung (không biết chúng nó lấy được nghị quyết 15 của Trung ương ở đâu ra?) a) Trong thời kì tạm thời ổn định của Mỹ - ngụy ở miền Nam đã qua, chúng đang bước vào giai đoạn khủng hoảng sâu sắc. Tình thế đó hé mở cho nhân dân miền Nam khả năng nâng cao hình thức đấu tranh chính trị và quân sự, nhanh chóng xây dựng lực lượng, giành địa bàn nông thôn và rừng núi rộng lớn, thúc đẩy thêm mâu thuẫn nội bộ địch phát triển gay gắt… b) Có thể Mỹ buộc phải thay đổi tay sai bằng một hành động nào đó để cứu vãn tình hình, hoặc phải thay đổi chính sách ở miền Nam, đưa cố vấn Mỹ từ nhiệm vụ huấn luyện quân ngụy lên thành lực lượng tham gia hoạt động, với số lượng động hơn. Biến động gắn liền với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. c)…
Chỉ có bấy nhiêu. Luân và Dung chưa từng nghe đến nghị quyết 15. Hay là Nhu giấu… Nếu thế, sự bộc bạch vừa rồi của anh ta là một làn khói, thăm dò. Nhưng, Luân tin là cảm giác của mình không phản bội. Hơn nữa, Nhu muốn đặt quan hệ giữa Luân và anh ta trên cơ sở mới. Luân dự kiến từ lâu xu thế này và đã sẵn sàng. Như vậy, nghị quyết 15 lọt vào tay ai? “Chúng nó” là Tổng ủy tình báo hay Đại sứ quán Mỹ? Rất có thể Nhu chưa biết gì về nghị quyết này.
Bức điện chưa hết, nhưng cũng đã nói những điều thật cốt yếu. Nó củng cố Luân. Hai chi tiết đáng mừng: Lục sắp vào và…
Đêm ấy, cửa phòng đóng kín. Luân và Dung ăn mặc đẹp. Họ đứng cạnh lọ hoa to.
Đám cưới lặng lẽ như thế đó… Đám cưới thật.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play