P4 - Chương 6
Nhu đi lại trên thảm. Diệm ngả người trên ghế bành. Phòng khách của Tổng thống cách biệt mọi ồn ào bên ngoài nhờ mấy lần cửa. Rèm cuốn lên, qua vách kiếng cái gò đất ngoài cổng dường như thấp hơn.
- Ông Nghuyễn Xuân Chữ không hài lòng tôi. - Diệm nói - Tôi định gặp ông ta. Những bài báo của ông ta chỉ có lợi cho Cộng sản...
Nhu biết rõ sự khó xử của anh mình đối với vị bác sĩ một thời quyền thế ở Bắc phần. Nó bắt nguồn từ tháng 8-1945, khi Diệm bị Ủy ban khởi nghĩa Trung Kỳ bắt trên đường từ Đà Lạt ra Huế. Đáng lẽ Diệm bị xử ngay tại chỗ nhưng lệnh của Cụ Hồ bảo đưa Diệm ra Hà Nội. Ở Hà Nội, Diệm gặp Chữ trong nhà giam. Diệm đinh ninh mình sẽ phải chết, than thở thời vận. Nhưng Chữ lại tin là cả hai đều sống vì Cụ Hồ chính là Nguyễn Ái Quốc, một nhà yêu nước sáng suốt, nhân đạo, đức độ... Diệm không tin, lén gởi thơ nhờ Nguyễn Hải Thần nói với Lư Hán hoặc Tiêu Văn - các ông tướng của Tưởng Giới Thạch can thiệp giúp. Chữ chế nhạo Diệm: không có vàng kèm theo, Nguyễn Hải Thần đời nào giúp, vả lại, Thần không đọc được chữ quốc ngữ, không biết tiếng Việt. Đến mức đó mà Diệm vẫn gởi cho Thần bức thư chữ Hán. Đúng như Chữ đoán, thư đi mà tin không lại. Và một buổi sáng sau ngày 2-9, cửa nhà giam mở, Thứ trưởng Nội vụ Hoàng Minh Giám mời hai người lên Bắc Bộ phủ.
Dù cả hai sau đó đều không cùng số phận - Diệm vô Đà Lạt, Chữ ở lại làm chánh khách - nhưng Diệm có phần nể Chữ. Chữ di cư vào Nam sau hiệp định Genève, đứng đầu các tổ chức tương tế người Bắc. Diệm đôi lần muốn mời Chữ làm một vai gì đó trong Quốc hội hay trong các đoàn thể, song ngại: Vai thấp thì Chữ chê, vai cao thì Diệm sợ. Lần khần mãi, Chữ bất mãn. Mượn sự quá chén trong tiệc tùng, Chữ xỏ xiên Diệm. Gần đây, Chữ viết báo. Tất nhiên, ai đó viết kí tên Chữ.
- Sắp tới Liên minh Á châu chống Cộng họp đại hội ở Hán Thành. Ta cho ông Chữ làm trưởng đoàn và đại diện Liên minh tại Việt Nam. Vậy là ổn. Phó chủ tịch Liên minh Á châu, đâu phải nhỏ.
Ý của Nhu giải tỏa nỗi băn khoăn của Diệm
- Tôi chưa kí quyết định giao cho Nguyễn Thành Luân làm chỉ huy trưởng Tỉnh đoàn bảo an Bình Dương kiêm tư lệnh chiến dịch “Cơn hồng thủy.” Tôi cũng chưa kí duyệt kế hoạch của anh ta... Đợi ý chú. - Diệm nói với vẻ thăm dò.
- Anh kí càng sớm càng tốt. - Nhu nói - Đó là chủ trương của em.
- Tôi chỉ ngại anh ta quá cứng, gây khó khăn cho ta. - Diêm nói xong giọng hớn hở.
- Luân đủ khôn ngoan, anh đừng lo. Thậm chí, thừa khôn ngoan nữa.
- Chú một mực không tin anh ta, sao lại trao cho anh ta nhiều quyền như rứa?

Nhu cười, ngay trước anh ruột mình, Nhu vẫn giữ điệu bộ của lãnh tụ. Đây là điều Nhu khác Diệm: Diệm đôi lúc sống như một con người thật, còn Nhu, lúc nào cũng bận tâm cái vẻ bề ngoài.
- Anh có cho rằng trị Cộng sản không ai tốt bằng Cộng sản? Em nói chưa thật đúng, trị Cộng sản không gì tốt bằng phương pháp Cộng sản. Ngoài Luân, chẳng còn người nào cáng đáng nổi công việc bình định phía Bắc thủ đô. Sau roi vọt, phải xoa dịu. Mai Hữu Xuân bình định, bình định xong, an ninh xấu hơn. Ta dám dùng Mai Hữu Xuân thì cũng dám dùng Nguyễn Thành Luân. Luân sẽ phủi hết những cái Xuân tạo ra. Anh đã nghe rồi, Xuân tạo cái gì? Những quả mìn nổ chậm. Thằng trâu đen đó, không từ chối bắn chúng ta nếu có cơ hội. - Giọng Nhu chợt gay gắt - Em hơn một trăm lần can anh dùng Mai Hữu Xuân. Cho hắn về hưu đi. Cho hắn sang Pháp đi.
- Chú quên là ông ta còn bè bạn. Đối xử với ông ta còn phải nghĩ đến các ông Lê Văn Kim, Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Trần Văn Minh ngay ông Lê Văn Tỵ! - Diệm cao giọng.
Hễ Diệm cao giọng là Nhu dịu giọng. Nhu biết anh Tổng thống không ưa bị lép vế.
- Em trở lại Nguyễn Thành Luân. Luân có thể sẽ thẳng tay với một số người nào từng có công với chúng ta nhưng lại là mục tiêu chống đối của các phe phái và dân chúng. Anh ta bỏ tù, cách chức, thậm chí xử bắn chẳng qua là quảng cáo cho ta. Tổng thống làm mạnh, nhiều người hoang mang, còn Luân làm mạnh thì có đến hàng trăm lời giải thích, đằng nào cũng chỉ có lợi cho ta: Chính phủ công minh, sai sót trước kia là lỗi của cấp dưới. Ngược lại, sẽ như thế nầy: Luân lạm dụng chức quyền. Nói cho cùng, nếu cần, anh ta ra tòa trước bản luận tội không bắt bẻ nổi: Một Việt Cộng nằm vùng phá họai chính sách quốc gia.
Thuyết minh của đứa em - Diệu hiểu Nhu từ tấm bé - làm ông bàng hoàng. Ghê quá! Giả sử nó không phải máu mủ của mình...
- Tôi nghĩ là chú nên tìm hiểu và có cách nhìn anh ta công bằng hơn. - Diệm đổi thái độ - Theo tôi, anh ta rất cần cho ta...
- Em chưa bao giờ phủ nhận công dụng của Nguyễn Thành Luân. - Nhu say sưa đeo đuổi ý nghĩ - Nhưng, em không ngây thơ. Đối với một người như anh ta, ngây thơ là phiêu lưu. Báo cáo về anh ta mà em lắm thường lệch về hai cực: hoặc anh ta là một Việt Cộng tối nguy hiểm, hoặc anh ta là một phần tử Quốc gia không gợn đục. Cực thứ nhất do ganh tị, cực thứ hai vì nói đến anh ta là nói đến giám mục và Tổng thống. Em chỉ cần nêu một ví dụ: Luân không ham tiền, không ham gái, không đòi địa vị, đó là cái gì? Lí tưởng ư! - Nhu cười rộ - Ngoài Cộng sản ai có lí tưởng? Giá mà anh ta nuôi mộng thay anh làm Tổng thống, em yên bụng hơn!
Nhu dồn Diệm đến chân tường.
- Tuy nhiên, em sẽ cư xử với anh ta theo lợi ích của chúng ta. Ngay như cho anh ta là một Việt Cộng hóa trang đến mức tinh vi, không phải không cần cho ta! Anh biết rằng cái gì cũng có điểm tột cùng. Điểm tột cùng sẽ tạo ra sự trung hòa. Ta đang chống Cộng. Nhưng, khi nào nhu cầu chống Cộng thấp hơn một nhu cầu khác, trong một vài trường hợp thì người của Cộng đôi lúc hóa ra bức thiết đối với ta.
Diệm tán thành Nhu. Chú nó tính xa thật.
- Chú có dọ hỏi người Mỹ về Luân không?

- Dọ hỏi chi, họ không nói đâu. Luân quan hệ khá thân với đại sứ quán Mỹ. Tuy vậy, cho tới giờ này, anh ta chưa hề tỏ ra mình chịu đóng yên cương trong một cuộc chạy đua. Người Mỹ ve vãn anh ta. Giờ nào nhận lời mời mọc đó thì cũng là giờ anh ta tự sát! -Nhu nói qua kẽ răng câu này.
- Em chấp nhận một tên Cộng sản hơn là một tên lưu manh... Hiện thời, anh có thể coi anh ta là một đức cháu, một đứa cháu ngoan ngoãn cũng được. Nhưng, em xin anh chớ nói với Đức giám mục nhận xét của em. Đức giám mục cả tin, nói tuột hết mọi điều cơ mật với đứa con.
Diệm đứng lên:
- Tôi kí ngay quyết định. Chú bảo Luân gặp tôi trước khi lên Phú Cường...
*
Luân day mặt vào tường, nhắm mắt. Từ hôm “lễ cưới” tới nay, quan hệ giữa anh và Dung đâm ra ngượng nghịu. Đêm anh giữ ý đi nằm trước trên chiếc chiếu trải dưới sàn tận góc phòng. Dung mở đèn bàn, cố ru giấc bằng mấy trang sách. “Tuần trăng mật” diễn ra như vậy và về nhà tiếp tục như vậy.
Nhưng, ngày mai Luân chính thức nhận nhiệm vụ ở Bình Dương. Dung bỗng thấy lo. Cô xếp sách, bật đèn - cô biết là Luân chưa ngủ - đến cạnh Luân:
- Anh Luân ơi! - Cô gọi - Giá mà lực lượng vũ trang của ta giảm hoạt động khi anh lên đó, em thấy hay hơn.
- Sao vậy? - Luân trỗi dậy - Trái lại, trong vài tháng đầu, phải đánh dồn dập... Cô đánh giá CIA thấp quá!
- Anh có báo cáo kế hoạch với anh Sáu không?
- Lúc đó tôi chưa biết Nhu sẽ giao tôi công việc nầy nên đâu báo cáo được tỉ mỉ. Song, có hướng chung rồi...
- Nhu đặt tên “Cơn hồng thủy” cho chiến dịch là muốn tràn ngập vùng căn cứ ta đó!

- Phải... Thế nào cũng có “Cơn hồng thủy.” Vấn đề là ai tràn ngập ai... Công việc của chúng ta phải táo bạo một cách thận trọng. Tình thế khẩn trương lắm.
- Theo em, chúng ta phải thận trọng một cách táo bạo! - Dung “sửa” Luân.
- Thôi được tôi nhượng bộ cô! - Luân cười.
Dung ngồi cách Luân có một với tay. Bỗng nhiên, Dung đẹp lạ lùng anh nhớ lại một câu Kinh thánh: cố gắng lên, thiên đường trong gang tấc.
- Giờ nầy, anh Lục ở đâu, hở anh?
Dung hỏi cả chục lần mấy hôm nay. Luân không trả lời. Anh biết giờ nầy Lục ở Bắc Lào, nhanh nhất thì tối mai mới “nhảy.” Nhưng anh không trả lời.
- Sao anh nhìn em dữ vậy? - Đến lượt Dung đỏ mừng má.
Luân cầm tay Dung và trân trọng cúi hôn. Dung từ từ rụt tay về thở dài:
- Anh ngủ đi!
Dung trở về giường, tắt đèn. Luân nằm xuống chiếu:
“Lấy nhau cũng là hi sinh, không lấy nhau cũng là hi sinh...,” câu nói đó của anh Sáu chợt văng vẳng.
“Ta chọn cách hi sinh nào?” Luân tự hỏi và nhắm nghiền mắt. Giấc ngủ đến với anh thật khó khăn. Có lẽ anh đoán, Dung cũng không khác.
*
Tiếng điện thoại reo dựng Luân dậy.

- Tôi nghe đây... Phải, Luân đây... Ai ở đầu dây đó?
- Chào thiếu tá. Tôi là một người quen. - Người nói chuyện với Luân có giọng nói lạ.
- Xin lỗi, người quen là ai?
- Chưa phải lúc xưng tên... Tôi biết thiếu tá sắp đi nhận nhiệm vụ mới. Tôi muốn biết thiếu tá hành động như thế nào?
- Nếu chưa biết mình đang nói chuyện với ai thì tôi sẽ không trả lời...
Dung đã đứng cạnh anh, theo dõi chăm chú cuộc trao đổi mà cô chỉ đoán lời người lạ qua những câu của Luân.
- Thiếu tá định đánh Việt Cộng hay định làm một cái gì khác? Đánh Việt Cộng, đó là việc của thiếu tá. Song nếu không đánh Việt Cộng thì thiếu tá liệu hồn!
- Hăm dọa tôi? Thật lố bịch. Tôi đánh tất cả những cái gì gây ra mất an ninh, kể luôn đảng Rừng Xanh! Không cần dài dòng! - Luân cướp lời và cắt máy.
- Gì thế anh? - Dung trao cho Luân chiếc khăn lau mặt.
- Bọn nào đó... Bọn nào? Giọng nói lạ... Lạ mà không lạ. Hình như ông ta có đổi giọng... Ai?
Luân nghĩ mãi không ra.
- Đảng Rừng Xanh dính líu với ai? Ai mà biết việc tôi làm nhiệm vụ mới? Báo chưa đưa tin. Quyết định của Tổng thống sẽ được trao cho tỉnh trưởng Bình Dương sáng mai và cũng sáng mai, các tỉnh Bình Long, Tây Ninh, Biên Hòa, mới biết. Tiết lộ từ Tổng tham mưu? Từ Tham mưu biệt bộ? Từ Nha Công vụ? Bộ Công dân vụ? Tổng nha Cảnh sát? Trung ương tình báo? Từ văn phòng Tổng thống?
- Có thể từ tất cả những nơi anh kể! - Dung nói rầu rầu.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play