P3 - Chương 11
Người lính gác biệt điện kinh ngạc khi trời vừa sáng, một đoàn xe Jeep sơn màu ô liu ngừng trước cổng, bóp kèn inh ỏi. Anh ta không nhận được một lệnh nào sẽ có khách bất thường như vậy. Sĩ quan chỉ huy anh, một trung úy, có lẽ nghe tiếng ồn ào, chạy chân đất ra cổng.
Từ trên chiếc xe Jeep dẫn đầu, một người khoác áo choàng bước xuống, dùng mũi giày đá vào cánh cửa sắt, thét:
- Mở nhanh!
Trung úy đã biết người đó là ai, nên vội chập gót chân thẳng người:
- Thưa đại tá!
- Thôi đừng chào hỏi, mở cổng lẹ lẹ…
Chiếc cửa sắt nặng nề dang rộng. Đoàn xe lao nhanh vào tận thềm biệt điện.
- Ai như ông bà cố vấn… - Viên trung úy nói kẽ với người lính gác. Anh không giờ chỉ nửa giờ sau, anh bị lột lon trung úy vì anh không nghe được mấy câu đối đáp sau đây ngay tại thềm điện:
- Ông Như nầy! – Nhu bảo – Sĩ quan gì mà đi chân đất tiếp thượng cấp?
- Dạ! – Nguyễn Thế Như, chỉ huy trưởng liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống ấp úng – Dạ… không ai báo trước với nó là ông bà cố vấn lên đây…
- Sao? - Nhu nhíu mày – Giặc đánh vào biệt điện có báo trước không?
Giọng Nhu đanh hẳn:
- Ông nên nhớ: Lính phòng vệ không phải là lính cậu, lính kiểng. Chúng tôi không thể giao sự an toàn bản thân cho những tên ngái ngủ, đến giày còn không kịp xỏ vào chân, còn nói gì đến đánh đấm.
Đại tá toát mồ hôi, dù sáng Buôn Mê Thuột mùa này khá lạnh. Con mắt nghiêm khắc của Nhu soát xét ngay trên người của Như và dừng lại hơi lâu một chút ở một chiết áo choàng chưa gài. May mà Như đã cột dây giày cẩn thận. Đại tá hiểu Nhu không chỉ cảnh cáo một viên trung úy thuộc hạ quèn…
Luân và Dung nghe hết. Họ cùng đáp chuyến máy bay đặc biệt với vợ chồng Nhu, rời Sài Gòn từ tờ mờ sáng. Càng về sau, Luân càng nghiệm ra đối thủ của anh quá sắc sảo, hơn nữa, bao giờ cũng muốn chứng tỏ mình sắc sảo đằng sau cái trầm lặng cố ý.
Khi mọi người theo bậc thềm lên gian phòng khách, đại tá Nguyễn Thế Như tất tả chạy đi.
Vừa ngồi xuống ghế, Nhu bảo người thư kí riêng:
- Gọi ngay bác sĩ Tuyến, đại tá Chiểu và ông tiểu khu trưởng Buôn Mê Thuột đến gặp tôi… À! Nếu nói trên dây nói thì bảo đến gặp đại tá Nguyễn Thế Như.
Luân và Dung như bận quan sát trần thiết của phòng khách, không để ý đến lệnh của Nhu. Tới đây, Nhu không giấu với hai người sự có mặt của bác sĩ Tuyến và đại tá Chiểu trên cùng cao nguyên.
Những người phục vụ mang cà phê đến.
- Ta uống cà phê Buôn Mê Thuột tại gốc xem!
Nhu mời mọi người.
- Đây là lần đầu tiên tôi vào biệt điện. Kiến trúc hay quá phải không anh Luân?
Luân gật đầu, hớp từng ngụm cà phê thơm lừng, không dám ngó thẳng Trần Lệ Xuân đang ngồi đối diện với anh. Nhu và anh chưa từng quen biết ngôi biệt thự xây theo mô hình “nhà rông” của người dân tộc có cách tân, nhưng Lệ Xuân thì thành thạo nó từ khi Bảo Đại còn trong nước, và sau đó, khi tướng Nguyễn Văn Hinh lấy cớ đi săn lên đây.
Lệ Xuân mời Dung qua phòng bên cạnh: Nhu và Luân ra bao lơn. Họ nghe tiếng bảo ban của Lệ Xuân:
- Xếp phòng phía mặt cho ông cố vấn và tôi. Phòng phía trái gần đầu hồi cho ông kĩ sư và Dung.
Nhu cắn môi. Vợ của anh ta quá rành đười đi lối về của khu biệt điện…
- Mà không được! Anh kĩ sư với cô Dung chưa làm lễ cưới, ông bà phải ở riêng! – Lệ Xuân cười nắc nẻ.
- Lên đây, tôi chợt nhớ bài thơ di chúc đồng thời là mơ ước của vua Minh Mạng, - Ngô Đình Nhu nói lảng, làm vẻ nhìn bao quát khu điện – Chắc anh cũng biết bài thơ đó: Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh; Bảo Quốc Định Long Trường… tổng cộng hai mươi từ, nghĩa là hai mươi thế hệ nhà Nguyễn nối nhau trị vì nơi đây. Không đến như lời sấm của Trạng Trình: Vạng đại dung thân; song hai mươi thế hệ ngắn nhất cũng ba trăm năm. Thế mà cơ nghiệp của họ vỏn vẹn có mỗi câu đầu, nghĩa là chỉ năm thế hệ; nếu kể luôn Gia Long và Minh Mạng, được bảy. Hơi mỏng. Từ 1802 đến 1955…
- Thật ra, từ 1802 đến 1862, khi mất Nam Kỳ. - Luân ngắt lời Nhu.
- Anh hơi khắc khe. Nếu vậy phải tính tới 1885.
- Còn như anh thích nhìn triều đại họ qua chiếc ngai, dù cho là bù nhìn, thì không phải chấm dứt vào năm 1955 mà, trước đó mười năm.
Nhu vụt cười:
- Có lẽ tôi không nên tranh luận với anh! Vấn đề là bây giờ, ai giành chiến thắng!
Luân nhún vai. Lần đầu tiên, Luân nhún vai trước Nhu.
- Đường đến chiến thắng sau cùng còn xa. Tôi không đồng ý về bất cứ thỏa mãn nào.
Nhu bị chạm tự ái, da mặt như tím lại. Luân vẫn thản nhiên. Mấy giây nặng nề trôi qua. Nhu lấy lại tư thế, giọng xởi lởi:
- Anh có lí!
- Tỉ như miền Tây Nguyên mà chúng ta đang viếng thăm. - Luân nói tiếp, giọng rắn rỏi – Làm sao chúng ta dám cho là đã đứng vững tại đây? Anh có biết lịch sử Hỏa Xá và Thủy Xá, hai vương quốc từng phụ thuộc triều đình Việt Nam xưa kia không? Vua Minh Mạng lập ra Nha Nhu Viễn để giao thiệp với hai vương quốc…
Nhu có vẽ chăm chú nghe Luân:
- Sao là Hỏa Xá, Thủy Xá?
- Đó là gọi theo người Kinh. Tiếng Gia Rai, Hỏa Xá là Patau-Pui, vua lửa. Thủy Xá là Patau-Ya, vua nước… tiếng Rhađê là Mtau-Pui, Mtau-La… Tôi trở lại chính sách của vua Minh Mạng. Nha Nhu Viễn na ná như hội đồng sắc tộc của ta. “Nhu” là an, “Viễn” là xa, Nhu Viễn là bậc đế vương bủa đức để yên ổn người ta. Lê Văn Quyền và sau này là Nguyễn Thông đã thực hiện thành công chính sách đó. Người Pháp thành công với bác sĩ Yersin vào cuối thế kỉ XIX nhưng thất bại với Prosper Odend-hal – người sau này bị giết chết năm 1904 chỉ vì ông ta đến khi Tây Nguyên đã được bình định và ông ta đến với tư cách kẻ cai trị thô bạo…
Nhu im lặng. Anh ta chưa đọc nhiều tư liệu Tây Nguyên, những gì Luân nói đều rất mới lạ.
- Anh nghiên cứu Tây Nguyên từ bao giờ?
Luân cười:
- Tôi đâu dám nhận hai chữ “nghiên cứu.” Tôi vừa đọc một cuốn sách. Hiểu biết của tôi chưa ăn thua. Ngay Tây Nguyên có bao nhiêu sắc tộc, tôi nắm còn không chắc.
- Anh giải thích hai chữ “Nhu Viễn” có dính tới tôi. – Nhu như muốn chấm dứt câu chuyện khoa học về Tây Nguyên. - Bữa nay đúng là “Nhu Viễn”: Nhu đi xa.
Luân cười:
- Chẳng rõ tên Nhu của anh viết như thế nào?
- Thầy tôi dựa theo tên mình mà đặt tên các con. Khả, tên của cụ, nghĩa là tốt. Khôi, Thục, Diệm, Nhu, Luyện, Cẩn chúng tôi đều lấy từ một đức tính. Nhu không phải là câu hương nhu, mà chính là Nhu trong Nhu Viễn…
- Nhu viết chín nét có phải không?
- Đúng! Anh cũng rành chữ Hán dữ…
- Bập bẹ thôi…
Trong một thoáng, Luân bắt gặp cái nhìn khâm phục pha lẫn ganh tị trong đôi mắt Nhu.
Câu chuyện giữa hai người đứt đoạn: Bác sĩ Trần Kim Tuyến, Đạt tá Nguyễn Xuân Chiểu và trung tá Vũ Xuân Quảng đến.
Nhu bắt tay từng người sau khi nhận lối chào quân sự của hai sĩ quan. Bác sĩ Tuyến cười mỉm với Luân. “Ông kĩ sư khỏe chứ?” Đại tá Chiểu đon đả: “Cô Thùy Dung cùng đi với ông kĩ sư?”
Luân biết hai người tế nhị. Chưa bao giờ họ gọi Luân theo cấp bậc quân sự - còn thấp so với cương vị thật của Luân.
- Tình hình có gì phải thay đổi không? - Nhu hỏi mà không hướng vào một ai.
Bác sĩ Trần Kim Tuyến trả lời:
- Thưa, không có gì thay đổi. Ngày kia chúng ta lên đường.
- Vẫn gặp thằng cha đó?
- Dạ!
- Tại đâu?
- Dạ, tại buôn Krông Đê, vùng Buôn Hồ…
- Buôn Hồ?
- Dạ, mời ông cố vấn xem bản đồ.
- Anh Luân có biết Buôn Hồ không?
Nhu không rời bao lơn.
- Biết! Tôi qua đó hồi đầu kháng chiến. Gần đây, tôi quan sát từ máy bay khu vực Buôn Hồ vài lần, trong thực tập ở trường võ bị. Nó nằm phía Bắc tỉnh Đarlac, giáp giới Gia Lai, cách Buôn Mê Thuột lối 80 cây số. Quận lị nằm tại thị trấn H’leo ngay trên quốc lộ 14. Còn buôn Krông Đê thì tôi chưa rõ, có điều chắc chắn là buôn đó phải có sông và nhiều tre. Krông là sông, Đê là tre… Tôi chưa hiểu ta đi săn hay…
Nhu cười cướp lời Luân.
- Thì anh coi như một chuyến đi săn! Về một nghĩa nào đó, cũng là việc săn bắn.
- Vậy, tôi hiểu. Krông Đê nhất định nằm về phía tây quốc lộ, bởi phía tây nối liền với biên giới Cambốt, bên kia biên giới là tỉnh Mondikiri, nơi có Camp Rolland.
- Camp Rolland? Cái quỷ gì vậy?
- Ngày xưa, căn cứ của Pháp. Nay là đại bản doanh của Fulro.
- À! - Nhu kêu lên.
Ngừng một lát, Nhu nói tiếp:
- Khỏi phải xem bản đồ. Anh Luân là bản đồ rồi… Tiện thể, tôi nói luôn cho anh Luân rõ: chúng ta thu xếp một cuộc tiếp xúc, gọi là đàm phán cũng được, với một trong những thủ lãnh của Fulro. Đàm phán ngay sào huyệt của tay thủ lãnh đó.
- Ta sẽ gặp một gã Eban nào đó. - Vũ Xuân Quang chen vào.
- Một gã Eban nào đó! – Nhu lặp lại lời Quang, giọng mỉa mai.
- Dạ! – Quang xui xị - Lai lịch của gã, bác sĩ Tuyến rành hơn tôi.
Câu nói cốt tránh né của Quang kiến Nhu nổi nóng.
- Một chỉ huy quân sự có quyền không biết đối thủ mình là ai! Trường học nào dạy trung tá như vậy?
Mồ hôi đượm trên tráng Quang. Trần Kim Tuyến phải vớt vát:
- Thưa, thiếu tá James Casey đã có mặt ở Krông Đê.
Nhu vẫn ném cho Quang cái nhìn kiển trách, sau đó mới hỏi:
- Còn gì nữa không?
Rõ ràng Tuyến ngập ngừng.
- Dạ… dạ… Trung tướng André đang nghỉ tại Buôn Mê Thuột:
- Hử? Cái gì… - Nhu mất bình tĩnh trong một thoáng. Song anh ta kềm chế ngay và khẽ liếc Luân:
- Ông ta đi săn, phải không?
- Dạ! Trung tướng bảo như vậy…
Vừa lúc đó, Trần Lệ Xuân bước ra bao lơn:
- Anh với anh Luân vào rửa mặt, còn ăn sáng…
Mụ đã thấy ba người khách – cả ba đứng nghiêm, cúi đầu.
- Ồ! Chào ông bác sĩ, ông đạt tá, ông…
Mụ chưa quen Vũ Xuân Quang. Quang chập gót chân:
- Trung tá Vũ Xuân Quang, tiểu khu trưởng Buôn Mê Thuột!
- À! Tôi có nghe nhà tôi nói về ông… Chào ông!
Cả ba, từng người kính cẩn cầm bàn tay trắng muốt của Lệ Xuân, coi như một ân huệ cao quý ban cho…
- Mời ba ông ăn sáng cùng với chúng tôi. – Nhu bảo, sau đó cùng Luân vào trong nhà.
Dung đón Luân ở căn phòng phía trái.
- Ở đây có ba phòng. Anh với em ở hai phòng, còn một dành anh tiếp khách.
Luân đưa tay lên miệng ra hiệu. Dung gật đầu.
- Chú Thạch ở đâu?
- Anh Thạch ở tầng dưới…
… Tại bữa ăn sáng. Nhu thản nhiên – cố gắng tỏ ra thản nhiên – bảo Lệ Xuân.
- Trung tướng André có mặt tại Buôn Mê Thuột. Em mời ông ấy đến ăn trưa với chúng ta.
Lệ Xuân không trả lời, đưa lọ ớt cho chồng. Các bát phở bốc khói nghi ngút.
*
Nhu và Luân ngồi chung xe, chạy vòng quanh khu hội chợ. Phạm Xuân Chiểu và Vũ Xuân Quang, mỗi người một xe Jeep, dẫn đầu và đoạn hậu.
Công việc xây dựng khu hội chợ ở vào thời kì cao điểm. Hầu hết các gian hàng đã lắp ghép xong. Kì đài còn vài chi tiết nữa là hoàn tất. Cổng chính chỉ thiếu tấm bảng đề tên hội chợ. Các quán ăn, giải khát, tiệm chụp ảnh lưu niệm… - hầu hết dựa vào kiểu nhà “rông” của người Thượng, chen chúc hai bên hông khu hội chợ. Điều đập mạnh vào mắt Luân là tất cả sự rộn ràng ấy vẫn không thể giấu nổi vẻ giả tạo: người Thượng – trong chiếc khố tơi tả và chiếc gùi nặng vai – bàng quan, nếu không nói là khó chịu nhìn mọi cái đột ngột múa may trước họ. Ngồi cạnh Luân, Ngô Đình Nhu hoàn toàn không lưu ý đến khoảng cách lớn lao như vậy. Nhu cũng nhìn những người Thượng trần trụi và chép miệng:
- Còn man rợ quá! Bởi vậy, người ta gọi họ là Mọi.
Có lẽ nhận xét ấy chợt đến với anh ta khiến anh ta liền nghĩ sang vấn đề khác:
- Phải nhắc ông Chiểu kiểm soát những người Thượng vào hội chợ. Mỗi cái gùi có thể tải vài chục lựu đạn!
Luân cười thầm. Nhu định chinh phục Tây Nguyên bằng tâm trạng kì thị và sợ hãi đó thì thật là khôi hài. Anh ta chưa lãnh hội nổi bài học “Nhu Viễn” của vua Minh Mạng…
- Anh thấy muốn bảo vệ chắc chắn khu hội chợ, nên bố trí lực lượng như thế nào?
Nhu hỏi Luân khi xe dừng trước kì đài. Luân trả lời – chứng tỏ anh để ý việc này từ lúc lên xe:
- Quả đồi kia, - Luân trỏ một mô đất nhô lên cách khu chợ vài trăm thước – Nếu bọn phá hoại đặt trên đó một khẩu trung liên hoặc khẩu cối 60 li thôi, hội chợ hỗn loạn ngay.
Nhu lên xe, ra lệnh chạy lên ngọn đồi. Một ngọn đồi hoang, trọc. Và, rõ ràng không ai định bố trí lực lượng canh giữ ngọn đồi.
Ném cho Chiểu và Quang cái quắc mắt cảnh cáo, Nhu đóng sầm cửa xe trở về biệt điện.
Lệ Xuân và Dung cũng về đến – Họ đi chợ Buôn Mê Thuột. Lệ Xuân vào phòng rửa tay khá lâu. Dung kẽ nói với Luân:
- Bà Nhu bắt tay với mấy người Thượng nên sợ bẩn!
Mặc dù bảo vợ mời trung tướng André ăn trưa, Nhu không gặp ông ta. Suốt ngày và gần đến nửa đêm, Nhu làm việc tại dinh tỉnh trưởng với bác sĩ Tuyến và Chiểu. Luân được phép đưa Dung đi chơi trong thị xã.
- Công việc mắm muối này không dám phiền anh.
Nhu cười xởi lởi, Luân hiểu Nhu không muốn anh đi sâu vào điều cốt lõi của hội chợ.
Thị xã Buôn Mê Thuột không lớn lắm. Luân rủ Dung thả bộ cùng với Thạch.
- Đúng như ta đoán!
Luân bảo vào tai Dung.
- Cái gì sẽ xảy ra? – Dung hỏi.
- Có thể có cái gì đó. Có thể không có cái gì cả…
Họ đến gần một cổng phụ vào hội chợ. Mấy chiếc xe cam nhông đang cho xuống hàng trăm con heo, loại Yoshire, to béo. Cả những quả bí rợ nặng chục cân là ít. Một gốc sắn phải hai người khiêng, củ đeo kín, có củ bằng bắp chân.
- Các ông chở từ đâu đến? – Luân hỏi một tài xế đang lau mồ hôi.
- Ối, có cái từ Sài Gòn, có cái từ Quảng Nam, có cái dưới Cà Mau. – Người tài xế trả lời, không vui.
- Đó! Sự trù phú và sự thành công khai phá Tây Nguyên là vậy đó… - Luân nói với Dung.
Họ hiểu cái trò ảo thuật không chỉ có bấy nhiêu.
Bỗng Luân kéo Dung sát vào anh:
- Cô hỏi cái gì sẽ xảy ra. Bây giờ tôi dám cam đoan với cô: Chắc chắn cái gì đó sẽ xảy ra.
Dung hết ngơ ngác khi trông theo ngón tay chỉ kín đáo của Luân: anh chàng công dân vụ mà họ gặp ở Gò Đen đang mắc dây điện ột chiếc loa đặt ngay cổng phụ.
Anh chàng công dân vụ cũng chợt nhận ra Luân và Dung. Song, anh ta lầm lì tiếp tục công việc của mình.