P3- Chương 8
Bán đảo Bình Quới Tây nằm trong vòng uốn lượn của dòng sông Sài Gòn, man mác một màu xanh. Vườn cau trập trùng nghiêng bóng mát khu Club nautique với sân quần vợt, bể bơi, bến thuyền, quán ăn,... đang xây dở thành phố và vùng phụ cận biến đổi mau lẹ. Đồng dollar, ngay trong hiệp đầu, đã tỏ rõ quyền lực hơn hẳn đối với đồng quan(1).
(1) Đồng franc: tiền Pháp
Bên kia sông, trên bãi bồi dừa nước ven làng An Phú Đông, mấy con cò vụt bay vụt đậu.
Dưới tàn một cây vú sữa xòe rộng, Luân và Rheinardt tựa thoải mái trên chiếc ghế xếp quanh chiếc bàn tròn bên mấy bày rượu và cốc thủy tinh. Họ vừa chơi xong mấy ván tennis, vợt và cầu còn vất dưới chân. Đằng xa, vợ Rheinardt và Dung, hẳn đã bơi mệt lử, ngồi trên thành bể, kháo với nhau chuyện gì đó. Dưới bóng cây, rải rác khắp khu vực là giới thượng lưu Sài Gòn và nhân viên các đoàn ngoại giao. Tất nhiên là những nhà thể thao, vừa uống vừa tranh cãi.
Mặt sông thỉnh thoảng cồn lên vì những chiếc thuyền lướt ván lướt qua, nước tựa hồ bị xé thành hai mảng lớn, vỗ ầm ĩ vào bờ.
- Tôi nghe nói chỗ này xưa kia là một căn cứ kháng chiến. Nhưng, không rõ vì sao người ta gọi Bình Quới Tây là “chiến khu ma?”
Rheinardt hỏi Luân, sau khi chạm với anh một cốc Whisky, cả hai trao đổi với nhau bằng tiếng Anh.
- “Ma” là để đối lập với thật. Người Pháp muốn có trong tay lá bài “kháng chiến” nên ột số người đến đây - lúc đó bán đảo này còn um tùm dừa nước - gọi là xây dựng căn cứ chống “thực dân.” - Luân vừa giải thích vừa cười mỉa.
- Như ông Trịnh Minh Thế ở Tây Ninh?
- Gần gần như vậy...
- Chiến khu ma kéo dài được bao lâu?
- Ngắn thôi. Tôi không nhớ chính xác, song không quá nửa năm... Chúng tôi đã đánh tan trò ảo thuật đó chẳng khó khăn mấy...
Rheinardt lặng im một lúc.
- Người Mỹ chúng tôi không thích chơi trò ảo thuật như người Pháp. - Rheinardt nhún vai - Cần có một chế độ tập trung và ổn định. Tất nhiên...
Rheinardt vụt bỏ lửng câu nói, xoay người sang Luân.
- Thiếu tá thấy gì qua cái chết của tướng Thể?
Luân không đổi cách nằm, mắt vẫn ngó tàn cây khế lung lay.
- Ngài đại sứ nhất định thấy rõ hơn tôi!
- Một tướng Cao Đài khác đã chất vấn tôi và hàm ý cho rằng, chúng tôi nếu không trực tiếp là tác giả của phát súng quái ác đó, thì cũng chấp tay sau lưng, mặc nhiên đồng tình...
- Tôi nghĩ khác ông tướng kia!
- Thế à! - Rheinardt chồm người lên chiếc ghế xếp, kêu răng rắc.
- Trong trường hợp này, người Mỹ đúng là vô can. Đại tá Lansdale phẫn nộ thật sự - tôi gặp ông ấy và ông ấy nói một câu, tôi nhớ mặt người nào tạo tiền lệ người đó sẽ gánh hậu quả do chính mình tạo ra.
Rheinardt nằm yên trở lại một lúc lâu. Giọng ông ta bỗng trở nên âu yếm lạ thường:
- Thiếu tá có nghĩ rằng có người nào đó, hoặc một số người nào đó, hoặc đông hơn một tí, đôi khi nhận xét không thiện cảm lắm về thiếu tá?
Luân không hề đổi tư thế nằm, giọng vui:
- Tôi không nghĩ như vậy! Tôi không nghĩ rằng ít người như vậy... Việt Nam chúng tôi có phương ngôn: Trâu cột ghét trâu ăn
Rheinardt lại đổi cách nằm, nghiêng hẳn sang phía Luân, đưa tay làm một cử chỉ ngăn Luân, sôi nổi:
- Không phải trâu cột, trâu ăn. Thưa thiếu tá, hoặc là cột ghét trâu hoặc là trâu ghét cột kìa!
- Kể cả như vậy, tôi vẫn thích thú!
- Tôi biết thiếu tá đeo quân hàm không do cái gì khác hơn là tài năng và tinh thần. Song, giữa chúng ta, tôi muốn thiếu tá tin, tôi rất thành thật khi nói rằng sự thể nghiêm trọng hơn thiếu tá tưởng.
- Nhiều lắm, người ta cho tôi mưu mô một cái gì khi tôi nhận cấp bậc sĩ quan này.
- Không phải mưu mô! - Rheinardt kêu lên, đắc thắng - Xin lỗi thiếu tá, mưu mô chỉ là một dự kiến, người ta nói thiếu tá đang hoạt động!
Rheinardt ngồi hẳn dậy, ngó về hướng piscine(2).
(2) Bể bơi
- Người ta đặt cả dấu hỏi về mối quan hệ giữa thiếu tá với cô Dung...
Luân cũng bật dậy.
- Tôi đang hoạt động? Đúng! Xét về một nghĩa nào đó và với một số người nào đó, tôi là phần tử “phiến Cộng” bởi lẽ tôi sẵn sàng lôi ra ánh sáng mọi biểu hiện xuẩn ngốc, thô bạo. Đại sứ muốn ví dụ? Đốt nhà ở Xóm Chiếu. Ném lựu đạn ở rạp hát. Bài thơ nịnh hót quá tiêu pha từ ngữ ở đại hội văn hóa. Phải chăng người ta định tự sát bằng loại thuốc độc cực mạnh cho chóng chết?
- Tôi chưa bao giờ nói khác thiếu tá về tính chất của những sự kiện bi đát đó!
- Cũng giữa chúng ta, tôi muốn nói thẳng với đại sứ: người Mỹ định thay chân người Pháp ở đây? Tôi nói rõ về hai chữ “thay chân.” Người Mỹ định đem bao nhiêu quân viện chinh sang Việt Nam? Và có định đưa sang ngay trong những thập niên năm mươi này, thậm chí, ngay khi Ngài Rheinardt còn cương vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Hợp chủng quốc ở Việt Nam Cộng hòa?
Hai người gần như đối diện khoảng cách là chiếc bàn mây nhỏ.
- Tôi hiểu! Tôi rất hiểu. Hơn cả hiểu, tôi thật sự lo. - Reihnardt nói, rầu rầu.
- Có những phương pháp khác nhau đi đến mục đích giống nhau, lại có những phương pháp giống nhau đi đến những mục đích khác nhau. Tôi hi vọng những gì tôi ôm ấp và thực hành với những gì mà trọng trách đặt lên vai đại sứ tại mảnh đất này thuộc trường hợp thứ nhất... Đúng ngày mùng ba Tết, kho đạn Gò Vấp nổ. Phải chăng, như lời tiên tri của đại tá Lansdale, đó là hậu quả sơ khởi của một tiền đề?
- Có thể là như vậy! Nước Mỹ kì vọng ở ông Diệm, ông Nhu. Tại Việt Nam, ham muốn bay bổng là cần thiết. Người Pháp không tìm ra đồng minh đủ bản lĩnh - họ không thích đáng hơn ở ông Bảo Đại, ông Hữu, ông Tâm, ông Xuân, ông Hoạch, ông Bửu Lộc(3), những người chỉ có thể làm đầy tớ, không hơn không kém. Tôi theo dõi thời sự Việt Nam, tiếc cho người Pháp, họ từng có ông Thinh song họ đã gí ông ta vào dây thòng lọng. Ông Nhu, ông Diệm đều thích bay bổng... Đó là điềm lành!
(3) Lê Văn Hoạch, Nguyễn Văn Xuân, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Bửu Lộc: các Thủ tướng bù nhìn Việt Nam của Pháp (1946-1954)
- Những cái đầu khá bướng bỉnh! - Luân chen vào.
- Thật vậy, những cái đầu khá bướng bỉnh. - Reihnardt đồng tình - Và bằng những cái đầu đó, nước Mỹ mới xuất hiện ở đất nước đầy ý thức của chủ nghĩa dân tộc này như một người bạn, khác người Pháp. Song, chính nước Mỹ cần luôn cả những thân hữu, biết và đủ sức kềm chế đường bay, để lúc nào nó cũng tỏ ra đúng hướng...
- Cám ơn Ngài đại sứ đã nói với tôi điều không nên nói với người nào khác ngoài người Mỹ... Tôi mường tượng đại sứ nói đến cây kéo để xén cánh đại bàng!
- Không! Cây kéo không biết bay. Cần cả những con đại bàng vì chỉ đại bàng mới kềm chế nổi đại bàng! Khác chăng là đội hình bay theo một trật tự nào đó.
Giọng Rheinardt bỗng như cha cố giảng đạo:
- Trật tự của đội hình, thưa thiếu tá, không nhất thiết cố định!
Luân mỉm cười:
- Đại sứ vừa hỏi tôi về tướng Trịnh Minh Thế?
Rheinardt xua tay:
- Tướng Thế chưa xứng đáng là đại bàng! Ở vùng sa mạc Gobi, tôi nghe nói, có một loại chim giỏi tránh đạn của thợ săn và dù trúng đạn, nó cũng không dễ dàng rơi cánh, nhất là chỉ với một phát đạn!
Luân lảng tránh:
- Còn về việc tôi và cô Dung, có thể vì chúng tôi chậm cưới nhau. Tôi sẽ thử thuyết phục xem!
Rheinardt giống như ông ta cầm vợt, vụt mạnh quả bóng tréo chân đối phương, hỏi một câu như lạc đề:
- Tại sao đại tá rời bỏ chủ nghĩa Cộng sản?
Luân chưa dự kiến sẽ gặp câu hỏi này. Anh ngó thẳng mắt Rheinardt và trong lúc lựa chọn cách trả lời, anh khẽ nhún vai.
- Tôi phải hỏi, vì hai năm qua thiếu tá hoạt động theo một mục tiêu khác và càng ngày càng có nhiều dấu hiệu thiếu tá tách khá xa mục tiêu suốt chín năm của mình. Tôi nhớ, hình như có lần thiếu tá bảo là, tuy chưa phải đảng viên Cộng sản, thiếu tá rất thích Cộng sản...
- Đúng, tôi từng nói như vậy với viên trưởng ty Công an Vĩnh Long... - Luân cười mỉm, anh đã chọn được cách trả lời - Bây giờ tôi vẫn chưa thay đổi ý nghĩ. Đảng Cộng sản đã làm nhiều việc tốt cho Tổ quốc tôi. Nhưng, tôi không cho rằng chỉ có Đảng Cộng sản mới làm được điều tốt. Trước kia, các đảng quốc gia bất lực. Gọi là đảng Quốc gia là nói theo lễ tân, kì thực, chưa có một nhóm chính trị xu hướng Quốc gia nào tin tình thế đã thay đổi. Tôi thích một cuộc thi đua dẫu rằng tôi xác tín sự thay đổi của tình thế trước hết là do những người Cộng sản tạo ra. Nghĩa là, chúng tôi sẽ phải cố gắng rất nhiều.
Luân nói giọng bình tĩnh, hơi say sưa nữa. Rheinardt chăm chú nghe.
- Xin phép thiếu tá cho tôi đặt thêm một câu hỏi: Phải chăng thiếu tá bắt đầu thấy cái khác nhau về quan niệm chính trị và triết học của thiếu tá với những người Cộng sản?
- Đã có thể nói được như vậy! - Luân trả lời như không cần suy nghĩ.
- Chỗ khác nhau đó là gì? Thiếu tá có thể cho biết không?
- Ngài đại sứ hẳn đã xem các bài viết của tôi về chủ thuyết Cần lao Nhân vị?
- Rất hay! - Rheinardt gật gù. Ông ta trầm ngâm một lúc rồi đặt tay lên vai Luân.
- Ông thiếu tá! Ông đã làm tôi say mê ông. Thật ra, vài tháng nữa thôi, tôi sẽ rời đây. Một nhà ngoại giao kì cựu, bạn của tôi, ông Elbridge Durbrow thay tôi. Như tướng Collins từng dặn tôi chăm sóc ông, tôi cũng sẽ làm như vậy với đại sứ Durbrow. Nhiều đại sứ theo nhiệm kì quy định, nhiều Tổng thống những lần nước tôi tuyển cử, song chỉ có một nước Mỹ!
Rheinardt rót đầy hai cốc rượu:
- Ta hãy mừng buổi nói chuyện lí thú này!
Hai người chạm cốc và sau đó đứng lên, ra hiệu cho bà Rheinardt và Dung.