P3 - Chương 6
Dung lái chiếc Nash mui trần dọc theo đường Nguyễn Trãi, chiếc xe mới tinh của bác sĩ Sự, nói là quà đám cưới Dung. Dung nhận xe mà trằn trọc với nó: Đám cưới ư?...
Khi Luân hỏi về chiếc xe, Dung không nhắc tới ý nghĩa đó. Không phải Dung mà Luân, chính Luân là người phá vỡ sự yên lặng. Luân có thể mang tất cả ra ánh sáng không? Bao giờ thì cái phải tới sẽ tới. Luân quý Dung, cái đó rõ quá rồi. Một năm rưỡi cộng tác, Luân bao giờ cũng chu đáo với Dung - và Dung đã có thề quả quyết cô là cô gái duy nhất được Luân giành tất cả cảm tình. Khi học trên Đà Lạt, không chiều nào Luân không gọi dây nói về hỏi han Dung, bận mấy cũng để ra vài phút. Lục và Thạch, những người tiếp cận, đinh ninh Luân và Dung chỉ còn định ngày cưới. Tổng giám đốc mới Phạm Xuân Chiểu, vốn ít lời, ngay vừa nhậm chức, câu đầu tiên là mong sớm được chia vui với Dung.
Tuy nhiên, trong Luân vẫn chưa có sự ổn định giữa một cô Dung em gái - và là đồng chí, cộng tác viên, với một cô Dung gắn bó trọn đời. Đó là theo xét đoán bằng cảm giác của Dung, bởi Dung chưa có một chút kinh nghiệm về lĩnh vực này. Hai người gặp nhau hằng ngày, trao đổi công việc - và cả hai rất bận, cho nên Dung chỉ thoáng suy nghĩ vào những lúc không có Luân bên cạnh.
Liên lạc của họ với A.07 nối lại vài tuần nay. Các báo cáo do Dung và Luân chuyển qua một trạm lưu động nào đó mà Dung không được quyền biết, đến cả điện đài bây giờ đặt ở vừng rừng Tây Ninh. A.07 thỉnh thoảng gửi cho họ một dòng động viên, ngoài ra là các yêu cầu, hoặc xác minh, hoặc sưu tra tình hình, hoặc nhận định của Luân về những sự kiện quan trọng. Nói chung, A.07 chỉ thị họ sử dụng điện đài thật thưa, không định kì, không theo quy luật. Có lần, Dung được một điện riêng: “CR hỏi thăm sức khỏe Mimosa tại ông cụ. Cẩn thận hơn, tuy ông cụ đối phó tốt.”
CR tức là “Centre de Recherche,” kí hiệu chỉ trung tâm tình báo Sài Gòn. Như vậy chúng cho điệp viên ở Hà Nội điều tra về Dung qua bố của cô. Lí do có lẽ liên quan đến điện đài ở Blao. May là nửa năm nay, điện đài ngưng hoạt động ở hướng đó.
Đọc điện, Dung nhớ cha điếng người. Tội nghiệp, tuổi cha đã cao, có ai giúp đỡ không? Vì công tác của Dung, chú Thuận chắc ít đến - hoặc có đến cũng kín đáo. Dung mong tin tức của cha, gần đây, ông cụ nhắn tin trên đài, giọng còn rất khỏe. Ông cụ gửi cả bưu thiếp cho vợ chồng bác sĩ Sự - tất nhiên là gửi cho Dung. Dung bồi hồi đọc nét chữ của cha, dù sao, cũng đã yếu đi nhiều. Vợ bác sĩ Sự cũng gửi cho ông bức thiếp, báo tin Dung. Ông cụ chắc đỡ lo.
Xe Dung nối đuôi dòng xe sáng sáng vẫn nghẹt con đường một chiều Nguyễn Trãi, trước khi giáp với đại lộ Cộng Hòa. Ngang Licée Franco Chinoise, Dung chợt nhận thấy điều khác thường: mỗi ống cống xi măng xếp đứng của ngành giao thông đặt ven đường - mang một chữ viết bằng sơn xanh. Ghép các chữ ấy lại ra hai khẩu hiệu với hai dấu than cẩn thận: Đả đảo Ngô Đình Diệm! Hồ Chí Minh muôn năm!
Một cơn lạnh chạy dài theo xương sống Dung. Khẩu hiệu của anh em mình! Dòng xe như chậm lại, mọi người cố kéo dài thời gian qua hàng ống cống. Khẩu hiệu nhất định viết đêm qua. Các đồng chí hẳn phải canh gác vất vả để viết được chừng ấy chữ - Dung nhẩm tính: ba mươi hai chữ và hai dấu than. Hai người viết nhanh mấy cũng phải mất mười lăm phút. Chữ to, bề cao tới bốn mươi phân, bề ngang hai mươi, nét khá sắc, chữ Đ mở đầu viết kiểu và toàn bộ chữ đầu các từ Hồ Chí Minh đều viết hoa. Công trình của dũng cảm và theo Dung, của nghệ thuật. Tuy chỉ ba mươi hai chữ nhưng là một thứ tuyên cáo về sức mạnh của phong trào cách mạng thành phố. Không có tổ chức vững vàng, quyết không thể làm nổi việc này cách Nha Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia không đến 50 mét.
Trong công vụ, Dung thường đọc báo các nơi nói về Việt Cộng rải truyền đơn, lưu hành báo, dán khẩu hiệu, phần lớn ở nông thôn. Còn đây là Sài Gòn.
Từ ngày 20-7, Dung cảm giác phong trào cách mạng chuyển mình. Nha Tổng giám đốc ngày một nhận được nhiều hơn các loại tài liệu của Việt Cộng - danh nghĩa chưa thống nhất, khi thì “Những người kháng chiến cũ,” khi thì “Ủy ban đấu tranh bảo vệ hiệp nghị Genève,” khi thì “Lực lượng nhân dân miền Nam” in bằng giấy sáp. Dung biết, Nha Tổng giám đốc nhìn những tờ giấy thô sơ ấy với tất cả sự lo lắng, kinh hãi. Bởi đây không phải là các giáo phái, không phải chỉ lời nói suông. Chẳng có gì khó hiểu: những người kháng chiến cũ cảnh cáo sự phản bội của chính quyền Ngô Đình Diệm. Hai năm đã qua từ khi kí hiệp nghị Genève, không có tổng tuyển cử và hiệp thương, và quan hệ bình thường giữa hai miền cũng không có nốt. Vào đúng ngày 20-7, Sài Gòn báo cho Ngô Đình Diệm biết và sự phản bội sẽ bị trừng phạt: trong vòng hai giờ, thành phố vắng tanh - bãi chợ, bãi công, bãi khóa và mọi người ở trong nhà. Hôm đó, Luân còn học ở Đà Lạt, Dung đành nâng li nước cam chào những công dân của thảnh phố, quả xứng đáng là thành đồng Tổ Quốc.
Mấy chiếc Jeep màu ô liu, biển số