P2 - Chương 16
Hai cứ điểm Bình Xuyên giữa lòng thành phố chống trả kéo dài tận ngày 10-5. Bót Catinat đầu hàng với ngót trăm Công an xung phong. Còn quán Théophile đường Legrand de la Liraye thì quân Chính phủ chỉ tiếp nhận một ngôi nhà trống rỗng, toàn bộ binh sĩ Bình Xuyên và vũ khí không cánh đã bay mất.
Rừng Sác, mãi đến cuối tháng mười, mới im tiếng súng qua chiến dịch mang tên Hoàng Diệu do đại tá Dương Văn Minh và trung tá Nguyễn Khánh phụ trách. Bản thống kê được Bộ thông tin thêm thắt vẫn rất nghèo nàn. Nghĩa là cả nghìn binh sĩ Bình Xuyên không chịu theo Bảy Viễn xuống tàu sang Pháp sống lưu vong, không chịu nạp mạng cho Chính phủ, đã vượt sông Soài Rạp. Dưới quyền chỉ huy của Bảy Môn, nguyên là tham mưu trưởng Bình Xuyên, thay Thái Hoàng Minh đầu hàng Diệm – lực lượng Bình Xuyên xây dựng cơ ngơi mới trên vùng rừng miền Đông hiểm trở.
Đó là việc sau.
Đã năm ngày rồi, Luân không gặp Nhu. Nhu hai lần gọi Luân. Luân hai lần cáo bệnh. Nhu thừa biết Luân phản ứng sau cái chết của Ngọc.
- Có lẽ bày tỏ thái độ với hắn như vậy là đủ. - Luân bảo Dung khi hai người ăn sáng: đã thành lệ, ngày nào Luân cũng ăn sáng với Dung hoặc ở chỗ Dung; hoặc ở chỗ Luân – Hôm nay, tôi phải gặp hắn.
Càng lúc, Dung càng khâm phục Luân. Quanh vụ Ngọc, lúc đầu Dung lo lắng, về sau yên bụng: Luân tính toán rất chặt chẽ đâu vào đó. Lần lần, Dung học được ở Luân cung cách xử lí các tình huống với một thái độ rất chủ động. Cái gì không cần phải giả tạo trước kẻ thù, Luân sống đúng như thói quen và cảm nghĩ của anh. Cung cách đó giảm tối đa những sơ hở thường dễ vấp, để dồn tâm lực cho vai kịch đạt trên tổng thể. Luân phản ứng ra mặt về cái chết của Ngọc là từ thâm tâm. Thật nguy hiểm nếu anh làm khác, với Ngô Đình Nhu, đó là anh tự thú.
Anh đi nhà thờ không quá ít như Nhu, song cũng không quá cần mẫn, xét chung là vừa phải đối với một trí thức giữ tín ngưỡng ở mức một nhu cầu văn hóa hơn là một sùng tín.
Chưa bao giờ Luân giảng cho Dung nghe có hệ thống công tác tình báo chiến lược trong lòng địch, song Dung vẫn rút ra những kinh nghiệm qua hoạt động thực tiễn của Luân mà cô cho là bổ ích.
Nhận công tác với Luân, lúc đầu Dung vì nhiệm vụ - không thể để cho cả một kế hoạch mà cấp trên, trong đó có chú Thuận của Dung, bỏ bao nhiêu công sức rồi phải thay đổi. Đóng “cặp đôi” với một người xa lạ, Dung khó chịu trong lòng. Điều cô tự trấn an là: Màn kịch thôi, gì mà sợ chứ?
Gặp Luân, cô vồn vã bên ngoài. Thật ra, cô không thích tên Robert của Luân. Cô yên trí Luân, tuy là cán bộ, không phải hạng nghiêm chỉnh. Cô nhủ thầm: phải coi chừng anh ta. Chỉ vài ngày gần gũi, cô phát hiện ra trong Luân có hai lối sống tách biệt: với kẻ thù và giữa hai người. Có lẽ Luân thèm khát lối sống chân thật cho nên từ khi có Dung, anh tươi tỉnh hẳn, Dung quan sát sở thích của Luân về ăn mặc – tất cả đều giản dị, nếu không nói là hơi lè phè.
Luân không bao giờ uống rượu ở nhà; anh hút loại thuốc lá nhẹ giá trung bình. Thói quen của Luân lại là những bữa cơm có rau, có cá. Bao giờ Luân cũng giữ một khoảng cách với Dung khi hai người gặp riêng. Rõ ràng anh hài lòng về Dung – một cộng sự, một đồng chí.
Có lần, Dung định nói rõ với Luân về mối quan hệ giữa hai người – cô bắt đầu e ngại về tương lai của nó. Thà nói rõ với Luân để hai bên cùng giữ gìn cái lằn mức mà hai bên đã thỏa thuận. Chẳng hạn, cô sẽ đề nghị Luân trước sau nên xem Dung là đứa em gái. Nhưng cô chần chờ. Chẳng có thể giải nghĩa rành rọt về sự chần chờ của cô.
“Nhỡ anh ấy buồn thì sao?”
Dung tự biện bạch. Từ một chỗ nào rất kín đáo trong Dung có tiếng nói là lạ:
“Nhỡ chính mình không giữ được lằn ranh thì sao?”
Hôm Công an xung phong bắt cô ở Nha Cảnh sát, giữa lúc nguy nan, người mà Dung nhớ lại là Luân. Cô đã dám giới thiệu với Lại Văn Sang cô là “vợ” của Luân. Tất nhiên, cô đóng kịch, song cô không thấy một chút ngượng ngập khi lần đầu tiên nói đến tiếng “vợ” kì cục đó. Và cô cũng không hối hận mình đã bạo mồm.
Dung gặp Luân tại góc đường Nguyễn Tấn Nghiệm. Luân đứng cạnh xe, chăm chú tìm kiếm. Có lẽ Luân nhận ra cô trước. Cho nên, khi cô còn cách Luân đến cả trăm thước – giữa một dòng người nhốn nháo, Luân đã vẫy cô và lao tới. Tận bây giờ, Dung không hiểu cái gì xô Dung ngả vào Luân và – Luân ghì nhẹ đầu Dung vào ngực anh – cô đã khóc nức nở.
Trên xe, Lục bảo Dung:
- Ông kĩ sư tinh mắt thật, chúng em chưa trông thấy cô mà ông đã reo: Dung kìa!
Lòng Dung rộn lên một thứ sung sướng mà cô chưa từng biết. Cô nhìn tóc Luân thêm nhiều sợi bạc. Trong các sợi bạc đó, Dung quả quyết có sợi là của cô.
Trong một thời gian tương đối ngắn, Dung khám phá ở Luân những đức tính mà chính chúng đã kéo Dung gắn bó với Luân. Có vẻ như khám phá ra Luân đồng thời Dung cũng tự khám phá. Đôi khi, Dung bỗng sợ bâng quơ: vì một lẽ nào đó cô và Luân không làm việc chung với nhau nữa…
- Em chỉ ngại anh không tự kiềm chế. - Dung bảo khẽ.
- Chúng nó giết anh Ngọc, một phần là để uy hiếp tôi… Anh Ngọc, ngay khi sắp chết, vẫn cố làm điều tốt cho đồng đội. Một mối thù lớn. Song, tôi đủ tỉnh táo biết mình phải làm gì để trả thù cho anh Ngọc, cho hàng nghìn, vạn đồng chí, đồng bào – trả thù đúng với cái nghĩa rộng lớn của nó.
*
- Quán Théophile trống rỗng. Không có đường ngầm. Không thể đi trên mái nhà. Quân đội canh gác khắp ngõ ngách. Kì lạ thật!
Nhu vừa bắt tay Luân vừa nói luôn điều anh ta bực bội. Đó cũng là cách anh ta giả lả với Luân. Luân nghĩ là không nên nhắc lại vụ Ngọc trong trường hợp này. Nhưng, chính Nhu nhắc:
- Còn vụ giết ông Ngọc, tôi phải làm sáng tỏ. Đã sáng tỏ. Thằng thiếu tá Hùng tự tiện. Không có lệnh của ông Đắc, ông Lễ. Tôi giao nó về bên an ninh quân đội sửa trị. Nó là sĩ quan biệt phái…
“Nếu quả đúng như lời Nhu, thì vụ này dính tới Mai Hữu Xuân.” – Luân nghĩ thầm.
- Tôi không giấu anh về quyết định kết án ông Ngọc. Song, tôi muốn đưa ông Ngọc ra tòa vì tội của ông ấy cộng tác với Bình Xuyên…
- Vụ quán Théophile đặt cho chúng ta một câu hỏi nghiêm trọng. – Luân giả như tin lời Nhu. - Chắc chắn công an xung phong theo đường Legrand de la Liraye lội qua rạch Thị Nghè. Từ Thị Nghè, họ có nhiều ngã thoát khỏi Đô thành... Đơn vị nào gác các đường Pierre, Luro, Sở Canh nông?
- Tôi đã thẩm tra: Đơn vị Dù.
Luân trầm ngâm rất lâu.
- Có phải anh thấy mối uy hiếp chúng ta cao hơn, với sự liên ca của lính Dù?
- Ông Cao Văn Viên là người thế nào? – Luân hỏi tiếp.

- Theo hồ sơ, Viên sanh ở Lào. Cha mẹ ông đều là người Việt. Nhưng ông lại có nét lai Pháp. Không một bằng chứng nhỏ nhào ông thân Bình Xuyên.
- Còn dưới quyền ông Viên?
- Tất nhiên, phức tạp. Bác sĩ Tuyến đang thẩm tra tiếp. Tôi ngại… - Nhu ngần ngừ không nói hết.
- Anh ngại anh Ngọc đã bố trí vụ này, phải không?
Nhu gật đầu, Luân cũng cảm thấy hình như chính Ngọc thảo kế hoạch cho toán Công an xung phong quán Théophile. Họ không rút qua Thị Nghè mà qua Cầu Kinh, từ Bình Quới Tây vượt sông Thủ Đức…
- Thú thật, tôi không rõ hành động của anh Ngọc. Dù cho anh Ngọc bố trí, việc vẫn là: tại sao lính Dù để hàng trăm người với vũ khí tẩu thoát khỏi quán Théophile. Cái nút là ở chỗ đó.
Nhu rít thuốc liên hồi.
- Tôi sẽ cho thanh lọc lính Dù!... Còn một vụ nữa, là bài báo của con mụ Fanfani về cái chết của Trịnh Minh Thế. Mụ viết lập lờ, vô hình trung đặt nghi vấn Thế chết không hẳn do Bình Xuyên. Mụ còn nói đã gặp anh, anh đang khóc. Tôi chưa cho chuyển bài của mụ, song phải giải quyết sớm, kẻo mụ lại tru tréo. Bọn UPI, AP, AFP, Reuter... có thể làm rùm lên quanh cái “tự do báo chí”… Anh quen với mụ Fanfani à? À, mà anh có khóc khi nghe tin Thế chết không?
- Có, tôi có khóc! – Luân trả lời.
Nghe Luân xác nhận, Nhu cười bí hiểm.
- Tôi không khóc Trịnh Minh Thế. Chẳng thể nào tôi khóc như vậy được. Tôi khóc vì lí do khác. Mụ hiểu lầm.
- Ra là vậy! – Nhu không cười nữa, anh ta có vẻ vừa vồ hụt.
- Tôi biết anh khóc vì cái gì rồi! Thôi, tôi chỉ muốn anh ngăn giúp mụ Fanfani đừng gửi bài đó, hoặc có gửi thì sửa vài đoạn.
- Tôi sẽ thử điều đình với Fanfani xem. Không hi vọng nhiều!
Luân từ giã Nhu.
- Chính phủ Mỹ vừa thông báo sẽ cử nhà ngoại giao chuyên nghiệp Frederich Rheinardt thay tướng Colins, Chính phủ Pháp cũng sẽ cử Henri Hoppenot thay tướng Ely… Màn quân sự hạ, tới màn dân sự!
Nhu đưa Luân ra cửa, nói thêm.
*
Ngày 10-5, Chính phủ Ngô Đình Diệm cải tổ “nhẹ.” Chẳng qua là việc làm hình thức – nhiều thành viên của Chính phủ từ chức trước đó và đã có người thay thế rồi. Tuy vậy, việc làm hình thức vẫn cần thiết về chính trị: danh sách Chính phủ do Thủ tướng kí mà không cần ghi là “Thừa lệnh Quốc trưởng.” Tiếp liền, Nguyễn Văn Vĩ bị cách chức tổng thanh tra quân đội, lột quân hàm thiếu tướng, bị truy tố ra tòa cùng với Lê Văn Viễn, Nguyễn Văn Thành, đại tá Tuyên, đại tá Lại Văn Sang... và nhóm cố vấn Bình Xuyên – số này đầu thú khi quân đội chiếm Tổng hành dinh Bình Xuyên. Ngự lâm quân bị xóa sổ.
P2 - Chương 17
Ly Kai len lỏi trong một đường hẻm – như hầu hết đường hẻm của Chợ Lớn: thiếu ánh nắng, nhớp nháp, ồn ào và rợp bóng những quần áo phơi đủ màu sắc.
Sau cơn chết hụt, Ly Kai “lặn” một thời gian. Bác sĩ Tuyến và Nhu khuyên gã như vậy. Tay chân Bình Xuyên còn đủ sức để khử gã bất cứ lúc nào.
Nhưng rồi có một người dựng gã dậy, lôi gã ra khỏi nhà. Đó là một khách đánh bạc mà gã nhẵn mặt. Tên lão ta là Tần Hoài, một trong những chủ nhà hàng Đại La Thiên. Tần Hoài tỉ tê với Ly Kai đến ngõ hẻm âm u này, dưới chân cầu Palikao.
Ly Kai dừng trước ngôi nhà hai tầng cũ kĩ, cửa dán vô số hồng đơn. Lọt qua cửa, Ly Kai biết mình vào nơi làm đồ mã. Những sườn lân, phụng… bằng tre choán hết tầng trệt. Độ năm ba người làm việc dưới ánh đèn tù mù.
- Tôi hỏi thăm ông Loẽng…(1)
(1) Tức ông Lương, phát âm tiếng Quảng
Ly Kai nói với người đứng tuổi, gầy còm.
- Tôi là Loẽng đây.
- Hẩu! – Ly Kai nói – Tôi ở chỗ ông Suần…(2)
(2) Tức ông Tần, phát âm tiếng Quảng
- Suần nào? Tôi không biết!
Qua giọng nói của người đứng tuổi, Ly Kai đoán ông ta không thạo tiếng Quảng.
- Tôi ở chỗ ông Sỉu Hoải!(3) – Ly Kai nói tiếng Tiều.
- À… - Người đó gật gù.

- Tôi xin gặp ông Dảng…(4)
- Ông là Lỳ Chía(5), đúng không?
(3) Tức Tần Hoài, phát âm tiếng Tiều
(4) Tức ông Dương, phát âm tiếng Tiều
(5) Tức Ly Kai
- Phải…
Người đó trỏ cho Ly Kai bậc thang gỗ.
- Lên trên kìa!
Ly Kai theo chiếc thang ọp ẹp lên tầng trên. Tầng trên chia nhiều phòng, cửa đóng kín. Từ trong một phòng, mùi thuốc phiện thơm lừng. Ly Kai gõ cửa.
- Dập lầy!(6) - Một giọng Quảng chưa thật chuẩn vọng ra.
(6) Mời vào!
Ly Kai đẩy cửa. Căn phòng trần thiết khá sang. Trường kỉ khảm xà cừ. Tủ bằng gỗ quý. Giữa phòng đặt bộ phản to, bóng lộn. Một người đàn bà đứng tuổi đang làm thuốc ột người đàn ông – ánh đèn dầu phộng soi bộ mặt nung núc thịt của ông ta.
- Chào xính xáng Doèng…(7) - Ly Kai chào.
(7) Chào Dương tiên sinh!
- Chào xính xáng Ly… - Người đàn ông đáp, tay tiếp dọc tẩu – Xính xáng chờ tôi. Xong điếu nầy, ta nói chuyện.
Ông ta kéo dọc tẩu, tiếng “ro ro” đều đều. Hơi ông rất dài. Khi ngao thuốc biến thành than, ông nằm ngửa, lim dim mắt, từ từ buông làn khói nhẹ… Sau một lúc, chừng như để tận hưởng lạc thú, ông ta ngồi dậy hớp một ngụm trà.
- Xíng xáng không hút? - Người đàn ông hỏi Ly Kai.
- Có, mà không nghiền.
- Làm một điếu à…
- Hẩu!(8)

(8) Tốt thôi!
Ly Kai hút liền hai điếu. Lúc Ly Kai hút, người đàn ông lặng lẽ theo dõi gã.
Hai người ngồi lên tràng kỉ, sau khi người đàn bà dọn mâm hút, ra khỏi phòng. Đèn bật sáng. Chủ nhà vạm vỡ, bụng thật to, vận áo xá xẩu, dáng dấp người Bắc Trung Quốc.
- Tôi có nghe ông Suần nói về ông. Tôi cũng được biết ít nhiều hoạt động của ông trước đây. Ông có giữ đúng lời hứa là không báo cho Trần Kim Tuyến về cuộc gặp mặt giữa ông với tôi?
- Tôi chưa cho ai biết hết!
- Hẩu! Ta có thể bắt đầu trao đổi. Mời ông uống nước!
Tách trà bốc mùi thơm đặc biệt. Ly Kai nhìn hộp trà màu xanh chữ “Hoa Trà” bay bướm, do Tổng công ty lương thực thực phẩm Thượng Hải sản xuất – hàng của Trung Cộng.
- Mà tôi muốn biết rôi gặp ai? – Ly Kai hỏi.
- Ông Suần Quài không nói với ông sao?
- Ông Suần Quài nói tôi sẽ gặp một xính xáng tên là Doèng Choi Hứng… Thế thôi.
- Chưa đủ sao? Nếu ông muốn, thì tôi là Dảng Chái Hiến, nói theo tiếng Bắc Kinh. Kêu theo âm Hán Việt, tôi là Dương Tái Hưng. Còn tiếng Tiều thì Yểu Chại Hêng! Quá đủ rồi, phải không? Hay muốn đọc theo quê Sơn Đông của tôi? – Ông ta cười cười. Ly Kai nhận ra miệng ông cười, nhưng mắt - dưới đôi chân mày rậm – lại như đe dọa.
- Tôi muốn…
Ly Kai ấp úng.

Dương Tái Hưng nghiêm mặt:
- Ông muốn biết tôi là Bắc Kinh hay Đài Bắc, phải không?
Ly Kai gật đầu.
- Có gì quan trọng?
Ly Kai yên lặng.
- Giả tỉ như ông gặp cả hai, được không? Đặc vụ nào cũng là đặc vụ. Ông từng làm cho Bình Xuyên mà lại dính với Trần Kim Tuyến… Chẳng lẽ ông mang hai dòng máu?
- Không, tôi đẻ ở Xán Thầu…
- Vậy, ông chỉ cần nhớ tôi và ông chung một dòng máu. Không phải Việt, không có một chút dính dấp đến Việt! Ông chỉ cần nhớ bấy nhiêu thôi… Từ nay, ông làm việc với tôi. Không phải trực tiếp với tôi đâu mà với ông Loẽng, người ở tầng duới mà ông vừa gặp. Nói trước, tôi chỉ thỉnh thoảng ghé vào đây nên có việc ông cứ báo với ông Loẽng.
Dương Tái Hưng dằn giọng:
- Làm việc cho tôi tức là làm việc với Tổ quốc! Ông hiểu chớ?
Ly Kai gật đầu. Gã chẳng xúc động một chút nào khi nghe hai tiếng “Tổ quốc” kênh kiệu của Dương Tái Hưng, song gã lại thấy lạnh xương sống: Đưa “Tổ quốc” ra phủ đầu, Dương Tái Hưng nhắc khéo gã đừng có lơ mơ, không phải chuyện chơi, không thể “cỏn tài hòa”(9), càng không thể bịp bợm như trong cờ bạc.
(9) Nói dóc.
- Ông sẽ chẳng thiệt thòi gì đâu…
Bây giờ, giọng Dương Tái Hưng dường như êm dịu. Ông ta đứng lên tìm trong giá sách, tập Mao Tuyển.
Ly Kai lạnh lùng:
- Ông định thuyết giáo với tôi về chủ nghĩa Mao sao? Ông vừa nói Bắc Kinh hay Đài Bắc đều không quan trọng mà!
Dương Tái Hưng lật các trang sách:
- Đúng! Đài Bắc hay Bắc Kinh đều giống nhau ở chỗ cả hai xài một thứ giấy thông hành… Nó đây!
Dương Tái Hưng lấy giữa các trang sách mấy tờ đô la Mỹ thứ một trăm đồng.
- Ông cầm lấy! Gọi là trà nước. Tổ quốc không bao giờ bủn xỉn với những người có công. Rồi ông sẽ cho tôi địa chỉ một ngân hàng ở Hồng Kông, hoặc Tân Gia Ba để nhận tiền…
Ly Kai sững sờ nhìn những tờ giấy bạc in hình Tổng thống Mỹ Lincoln. Gã thầm cảm ơn Tần Hoài đã môi giới ột chỗ làm ăn béo bở.
- Cũng được! - Ly Kai vụt quên cái sợ hãi vừa đây thôi, lo chọn một ngân hàng tin cậy ở Hồng Kông.
- Ông nắm được danh sách nhân viên tình báo Bình Xuyên không? Tất nhiên, tôi muốn biết số được Lại Văn Sang để lại. – Dương Tái Hưng hỏi, khi Ly Kai cất cẩn thận số dollar vào túi.
- Có một ít… mà những tay không có vai vế…
Thấy Dương Tái Hưng không vui, Ly Kai xun xoe:
- Mà tôi biết một người nắm nhiều hơn tôi.
- Ai?
- Một cô lai Việt Hoa. Tên cô là Tiểu Phụng, trước làm việc với Lại Văn Sang.
- Ông có thể khai thác cô ta không?
- Khó!... Tôi già ốm quá!
Dương Tái Hưng cười:
- Cần một người trẻ, đẹp trai, sang phải không?
- Đúng! Cần có học nữa. Cô ta nói tiếng Pháp, tiếng Anh đều thạo.
- Không có gì khó… Ông cho địa chỉ của cô ta.
Dương Tái Hưng ghi chú vào quyển sổ tay xong, bảo:
- Ông nắm được danh sách người của bác sĩ Tuyến không?
- Có, mà không nhiều. Hắn kĩ lắm, giao việc cho từng người và từng người báo cáo với hắn.
- Ông có quen ai làm cho tình báo Mỹ không?
- Có một người, và vừa chết. Tướng Trịnh Minh Thế!
- Còn Văn Thành Cao?

- Tôi có gặp. Làm quen với y không khó đâu.
- Hẩu! Ông cố làm quen với Văn Thành Cao… Mà, ông không được hé môi cho Trần Kim Tuyến, Ngô Đình Nhu, hay bất kì ai về chuyện ông với tôi. Bình Xuyên bắn ông không trúng, còn người của tôi, ông lên trời cũng bị lôi xuống… - Dương Tái Hưng nói, giọng lạnh như nước đá.
Ly Kai lại rùng mình.
- Còn một chuyện nữa. – Dương Tái Hưng đưa cho Ly Kai xem một bức ảnh – Ông biết tên nầy?
- Biết, biết! – Ly Kai hấp tấp – Nó là Kĩ sư Nguyễn Thành Luân!
- Hẩu! Cuộc gặp ông bữa nay là vì gã. Ông hãy nói kĩ về gã cho tôi nghe…
*
Cú điện thoại của Tiểu Phụng khiến Luân phân vân. Tiểu Phụng báo với Luân là ngày mai, cô rời Sài Gòn và có lẽ sẽ ở Nam Vang, sau khi về thăm bà con bên Hồng Kông. Ly Kai gặp cô nhưng cô không đồng ý “làm ăn” với gã. Cô muốn gặp Luân: “Có nhiều việc mà em nghĩ là ông sẽ có lợi nếu ông nghe em...” Cô hẹn Luân vào chín giờ đêm tại chỗ ngụ của cô, lầu ba, kế bên vũ trường Côte d’Ivoire, đường Trần Hưng Đạo.
- Chẳng lẽ ông kĩ sư từ chối lần mời đầu tiên mà cũng là cuối cùng của em? – Tiểu Phụng nói tha thiết như vậy trước khi gác máy.
“Đến hay không?” – Luân suy tính mãi. Có thể là bẫy rập, có thể Tiểu Phụng cần gặp anh. Cuối cùng anh tìm Dung.
- Anh không nên đến! – Dung quả quyết – Em không hề có ý nghĩ gì xấu về mối quan hệ giữa anh với Tiểu Phụng. Lần nghe anh thuật chuyện chị ấy với anh, em muốn khóc. Hoàn cảnh của chị đáng thương thật. Song, dù sao, anh cũng không nên gặp. Công việc của anh không cho phép anh mạo hiểm không cần thiết. Em tin chắc là chị đó không gài bẫy hại anh, nhưng ví dụ dây nói của chị ấy có người nghe lén, thì sao?
Luân đồng ý với Dung. Song, anh muốn bảo vệ Tiểu Phụng, nên đề nghị Dung cho nhân viên cảnh sát đến canh nhà Tiểu Phụng vào giờ hẹn.
Dung đoán rất đúng. Nha an ninh quân đội đã ghi băng cuộc nói chuyện của Tiểu Phụng với Luân.
*
Tường thuật báo chí.
“Một vụ án mạng ghê rợn vô cùng bí mật vừa xảy ra tại đường Trần Hưng Đạo, cạnh vũ trường Côte d’ivoire. Ba nạn nhân. Nam là một thanh niên đẹp trai tên Lưu Kỳ Phong. Nữ là Tiểu Phụng, nguyên nữ trợ tá của quân đội Bình Xuyên. Bị thương nặng là thiếu úy Võ Hiếu Thành, tùng sự tại Nha Cảnh sát Nam Việt. Anh bị một vật cứng đánh vào đầu.
Lưu Kỳ Phong chết vì một nhát dao găm xuyên từ lưng ra ngực. Tiểu Phụng bị bóp cổ. Cả hai thân thể lõa lồ… Nhà chức trách đang tiến hành điều tra để tìm hung thủ.”
Tại một quán ăn trong Chợ Lớn
Dương Tái Hưng: Tại sao Lưu Kỳ Phong chết?
Ly Kai: Tôi dặn gã phải cố mời Tiểu Phụng đi chơi… Hôm sau, Tiểu Phụng sẽ đi Hồng Kông bằng chuyến bay của hàng không Pháp. Cần lấy cho được bản danh sách mà Tiểu Phụng nắm. Cô ả không chịu giao cho tôi, dầu tôi hứa tặng cô ả một món tiền lớn như ông dặn. Lưu Kỳ Phong – gã cho tôi biết – có thể làm việc đó mà không mất tiền. Gã và ả đã xem hát chung một lần, gã đưa ả về tận phòng, đã hôn hít… nhưng ả chưa chịu đi quá hơn mức đó. Gã cho là ả làm cao thôi... Gã tin lần sau sẽ thành công. Thế mà cả hai đều chết!
Dương Tái Hưng: Ai giết?
Ly Kai: Rất khó đoán.
Dương Tái Hưng: Tại sao có mặt tên thiếu úy Võ Hiếu Thành tại hiện trường?
Ly Kai: Đó là manh mối! Thành làm việc ở Nha cảnh sát. Vợ chưa cưới của Nguyễn Thành Luân cũng làm việc ở đó, Tiểu Phụng rất thích Nguyễn Thành Luân - ả nhiều lần nói với tôi…
Dương Tái Hưng: Nghĩa là, theo ông, Nguyễn Thành Luân là hung thủ?
Ly Kai: Không! Nguyễn Thành Luân liên quan đến vụ nầy thì là điều chắc chắn. Song, hắn không thể là hung thủ. Hắn không hành động theo cách đó.
… Tại bệnh viện Đô Thành. Võ Hiếu Thành tỉnh dần. Luân nghe anh.
- Được lệnh canh gác nhà cô Tiểu Phụng, tôi đến nơi vào tám giờ rưỡi. Vũ trường vừa mới bắt đầu. Một chiếc Renault 4 đỗ lại. Người lái xe mặc áo thun trắng kiểu thể thao, nhìn qua thì biết là một thanh niên khỏe, nét mặt đẹp kiểu người Hoa. Anh ung dung lên thang gác. Ngại bất trắc, tôi theo anh ta. Cửa phòng cô Tiểu Phụng đóng kín. Anh thanh niên bấm chuông. Tôi nép vào bóng tối và nghe cô Tiểu Phụng nói ra:
- Ông kĩ sư đó phải không?
Anh thanh niên không trả lời, vẫn gõ cửa. Một lúc sau, cô Tiểu Phụng mở cửa. Anh thanh niên bước vào và tôi nghe rõ cô Tiểu Phụng thét:
- Ra, anh đi ra ngay! Tôi sắp có khách…
Tôi rút súng, toan bắn báo động. Nhưng tiếng người thanh niên lại hết sức dịu dàng:
- Anh thương em… Em đừng xua đuổi anh, tội nghiệp!
Vậy, không thể có án mạng. Tôi áp tai vào cửa và nghe hình như họ hôn nhau… Muốn chắc ăn, tôi nhìn qua lỗ khóa. Cô Tiểu Phụng vùng vẫy… Người thanh niên ôm cô – cô trần truồng và người thanh niên cũng thế. Tôi biết không phải chuyện làm tình bình thường nên toan tông cửa... Chẳng rõ kẻ nào nện vào đầu tôi, tôi chỉ còn nhớ là mình bị hất xuống thang…
Tại Nha an ninh quân đội, thiếu tá Vọng và thiếu tá Hùng quanh chai whisky, to nhỏ:
- Đại tá hỏi tao với mầy có lưu dấu vết gì không? - Thiếu tá Hùng nói. - Tao thưa là dầu Ngọc Hoàng thượng đế xuống cũng chịu thua… Mầy đâm thằng con trai thật ngọt!
- Con nhỏ gan quá. Tao dỗ nó, nó cắn tao chớ! Đành phải siết cổ nó… Siết mà tiếc hùi hụi. Mầy nhớ nó nói câu gì không?
- Nhớ chớ! Tao đang lục tủ nó, nghe nó nói: Tao có giữ bản danh sách đó. Tao trao cho người khác!
Khi nói, chòm lông đen trên má thiếu tá Hùng động đậy.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play