P2 - Chương 5
Ngày 4-3, Hộ pháp Phạm Công Tắc họp báo – nghĩa là sau Ngô Đình Diệm hai mươi ngày.
Trong hai mươi ngày đó, nhiều sự kiện được ghi nhận: Quốc hội lâm thời được chính thức loan báo ra đời với hai nhiệm vụ: sửa soạn cho Quốc hội lập hiến và tư vấn cho Chính phủ. Nghị sĩ sẽ do các hội đồng hàng tỉnh, thành phố và đô thành bầu, mỗi nơi từ hai đến bốn người, cộng với một số chỉ định trong các đoàn thể chính trị và tôn giáo. Kí kết thỏa hiệp viện trợ kinh tế của Mỹ lần đầu tiên. Mười tám triệu dollar chuyển trực tiếp đến Chính phủ Việt Nam mà không qua trung gian Pháp. Cơ quan TRIM bắt đầu hoạt động. Nguyễn Giác Ngộ, tướng Hòa Hảo, tuyến bố đưa chín nghìn quân về hợp tác với Chính phủ. Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles tới Sài Gòn. Tổng thống Mỹ Eisenhower gởi điện cho Bảo Đại, cam kết tiếp tục giúp đỡ Việt Nam chống Cộng.
Cũng trong thời gian đó, tình hình quốc tế có hai sự kiện lớn: Khối SEATO, gồm tám nước, lần đầu tiên nhóm họp tại Bangkok; quốc vương Cambot thoái vị, nhường ngôi cho cha là Norodom Suramarit.
*
Cuộc họp báo của Hộ pháp Phạm Công Tắc thu hút tất cả các kí giả báo chí, thông tấn, truyền thanh và truyền hình trong và ngoài nước có mặt ở Sài Gòn. Người ta chịu khó lặn lội lên Tây Ninh bởi vì giấy mời họp báo ghi: Chủ tịch Mặt trận Toàn lực Quốc gia, giáo chủ Phạm Công Tắc, đích thân loan báo chính cương của Mặt trận mà giáo chủ vừa là đấng sáng tạo, vừa là chủ tịch tối cao.
Luân lên Tây Ninh lần thứ hai, với một bảo vệ. Bảo vệ của Luân tên Thạch – cái tên khá phù hợp với dáng dấp của anh ta: vạm vỡ, đen chũi, tuổi xấp xỉ ba mươi. Thạch quê Chợ Gạo, tín đồ đạo Thiên Chúa, có vợ và bốn con. Vợ làm ruộng. Anh ở ngành cảnh sát công lộ. Lí do vào ngành cảnh sát của anh đơn giản: anh trốn cái bót Cao Đài ở Chợ Gạo vét lính, chạy lên Sài Gòn, sống bằng nghề vác lúa ở bến Bình Đông. Cuối năm 1954, Thạch xin vào cảnh sát vì chủ sa thải: Không đủ lúa.
Anh lo gần hai nghìn đồng mới được nhận làm cảnh sát viên. Sau một tháng học, anh lãnh giữ trật tự nơi ngã tư cạnh nhà Luân. Luân để ý đến anh và đề nghị bác sĩ Tuyến tuyển anh. Một tuần lễ qua – Luân biết trong tuần lễ đó, Thạch chịu một cuộc sát hạch chặt chẽ đặc biệt ở Sở nghiên cứu chính trị và chịu thử thách ở Nha Công an Việt Nam. Chính Thạch nói lại, trước hết, người ta điều tra về mối quan hệ giữa Thạch và Luân. Tất nhiên, Thạch chẳng biết Luân là ai, ngoài chi tiết: chủ một villa xinh xắn, thường đi lại bằng một chiếc xe hiệu Opel do một tài xế người Bắc lái. Tại Nha công an, người ta kiểm tra nghề võ của Thạch. Thạch rất khỏe, biết võ Anh, võ Nhật – học vui lúc trẻ - đã vật ngã tất cả các vệ sĩ. Ngô Đình Nhu đích thân gặp Thạch. Nhu không cho Tuyến giao nhiệm vụ cho Thạch.
- Đừng! Tôi đã hứa!
- Ta dặn riêng gã Thạch thôi! - Tuyến vẫn tiếc rẻ.
- Ông nên nhớ: Nguyễn Thành Luân đủ thông minh hiểu ta nhìn anh ta bằng cặp mắt nào. Cứ để gã Thạch đi với anh ta. Không dặn cái gì hết ngoài việc dặn gã lo phận sự thật chu đáo, phải lấy cái đầu đảm bảo cho an toàn của Luân. Còn sau này? Ông không muốn gã tiết lộ những gì, đâu phải là chuyện khó, phải không? Ngay thằng lái xe, chưa chắc ông đã làm chủ được nó. Ông quên Nguyễn Thành Luân là một cán bộ Cộng sản, thừa tài để quyến rũ tất cả...
Luân không thể biết được nội tình Nhu – Tuyến, song anh tin là anh không thể lép trong cuộc đọ trí nầy. Cho nên Thạch trở thành bảo vệ của Luân – do Nha cảnh sát Nam Việt biệt phái. Thạch kê thêm một giường cạnh giường Lục.
Luân cho phép Thạch về quê đón vợ con lên chơi vài hôm. Vợ con Thạch khiến Luân yên tâm. Chị ở xã Thân Cửu Nghĩa, qua chị, Luân biết nhiều cán bộ của ta đang mai phục tại đây.
- Anh nhớ lo cho ông kĩ sư như lo cho anh ruột mình. Người tử tế quá mà!
Đó là lời vợ Thạch dặn chồng khi lên xe – lên chiếc Opel của Luân – về quê.
*
Buổi họp báo phải hoãn vì Hộ pháp bận lễ cầu cơ. Luân bước vào chánh điện cùng với các nhà báo và – đây là nét đặc sắc – có rất nhiều nhân vật chính trị, số đeo quân hàm không ít.
Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp
Lòng nương nhang khói tiếp truyền ra
Mùi hương lư ngọc bay xa,
Kính thành cầu nguyện, Tiên gia chứng lòng
Xin Thượng đế ruổi rong cưỡi hạc
Xuống phàm trần vội gác xe tiên
Ngày nay đệ tử khấn nguyền
Chín tầng trời đất thông truyền chiếu tri
Lòng sở vọng gắn ghi đảo cáo
Nhờ ơn trên bổ báo phước lành...
Những câu gần như ẩn dụ ấy tỏa rộng trong một không gian đầy khói trầm. Phải nói tốp đồng nhi – chủ yếu là nữ thanh – có giọng ngân nga hốt hồn người như các ma trong pho Liêu Trai.
Nữ phóng viên Helen, quần tây, sơ mi ngắn, vai đeo chiếc túi, tay bấm máy lia lịa. Chiếc máy ảnh của cô chợt quay về phía Luân. Một ánh lóe lên. Liền đó, cô phóng viên tiến đến trước mặt Luân, duyên dáng:
- Nếu tôi không lầm, ông là kĩ sư Rôbớt Nguyễn Thành Luân.
Cô bỗng che miệng:
- Xin lỗi ông, tôi phát âm sai, Rôbe(1) Nguyễn Thành Luân...
(1) Fanfani chơi chữ: Rôbớt (âm Mỹ) và Rôbe (âm Pháp) đều chỉ một từ Robert.
Rồi cô chìa tay. Luân khẽ nghiêng đầu:

- Rất hân hạnh, chào cô Helen Fanfani!
- Ô! Ông thật là một con người kinh khủng. Tôi nhớ là chưa gặp ông lần nào... – Helen ngoẹo đầu, mở to đôi mắt.
- Nhưng, tôi lại là độc giả rất trung thành của cô trên tờ Financial Affairs. Bài mới nhất của cô nói về ông Phạm Công Tắc. Chính cô mới thật là kinh khủng!
Helen nhún vai:
- Ông trả đũa tôi, phải không? Cái giá của việc tôi phát âm sai!
- Không đâu! – Luân dí dỏm – Rôbớt hay Rôbe có gì quan trọng? Tôi nói cô kinh khủng là vì tôi dễ dàng phân biệt cô với người khác, còn cô, cô moi được tôi giữa hàng nghìn đồng bào của tôi, thật tài!
Helen ngúng nguẩy:
- Ông không sợ tôi giận sao? Hình như ông nghĩ rằng tôi có mối liên quan với CIA?
Luân cười rộ:
- Trí tưởng tượng của nhà báo bao giờ cũng phong phú!
Helen xìu mặt:
- Ông không thích làm quen với một nhà báo Mỹ?
Luân vẫn không dứt cười:
- Câu hỏi của cô quả đúng là của một nhân vật CIA! Tôi chưa sẵn câu cho trả lời cho toàn bộ câu hỏi, song về một chi tiết của câu hỏi, tôi trả lời được ngay: Tôi thích làm quen với người của Financial Affairs!
Helen giả như ngượng:
- Ông khiến tôi sung sướng quá!
Luân nói luôn, rất nghiêm:
- Tôi không nói theo lối nịnh đầm. Cô khỏi lo. Tôi thích Financial Affairs, vì nói cho cùng, cái gì cũng là tài chính cả… Tiếp xúc với Financial Affairs là tiếp cận nơi quyền lực tối cao của nước Mỹ... Rõ ràng, không phải vô cớ mà Ban biên tập phái cô đến Tây Ninh, nơi chẳng có lấy một bóng dáng nào của vấn đề tiền nong.
Helen nhìn Luân khá lâu.
- Tôi muốn buổi làm quen của chúng ta vui hơn… Ông bằng lòng chứ?
- Tất nhiên! – Luân trở lại giọng vui vẻ.
Bên trong chánh điện, buổi cầu cơ bắt đầu. Người ta làm những động tác như thế nào, không thể nhìn rõ từ bên ngoài. Nhưng, Luân biết là không khí rất trang nghiêm. Tôn giáo Cao Đài khác một số tôn giáo khác ở chỗ mọi việc trần thế, dù nhỏ dù lớn, đều phải do Ngọc Hoàng Thượng Đế xử lí, hoặc trực tiếp, hoặc thông qua đại diện – một vị tiên nào đó. Liên lạc với thế giới vô hình là những đồng tử.
Từ chánh điện, một Lễ Sanh xướng to bốn câu thơ:
Lý đạo nhiệm màu, bớ các con!
Thái bình gởi trọn tấm long son
Bạch cùng Thượng Đế ơn tế độ
Giáng dạy lời răn thế nước non.
Helen lắng nghe, hỏi:
- Bốn câu thơ đó nghĩa là gì?
- Ghép các chữ đầu của bốn câu sẽ là: “Lý Thái Bạch Giáng.” Tức là ông Lý Thái Bạch xuống trần.
- Ông ấy là ai?
- Là nhà thơ lớn đời Đường bên Trung Quốc, ông Lý Bạch. Tôn giáo Cao Đài coi ông ấy là sao Trường Canh. Ông làm nhiệm vụ đại loại như chánh văn phòng của Ngọc Hoàng! Ông chỉ mở đường thôi, chút nữa chính Ngọc Hoàng sẽ có chỉ thị.
Luân nói với giọng rầu rầu.

- Chuyện lớn của một nước mà ông Tắc lại tìm lối ra như thế. Giống chơi sấp ngửa!
Helen nói, thái độ đúng đắn. Luân mỉm cười, chỉ ra hiên chánh điện:
- Không phải như cô nghĩ. Cô xem kia…
Ở hiên, nhiều nhóm người tụ tập, họ trao đổi với nhau thật khẽ. Có De Chauvine, Lại Văn Sang, Văn Thành Cao, Léon Leroy, Hai Ngoán…
- Theo tôi, ông sẽ là người thu lợi nhiều nhất nếu quân giáo phái tấn công ông Diệm! – Helen nhìn qua đám sĩ quan và bảo.
- Cô là người Mỹ… - Luân cau mày.
Helen cướp lời:
- Tôi cam đoan với ông trong tôi, tỉ lệ máu Việt không thể dưới 75%. Còn lại, như họ của tôi, là máu người vùng Địa Trung Hải. Đương nhiên, tôi mang quốc tịch Mỹ... Chỉ quốc tịch thôi. Nationality, only!(2)
(2) Chỉ quốc tịch thôi!
Luân nhún vai:
- Trên thế giới không có quốc gia nào gây rắc rối cho các nhà nhân chủng học bằng nước Mỹ. Huyết thống Mỹ là cái gì? Một câu hỏi chưa có câu trả lời dù là của máy tính điện tử.
Helen láu lỉnh:
- Đấy, ông đã công nhận tôi không có huyết thống Mỹ!
Luân ngó Fanfani, song hình như không chỉ nói với cô:
- Nước Mỹ không cần huyết thống!
Có tiếng xướng to trong chánh điện:
- Cao Đài Tiên ông giáng phàm!
Luân trầm ngâm:
- Cần làm inh bạch quốc tịch của ông Cao Đài Tiên ông này!
- Hiện nay, ông ta quốc tịch Pháp!
- Đúng, - Luân vẫn trầm ngâm – Và, đến một lúc nào đó, ông ấy sẽ đổi quốc tịch. Cho nên tôi nói cô là người Mỹ theo nghĩa đó. Cô nghĩ rằng tôi thích đồng bào tôi chết à? Không! Qua các bài báo của cô, tôi rút ra kết luận là, hơn ai hết, giới tài phiệt Mỹ nóng lòng chờ súng nổ ở Việt Nam…
Fanfani chống chế:
- Tôi là nhà báo…
Luân cười độ lượng:
- Tất nhiên! Người ta sẽ không đăng bài của cô nếu cô viết khác. Tôi hiểu.
- Thế, ông lên Tây Ninh với tư cách gì?
- Tôi là người Việt Nam!
Helen lắc đầu:
- Nước Mỹ không thuần chủng như ông nhận xét. Nhưng, một chữ “tôi là người Việt Nam” sợ rằng quá gọn. Ví dụ, kia...
Helen chỉ nhóm Văn Thành Cao.
- Và, kia...

Cô chỉ Trịnh Minh Thế đang rỉ tai với thiếu tá James Casey.
Rồi, cô quay lại:
- Và, đây!
Cô chỉ vào ngực Luân
- Trong một không gian chưa lấy gì làm rộng, đã có đến ba Việt Nam! Ông nghĩ sao? Công bằng mà xét, ông đơn độc...
Luân điềm đạm bảo Fanfani:
- Cô quan sát chưa kĩ, còn một loại nữa. Đó…
Theo tay Luân, Fanfani thấy Ly Kai đang rảo bước quanh các nhóm.
- Hình như là một người Tàu?
- Phải, huyết thống Tàu, quốc tịch Việt...
- Ông ta thuộc chánh kiến nào?
Luân lắc đầu:
- Cô đến mà hỏi ông ta... – Rồi anh nói tiếp - Tuy vậy, cô nên nhớ họ chỉ là một phía, kể cả rồi họ cấu xé nhau. Phía đó không đông như cô tưởng. Họ sẽ định đoạt cái gì? Trong salông thôi!
- Tôi tôn trọng tín ngưỡng của ông. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong một dịp khác, nếu ông cho phép. Dù sao, tôi cũng cám ơn ông. Ông để trong đầu tôi một ấn tượng sâu sắc về cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này. Có lẽ sắp đến giờ họp báo. Và, ông dự chớ? Chẳng lẽ ông lên Tây Ninh để hành hương?
Helen bắt tay Luân rất chặt. Nhưng đôi mắt đẹp của cô còn ánh lên một cái gì hơn cả cái bắt tay...
- Tôi xin phép đi làm nhiệm vụ. Xin báo trước với ông: Tôi sẽ là cái bóng của ông!
*
Cuộc họp báo hơi lê thê. Hộ pháp không phải là nhà hùng biện. Ông đọc một thôi dài bản tuyên cáo thành lập Mặt trận Toàn lực Quốc gia. Ngoài những lời lẽ phô trương như Mặt trận bao gồm tất cả cá tôn giáo và lực lượng Bình Xuyên, có quân đội trong tay, được dân chúng ủng hộ... v.v... tuyên cáo kết tội Chính phủ và cá nhân Ngô Đình Diệm “thực hiện một chính sách độc tài gia đình trị, thâu tóm quyền hành, phản bội công lao của những người chống Cộng.” Tuyên cáo nêu yêu sách: Một, mở rộng thành phần Chính phủ gồm đủ đại diện các đảng phái, đoàn thể, tôn giáo; hai, trong Chính phủ, các ghế bộ trưởng phải được chia công bằng; ba, Chính phủ công nhận các lực lượng võ trang chống Cộng như là lực lượng quân đội quốc gia, được duy trì hệ thống chỉ huy và phụ trách các địa bàn cũ, được trang cấp và trả lương như quân đội chính quy, chính thức hóa cấp bậc tất cả sĩ quan; bốn, Quốc hội lập hiến phải gồm đủ đại biểu các đảng phái, đoàn thể, tôn giáo với số đại biểu ngang nhau và do các tổ chức đề cử, không được ngụy tạo những người không do các tổ chức đề cử; năm, tôn trọng các thánh địa Tây Ninh, Hòa Hảo, Bình Xuyên, Bình Đại và bộ máy hiện nay; sáu, thực hiện triệt để quyền bình đẳng tôn giáo, đặc biệt ở các tỉnh Tây Ninh, Long Xuyên, Châu Đốc, các quận Cần Giuộc, Nhà Bè, Lấp Vò, các vùng Cái Vồn, Bình Xuyên, Chánh Hưng, Bình Đại, An Hóa,... tỉnh trưởng, quận trưởng, chỉ huy quân sự và Công an phải do bốn phái Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên và UMDC đề cử; bảy, viện trợ quân sự và kinh tế của nước ngoài cho Việt Nam phải được kiểm tra và quản lí chặt; tám, mọi quyết định quan trọng về đối nội và đối ngoại đều phải được Quốc trưởng quyết y, trong khi Quốc trưởng còn chữa bệnh chưa về nước thì Quốc trưởng sẽ cử người thay mặt; chín,...
Đọc xong tuyên cáo, Hộ pháp nói vài lời:
- Bần đạo vốn thích sống ngoài vòng thị phi, nhưng thế nước đảo điên, phía Bắc, giặc Cộng chiếm, phía Nam gia đình họ Ngô chiếm, sanh linh đồ khổ. Nhiều nhà ái quốc mời bần đạo ra tay tế khốn phò nguy, bần đạo năm lần ba lượt khước từ. Song, ai cũng nói, chỉ bần đạo mới đủ sức gánh vác việc trọng hệ đó. Bần đạo kỉnh thành xin Đức Chí Tôn cho giáo huấn, vừa rồi Ngài giáng cơ, dạy bần đạo phải chịu nhọc nhằn một phen mới mong thấy cảnh thái bình – thạnh trị. Vâng ý chỉ của Ngài, bần đạo nhận chức chủ tịch Mặt trận Toàn lực Quốc gia. Vậy có lời nói thêm để hải nội chư quân tử rõ lòng của bần đạo... Bây giờ, vị nào muốn đặt câu hỏi, bần đạo xin mời.
Người hỏi đầu tiên là một phóng viên báo “Người Việt tự do”:
- Đòi hỏi của Mặt trận đặt ra một vấn đề về pháp lí khá nghiêm trọng: đất nước này do ai cai trị? Các giáo phái hay Chính phủ...
- Giáo phái đâu có đòi một mình giữ hết các ghế trong Chính phủ. – Phạm Công Tắc hỏi vặn lại.
- Nhưng nếu đòi hỏi của Mặt trận mà được thỏa mãn thì còn đâu là sự thống nhất quốc gia? Đó là hình ảnh các sứ quân... – Người phóng viên không chịu lép.
- Bần đạo nghĩ như vậy mới công bằng! - Phạm Công Tắc nói buông thõng.
Một phóng viên nước ngoài hỏi:
- Thưa giáo chủ, chúng tôi hiểu rằng giữa Chính phủ của ông Ngô Đình Diệm và các nhóm quân sự trong tôn giáo có bất hòa. Cứ coi như những đòi hỏi của Mặt trận là chính đáng, chúng tôi muốn Mặt trận nói rõ hơn về quan điểm của Mặt trận đối với tương lai của miền Nam – chẳng hạn thể chế dân chủ, đường lối xây dựng kinh tế, chánh sách ngoại giao. Hình như Mặt trận đã không đả động một lời nào về những vấn đề quan trọng hàng đầu đó...
- Sau khi thành lập Chính phủ đoàn kết quốc gia, các vấn đề trên sẽ được đem ra bàn...
Thấy câu trả lời của mình được nhà báo phương Tây tiếp nhận với vẻ thất vọng, Tắc nói thêm:
- Bần đạo có một kế hoạch kinh bang tế thế mười phần hoàn hảo, tiến tới thế giới đại đồng, năm châu chung chợ. Đang dịch kế hoạch đó ra tiếng Anh, Pháp, Nga, Hoa để gửi cho vạn quốc và Hội Quốc Liên, chừng nào xong các vị sẽ rõ...
Helen mở máy ghi âm:
- Thưa giáo chủ; chủ trương của Mặt trận về thống nhất nước Việt Nam như thế nào?
- Nếu ông Ngô Đình Diệm bằng lòng giải quyết các yêu sách của Mặt trận, toàn thể Mặt trận xin tình nguyện đi đầu trong trận Bắc phạt. Bần đạo sẽ mang đạo kì cắm bên kia song Bến Hải! - Tắc trả lời khá hùng hồn.
- Nghĩa là giáo chủ và Mặt trận không tán thành Hiệp định Genève và không muốn thi hành hiệp định đó? – Fanfani hỏi tiếp.
Tắc lưỡng lự. Hình như Bảo đạo Hồ Tấn Khoa – ngồi phía sau Tắc – nhắc khẽ một câu gì đó.
- Bần đạo có một bức thư gửi cho ông Hồ Chí Minh về thống nhất đất nước. Vì là việc quốc gia đại sự, bần đạo chưa tiện cho liệt vị biết hôm nay…
- Xin giáo chủ nói nét tổng quát nhất, không ảnh hưởng gì đến bí mật của bức thư... – Helen kiên trì.
- Thơ dài lắm… Bần đạo nói một ý thôi: bần đạo chủ trương tam đầu chế ở Việt Nam. Ông Hồ, ông Ngô Đình Diệm và bần đạo thành một hội đồng Tổng thống. Ông Hồ đại diện cho Cộng sản, ông Ngôi Đình Diệm cho Quốc gia. Bần đạo xin đóng vai trò trọng tài.

Tắc trả lời, trong giọng pha một chút tự đắc.
- Ai sẽ là chủ tịch Hội đồng Tổng thống đó? – Helen chưa chịu thôi.
- Dĩ nhiên, bần đạo sẽ vì sanh linh mà chịu cực. Chủ tịch Hội đồng Tổng thống phải đủ uy tín…
- Thưa giáo chủ, vậy thì vị trí của ông Bảo Đại ra sao?
Câu hỏi của Fanfani ấn Tắc vào chỗ kẹt. Ông ta quay sang số người khác – rất ít người muốn hỏi.
- Mời các vị…
… Luân ngồi cuối phóng họp, theo dõi. Anh hơi ngả người tựa vào ghế, tay chống cằm. Trước anh, những cây cột Hộ pháp đường bằng xi măng chạm rồng lòe loẹt: Cả một thế giới đồ giả bày ra và người ta quyết theo trò chơi đồ giả tới cùng, kể cả ăn thua bằng máu thật của kẻ khác. Đúng là anh em Ngô Đình Diệm rất thích một kiểu mặt trận như Mặt trận toàn lực này và còn thích hơn vị chủ tịch của nó. Không có trận đánh nào mà họ Ngô ít tốn nhất lại dễ thành công nhất bằng trận đánh đôi bên đang dàn quân, không phải một trận chiến đấu mà toàn bộ trận đánh, và Luân hiểu thuật ngữ “trận đánh” ở giác độ rộng hơn hết: trận đánh chính trị. Không còn cách nào để trì hoãn – giữ tình trạng xung đột âm ỉ như hiện nay càng lâu càng có lợi cho sự giác ngộ của quần chúng, xây dựng lực lượng cách mạng. Một khi cuộc xung đột bùng nổ, nghĩa là Mỹ - Diệm sẽ rảnh tay, con đường của cách mạng thêm gai góc.
Một người nào đến ngồi cạnh Luân. Luân nhìn sang. À, Lại Hữu Tài.
Luân bắt tay Tài, rồi yên lặng.
- Chào ông kĩ sư, ông kĩ sư thấy thế nào?
Luân mỉm cười không trả lời. Tài hỏi với giọng hí hửng.
- Tôi muốn nghe nhận xét của ông kĩ sư về thực lực của chúng tôi!
Luân xoay người, nhìn Tài với đôi mắt thương hại. Tất nhiên, tay quân sư của Bảy Viễn không đủ độ nhạy cảm để đánh giá cái nhìn đó.
- Tôi có cảm giác các ông pousser trop loin(3) mọi thực tế, nhất là sức mạnh của phía các ông. Theo tôi, Thủ tướng mới của Pháp Edgar Faure gần Mỹ hơn Mendes France...
(3) Đẩy quá lố.
Tài ngắt lời Luân:
- Tướng Paul Ely, tôi đã gặp một số lần, rất kiên quyết...
Luân, giọng rầu rầu:
- Tướng Mỹ Collins còn kiên quyết hơn... Các ông dựa vào quân đội các ông... Nhưng, thử hỏi, xét từ chỗ đứng thuần quân sự, một lực lượng dàn mỏng như vậy, nhiều chỉ huy như vậy sẽ đánh chác thế nào? Đối phuơng của các ông có một tổng tham mưu trưởng, các ông có đến ít ra năm người – bốn là của các giáo phái và Bình Xuyên, một là tướng Vỹ. Thật ra, còn đông hơn, có khi, mấy chục...
Tài không phật ý:
- Đây là chiến tranh nhân dân!
Luân suýt phì cười. Tấn tuồng càng về sau càng thêm yếu tố hài. May quá, một nhà báo đang hỏi Phạm Công Tắc một câu – có lẽ là hóc búa hơn hết:
- Thưa giáo chủ, chúng tôi tin vào bốn chữ “Toàn lực quốc gia” mà giáo chủ lấy làm tên ặt trận...
- Không phải chúng tôi đặt tên, tên của mặt trận được Thượng đế ban cho. – Tắc nói rất nghiêm chỉnh – Quý vị nghe bài cơ sau đây thì rõ:
CAO dựng đại kì cứu quốc gia
THIÊN binh quét sạch lũ tà ma
HÒA nhau toàn lực, con cầm lái
BÌNH trị muôn đời hưởng âu ca!
Đức Thượng đế lấy bốn giáo pháo Cao, Thiên, Hòa Bình, làm chủ lực của mặt trận...
- Thưa giáo chủ, cho là Mặt trận ngoài thế lực trần thế còn có thêm sự hỗ trợ của các đấng thiêng liêng, chúng tôi muốn giáo chủ giải thích về trường hợp tướng Trịnh Minh Thế và tướng Nguyễn Giác Ngộ li khai. Họ đã gặp chúng tôi, đã bày tỏ thái độ sát cánh với Chính phủ. Trong bốn lực lượng chủ lực như giáo chủ nói, riêng của đại tá Léon Leroy hình như quá ít ỏi để được coi là đại diện cho phong trào Thiên chúa giáo...
Phạm Công Tắc nổi giận thật sự!
- Bọn phản đạo đó, nhắc tới làm gì!
- Nhưng, thưa giáo chủ, tướng Thế có năm nghìn quân!
- Chúng tôi có tới hai triệu tín đồ!
Cuộc họp báo đột ngột biến thành cuộc đấu khẩu ồn ào.
Luân hỏi Lại Hữu Tài:
- Không phải tôi mà cả thế giới đều thấy. Ông không nhận ra tính cách nguy hiểm của việc đem ảo tưởng chọi với thực tế sao?
Tài im lặng.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play