Gần mười thanh niên, gồm ba nữ, đến nhà Luân một cách đột ngột không hẹn trước, vào một buổi sáng. Vợ chồng Luân sửa soạn đi làm, họ tiếp tại phòng khách. Nhìn qua, vợ chồng Luân đoán ngay họ thuộc lớp “tranh đấu,” có người là sinh viên, có người chắc còn ở các lớp phổ thông.
Mấy năm nay, thành phố rung chuyển vì lớp trẻ học đường, lớp trẻ nói chung, từ nhóm Lê Quang Vịnh, qua Quách Thị Trang, Nguyễn Văn Trỗi và mới đây Lê Văn Ngọc. Tập thể lớp trẻ mở ngay mặt trận chiến đấu nơi nhạy cảm chính trị nhất dẫn đầu, chiếm một mặt bằng thật rộng trên báo chí và nguồn thông tin trong và ngoài nước.
Dung hiểu thật rõ những vụ bắt bớ, tra tấn hàng loạt, do cảnh sát cả Nam Việt thực hiện và hàng mấy trăm người đang bị giam, chờ ngày đi đày. Không ai sẽ được tòa án xét sử vì một lẽ đơn giản: không có lí do để xét xử. Những tuyên bố của cảnh sát về bắt được nơi này lựu đạn, nơi nọ súng lục... hầu hết giả tạo. Chính Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia nhiều lúc phàn nàn: gán ghép kiểu này phe đối lập lật tẩy mà không ai khác phải đưa đầu chịu trận là Tổng nha, dù lệnh từ chỗ khác, chủ yếu là Tổng tư lệnh và Tổng trưởng Nội vụ, tất nhiên, khẩu lệnh. Khá nhiều lần, Dung tranh cãi với Tổng giám đốc – Trần Thanh Bền – Nguyễn Quang Sanh rồi Trần Thanh Bền – về khả năng gây tức giận trong công luận do các hành động trấn áp và lộng quyền của cảnh sát. Lập luận của cô khiến các tay đứng đầu ngành cảnh sát phải suy nghĩ, nhưng nó chỉ có thể gỡ một ít vụ quá xôn xao, còn, như guồng máy phải quay, ngành cảnh sát bổ sung thêm lực lượng dã chiến chống biểu tình, được trang bị mặt nạ, hơi cay và phi tiễn, thành lập thêm các phòng chuyên điều tra học sinh, sinh viên mà phái đoàn cố vấn Mỹ khuyến cáo phải tìm cho ra đầu não của “Liên hiệp học sinh – sinh viên giải phóng khu Sài Gòn – Gia Định,” nòng cốt của Việt Cộng tác động trong các trường học, trước hết, các trường dạy nghề, trường tư thục và một loạt trường đại học, cao đẳng. Những tài liệu mà phái đoàn cố vấn Mỹ cung cấp cho thấy có mối quan hệ giữa các tổ chức “Nhà giáo yêu nước,” “Nghiệp đoàn giáo dục,” “Tổng liên đoàn lao động,” số trí thức gồm cả nhà văn, nhà báo ngày xưa chồng pháp với “Liên hiệp học sinh – sinh viên giải phóng,” với Tổng hội sinh viên, các ban đại diện các trường – những chi nhánh công khai đặt dưới quyền điều khiển của khu đoàn thanh niên nhân dân cách mạng – tức Việt Cộng.
Phái đoàn cố vấn Mỹ thật sự lo lắng sức bật của lớp trẻ. Những ngày đầu, Nguyễn Khánh coi thường “mấy chú học trò.” Nhưng, cú xé Hiến chương Vũng Tàu đã cảnh cáo anh ta cùng bộ sậu quân sự. Điều mà Khánh và cánh võ biền chưa hiểu thì tình báo Mỹ nhìn rõ: tính chất của phong trào học sinh thay đổi từng tháng một. Nếu ngày xưa, học sinh sinh viên và thanh niên nói chung là những tranh cảnh minh họa cho các chính khách mang nhiều lốt áo dấy lên sự chống đối Diệm để giành quyền lực thì từ giữa năm 1964, họ tự chứng mình khả năng độc lập về chính trị, khả năng liên kết với nhau và khả năng liên kết rộng lớn – thậm chí, không trừ tạo ra đồng minh trong thanh niên Mỹ - tuy mục đích còn mơ hồ, nhưng đúng là thế lực đáng sợ, thế lực với cái nghĩa đầy trọng lượng ném lên đòn cân chính trị ở thủ đô và các thành phố lớn nhỏ của Nam Việt. Truyền đơn xuất hiện mỗi ngày một nhiều, rồi nội san in ronéo, rồi hội thảo, rồi xuống đường. Tới nay, chưa có khẩu hiệu chống Mỹ nào công khai trên băng, áp phích là liệt khắp nơi, nhưng đã qua thời kì “đả đảo tàn dư Cần lao,” “đả đảo Thực Phong Cộng” còn khá rầm rộ cách đây vài tháng thôi.
- Các bạn biểu tình tôi? – Luân cười cởi mở, mời họ ngồi.
- Hay với tôi, một nhân viên Tổng nha cảnh sát? – Dung cũng cười.
- Không phải! – Một thanh niên gầy gò, mặt mũi sáng sủa, có vẻ người cầm đầu nhóm, trả lời – Chúng tôi muốn tranh luận với đại tá trước, với bà thiếu tá sau...
- Sẵn sàng! – Luân trở lại thái độ nghiêm chỉnh.
- Chúng tôi hỏi: Tại sao đại tá lại nhận chức phát ngôn viên cho ông Phan Khắc Sửu?
- Việc đó làm các bạn không bằng lòng?
- Tất nhiên! Không bằng lòng và khó hiểu. Một người như đại tá lại làm cái loa ột nhân vật bù nhìn, chúng tôi cố tự giải thích mà không tìm được lời đáp nào thỏa đáng.
Luân nhìn khắp lượt toàn nhóm.
- Tôi rất kính trọng các bạn trẻ... - Luân nói từ tốn – Vừa rồi, các bạn đã hành động như một chiến sĩ chân chính... Xin cho phép tôi hỏi các bạn: Theo các bạn, tôi nên làm gì? Và, trong khi thừa hành “cái loa” như các bạn khinh miệt, tôi phạm sai lầm nào đáng xấu hổ?
Người đại diện của nhóm có vẻ hơi lúng túng trước câu hỏi ngược của Luân. Một nữ - chắc chắn là nữ sinh trung học – đã thay lời bạn:
- Phát ngôn của đại tá chưa có gì gọi là xấu hổ. Cái đáng xấu hổ là việc làm của người phát ngôn.
Giọng cô đầy trách móc.
- Cám ơn cô bạn đã nói thẳng. Song, câu hỏi của tôi chưa được trả lời trọn vẹn... - Luân vẫn một mực ân cần.
- Ông nên làm gì, phải làm gì, không ai thay ông trả lời được. Chính ông, ông biết... - Cô gái vẫn giữ thế tiến công.
- Vì lí do đó mà các bạn đến nhà tôi?

- Đúng một nửa, tức đúng với đại tá... - Một nam thanh niên đeo kính cận trả lời.
- Như thế này, – Luân như tâm sự với người anh tin cậy – Tôi phát ngôn cho ông Sửu, danh nghĩa là Quốc trưởng, mà không phát ngôn cho Chính phủ hay quân đội... Tôi không chọn nghề “ống loa,” người ta mời và tôi nhận. Bởi vì, trong lúc này, theo tôi, là việc làm có thể có được một chút lợi ích nào đó. Một chút thôi. Mọi cái sẽ qua nhanh. Các bạn hiểu chớ?
- Tại sao đại tá không thành lập một đảng chính trị? Chúng tôi cho rằng với tư cách một đảng chính trị, đại tá rộng đường hoạt động hơn... - Người trưởng nhóm nói.
- Đảng chính trị? – Luân cười – Chẳng lẽ các bạn khuyên tôi bỏ “ống loa” cho ông Quốc trưởng bù nhìn để thành thủ lĩnh nhóm xôi thịt? Đảng chính trị, đúng là cần. Nhưng, nó không thể tồn tại giữa Sài Gòn. Một đảng được phép hành nghề của Bộ Nội vụ, các bạn thử tưởng tượng, nó là loại gì? Tôi không thích bị báo chí Sài Gòn gọi là “chánh khứa!”
- Có nhiều loại đảng! Đại tá thành lập một đảng đối lập, công bố đường lối chính trị rõ rệt, tức khắc dân chúng ủng hộ...
- Đường lối sẽ thế nào? - Luân lắc đầu, anh ngó thẳng vào những người đối thoại - Không đường lối nào tốt hơn sự lựa chọn của các bạn. Các bạn đã thấy, khẩu hiệu đòi có một Chính phủ dân sự ra đời, y một trò ảo thuật. Nay mai, sẽ có lập luận: Chính phủ dân sự bất lực, phải tái lập quyền uy của quân đội... Tất cả màn khói ấy nhằm vào cái gì? Các bạn thích bị khoác bộ quân phục, nhét súng vào tay và buộc phải bắn lung tung không? Bắn ai? Ai chết? Quá đủ rồi cái trò “đảng đối lập.” Tôi không chọn con đường, nói trắng ra, là chỉ có lợi cho những kẻ buôn súng và buôn máu... Mọi thứ đều có giới hạn. Chúng ta đang ở chỗ phải phá giới hạn cũ. Nói thật chính xác, nếu những người có nhiệt tâm không phá vỡ giới hạn đó thì thế lực khác cũng phá vỡ nó. Các bạn, tôi tin là đầy nhiệt tâm, nên suy nghĩ chủ động... Các bạn hiểu ý tôi không?
Luân nói tựa như với đồng chí, đồng tâm, mặc dù anh hoàn toàn nói theo thân phận anh cho phép, có thể hiểu bằng nhiều cách – ví dụ trong số này có một tình báo Mỹ hay một gã khiêu khích của phe phái ghi âm lời của anh, cũng vô hại.
- Chúng tôi cám ơn đại tá... Bây giờ, xin được hỏi bà thiếu tá Cảnh sát quốc gia...
Dung cười:
- Xin mời!
- Tại sao bà vẫn tòng sự ở Tổng nha? – Một cô gái hỏi.
- Thế, tôi nên tòng sự ở đâu? Tôi là sĩ quan cảnh sát, đương nhiên tôi phải ở nếu không Tổng nha thì một Nha, một Ty thuộc ngành cảnh sát...
- Bà không thấy bao nhiêu chuyện tàn bạo của cảnh sát sao?
- Vấn đề có lẽ nên đặt thế này: Tôi có tàn bạo không? Bởi vì, các bạn đến đây gặp cá nhân tôi, tôi là phó chủ sự của một Nha của Tổng nha, nhưng tôi không lấy tư cách ấy để nói chuyện với các bạn.
- Chúng tôi biết bà ở Nha công vụ... Nhưng, nếu người ta điều bà sang Nha hoạt vụ chẳng hạn, hay cảnh sát đặc biệt, bà sẽ trở nên tàn ác...
- Ở Nha công vụ, nếu muốn tàn ác, chẳng khó gì. – Dung cười mỉm – Nhưng, vấn đề là phía các bạn, nên hoạt động thế nào để không bị các nhóm hoạt vụ gây phiền toái...
- Nghĩa là bà khuyên chúng tôi xuôi tay? – Một cô gái hỏi gay gắt.
- Tôi không khuyên gì cả. Tôi chỉ nhắc rằng nếu các bạn biểu tình bãi khóa, chiếm trường... thì theo tôi, tùy các bạn. Đừng để những trái lựu đạn – không phải những chai xăng dầu – và khẩu súng ngắn vấy vào các cuộc biểu thị thái độ chính trị.
Dung cố gắng vận dụng lối phân tích về phương châm đấu tranh, cố không dám phiêu lưu quá xa và hi vọng nhóm trẻ này hiểu được.

- Tang chứng của cảnh sát trong vụ đám tang Lê Văn Ngọc là giả tạo! – Một người nói hằn học.
- Đúng, tôi đồng ý. Do đó các bạn bị bắt được thả ngay. Nhưng... - Dung không nói tiếp.
- Nhưng sao? – Một nữ thành niên hỏi, nôn nả.
- Nếu đó là tang chứng thật. - Dung cắn môi – Mọi lẫn lộn đều phải trả giá, đôi khi quá đắt. Tôi chỉ có thể đối thoại với các bạn bấy nhiêu.
Xem đồng hồ, Dung đứng lên:
- Tôi phải đi làm, chào các bạn.
- Bà ấy không hỏi tên bất kì ai trong chúng ta – Một người nói khẽ, song Luân nghe.
*
Tuyên bố của Hội đồng tướng lĩnh:
Từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 12-1964, các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa từ chuẩn tướng và phó đề đốc trở lên, trừ số bận công vụ ngoài nước hoặc không thể rời sở chỉ huy do chiến sự bắt buộc, đã họp hội nghị toàn thể.
Là những quân nhân mang trọng trách giữa thế nước nguy hiểm, Việt Cộng mở rộng hoạt động khắp các vùng cùng với tốc độ gia tăng thâm nhập vũ khí và thực binh của Cộng sản Bắc Việt vào lãnh thổ Nam Việt Cộng hòa các tướng lãnh đã xem xét mọi khía cạnh của đất nước. Đây không phải là cuộc họp do Bộ Tổng tư lệnh triệu tập, nên không liên quan đến vị thế chính thức của từng thành viên có mặt. Hội nghị ghi nhận những ý kiến sau đây:
1. Các tướng lãnh cho rằng việc các tướng lãnh trở về quân đội là để tạo bầu không khí dân sự tốt đẹp ngõ hầu lập một Chính phủ đủ quyền lực và làm tròn sứ mạng chống Cộng.
2. Các tướng lãnh nhắc lại lập trường của mình: ủng hộ một chính quyền dân sự lành mạnh, trung thành với Tổ quốc, kiên quyết chống Cộng, đại diện được cho khối đoàn kết toàn dân, không thiên lệch về một đảng phái nào và cũng không chịu bất kì áp lực nào về đường hướng hoạt động.
3. Các tướng lãnh hi vọng Chính phủ dân sự hiện nay yểm trợ đắc lực cho quân đội trên chiến trường, giữ an toàn ở hậu phương, ngăn ngừa mọi mưu toan quấy rối khiến chiến sĩ không yên tâm hoàn thành nhiệm vụ hoặc phải can thiệp để vãn hồi trật tự hậu phương.
4. Các tướng lãnh đã trao đổi và thống nhất rằng dù dân chủ thực thi đến đâu, vẫn cần phải có một thiết chế riêng của các tướng lãnh bởi quốc gia đang giữa thời chiến. Thiết chế ấy là một Hội đồng quân lực. Danh sách các vị đứng đầu Hội đồng quân lực đang còn trao đổi và sẽ được công bố khi thuận tiện.
5. Các tướng lãnh mong muốn giữa tướng lãnh Việt Nam và Mỹ cùng các nước đồng minh Việt Nam Cộng hòa thường xuyên tiếp xúc trên các bình diện hoạch định hợp đồng chiến thuật, trao đổi kĩ thuật và mong muốn hỗ trợ kiến thức bằng cách tăng thêm số sĩ quan Việt Nam Cộng hòa tu nghiệp và nghiên cứu tại các trường và học viện Mỹ, Trung Hoa Dân quốc, Phi Luật Tân và Đại Mã Lai Á.
Làm tại Đà Lạt ngày 4 tháng 12 năm 1964.

*
Tin tức báo cáo:
Một trận đánh ác liệt gây thương vong khá nặng cho quân lực vùng IV ngày 5-12, tại Tân Lộc. Đây là cuộc chạm trán lớn giữa quân đội Việt Nam Cộng hòa với Tiểu đoàn U Minh 2 của Việt Cộng, thuộc An Xuyên.
Chuẩn tướng Đặng Văn Quang vừa được thăng thiếu tướng và đặc cách phụ trách Tổng ủy trưởng Tổng ủy tính báo Việt Nam Cộng hòa.
Chiến trận gia tăng ác liệt tại An Lão (Bình Định), Tam Kỳ (Quảng Tín). Không quân Việt Nam Cộng hòa can thiệp, thả nhiều bom napan. Chiến sự cũng rộ lên ở Tây Ninh, Định Tường, Vị Thanh.
Mìn nổ một quán rượu mà quân nhân Mỹ thường lui tới ở đường Trần Hưng Đạo, gây thương vong đáng kể.
Thượng tọa Thích Tâm Châu, Viện trưởng Viện hóa đạo kêu gọi tăng ni, Phật tử tránh âm mưu xách động của Việt Cộng, giữ bình tĩnh.
Ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận bị mưa lụt hai mươi nghìn nhà bị nước cuốn đi cùng với năm trăm người.
Luật sư Phan Tân Chức, Tổng trưởng Bộ giáo dục đệ đơn từ chức. Thủ tướng Trần Văn Hương đã cử Giáo sư Nguyễn Văn Trường thay thế.
Thượng Hội đồng quốc gia thăm dò ý kiến một số nhân vật về việc triệu tập quốc dân đại hội.
Một số tướng lĩnh trẻ yết kiến Quốc trưởng Phan Khắc Sửu đề nghị ột số tướng lĩnh già về hưu. Quốc trước hứa sẽ cứu xét.
Quốc trưởng nâng quân hàm trung tướng Dương Văn Minh (đang công du ngoại quốc) và Trung tướng Nguyễn Khánh lên đại tướng.
*
Thông cáo của Hội đồng quân lực:
Theo quyết định của hội nghị Đà Lạt ngày 4-12, một Hội đồng Quân lực Việt Nam Cộng hòa được thành lập với tư cách cố vấn để giúp Tổng tư lệnh thực hiện công bằng trong quân đội.
Hội đồng quân lực cho rằng Thượng hội đồng quốc gia chia rẽ bè phái nghiêm trọng, mua chuộc cả tướng lãnh, làm suy yếu tiềm năng chống Cộng, nên quyết định giải tán Thượng hội đồng. Đất nước không thể bảo tồn được với những phần tử xôi thịt.
Quân lực Việt Nam Cộng hòa, trung thành với mục đích ái quốc và chống Cộng, quyết không thi hành chính sách của ngoại bang nào cả.
Thà thanh bạch trong độc lập còn hơn giàu sang mà tủi nhục trong nô lệ ngoại bang.
Hội đồng quân lực vẫn lưu nhiệm ông Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng và vẫn tín nhiệm Chính phủ do Giáo sư Trần Văn Hương đứng đầu. Hội đồng yêu cầu Chính phủ triệu tập quốc dân đại hội, trong khi chờ đợi, Quốc trưởng giữ quyền lập pháp và quân đội sẽ hòa giải ọi tranh chấp.
Sài Gòn, ngày 20 tháng 12 năm 1964.
Đại tướng Nguyễn Khánh.
*

Thông cáo báo chí:
Hội đồng Quân lực không phải là Hội đồng Quân đội Cách mạng. Sau quyết định tối cần thiết ngày 20-12, Hội đồng trở lại cương vị cố vấn cho Tổng tư lệnh.
Ngày 23 tháng 12 năm 1964.
Bộ Thông tin.
*
Tin các báo:
Mìn nổ dữ dội ở khách sạn Brinsk, gần trụ sở Quốc hội. Khánh sạn Brinsk dành riêng cho quân nhân Mỹ cư ngụ. Thiệt hại được biết là khá nặng. (Các báo Việt ngữ).
Đại tướng Dương Văn Minh từ Đài Bắc trở về Sài Gòn. Đại tướng không tuyên bố gì cả. Cũng không có một nghi lễ đón nào. (Nhật báo Viễn Đông – Tiếng Pháp).
Chiến sự dữ dội tại Bình Giã thuộc Phước Lễ. Việt Cộng tập trung lực lượng khá lớn, đánh vào các đơn vị Quân lực Việt Nam Cộng hòa đang hành quân tảo thanh. Hình như Việt Cộng bố trí sẵn trận địa phục kích và quân đội Việt Nam Cộng hòa gồm bốn tiểu đoàn bộ binh rơi vào bẫy của Việt Cộng. Bộ Tổng tham mưu đã điều lực lượng tiếp viện chưa từng có, đổ bộ bằng trực thăng, tham chiến gồm các tiểu đoàn Dù, Biệt Động quân và Thủy quân lục chiến. Không quân bắn phá cực kì mãnh liệt các khu rừng nghi là có Việt Cộng. Pháo binh tập trung độ cao, bắn hàng vạn quả đại bác vào khu vực thật ra không rộng. Các giới am hiểu quân sự cho rằng đây là trận đụng độ lớn nhất giữa Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Việt Cộng từ khi xứ này rơi vào chiến tranh. Theo các giới am hiểu quân sự, cuộc thử sức này cho thấy khả năng của Việt Cộng đã hình thành lên đến đơn vị trung đoàn và phối thuộc nhiều binh chủng – lực lượng không thể hoài nghi từ Bắc Việt vào mà tuyển chọn tại chỗ.
Chắc chắn Tướng Nguyễn Chí Thanh, nay là nhân vật số một của Việt Cộng ở Nam Việt muốn thể nghiệm quy mô tấn công, không đơn thuần du kích. Người chỉ huy trực tiếp, theo tin tình báo, là Năm Truyện và Sáu Tòng – những cái tên tự nó đã giới thiệu quê quán Nam Bộ của họ.
Tổn thất của quân lực Việt Nam Cộng hòa, cả trực thăng bị bắn rơi, được một số sĩ quan cấp tướng ở Bộ Tổng tham mưu (ông đề nghị giấu tên) đánh giá là “nặng nề hơn bất kì trận đánh nào trước đây.”
Cuộc chiến kéo dài ba đêm ngày. Việt Cộng rút lui khi không còn việc gì để làm nữa, với một số khí tài chiến tranh khá lớn và một số tù binh chưa biết là bao nhiêu.
Chúng tôi xin gặp trung tướng Westmoreland, hỏi về trận Bình Giã. Ông trả lời đầy ngụ ý: một cái nhún vai. (Tin của UPI).
*
TƯỚNG NGUYỄN KHÁNH MUỐN GÌ?
Helen Fanfani (Financial Affairs).
Ngày 25 tháng 12, Tướng Nguyễn Khánh – vừa thêm một ngôi sao trên cầu vai do ông tự gắn cho và để đỡ ngượng, ông gắn luôn cho ông Big Minh mà ông này tỏ thái độ khó chịu khi được gọi là đại tướng, Big Minh chỉ thích cấp trung tướng do chính Tổng thống Ngô Đình Diệm phong cho – đi một đường mà báo địa gọi là “lả lướt” khi tuyên bố với phóng viên báo New York Herald Tribune: Đại tướng Taylor, đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam Cộng hòa đã có những hành vi “khó tưởng tượng” và “không thể chấp nhận,” tức dùng áp lực với Chính phủ Việt Nam Cộng hòa để thay đổi những con người ở các cấp mà hoàn toàn do ông độc đoán chỉ định. Tướng Khánh còn nói: Việt Nam Cộng hòa sẽ mất nếu vị đại sứ Mỹ muốn đóng vai trò viên Thái thú hay Toàn quyền thuở Việt Nam là thuộc Trung Hoa và Pháp. Theo ông Khánh, Mỹ nên “tính việc lớn với những ai có thực lực ở xứ này; ông Taylor không thể buộc dân Nam Việt chịu đựng những nhà lãnh đạo mà họ không muốn.”
Lời tuyên bố của tướng Khánh nhắc chúng ta nhớ những lời tương tự của ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu trước khi hai ông bị trả đũa. Nhưng, ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu lại thuộc lớp người khác. Họ có quan điểm riêng và đúng là họ có thực lực. Ông Khánh nhắc chữ “thực lực” để tự khoe mình trong khi ai cũng biết, ông chẳng có cái gì cả.
Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đã ra một thông báo báo chí trả lời trực tiếp ông Khánh. Đại sứ Taylor chỉ làm theo nhiệm vụ của một đại sứ. Thông báo rất ngắn gọn mà ai cũng thấy giọng khinh bạc quen thuộc của người Mỹ.
Tướng Nguyễn Khánh “làm mình làm mẩy” nhằm mục đích gì? Ở Việt Nam Cộng hòa, không phải là điều tối mật về sự tranh giành chức vị trong hàng tướng lãnh. Ông Khánh, tất nhiên, muốn khẳng định chiếc ghế của ông.
Nhưng, hình như một số người Mỹ nào đó có quyền lực “bật đèn xanh” cho ông Khánh. Ông Khánh muốn gì thì hết sức rõ còn một số người Mỹ bảo trợ cho ông Khánh muốn gì, cái đó còn trong vòng bí ẩn.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play