P8 - Chương 10
Thế là súng đã nổ. Từ khi nhận lãnh nhiệm vụ mới, suốt chín năm, Luân mong chờ hơn ai hết tiếng súng trưa nay. Nó là kết quả tất yếu của một chuỗi nguyên nhân và quá trình mà, trong đó, với mức này hay mức khác, Luân cùng những người hoạt động theo phương thức như Luân – anh biết, không chỉ có anh – góp phần gieo rắc và thúc đẩy.
Lần này sẽ không giống những lần trước kia. Bình Xuyên và giáo phái ồn ào một lúc, mang tính chất khác hẳn. Đối với chế độ Ngô Đình Diệm, đó là “một cuộc khủng hoảng đi lên.” Buôn Mê Thuột, tiếng súng đầu tiên, vang dội thật, nhưng xét cho cùng, không hơn một âm mưu đơn độc, một hành động yêu nước chân chính mà tự phát. Cuộc đảo chính tháng 11-1960, quy mô rộng, vẫn nằm trong vòng hạn chế của chính sách mà Mỹ muốn dọ dẫm. Sự kiện tháng 2-1962, như Luân từng nhận xét, lời cảnh cáo sau chót – dù sao, cũng chỉ là lời cảnh cáo, tuy sản phẩm của Mỹ đồng thời len lỏi ý đồ “thù vặt” của đám Đại Việt.
Còn lần này...
Tâm trạng Luân rối bời. Anh cố giữ bình tĩnh cái bề ngoài tương phản dữ dội với cái bên trong của anh. Linh cảm – không chỉ linh cảm mà bằng vô số chứng cớ và phân tích, kể cả dự kiến của cấp trên – cho Luân thấy một đảo lộn lớn lao sẽ cùng ụp đến với niềm Nam, có thể diễn đạt như vậy, đã bắt đầu, nếu không nói phạm vi tác động có thể trùm cả Việt Nam và cả Đông Dương nữa.
Điều hệ trọng nhất là cách mạng sẽ được những gì? Chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ - ít ra, không còn cái chế độ ấy trong nguyên chất của nó và Luân chưa xác định Mỹ sử dụng Diệm nay mai như thế nào – sự hiển nhiên đó hết còn quan trọng đối với Luân. Cái quan trọng là “sau Diệm.” Cuộc chiến tranh không giảm mà tăng, gần như chưa thấy triển vọng khác. Một đánh đổi có vẻ khắc nghiệt. Tuy nhiên, mọi việc còn lệ thuộc ở chuyển động của chiến trường. Luân hi vọng dù rằng anh hiểu chuyển động mãnh liệt đến mấy vẫn có ranh giới, trừ phi... Cái “trừ phi” thứ nhất, Luân từng nghĩ tới và cũng từng mau chóng gạt bỏ: chưa thể có điều kiện đại quân ta vượt vĩ tuyến 17. Một lần, trong một báo cáo, anh trình bày khả năng tương tự với A.07 và anh nhận một điện trả lời gọn gãy: Hãy thực tế hơn! Đúng, tình hình thế giới những năm 1960 không cho phép một vụ Triều Tiên tái diễn. Trung Quốc ngày nay không như xưa – học thuyết “lấy thịt đè người” của Mao bị chiến tranh Triều Tiên uốn nắn; đường lối đối ngoại của giới cầm quyền Bắc Kinh “sau Triều Tiên” và sau khi nổ ra tranh chấp quan điểm trong phong trào Cộng sản quốc tế đã sang một nguyên tắc quái đản: đổi bạn ra thù và ngược lại. Đường lối ấy đang từng bước hình thành và không còn nghi ngờ gì nữa nó sẽ ngự trị tư tưởng cùng chính sách của Bắc Kinh.
Cái “trừ phi” thứ hai còn là ẩn số. Những người thay Diệm – có thể thay trên nhiều dạng mà chắc chắn thay trên thực quyền – liệu mang lại ít nhiều tích cực hay không? Tức là hạn chế vai trò của Mỹ, tức là thu hẹp chiến tranh? Khó lắm. Luân không thiếu tài liệu về khuynh hướng của những con cờ mà Mỹ đang sử dụng. Mỹ sử dụng tất cả những thế lực nào chống Diệm, mặc kệ xuất xứ. Tỉ lệ thân Pháp trong hạng chóp bu rõ là không thấp, nếu không phải là chủ chốt. Tỉ lệ thân Mỹ - vai vế lép hơn – chủ yếu thuộc nhóm Đại Việt và các nhân viên CIA, nhưng hầu hết nắm thực lực, từ cấp sư đoàn trở xuống. Mỹ lại bố trí được một số tay chân trong Phật giáo và sinh viên. Ngay lực lượng thân Pháp cũng đang “cắn câu.”
Mồi của Mỹ hợp với mọi đối tượng: quốc gia dân tộc, chống độc tài gia đình trị dành cho những người quan tâm thật sự đến thời cuộc; bình đẳng tôn giáo dành cho những người tín ngưỡng; loại bỏ Nhu, Lệ Xuân dành cho những người chưa hết mê tín Diệm; chức vụ dành cho số bị phân biệt đối xử trước đây, đặc biệt số sĩ quan cao cấp do Pháp đào tạo, lợi ích vật chất, nhất là “tự do kinh doanh” cho những ai thèm thuồng các công ty của gia tộc Diệm v.v... Thật khó mà đặt bất kì một hi vọng nào ở số sĩ quan và trí thức thân Pháp – họ thích Pháp hơn Mỹ, đương nhiên rồi, nhưng trước mắt họ tìm trong những cuộc rỉ tai nhiều điều hấp dẫn từ phía Mỹ. Tuyên bố về chính sách trung lập Đông Dương của De Gaulle không kèm theo biện pháp cụ thể - cụ thể về tất cả các mặt: tổ chức, tài chính... và, bao quát hơn cả, họ chống Cộng, chống phong trào giải phóng dân tộc, chống quần chúng – nếu không tất cả thì cũng là xu thế chủ yếu trong họ. Do vậy, lực lượng thân Pháp chính là lực lượng của Mỹ, dù cho rồi đây có thể có phân hóa.
Thế lực yêu nước chưa đủ mạnh. Mặt trận Dân tộc Giải phóng giữ nông thôn, đang vất vả trước “quốc sách Ấp chiến lược.” Quân Giải phóng khó lòng đánh chiếm các thị xã, thị trấn, nếu biến động nội bộ chế độ Sài Gòn không đủ gay gắt và không kéo dài – việc thiết thực nhất là nhân thời cơ mà phá Ấp chiến lược. Nói cách khác, cách mạng chỉ tạo cơ sở và tiền đề mới chứ chưa thể “dứt điểm.” Tiến công vào Sài Gòn gần như không thể đặt ra. Thế lực yêu nước trong quân đội Sài Gòn – trừ một vài trường hợp, phần lớn thuộc quân Bảo an và Tổng đoàn dân vệ trang bị kém. Đội ngũ tướng lĩnh, rõ ràng chưa có ai. Tướng Lâm – hẳn chịu tác động của gia đình đến chừng mực nào đó – lại không có quân, tính khí “bốc đồng.” Về chính trị, không ít nhân sĩ đứng hẳn về cách mạng, song họ chưa tập hợp được quần chúng. Trong Phật giáo, nhiều vị cao tăng yêu nước, chống cả Diệm lẫn Mỹ, nhưng không tác động quyết định đối với phong tráo Phật giáo hiện nay. Số tiến bộ hơn, trong Thiên Chúa giáo mới manh nha. Lực lượng sinh viên, học sinh còn co kéo mà phe Mỹ, phe cơ hội và số mơ hồ lại giữ vai trò chủ đạo. Tổ chức nghiệp đoàn chưa thoát khỏi kìm kẹp của Trần Quốc Bửu.
Toàn cảnh bức tranh hiện lên trong đầu Luân. Anh nôn nả và rồi anh cũng hiểu ra: nôn nả suông chẳng đi tới đâu; không phải bây giờ mà mọi việc sẽ sang tỏ từ ngày mai, ngày kia... Và, anh cân nhắc thân phận anh – một thích nghi mới đang đòi hỏi. Luân chợt cười trong bụng: “Đứa con nuôi của vị giám mục” sắp kết thúc. Cái gì sẽ tới? Những cổ phiếu của John Hing và James Casey thoáng hiện, cùng với hình ảnh Saroyan, Jones Stepp và nhiều thứ...
*
Dinh Gia Long bình thản, khi Diệm sắp sửa lên trực thăng. Nhu ra hiệu và Luân hiểu anh cần liên lạc với Tôn Thất Đính. Điện thoại tại chỗ Đính reo nhưng không ai nhấc máy. Diệm cũng chờ báo cáo của Đính. Chính Diệm phân vân về kế hoạch “Bravo” – Luân đoán như vậy.
Tiếng súng càng lúc càng căng hơn; từ tự tin chuyển sang hoài nghi. Súng nổ căng ở thành Cộng Hòa, nơi một bộ phận Liên binh phòng vệ đang trú đóng. Trong kế hoạch, không ghi tình huống này.
- Gọi Đài phát thanh! – Nhu ra lệnh cộc lốc. Và Luân thực hiện. Đồng hồ chỉ 13 giờ 35.
- A lô! Phủ Tổng thống đây... Ai ở đầu dây đó? Tôi muốn nói chuyện với ông Ngô Trọng Hiếu...
Nhu dán mắt theo dõi Luân. Một nữ nhân viên trả lời:
- Ông Hiếu không thấy ở đây... - Giọng cô run.

Tiếng trả lời của cô nhân viên bị tạp âm – những tràng đại liên mà Luân nghe rõ.
- Việc gì xảy ra ở đài? – Luân hỏi, cố ý cho Nhu nghe.
- Súng bắn vào dữ lắm... Lính bảo vệ đang bắn trả... - Luân lặp lại câu trả lời của cô nhân viên.
- Bảo cho phát băng ghi âm của tôi! – Nhu nói gần như quát.
- Tôi không biết... - Cô nhân viên trả lời.
- Cho tôi nói chuyện với giám đốc đài...
- Vâng, xin chờ một chút...
“Một chút” qua khá lâu.
- Ban giám đốc không ai có mặt cả... - Luân báo với Nhu.
- Hư rồi! – Nhu kêu lên thảng thốt.
Vừa lúc đó, một trái cối rơi ngoài vào Dinh Gia Long, nổ oành. Toán lính thiết giáp – phần lớn sử dụng xe bọc thép loại nhẹ - hốt hoảng nằm bẹp xuống lề đường.
Nhu đến bên máy, giằng ống nói từ tay Luân, quay cho Tôn Thất Đính.
- Alô! Nhu đây... Chào thiếu tướng...
Luân nhận ra những nét dãn trên trán Diệm và mặt tái nhợt của Nhu nhuận máu lại.
- Tình hình thế nào rồi? Sao bắn loạn xạ vậy?
Luân không nghe rõ Đính trả lời với Nhu, nhưng không khó đoán ra qua lời của Nhu:

- Thế à? Tất nhiên chúng không khoanh tay đâu. Phải đánh lui bọn tấn công thành Cộng Hòa và giải tỏa ngay Đài phát thanh... Được, tôi sẽ cho ba xe thiết giáp đang túc trực tại đây đến Đài phát thanh...
Nhu ra hiệu cho Đỗ Thọ, hất cằm về số thiết giáp đỗ ở đường Nguyễn Du. Đỗ Thọ gật đầu, bước ra khỏi phòng.
- Những bọn nào chống lại? – Nhu hỏi. Và anh ta lặp lại lời của Đính; một pháo đội 105 thuộc Tư lệnh pháo binh, tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 4 Thủy quân lục chiến, một vài đại đội thuộc Sư đoàn 5...
- Chỉ có bấy nhiêu thôi? – Nhu vừa hỏi vừa như nhấn mạnh.
- Rứa thì thằng Liên phản! – Diệm buông thỏng câu nói, không hẳn trách cứ mà cũng không hẳn giận dỗi.
- Tốt thôi! – Nhu trả lời, sau khi dặn Đính giữ liên lạc chặt và báo rằng có thể Nhu phái Luân đến trại Lê Văn Duyệt ngay...
- Thiếu tướng Đính chờ anh! – Nhu bảo Luân.
Luân thừa biết Đính chờ anh bằng cái gì.
- Tôi đi? – Luân hỏi.
- Anh đợi một chút... Tiễn Tổng thống đã...
- Anh lên Đà Lạt, mấy đứa nhỏ đang mong. - Nhu nói với Diệm, giọng ôn tồn – Em liên lạc với Huỳnh Hữu Hiền một tí...
Người tiếp xúc với Nhu là Nguyễn Cao Kỳ.
- Đại tá Hiền đâu? Họp? Họp cái gì! Tôi đã bảo... Alô... Alô...
Hình như Kỳ cắt máy.
- Thằng này hỗn! – Tay Nhu lẩy bẩy quay máy. Bây giờ thì chỉ còn tiếng chuông reo mà ai quanh Nhu cũng nghe rõ.

- Ta gọi Đính xem! – Diệm gợi ý.
Luân chờ cái gật đầu của Nhu. Nhưng Nhu đã ném phịch người xuống ghế bành, bóp trán. Có vẻ đôi điều bắt đầu rõ trong đầu óc của Nhu.
Nhu đột ngột đứng lên quay máy:
- Nhu đây. Tôi muốn nói chuyện với Đại tá Lê Quang Tung... Đi họp? Họp ở trại Lê Văn Duyệt?
Một phát đại bác vút qua Dinh Gia Long và nổ, có thể sau Dinh Độc Lập. Nhu đổi số máy.
- Trại Lê Văn Duyệt! Bảo Đại tá Lê Quang Tung đến máy nói chuyện với tôi, Ngô Đình Nhu đây!
Máy lại bị cắt một cách nghiễm nhiên... Đồng hồ chỉ mười bốn giờ. Sự cố đã diễn ra trọn nửa giờ.
- Mở máy thu thanh! – Nhu ra lệnh. Đỗ Thọ mở chiếc máy bán dẫn và tìm làn sóng. Đài Sài Gòn đang phát một bài hành khúc.
- Rà đài Quân đội! – Nhu lại ra lệnh.
Đài quân đội cũng phát một bài hành khúc.
- Gọi bộ đàm cho chiến xa phải giữ cho được Đài phát thanh... - Lệnh của Nhu do Đỗ Thọ thực hiện ngay ở tiền sảnh Dinh Gia Long, với chiếc bộ đàm dã chiến thường dành cho cảnh sát.
- Thưa ông cố vấn, xe tăng của Liên binh phòng vệ bị đánh bật, không vào được Đài... Hay là...
Nhu ngăn Đỗ Thọ:
- Không nên lấy bớt xe tăng bảo vệ ở đây còn ít quá...
Nhu trở lại tư thế khác: “Bravo” đang đánh vào anh em Diệm – Nhu.
Chuông điện thoại reo, Nhu ra hiệu cho Luân tiếp nhận.
- Tôi, Nguyễn Thành Luân đây... Chào trung tướng! Trung tướng cần nói chuyện với ông cố vấn không?... Cả Tổng thống đang có mặt tại đây... Tôi nghĩ là trung tướng nên nói chuyện thẳng với ông cố vấn hoặc Tổng thống... Tất nhiên, tôi có thể báo song sẽ mất thời giờ... Xin trung tướng nhắc lại.
Tôi nghe rõ: Các tướng lĩnh yêu cầu Tổng thống trao quyền ột Hội đồng Quân nhân... Vâng, Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Tổng thống và ông cố vấn rời khỏi Việt Nam... Tôi vẫn giữ ý kiến là trung tướng nên...
Luân nói chưa hết câu máy đã cắt.

- Thằng Đôn? – Nhu hỏi.
Luân gật đầu.
Tiếng động cơ máy bay ầm ĩ trên trời. Dứt khoát không phải là máy bay của Huỳnh Hữu Hiền – tất cả mọi người trong Dinh Gia Long đều hiểu như vậy.
- Ta xuống hầm, hè! – Diệm bảo.
Luân xuống sau cùng, anh có thể quan sát bước thất thểu của Diệm – vẫn chiếc batoong trên tay và chiếc nón phớt trên đầu. Đôi vai của Nhu oằn hẳn.
Gian hầm ngột ngạt – một số thiết bị chưa kịp lắp. Nhân viên văn phòng phải mang vội mấy quạt máy xuống. Diệm ngồi vào bàn, im lặng. Nhu không vào phòng, đi lại ngoài hành lang.
- Tôi xin phép liên lạc với nhà tôi... - Luân hỏi Nhu.
- Phải, tiện thể hỏi tin tức ở Tổng nha... - Nhu cho phép.
Dung tiếp điện thoại, giọng điềm tĩnh. Vào lúc đó, Tổng nha đã bị Thủy quân lục chiến bao vây. Cuộc mặc cả đang diễn ra ngay phòng Tổng giám đốc. “Chắc chẳng có xô xát đâu, anh yên tâm... Em vừa nói chuyện xong với Saroyan và chính Saroyan mời tiểu đoàn trưởng Thủy quân lục chiến đến bên máy; sau đó, viên tiểu đoàn trưởng tươi cười bắt tay em, anh ta bảo em cứ ở Tổng nha, đợi tình hình ổn sẽ về nhà.” Dung cấp thêm một số tin tức: Tới giờ phút này, tham gia đảo chánh là trung đoàn 7 thuộc Sư đoàn 5, đại đội 5 thám báo và tiểu đoàn pháo hỗn hợp cũng của Sư 5; chiến đoàn Vạn Kiếp gồm tiểu đoàn 2, chiến đoàn Thủy quân lục chiến gồm tiểu đoàn 1 và 4. Lực lượng nổ súng đầu tiên là Thủy quân lục chiến – tiểu đoàn 1 từ Vũng Tàu di chuyển về Củ Chi họp với tiểu đoàn 4 rồi lấy thêm một đại đội ở trung tâm Quán Tre, tờ mờ sáng hôm sau kéo qua Bình Dương về Thủ Đức, vì chưa tới giờ hẹn, lại ngược lên Biên Hòa và xuất phát từ Biên Hòa theo xa lộ vào 12 giờ 45 trưa nay.
Nghe Luân thông báo, Diệm không hề có một phản ứng. Nhu nhẩm tính một lúc rồi nói ra lời:
- Chừng ba nghìn quân là cùng... Lê Quang Tung, Hồ Tấn Quyền có thể dẹp được không mấy khó... Nhưng, để phòng xa...
Nhu vào phòng truyền tin, bảo gọi Bùi Đình Đạm, sư trưởng Sư 7. Máy hoạt động và mấy giây sau, một giọng oang oang trong máy:
- Tôi là Nguyễn Hữu Có, phó tư lệnh quân đoàn III đây! Đại tá Bùi Đình Đạm đã ngã về cách mạng, giao quyền chỉ huy Sư đoàn 7 cho tôi... Thời thế đã thay đổi, mong Tổng thống và ông cố vấn hiểu cho để tránh đổ máu vô ích. Sư 7 án ngữ phía Tây, chúng tôi đã tập trung “bắc” về bờ bên này song, Tướng Huỳnh Văn Cao không thể vượt sông lên được...
Nhu bảo tắt máy. Thêm một thất bại nữa. Bây giờ thì Nhu mới hiểu vì sao Tôn Thất Đính đòi sát nhập Sư 7 về quân đoàn III – và cũng hiểu luôn vì sao mật lệnh truy nã Nguyễn Hữu Có giao cho Đính thực hiện không mang lại kết quả.
- Thằng Đính! – Diệm mở miệng và kèm theo một tiếng thở dài não ruột.
Kẻ mà Diệm – Nhu tin đến mức đặt sinh mệnh vào sự bảo trợ của hắn, kẻ đó phản. Đòn tâm lí mạnh đến mức Diệm phải bấu chặt thành ghế, còn Nhu phải tựa lưng vào tường mới khỏi ngã xỉu. Nguyễn Bá Liên phản, Diệm – Nhu thừa nhận như đương nhiên, nhưng với Đính thì không.
- Anh linh tính hơn tôi. – Lúc sau, Nhu thều thào với Luân.
Luân không nỡ nhắc đến Nguyễn Văn Thiệu, người “đồng đạo” mà Nhu đã giải thích với Luân.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play