P8 - Chương 8
Mỹ đào hố dưới chân ông Diệm (Business Week):
Chúng ta - nước Mỹ - sẽ phải hậu thuẫn ột cuộc đảo chính quân sự ở Sài Gòn để chấm dứt chế độ thối nát mà sự kéo dài của nó đồng nghĩa với sự tiêu tốn đôla lẫn uy tín của nước Mỹ một cách ngu xuẩn. Hãy đào hố dưới chân viên Tổng thống hoàn toàn mất cảm giác về tất cả những gì xảy ra quanh ông ta...
Nếu có một người hùng (Washington Post):
Rốt cuộc, nước Mỹ vẫn phải trở lại ngón sở trường của mình là dùng một hoặc một số tướng nào đó trong quân đội Nam Việt để hạ bệ ông Diệm. Hẳn ông Dean Rusk sẵn sàng hỗ trợ, ít nhất, về tinh thần ột cú đấm như vậy. Công việc của “người hùng” Nam Việt sẽ đơn giản vô cùng so với một số “người hùng” mà Mỹ xây dựng ở Nam Mỹ bởi dân chúng đang căm ghét đến độ có thể xẻ thịt ông Diệm đồng thời một số nhà sư khét tiếng chống Cộng cùng một số bộ hạ của họ trong các trường đại học nắm chặt xu hướng này, không để có kẽ hở cho Cộng Sản lợi dụng.
Uy tín Hoa Kỳ sẽ lên cao (Newsweek):
Hạ bệ ông Diệm lúc này là nâng cao uy tín của Tổng thống Kennedy và Hoa Kỳ - những người cứu rỗi Nam Việt thoát ách cai trị gớm ghiếc của một chế độ trở thành thù địch của nhân dân, nhưng liệu rằng hạ bệ ông Diệm, công cuộc chống Cộng đạt hiệu quả cao hơn không? Còn có ý kiến phân vân và có lẽ người phân vân hơn cả là Tổng thống Kennedy.
Báo cáo mật: Người nhận: Cố vấn Ngô Đình Nhu.
Tổng thống Kennedy vừa họp với Ngoại trưởng Dean Rusk và hai thượng nghị sĩ Church và Fulbright. Sức ép của Bộ Ngoại giao và Thượng viện mạnh đòi Kennedy lật đổ Tổng thống ta. Thái độ của đại sứ Bửu Hội rất bất lợi cho Chính phủ ta. Trong số nhân vât Mỹ thù địch Việt Nam Cộng hòa, đáng kể hơn hết là Roger Hilsman, Averell Harriman, Paul M. Kattenburg. Người sau chót nay là giám đốc Việt Nam vụ tại Bộ Ngoại giao, trước đây là sĩ quan tình báo OSS, đã từng dính líu vào bọn phiến loạn chống ta năm 1955. Kí: Hà Như Chi.
Đài tiếng nói Hoa Kỳ (Buổi tiếng Việt): Nhờ bạn mua giùm một chai Whisky tại P.X.
Điện mật. Nơi nhận: Các tỉnh trưởng. Đài tiếng nói Hoa Kỳ vừa phổ biến ám hiệu cho bọn phản loạn hành động phá rối an ninh quốc gia. Lệnh các tỉnh trưởng: a) Theo dõi chặt chẽ tình hình các thế lực từ trước có dấu hiệu bất mãn, đặc biệt các nhà sư. b) Theo dõi động tĩnh các đơn vị quân đội, kể cả quân vùng chiến thuật và tổng trù bị trú đóng tai địa phương, nhất là sự đi lại của các tướng, trong đó, hễ Tướng Nguyễn Hữu Có đến đâu thì phải giám sát và báo cáo ngay. c) Huy động các hiệp hội, thân hào gửi điện công khai ủng hộ Tổng thống, kết án Chính phủ Hoa Kỳ xúi giục đảo chính và cảnh cáo các thế lực tay sai ngoại bang. d) Theo dõi các hoạt động của Việt Cộng về quân sự, chính trị. Điện này chỉ tỉnh trưởng nhận và thi hành. Kí: Ngô Đình Nhu.
Những triệu chứng (Helen Fanfani - Financial Affairs). Tôi học bậc tiểu học ở Sài Gòn. Bài giảng nhập môn về triệu chứng các bệnh, tôi nhớ đoạn tóm tắt bệnh thương hàn như sau: đau đầu, nhức mỏi, rối loạn đường tiêu hóa... Chế độ Sài Gòn đang có các triệu chứng của một bệnh có lẽ nguy hiểm hơn thương hàn. Điều đặc biệt là con bệnh cố gắng để cho tất cả loại vi trùng thêm sức mạnh phá hủy cơ thể đồng thời thầy thuốc thi nhau cho các loại và liều lượng thuốc trái ngược nhau, hình như không vì con bệnh, hoắc có vì con bệnh, nhưng không nhằm cứu chữa.
Ngày 26 tháng 10, tôi có mặt trong buổi Tổng thống Ngô Đình Diệm tiếp các đoàn thể dân chúng Việt Nam. Tôi đã dự nhiều lần tiếp khách nhân lễ Quốc khánh này. Không khí năm nay buồn tẻ và ông Diệm không còn thói quen thịnh nộ khi một cái gì trái ý ông xảy ra. Một bộ trưởng cài nút áo cẩu thả, nếu trước kia, sẽ là cái cớ để ông lên lớp: ông thậm chí không chú ý đến lễ phục của chính ông. Trước giờ tiếp khách độ năm phút, tôi gặp ông lững thững ngoài vườn, trong bộ quần áo màu xám nhạt, tay chống gậy, đội mũ len, giống như ông đi thăm dinh điền, săm soi mấy hòn non bộ nhỏ vừa đắp xong.
Một loạt tướng lĩnh chào ông. Ông hững hờ bắt tay họ và hoàn toàn lơ đễnh khi Tướng Tôn Thất Đính đi giật lùi ra cửa - cử chỉ mà ông rất ưa thích trước kia.
Sau khi nghe các lời chúc tụng - rõ ràng, ông không nghe - ông nói, giọng cực kì ai oán:

- Chế độ này tuy còn nhiều khuyết điểm song còn hơn nhiều chế độ khác. Người ta chê nó là độc tài, nhưng tôi ngại sẽ còn những thứ độc tài khủng khiếp hơn. Với các vị đại biểu cho hội đoàn, tôi nói rõ: Tôi tiến thì theo tôi, tôi lùi thì bắn tôi, tôi chết thì trả thù cho tôi...
Tổng thống Diệm nói bấy nhiêu - một vài bà sụt sịt khóc. Ông nhắc câu nói của một người Âu xưa, nhưng hình như ông nhập thân vào nó.
Buổi tiếp khách quốc nội diễn ra độ nửa giờ. Tôi xuống thềm khi gặp ông Nhu. Ông chào tôi. Tôi kinh ngạc: ông gầy xọp, nét mặt chảy xệ và đen xạm, trông già hẳn. Bỗng nhiên, tất cả gợi cho tôi nhớ bức ảnh to đăng trong số Paris Match tháng 7 năm 1958: Vua Faycal của xứ Irak bị lực lượng đảo chính giết trong cảnh vàng son...
Nhà ngoại giao yêu cầu giấu tên bảo tôi: Một số tướng lĩnh Nam Việt muốn lật đổ ông Diệm nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trả lời lững lờ: “Hoa Kỳ không xúi giục đảo chính, sẽ không ngăn cản sự thay đổi Chính phủ, và sẽ không từ chối viện trợ kinh tế và quân sự cho chế độ mới nếu nó tỏ ra có khả năng tăng cường hiệu quả nỗ lực quân sự, đảm bảo được dân chúng hậu thuẫn để chiến thắng Cộng Sản.” Thật ra, câu trả lời chẳng phải lững lờ chút nào. Nó cho thấy Mỹ nghiêng hẳn về giải pháp thanh toán chế độ ông Diệm sau gần mười năm do dự mãi.
Tổng thống Mỹ dè dặt - ông ngại hậu quả việc thay Diệm không sáng sủa. Chính Tổng thống Mỹ đích thân yêu cầu tờ NewYork Time gọi Haberstam phóng viên thường trú ở Sài Gòn về Mỹ vì ông này nói nhiều đến sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam - điều Kennedy rất muốn tránh từ sau vụ “Vịnh Con Heo” ở Cuba thất bại. Tuy nhiên, chắc chắn Tổng thống Mỹ đang bị thuyết phục.
Ông Diệm hiểu hơn ai hết điều đó. Và, tự ông, đã là một triệu chứng của biến cố mà mọi người, có thể đếm được theo vòng quay của kim đồng hồ...”
Điện mật: Gửi Ngoại trưởng Dean Rush. Mọi cái xấu có thể xảy ra, nhưng sẽ không thể xấu hơn tình hình mà chúng ta đang chứng kiến. Kí: Cabot Lodge.
*
* *
Luân đang ăn sáng. Anh sắp cùng Nhu tiếp phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc thì hai người khác không hẹn cùng đến: thiếu tướng Lâm và Trung tá Nguyễn Thành Động.
- Các anh ăn sáng chưa? - Luân hỏi. Và anh biết liền, họ chưa ăn.
Dung và chị Sáu, mấy phút sau, đã bày phần ăn gồm trứng, thịt nguội cho hai người. Động ăn ngấu nghiến. Anh rời Bến Tre từ bốn giờ sáng.
- Đài Hoa Kỳ “bật đèn xanh” rồi! - Động nói, khi ba người uống cà phê ở phòng khách.
- Anh có cách gì bàn với Nhu giao tôi chỉ huy Liên binh phòng vệ không? - Thiếu tướng Lâm đặt thẳng vấn đề.

Luân lắc đầu:
- Làm sao việc đó xảy ra được! Nhu tin Lê Quang Tung và rất nghi anh.
- Thật là chó đẻ! Lúc này mà chỉ có hai tay không... - Lâm bực dọc.
- Tôi khống chế Bến Tre không khó. Song, chỉ là một tỉnh... Tôi không thích vấy máu ăn phần mà muốn làm cái gì vang dội hơi. Thằng Phụng cũng chỉ được mấy tiểu đoàn ở Kiến Tường. Tôi gợi ý thằng Lê Khánh Nghĩa, nó chết nhát, bảo: đợi cái đã... - Động sôi sục.
- Đại tá biết thằng thiếu úy tên Tường không? - Lâm hỏi.
- Biết...
- Thằng đó là cái chó gì mà nó xộc vô nhà tôi, bảo tôi hợp tác và hợp tác để khử Ngô Đình Nhu... Tôi mà thèm khử Ngô Đình Nhu... Tôi muốn tóm cổ nó giao cho An ninh, song nghĩ chẳng dại giúp thêm cho bọn bồi bếp...
- Thiếu tướng quan hệ với Tôn Thất Đính ra sao? - Luân hỏi.
- Không quan hệ - Lâm lắc đầu quầy quậy... - Không chơi với bọn điếm...
Luân nhìn hai người một lúc.
- Theo tôi, điều cần đối với mọi người có ý muốn tốt vào lúc này là nên nghĩ xem nếu một sự kiện lớn xảy ra xong rồi, có thể làm gì và làm với cái gì... Lúc bấy giờ, chính những người có ý muốn tốt mới thật sự làm chủ công việc. Hiện nay, không phải lúc.
Động không đồng ý ra mặt: “Bây giờ chầu rìa sẽ chầu rìa suốt đời!”
Thiếu tướng Lâm, trái lại, gật đầu: “Tôi phục đại tá! Đúng, tình thế rối như canh hẹ... Đôi khi, vài đơn vị cũng có thể nổi đình nổi đám. Hạ Diệm hết còn là chuyện bí mật - ngoài quán hủ tiếu, nguời ta cũng bàn. Nhưng, sau Diệm? Đúng...”

Thái độ của thiếu tướng Lâm giúp Nguyễn Thành Động bớt bộp chộp - “Có lẽ phải như vậy... Tôi sẽ gặp Trương Tấn Phụng, Lê Khánh Nghĩa...”
- Gặp Phụng thì được, còn Nghĩa có lẽ không nên. Như trung tá nói, Nghĩa nhát... nguy hiểm... - Luân lựa lời.
- Nó nhát, nhưng tụi này bạn thân với nhau.
Hai người khách vừa ra khỏi nhà thì điện thoại reo. Thiếu úy Tường gọi Luân.
- Xin nhắc “phương án Y.” - Giọng Tường trịnh thượng.
- Mọi phương án đều do tôi định - Luân xẵng giọng. Các thứ mà anh và thầy của anh rêu rao chỉ là bọt xà phòng... Anh cần “Phương án Y” lắm phải không, hành động duy nhất chứng tỏ các anh có mặt. Nếu anh có thể thực hiện được thì anh tự làm lấy...
- Tôi nhắc C.7... - Tường lắp bắp.
- Không có C.7! Tôi không thích lối cắn lén hèn nhát.
- Ông sẽ ân hận!
- Anh có muốn ân hận ngay bây giờ không? - Luân gác máy.
*
* *
Bản tường trình những hoạt động của phái đoàn điều tra Liên Hợp Quốc, theo thứ tự thời gian (trích):
- Do văn thư ngày 4-9-1963, đệ lên ông Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc những đại diện thường trực của mười bốn nước: A Phú Hãn, Angieri, Cambot, Tích Lan, Ghine, Ấn độ, Indonesia, Mông Cổ, Nigieria Hồi Quốc, Ruanda (Rwanda), Xiẻa Léon (Sierraleone), Xômali, Trinite (Trinite) và Tôbago (Tobago), về sau có thêm hai nước Mali và Nêpan (Népal) đã xin ghi vào chương trình nghị sự khóa 18 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc một vấn đề mới mệnh danh là “sự vi phạm nhân quyền tại miền Nam Việt Nam.” Văn thư này được phát cho tất cả hội viên của Liên Hiệp Quốc, ngày 9-9-1963. Ngày 13-9-63 một bản giải thích sự việc trên cũng được trao cho tất cả hội viên của tổ chức này.
- Trong phiên họp thứ 1232 ngày 7-10-1963, Đại hội đồng đã xét đến điểm 77 của nghị trình. Sau khi đại diện nước Tích Lan trình bày khái quát vấn đề, ông Chủ tịch Đại hội đồng tuyên bố có nhận được hai văn thư của ông trưởng phái đoàn đặc ủy của Việt Nam Cộng hòa tại Liên Hiệp Quốc và đọc hai văn thứ ấy? Một trong hai văn thư, đề ngày 4-10-63, có lời mới như sau:
“Tôi được lệnh của Chính phủ tôi trao một bức thư mời, qua sự trung gian của Ngài và của ông Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc; một số đại diện các nước hội viên đến viếng Việt Nam trong một ngày gần đây để nhận xét tường tận thực trạng sự giao thiệp giữa Chính phủ và tập đoàn Phật giáo Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam Cộng hòa trân trọng cảm tạ Ngài nếu được Ngài vui lòng giúp đỡ cho sự thành lập phái đoàn quan sát ấy.”
Sau đó, đại diện Côxta Rica (Costa Rica) đề nghị Đại hội đồng nên nhận lời mời nói trên đến tại chỗ quan sát một cách đứng đắn và tỉ mỉ tất cả các dữ kiện sẵn có: ông chủ tịch yêu cầu Đại hội đồng chấp nhận lời đề nghị ấy, với những lời lẽ như sau:
“Tôi yêu cầu Đại hội đồng cho biết có ai phản đối gì về ý kiến của Costa Rica đề nghị, trước khi thảo luận nên chấp nhận lời mời của Chính phủ Cộng hòa Việt Nam cử một phái đoàn gồm một số đại diện của các nước hội viên đến Việt Nam để điều tra sự việc và phúc trình cho đại hội đồng để đại hội đồng bằng vào phúc trình ấy mà xét xử.”
Sau lời tuyên bố của ông chủ tịch, đại diện Liên Xô đề nghị Đại hội đồng nên yêu cầu hai đồng chủ tịch của Hội nghị Geneve năm 1954 nhờ Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến, mở một cuộc điều tra và phúc trình cho hai đồng chủ tịch, để hai vị này phúc trình lại cho Đại hội đồng trước khi khóa họp thứ 18 của Liên Hiệp Quốc bế mạc. Đại biểu Anh quốc đưa ra những nghi ngờ về quyền năng của hai đồng chủ tịch, cũng như của Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến về vấn đề này. Sau hai phát biểu ý kiến trên, đại diện xứ Costa Rica tuyên bố sẽ đệ trình một dự án giải quyết vấn đề này, và yêu cầu ngưng phiên họp. Đề nghị này được tám mươi phiếu tán thành, không một phiếu nào phản đối, năm phiếu trắng.
- Trong phiên họp khoáng đại thứ 1239 của Đại hội đồng, ngày 11-10-63, ông chủ tịch đã tuyên bố như sau:
“Trong phiên họp khoáng đại thứ 1234, tôi đã được đại hội cho phép chấp nhận bức thư đề ngày 4-10-63 trong ấy ông trưởng phái đoàn đặc ủy của Việt Nam Cộng hòa nhân danh Chính phủ ông, mời quý vị đại diện một số nước hội viên sang Việt Nam trong một ngày gần đây. Vì thế, tôi đã cử một phái đoàn gồm quý vị đại diện các nước hội viên: A Phú Hãn, B Tây (Braxin), Tích Lan, Cost Rica, Đahomay (Dahomey), Marốc và Nêpan.
Ông Prazwak, đại sứ A Phú Hãn là trưởng phái đoàn. Nhiệm vụ của phái đoàn, như đã định rõ trong văn thư ngày 4-10- 63, là đến Việt Nam Cộng hòa để nhận xét tại chỗ tình hình của sự liên lạc giữa Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Phật giáo đồ của nước ấy.
Phái đoàn phải lên đường càng sớm cáng hay để bản phúc trình được đệ lên đại hội đồng trong khóa này.”
- Sau khi phái đoàn điều tra của Liên Hợp Quốc tại miền Nam Việt Nam được ông Chủ tịch Đại hội đồng thành lập như trên, ông Tổng thư kí Liên Hợp Quốc đã bổ sung vào phái đoàn những nhân viên của văn phòng sau đây: Chánh thư kí: ông John P.Humphey. Nhân viên báo chí: ông Valieri J.G Stavridi. Phụ tá chánh thư kí: ông Ilban Lutem. Phụ tá chánh thư kí: ông Alain L.Dangeard (nhân viên hành chính và tài chính).
Văn phòng Ủy hội kinh tế tại châu Á và Viễn Đông ở Vọng Các có cung cấp cho phái đoàn một phụ tá, thông dịch viên Việt ngữ, ông The Pha Thay Vilaihongs và một thông dịch viên Anh ngữ và Pháp ngữ, cô G.Bazinet.
Khi đến Sài Gòn, ngày 24-10-63, lúc 0 giờ 30, phái đoàn đã được ông Phạm Đăng Lâm, Tổng thư kí Bộ Ngoại giao và các nhân viên khác trong bộ tiếp đón. Trước sự hiện diện của phóng viên báo chí trong nước và ngoài nước, ông trưởng phái đoàn đã lặp lại đại khái nội dung lời tuyên bố mà ông đã nói trước khi khởi hành. Ông nhắc lại sứ mệnh và dự định của phái đoàn là điều tra tại chỗ, nghe nhân chứng, và thu thập những lời khiếu nại. Sau khi lặp lại lời kêu gọi với các thành phần liên hệ đừng biểu tình, và nói thêm: “Chúng tôi đến đây với ý chí muốn biết rõ sự thật và tường trình các sự việc.”
- Các nhân viên của phái đoàn đến khách sạn Majestic lúc hai giờ sáng. Ông trưởng phái đoàn liền triệu tập ngay một phiên họp của phái đoàn để nghiên cứu dự án chương trình mà Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã đề nghị. Theo dự án này thì phái đoàn ở Sài Gòn ba ngày đầu, rồi đi Vũng Tàu để thăm viếng một ngôi chùa, lên Đà Lạt thăm viếng nhiều ngôi chùa khác, các trường học và các thắng cảnh. Trong chương trình cũng có dự trù thăm viếng chùa chiền và thắng cảnh ở Huế, Phan Rang, Phan Thiết, Ba Xuyên và Vĩnh Bình; ngày cuối cùng sẽ dành cho sự thăm viếng một Ấp chiến lược. Vì thời giờ đã quá khuya, ông trưởng phái đoàn đề nghị nên xem xét chương trình dự trù cho ngày đầu là ngày 24-18-63 mà thôi. Phái đoàn chấp nhận chương trình của ngày đầu là: viếng thăm xã giao ông Bộ trưởng Ngoại giao và ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, yết kiến ông Tổng thống Việt Nam Cộng hòa và dự buổi tiệc do ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ khoản đãi.
- Về các phần sau trong chương trình, phái đoàn ngỏ ý cần có thì giờ xem xét sau. Phái đoàn cũng quyết định tin cho Chính phủ biết phái đoàn không nhận đề nghị của Chính phủ là đài thọ tất cả chi phí tại chỗ của phái đoàn. Nhưng vị đại diện của Chính phủ bảo rằng, vì lí do an ninh, Chính phủ phải đảm nhiệm sự di chuyển của phái đoàn ở trong xứ; phái đoàn đã chấp nhận đề nghị ấy. Nhận thấy khi vừa đến nơi, những chiếc xe hơi chở nhân viên phái đoàn đều cắm quốc kì mỗi nước của nhân viên phái đoàn và quốc kì Việt Nam, ông trưởng phái đoàn yêu cầu tất cả các xe hơi đều chỉ cắm cờ Liên Hợp Quốc, bởi vì mỗi nhân viên của phái đoàn không đại diện cho nước họ mà cho Liên Hợp Quốc. Chính phủ Việt Nam đồng ý là công xa của ông trưởng phái đoàn thì cắm cờ Liên Hợp Quốc và cờ Việt Nam, còn các xe khác thì không cắm cờ gì hết.
- Trong phiên họp sau, ngày 24-10, phái đoàn nghiên cứu chương trình của Chính phủ cho những ngày 25 và 26 tháng 10. Dự án của chương trình ngày thứ hai dự trù một cuộc yết kiến ông Tổng thống, một cuộc hội kiến với ông Ngô Đình Nhu, cố vấn chính trị của Tổng thống và sự viếng thăm ba chùa ở Sài Gòn để hội đàm với những hội viên của các hội Phật giáp. Phái đoàn quyết định chấp thuận chương trình ngày 25-10, nhưng ngỏ ý muốn Chính phủ dời vào ngày cuối của phái đoàn tại Việt Nam, buổi tiếp tân mà Bộ trưởng Bộ Ngoại giao định tổ chức vào tối ngày 25-10. Phái đoàn cũng được Chính phủ mời đến dự chính thức cuộc duyệt binh trong ngày Quốc khánh 26 tháng 10. Phái đoàn quyết định nhận lời mời, vì nghĩ rằng, khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chấp nhận thư mời của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, cũng đã tiên đoán các trường hợp như thế rồi. Nhưng trước khi nhận lời, phái đoàn đã được Chính phủ cam đoan là sẽ không đề cập một điều gì về phái đoàn trong các bài diễn văn đọc hôm ấy.
- Phái đoàn cũng quyết định báo tin cho Chính phủ Việt Nam biết phái đoàn mong muốn hạn chế đến mức tối thiểu các lễ lạt, tiệc tùng và các cuộc du ngoạn. Mặt khác, phái đoàn sẽ ngỏ ý cho các nhân viên Chính phủ mà phái đoàn sẽ tiếp xúc trong hai ngày đầu biết rằng phái đoàn muốn tự sắp đặt lấy cuộc điều tra và chương trình hoạt động của mình.
- Trong buổi hội kiến đầu tiên với phái đoàn, ngày 24-10, ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trong khi nhắc lại lời mời của Chính phủ Việt Nam, có đoạn nhắc với phái đoàn rằng phái đoàn sẽ được hoàn toàn tự do di động và ông hứa sẽ làm những gì ông có thể làm được để giúp đỡ phái đoàn trong nhiệm vụ thu thập sự việc một cách khách quan và vô tư. Ông nói thêm: “Chúng tôi không hoàn toàn; sự hoàn toàn không có trong thế giới này, Chính phủ không hoàn toàn, các bộ trưởng không phải là các vị thánh, nhưng chúng tôi sẽ rất hân hạnh nghe những ý kiến của các Ngài và cố gắng sửa chữa những khuyết điểm của chúng tôi.” Ông trưởng phái đoàn ghi nhận những lời cam kết ấy và sau khi nhắc lại nhiệm vụ của phái đoàn, có cho ông bộ trưởng hay rằng chương trình làm việc của phái đoàn sẽ được trực tiếp giao cho ông hay gián tiếp thông qua trung gian của ông Tổng thư kí Bộ Ngoại giao, người đã được cử làm đại diện của Chính phủ bên cạnh phái đoàn. Trong một cuộc thăm viếng xã giao của phái đoàn cũng trong ngày ấy tại Bộ Nội vụ, ông bộ trưởng cũng nói lại những cam kết và sự hợp tác của Chính phủ, tương tự nhu những lời của ông Bộ trưởng Ngoại giao.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play