Phần 8 - Chương 1
Vòng hoa trước mộ
Giữa tháng chín, Chính phủ Ngô Đình Diệm tung ra một đòn ngoạn mục: chấm dứt tình trạng giới nghiêm trên toàn quốc kể từ mười hai giờ trưa ngày 14. Thoạt nhìn, người ta có thể ngỡ rằng nội tình Việt Nam Cộng hòa đã được ổn định. Tổng thống Ngô Đình Diệm có vẻ lờ mờ về một hiện thực như vậy, trong khi cố vấn Ngô Đình Nhu có một cái nhìn khác hẳn.
Nhu không rời bỏ chủ trương cho nổ ra một cuộc đảo chính giả để quét mọi thế lực chống đối theo kế hoạch mà anh ta đã trao đổi với Luân. Sở dĩ Nhu chưa bật đèn xanh cho Tôn Thất Đính là vì anh ta muốn Tổng ủy tình báo đánh giá thật chặt chẽ khả năng lợi dụng của Việt Cộng một khi Hội đồng cứu quốc do Nhu điều khiển thay cho Chính phủ. Nhu cũng muốn chờ tin tức của Trần Lệ Xuân trong chuyến đi “giải độc,” nhất là tại Mỹ. Theo Nhu, biện pháp cứng rắn của Việt Nam Cộng hòa phải được sự đồng tình của một bộ phận dư luận Mỹ, đặc biệt là thượng nghị viện. Ngày 20-9, khối Á – Phi, với lời lẽ ôn hoà, yêu cầu Việt Nam Cộng hòa trình bày trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vấn đề Phật giáo. Như vậy, bản thân khối Á – Phi cũng không hoàn toàn đồng nhất với kiến nghị do Afghanistan, Nepal và Cambodia đề xuất. Trên tất cả, một vài nguồn tin phần nào khích lệ Nhu: Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn phân hóa, một bộ phận chống Ngô Đình Diệm, một bộ phận ủng hộ. Trước khi rời Việt Nam sang Arabie Seoudite, giáo sư Fishell đã gặp Nhu. Hơn hai tiếng đồng hồ, Nhu và Fishell trao đổi như hai người bạn chí thân, thông cảm và chia sẻ với nhau mọi phấn khởi và lo lắng. Fishell không giấu giếm về sức ép ngày một tăng trong giới cầm quyền Mỹ ột sự thay đổi căn bản ở Nam Việt Nam mà Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu là mục tiêu hàng đầu. Nhưng tay trùm CIA nhấn mạnh rằng Tổng thống Kennedy đủ sáng suốt để thấy Ngô Đình Diệm là nhân vật không thể thay thế được trong sự nghiệp chiến thắng Cộng sản trên bán đảo Đông Dương và là tối cần thiết đối với sự có mặt của mặt tại khu vực Đông Nam Á. Tất nhiên, vấn đề Phật giáo đang gây rầy rà cho Diệm, nếu Chính phủ Việt Nam Cộng hòa xử lí thật gọn vấn đề này thì quả bong bóng chống Diệm sẽ lập tức xẹp xuống – Fishell khuyên nhủ Nhu như vậy. “Xử lí bằng cách nào, tùy các Ngài, miễn là nó không đẻ số. Cách nào cũng phải thật gọn.” Fishell nói thêm. Nhu không hé môi với Fishell về kế hoạch “Bravo” nhưng rõ ràng quan điểm của Fishell phù hợp với quan điểm của Nhu.
Nhu nhận được một điện tín của Trần Lệ Xuân gửi từ Belgrade:
“Hội nghị liên hiệp nghị sĩ thế giới vừa bế mạc. Đại biểu Việt Nam Cộng hòa đã trình bày đầy đủ, với nhiều tài liệu và hình ảnh, về chính sách của Việt Nam Cộng hòa đối với Phật giáo cũng như đối với tín ngưỡng và nhân quyền nói chung. Trừ các phái đoàn Cộng sản và một số nước không Cộng sản bị thông tin xuyên tạc, hầu hết các phái đoàn đại biểu hoan nghênh chính sách của chúng ta cũng như cám ơn đoàn đại biểu chúng ta đã cung cấp cho họ những sự thật không thể chối cãi. Khác với nhận định khi chúng tôi còn ở nhà, vị thế của Việt Nam Cộng hòa không vì vấn đề Phật giáo mà lung lay. Qua hội nghị này, chúng tôi thấy rõ sự cần thiết phải gấp rút “giải độc” dư luận chung trên thế giới. Đề nghị Chính phủ cử thêm nhiều đoàn công cán nước ngoài, nếu được một số nhà sư có tên tuổi trong các đoàn công cán ấy thì rất có lợi...”
Điện tín bổ sung cho cuộc nói chuyện bằng điện thoại giữa Nhu và Lệ Xuân:
- Anh đó hả? Em đây...
- Em khỏe không?
- Khỏe. Rất khỏe! Anh thế nào? Nên nghỉ ngơi, anh nhé. Tình hình sẽ bình thường thôi. Các con thế nào? Anh Tổng thống khỏe không? Gia đình có việc gì mới không?
- Bình thường... Em nhớ tranh thủ thêm nhiều bạn, cân nhắc lời lẽ. Anh mừng thấy việc làm của em thu kết quả tốt. Anh Tổng thống cũng mừng.
- Cân nhắc lời lẽ là thế nào? Không đánh động dư luận một cách mạnh mẽ thì không bịt mồm được bọn nói láo và không tỉnh ngộ được bạn bè. Anh tin là em làm bất cứ việc gì cũng đều suy xét cẩn thận. Ra ngoài em mới thấy lối nhượng bộ của chúng ta là vô cùng tai hại. Em đã điện cho Giáo sư Bửu Hội phải phát hành một kháng thư phản đối việc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mang nội tình của Việt Nam Cộng hòa ra thảo luận... Em sắp bay sang Balê. Có thể gặp Đức cha ở đó, trước khi Đức cha triều kiến Giáo hoàng. Nếu Đức cha đồng ý em sẽ sang La Mã...
- Có nên không?
- Nên. Rất nên! Em và Lệ Thủy sẽ thăm Hy Lạp... Mẹ con em thanh thản như người du lịch.
- Chúc em mạnh, vui... Hôn Lệ Thủy.
- Nếu em chưa về, anh có định sang Pháp không? Em muốn gặp anh, rất nhớ anh. Lệ Thủy nhớ ba lắm.
- Anh chưa định... công việc còn bề bộn quá...
- Vụ “Triangle.”
- ... Anh định nhờ anh Luân lo.
- Được lắm... Thôi, hôn anh nhiều, hôn các con. Kính chào Tổng thống. Thăm gia đình. Anh nói giùm với Thùy Dung: Cô ấy đừng quên điều em dặn tại sân bay... Lệ Thủy đi chơi, nó sẽ tiếc không được nói chuyện với ba...
*
- Tôi bàn với anh một việc tuyệt mật và thượng khẩn... – Nhu bảo Luân vào buổi sáng đầu tháng mười.
Mở đầu trịnh trọng như vậy nhưng Nhu lại không vào đề ngay. Anh ta hớp từng hớp cà phê, mắt dò xét Luân. “Việc gì?” Luân chưa đoán ra. Kế hoạch “Bravo?” Thì Nhu đã lật sấp lật ngửa, thậm chí đã đưa cho Luân đọc bản thông cáo viết sẵn một khi “cuộc đảo chính” do Nhu đạo diễn nổ ra. Hay Nhu định phái anh vào chiến khu gặp “phía bên kia?” Không chắc. Gần đây. Nhu ít trở lại đề tài này, có vẻ anh ta cho rằng con đường thỏa hiệp với Mặt trận Dân tộc Giải phóng mất hết các cơ sở hiện thực. Thế thì việc gì?
Tách cà phê đã cạn, Nhu ngả người rít thuốc.
Đến mười phút trôi qua.
- Tôi suy tính kĩ rồi, chỉ có anh gánh vác nổi việc này. Anh đừng băn khoăn tại sao tôi rào đón và ngập ngừng trước khi nói với anh. Anh còn nhớ một lần, sau vụ Nguyễn Chánh Thi, lúc Nolting mới sang, tôi có trao đổi với anh về tài chính của ta.
Luân nhớ, bấy giờ để trả lời lo lắng của Luân về khả năng dùng áp lực tài chính để bóp cổ chế độ Nam Việt của Tổng thống Diệm, Nhu bảo rằng anh ta “có cách.” “Cách” của Nhu không phải là một khẩu hiệu chính trị. Lúc đó, Luân mơ hồ.
Nhu hỏi Luân, rất nghiêm chỉnh:
- Có khi nào anh nghe nhắc một người thuộc dân đảo Corse, tên Francisci hay không?
- Có, ông ta là trùm buôn nha phiến...
- Đúng rồi... Thế, có khi nào anh nghe nói đến “Tam giác Vàng” không?
- Báo chí thế giới nhắc đến khu vực này không chỉ một lần...
- Công việc mà tôi sắp bàn với anh liên quan đến tên người và tên địa phương đó.
Luân bị bất ngờ. Cái mà Nhu gọi là “tuyệt mật” và “thượng khẩn” lại liên quan đến một tên buôn lậu nha phiến sừng sỏ và khu vực sản xuất khối lượng lớn nhất thứ hàng hóa giết người này.
- Chắc anh phân vân. Chẳng lẽ anh lại xếp tôi vào hạng buôn lậu nha phiến? – Nhu cười.
Luân cố kiềm chế để không nhìn đôi môi bắt đầu thâm của Nhu. Những người chống Nhu rêu rao Nhu nghiện á phiện từ nhiều chục năm, Luân biết không phải như vậy: Nhu mới đánh bạn với á phù dung vài tháng nay, có thể từ sau biến cố Phật giáo ở Huế. Anh ta cần “ngoại viện” cho bộ não thêm hưng phấn trước bao nhiêu là sự cố dồn đập, toàn là sự cố thách thức sự tồn vong của chế độ Nam Việt. Chẳng rõ Trần Lệ Xuân phản ứng cái tật nguy hiểm này ra sao, riêng Luân, đôi lần theo lối thông cảm bạn bè, khuyên Nhu nên tránh hoặc nên bớt hút. Mỗi lần như vậy, Nhu chỉ thở dài. Anh ta thừa hiểu tác hại của mỗi liều á phiện. Nhưng, - Luân đoán – anh ta quá mệt mỏi.
Dù sao, việc mà Nhu sắp giao cho Luân không phải do nhu cầu riêng của Nhu – nó chẳng là bao; vài cân thuốc phiện dự trữ là quá thừa...
- Chính phủ Mỹ giảm viện trợ kinh tế cho chúng ta. Không loại trừ khả năng, đến một lúc nào đó, họ dùng viện trợ để đánh chúng ta một cú quyết định. Tôi không muốn ngã quỵ như một tên ăn xin, khi kẻ cho tiền khóa tủ sắt, chúng ta chỉ còn nước đầu hàng. Những chuyến buôn nha phiến đã giúp chúng ta chống đỡ, từ năm 1962 đến nay. Chúng ta đang cần rất nhiều tiền. Nhưng những cơ sở chế biến heroine đặt ở Bắc Lào nay không còn an toàn vì Pathét Lào mở rộng vùng kiểm soát của họ, tình hình ở Kontum cũng xáo trộn vì bọn Fulro lẫn lực lượng Mặt trận Giải phóng. Cơ sở chính của chúng ta đặt trong khu tam giác Lào – Trung Quốc – Miến Điện. Cần thêm vài đường băng áy bay sử dụng, cần thêm một số máy móc cho xưởng chế biến mở rộng. Anh cũng biết, “Tam giác Vàng” luôn luôn rất an ninh bởi nó là vùng biên giới, thường hứng chịu các cuộc hành quân của nước này hay nước kia – kì thật, lực lượng biên phòng của mỗi nước không nhượng cho ai giữ độc quyền sản xuất heroine. Còn tàn quân của Tưởng Giới Thạch, còn các nhóm li khai và nhất là còn sự can thiệp ráo tiết của tổ chức buôn lậu nha phiến quốc tế mà tổng hành dinh đặt tại Bangkok. Anh cần đến đó một lần để đánh giá khả năng phòng thủ và anh cho tôi biết kế hoạch tăng cường lực lượng vũ trang của chúng ta. Tôi đặt Thiếu tá Nguyễn Thuần dưới quyền anh. Thiếu tá Thuần khá thành thạo vì trước đây anh ta thực hiện chỉ thị của Trần Kim Tuyến. Thuần là người có thể tin cậy được, nhưng cần phải giấu kín với Nguyễn Cao Kỳ... Tôi nói trước với anh: chuyến đi khá nguy hiểm và, tôi chỉ yêu cầu anh mỗi việc nghiên cứu cách bố phòng.
Do đó, thời gian cũng eo hẹp – anh chỉ được tối đa là mười ngày để lập một tờ trình, kể cả ngày đi và ngày về. Mọi chi tiết, thiếu tá Thuần sẽ báo cáo với anh...
“Nguyễn Thuần? À, gã sĩ quan không quân gặp Dung ở biệt điện Buôn Mê Thuột, trước vụ ám sát hụt Ngô Đình Diệm...” - Luân nhớ lại. - “Hình như anh ta gọi điện thoại xin lỗi Dung, nói rằng anh ta ‘làm quen’ sỗ sàng với Dung không do ý riêng mà do ‘một mệnh lệnh’ từ đâu đó...
Thôi được, bây giờ là việc thi hành ý kiến của Nhu... Ta sẽ có lợi gì? Chẳng lẽ chuyển nghề thành ‘nhân viên kinh tài’ cho Diệm – Nhu? Và ‘cách’ Nhu giãy giụa khỏi thòng lọng tài chính của Mỹ là đây!
Còn gã Trần Kim Tuyến nữa, trong các thứ hắn ‘sang sổ’ ình, tuyệt nhiên không nhắc một lời về vụ pha phiến này... Gã lại đang ở Bangkok, tổng hành dinh của các ‘băng’ buôn lậu... Có thể do đó mà Nhu sợ?...”
- Cần chăng một tổ chức như GMCA của Roger Triquier? - Luân hỏi.
GMCA, chữ tắt của Groupe Mobile des Commandos Aeroportés – Nhóm biệt kích không vận cơ động.
- Chà! Anh thông thạo dữ! – Nhu kinh ngạc ngó Luân – Có thể không cần đến mức đó...
- Lúc tôi làm trưởng sở mật vụ kháng chiến, tên tuổi của viên Thiếu tá Roger Trinquier cùng đội biệt kích của y thường xuất hiện trên các bản tin riêng. Y tuyển một lính sơn cước và hoạt động trong phạm vi “xứ Thái tự trị” ở Tây Bắc Việt và Bắc Lào, nơi sản xuất một lượng á phiện đáng kể...
- Tình hình thay đổi, đã thay đổi nhiều! – Nhu thở dài – Hơn mười năm rồi, còn gì! Trinquier vẫy vùng được nhờ địa bàn thuộc quân đội Pháp kiểm soát. Chắc anh thấy rõ, quân đội Pháp chết sống bám Nà Sản, Xiêng Khoảng, Điện Biên Phủ... không đơn thuần vì quan điểm chiến lược. Á phiện giữ một tỉ lệ không nhỏ trong quyết định của người Pháp...
Nhu bộc lộ một luyến tiếc: Khu “Tam giác Vàng” nằm ngoài khả năng khống chế của Chính phủ Sài Gòn. Lúc bấy giờ, đầu những năm 1950 Trinquier thu á phiện sống, thường vào tháng tư, đưa về Vũng Tàu bằng máy bay quân sự. Từ Vũng Tàu, á phiện chuyển thẳng theo đường sông Soài Rạp hoặc đường bộ giao cho Bình Xuyên. Sĩ quan tình báo Savani chịu trách nhiệm kiểm tra các mối phân phối của Bình Xuyên chủ yếu qua Ly Kai và các nhóm người Hoa Chợ Lớn. Riêng Bảy Viễn, hắn có nhiều cơ sở chế biến đặt ngay trung tâm thành phố, tất nhiên ngụy trang với một cái tên nào đó. Thật sự, cả Bảo Đại lẫn Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm đều chia chác với Bảy Viễn, số tiền lên đến hàng trăm nghìn dollar... Sau này, những tên Pháp có máu mặt giành phần với số người Hoa – như Franchini, chủ khách sạn lớn Continetal: á phiện sơ chế hoặc tinh luyện tìm được nơi tiêu thụ quan trọng là các hải cảng trên nước Pháp.
Pháp rút khỏi Đông Dương đồng nghĩa với sự cáo chung của đường dây buôn á phiện so Pháp bảo trợ. Nhu và Tuyến không bỏ lỡ cơ hội Trinquier, Franchini, Bảy Viễn bị tước đoạt mọi thứ và thay vào đó bằng bộ máy: vẫn những người Pháp dày dạn kinh nghiệm thu mua, vận chuyển và chế biến mà xưa kia vốn là đàn em; vẫn những người Hoa đông khách hàng. Francisci và Mã Tuyên nổi lên như “người hùng” của ngành buôn lậu á phiện, bây giờ, do Ngô Đình Nhu bảo trợ.
Tàn dư của Trinquier chưa chịu bó tay. Nhưng Francisci thừa sức cho xộ khám hoặc tán gia bại sản những tên dám léo hánh đến “vương quốc á phiện” của anh ta như Enjahal, Labenski...
- Anh lưu ý thêm sức chở, máy bay hai động cơ chỉ có thể mang non một tấn á phiện sống. Ít quá... Vả lại, từ “Tam giác Vàng” về Sài Gòn, gần hàng nghìn cây số đường bay. Chúng ta bắt buộc phải bay trên không phận Lào đến Hạ Lào mới chuyển hướng sang cao nguyên Trung phần... Không thể không tiếp nhiên liệu ở sân bay Vattay Vientiane, sân bay Savanakhet, sân bay Liên Khương Đà Lạt... Hiện nay, còn có thể thả dù trên vịnh Thái Lan song đường bay khó đảm bảo, dễ lộ bí mật nếu ta dùng Phú Quốc làm trạm. Không thể thả dù ở biển Đông, thả gần bờ thì đụng thuyền đánh cá, thả ngoài khơi thì đụng tàu tuần của Mỹ. Nhất thiết “hàng” phải xuống sân bay Biên Hòa. Đáng tiếc căn cứ Sa Thầy đành đóng cửa nay mai, ta không thể chuyển tải được bằng trực thăng ra vịnh Cam Ranh. Cũng có vài đường băng đón máy bay hai động cơ, nhưng phần lớn của các đồn điền cao su Pháp... Tôi đã nghĩ đến vùng biên giới Nam phần giáp Cambốt đó là một chuyện sắp tới... Gọn hơn hết, ta chiết suất morphine, heroine tại “Tam giác Vàng,” trọng tải nhẹ...
- Francisci liên quan như thế nào với Savani? - Luân hỏi.
- Cho tới bây giờ, không thấy dấu hiệu về sự liên quan đó... Chắc anh ngại Mai Hữu Xuân? Francisci ít về Sài Gòn và tôi có tài liệu về thái độ cay cú của Mai Hữu Xuân với Francisci... Xuân là bạn thân của Franchini.
- Nguyễn Cao Kỳ?
- Hắn từng được ông Tuyến giao vận chuyển “hàng.” Hắn và bạn bè của hắn như Lưu Kim Cương, Nguyễn Ngọc Loan nắm khá sâu công việc... Anh nên cẩn thận.
Nhu căn dặn Luân y như giao cho anh một kế hoạch quan trọng, một chiến dịch cỡ “Bravo” chẳng hạn.
Nhìn đối thủ của mình, Luân man mác trong lòng niềm thương hại: Nhà tư tưởng, nhà chiến lược của triều đình họ Ngô dồn tâm trí ột cái râu ria của đại cuộc, tầm nhìn xa của anh ta chỉ đóng khung trong tuyến buôn lậu nha phiến và khói thuốc phiện quả rất giống lớp sương mù huyễn hoặc Nhu đến độ anh ta thổi phồng những cân bạch phiến lên mức cứu tinh toàn chế độ...
- Giá mà “Tam giác Vàng” nằm ở một nơi như Xuân Lộc! – Nhu nói giọng tiếc rẻ. Luân cho rằng Nhu than thở về sự cách trở đối với nguồn tài chính mà anh ta cần. Nhưng, không phải, bởi Nhu nói tiếp:
- “Tam giác Vàng” ở Xuân Lộc, ở Hớn Quản, ở Bảo Lộc... Chúng ta sẽ xây dựng chiến khu tại một nơi tuyệt vời như vậy!
Luân cố giấu nụ cười mỉa. Nhu dự kiến cả chiến khu, thật trớ trêu, chiến khu mà Nhu tưởng tượng dính dáng với những cây anh túc cho chất nhựa, ru con người những phút lâng lâng quên đời, hoặc – trộn với giấm thanh – đẩy vào cái chết vô phương cứu chữa...
*
AI ĐÃ ĐẨY TỔNG THỐNG KENNEDY VÀO CON ĐƯỜNG BẾ TẮC Ở VIỆT NAM
(Frank Connif – New York American Journal).
Chúng ta đang mắc vào mớ chỉ rối ở Việt Nam và có lẽ đã đến lúc cần xem xét vì đâu chúng ta lại bị sa trong vũng lầy đó.
Tổng thống Kennedy dường như đã bảo đảm cho Bộ Ngoại giao thì hành một kế hoạch để phá hoại một Chính phủ đồng minh đang chiến đấu chống Cộng sản, bằng những mưu kế nửa mùa.
Không một ai đầy đủ lí trí lại dám chê trách gì Tổng thống Kennedy về việc để mất nước Cuba lọt vào tay Cộng sản bởi vì vụ ấy đã xảy ra từ thời Tổng thống Eisenhower với sự góp sức của hệ thống tin tức của nó: tờ New York Times. Cũng trong tình trạng này, sẽ không một ai có thể tha thứ cho Tổng thống Kennedy nếu ông bắt chước những hành động trong thời Eisenhower bằng cách chấp thuận việc lật đổ một Chính phủ đã từng chiến đấu chống Cộng trong chín năm trường như Eisenhower đã bỏ rơi Batista vào lúc nguy nan nhất.
Việt Nam là một món quà của tờ New York Times tặng Tổng thống Kennedy thuộc loại một trái bom chính trị nổ chậm chẳng khác nào trước đây họ tặng Cuba cho Tổng thống Eisenhower.
Hơn nữa, không căn cứ vào những bài tường thuật mà chỉ vào quyết định của những bài bình luận, tờ New York Times đã biến đổi một cuộc tranh chấp chính trị nội bộ thành một cuộc chiến tranh giữa những người Công giáo và những người Phật giáo. Quả thật không cần ai vẽ cho ông Kennedy mới biết về ảnh hưởng chính trị của lời phỏng định hoàn toàn sai lầm đó...
Cần phải nhắc rằng, ngày 8-5-1963, cuộc tranh chấp giữa Tổng thống Ngô Đình Diệm và các tín đồ Phật giáo bùng nổ thì mười ngày sau, Tướng Maxwell Taylor, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn dành cho tập đoàn báo chí Hearst: Tôi có thể nói là cuộc chiến tranh ấy đang diễn tiến khá tốt đẹp; chúng tôi đang đạt được những thắng lợi thật sự, từng tháng một...
Giữa lúc đó thì việc gì đã xảy ra? Tổng hội Phật giáo tiếp tục hoạt động bí mật chống Chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm, gây ra một cuộc tuyên truyền phá hoại mà không một Chính phủ nào có thể tha thứ được trong thời kì chiến tranh.
Bây giờ thì tờ New York Times đòi “triệt hạ” Tổng thống Ngô Đình Diệm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ a dua theo luận điệu đó và Tổng thống Kennedy đã nghe họ. Nhưng chỉ mới đây thôi, chính trị cố vấn quân sự mà Tổng thống Hoa Kỳ tự ý lựa chọn để mạt sát những cố gắng về chiến tranh tại Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Hai thái độ này quả là không ăn khớp với nhau chút nào.
Quan niệm của chúng tôi là:
Nếu có bao giờ cần phải chờ để cho bụi lắng xuống, thì đó chính là lúc mà cuộc tranh chấp giữa Tổng thống Ngô Đình Diệm và Phật giáo đồ trở nên công khai. Chúng ta không biết rõ rệt về những gì đang diễn ra ở Việt Nam thì Tổng thống Kennedy và Bộ Ngoại giao có thể chờ đợi cho đến khi sự thật rõ ràng ra đã. Nhưng thay vì làm như vậy, Chính phủ một lần nữa lại ngoan ngoãn nghe theo lối bình luận của tờ New York Times. Họ sẽ bị gậy ông đập lưng ông!
*
ĐÀI PHÁT THANH AUSTRALIA PHỎNG VẤN TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM
(Do phóng viên phụ trách Đông Nam Á Peter Barnett thực hiện)
HỎI: Những cuộc tranh chấp mới đây (với Phật giáo đồ) có dấu hiệu nào tỏ ra có ảnh hưởng đến tinh hình chính sự của miền Nam Việt Nam hay ảnh hưởng đến tinh thần của các sĩ quan và binh sĩ hiện đang hành quân không?
ĐÁP: Có và không. Có, vì rằng lúc đầu nhờ ở sự ngụy trang hết sức khéo léo, chiến dịch tuyên truyền do một nhóm nhà sư phản loạn phát động đã tạo được đôi chút ảnh hưởng tại một vài thị trấn, phần lớn là trong số các phụ nữ đã đứng tuổi và các thanh niên.
Không, vì càng ngày chiến dịch đó càng mở rộng, những sự bịa đặt quá đáng và những mục tiêu chính trị phản quốc gia ngày càng trở nên rõ rệt và đã gây ra một ảnh hưởng ngược lại, nghĩa là làm cho quân đội căm phẫn và đoàn kết. Sự kiện đó đã đưa tới việc ban hành tình trạng giới nghiêm như ông đã thấy.
Thật là một điều hết sức đáng tiếc là báo chí ngoại quốc đã đóng một vai trò chính yếu đầu độc dư luận thế giới, về “vụ Phật giáo” này. Thật ra vụ Phật giáo có rất ít tính cách Phật giáo và hơn nữa còn đi ngược những quyền lợi cao cả của Phật giáo.