Ông ta chuyển đến Tổng thống Nam Việt lời chào và chúc sức khỏe của Tổng thống Mỹ. Diệm cũng làm như vậy, thêm vài câu chúc tân đại sứ đóng góp hữu hiệu vào mối quan hệ thân hữu giữa hai quốc gia. Điều duy nhất mà Diệm nhắc là ông ta mong Cabot Lodge tận tụy và khách quan như cựu đại sứ Nolting. Đáp lại, cũng là điều duy nhất mà Cabot Lodge gợi ý là Chính phủ Việt Nam Cộng hòa nên “thắt chặt khối đoàn kết quốc dân chung quanh Tổng thống.” Chẳng rõ có phải vì gợi ý của Tổng thống hay không mà mấy hôm sau, báo chí đưa tin Ngô Đình Diệm viếng một ngôi chùa ở Phú Nhuận. Cử chỉ rất tượng trưng này của Diệm lọt thỏm giữa một tràng biến cố ồn ào: Vương quốc Cambốt tuyên bố đoạn giao với Việt Nam Cộng hòa; Vũ Văn Mẫu hành hương sang sứ Phật Ấn Độ, chùa Xá Lợi được giải tỏa nhưng Chính phủ cử một ban quản trị mới thuộc Hội phật học Nam Việt giữ chùa. Tổng trấn Tôn Thất Đính cho biết số học sinh, sinh viên giam ở Quán Tre đã được trả tự do, trừ vài người. Chính phủ hình như quyết định phản công bằng chính trị: Thanh niên, Thanh nữ Cộng hòa biểu tình lớn ủng hộ Chính phủ và Tổng thống; các trường trung học mở cửa lại... Quần chúng vẫn có cách phản ứng: học sinh các trường lớn như Trưng Vương Võ Trường Toản... không chịu đi học.
*
Ngày 2-9, vào buổi chiều, một chiếc xe Ford dừng trước nhà Luân. Xe mang số tư nhân, không có hộ tống. Thạch mở cổng cho Luân đi làm về, vừa thay quần áo, đang đùa với bé Lý và chờ Dung còn ở nơi làm việc. Khách vào nhà, tất cả bốn người – đều là người Mỹ. Ba dừng ngoài sân, một bước nhanh lên bậc thềm. Khách cao quá khổ, mặc bộ tropical xám tro. Khách là tân đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge.
- Xin lỗi đại tá, tôi đường đột đến nhà riêng đại tá mà không xin phép. Tôi không muốn cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta bị nhà báo lợi dụng.
Cabot Lodge chìa tay. Luân hơi bối rối vì bộ quần áo mặc trong nhà của anh.
- Đại tá khỏi thay quần áo. – Cabot Lodge hiểu liền sự bối rối của Luân – Ta nên xem nhau như bạn... Hẳn là bà đại tá đi làm chưa về.
Cabot Lodge không đợi Luân mời, đã ngồi xuống ghế, sau khi vuốt tóc bé Lý:
- Chà, chú bé Lý kháu quá! – Cabot Lodge khen.
“Gã biết về mình khá rõ!” – Luân nghĩ – “Gã biết chắc giờ này mình có ở nhà, Dung chưa về, biết cả thằng bé Lý.”
Chị Sáu mang nước.
- Chào chị Sáu! – Cabot Lodge nói và Luân dịch lại. Chị Sáu ngỡ ngàng buột miệng:
- Vì sao ông đại sứ biết thứ của tôi?
Luân chưa kịp trả lời thì Cabot Lodge đã nói:
- Có phải bà ta ngạc nhiên vì tôi gọi đúng tên của bà ta? Tôi còn biết người mở cổng tên Thạch, quê Chợ Gạo, tức là một vùng quê thuộc châu thổ sông Cửu Long, còn biết bác sĩ Soạn, biết kĩ sư Gustave...
Nói xong Cabot Lodge cười ha hả.
“Ngón đòn phủ đầu đây!” – Luân nhận xét.
Luân hiểu về Cabot Lodge cũng không kém. Anh bắt đầu nghiên cứu về tay chính khách cỡ bự này khi gã xuất hiện trong các cuộc vận động tranh cử bên Mỹ.
Henry Cabot Lodge Jr, sinh ở bang Massachusetts, năm nay sáu mươi mốt tuổi, vợ là Emili Sears, hai con – Georges Cabot và Henry Sears – thuở nhỏ học ở Boston, quê nhà, Tiến sĩ Văn chương Đại học Laval ở Canada, dạy học ở nhiều trường, viết các báo lớn ở Mỹ như Boston Evening Transcrift, New York Heral Tribune, Time, Life, Fortune magazines, Tổng giám đốc Viện nghiên cứu Đại Tây Dương, Thượng nghị sĩ bang Massachusetts, đại diện Mỹ trong Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc từ năm 1953 đến 1960... Tóm lại, một nhân vật nặng kí so với các đại sứ Mỹ tiền nhiệm ở Việt Nam Cộng hòa. Rõ ràng, Kennedy “xuất chủ bài” để đối phó với tình hình đã dấn sâu vào rối loạn ở Sài Gòn. Và, Kennedy cũng ít nhiều có ẩn ý: Cabot Lodge là lãnh tụ Đảng Cộng hòa, thôi thì các anh Cộng hòa ó ré về chính sách của Chính phủ Mỹ thuộc Đảng Dân chủ ở Viễn Đông, mời các anh tự tay giải quyết!
- Chúng ta bắt đầu, được chứ?
Cabot Lodge hỏi, không cần Luân đồng ý, nói luôn:
- Đại tá hãy tìm hiểu sau, hoặc tôi sẽ nói nhờ đâu tôi nắm các chi tiết quanh đại tá... Tướng Collins, đại sứ Rheinardt, Durbrow, và – Cabot Lodge bỗng cười nụ - Tướng Jones Stepp đều dặn tôi: người Việt Nam đầu tiên mà tôi cần gặp ở Sài Gòn là đại tá... Tất nhiên gặp theo cái nghĩa trọn vẹn, chứ tôi đã gặp tại sân bay Tân Sơn Nhất Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, Ngoại trưởng Mẫu – gặp tôi xong, ông Mẫu xuống tóc và tôi phải thanh minh rằng hành động của ông Mẫu không hề liên đới một tí gì với tôi – và đã trình ủy nhiệm thư cho Tổng thống Diệm... Tiện thể, xin báo cáo với đại tá tin vui: tướng Jones Stepp và phu nhân, bà Saroyan ấy mà, sắp sang Sài Gòn...
Luân vui thật. Thế là Saroyan giữ lời hứa. Có Saroyan lúc này, lợi cho công việc của Luân. Cabot Lodge đánh giá vẻ rạng rỡ của Luân theo hướng khác:
- Tướng Jones Stepp quý đại tá, qua phu nhân... Và, mọi quý trọng đều có giới hạn.
Luân không cần cãi lại. Anh hiểu Saroyan hơn là Cabot Lodge. Trong khoảnh khắc, công vụ lùi xuống hàng thứ yếu và Luân xót xa. Saroyan có quyền có một người chồng mà cô ấy yêu, còn việc cô ấy nhận lấy Jones Stepp, tuổi đáng bố cô, thì vì Luân...
- Theo đại tá, tình thế Nam Việt hiện thời ra sao? – Cabot Lodge đi vào trung tâm của cuộc gặp gỡ không hẹn này.
- Xấu... rất xấu! – Luân trả lời gọn.
- Xấu theo nghĩa nào?
- Theo nghĩa, tiềm lực đoàn kết quốc gia bị phá hoại nặng nề, Chính phủ đối địch với dân chúng...
- ... Và tạo cơ hội cho Cộng sản thu thắng lợi? – Cabot Lodge nói xen.
- Hậu quả đó là tất nhiên...
- Đại tá thấy có lối ra không?
- Chỉ thấy có sự phức tạp!
- Đâu đến bi quan như thế? Bác sĩ Trần Kim Tuyến gặp tôi... - Cabot Lodge nhìn chằm chằm vào mặt Luân – Chỉ mười lăm phút thôi, tôi thấy ông Tuyến không bi quan!
- Bi quan hay lạc quan là khái niệm và cảm thụ có thể của từng người, ông Diệm đang lạc quan đấy... Nhưng, trên lợi ích rộng lớn, ai cũng phải đắn đo, nhất là vị đại diện cho nước Mỹ. Có lần, tôi hỏi đại sứ Frederick Rheinardt: liệu người Mỹ định đưa bao nhiêu quân vào Nam Việt?
- Đại sứ Rheinardt trả lời như thế nào?
- Đại sứ lắc đầu.
- Tôi không khác ý đại sứ Frederick Rheinardt. Nếu đại tá nêu câu hỏi như vậy, tôi cũng lắc đầu. Tôi cho là mười tám nghìn người Mỹ ở đây là thừa. Tôi muốn giảm...
- Một nguyện vọng lành mạnh! – Luân kêu lên. - Song thưa đại sứ, chỉ là nguyện vọng. Tôi muốn nhân dịp này xét duyệt, cùng đại sứ, một vài tấm gương. Ta hãy soi gương người Pháp... Được chứ?
- Tốt! Mời đại tá... Người Pháp ở Đông Dương?
- Không! Người Pháp ở Algérie. Bài học Đông Dương mà người Pháp rút ra là: phải có quân số đông hơn đối phương mới hòng chiến thắng. Họ đã nhân lí thuyết của Mao Trạch Đông lên gấp mấy lần – Mao bảo ba đánh một, người Pháp theo công thức mười một đánh một: bảy trăm sáu mươi nghìn, để đè bẹp sáu mươi lăm ngìn quân kháng chiến Algérie. Đánh nhau tám năm, mỗi ngày Pháp tốn 15 triệu franc. Đến hai cuộc phản nghịch trong nội bộ Pháp, rất hiếm đối với các nước văn minh phương Tây. Tướng Salan và Massu dù bị trừng phạt, nước Pháp vẫn lao đao, nền Đệ tứ cộng hòa sụp đổ... Có thể nói là nước Pháp đã thắng bằng quân sự ở Algérie nhưng rồi người Pháp phải ra đi, đi vĩnh viễn...
- Tôi hiểu ý đại tá. Còn tấm gương nào nữa?
- Hy Lạp... Thống chế John Harding của Anh có những bốn vạn quân trong khi cách mạng Hy Lạp chí có ba trăm quân, dưới quyền của Đại tá Grivas...
- Và, người Anh đã thắng!
- Đánh nhau năm năm... Quân số thay đổi, người Anh sắp thua nếu không có ván bài chính trị... Đúng, người Anh đã thắng, nhưng không thắng bằng quân sự... Đáng tuyên dương không phải John Harding, mà cơ quan tình báo Anh!
- Cứ cho đại tá có lí, Nam Việt thì sao?
- Đại sứ đã đọc bài South Vietnam’s international problems(1) đăng trong Pacific Affairs, số tháng 9-1959, của Bernard Fall chưa?
(1) Những vấn đề nội tại của Nam Việt.
- Rất tiếc...
- Giáo sư Bernard Fall do khối SEATO thuê nghiên cứu công trình “Sự thâm nhập của Cộng sản vào khu vực.” Ông ta trình cho SEATO một lô nhận xét, đáng để ý là, Nam Việt đã bị bao vây và chia cắt bởi trong một thời gian ngắn, Cộng sản đã thủ tiêu các nhân viên cai trị của chính quyền Sài Gòn thuộc cấp xã. Phát hiện của Bernard Fall dẫn đến thông điệp liên bang của Tổng thống Kenendy tháng 5-1961 nói cụ thể con số cán bộ xã của Việt Nam Cộng hòa bị loại là bốn nghìn trong một năm và, Ngài đại sứ chắc đã rõ, tướng Taylor sang Việt Nam, tiếp theo, sự can thiệp quy mô lớn của Mỹ. Với sự can thiệp đó, mười nghìn trưởng ấp bị thủ tiêu. Vậy thì, ta cứ làm con toán nhỏ: bảo vệ bốn nghìn viên chức cần mười tám nghìn lính Mỹ, bảo vệ mười nghìn trưởng ấp cần bốn mươi lăm nghìn lính Mỹ. Và ai đoán nổi con số trưởng ấp sẽ bị loại lên đến bao nhiêu? Cái cớ thì đơn thuần tưởng tượng, còn biện pháp thì hao tốn khôn lường...
- Chúng ta dễ dàng nhất trí với nhau. Cho nên tôi đã gặp Bác sĩ Trần Kim Tuyến.
“Gã mật vụ này thổ lộ cái gì với Cabot Lodge?” Luân huy động tất cả mọi thứ mà anh có: phản xạ, ấn tượng, bộ nhớ...
- Bác sĩ có đến từ giã tôi... - Luân tự chọn được phương pháp.
- Tôi biết... Bác sĩ Tuyến thông báo với tôi về cuộc gặp gỡ đó, và khuyên nên sớm làm quen với đại tá. Theo bác sĩ Tuyến, lối thoát ở Nam Việt dính dáng – không phải dính dáng mà tùy thuộc đại tá... - Cabot Lodge nói rất nghiêm chỉnh.
Luân vụt cười to:
- Ông Tuyến thổi phồng tôi đến nổ tung mất! Tôi là cái gì để xoay chuyển tình thế?
- Đại tá Luân, ông đừng cười! Ảnh hưởng của ông đối với ông Diệm thật quan trọng. Tôi muốn ông giải bày cặn kẽ các mặt lợi hại cho ông Diệm nghe. Ông bà Nhu nên rời Việt Nam. Chỉ bấy nhiêu thôi, chúng tôi lãnh phần thu xếp với Phật giáo. Đừng để quá muộn. Đừng để phong trào Phật giáo vượt khỏi khuôn viên nhà chùa, đừng để đám thanh niên quá khích – không thể không chú ý một bộ phận của đám này chịu tác động của Cộng sản – chiếm mặt bằng của phong trào... Nếu cần một sức ép, tôi xin hứa với đại tá. Ông Tuyến dự định một kế hoạch, tôi không phản đối...
Thế là Luân yên tâm. Tuyến không hé với Cabot Lodge những điều gã thì thầm vào tai Luân.
- Tôi thử cố gắng... Tuy nhiên, tôi không hi vọng.
- Cứ cố gắng! Ông Diệm cần hiểu Chính phủ Mỹ làm mọi việc để tránh cho ông ta một thảm cảnh. Phần đại tá, chúng ta còn tiếp xúc nhiều lần. Những ngày sắp tới không nhẹ nhàng với đại tá.
Cabot Lodge cho số điện thoại riêng.
- Đại tá gọi, tôi sẽ đích thân nói chuyện với đại tá. Chỉ có tôi thôi!
Cabot Lodge ra về. Luân tiễn khách xong, thay quần áo, dặn chị Sáu bảo Dung ăn cơm trước, hôn thằng Lý rồi lên xe vào Phủ Tổng thống.
“Mỹ vẫn còn do dự!” - Luân kết luận – “Phải sửa soạn hết sức đề kháng từ phía Diệm. Sức đề kháng mạnh, kéo dài đến đâu, cách mạng khai thác thời cơ thuận lợi đến đó...”
*
Nhu tiếp Luân lạnh nhạt. Luân làm vẻ chẳng để ý đến sự cư xử khác thường của Nhu. Anh quyết định thuật tỉ mỉ cuộc nói chuyện với Cabot Lodge, trừ phần liên quan đến Trần Kim Tuyến. Nhu cau mày và sau đó, đưa Luân vào phòng làm việc của Diệm.
Diệm phờ phạc hẳn. Ông ta bắt tay Luân hời hợt rồi lặng lẽ nghe Nhu. Nhu thuật khá đủ, Luân khỏi báo cáo thêm.
- Chi mà thảm họa? – Diệm nổi nóng – Thằng ni chẳng am tường tình hình, lại quen phách lối, lãnh tụ Đảng Cộng hòa mà như rứa!
Nhu và Luân chào Diệm, sang phòng Nhu:
- Tổng thống dạo này hay cáu gắt... Việc nước rối rắm mà – Nhu mời Luân ngồi.
- Anh Luân này, tôi dự kiến một cú...
“Cú” dự kiến là Nhu cho nổ ra một cuộc đảo chính lật đổ Chính phủ với lí do Chính phủ bất lực trong nội trị để giới Phật giáo lộng hành. Cuộc “đảo chính” không đụng đến Tổng thống nhưng thành lập một “Nội các cứu quốc,” Nhu nắm quyền quân sự, an ninh...
“Như vậy là liều thuốc “giới nghiêm” và “tình trạng khẩn cấp,” vụ đột kích chùa Xá Lợi, sát hại Quách Thị Trang, đóng cửa trường học... chưa đủ đô.”
Luân nghĩ bụng. Quả Nhu giải khát bằng thuốc độc.
- Tôi phân vân. – Anh nói – Liệu người Mỹ sẽ phản ứng ra sao.
- Ở Sài Gòn, không chỉ có Cabot Lodge. Còn Fishell... - Nhu trả lời, chắc nịch.
- Nhưng tôi nghe giáo sư Fishell sắp rời Việt Nam sang Ba Tư...
- Fishell đi, chính sách của Fishell ở lại!
- Ai sẽ đứng ra “đảo chính?”
- Tổng trấn Sài Gòn, Tướng Tôn Thất Đính!
Luân im lặng khá lâu.
- Anh ngại ông tướng hoàng tộc này? Anh Diệm đã nhận Đính làm con nuôi. Người nhà chúng ta đấy!
Luân im lặng song đầu anh hoạt động dữ dội. Trò chơi của Nhu cực kì nguy hiểm. Nguy hiểm đối với bản thân Diệm, Nhu. Những gì mà Luân có trong tay về viên tướng – hống hách, rỗng tuếch, thạo chơi bời hơn cầm quân, nhiều khả năng phản trắc – không phiền lòng anh mà anh lo lắng vì người điều khiển Đính một cách thật sự dứt khoát không phải là Nhu. Tại sao không phải là Fishell? Và tại sao Fishell không qua Đính loại Diệm – loại nhanh chóng, tránh mọi sơ hở khiến cách mạng lợi dụng được?
- Hay là... - Nhu sốt ruột vì Luân cứ ngó ra ngoài cửa sổ, không nói không rằng – Hay là anh gặp tướng Đính... Tôi giao cho anh bàn với Đính các chi tiết. Anh sẽ chỉ đạo Đính.
Luân không hứng thú trước việc Nhu giao, tuy nhiên, anh muốn gặp Đính.
Xe Luân vào trại Lê Văn Duyệt. Đính đón Luân, do Nhu điện dặn trước. Bề ngoài cởi mở của Đính không khỏa lấp nổi cái lúng túng của anh ta khi Luân đương nhiên là cấp trên mà anh ta phải phục tùng.
- Tôi rất mừng nhận quyết định của ông cố vấn. Có đại tá bên cạnh, tôi vững lòng hơn... - Đính xởi lởi, lúc chỉ có hai người ngồi kề nhau.
Kế hoạch của Đính quá đơn giản. Đó là vụ Xá Lợi mở rộng, thế thôi, toàn bộ nội các, kể cả Nguyễn Ngọc Thơ sẽ tạm trú tại trại Lê Văn Duyệt một thời gian. Diệm sẽ lên Đà Lạt. Trại Quán Tre thêm kẽm gai, bót gác để nhốt chừng ba hay bốn vạn người. Số cầm đầu Phật giáo bị an trí ở Phú Quốc, cùng với số nhân sĩ dính với Đảng Đại Việt. Đính – như Nhu hứa – vừa là Tổng trưởng quốc phòng vừa là Tổng tham mưu trưởng. Các tướng như Dương Văn Minh, Lê Văn Kim, Trần Văn Đôn... nhất loạt cho về hưu.
Luân không tin đó là kế hoạch thật. Kế hoạch thật là gì?
Chuông điện thoại reo. Đính nhấc máy. Luân nghe văng vẳng tiếng của một người Mỹ. À, tiếng của James Casey.
- Pardon! Je suis accupé... Le colonel Nguyễn Thành Luân est ici! Voulez vous parler avec lui?(2)
(2) Xin lỗi! Tôi bận. Đại tá Luân đang có mặt ở đây. Ông có muốn nói chuyện với ông ấy không?
Đính nói ào ào. Chỉ trẻ con mới không hiểu là anh ta báo động về sự có mặt của Luân với James Casey để gã người Mỹ đừng nói tiếp.
- James Casey rủ tôi đi uống... - Đính lấp liếm.
- Tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch của thiếu tướng và sẽ nhận xét sau. – Luân nhỏm dậy, toan kiếu từ.
Chuông điện thoại lại reo. Lần này, Luân nghe giọng của John Hing.
Ra hiệu cho Đính, Luân ra khỏi phòng. Anh chạm mặt Mai Hữu Xuân ngay hành lang.
- Chào đại tá! – Xuân đưa tay trước...
- Chào thiếu tướng! – Luân chập gót chân... - Thiếu tướng Đính đang ở trong phòng. Mời thiếu tướng vào...
Như bận việc, Luân bước vội ra xe. Anh hiểu là Xuân ngó theo anh và chủ đề mà Xuân trao đổi liền với Đính là anh...
*
... Ngày 9-9, văn phòng Quốc hội ra thông báo: Bà Trần Lệ Xuân, dân biểu, xuất ngoại sang Belgrade dự hội nghị phụ nữ quốc tế đồng thời kết hợp đi một số nước nhằm “giải độc” dư luận thế giới về tình hình Nam Việt.
Cái “cú” mà Nhu sửa soạn không xảy ra. Anh ta buộc phải lùi một bước trước yêu sách của Cabot Lodge...
Trước hôm Trần Lệ Xuân rời Sài Gòn, có một bữa cơm gia đình vào buổi tối. Ngoài Diệm, Nhu, Lệ Xuân, Giám mục – từ Huế vừa đến – các con của Nhu, vợ con Trần Trung Dung, còn có vợ chồng Luân. Không khí nặng nề. Mọi người im lặng, thỉnh thoảng trao đổi với nhau bằng mắt, ngay nĩa muỗng cũng khua uể oải. Đám trẻ con len lén ở một bên bàn, Ngô Đình Lệ Thủy lừ mắt chúng mãi...