15
Đường chắc tới đây là hết
(Quan điểm của Kasahara May: Phần 3)
Chào chim vặn dây cót!
Lần trước em đã kể tới chỗ em đang làm việc ở nhà máy làm tóc giả trên vùng núi non xa xôi cùng với nhiều cô gái dân địa phương. Thư này em kể tiếp chuyện ấy.
Gần đây em thật sự băn khoăn khi thấy thật là lạ, người ta cứ làm việc kiểu này quần quật từ sáng đến tối, ngày này qua ngày khác! Có bao giờ anh thấy điều đó lạ không? Ý em là, ở đây em chỉ có mỗi một việc là làm những gì sếp bảo, không cần nghĩ ngợi gì hết. Chả khác gì trước mỗi ngày làm việc em đem bộ óc mình cất vào tủ, đến cuối ngày lại lấy ra mang về nhà. Mỗi ngày em ngồi bảy tiếng ở bàn làm việc, gắn từng sợi tóc lên bộ tóc giả, rồi ăn tối trong căng tin, đi tắm, xong thì dĩ nhiên là em phải đi ngủ như bất cứ ai, vì vậy mỗi ngày hai mươi bốn tiếng, thời gian rảnh hoàn toàn chẳng còn gì. Và quá mệt vì công việc nên có bao nhiêu "thời gian rảnh" là em toàn nằm trên giường như giữa đám sương mù vậy. Em không có thì giờ ngồi nghĩ về bất cứ chuyện gì. Dĩ nhiên cuối tuần thì em không phải làm việc, nhưng lại phải lau chùi, giặt giũ, thỉnh thoảng đi lên phố, ngoảnh qua ngoảnh lại thì mấy ngày nghỉ cuối tuần đã qua vèo mất. Có lần em quyết định sẽ ghi nhật ký, nhưng chẳng có gì để viết, nên chỉ sau một tuần là em thôi. Cứ thế, em chỉ làm đi làm lại từng ấy việc, ngày này qua ngày khác.
Thế nhưng - thế nhưng - em hoàn toàn chẳng băn khoăn gì chuyện mình cứ làm làm kiểu này, như một con ốc nhỏ xíu trong cỗ máy. Em không hề cảm thấy mình bị tách rời khỏi đời sống. Có chăng là, đôi khi em cảm thấy, bằng cách tập trung vào công việc thế này, làm hết mình mà không nghĩ ngợi gì như con kiến, em đang tiến gần đến "cái tôi đích thực" của mình. Em không biết nói sao cho rõ... nhưng hình như chính khi không nghĩ về bản thân mình em lại có thể tiến gần hơn đến cái cốt lõi của chính mình. Chính vì vậy em mới bảo là "lạ thật".
Em làm việc không tiếc công tiếc sức. Chả phải khoe đâu, nhưng thậm chí em còn được gọi là "công nhân giỏi trong tháng" cơ đấy. Em đã nói anh rồi, trông em thế thôi, chứ việc gì bằng tay là em làm cừ lắm. Bọn em chia làm nhóm để làm việc, mà nhóm nào có em là y như rằng thành tích tăng. Khi xong phần việc mình, em còn giúp cả mấy đứa làm chậm nữa. Thành thử nay mọi người ai cũng biết tiếng em. Anh có tin được không? Em đây mà nổi tiếng! Nhưng dù sao, điều em muốn kể với Chim vặn dây cót là từ khi đến nhà máy này em chỉ có làm việc, làm việc, làm việc. Như con kiến. Như anh thợ rèn nhà quê. Em nói thế đã rõ chưa nhỉ?
Dù thế nào, chỗ em đang làm việc thực sự là lạ. Nó to như nhà chứa máy bay, trần nhà cao ơi là cao, rộng mênh mông. Một trăm năm mươi đứa con gái ngồi sắp hàng làm việc ở đó. Giá mà anh thấy nhỉ! Dĩ nhiên, người ta đâu cứ phải xây một cái nhà máy to đùng như thế. Có phải bọn em sản xuất tàu ngầm hay gì gì đó đâu. Lẽ ra họ có thể chia bọn em ra thành nhiều phòng riêng biệt. Nhưng có lẽ họ cho rằng nếu cho từng ấy người cùng ngồi chung một chỗ thì sẽ làm tăng tinh thần đoàn kết chăng. Mà có thể chỉ là để các sếp dễ giám sát cả bọn cùng một lúc. Em cá là bọn họ đang áp dụng cái... gọi là gì ấy nhỉ... à, tâm lý học, với bọn em. Bọn em chia thành nhiều nhóm, ngồi quanh các bàn làm việc như người ta ngồi trong lớp học sinh vật để mổ ếch, một trong những đứa lớn tuổi hơn ngồi một đầu bàn, làm trưởng nhóm. Bọn em được phép trò chuyện trong khi làm việc - nghĩa là nói chuyện mà vẫn không ngừng tay (ngồi làm việc kiểu này mà câm như thóc suốt ngày thì có ai chịu được), nhưng nếu nói chuyện hay cười quá to hoặc quá mải chuyện thì trưởng nhóm sẽ chạy tới cau mày mà nói: "Thôi đi, Yumiko, làm việc bằng tay chứ không phải bằng mồm. Coi chừng làm chậm hơn các bạn đó". Thành thử bọn em cứ thầm thầm thì thì với nhau như bọn trộm lúc nửa đêm vậy.
Trong xưởng có bật nhạc. Tùy từng lúc mà nhạc này hay nhạc khác. Nếu anh Chim vặn dây cót là fan ruột của Barry Manilow hay Air Supply thì hẳn anh sẽ thích chỗ này.
Phải mất vài hôm mới làm xong một bộ tóc giả "của em". Dĩ nhiên là tuỳ sản phẩm thuộc hạng nào mà thời gian có khác nhau, nhưng dù thế nào thì cũng phải vài ngày mới xong một bộ. Đầu tiên là chia nền của bộ tóc ra thành từng ô, sau đó trồng tóc lần lượt vào từng ô một. Tuy nhiên đây không phải làm việc dây chuyền kiểu như nhà máy trong phim của Chaplin đâu, siết một con ốc xong thì lập tức con khác đến; ở đây mỗi bộ tóc giả đều là "của em", một mình em làm từ đầu tới cuối. Mỗi khi xong một bộ, em những muốn ký tên mình và ghi ngày tháng vào. Nhưng dĩ nhiên làm em không làm vậy, kẻo người ta lại phát khùng lên. Dù vậy, thật dễ chịu khi biết rằng ở đâu đó trên thế giới này có một nguời đang đội bộ tóc giả do chính tay em làm. Điều đó khiến em có cảm giác... nói sao nhỉ... cảm giác gắn bó.
Dù sao, cuộc đời vẫn thật lạ. Giá như ba năm trước ai đó bảo em: "Ba năm nữa em sẽ làm việc cùng với nhiều gái quê trong một nhà máy chuyên làm tóc giả ở miền núi", hẳn em sẽ cười vào mặt họ. Chuyện ấy làm sao em có thể hình dung được. Mà sau đây ba năm nữa cũng vậy, ai mà biết được khi đó em sẽ làm gì. Chim vặn dây cót cũng vậy, liệu anh có biết ba năm nữa mình sẽ làm gì không? Hẳn là không. Mà nói gì tới ba năm; em dám cá bằng toàn bộ số tiền kiếm được ở đây rằng thậm chí sau đây một tháng anh cũng không biết mình sẽ làm gì nữa kia.
Tuy vậy đám con gái quanh em đây biết rõ ba năm nữa họ sẽ ở đây. Hay ít nhất họ tưởng là họ biết. Họ nghĩ là sẽ tiết kiệm được ở đây vài năm nữa sẽ kiếm được một anh chàng kha khá, thế là đám cưới hạnh phúc.
Những người mà họ sẽ cưới hầu hết là con cái nhà nông, những anh chàng sẽ thừa hưởng cửa hàng của bố hay làm việc ở các công ty nhỏ trong vùng. Trước đây em đã viết rằng ở vùng này thiếu trầm trọng các cô gái trẻ, thành thử người ta đến bốc các cô đi nhanh lắm. Đứa nào còn trơ khấc lại là xui đấy, thành thử ai cũng cố kiếm ình một anh, không anh này thì anh khác. Thế cơ mà! Thư trước em cũng nói rằng hầu hết các cô hễ lấy chồng xong là nghỉ việc. Làm việc ở nhà máy tóc giả chỉ là một khoảng độn chừng mấy năm từ khi họ tốt nghiệp phổ thông cho tới khi họ lấy chồng mà thôi, như một căn phòng mà họ bước vào, nán lại một chút rồi bỏ đi ấy.
Thật ra công ty cũng không phản đối chuyện đó, dường như họ lại thích cứ để các cô gái làm việc chỉ vài năm rồi lấy chồng và nghỉ việc. Vậy lại tốt hơn là khác, bởi nhân công của họ cứ xoay vòng liên tục, nên họ không phải lo về lương lậu, phúc lợi, công đoàn và trăm thứ linh tinh. Công ty o bế nhiều hơn đối với các cô gái có khả năng làm trưởng nhóm, nhưng còn các cô bình thường khác thì đối với họ chỉ như hàng tiêu dùng mà thôi. Có một thoả thuận ngầm giữa công ty và các cô gái rằng khi nào lấy chồng thì họ sẽ ra đi. Vì vậy đối với bọn con gái, nếu hình dung ba năm nữa sẽ thế nào thì chỉ có hai khả năng: một là họ vừa làm việc vừa để mắt tìm một anh vừa ý, hai là họ đi lấy chồng và nghỉ việc. Đơn giản quá phải không!
Ở đây chẳng có ai như em, tự nhủ rằng chẳng biết ba năm nữa chuyện gì sẽ xảy ra với mình. Tất cả đều làm việc siêng năng. Không ai làm quấy quá hay than vãn gì về công việc cả. Thỉnh thoảng em có nghe ai đó kêu ca về đồ ăn ở căng tin, nhưng chỉ có thế. Dĩ nhiên, công việc là công việc, nên không thể lúc nào cũng vui cười được. Mình có thể bắt nguời ta làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều bởi đó là bổn phận của cô ta, mặc dù cô ta thích đi chơi hơn, nhưng theo em, hầu hết mọi người hài lòng với công việc. Chắc hẳn vì họ biết đây chỉ là một giai đoạn nhất thời bắc cầu từ thế giới này sang thế giới khác. Chính vì vậy họ muốn càng được thoải mái càng tốt trong thời gian ở đây. Nói cho cùng, với họ đây chỉ là một điểm trung chuyển thôi.
Nhưng với em thì không. Đây hoàn toàn không phải là thời gian quá độ hay chuyển tiếp đối với em. Em hoàn toàn không biết từ đây mình sẽ đi đâu. Với em, có thể đường đến đây là hết. Anh có hiểu ý em không? Nói nghiêm khắc ra, em không vui thú gì với công việc ở đây. Tất cả những gì em làm chẳng qua là để chấp nhận công việc một cách trọn vẹn nhất. Mỗi khi làm một bộ tóc giả, em không nghĩ tới gì khác ngoài chuyện làm bộ tóc giả đó. Em vô cùng nghiêm túc, đến nỗi toàn thân em vã mồ hôi.
Em không biết nói thế nào... nhưng gần đây em hay nghĩ về cậu trai đã chết trong tai nạn mô tô. Nói thật tình, trước đây em ít khi nghĩ tới cậu ấy. Có lẽ cú sốc do tai nạn đó đã bẻ quẹo ký ức em hay thế nào đó, bởi những gì em nhớ về cậu ấy chỉ toàn là những thứ kỳ cục tỉ như cậu ta hôi nách, cậu ta là một thằng tồ, hay mấy ngón tay cậu ta tìm cách sục sạo vào những chỗ lạ của em. Tuy nhiên, đôi lúc em lại nhớ rằng cậu ta cũng có những cái không đến nỗi. Nhất là những khi đầu óc em trống rỗng, chỉ mải miết cắm những sợi tóc lên bộ tóc giả, những ý nghĩ đó chẳng biết từ đâu cứ hiệu lên. Ồ vâng, em nghĩ, cậu ta đúng là thế. Em nghĩ chắc thời gian không trôi theo thứ tự A, B, C, D đâu, đúng không? Nó muốn đi đâu thì cứ đi nấy thôi.
Em nói thật với anh được không hở Chim vặn dây cót? Rất thật, rất ư là thật đấy. Đôi khi em sợ ơi là sợ! Em thức dậy lúc nửa đêm trơ trụi một mình, cách xa mọi nguời hàng mấy trăm cây số, đêm tối mịt mùng, em hoàn toàn không biết tương lai mình sẽ ra sao, em sợ đến nỗi chỉ muốn thét lên. Anh có bao giờ bị như vậy không hở Chim vặn dây cót? Mỗi lần bị như vậy, em lại cố nhắc mình rằng em đang gắn bó với những cái gì đó hay ai đó. Em cố sức liệt kê tên những người đó trong đầu. Trên danh sách đó dĩ nhiên có tên anh. Chim vặn dây cót ạ. Cả con ngõ, cả cái giếng, cả cây hồng vàng và những thứ khác nữa. Cả những bộ tóc giả em làm bằngchính đôi tay mình. Cả những điều vặt vãnh em nhớ về cậu trai kia. Tất cả những điều vặt vãnh ấy (mặc dù anh Chim vặn dây cót không phải là một trong những cái vặt vãnh ấy, nhưng dù sao...) giúp em trở lại "nơi này" từng tí một. Giờ em bỗng thấy hối tiếc đã không bao giờ cho cậu bạn trai được thấy em khoả thân hay đụng đến nguời em. Hồi đó, em cương quyết không cho cậu ấy rờ tới em. Đôi khi, anh Chim vặn dây cót ạ, em thích mình sẽ là gái tân suốt đời. Thật đấy. Anh nghĩ sao nào?
Tạm biệt nhé. Chim vặn dây cót. Mong rằng Kumiko sẽ sớm quay về.