9
Cuộc tấn công vườn thú
(Hay cuộc thảm sát vụng về)
♦
Akasaka Nhục đậu khấu kể chuyện những con hổ, báo, sói và gấu bị một toán lính bắn chết một buổi trưa oi bức kinh người vào tháng Tám năm 1945. Bà kể lại một cách lớp lang và rõ ràng chính xác như một bộ phim tài liệu chiếu trên màn hình trắng. Không có bất cứ chi tiết nào mơ hồ trong chuyện của bà, dù trên thực tế bản thân bà không chứng kiến sự kiện. Khi chuyện đó xảy ra, bà đang đứng trên boong một con tàu vận tải chở những người Nhật định cư tại Mãn Châu tị nạn về Nhật Bản. Những gì bà thực sự chứng kiến chỉ là một chiếc tàu ngầm Mỹ nổi lên mặt biển.
Cũng như mọi người, bà cùng những đứa trẻ khác đã chui ra khỏi hầm tàu nóng hầm hập như cái nồi hơi để lên boong, tựa vào lan can mà tận hưởng làn gió nhẹ thổi qua mặt biển bình yên phẳng lặng, thì đột nhiên chiếc tàu ngầm nổi lên mặt biển như thể hiện ra từ một giấc mơ. Thoạt tiên là một chiếc ăng-ten, trụ ra đa và tiềm vọng kính trồi lên. Kế đó đài chỉ huy xuất hiện, rạch ngang mặt biển tạo thành một vệt dài. Cuối cùng là toàn bộ thân tàu bằng thép lừng lững hiện ra, phơi thân hình trần trụi tao nhã dưới ánh nắng hè. Mặc dù hình dáng của vật trước mắt bà không thể là gì khác ngoài một chiếc tàu ngầm, song nó trông như một thứ dấu hiệu mang tính biểu tượng, hay là một ẩn dụ không hiểu nổi.
Chiếc tàu ngầm chạy song song với con tàu trong chốc lát như đang rình mồi. Chẳng mấy chốc một cánh cửa nắp mở ra, một người trong thủy thủ đoàn leo lên boong, sau đó một người khác, rồi một người nữa, động tác chậm chạp gần như uể oải. Từ boong đài chỉ huy, các sĩ quan dùng những chiếc ống nhòm to dùng để quan sát từng chi tiết của chiếc tàu vận tải, những thấu kính ống nhòm chốc chốc lại lóe lên dưới ánh nắng. Chiếc tàu lèn chặt những dân thường đang trở về Nhật Bản, cảng đến là Sasebo. Phần lớn là phụ nữ và trẻ em, gia quyến của các sĩ quan Nhật trong chính phủ bù nhìn Mãn Châu quốc và các nhân viên cao cấp thuộc công ty đường sắt Nam Mãn Châu của người Nhật, đang quay về tổ quốc để tránh những loạn lạc ắt sẽ theo sau sự thất trận nhãn tiền của người Nhật trong chiến tranh. Những con người đó - ít nhất là cho tới lúc này - thà bị tàu ngầm Mỹ tấn công trên biển còn hơn chịu số phận khủng khiếp chờ đợi họ ở Trung Hoa đại lục.
° ° °
Các sĩ quan tàu ngầm đang kiểm tra xem liệu chiếc tàu vận tải có vũ trang không và có tàu hộ tống không. Họ chẳng có gì phải sợ. Người Mỹ bây giờ đang làm chủ cả bầu trời nữa. Okinawa đã thất thủ, còn trên đất Nhật máy bay chiến đấu giỏi lắm cũng chỉ sót lại dăm ba chiếc. Chẳng có gì phải sợ, thời gian đang ở về phía họ. Một viên sĩ quan hô khẩu lệnh, thế là ba viên thủy thủ liền quay bộ truyền động để hướng khẩu đại bác trên boong tàu về phía chiếc tàu vận tải. Hai thủy thủ khác mở cánh cửa nắp ở đuôi tàu, lôi ra những quả đạn nặng trịch để nạp vào đại bác. Lại một tốp thủy thủ nữa đang nạp đạn vào một khẩu súng máy gắn vào một chỗ nhô cao trên boong tàu, gần đài chỉ huy. Tất cả các thủy thủ đang chuẩn bị chiến đấu đều đội mũ sắt, mặc dù vài người cởi trần từ thắt lưng trở lên và gần một nửa chỉ mặc quần soóc. Nếu nhìn kỹ, Nhục đậu khấu có thể nhìn thấy những hình xăm loang loáng trên tay họ. Nếu nhìn kỹ, cô bé có thể thấy được nhiều thứ.
Toàn bộ hỏa lực của chiếc tàu ngầm chỉ là một khẩu đại bác trên boong và một khẩu súng máy, nhưng thế đã là quá đủ để đánh chìm chiếc tàu hàng xập xệ hoen gỉ được cải tạo thành chiếc tàu vận tải này. Chiếc tàu ngầm chỉ mang một lượng thủy lôi hạn chế, số đó được để dành đến khi chạm trán những đoàn hộ tống có vũ trang, giả dụ như còn có tàu hộ tống có vũ trang nào ở Nhật. Ấy là luật bất di bất dịch.
Nhục đậu khấu bíu tay vào lan can boong tàu, quan sát cái nòng súng đen ngòm kia hướng về phía cô. Chỉ mới giây phút trước còn chìm trong nước, thế mà bây giờ nó đã khô ran dưới cái nắng mùa hè. Cô chưa bao giờ nhìn thấy khẩu súng nào to đến thế. Hồi ở Tân Kinh cô vẫn thường thấy những khẩu súng trường của quân đội Nhật, nhưng mấy khẩu súng ấy không thể nào sánh nổi với khẩu súng khổng lồ trên boong chiếc tàu ngầm kia. Chiếc tàu ngầm chiếu đèn hiệu vào chiếc tàu hàng: Đứng lại. Sắp sửa tấn công. Lập tức đưa hành khách xuống xuồng cứu nạn. (Dĩ nhiên, hồi đó Nhục đậu khấu không thể hiểu được ý nghĩa các tín hiệu bằng đèn đó, nhưng khi hồi tưởng lại bà có thể hiểu hết sức rõ ràng). Trên boong chiếc tàu vận tải - vốn chỉ được cải tiến một cách quấy quá để chuyển từ một chiếc tàu hàng cũ ngay trong lúc loạn lạc chiến tranh - không hề có đủ xuồng cứu nạn. Trên thực tế, chỉ có vẻn vẹn hai chiếc xuồng nhỏ cho hơn năm trăm con người gồm cả hành khách và thủy thủ. Hầu như chẳng có chiếc áo phao hay phao cứu nạn nào ở trên tàu.
Nắm chặt lan can tàu, nín thở, Nhục đậu khấu nhìn trân trối như bị thôi miên vào chiếc tàu ngầm hình dáng thuôn đẹp kia. Nó sáng choang như vừa mới đúc xong, không có lấy một tý gỉ sét. Cô nhìn thấy những con số vạch bằng sơn trắng trên đài chỉ huy. Cô nhìn thấy ăng-ten ra-đa quay phía trên đài chỉ huy. Cô nhìn thấy viên sĩ quan có mái tóc màu cát đeo kính râm. Chiếc tàu ngầm này đã từ đáy biển trồi lên để giết hết chúng ta, cô nghĩ, nhưng chuyện đó chẳng có gì lạ, lúc nào nó cũng có thể xảy ra. Nó chẳng liên quan gì đến chiến tranh hết, nó có thể xảy ra với bất cứ người nào ở bất cứ đâu. Ai cũng nghĩ rằng chuyện đó xảy ra là vì chiến tranh. Nhưng đâu phải vậy. Chiến tranh chỉ là một trong những gì có thể xảy ra thôi.
Đối mặt chiếc tàu ngầm và khẩu đại bác to đùng của nó. Nhục đậu khấu không thấy sợ. Mẹ cô đang hét to câu gì đó với cô, song cô chẳng hiểu gì. Đoạn cô cảm thấy ai đó túm cổ tay cô giật mạnh. Nhưng tay cô vẫn siết chặt lan can tàu. Những giọng kêu la gầm rú quanh cô bắt đầu xa dần, như thể ai đó đang vặn nhỏ âm lượng đài phát thanh. Sao mình buồn ngủ thế, cô nghĩ. Sao mình buồn ngủ quá vậy? Cô nhắm mắt lại, thế là ý thức cô lập tức chuội đi, bỏ boong tàu lại tít đằng sau.
° ° °
Nhục đậu khấu đang nhìn thấy những người lính Nhật tiến vào vườn thú để bắn chết bất cứ con vật nào có khả năng tấn công người. Viên sĩ quan hạ lệnh, và đạn từ những khẩu súng trường Model 38 đâm toạc lớp da mềm của một con hổ, xé tan lòng ruột con vật. Trời mùa hè xanh ngắt, từ cây cối xung quanh, tiếng ve sầu ra rả rơi xuống như một trận mưa rào bất chợt.
Những người lính chẳng nói năng gì. Khuôn mặt cháy nắng của họ không còn một chút máu, trông họ như hình vẽ trên những chiếc bình cổ. Chỉ ít ngày nữa thôi - cùng lắm là một tuần nữa - bộ phận chủ lực của Tập đoàn Viễn Đông quân đội Xô-Viết sẽ đến Tân Kinh này. Chẳng cách nào ngăn nổi bước tiến của họ. Ngay từ đầu cuộc chiến, những đội quân tinh nhuệ và khí tài thiết bị từng có lúc thừa mứa của đạo quân Quan Đông đã được đổ hết vào mặt trận phía Nam ngày càng mở rộng, đến giờ thì phần lớn cả quân lính lẫn trang bị vũ khí đều đã chìm xuống đáy biển hay đang mục rữa trong rừng sâu. Xe tăng không còn nữa. Đại bác chống tăng không còn nữa. Xe chở quân lính gần như hỏng hết chẳng còn gì, phụ tùng thay thế lại không có. Tổng động viên thì vẫn tập hợp được khá đông quân, nhưng thậm chí cả súng trường cổ lỗ sĩ cũng không đủ ỗi người một khẩu hoặc không đủ đạn để nạp cho tất cả các súng. Thế là đạo quân Quan Đông, "bức tường thành phía Đông" nay chỉ còn là một con hổ giấy. Các đơn vị cơ giới Xô-Viết từng đè bẹp quân đội Đức nay đang hoàn tất việc chuyển quân bằng xe lửa đến mặt trận Viễn Đông, quân trang thừa thãi, sĩ khí ngất trời. Mãn Châu quốc sụp đổ là điều không tránh khỏi.
Ai cũng biết đó là sự thật, mà biết hơn ai hết là Bộ Tham Mưu đạo quân Quan Đông. Vì thế họ triệt thoái bộ phận chủ lực về hậu phương, trên thực tế là bỏ mặc các đồn nhỏ dọc biên giới và những người thường dân người Nhật làm nghề nông. Những người nông dân không vũ khí này bị quân đội đối phương giết sạch bởi họ tiến quân quá nhanh nên không có thì giờ bắt tù binh. Nhiều phụ nữ chọn - hoặc buộc phải chọn - con đường tự sát còn hơn bị hãm hiếp. Các đồn biên giới tự giam mình vào các boong-ke bằng bê tông được mệnh danh là "pháo đài vĩnh viễn" và kháng cự kịch liệt, nhưng vì không được yểm trợ từ hậu phương, thảy họ đều bị hỏa lực áp đảo của quân đội Xô-Viết tiêu diệt. Các vị chóp bu trong bộ tham mưu và các sĩ quan cao cấp khác đã thu xếp để chính mình được "thuyên chuyển" đến bộ tham mưu mới ở Thông Hoa 1gần biên giới Triều Tiên, còn Hoàng đế bù nhìn Henry Phổ Nghi và gia đình đã vứt hết gia sản mà tháo chạy khỏi thủ đô trên một chiếc chuyên xa. Hầu hết binh lính người Trung Hoa trong đạo quân Quan Đông được giao nhiệm vụ bảo vệ thủ đô đều đào ngũ ngay khi hay tin quân đội Xô-Viết đang xâm lấn, hoặc nếu không thì họ nổi loạn và bắn chết các sĩ quan chỉ huy người Nhật. Họ không có ý định hi sinh tính mạng mình cho nước Nhật trong cuộc chiến chống lại quân đội Xô-Viết có ưu thế vượt trội.
Do hậu quả những diễn tiến có tương quan đó, thủ đô của Mãn Châu quốc, cái "thành phố mới đặc biệt Tân Kinh" mà nước Nhật Bản hiện đại đã dựng nên trên một vùng đất hoang vu, đã đặt cược uy tín của mình vào đó, nay bị bỏ lửng trong một tình thế chân không chính trị kỳ lạ. Để tránh hỗn loạn và đổ máu không cần thiết, các quan chức cao cấp người Trung Hoa thuộc Mãn Châu quốc cho rằng cần tuyên bố Tân Kinh là thành phố phi quân sự và đầu hàng không kháng cự, nhưng đạo quân Quan Đông cự tuyệt đề nghị đó.
Những người lính được phân công đến vườn thú đã phó mặc mình cho số phận. Họ cho rằng chỉ dăm hôm nữa thôi họ sẽ chết khi giao chiến với quân đội Xô Viết (mặc dù, trên thực tế, sau khị bị giải giáp, họ sẽ bị đưa đi lao động ở các mỏ than ở Siberia, và ba người trong số họ sẽ chết tại đó). Họ chỉ còn biết cầu trời cho cái chết của mình sẽ không quá đau đớn. Chẳng ai muốn bị nghiền nát nhừ dưới xích xe tăng, bị nướng chín dưới chiến hào vì súng phóng hỏa hay quằn quại chết từ từ vì một viên đạn trong dạ dày. Thà bị bắn vào đầu hay ngay tim còn hơn. Nhưng trước hết họ phải giết lũ thú kia.
° ° °
Giá như có thể thì họ đã giết lũ thú bằng thuốc độc để tiết kiệm dăm viên đạn ít ỏi còn lại. Viên trung úy trẻ tuổi chỉ huy chiến dịch này đã được sĩ quan cấp trên chỉ thị như vậy, lại nghe lệnh rằng vườn thú đã được cung cấp đủ thuốc độc để làm việc này. Viên trung úy dẫn tám binh sĩ súng ống tận răng đến vườn thú chỉ cách sở chỉ huy hai mươi phút đi bộ. Cổng vườn thú đã đóng im ỉm từ khi người Liên Xô tiến công, có hai binh sĩ đứng canh, súng cắm lưỡi lê. Viên trung úy đưa cho lính canh xem mệnh lệnh rồi đưa quân mình vào.
Giám đốc vườn thú xác nhận rằng quả thật ông đã được chỉ thị "loại bỏ" những con thú hung dữ trong trường hợp khẩn cấp và làm việc đó bằng thuốc độc, nhưng ông bảo lô hàng thuốc độc mãi đến giờ vẫn chưa nhận được. Nghe vậy, viên trung úy rất bối rối. Y vốn là nhân viên kế toán, được bổ nhận chân phát lương trong Bộ tham mưu, xưa nay chưa lần nào phải chỉ huy một nhóm người, thế mà bây giờ bị lôi ra khỏi bàn giấy để làm cái nhiệm vụ khẩn cấp này. Y phải lục mãi trong ngăn kéo để tìm khẩu súng lục đã nhiều năm không hề đụng tới, thậm chí chẳng biết có còn bắn được hay không nữa.
- Cái tệ quan liêu thì bao giờ cũng vậy, trung úy à, - giám đốc vườn thú nói, ông ta vốn lớn hơn viên trung úy vài tuổi, nhìn y với ít nhiều thương hại. - Những gì ta cần thì chẳng bao giờ có cả.
Để hỏi han thêm tình hình, giám đốc vườn thú cho gọi bác sĩ thú y trưởng vào, ông này bảo viên trung úy rằng vườn thú chỉ có một lượng thuốc độc rất nhỏ, không đủ để giết một con ngựa. Viên bác sĩ thú y là một người cao lớn, điển trai trạc gần bốn mươi tuổi, có một vết bầm màu xanh đen bên má phải, kích thước và hình dáng giống như một bàn tay bé sơ sinh. Viên trung úy cho rằng vết bầm kia là bẩm sinh.
Từ chỗ văn phòng giám đốc vườn thú, viên trung úy gọi điện thoại về Bộ Tham mưu để xin thêm chỉ thị, nhưng bộ Tham mưu đạo quân Quan Đông đang trong tình trạng hoảng loạn cùng cực ngay từ khi quân đội Xô Viết vượt qua biên giới vài ngày trước, hầu hết các sĩ quan cao cấp đều đã biến mất. Vài ba viên sĩ quan còn sót lại đều bận túi bụi, kẻ đang đốt hàng chồng tài liệu quan trọng ngoài sân, người thì dẫn quân ra ven thành phố để đào công sự chống tăng. Viên đại tá đã ra lệnh cho trung úy chẳng hiểu biến đi đâu mất. Thành thử viên trung úy chịu không biết đào đâu ra chỗ thuốc độc họ cần. Ai ở đạo quân Quan Đông chịu trách nhiệm về vụ thuốc độc bây giờ đây? Người ta chuyển cuộc gọi của viên trung úy hết từ văn phòng này đến văn phòng khác, cho tới khi một đại tá quân y cầm máy quát om sòm với viên trung úy: "Đồ ngu như bò! Cả cái nước này toi mẹ tới nơi rồi mà còn đi hỏi tôi về cái vườn thú chó dái nào đó là sao? Thằng đếch nào nó quan tâm chứ hả?".
Mà đúng, ai người ta quan tâm, viên trung úy nghĩ. Mình thì chắc chắn là không rồi. Với vẻ hết hy vọng, y gác máy và quyết định thôi không cố đòi thuốc độc nữa. Giờ thì y có hai lựa chọn. Y có thể quên vụ giết thú đi, chẳng giết con nào cả, cứ thế dẫn lính về, hoặc họ có thể dùng đạn để thi hành nhiệm vụ. Đằng nào thì cũng vi phạm mệnh lệnh được giao, nhưng rốt cuộc y quyết định dùng súng để bắn. Nếu làm cách đó, sau này y có thể sẽ bị giáng một cấp vì tội phí phạm đạn dược, song ít nhất thì mục đích "loại bỏ" những con vật nguy hiểm cũng được thực hiện. Còn nếu chọn giải pháp không giết lũ thú, có thể y sẽ phải ra tòa án binh vì tội bất tuân thượng lệnh. Dĩ nhiên, vào lúc chiến tranh sắp kết thúc thế này thì chưa chắc có tòa án binh nữa không, nhưng nói gì thì nói, lệnh là lệnh. Chừng nào quân đội vẫn còn tồn tại thì quân lệnh vẫn phải được thi hành.
Giá như có thể, mình cũng chẳng muốn giết con nào cả, viên trung úy tự nhủ, hoàn toàn thành thực. Song vườn thú đang cạn dần thức ăn cho bọn thú, nên hầu hết bọn chúng (nhất là những con to xác) đang bị đói trầm trọng. Mọi chuyện chỉ có ngày càng tệ hơn thôi - hay ít nhất là sẽ không thể khá lên được. Bắn quách chúng đi có khi là cách nhẹ nhàng nhất cho bản thân bọn thú, một cái chết nhanh chóng, sạch sẽ. Mà nữa, nếu lũ thú đói kia xổng chuồng lao vào thành phố giữa lúc giao tranh ác liệt hoặc đang nửa chừng cuộc không kích thì thảm họa là điều không tránh khỏi.