5
Cảnh quan những thành phố xa xôi

Vầng bán nguyệt vĩnh cửu

Thang đặt vào đúng chỗ

Hầu như đúng lúc tôi thiếp đi thì điện thoại reo. Tôi cố lờ đi, nhưng dường như đọc được ý nghĩ của tôi, nó cứ bướng bỉnh reo mãi: mười lần, hai mươi lần, không chịu dừng. Cuối cùng tôi mở một mắt nhìn đồng hồ. Mới hơn 6 giờ một chút. Ngoài cửa sổ trời đã sáng bạch. Có thể là Kumiko gọi. Tôi ra khỏi giường, ra phòng khách, nhấc ống nghe. 
- Alô, - tôi nói, nhưng người gọi chẳng thưa. Rõ ràng là có ai đó ở đầu dây bên kia, nhưng người đó chẳng nói gì. Tôi cũng im lặng. Tập trung hết sức, tôi mới nhận ra được tiếng thở trong ống nghe. 
- Ai đấy? - tôi hỏi, nhưng đầu bên kia vẫn im lặng. 
- Nếu là người suốt ngày vẫn gọi cho tôi thì làm ơn gọi lại sau nhé, - tôi nói. - Trước bữa điểm tâm thì xin đừng nói chuyện về sex. 
- Người suốt ngày gọi? - bỗng giọng Kasahara May bật ra. - Hay nhỉ, anh nói chuyện về sex với ai đấy? 
- Chả ai cả, - tôi đáp. 
- Có phải người đàn bà anh ôm trong tay hồi đêm qua không? Anh hay nói chuyện về sex qua điện thoại với cô ta à? 
- Không, không phải cô ấy đâu. 
- Này Chim vặn dây cót, nói em nghe đi, có bao nhiêu đàn bà lượn lờ quanh anh nào, ngoài vợ anh ra? 
- Nói ra thì dài lắm, - tôi nói. - Dù gì thì cũng chỉ mới 6 giờ sáng, anh chưa ngủ được bao nhiêu cả. Vậy là tối qua em sang nhà anh à? 
- Rồi em thấy anh với cô kia đang ôm nhau. 
- Cái ấy chẳng có nghĩa gì hết. Nói sao nhỉ? Kiểu như một nghi thức nho nhỏ mà thôi. 
- Anh không phải phân bua gì với em, - Kasahara May nói. - Em có phải vợ anh đâu. Chả liên quan gì đến em hết, nhưng cho em nói điều này: anh dính vào chuyện rắc rối rồi đấy. 

- Có thể em nói đúng, - tôi nói. 
- Em biết anh đang gặp lúc gay go. Nhưng em không khỏi nghĩ rằng ấy là anh tự chuốc vào mình. Anh chỉ gặp một vấn đề duy nhất thật sự cơ bản, thế rồi nó hút mọi phiền phức vào mình như cục nam châm ấy. Bất cứ phụ nữ nào biết suy xét một chút mà gặp anh thì chắc chạy mất dép cả. 
- Có thể em nói đúng, - tôi lại nói. 
Kasahara May im lặng một chút ở đầu dây bên kia. Đoạn cô hắng giọng rồi nói: 
- Tối qua anh đi trên ngõ phải không? Anh đứng hồi lâu phía sau nhà em như thằng ăn trộm nghiệp dư ấy... Đừng lo, em nhìn thấy anh mà. 
- Thế sao em không ra? 
- Con gái có phải bao giờ cũng cần chạy ra đâu, anh biết mà. Đôi khi cũng muốn chảnh một tí chứ, cứ mặc cho anh chàng đợi - đã muốn đợi thì cho tha hồ đợi. 
Tôi ậm ừ. 
- Nhưng em vẫn áy náy, - cô nói tiếp, - nên sau đó em mới lại vác xác đến nhà anh như con ngốc ấy. 
- Và anh đang ôm cô kia. 
- Phải, nhưng cô ấy hơi dở người phải không? Thời buổi này ai còn ăn mặc như thế. Lại còn trang với điểm nữa chứ! Cứ như tự đời nảo đời nào chui ra ấy. Cô ta phải tới bác sĩ kiểm tra cái đầu đi là vừa. 
- Đừng lo, cô ấy không dở người đâu. Mỗi người có một thị hiếu riêng. 
- Thì vâng. Thị hiếu gì chả được. Nhưng người bình thường chẳng ai lại có cái thị hiếu quái chiêu như thế cả. Cô ta - nói sao nhỉ? - như là từ trong cuốn tạp chí cũ bước thẳng ra ấy: cái gì ở cô ta cũng vậy, từ đầu đến chân. 
Tôi không trả lời. 
- Này Chim vặn dây cót, nói em nghe, anh đã ngủ với cô ta chưa? 
Tôi ngần ngừ một chút rồi nói: - Chưa. 
- Thật không? 
- Thật. Anh không quan hệ với cô ấy theo nghĩa thân xác. 
- Thế tại sao anh ôm cô ta? 

- Đôi khi phụ nữ muốn vậy, họ cần ai đó ôm họ. 
- Có thể, - Kasahara May nói, - nhưng cái ý tưởng đó có thể hơi nguy hiểm đấy. 
- Đúng vậy, - tôi nói. 
- Tên cô ta là gì? 
- Kano Creta. 
Kasahara May lại im lặng ở đầu dây bên kia. 
- Anh đùa đấy chứ? - rốt cuộc cô nói. 
- Không đùa tí nào. Còn chị cô ấy tên là Kano Malta. 
- Malta?! Đó không thể là tên thật của cô ta. 
- Ừ, không phải. Đó là tên dùng trong nghề nghiệp thôi. 
- Thế họ là ai, một cặp diễn viên hài à? Hay họ có liên hệ gì với Địa Trung Hải? 
- Đúng đấy, họ có mối liên hệ nào đó với Địa Trung Hải. 
- Cô chị có ăn mặc như người bình thường không? 
- Nói chung là có. Cô ta ăn mặc bình thường, ít nhất là bình thường hơn Creta nhiều. Trừ mỗi chuyện lúc nào cô ta cũng đội cái mũ bằng vải vinyl màu đỏ. 
- Nghe vậy là em biết cô ta cũng không hẳn bình thường đâu. Tại sao anh cứ giao du với những hạng người hơi bị chập mạch ấy nhỉ? 
- Chuyện ấy thì dài lắm. Để khi nào mọi chuyện ôn ổn một chút anh sẽ kể cho em nghe. Nhưng giờ thì không. Đầu anh đang rối tung lên đây. Mọi chuyện lại càng rối bời hơn nữa đây. 
- Thôi được, - cô nói, giọng có vẻ ngờ vực. - Mà này, vợ anh vẫn chưa về à? 

- Chưa. 
- Nghe này Chim vặn dây cót! Anh là người lớn rồi. Sao anh không vận dụng cái đầu anh một chút đi? Nếu tối qua vợ anh đổi ý mà quay về, chị ấy có thể nhìn thấy anh đang choàng tay ôm cái cô kia. Khi đó thì sao hở? 
- Ừ, cũng có khả năng đó. 
- Và nếu đúng là chị ấy gọi điện chứ không phải em mà anh lại đi nói về chuyện xếch xiếc này nọ thì chị ấy sẽ nghĩ gì? 
- Em có lý, - tôi nói. 
- Em đã nói mà, anh đang gặp rắc rối to đấy, - cô vừa nói vừa thở dài. 
- Đúng vậy, anh đang gặp rắc rối. 
- Anh thôi cái trò em nói gì cũng ừ ừ phải phải đi! Cứ như chỉ cần nhận mình sai là chuyện gì cũng giải quyết được ấy. Anh có nhận hay không thì sai vẫn là sai. 
- Ừ, đúng vậy, - tôi nói. Quả là đúng thật. 
- Thôi đủ rồi, em không chịu nổi nữa! - Kasahara May nói. - Nào, nói em nghe, đêm qua anh muốn gì? Anh đến nhà em để tìm cái gì đó phải không? 
- Ồ thôi. Đừng để ý làm gì. 
- Đừng để ý làm gì? 
- Ờ. Rốt cuộc thì... Đừng để ý làm gì. 
- Nói cách khác, cô ta cho anh ôm, thế là anh không cần em nữa. 
- Không, không phải thế. Chỉ là anh cảm thấy... 
Đến đây Kasahara May gác máy. Kasahara May, Kano Malta, Kano Creta, người đàn bà trên điện thoại, và Kumiko. Kasahara May nói đúng: mấy ngày hôm nay tôi có hơi nhiều phụ nữ quanh mình. Mỗi người đến lại mang theo một vấn đề bí hiểm của riêng mình. 
Nhưng tôi mệt quá không nghĩ gì được nữa. Tôi cần phải ngủ một chút. Ngủ xong thức dậy tôi còn có việc phải làm. 
Tôi trở lại giường ngủ thiếp đi.

° ° °

Khi thức dậy, tôi lấy một cái ba lô trong tủ. Ba lô này chúng tôi để dành phòng khi động đất hay những tình huống khẩn cấp khác cần phải di tản. Trong ba lô có một chai nước, bánh quy, một đèn pin, một cái bật lửa. Kumiko mua cái ba lô này từ khi chúng tôi mới chuyển về nhà này, phòng trường hợp xảy ra động đất lớn. Tuy nhiên chai nước rỗng không, bánh quy ỉu xìu, pin thì chết. Rồi tôi đến cửa hàng vật dụng gần nhà mua một chiếc thang dây, loại dùng dể thoát hiểm trong trường hợp hỏa hoạn. Tôi ngẫm nghĩ xem có cần gì nữa không nhưng chẳng nghĩ ra gì khác ngoài kẹo chanh. Tôi đi một vòng khắp nhà, đóng hết cửa sổ, tắt hết đèn. Tôi đã toan khóa cửa ngoài, nhưng lại thôi. Có thể sẽ có người đến tìm tôi trong khi tôi đi vắng. Có thể Kumiko sẽ về. Vả lại, nhà này chẳng có gì đáng trộm cả. Tôi để lại một mẩu thư ngắn trên bàn bếp: "Đi vắng ít lâu. Sẽ trở về. T." 
Tôi tự hỏi liệu Kumiko sẽ ra sao khi thấy mẩu thư này. Nàng sẽ nghĩ gì? Tôi vò nát mẩu thư rồi viết một cái khác: "Phải ra ngoài ít lâu vì có chuyện quan trọng. Sẽ về ngay. Hãy đợi. T." 
Tôi mặc quần bằng vải bông thô, áo phông ngắn tay, khoác ba lô. Tôi bước từ hàng hiên xuống vườn. Quanh tôi là những dấu hiệu không thể nhầm lẫn của mùa hè - đích thực là mùa hè, không dè xẻn, không điều kiện. Ánh nắng trời, mùi gió, màu xanh của bầu trời, hình dáng những đám mây, tiếng ve sầu râm ran: tất cả đều thông báo rằng mùa hè thực sự đã đến. Và tôi đây, ba lô trên lưng, trèo qua bức tường cuối vườn rồi thả mình xuống ngõ. 

Hồi nhỏ có lần tôi đã bỏ nhà đi vào một sáng mùa hè đẹp trời giống như thế này. Tôi không nhớ lý do gì đã khiến tôi quyết định ra đi. Chắc do tôi giận cha mẹ. Tôi bỏ nhà ba lô khoác trên vai, trong túi là toàn bộ số tiền tôi dành dụm được. Tôi bảo mẹ rằng tôi đi dã ngoại với mấy đứa bạn và nhờ mẹ chuẩn bị sẵn bữa trưa. Ngay phía trên nhà chúng tôi có mấy ngọn đồi leo rất thích, bọn trẻ con thường leo lên đó không có người lớn trông chừng. Ra khỏi nhà, tôi lên xe buýt đi đến tận trạm dừng cuối. Với tôi, đó là một thị trấn lạ lẫm, xa xôi. Ở đó tôi chuyển sang xe buýt khác và lại đi đến một thị trấn lạ lẫm và xa xôi khác - còn xa xôi hơn nữa. Thậm chí tôi chẳng biết chỗ đó tên gì, cứ thế xuống xe buýt rồi tha thẩn qua các phố. Thị trấn này chẳng có gì đặc biệt, náo nhiệt hơn khu tôi ở một chút nhưng cũng nhếch nhác hơn một chút. Nó có một con phố hai bên là quán xá, một ga xe lửa, dăm nhà máy nhỏ. Có một dòng suối chảy ngang qua thị trấn, đối diện dòng suối là một rạp chiếu phim. Bảng bên ngoài thông báo đang chiếu một bộ phim phương Tây. Đến trưa tôi ngồi trên ghế đá công viên, giở cơm trưa ra ăn. Tôi nán lại thị trấn đó đến chiều, nhưng khi mặt trời bắt đầu xế, tôi đâm ra ngã lòng. Đây là cơ hội cuối cùng để mày trở về, tôi tự nhủ. Khi trời đã tối hẳn, mày sẽ không bao giờ đi khỏi chỗ này được đâu. Tôi về nhà cũng trên mấy chiếc xe buýt đã đưa tôi đến đó. Tôi về tới lúc 7 giờ tối, không ai nhận ra tôi đã bỏ nhà ra đi. Cha mẹ tôi hẳn cho rằng tôi đã ở suốt trên đồi với bọn trẻ khác. 
Chuyện đó tôi đã quên hẳn rồi. Nhưng ngay lúc trèo qua bức tường sau vườn, lưng khoác ba lô, cảm giác đó liền trở lại với tôi - nỗi cô đơn khôn tả xiết khi ta đứng một mình giữa những phố phường xa lạ, những con người xa lạ, những ngôi nhà xa lạ, ngắm mặt trời chiều mất dần ánh sáng, từng tí một. Rồi tôi nghĩ đến Kumiko: Kumiko, nàng đã biến mất nơi nào đó, chỉ mang theo chiếc túi đeo vai duy nhất, thêm chiếc áo khoác và váy lấy ở hiệu giặt. Nàng đã bỏ lỡ cơ hội cuối cùng để quay về. Giờ đây có lẽ nàng đang đứng một mình ở thị trấn lạ lẫm xa xôi nào đó. Nghĩ về nàng như vậy tôi thật khó mà chịu nổi. 
Nhưng không, nàng không thể chỉ một mình được. Nàng phải ở bên một người đàn ông. Chỉ có cách đó thì chuyện này mới có ý nghĩa. 
Tôi không nghĩ tới Kumiko nữa.

° ° °

Tôi đi dọc theo con ngõ. 
Cỏ dưới chân đã mất màu xanh sống động như đang thở phập phồng khi còn đón những cơn mưa xuân, giờ đây nó có cái vẻ xin xỉn điển hình của cỏ mùa hè. Giữa những lá cỏ kia thi thoảng một con cào cào xanh nhảy tanh tách đây đó khi tôi đi ngang qua. Đôi lúc thậm chí một con ếch cũng nhảy ra. Con ngõ đã biến thành thế giới của các sinh vật nhỏ đó, còn tôi chẳng qua là kẻ ngoài đột nhập vào quấy nhiễu cái trật tự hiện hành. 
Đến căn nhà bỏ không của nhà Miyawaki, tôi mở cổng rồi cương quyết bước vào. Tôi giẫm qua đám cỏ cao tiến về phía giữa sân, ngang qua con chim đá nhem nhuốc vẫn đang nhìn đăm đắm lên trời, đi vòng qua bên hông nhà, bụng thầm mong Kasahara May không nhìn thấy tôi vào đây. 
Việc đầu tiên tôi làm khi đến chỗ cái giếng là dẹp những tảng đá dằn nắp giếng, sau đó giở một trong hai nửa nắp giếng bằng gỗ hình bán nguyệt ra. Để kiểm tra xem có phải dưới đáy vẫn không có nước hay không, tôi ném một hòn sỏi xuống như lần trước. Và cũng như lần trước, hòn sỏi chạm đáy phát ra một tiếng đùng đục. Không có nước. Tôi đặt ba lô xuống, lấy thang dây ra, buộc một đầu vào thân cây bên cạnh. Tôi siết chặt hết sức để đảm bảo rằng nó sẽ giữ chắc. Gì chứ chuyện này thì cẩn thận mấy cũng không thừa. Nếu chẳng may thang dây bị lỏng hay tuột ra thì có khi tôi sẽ không bao giờ leo lên được nữa. 
Ôm đống thừng trong tay, tôi bắt đầu thả thang xuống giếng. Toàn bộ cuộn dây đã đưa vào trong giếng rồi mà tôi vẫn không cảm thấy nó chạm đáy. Không thể có chuyện thang quá ngắn được, tôi đã mua thứ thang dài nhất người ta có kia mà. Nhưng cái giếng này sâu thật. Tôi rọi đèn pin thẳng xuống mà vẫn không thấy thang đã chạm đáy chưa. Ánh đèn pin chỉ xuyên xuống đến độ sâu nào đó rồi cũng bị bóng tối nuốt chửng. 
Tôi ngồi trên thành giếng, lắng nghe. Vài con ve sầu kêu ran ran trên cây như thể thi nhau xem con nào có tiếng to nhất hay dung tích phổi lớn nhất. Tuy nhiên chẳng nghe thấy tiếng con chim nào. Tôi nhớ lại con Chim vặn dây cót một cách trìu mến. Có lẽ nó không thích ganh đua với lũ ve sầu nên đã bay tránh đi chỗ khác. 
Tôi lật lòng bàn tay lên về phía ánh nắng. Chỉ trong khoảnh khắc bàn tay tôi đã thấy ấm lên, như thể ánh sáng đã xuyên suốt vào da, ngấm vào tận từng đường vân tay tôi. Nơi đây ánh sáng ngự trị trên tất cả. Tắm mình trong ánh sáng, vạn vật bừng lên sắc màu rực rỡ của mùa hè. Ngay những sự vật vô hình như thời gian hay ký ức cũng được hưởng ân sủng của ánh sáng mùa hè. Tôi ném tọt một viên kẹo chanh vào mồm rồi vẫn ngồi đó cho tới khi kẹo tan hết. Rồi tôi giật mạnh cái thang lần nữa để xem nó đã buộc thật chắc chưa. 
Leo thang dây xuống giếng là việc khó hơn tôi tưởng nhiều. Thang được bện bằng sợi bông và sợi nylon nên rất chắc, song khi tôi đặt chân lên thì nó lại tròng trành không vững. Đôi giày tennis của tôi có đế cao su, mỗi khi tôi thử chuyển sức nặng thân mình từ chân này sang chân kia là đế giày cứ muốn trượt ra. Hai tay tôi phải bấu chặt dây thừng đến nỗi lòng bàn tay bắt đầu đau. Tôi xuống thật chậm, thật cẩn thận, từng nấc một. Nhưng xuống sâu lắm rồi mà vẫn không thấy đáy. Chừng như tôi sẽ phải xuống thế này mãi không bao giờ dứt. Tôi tự nhắc mình nhớ lại tiếng hòn sỏi chạm đáy giếng. Giếng này phải có đáy chứ! Vấn đề là ở cái thang khỉ gió này, dùng nó để leo xuống mất nhiều thời gian quá. 
Đếm được hai mươi nấc thì một nỗi kinh sợ xâm chiếm lấy tôi. Nó ập đến đột ngột, như cơn sốc điện, làm tôi chết cứng tại chỗ. Cơ bắp tôi hóa đá. Từng lỗ chân lông trên người tôi túa mồ hôi, chân tôi run lên. Làm gì có cái giếng nào lại sâu đến như vậy. Ngay giữa lòng Tokyo kia mà! Nó ở ngay sau cái nhà tôi ở. Tôi nín thở lắng tai, nhưng chẳng nghe thấy gì. Tiếng tim tôi đập thình thịch dội lại trong tai tôi to đến nỗi thậm chí không còn nghe thấy tiếng ve sầu ran ran ở trên kia. Tôi hít một hơi thật sâu. Tôi cứ ở nguyên đó, trên nấc thang thứ hai mươi, chẳng biết nên xuống nữa hay leo trở lên. Không khí dưới giếng mát lạnh, sực mùi đất. Dưới đây là một thế giới riêng biệt, bị cắt lìa khỏi mặt đất trên kia, nơi ánh mặt trời soi chiếu một cách hào phóng đến nhường nào. Tôi nhìn lên miệng giếng trên đầu, giờ đây chỉ còn là một mảnh bé xíu. Miệng giếng tròn vành vạnh được chia đúng thành hai nửa bằng nhau bởi phân nửa nắp giếng mà tôi đã giở ra. Từ dưới nhìn lên, nó trông như vầng bán nguyệt trôi trên nền trời đêm. "Một vầng bán nguyệt sẽ kéo dài trong vòng hai ngày", Kano Malta đã nói vậy. Cô đã tiên đoán như vậy qua điện thoại. 
Giỏi lắm. Và khi ý nghĩ đó thoáng qua đầu tôi, tôi cảm thấy phần nào sức lực rời bỏ mình. Cơ bắp tôi chùng xuống, khối hơi thở chắc nịch trong tôi như thoát cả ra ngoài. 
Vận chút sức lực cuối cùng, tôi lại bắt đầu leo xuống. Chỉ thêm chút nữa thôi. Một chút nữa thôi. Đừng lo, thế nào cũng có đáy mà. Và đến nấc thang thứ hai mươi ba, tôi chạm đáy. Chân tôi tiếp xúc với nền đất nơi đáy giếng.

° ° °

Việc đầu tiên tôi làm trong bóng tối là lấy mũi giày dò dẫm bề mặt đáy giếng quanh mình, tay vẫn bám lấy thang, phòng khi có cái gì đó mà tôi cần phải tránh xa. Sau khi đã yên tâm rằng không có nước và không có vật gì khả nghi, tôi mới bước xuống nền đất. Tôi hạ ba lô xuống, mở khóa kéo lấy đèn pin ra. Ánh đèn pin cho tôi nhìn rõ lần đầu tiên quang cảnh nơi đáy giếng. Nền đất không quá rắn cũng không quá mềm. Và may thay, đất khô ráo. Rải rác đây đó vài hòn đá, hẳn do người ta thả xuống. Vật duy nhất rơi xuống đáy giếng là một vỏ bao khoai tây chiên. Đáy giếng được soi bằng ánh đèn pin làm tôi nhớ tới bề mặt Mặt trăng mà tôi đã xem trên truyền hình từ lâu lắm rồi. 
Vách giếng hình trụ bằng bê tông phẳng phiu, trơn nhẵn, gần như chỗ nào cũng giống chỗ nào, trừ đây đó có vài ba cụm giống như rêu. Vách giếng đâm thằng lên trời như ống khói, với lỗ thoát là khoảng sáng hình bán nguyệt mãi trên kia. Nhìn thẳng lên, giờ tôi mới hình dung được giếng sâu đến cỡ nào. Tôi lại kéo mạnh chiếc thang dây. Trong tay tôi, nó vẫn chắc chắn, cho tôi cảm giác yên lòng. Chừng nào nó còn ở nguyên đó, tôi sẽ có thể leo lên mặt đất bất cứ lúc nào tôi muốn. Sau đó tôi hít một hơi dài. Ngoại trừ chút mùi rêu, nhìn chung không khí khá ổn. Cái tôi lo nhất là không khí. Không khí dưới đáy giếng thường bị tù hãm, giếng khô lại hay có khí độc từ trong đất thoát ra. Đã lâu rồi tôi có đọc bài báo nói về một người đào giếng hít phải khí mêtan dưới đáy giếng mà mất mạng. 
Hít một hơi dài, tôi ngồi trên nền giếng, lưng tựa vào vách giếng. Tôi nhắm mắt lại, để cho thân thể mình quen dần với nơi này. Thế đấy, tôi nghĩ, giờ thì tôi ở dưới đáy giếng rồi.

 

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play