Chẳng mấy chốc toàn bộ da cánh tay phải của Yamamoto đã bị lột ra thành một miếng mỏng duy nhất. Gã lột da đưa miếng da cho người đứng cạnh, gã này đỡ lấy bằng mấy đầu ngón tay, căng rộng chìa ra cho những người khác xem. Máu vẫn đang nhỏ giọt từ miếng da xuống. Đoạn viên sĩ quan quay qua tay trái của Yamamoto, lặp lại quy trình. Sau đó y lột da hai chân, cắt dương vật và tinh hoàn, rồi cắt tai. Kế đó hắn lột da đầu, mặt và mọi chỗ khác. Yamamoto bất tỉnh, hồi tỉnh, rồi lại bất tỉnh. Mỗi khi y ngất đi, tiếng gào thét ngưng, khi y tỉnh thì tiếng gào thét lại tiếp tục. Nhưng giọng y yếu dần, cuối cùng tắt hẳn. Suốt thời gian đó, viên sĩ quan Nga lấy gót giày vẽ vẽ những hình vô nghĩa trên cát. Đám lính Mông Cổ im lặng quan sát cảnh lột da. Mặt bọn họ vô cảm, không kinh tởm, không hào hứng, không khiếp hãi. Họ quan sát Yamamoto bị lột từng mảng da với vẻ mặt như khi ta đang tản bộ thì dừng lại ngắm một công trình xây dựng vậy.
Suốt thời gian đó tôi toàn nôn mửa. Nôn thốc nôn tháo. Ngay cả khi tưởng chừng không còn gì để nôn ra nũa, tôi vẫn cứ nôn mãi. Cuối cùng, viên sĩ quan Mông Cổ giống con gấu giơ lên cao tấm da thân của Yamamoto mà hắn vừa lột tuyệt khéo. Thậm chí hai núm vú còn y nguyên. Cho đến giờ tôi vẫn không nhìn thấy một cái gì ghê rợn đến vậy. Ai đó nhận miếng da từ tay hắn rồi trải ra cho khô như ta phơi ga trải giường. Còn lại trên mặt đất kia là cái xác của Yamamoto, một đống thịt máu me đỏ lòm, không còn một tí da nào. Khủng khiếp nhất là khuôn mặt. Từ trong vũng thịt đỏ thon thót thòi ra hai nhãn cầu to tướng trắng ớn. Miệng há hoác phô hết răng như đang thét lên. Ở chỗ vốn là cái mũi nay là hai cái lỗ nhỏ. Mặt đất chung quanh là cả một biển máu.
Viên sĩ quan Nga nhổ xuống đất rồi nhìn tôi. Rồi hắn rút cái khăn mùi soa ra khỏi túi mà lau mồm.
- Thằng này thật sự không biết gì phải không? - hắn vừa nói vừa đút mùi xoa vào túi. Giọng hắn bây giờ nghe khô khan hơn lúc nãy. - Nếu biết thì nó đã nói rồi. Cũng tội. Dù gì thì nó cũng là một tay chuyên nghiệp. Đằng nào nó cũng sẽ chết đau đớn thôi, không sớm thì muộn. Chả làm sao được. Mà nếu nó đã không biết gì thì làm sao mày lại biết cái gì.
Hắn ột điếu thuốc lên miệng rồi quẹt diêm.
- Nghĩa là chúng tao không cần mày nữa. Tra tấn mày để moi thông tin thì bằng thừa. Để cho sống làm tù binh cũng vô ích. Chúng tao muốn dứt điểm vụ này một cách tuyệt đối bí mật. Nếu đưa mày về Ulan Bator, chúng tao có thể sẽ gặp rắc rối. Dĩ nhiên, cách tốt nhất là ột viên đạn vào đầu mày ngay bây giờ, ngay tại đây, rồi chôn hoặc thiêu xác mày và ném tro xuống sông Khalkha. Giải quyết vậy là đơn giản nhất. Mày đồng ý không? - Chắc mày không hiểu tiếng Nga thật. Nói với mày chỉ tổ phí thời gian. Thôi được rồi. Coi như tao nói cho tao vậy. Nghe đây nhé. Tao có tin vui ày đây. Tao đã quyết định không giết mày. Coi như đấy là tao bày tỏ chút ân hận vì đã giết thằng bạn mày một cách vô ích. Sáng nay, chúng tao giết vừa rồi. Mỗi ngày một mạng là đủ. Cho nên tao sẽ không giết mày. Thay vào đó tao sẽ ày một cơ hội sống. Nếu gặp may có khi mày sẽ sống không chừng. Dĩ nhiên cơ hội không nhiều đâu. Phải nói là hầu như không có. Nhưng cơ hội vẫn là cơ hội. Ít nhất cũng còn tốt hơn nhiều so với bị lột da sống. Đồng ý chứ?
Hắn giơ tay lên gọi tay sĩ quan Mông Cổ. Gã này vừa hết sức cẩn thận rửa dao bằng nước trong biđông và liếc cho sắc bằng đá mài. Đám lính đã trải các tấm da của Yamamoto ra rồi đứng bên cạnh mà thảo luận gì đó. Hình như họ đang trao đổi ý kiến về những điểm tinh tế của kỹ thuật lột da. Gã sĩ quan Mông Cổ đút dao vào vỏ rồi cho vào túi áo khoác, sau đó mới lại gần chúng tôi. Hắn nhìn vào mặt tôi một thoáng rồi quay sang viên sĩ quan Nga. Người này nói với hắn mấy câu bằng tiếng Mông Cổ, hắn gật đầu, vẻ vô cảm. Một tên lính mang lại hai con ngựa cho họ.
- Chúng tao sẽ quay về Ulan Bator ngay bây gời, - viên sĩ quan Nga bảo tôi. - Tao ghét phải về tay không, nhưng đành chịu, làm thế nào được. Có lúc được thì cũng có lúc mất. Tao hy vọng tới bữa tối thì sẽ ăn ngon miệng, nhưng cũng chưa chắc.
Họ leo lên ngựa đi. Máy bay cất cánh, trở thành một tấm bạc trên bầu trời phía Tây rồi biến mất hẳn, để lại một mình tôi với đám lính Mông Cổ và bầy ngựa.
Đám lính đặt tôi lên một con ngựa, trói chặt tôi vào yên. Sau đó tất cả dàn thành đội hình đi về phía Bắc. Gã lính đi ngay phía trước tôi hát mãi một giai điệu đều đều bằng giọng khẽ gần như không ai nghe được. Ngoài ra, không còn âm thanh nào khác ngoài tiếng móng ngựa khô khốc gõ lên mặt cát. Tôi không biết họ dẫn tôi đi đâu hay sẽ làm gì tôi. Tôi chỉ biết mỗi một điều: với họ tôi là một sinh vật thừa, hoàn toàn vô giá trị. Những lời của viên sĩ quan Nga cứ vang vang trong đầu tôi. Hắn đã nói sẽ không giết tôi. Hắn sẽ không giết tôi, nhưng cơ hội cho tôi sống thì hầu như không có. Thế nghĩa là thế nào? Mơ hồ quá, tôi không thể nào hiểu cụ thể được. Có lẽ chúng sẽ dùng tôi trong một kiểu trò chơi ghê rợn nào đó. Chúng sẽ không dễ dàng thả tôi ra đâu, chúng còn phải vui thú với trò chơi kinh khủng của chúng trước đã.
Nhưng ít ra thì chúng đã không giết tôi. Ít nhất chúng đã không lột da sống tôi như đã làm với Yamamoto. Cũng có thể cuối cùng tôi vẫn sẽ không thoát chết, nhưng ít nhất là không chết như thế. Tạm thời tôi vẫn còn sống; tôi vẫn còn hít thở. Và nếu những gì viên sĩ quan Nga nói là đúng thì tôi sẽ không bị giết ngay. Thời gian giữa tôi bây giờ và cái chết càng nhiều, tôi càng có nhiều cơ hội sống. Cơ hội đó có thể vô cùng nhỏ nhoi, nhưng tôi chỉ còn cách bám lấy nó.
Thế rồi, hoàn toàn đột ngột, lời của hạ sĩ Honda lại lóe lên trong đầu tôi: lời tiên báo kỳ lạ của anh ta rằng tôi sẽ không chết ở đại lục. Dẫu tôi đang ngồi đây, bị trói chặt vào yên ngựa, tấm lưng trần của tôi bị mặt trời sa mạc thiêu đốt, tôi vẫn ôn đi ôn lại từng chữ anh ta nói. Tôi miên man nhớ lại vẻ mặt anh ta, ngữ điệu của anh ta, âm thanh từng chữ của anh ta. Và tôi quyết định phải tin lời anh ta, tin tự đáy lòng tôi. Không, không. Tôi sẽ không nằm xuống mà chết ở một nơi như thế này! Tôi sẽ sống mà thoát khỏi nơi này?! Tôi sẽ còn sống để đặt chân lên mảnh đất quê hương lần nữa!
Chúng tôi đi về phía Bắc trong khoảng hai tiếng đồng hồ hay hơn, cuối cùng dừng lại gần một cái gò bằng đá do các tu sĩ Phật giáo Tây Tạng xây nên. Các gò đá này, gọi là oboo, vừa là thần hộ mệnh cho khách lữ hành vừa là một dấu hiệu chỉ đường quý báu trong sa mạc. Ở đây đám lính xuống ngựa và cởi trói cho tôi. Hai người xốc hai bên nách dẫn tôi ra một quãng ngắn. Ra là tôi sẽ bị giết ở chỗ này đây. Có một cái giếng đào xuống đất. Bao quanh miệng giếng là một bức tường đá cao khoảng một mét. Họ buộc tôi quỳ bên giếng, túm cổ tôi từ đằng sau bắt tôi nhìn xuống giếng. Tôi không thấy gì trong bóng tối dày đặc. Viên hạ sĩ quan đi ủng tìm đâu ra một hòn đá to cỡ nắm tay, thả xuống giếng. Lát sau hòn đá chạm mặt cát vang lên một tiếng khô khốc. Vậy là chắc giếng này cạn. Đã có thời nó là giếng nước trong sa mạc, nhưng hẳn đã bị cạn khô từ lâu vì mạch nước ngầm dưới đất dịch chuyển. Xét theo khoảng thời gian mà hòn đá phải rơi để xuống tận đáy thì giếng khá sâu.
Viên hạ sĩ quan nhìn tôi nhe răng cười. Rồi hắn rút một khẩu súng lục tự động to tướng ra khỏi bao da nơi thắt lưng. Hắn mở chốt an toàn rồi nạp một viên đạn vào buồng đạn kêu đánh cách một tiếng lớn. Đoạn hắn chĩa nòng súng vào đầu tôi.
Hắn giữ nguyên vậy một hồi lâu nhưng không bóp cò. Đoạn hắn từ từ hạ súng xuống và giơ tay trái chỉ về phía cái giếng. Liếm đôi môi khô nẻ, tôi nhìn trân trân vào khẩu súng trong tay hắn. Điều hắn muốn bảo tôi là thế này: tôi có quyền lựa chọn một trong hai số phận. Hoặc tôi để hắn bắn tôi chết ngay bây giờ - chết là hết. Hoặc tôi có thể nhảy xuống giếng. Vì giếng rất sâu nên nếu không gặp may khi tiếp đất, tôi có thể sẽ chết. Bằng không, tôi sẽ chết từ từ dưới đáy cái lỗ đen ngòm này. Rốt cuộc tôi cũng hiểu ra đây chính là cái cơ hội mà viên sĩ quan Nga đã nói. Viên hạ sĩ quan chỉ vào chiếc đồng hồ tước của Yamamoto đếm đến ba, tôi bước lên thành giếng rồi nhảy xuống. Tôi không có cách nào khác. Tôi đã mong có thể bám theo thành giếng mà tụt xuống, nhưng hắn không cho tôi có thì giờ làm việc đó. Hai bàn tay tôi trượt khỏi thành giếng, tôi lao thẳng xuống.
Dường như phải rất lâu tôi mới chạm tới đáy. Thực ra thì chắc hẳn không quá mấy giậy, nhưng trong khoảng thời gian rơi xuống đó tôi đã kịp nhớ lại rất nhiều thứ. Tôi nghĩ về thị trấn quê nhà sao mà xa quá đỗi. Tôi nghĩ về người con gái tôi đã ngủ cùng chỉ một lần duy nhất trước khi xuống tàu ra đi. Tôi nghĩ về bố mẹ tôi. Tôi nhớ mình đã cám ơn trời đã cho tôi một đứa em gái chứ không phải em trai: nhờ vậy thì dù tôi chết bố mẹ tôi vẫn còn có nó và không phải lo rằng đến lượt nó phải đi lính. Tôi nhớ những chiếc bánh bột gạo gói trong lá sồi. Thế rồi tôi đâm sầm xuống mặt đất khô cứng và bất tỉnh một lát. Dường như toàn bộ không khí bên trong tôi đã phụt cả ra ngoài qua lớp vỏ thân thể tôi. Tôi đã rơi phịt xuống đáy giếng như cái bao cát.
Hẳn tôi đã ngất đi chỉ một thoáng vì cú ngã. Khi tỉnh dậy, tôi cảm thấy có dòng nước nào đó đang rưới lên mình. Ban đầu tôi ngỡ là mưa, nhưng tôi nhầm. Đó là nước tiểu. Đám lính Mông Cổ đang đái lên tôi trong khi tôi nằm dưới đáy giếng. Tôi nhìn lên thấy bóng dáng lờ mờ của họ xa mãi trên kia, từng người một đến bên miệng giếng tròn để đái. Quang cảnh đó có gì đó phi thực một cách khủng khiếp, như một cơn ảo giác vì ma túy vậy. Nhưng đó là thực tại. Quả thực tôi đang ở dưới đáy giếng, và người ta đang đái lên tôi bằng nước đái thật. Sau khi cả bọn đã đái xong, một người rọi đèn pin lên tôi. Tôi nghe họ cười rộ. Rồi họ biến mất khỏi mép giếng. Sau đó, mọi sự chìm vào im lặng thăm thẳm.
Tôi nghĩ tốt nhất là nằm sấp một lát, chờ xem họ có quay lại không. Nhưng hai mươi phút trôi qua, rồi ba mươi phút (tôi chỉ đoán vậy vì không có đồng hồ), họ vẫn không quay lại. Dường như họ đã đi, bỏ tôi ở đây. Tôi đã bị bỏ lại ở dưới đáy một cái giếng giữa sa mạc. Khi đã chắc là đám lính không quay lại nữa, tôi quyết định kiểm tra xem mình có bị thương không. Làm việc đó trong bóng tối thật không dễ. Tôi không nhìn thấy chính cơ thể mình. Tôi không thể dùng mắt để xác định xem cơ thể mình có ổn không. Tôi chỉ có thể dùng tay sờ, nhưng không dám chắc những cảm nhận của mình trong bóng tối là chính xác. Tôi cảm thấy mình đang bị dối gạt, bị đánh lừa. Đó là một cảm giác thật kỳ lạ.
Tuy vậy, từng tí một, và bằng cách hết sức chú ý tới từng chi tiết, tôi bắt đầu nhận thức được hoàn cảnh của mình. Điều đầu tiên tôi nhận thấy là tôi đã hết sức gặp may. Đáy giếng tương đối mềm, toàn cát. Nếu không thì khi rơi xuống từ trên cao đến thế chắc tôi đã gãy hết xương. Tôi hít một hơi dài, sâu rồi cố cử động. Trước hết tôi thử cử động các ngón tay. Ngón tay động đậy được, dù yếu ớt. Sau đó tôi thử ngồi dậy, nhưng không được. Cơ thể tôi như đã mất hết cảm giác. Ý thức vẫn còn, nhưng có cái gì đó không ổn trong sự liên lạc giữ ý thức với cơ thể. Tâm trí tôi quyết định làm cái gì đó, nhưng không truyền tải được ý nghĩ đó đến hoạt động các cơ. Tôi đành chịu thua, chỉ nằm im một lát trong bóng tối.
Tôi đã nằm như thế trong bao lâu, tôi không biết. Nhưng rồi, dần dần, cảm giác bắt đầu trở lại. Và cùng với sự phục hồi là - cũng tự nhiên thôi - cái đau xuất hiện. Đau ghê gớm. Chắc tôi gãy chân mất rồi. Và tôi hẳn đã bị trật khớp, có khi còn gãy không chừng.
Tôi nằm đó ráng chịu đau. Không biết tự lúc nào nước mắt tuôn ràn rụa xuống hai má tôi - khóc vì đau, nhưng còn hơn cả đau là khóc vì tuyệt vọng. Chắc ông sẽ không bao giờ hiểu nổi cảm giác ấy đâu - nỗi cô đơn tột cùng, nỗi tuyệt vọng cùng cực khi bị bỏ mặc trong một cái giếng sâu giữa sa mạc ở bên rìa thế giới, người đau như dần trong bóng tối như mực. Thậm chí tôi hối tiếc phải chi tên hạ sĩ quan Mông Cổ bắn quách tôi cho rồi thì có hay hơn không. Nếu tôi bị giết bằng cách đó thì chí ít bọn họ cũng biết về cái chết của tôi. Chứ nếu tôi chết ở đây, đó sẽ là một cái chết thực sự cô độc, một cái chết chẳng ai buồn quan tâm, một cái chết câm lặng.
Thi thoảng tôi nghe tiếng gió. Mỗi khi lùa qua mặt đất, gió lại gây ra một âm thanh kỳ lạ nơi miệng giếng, âm thanh như một người đàn bà than khóc ở một thế giới xa xôi nào. Thế giới đó và thế giới này nối với nhau bằng một đường thông hẹp qua đó giọng của người đàn bà vọng đến tôi, dù chỉ từng chặp cách quãng không đều. Tôi đã bị bỏ mặc một mình trong im lặng sâu thẳm và trong bóng tối còn thăm thẳm hơn thế.
Cố nén đau, tôi vươn tay sờ nền đất quanh mình. Đáy giếng phẳng, không rộng lắm, đường kính khoảng từ mét rưỡi tới mét bảy. Trong khi sờ soạng mặt đất, tay tôi bỗng chạm phải một vật cứng, sắc. Tôi sợ hãi rụt tay về, nhưng rồi lại chầm chậm, cẩn thận chìa tay về phía vật đó. Các ngón tay tôi lại tiếp xúc với cái vật sắc đó. Ban đầu tôi nghĩ đó là một cành cây, nhưng chẳng mấy chốc tôi nhận ra mình đang chạm phải xương. Không phải xương người mà là xương của một con vật nhỏ. Xương vung vãi tứ tung, có thể vài lâu ngày, cũng có thể vì cú ngã của tôi. Chẳng còn gì khác dưới đáy giếng nữa, chỉ toàn cát, mịn và khô.
Kế đó tôi miết lòng bàn tay lên vách giếng. Dường như vách được làm bằng những viên đá mỏng, nhẵn. Bề mặt sa mạc vào ban này nóng như thiêu, nhưng cái nóng đó không xuyên thấu nổi đến thế giới dưới lòng đất này. Các viên đá lạnh toát như băng. Tôi lại sờ soạn lên vách giếng để kiểm tra khoảng hở giữa các viên đá. Nếu đủ chỗ tì chân thì tôi sẽ có thể leo lên được. Nhưng khoảng hở giữa các viên đá quá hẹp không thể tì chân được, đã vậy cái thân tôi bầm dập thế này thì leo lên là chuyện hầu như không tưởng.
Cố hết sức bình sinh, tôi lếch về phía vách giếng, gượng dậy ngồi tựa vào vách. Mỗi cử động lại khiến chân và vai tôi đau thon thót như bị châm hàng trăm mũi kim dày. Sau đó thì từng hơi thở đều khiến tôi có cảm giác toàn thân tôi sắp rời ra từng mạnh. Tôi sờ vai thì thấy nó nóng hầm hập, sưng tấy lên.
° ° °
Bao nhiêu thời gian trôi qua như vậy, tôi không biết. Nhưng rồi, đến một lúc, xảy ra một điều mà tôi không thể tưởng tượng nổi. Ánh nắng mặt trời rọi xuống qua miệng giếng như một thứ mặc khải. Trong khoảnh khắc đó, tôi thấy rõ mọi vật quanh mình. Giếng ngập trong ánh sáng rực rỡ. Cả một dòng thác ánh sáng. Cái chói chang đó hầu như làm tôi nghẹt thở. Bóng tối và cái lạnh bị quét sạch trong một khoảnh khắc, ánh mặt trời ấm áp, dịu dàng bao bọc tầm thân trần trụi của tôi. Ngay cả cái đau của tôi dường như cũng được ban phúc trong ánh sáng của mặt trời, cái ánh sáng giờ đây đang rọi chiếu lên mớ xương trắng của con vật nhỏ bên cạnh tôi. Nắm xương đó vốn lẽ ra đã là điềm gở cho cái chết mười mươi của tôi, nhưng trong ánh nắng mặt trời dường như nó lại là một người bạn thân thiết đồng cam cộng khổ. Tôi thấy rõ những tảng đá xây vách giếng bao quanh tôi. Chừng nào còn ở trong ánh sáng, tôi có thể quên hết nỗi sợ, cái đau, cơn tuyệt vọng. Sững sờ, tôi ngồi ngây ra trong ánh sáng chói lòa. Thế rồi ánh sáng biến mất cũng đột ngột như khi nó đến. Bóng tối dày đặc lại trùm lên mọi vật. Khoảnh khắc vừa rồi hết sức ngắn ngủi. Nếu nói theo đồng hồ, nó kéo dài khoảng mười giây, cùng lắm là mười lăm giây. Rõ ràng là do góc độ nên ánh sáng mặt trời chỉ có thể rọi thẳng vào đáy giếng trong ngần ấy thời gian, chỉ một lần duy nhất mỗi ngày. Dòng ánh sáng đã ra đi trước khi tôi kịp hiểu ra ý nghĩa của nó.
Sau khi ánh sáng đã tàn, tôi lại chìm trong bóng tối còn dày đặc hơn trước. Tôi gần như không cử động được. Tôi không có nước, không có thức ăn, không một mảnh vải che thân. Buổi chiều dài dằng dặc trôi qua, rồi đêm đến, nhiệt độ tụt xuống thấp nhất. Tôi gần như không ngủ được. Cơ thể tôi thèm được ngủ, nhưng cái lạnh chọc vào da tôi như hàng ngàn cái gai nhỏ xíu. Tôi cảm thấy như phần cốt tủy của sinh mệnh tôi đang cứng lại, đang chết dần. Trên đầu, tôi thấy những vì sao lạnh giá trên bầu trời. Sao nhiều đến hãi hùng. Tôi ngắm nhìn chúng, quan sát chúng di động chầm chậm. Chuyển động của chúng giúp tôi yên lòng rằng thời gian vẫn đang trôi. Tôi ngủ một chút, sực tỉnh vì lạnh và đau, ngủ thêm chút nữa rồi lại sực tỉnh vì đau.
Cuối cùng trời cũng sáng. Từ miệng giếng tròn, những điểm sáng li ti sắc nhọn của ánh sao dần dần nhạt đi. Thế nhưng, ngay cả khi bình minh đã rạng, các vì sao vẫn không biến mất hoàn toàn. Dù đã mờ nhạt đến hầu như không thấy được, chúng vẫn còn đó. Để cho đỡ khát, tôi liếm những giọt sương buổi sáng đọng trên vách giếng. Dĩ nhiên là chẳng được bao nhiêu, nhưng với tôi chỗ nước đó ngon như một hồng phúc trời cho. Tôi chợt nhớ ra rằng đã suốt một ngày tôi không ăn, không uống. Thế nhưng tôi không thấy đói chút nào.
Tôi cứ ở đó, ngồi yên, dưới đáy lỗ. Tôi không làm gì khác được. Thậm chí tôi không thể suy nghĩ, cảm giác cô đơn và tuyệt vọng của tôi quá to lớn. Tôi ngồi đó chẳng làm gì, chẳng nghĩ gì. Tuy nhiên, một cách vô thức, tôi chờ tia sáng đó, cái dòng ánh sáng chói lòa tuôn thẳng xuống đáy giếng chỉ trong một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi mỗi ngày. Ắt hẳn đó là một hiện tượng xảy ra lúc rất gần giữa trưa, khi mặt trời nằm ở thiên đỉnh và ánh sáng của nó chiếu vuông góc xuống mặt đất. Tôi đợi ánh sáng đó, ngoài ra tôi không chờ đợi gì nữa. Tôi chẳng còn có thể đợi cái gì khác nữa.
Dường như rất nhiều thời gian đã trôi qua. Đến một lúc, tôi thiếp đi mà không hay. Ngay lúc tôi cảm thấy sự hiện diện của cái gì đó và sực tỉnh thì ánh sáng đã ở đó rồi. Tôi nhận ra mình lại đang ngập trong ánh sáng chan hòa đó. Một cách vô thức, tôi dang rộng hai tay, ngửa lòng bàn tay ra đón nhận mặt trời. Lần này ánh sáng mạnh hơn nhiều so với lần đầu. Nó cũng ở lại với tôi lâu hơn lần trước nhiều. Ít nhất là tôi cảm thấy như vậy. Trong ánh sáng đó, lệ trào khỏi mắt tôi. Tôi cảm thấy như toàn bộ chất lỏng trong cơ thể tôi có thể biến thành nước mắt rồi trào ra khỏi mắt tôi, rằng chính cơ thể cũng có thể tan đi mất. Nếu như điều đó xảy ra trong niềm phúc lạc tột cùng của ánh sáng kỳ vĩ đó thì ngay cái chết cũng không còn đáng sợ nữa. Thực sự tôi cảm thấy muốn chết. Tôi có một cảm giác kỳ diệu về nhất thể, một cảm thức vô cùng lớn lao về sự hợp nhất. Phải, nó đấy: ý nghĩa đích thực của cuộc nhân sinh nằm trong cái ánh sáng chỉ kéo dài mấy giây kia, và tôi cảm thấy thật sự mình cần phải chết ngay lúc đó, ngay ở đó.
Nhưng dĩ nhiên, chưa có chuyện gì kịp xảy ra thì ánh sáng đã biến mất. Tôi vẫn đang ngồi dưới đáy cái giếng khốn khổ kia. Bóng tối và cái lạnh lại siết chặt lấy tôi như thể tuyên bố rằng ánh sáng kia chưa bao giờ tồn tại cả. Tôi cứ ngồi co ro đó mãi một hồi lâu, mặt mũi đầm đìa nước mắt. Như bị một sức mạnh to lớn nào đó giã cho tơi bời, tôi không thể làm gì, không thể nghĩ về bất cứ cái gì, thậm chí không còn cảm thấy sự tồn tại của thân thể mình nữa. Tôi như một bộ xương khô, cái vỏ rỗng bị một con côn trùng bỏ lại. Nhưng rồi, trong tâm trí tôi, như một căn phòng trống, lại hiện về lời tiên tri của hạ sĩ Honda: rằng tôi sẽ không chết ở Trung Hoa đại lục. Giờ đây, khi ánh sáng đó đã đến và đã đi qua, tôi thấy mình có thể tin lời của anh ta. Giờ đây tôi có thể tin lời của anh ta bởi vì, ở nơi mà đáng lẽ ra tôi đã chết, vào thời điểm mà đáng lẽ ra tôi đã chết, tôi đã không thể chết. Không phải tôi không chết, mà là tôi không thể chết. Ông Okada có hiểu tôi đang nói gì không? Bao nhiêu ân huệ mà tôi đã được trời ban cho tôi lúc đó, tôi đã mất cả rồi.
° ° °