Hoàng đế khai quốc thiên hạ Tấn gia niên hiệu chỉ là Kiến Võ, Tân hoàng lại duy ngã độc tôn đến mức lấy Kiến Nguyên [1] làm niên hiệu, đè đầu đế vương khai quốc. Người không biết nội tình khó tránh tặc lưỡi, giữa cha con thiên gia này phải có bao nhiêu thù hận mới làm cho Tân hoàng không hề niệm tình nghĩa cha con, chiêu cáo thiên hạ, khiến cho phụ hoàng mất hết thể diện quân vương khai quốc.
[1] Kiến: thành lập; xây dựng. Nguyên: đầu tiên; thứ nhất; bắt đầu.
Thái thượng hoàng vừa thoái vị di cư đến Vĩnh Thọ cung an dưỡng, đi cùng còn có Trần vương bây giờ đã bị biếm thành thứ dân, và tiền Hoàng hậu bị phế.
Nói là an dưỡng nhưng Tân hoàng lại lệnh người đóng cửa Vĩnh Thọ cung, nói với bên ngoài là thân thể Thái thượng hoàng không được khỏe, cần tĩnh dưỡng, lệnh người không được đến gần Vĩnh Thọ cung nửa bước.
Ngoài cửa lớn Vĩnh Thọ cung, có thị vệ giáp vàng cầm thương canh giữ. Người bên ngoài không vào được, người bên trong không ra được. Vĩnh Thọ cung lớn như vậy, từ nay về sau trở thành cấm cung.
Tân hoàng đăng cơ, một đời vua một đời thần, hậu cung tiền triều cũng khó tránh khỏi bị thanh tẩy vận mệnh một lần.
Đợi sóng trào này qua đi, triều cục đã gần như yên bình. Tân hoàng phái Cấm Vệ Quân đón Hoàng trưởng tử ở tiềm để vào trong cung. Nhưng lại cho vào ở Dục Chương cung đại diện cho thân phận Hoàng thái tử.
Hành động này có ý gì, không cần nói cũng biết.
Trong lòng triều thần dấy lên sóng to gió lớn. Tân hoàng vừa đăng cơ, còn đang ở thời điểm tráng niên đã muốn định ra nhân tuyển Thái tử sớm như vậy? Huống hồ Hoàng trưởng tử cũng chỉ là trẻ con còn đang trong tã lót, mà mẹ đẻ lại là thân phận như vậy.
Triều thần rất muốn khuyên Tân hoàng nghĩ lại, nhưng nếu muốn chất vấn việc làm của Tân hoàng đương triều lại không ai dám thò đầu ra. Tân hoàng độc đoán, không cho người nói không, thủ đoạn cương quyết gay gắt. Lúc này lại vừa lên ngôi hoàng đế, chính là thời điểm phải tạo dựng uy nghi đế vương, trấn áp triều cương. Vào lúc này, triều thần thông minh nào mà không ngoan ngoãn giữ bổn phận, nếu không bị đem ra giết gà dọa khỉ, chẳng phải là quá oan uổng?
Nhưng mà trong lòng bọn họ vẫn cảm thấy lòng đế vương khó dò.
Uổng cho bọn họ lúc trước thấy Tân hoàng chẳng dòm ngó tới Hoàng trưởng tử, ngay cả tiệc trăm ngày thậm chí tiệc đầy tuổi của Hoàng trưởng tử cũng quên, tất thảy không làm. Nào có thể ngờ được, Hoàng trưởng tử nhìn có vẻ chịu lạnh nhạt, cuối cùng lại là nhân tuyển Hoàng thái tử mà Tân hoàng nhắm vào nhất?
Lòng đế vương sâu tựa biển, quả là không lường được.
Hoàng trưởng tử vào ở Dục Chương cung đại diện cho thân thận Đông Cung, thân phận những nô tài hầu hạ bên người tự nhiên nước lên thì thuyền lên.
Điền Hỉ tất nhiên là mở mày mở mặt.
Từ lúc Lâm lương đệ bị ngộ hại, địa vị tiểu chủ tử xuống dốc không phanh. Khi đó để chấm dứt cảnh ngộ tiểu chủ tử bị lạnh nhạt, hắn ta cũng phí sức khổ tâm nghĩ hết biện pháp. Thậm chí có ngày không kiềm chế được, gan chó to lên, nhắc đến Lâm lương đệ ngay trước mặt chủ tử gia ngày trước còn là Thái tử, ý đồ gợi lại thương yêu của chủ tử gia với tiểu chủ tử.
Phải biết, từ sau khi Lâm lương đệ đi, ba chữ "Lâm lương đệ" trở thành cấm kỵ trong phủ từ trên xuống dưới, ai cũng không dám nhắc. Chủ tử gia không cho phép người ta nhắc, thậm chí ngay cả thi thể trong sông hộ thành cũng không tiếp tục sai người vớt, phàm là người thậm chí là vật dính dáng đến Lâm lương đệ đều không chịu gặp lại, rất có xu thế muốn quên triệt để người đó.
Có thể tưởng tượng được, ngày xưa lúc hắn ta nhắc đến Lâm lương đệ trước mặt chủ tử gia là liều lĩnh mạo hiểm cỡ nào. Còn nhớ hắn ta vừa dứt lời, ánh mắt chủ tử gia nhìn chằm chằm hắn như phủ sương đen, áp bức người ta ngạt thở, lại như dao lóc thịt người, hận không thể thiên đao vạn quả hắn.
Hắn ta vừa nhấp môi, không đợi hắn thấp thỏm muốn cả gan tiếp tục nói rõ ràng di ngôn của Lâm lương đệ, đột nhiên lồng ngực một trận đau đớn, tiếp đó cả người hắn hứng chịu cái đạp hung ác vào tim, bay ngược ra ngoài.
"Nếu còn dám rủa nàng, đừng trách ta không niệm tình cũ!"
Mãi đến đây hắn mới biết, không phải chủ tử gia muốn quên Lâm lương đệ, mà là không chịu thừa nhận người kia đã hương tiêu ngọc vẫn.
Không vớt thi thể, không nghe di ngôn, có lẽ lừa mình dối người như vậy là dường như người nàng còn đây, hương hồn chưa tiêu.
Trải qua chuyện này, Điền Hỉ xem như hiểu rõ, chủ tử gia hắn khắc cốt ghi tâm Lâm lương đệ, như vậy hắn ta cũng có thể thoáng an tâm.
Chỉ cần chủ tử gia có thể nhớ kỹ Lâm lương đệ, dù là có chỗ giận chó đánh mèo và lạnh nhạt với tiểu chủ tử, nhưng cũng sẽ không nhẫn tâm hoàn toàn lãng quên tiểu chủ tử, mặc người ta làm nhục hay giày xéo.
Quả thật như hắn ta dự liệu. Chủ tử gia vừa đăng cơ, chẳng phải đã phái trọng binh đón tiểu chủ tử vào cung, còn là Dục Chương cung.
E là những người ngoài kia ngầm chế nhạo chủ tớ bọn họ nằm mơ cũng không nghĩ tới, tiểu chủ tử không những không bị hoàn toàn lãng quên, còn được chủ tử gia đưa lên vị trí dưới một người trên vạn người. Mà nô tài què chân như hắn cũng trở mình, trở thành nô tài chưởng sự của Đông Cung.
***
Kim Lăng là thành lớn của Giang Nam phồn hoa, có nhiều thương nhân qua lại giao dịch.
Vào trung tuần tháng hai, cuối cùng Lâm Uyển cũng tìm được thương đội sắp tới sẽ đi đất Thục, tốn gần hai mươi lượng bạc nhờ bọn họ tiện thể gửi giúp một phong thư tới.
Sau đó cách mỗi mười ngày nửa tháng, nàng sẽ chờ ở nơi thương đội dừng chân trước đó, xem xem thương đội kia đã trở về hay chưa. Có đôi khi cảm xúc không bình tĩnh, cũng sẽ đứng dậy đến bến đò một chuyến, trông về nơi mặt sông xa mênh mông vô bờ, hồi lâu không chịu quay về.
Thành Kim Lăng xưa nay sầm uất, khung cảnh phồn thịnh ngọc châu la liệt, nhà xa hoa gấm lụa càng không cần phải nói. Dù là ban đêm, đường to ngõ nhỏ cũng ồn ào thâu đêm suốt sáng, cực kỳ náo nhiệt.
Chờ đợi luôn dài đằng đẵng, mãi đến khi vùng đất Giang Nam qua thời tiết mưa dầm, Lâm Uyển vẫn không đợi được thương đội trở về. Nàng không khỏi suy nghĩ lung tung, không khỏi lo lắng hãi hùng, sau đó nản lòng thoái chí. Mỗi lần cảm thấy vô vọng, nàng sẽ ép mình ra ngoài, nhìn đường phố phồn hoa, người người náo nhiệt, rồi lại khơi dậy kỳ vọng đối với cuộc sống tương lai.
Có lẽ là đường xá hiểm trở, thương đội đi hơi chậm.
Có lẽ là chỗ bọn họ ở quá hẻo lánh, không thể đưa thư đến được.
Cũng có lẽ là ngày đó bọn họ không đến đất Thục, mà là tìm một nơi phồn hoa liễu rủ cư ngụ ở đó.
Từ đó Lâm Uyển dần dần bĩnh tĩnh lại, không còn lo được lo mất nữa.
Nàng có một linh cảm mãnh liệt, bọn họ chắc chắn trốn thoát khỏi trận loạn lạc ngày xưa, bình an sống sót.
Tháng mười cuối thu mát mẻ, Lâm Uyển đã dần dần hòa nhập vào cuộc sống nơi này. Căn nhà nàng thuê cách cửa hàng không xa, bách tính bình dân cư trú ở nơi này không ít, nhà cửa thấp bé san sát, kiến trúc hết sức dày đặc. Bách tính nơi này chất phác nhiệt tình. Lúc mới tới đây nàng bị bệnh, ngoại trừ lấy thuốc mua lương thực thì gần như không ra khỏi cửa. Nhưng ở nơi này thời gian lâu dài, lúc ra cửa khó tránh sẽ chạm mặt người khác, đi lại thường xuyên, hàng xóm thấy nàng sẽ lên tiếng chào hỏi, như vậy nàng cũng không nên mặt lạnh không trả lời. Thời gian dần trôi qua như vậy, nàng cũng thân quen như đồng hương.
Đến lúc này, nàng ru rú trong nhà nữa thì không tốt, nếu không hàng xóm sẽ cảm thấy nàng kỳ quặc. Một phụ nhân bình thường từ nơi khác tới, suốt ngày một mình ở nhà rất dễ khiến người ta lấy làm lạ, lại cửa đóng then cài, chẳng bao giờ qua lại với hàng xóm, tính cách thì quái dị lầm lì không nói gì, dù là ai cũng thấy có vấn đề.
Cho nên sau mấy tháng dưỡng bệnh, nàng cũng thử tiếp xúc với hàng xóm, lúc nói chuyện vu vơ thổ lộ thân thế ngụy tạo của mình, dần dần thả lỏng cảnh giác với họ.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, nàng cũng đã cắm rễ trong thành này.
Trong nhà, nàng mua thêm chút đồ dùng đơn giản, trên bệ cửa cũng đặt bình sứ thô mộc, bên trong cắm cành liễu và hoa dại nàng hái bên hồ mà hàng xóm dẫn nàng đi, trong sân nhỏ cũng khai khẩn một chỗ trồng chút rau quả dựa theo tập quán bản địa, còn cắm hàng rào quanh sân tường, nuôi hai con gà mái, đợi tích được chút trứng gà thì tặng cho hàng xóm kế bên một ít, cảm ơn họ thường này quan tâm nàng.
Cuộc sống như vậy làm trong lòng nàng thêm yên bình, cũng ngẫm ra hương vị cuộc sống sinh động tràn ngập khói bếp chợ búa. Dần dà, nàng biết cá của cửa hàng nào tươi, đồ ăn nơi nào rẻ, vải vóc nhà ai vừa túi tiền, giống như một phụ nhân phố chợ bình thường sống ở nơi yên ấm.
Vào tháng trước, nàng tìm cho mình một công việc, hỗ trợ dạy nghề và bào chế thuốc cho y quán. Y quán kia là nhà nàng thường đi lấy thuốc, cũng là lão đại phu tiếp xúc lâu với nàng, biết nàng có phần tâm đắc với y dược, lại thấy tay nghề bào chế thuốc của nàng rất thuần thục, mới mời nàng tới hỗ trợ.
Có nghề nghiệp này, Lâm Uyển càng thêm thong dong. Lúc trước nàng còn sợ người ngoài thấy nàng không có nghề nghiệp, nghi ngờ tiền bạc sử dụng thường ngày từ đâu ra. Bây giờ có công việc này thì không sợ nữa.
Ngày hôm đó mặt trời lặn, nàng từ y quán đi ra. Vừa mua chút rau tươi từ cửa hàng trở về, mới tới cửa ngõ đã nghe thấy Lý thẩm lớn giọng gọi: "Mộc nương tử, cuối cùng cô cũng về rồi! Cô mau tới đây, có người trong nhà tới!"
Lâm Uyển quay qua nhìn theo bản năng, chỉ thấy lúc này có ba người phong trần mệt mỏi đang đứng trước cửa gỗ nho nhỏ. Một nữ nhân trẻ tuổi, một nam nhân tráng kiện, còn có một đứa trẻ y phục nho sinh. Ba người đều đeo túi vải, lúc này khuôn mặt đầy phong trần cháy bỏng nhìn về phía cửa ngõ. Lâm Uyển đứng bất động ở đầu ngõ cũng ngơ ngác nhìn về phía bọn họ, đôi bên nhìn nhau đều không dám hít thở, chỉ sợ đây là trong mơ.
"A... Mộc nương tử vui đến ngơ rồi sao?" Lý thẩm hàng xóm nói đùa một câu, sau đó nhiệt tình kéo tay nàng, đẩy nàng về phía ba người kia: "Người trong nhà tới, cô còn không mau đi chuẩn bị chút đồ ngon rượu ngọt tới?"
Nói rồi, bà tìm tòi trong giỏ trúc nàng đang đeo rồi nói: "Chỉ có chút rau xanh thì đãi khách thế nào? Đợi chút nữa ta vào trong nhà lấy cho cô con cá."
Nói xong thì quay người đi vào trong nhà, đồng thời hô những hàng xóm đang xem náo nhiệt mau giải tán, đừng quấy rầy người thân người ta gặp nhau.
Những người trong ngõ nhỏ ra xem náo nhiệt cười cười nói nói không chịu tản đi. Bọn họ hiếu kỳ quan sát ba người phong trần mệt mỏi kia, chụm đầu ghé tai suy đoán bọn họ là gì của Mộc nương tử. Nhất là đứa trẻ y phục nho sinh, tuổi còn nhỏ đã nho nhã lễ độ, diện mạo lại cực kỳ xuất sắc, là người hiếm thấy, không giống như trẻ con nhà bách tính thông thường nuôi ra.
Lâm Uyển run tay cầm chìa khóa mở cửa. Xuân Hạnh cắn răng kiềm chế nước mắt, ở bên cạnh yên lặng đón lấy giỏ trúc Lâm Uyển đeo trên cánh tay.
Đẩy cửa bước vào nhà, cài chốt cửa, chủ tớ mấy người không kìm được ôm nhau khóc rống lên.
Từ biệt bốn năm.
Lâm Uyển kéo Thụy ca muốn quỳ xuống trước Xuân Hạnh và Thuận Tử, Xuân Hạnh khóc, liên tục muốn đỡ nàng dậy, giọng nói cũng run lên: "Người đang làm gì vậy, nô tỳ không nhận nổi, người làm nô tỳ tổn thọ..."
"Được, hai người nên được." Lâm Uyển khăng khăng kéo Thụy ca dập đầu với họ: "Nếu không có hai người liều mình bảo vệ, Thụy ca không sống được đến bây giờ. Hai người không phải nô tỳ nô tài, là ân nhân, ân nhân của ta và Thụy ca, ân nhân của Phù gia."
Xuân Hạnh lắc đầu khóc không nói nên lời, cùng Thuận Tử đỡ Lâm Uyển và Thụy ca dậy.
Nhiều năm như vậy, nàng không dám nghe ngóng bọn họ, bọn họ cũng không dám hỏi thăm nàng. Đôi bên đã sống như thế nào đều không ai biết.
Trong muôn vàn khó khăn hiểm trở như thế, nàng không biết, bọn họ cũng không biết.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT