Liên tiếp mười ngày, trong sông Đồng Tử ngầm dưới Nam Thành Môn, thuyền bè vớt không ngừng không nghỉ, người bơi xuống nước thử vào đáy sông tìm kiếm càng nhiều vô số kể, nhưng vẫn không thu hoạch được gì.
Nếu nói cường độ vớt không cao thì không phải, bây giờ xuất hiện tình hình như vậy, một là thi thể chìm xuống đáy sông ngầm, hai là thi thể bị trôi đến nơi khác. Sau khi chuyện xảy ra, phủ Thái tử điều động số lượng lớn đội ngũ tìm kiếm dọc theo hướng nước sông chảy, cũng nghe ngóng ở thôn xóm xung quanh, nhưng vẫn không hề có bất kỳ manh mối gì.
Lại năm ngày trôi qua, có nhà đò vớt được ở chỗ nào đó dưới đáy sông một bộ y phục nữ tử bị nước sông ngâm rữa, còn có một chiếc giày thêu. Sau khi xác định được kiểu dáng y phục này quả thực từ phủ Thái tử ra, quan viên phụ trách trục vớt không dám chậm trễ, lập tức ra roi thúc ngựa mang những thứ này đến phủ Thái tử.
"Nương nương..." Điền Hỉ vừa nhìn đã nhận ra bộ y phục kia đúng là bộ ngày đó Lâm Uyển mặc, lập tức quỳ phịch xuống đất, đau xót khóc rống lên: "Ngày đó nương nương thay y phục trốn đi, chính là đổi sang cung trang này..."
Nếu nói trước đây chết không thấy xác, trong lòng Tấn Trừ còn sót lại một tia hy vọng nhỏ nhoi, đến lúc này lời Điền Hỉ nói đã hoàn toàn đánh tan mong mỏi còn sót lại không còn một mảnh.
Hắn lảo đảo liên tiếp lùi lại hai bước, nặng nề ngã ngồi xuống giường sau lưng.
"Điện hạ người hãy bảo trọng quý thể, nương nương... nương nương chắc hẳn cũng không đành lòng thấy người đau buồn như vậy." Điền Hỉ khóc quỳ gối tiến về phía trước, chân gãy được băng bó lại bắt đầu rướm máu, kéo lê trên nền đá ngọc thành một vệt đỏ tươi.
Hai mắt Tấn Trừ khô cạn, nhìn chằm chằm cung trang nâng trên hai tay thị vệ bên cạnh. Trên cung trang đó có nước bùn, có vết máu, có vết tích nước ngâm rữa, cũng có vài chỗ bị đao cứa rách.
"Điền Hỉ." Ánh mắt hắn rã rời nhìn sang Điền Hỉ, nhìn vào chiếc chân rướm máu kia: "Bị thương... có đau không?"
Điền Hỉ đang khóc ròng ròng đột nhiên nghe thấy câu hỏi như vậy, không kịp phản ứng khoảng chừng hai giây, sau khi run lên một cái thì càng cúi thấp người, vẫn khóc nói: "Điện hạ, cơ thể nô tài sinh ra cũng là máu thịt, một chân bị người ta chém đứt gân cốt, sao có thể không đau? Lúc đau đớn tột cùng, nô tài đều hận không thể đâm đầu vào tường."
Tấn Trừ nhìn một chân máu đầm đìa kia, lại nhìn về phía cung trang với đầy vết đao.
Hôm đó, người cầm đao chém nàng chỗ nào? Trước ngực, sau lưng, vai, eo... hay là còn có cổ, hai tay, hai chân. Mỗi một đao rơi xuống, có lẽ giống như cẳng chân chảy máu của Điền Hỉ, máu nóng hổi đỏ thắm ào ạt tuôn ra từ vết thương, nhuộm đỏ cung trang màu trắng.
Người mà thường ngày ngay cả một ngón tay hắn cũng không nỡ động vào, lại bị người ta hãm hại như vậy.
Lúc ấy nàng phải đau đớn bao nhiêu, lại sợ hãi thế nào.
Người cầm đao phải tàn nhẫn đến mức nào, không để lại cho nàng nửa con đường sống.
Tất cả bọn họ... đều đáng chết.
Sáng sớm hai ngày sau, cửa lớn phủ Thái tử mở ra, sau đó xe bốn ngựa kéo theo quy chế Thái tử chầm chậm lái ra khỏi phủ đệ, đi về hướng Hoàng cung.
Ngày hôm đó lâm triều, Thái tử nghỉ triều hơn nửa tháng mặc triều phục, mặt mày bình tĩnh đứng đầu văn võ bá quan ở Kim Loan điện. Đây là lần đầu tiên Thái tử đứng trên triều đường kể từ sau biến cố ngày đó của phủ Thái tử.
Trong cả thời gian lâm triều, bầu không khí trong Kim Loan điện đều cực kỳ nặng nề ngột ngạt. Nhất là khi Thái tử bước ra khỏi hàng nói có việc khởi bẩm, khí áp trong cả điện thấp đến tột cùng, thậm chí lòng bàn tay của vài triều thần còn rịn mồ hôi.
"Thái tử có chuyện gì tấu?" Thánh thượng nhìn hắn, hỏi.
Tấn Trừ trình lên biểu tấu: "Tấu Thống lĩnh Cấm Vệ Quân Vương Xương mang người giết vào phủ đệ Trữ quân, ý đồ mưu phản, đại nghịch bất đạo, tội không thể tha, phải xử cực hình, xét nhà xử trảm, tru di tam tộc. Ngoài ra, Cửu môn Đề đốc Dư Tu không kiểm soát được người dưới, cần phải bãi bỏ chức quan, giải vào tử lao sau thu xử trảm răn đe."
Lời vừa dứt, hai người bị điểm tên cuống quýt ra khỏi hàng, quỳ rạp xuống đất.
"Mong Thánh thượng minh xét!" Hai người nhất tề hô.
Thánh thượng tiếp nhận biểu tấu của Thái tử, lật qua một cái rồi gấp lại.
"Thái tử xử oan hai người bọn họ rồi, là trẫm truyền ý chỉ để Vương thống lĩnh đến tuyên chỉ cho Lâm lương đệ." Thánh thượng giơ tay: "Đứng dậy cả đi."
Hai người cảm động đến rơi nước mắt: "Tạ Thánh thượng."
Tấn Trừ đứng thẳng người, nhìn người trên ngự tọa: "Xin hỏi Thánh thượng tuyên chỉ gì cho Lâm lương đệ?"
Ngữ điệu Thái tử hung hăng bức người làm bầu không khí trong điện đông cứng.
"Tuyên chỉ... ban chết."
Huyết dịch Tấn Trừ trào ngược: "Xin hỏi Thánh thượng, Lâm lương đệ đã phạm tội gì?"
Thánh thượng kinh ngạc: "Ngươi là đang chất vấn trẫm? Lâm thị nữ kia không biết liêm sỉ, chỉ nguyên việc mê hoặc Trữ quân đã chính là tội chết, chẳng lẽ ngươi không biết?"
Lời này của Thánh thượng dẫn đến Lâm Hầu gia ở hàng ngũ quan văn hốt hoảng ra khỏi hàng, mồ hôi lạnh chảy ra quỳ rạp xuống đất.
Nhưng bất kể là Thánh thượng hay là Thái tử đều không ai nhìn ông. Cha con thiên gia đối mặt, dưới bề ngoài yên lặng cất giấu cái gì, không một ai biết.
Sau khi tan triều, Tấn Trừ gọi riêng Vương thống lĩnh và Cửu môn Đề đốc lại, hai mắt trũng sâu nhìn hai người sắc mặt cứng ngắc trước mặt: "Các ngươi tuyệt đối phải giữ chắc cái đầu trên cổ cho ta."
Lời này vừa nói ra, người nào không hãi hùng khiếp vía.
Không phải không ngờ tới sau chuyện này, Thái tử và bọn họ ắt sẽ là cục diện không chết không thôi, nhưng đến khi thực sự đối diện với sát khí không chút che giấu của Thái tử, sát ý bừng bừng này đến từ Trữ quân một nước, quả thực khiến bọn họ không thể nào bình chân như vại được.
Từ đó trở đi, bọn họ càng thêm kiên định không dời mũi giáo về phía đội ngũ Trần Vương, thậm chí dốc hết sức mình lôi kéo những triều thần khác, không tiếc trả giá để tăng gạch thêm ngói cho thế lực Trần vương. Bởi vì bọn họ biết, một khi sau này Trần vương thua trận, vận mệnh những triều thần khác thế nào bọn họ không biết, nhưng vận mệnh của hai người bọn họ đã xác định, hẳn phải chết không nghi ngờ.
Ngoại trừ dốc hết toàn lực đưa Trần vương lên ngôi, bọn họ không có lựa chọn thứ hai.
Sau khi hồi phủ, Tấn Trừ gọi thân tín đến giao phó: "Canh chừng chặt chẽ Vương gia và Dư gia, để một kẻ chạy mất, ta chỉ mang ngươi ra hỏi."
Tháng ngày như con nước trôi, thấm thoắt, xuân hạ đều đã tuột qua kẽ tay, thời gian đã tới tháng chín năm Kiến Võ thứ tư.
Khoảng thời gian này trên triều đình bình lặng như nước, không sóng ngầm mãnh liệt chấn động lòng người như trong dự đoán của triều thần. Sau lần đó Thái tử làm khó hai người Vương Dư bị Thánh thượng bác bỏ thì hình như cứ vậy là thôi, nửa năm qua không mảy may làm khó dễ bọn họ trên triều đường. Thậm chí ngay cả phe cánh Trần vương tác oai tác quái, Thái tử cũng coi như không nhìn thấy, mặc cho thanh thế lớn mạnh.
Nhưng cái gọi là dị thường có trá, Thái tử càng không làm gì như vậy, ngược lại người phe phái Trần vương càng hoảng, lòng người càng hoảng thì càng nóng nảy, cũng càng dễ sai lầm.
Người đảng phái Thái tử vẫn làm việc tuần tự từng bước, ngoại trừ định kỳ báo cáo tình hình với Thái tử thì hình như không có hành động lớn nào khác. Nhưng trên triều đường, mỗi lần ánh mắt bình tĩnh của Thái tử quét qua bọn họ, người của đảng phái Trần vương đều cảm thấy như Thái Sơn đè đầu, luôn có dự cảm không hay, dần dần phủ kín trong lòng.
Từ sâu thẳm, bọn họ lờ mờ cảm thấy có vẻ Thái tử đang bày bố gì đó, dường như đã đến thời điểm thu lưới.
Trong phủ Thái tử, Điền Hỉ dỗ tiểu Hoàng tôn chìm vào giấc ngủ xong, sau đó cho những người khác trong điện lui ra, một mình yên lặng ngồi trước nôi, nhìn khuôn mặt ngủ say của tiểu Hoàng tôn đến thất thần.
Từ nửa năm trước sau biến động trời của phủ Thái tử, chân trái của hắn ta đã bị phế, đi lại đều cần chống gậy, điều này cũng có nghĩa rằng hắn ta mất tư cách làm tùy tùng bên cạnh Thái tử.
Bị tống cổ tới chăm nom tiểu Hoàng tôn, theo lý thuyết cũng là Thái tử coi trọng hắn ta, nhưng mấu chốt là nửa năm qua, số lần Thái tử đến thăm tiểu Hoàng tôn có thể đếm được trên đầu ngón tay.
Dù có mấy lần hắn ta không kiềm chế được, cố ý tìm cớ để bà vú ôm tiểu Hoàng tôn đến chính điện nhưng đều bị Thái tử lấy lý do bận công vụ để từ chối gặp.
Điền Hỉ lạnh cả tim, hắn ta sợ nhất là Thái tử vì chuyện của Lâm lương đệ mà giận chó đánh mèo lên tiểu Hoàng tôn.
Dù sao hôm ấy Lâm lương đệ xảy ra chuyện là ngày mừng sinh của Hoàng tôn, kết hợp với lời đồn đại thế tục, hắn ta rất sợ Thái tử để tâm chuyện vụn vặt, cho rằng Hoàng tôn khắc chết mẹ ruột.
Nếu Thái tử thật sự vì vậy mà giận gió đánh mèo Hoàng trưởng tôn, vậy tiền đồ Hoàng trưởng tôn rất đáng lo ngại.
Tấn Trừ một lần nữa bừng tỉnh trong cơn ác mộng, đầu đầy mồ hôi lạnh, hai tay nắm chặt gần như nứt xương. Hắn ngơ ngẩn nhìn đỉnh trướng đen kịt hồi lâu, hai bên đầu bắt đầu giật lên thình thịch, nhức nhối dữ dội như vật nặng nện vào, đau đớn khó mà chịu được khiến sắc mặt hắn nhăn nhó. .
ngôn tình hài"Người đâu!" Hắn một tay ôm đầu, một tay kéo mạnh màn che, quát lệnh ra bên ngoài: "Mau mang thuốc tới!"
Điền Hỉ ở điện phụ mang máng nghe thấy động tĩnh bên ngoài, hắn dựng tai lắng nghe, hình như là từ chính điện vọng tới, bèn vội gọi nô tài đến hỏi.
"Là chứng đau đầu của điện hạ lại tái phát." Tiểu nô tài kia hoảng hốt nhỏ giọng nói: "Nô tài trực đêm không bưng thuốc đến đúng giờ, bị Thái tử gia sai người lôi ra ngoài đánh, lưng đánh đến tứa máu."
Nói đến đây, tiểu nô tài co rúm lại, trong lòng đồng cảm.
Điền Hỉ lặng lẽ thở dài, tìm thuốc trị thương đưa cho tiểu nô tài kia. Bây giờ hắn ta đã không còn là nô tài hầu hạ bên cạnh Thái tử gia nữa, tình hình này không tới lượt hắn xen vào, huống hồ bây giờ hắn cũng không dám khuyên.
Chứng đau đầu của Thái tử gia ghê gớm, nhớ những năm kia hắn đi theo Thái tử gia đã thấy tận mắt, mỗi lần phát tác đều đau đớn không thể chịu được. Thái tử gia là nhân vật phong thái tuyệt luân, nhưng khi phát tác lên thì vẻ mặt cực kỳ đáng sợ. Về sau lúc gặp gỡ Lâm lương đệ, có lẽ là khúc mắc đã giải, lồng ngực nhẹ nhõm, chứng đau đầu kia kỳ lạ không trị mà khỏi.
Có lẽ Lâm lương đệ chính là thuốc của Thái tử gia, bây giờ thuốc không còn, tất nhiên bệnh lại tới.
Tháng thứ hai sau khi Lâm lương đệ đi, bệnh cũ của Thái tử gia tái phát, dần dà phát tác càng thêm liên miên, người cũng càng thêm nóng nảy.
Hắn ta thấy, năm đó Thái tử gia còn có thể tự khống chế phần nào, còn bây giờ...
Một đêm này, chính điện ồn ào đến nửa đêm, cho đến khi Thái tử gia dựa vào thuốc làm dịu cơn đau đầu, chìm vào giấc ngủ một lần nữa thì mới bình yên trở lại.
Lâm Uyển ở Huệ thành xa xôi, lại là dùng thời gian nửa năm này điều dưỡng sức khỏe, khảo sát kỹ con đường xuôi Nam và lựa chọn thương đội đáng tin cậy. Sau khi nộp chút tiền bạc theo lệ, và vào đầu tháng chín, nàng theo thương đội cùng xuôi Nam.
Nàng nói với người ngoài là xuôi Nam tìm người thân, dọc đường cũng không ai hoài nghi thân phận của nàng. Sợ dung mạo gây chú ý, ngay từ ngày đầu tiên vào Huệ thành, nàng đã đi mua thảo dược điều chế nước thuốc, bôi vàng da dẻ toàn thân, tóc cũng làm cho khô vàng, trên mặt cũng dùng son phấn bột nước hóa trang cẩn thận, ở trong đám người nhìn vào chỉ là một phụ nhân trung niên bình thường, không dễ gây chú ý.
Vì là thương đội hành nghề mua đi bán lại, cần phải gom hoa quả khô ở các thành khác nhau, cho nên chuyến này đi đường bộ, hành trình sẽ chậm hơn chút.
Điểm cuối cùng chuyến này là Giang Nam. Theo người thương đội nói, nếu nhanh thì trong năm là có thể đến, nếu chậm một chút thì sang năm.
Lâm Uyển tính toán thử, thời gian như vậy cũng được, ở Giang Nam thong thả nghỉ ngơi một hai tháng, đúng lúc sắp tới mùa xuân tháng ba, thời tiết ấm áp hoa nở rồi lại xuất phát, sau đó chọn tuyến đường đi thẳng đến đất Thục.
Đất Thục.
Nghĩ đến đất Thục nàng đã kích động, nhưng cũng có phần lo lắng không yên. Nàng không biết, năm đó binh hoang mã loạn rời kinh, bọn họ có được như mong muốn, bình yên tới đất Thục hay không?
Đầu đông năm Kiến Võ thứ tư, dự cảm trong lòng đảng phái Trần vương đã được chứng thực. Những gì bà lão quỳ trên triều đường nói ra khiến cả triều lớn đến vậy lặng ngắt như tờ.
Trên triều đình không thiếu cựu thần trải qua hai triều đại, đương nhiên có thể nhận ra người quỳ dưới triều đường kia. Đó đúng là cung nữ năm đó cố Trưởng công chúa - Ý Đức Hoàng hậu tín nhiệm nhất bên mình, Vân Cô.
Từ sau khi cố Trưởng công chúa bệnh chết, Vân Cô đã biệt tăm biệt tích. Có người nói bà ta tuẫn chủ, có người nói bà ta xuất gia, cũng có người lén lút nói bà ta bị Đương kim giết, tóm lại mỗi người nói một kiểu. Nhưng người đã từ biệt hơn hai mươi năm, tưởng là thực sự không có ai gặp lại bà ta, mọi người cũng đều coi người này đã mất từ lâu, làm sao ngờ được hơn hai mươi năm sau lại đột nhiên gặp được người sống sờ sờ như vậy?