Bạch Nguyệt Như gặp Quý Gia Hải lần đầu năm mười chín tuổi.

Năm ấy mùa đông lạnh cực kì, Bạch Nguyệt Như đi theo mẹ là Tôn Vu Phương tới chúc tết bà dì Bạch Trường Anh.

Nói đến lại buồn cười, mười chín năm qua lần đầu tiên Bạch Nguyệt Như biết mình có bà dì ở thôn Liễu Sao. Lần này tới là vì hai mẫu đất của bà dì. Bà dì có hai người con từ hồi còn trẻ đã theo người vào thị trấn buôn bán nên chẳng hiếm lạ hai mẫu đất kia vậy nên bà dì tính chia cho bà con thân thích của mình, do đó hai mẫu đất này trở thành miếng thịt ngọn với đông đảo thân thích. Lúc ấy có đất mới có tiền. Tôn Vu Phương muốn có hai mẫu đất này nên mới kéo Bạch Nguyệt Như tới chúc tết.

Bạch Nguyệt Như rất ghét dáng vẻ vì cái lợi trước mắt của Tôn Vu Phương nên không muốn đi, nhất là đi cùng Tôn Vu Phương.

“Con bé này sao không hiểu chuyện thế? Hử? Con có biết hai mẫu đất của bà dì rộng bao nhiêu không? Hai mẫu đất này ở thôn Liễu Sao rất phì nhiêu, nếu có được nó mẹ sẽ đổi với thôn Dương Lâm, ít nhất có thể đổi được bốn mẫu, có bốn mẫu này, chúng ta sẽ không nghèo như bây giờ nữa.” Tôn Vu Phương không quen nhìn Bạch Nguyệt Như ra dáng thanh cao, phân tích lợi hại với cô một hồi, “Đầu năm con làm loạn muốn học cấp ba nhưng không được, đó là vì sao? Còn không phải là bởi chúng ta nghèo à. Nếu có được bốn mẫu dất này, ông Dương trưởng thôn sẽ nhìn chúng ta bằng con mắt khác.”

Lời này của Tôn Vu Phương như chọc vào nỗi đau của Bạch Nguyệt Như. Ba Bạch Nguyệt Như – Bạch Hiền Bân đã chết bệnh khi cô chưa tròn mười tuổi, chỉ có Tôn Vu Phương một thân một mình nuôi nấng con gái. Nhưng Tôn Vu Phương cũng không phải người chăm chỉ, bà làm hai ngày phải nghỉ ngơi bốn ngày. Rõ ràng trong nhà chẳng có bao nhiêu ruộng nhưng bà vẫn lười. Bạch Nguyệt Như mười ba tuổi đã theo Tôn Vu Phương ra đồng làm việc, có đôi khi còn làm nhiều hơn Tôn Vu Phương, nếu không phải Bạch Nguyệt Như chịu khó xuống đồng trồng rau bán lấy tiền thì có khi cấp hai cũng không học xong.

Theo chưa hết một nửa học kỳ năm lớp mười cô đã từ bỏ, cô thực sự không thể chịu đựng được mỗi ngày Tôn Vu Phương lải nhải bên tai rằng nhà đã không có tiền mà cô còn ném hết vào trường học. Hơn nữa quả thực là lúc ấy gia đình cũng khó khăn.

Sau khi thôi học Bạch Nguyệt Như theo Tôn Vu Phương làm đất, hai mẹ con cứ dựa vào phần thu hoạch đó mà tồn tại.

“Đi đi đi, con đi là được chứ gì, lúc nói chuyện mẹ có thể đừng to tiếng như thế không? Sợ người khác không nghe thấy à.” Bạch Nguyệt Như hoàn hồn, ngắt lời Tôn Vu Phương.

“Mẹ to tiếng thì làm sao? Dân quê đã nghèo còn cần cẩn thận cái gì? Cho rằng mình học cấp ba được mấy ngày thì đã hóa thành phượng hoàng à?” Tôn Vu Phương nhìn con cái, ngữ điệu tràn ngập châm chọc.

Bạch Nguyệt Như không để ý đến bà nữa, bỏ ra ngoài đi dạo.

Hai ngày sau hai người xuất hiện ở thôn Liễu Sao.

Thế nhưng trùng hợp là Quý Gia Hải lại là hàng xóm của bà dì.

Ngày đó Quý Gia Hải ngồi ở cổng hút thuốc, là loại lá cây cuộn lại thành thuốc lá đơn giản. Gã tò mò nhìn hai người đứng ở cổng nhà hàng xóm, chỉ thấy bóng lưng không thấy mặt.

Cho đến khi Bạch Nguyệt Như quay lại, gã ngây ngẩn cả người.

Bạch Nguyệt Như xinh đẹp, tuy làn da không trắng nhưng gương mặt rất thanh thoát. Hàng mi như lá liễu, cặp mắt long lanh ánh nước. Tuy mặc nhiều nhưng có thể nhìn ra cô thực gầy.

Bạch Nguyệt Như thấy đối phương nhìn chằm chằm mình thì vội vàng xoay người sang chỗ khác, mặt đỏ dần lên.

Tôn Vu Phương ra sức lôi kéo làm quen với Bạch Trường Anh. Bạch Trường Anh hiển nhiên chẳng quan tâm đến bà, chỉ nói chuyện qua loa cho xong. Nhưng Tôn Vu Phương mặt dày giống như mang theo quyết tâm hôm nay phải lay động được Bạch Trường Anh.

Bạch Nguyệt Như ngồi bên cạnh xấu hổ không chỗ dung thân. Đúng lúc này Quý Gia Hải bước vào.

Gã mang khoai tây tới.

Bạch Trường Anh như tìm được cứu tinh, vội vàng kéo gã ngồi xuống. Quý Gia Hải ngồi bên cạnh Bạch Nguyệt Như, mỉm cười nhìn cô. Bạch Nguyệt Như không biết lúc ấy mặt mình ửng hồng bao nhiêu.

Khi đó Quý Gia Hải mới hơn hai mươi tuổi, vẫn là một chàng trai trẻ tuổi, trông cũng ưu nhìn, thấy ai cũng cười tủm tỉm, mọi người đều có ấn tượng tốt với gã.

Ấn tượng ban đầu của Bạch Nguyệt Như với gã cũng không tồi. Gã nói chuyện thong thả ung dung, tán gẫu với Tôn Vu Phương và Bạch Trường Anh rất tự nhiên. Gã chưa từng gặp Bạch Nguyệt Như và Tôn Vu Phương nhưng từ lúc vào cửa không hỏi sao bọn họ lại ở đây. Hắn hẳn là biết mục đích chỉ là không hỏi ra mà thôi. Mà gã cũng không cần hỏi cái gì bởi Tôn Vu Phương trừ mục đích của chuyến đi này thì trời chăng đất hỡi gì cũng tán gẫu với gã như thể ước gì giây tiếp theo bọn họ sẽ trở thành người quen.

Lần thứ hai Bạch Nguyệt Như gặp Quý Gia Hải là vào đầu xuân cách lần đầu không lâu. Ngày đó cô vừa gieo đậu xong, lúc trở về rửa mặt dưới vòi nước cạnh cổng thì thấy trên ô cửa có cài một nhành hoa.

Kèm theo nhành hoa còn có một tờ giấy. Trên đó Quý Gia Hải viết mấy câu hẹn Bạch Nguyệt Như buổi chiều ra chỗ cây đào cạnh dòng sông ở thôn Dương Lâm chờ gã.

Bạch Nguyệt Như nhìn hai thứ tùy ý gói cạnh nhau, mỉm cười vui vẻ.

Rất nhiều năm sau, khi nhớ lại lần đầu gặp mặt hay rung động đầu đời dưới bóng cây đào vào mùa xuân năm ấy, Bạch Nguyệt Như đều cảm thấy thật tốt đẹp.

Sau đó khoảng thời gian yêu đương với Quý Gia Hải là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong đời cô. Quý Gia Hải sợ cô mệt nên mỗi lần sang đều hỗ trợ làm việc để cô nghỉ ngơi. Trời nóng sẽ mua cho cô rất nhiều mũ rơm che nắng, trời lạnh sẽ mang cho cô một củ khoai mật nướng, tuy rằng khoảng cách giữa thôn Liễu Sao và Dương Lâm không xa nhưng đường núi cũng không dễ đi vậy mà ngày đông gã vẫn mang ôm sang cho cô. Thấy hoa thì gã sẽ tặng hoa, mùa đông không có hoa thì gã tặng Bạch Nguyệt Như hoa giấy, cũng không biết gã học gấp giấy ở đâu.

Quý Gia Hải tựa như một vệt ánh sáng đột nhiên chiếu vào cuộc sống của cô. Quý Gia Hải cho cô sự quan tâm và yêu thương từ nhỏ đến lớn cô chưa từng được nhận.

Hai năm sau, Bạch Nguyệt Như lấy Quý Gia Hải. Tôn Vu Phương rất hài lòng. Trước đó bà vốn cực kỳ phẫn hận vì không giành được hai mẫu đất của Bạch Trường Anh, hiện tại bà vô cùng vừa lòng với hôn sự của Bạch Nguyệt Như bởi vì Quý Gia Hải cũng có không ít đất ở thôn Liễu Sao.

Ngày kết hôn, Bạch Nguyệt Như mặc bộ quần áo cưới màu đỏ, trên đầu cũng cài một bông hoa giả màu đỏ, tóc dài quá vai quấn lên gọn gàng trông càng thêm xinh đẹp.

Cô được các chị em đẩy ra cửa, Quý Gia Hải đang đứng chờ. Mới lập xuân không lâu, chậu hoa lan huệ sắp nở rồi, Quý Gia Hải đứng bên cạnh nhìn cô cười.

Hôn nhân của bọn họ cứ thế mà bắt đầu. Bạch Nguyệt Như cho rằng mình và Quý Gia Hải sẽ yêu nhau đến khi đầu bạc nhưng không phải.

Quý Gia Hải vốn đối xử với Bạch Nguyệt Như rất tốt, từ khi kết hôn vẫn luôn cưng chiều cô nhưng đến cuối cùng tình yêu của bọn họ cũng bị hiện thực đánh bay.

Bạch Nguyệt Như gả đến đây chưa tới hai năm, ba Quý Gia Hải qua đời, sức khỏe của ông cụ vẫn luôn không tốt nhưng không ai ngờ ông sẽ ra đi đột ngột đến thế. Nửa năm sau đó, Bạch Nguyệt Như mang thai, mùa thu năm sau, Quý Bạch ra đời.

Trên gương mặt của mẹ Quý Gia Hải dần xuất hiện nụ cười. Bà cụ rất yêu thương Quý Bạch. Từ khi Quý Bạch sinh ra, tiếng cười nói trong nhà dần nhiều lên. Vốn tưởng rằng ngày tháng sẽ bình yên trôi đi, kết quả Quý Bạch được bốn tuổi thì bà cụ qua đời. Mùa đông ấy, gió thổi rất lớn, thổi đến mức Quý Gia Hải không mở nổi mắt.

Từ khi đó Quý Gia Hải bắt đầu say rượu, sau đó nghiện rượu càng ngày càng nặng, uống say lại về nhà mượn rượu làm càn, nghiêm trọng nhất còn đánh Bạch Nguyệt Như, đánh Quý Bạch. Ruộng đất trong nhà cũng bỏ hoang, vệt sáng kia của Bạch Nguyệt Như từ từ lụi tàn.

Nhưng thứ khiến cô thật sự nản lòng thoái chí chính là câu Quý Gia Hải hét lên khi uống say, “Cô chính là khắc tinh, ngày trước không nên lấy cô về.” Bạch Nguyệt Như tức khắc sững sờ tại chỗ.

Cô vẫn luôn chịu đựng Quý Gia Hải bởi vì cô đau lòng gã, nhìn Quý Gia Hải luôn uể oải không phấn chấn cô cũng khổ sở. Nhưng cô chưa từng nghĩ tới sẽ từ bỏ cuộc hôn nhân này bởi vì cô vẫn khắc ghi nụ cười của Quý Gia Hải khi nhìn thấy cô, khắc rất sâu.

Nhưng những câu này thực sự làm cô thất vọng.

Từ trước đến giờ cô chưa từng nghĩ Quý Gia Hải sẽ nói như vậy.

Cô không phải không muốn ly hôn nhưng cô không thể, Tiểu Thu của cô còn quá nhỏ, cô không đành lòng mang bé con của mình phiêu bạt khắp nơi vì vậy sau đó điều kiện sinh hoạt ngày càng sa sút, cô đi ra ngoài làm công cũng không dẫn Quý Bạch theo.

Cô sợ mang Quý Bạch đi bôn ba thì Quý Bạch còn khổ hơn so với ở lại nhà. Cô nhẫn tâm để lại Quý Bạch bên người Quý Gia Hải bởi ôm một tia may mắn, cô cảm thấy chỉ cần Quý Gia Hải không uống rượu thì sẽ không tổn thương Tiểu Thu của cô.

Quả thật Quý Gia Hải không uống rượu thì cũng xem như bình thường nhưng mấy năm nay Quý Bạch cũng bị đánh không ít. Sau đó cuộc sống của Bạch Nguyệt Như ở bên ngoài ổn định hơn nên muốn đón Quý Bạch đi nhưng Quý Bạch lại không muốn đi.

Quý Bạch đau lòng Bạch Nguyệt Như đồng thời rất muốn sống cùng mẹ nhưng cậu cảm thấy nếu mình tới sẽ tăng thêm gánh nặng cho mẹ, như vậy thì Bạch Nguyệt Như sẽ càng mệt. Cậu ở nhà thì có thể tiết kiệm tiền, ở nhà có thể trông chừng Quý Gia Hải. Hơn nữa cậu không chỉ có một mình. Ngược lại cậu cũng đau lòng Bạch Nguyệt Như bôn ba bên ngoài cho nên cũng hơi do dự. Sau đó Bạch Nguyệt Như sợ dẫn cậu theo thì cuộc sống không định sẽ ảnh hưởng cậu học tập, với cả Quý Bạch cũng trưởng thành hơn rồi, ở nhà hẳn cũng không xảy ra vấn đề gì lớn nên không nhắc lại nữa.

Bạch Nguyệt Như ở bên ngoài làm công, lúc đầu là chạy việc trong nhà hàng sau lại vì tiền mà đổi việc không ít lần, cuối cùng làm công trong nhà xưởng lắp ráp linh kiện, từ đó mới từ từ ổn định. Cô ăn mặc ở tiết kiệm, tiết kiệm được bao nhiêu tiền đều gửi về cho Quý Bạch. Cô cảm thấy vẫn còn may, may là Tiểu Thu của cô không vì một cuộc hôn nhân thất bại mà kết trái hỏng, con trai cô chính là thứ chống đỡ cô suốt mười mấy năm qua.

Cô bận rộn hơn nửa đời, khổ ăn đủ nhiều, ngọt cũng nếm qua, từ nay về sau, ngày tháng có tốt có xấu cũng không sao cả bởi vì Tiểu Thu của cô sẽ ngày càng tốt, thế là đủ rồi. Nói đến điều tiếc nuối ở đời này thì có lẽ là không thấy lại được nhành hoa dại xinh đẹp kia nữa.

Càng đáng tiếc chính là không thể thấy hoa lan huệ nở hoa vào đầu xuân năm ấy, ngẩng đầu ngắm ánh hoàng hôn, nhìn cánh hoa đào tung bay trong gió.

~Hoàn toàn văn~

Tác giả có lời muốn nói:

Viết đến hai chương cuối thì hình ảnh Bạch Nguyệt Như càng hiện lên một cách rõ ràng trong đầu tôi. Tôi cảm thấy bà thật sự kiên cường nên nên đặc biệt dành một chương cho bà để ghi nhớ bà từng xuất hiện cũng như ước mong cuộc sống sau này của bà càng ngày càng tốt. Đời khổ cứ khổ nhưng Bạch Nguyệt Như vẫn phải cố lên, cuộc sống sau này nhất định sẽ ổn. Trời cao sẽ không phụ lòng người biết nỗ lực đâu.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play