Edit: Ryal

Tiết trời thu, mưa rơi bàng bạc.

Kinh thành rộng lớn, tường cao lớp lớp, đại điện nguy nga, tất cả đều bị bao phủ trong làn mưa mờ ảo.

Một chậu trúc nhỏ trong sân cứ mãi lúc lắc, những chiếc lá xanh thi nhau rụng xuống, xem chừng không gãy vì gió thì cũng bị mưa xối trọc.

Trong căn phòng rộng rãi có một nam tử tướng mạo đẹp đẽ, mái tóc đen buộc hờ. Người này lúc thường cũng yêu cỏ thương hoa, nhìn ngoài sân thấy thế thì tỏ vẻ không đành lòng: "Chuyển vào đây đi, chớ để hỏng mất".

Không một ai nhúc nhích.

Nam tử ngước mắt nhìn bên cạnh mình.

Thanh niên mặc áo bào vàng nhạt đang nằm trên tháp mềm, mái tóc dài như lụa rối tung trước ngực, tư thái biếng nhác. Y nhìn cây trúc ngoài sân với khuôn mặt hững hờ như đang thưởng thức cái vẻ yếu đuối giãy giụa của nó, lại như hoàn toàn chẳng thấy được những chật vật ấy trong mắt mình.

"Bệ hạ". Nam tử cất lời, thanh niên vẫn hững hờ chẳng thèm liếc hắn ta lấy một lần. Trần Tử Diễm thoáng im lặng, giơ tay lấy một quả nho trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh bỏ vào miệng y, lại nói: "Chậu trúc này quý lắm, giờ còn chưa lớn hẳn, nó mà chết thì đáng tiếc biết bao".

Quả nho đỏ tím mọng nước, đầu lưỡi được bọc lại bởi hương vị ngọt ngào, Khương Ngộ cuối cùng cũng thư thái gật đầu phụ họa.

Hai thái giám đội mũ cao đứng đằng sau đoán được ý của thiên tử thì vội vã tiến lên, cùng bê chậu trúc vào hành lang.

Trời mưa rất to, đảo mắt một cái đã thấy họ ướt như chuột lột. Đôi mắt Trần Tử Diễm thoáng chút áy náy – dù sao cũng chỉ vì một câu nói của hắn ta mà thôi, bèn nói với Khương Ngộ: "Xiêm y hai vị ấy ướt cả rồi".

Khương Ngộ không hé răng, người bên cạnh cũng chẳng nhúc nhích, bộ áo quần ướt nhẹp dính sát vào người hai thái giám, dưới chân họ nước đọng lại thành vũng.

Trần Tử Diễm nhìn y, chỉ thấy Khương Ngộ hơi thè lưỡi ra ngoài, vỏ nho màu đỏ tím đã dính sát bên đôi môi nhạt màu.

Khương Ngộ nhấc cằm với Trần Tử Diễm, người kia hơi khựng lại, một chốc sau mới giơ tay đỡ lấy mảnh vỏ y phun ra: "Xin người để họ đi thay y phục khác".

Khương Ngộ lại há miệng nhận lấy một quả nho nữa, tiện thể cất lời: "Còn chưa cảm ơn Trần Thị lang đi?".

Hai thái giám vô cùng cảm kích: "Nô tài tạ ơn bệ hạ, tạ ơn Trần đại nhân".

Họ biết ơn thật lòng như thế, Trần Tử Diễm lại chỉ thấy lúng túng.

Hắn ta im lặng cụp mắt, lại cầm một quả nho lên, cẩn thận lột vỏ.

Có lẽ vì không muốn dùng tay nhận lấy vỏ thừa mà hôn quân nhả ra nữa chăng.

Khương Ngộ chẳng thèm để ý mà biếng nhác vùi người trên giường, thoải mái hưởng thụ sự hầu hạ ấy.

Ít nhiều gì y cũng cảm nhận được tâm trạng của Trần Tử Diễm – đường đường là con trai Thừa tướng, vốn đã đạt được công danh, tuổi còn trẻ đã lên chức Thị lang bộ Hộ, người thế này có nói một câu con cưng của trời, trăm ngàn có một cũng chẳng phô trương chút nào.

Bây giờ hắn ta lại bị cầm tù nơi cung cấm, đôi tay hầu nước giúp dân lại chỉ dùng để lột và nhận vỏ nho của một tên Hoàng đế khốn nạn.

Dùng dao mổ trâu giết gà, tài lớn mà đi làm việc nhỏ, đừng nói Trần Tử Diễm không cam tâm chứ cả triều văn võ cũng chẳng một ai đáng phải làm cung nhân hầu hạ trong điện Thái Cực này.

Thân là đầu sỏ, Khương Ngộ cũng thấy đồng cảm lắm chứ.

Nhưng y đâu thể làm gì khác được. Ai bảo Khương Ngộ trong lịch sử là một hôn quân, mà y lại bất ngờ nhập phải thân xác này?

Thực ra ban đầu Khương Ngộ không có tên, mãi đến khi y nhập vào cơ thể này, trở thành Khương Ngộ, y mới dùng cái tên thuộc về Khương Ngộ luôn cho tiện.

Y vốn là một du hồn tự do, không có máu thịt thể xác, muốn làm gì thì làm: đi qua tường, nhảy lên trời, quan sát khắp chúng sinh, chỉ không nói chuyện được với ai và cũng không cảm nhận được nhân gian rực rỡ – đối với Khương Ngộ thì điều ấy cũng chẳng có gì bất tiện. Dù sao y cũng không muốn trò chuyện, không chút hiếu kì với những việc xung quanh, chỉ cần một mình quan sát thế giới này, sống cuộc đời chỉ mình mình biết là được.

Dù sao khi đêm đến y có thể lặng lẽ nằm bên cạnh một bé con mới vài tuổi, nghe phụ huynh bé kể chuyện cổ tích; hoặc vui vẻ xông vào giữa bữa tiệc mà thổi nến sinh nhật; muốn trở thành ai thì nằm lên lưng người đó, cùng người đó khóc rồi cười – y là một diễn viên không ai biết đến, diễn cuộc đời chỉ mình mình thấu hiểu.

Chừng nào diễn chán rồi thì phất ống tay áo đi tìm chỗ khác, không hề lưu luyến chút nào.

Trải nghiệm cuộc sống toàn cảnh 5D, muốn diễn vai nào thì diễn vai ấy, muốn đi theo ai thì đi theo người ấy, còn gì sầu lo?

Nhưng diễn thì diễn thế, chứ Khương Ngộ chưa bao giờ nghĩ tới việc làm người – mãi cho tới khi y bất ngờ bị kéo tới triều đại này, ma xui quỷ khiến mà trở thành hôn quân Khương Ngộ bị chém đầu trong lịch sử.

Khoảnh khắc ấy, Khương Ngộ chợt bừng tỉnh.

... Quả nhiên làm người không giống tưởng tượng chút nào!

Y không bao giờ có thể lên trời xuống đất tùy ý được nữa, không bao giờ xuyên qua tường nhà hay cửa sổ được nữa, chỉ mới đi mấy bước đã thấy cả người nặng trình trịch.

Khương Ngộ không hề muốn sống, trên đời này chẳng có vật hay người nào mà y muốn tự tay đụng vào, y không chờ mong hay yêu mến gì thế giới này cả.

Ngày đầu tiên nhập xác, Khương Ngộ mới đi được mấy bước đã co quắp nằm trên đất, bắt đầu nghĩ đến chuyện tự sát.

Thanh kiếm vừa xẹt qua cổ đã bị tiếng rít của thái giám tới đưa nước dọa cho rơi xuống đất.

Thái giám thiếp thân của y vội vã mời thái y tới, giằng co hết một đêm, họ thăm dò y đủ trăm ngàn lần về lí do y làm vậy. Khương Ngộ chỉ có thể đáp rằng mình bị quỷ thần xui khiến, có khả năng trong tẩm điện này có thứ gì bẩn thỉu.

Y định nhờ thuật huyền môn trục xuất mình khỏi thân thể Khương Ngộ.

Sau đó, đương nhiên là thất bại rồi.

Cắt cổ rất đau. Khi làm du hồn y không thấy đau, có lẽ là bởi trong kí ức chưa bao giờ có tồn tại cảm giác đau đớn, chút tổn thương da thịt ấy đối với y đã là khổ sở không chịu đựng được, y thực sự không dám xuống tay với chính mình thêm nữa.

Ỷ vào vết thương ấy, y nằm co quắp trên giường cẩn thận suy nghĩ mấy ngày liền.

Y không thể làm Hoàng đế thật được. Dù ai cũng mơ tới ngai vàng này, nhưng Khương Ngộ đã quen ngắm nhìn cuộc đời trần tục nên cũng biết địa vị càng cao thì trách nhiệm càng lớn.

... Chứ chưa nói tới việc nguyên thân vốn là một hôn quân bị chém đầu trong sách sử.

Khương Ngộ lại càng thấy không được, chẳng lẽ y lại có bản lĩnh thay đổi lịch sử hay sao?

Theo đó, người cuối cùng chém chết Khương Ngộ, lật đổ hôn quân chính là Thế tử Định Nam Vương Ân Vô Chấp lúc bấy giờ. Sử sách đánh giá hắn rất cao: một vị Hoàng đế cần cù thương dân, anh minh thần võ, khai sáng thời kì thịnh thế, được lưu danh đến muôn đời.

Hơn nữa sau khi giết Khương Ngộ, hắn lại chẳng cố gắng thay đổi triều đại mà tiếp tục sử dụng chữ "Hạ" làm tên nước. Những sử gia sau này dùng Tiền Hạ và Hậu Hạ để phân chia thời kì trước và sau khi Ân Vô Chấp nắm quyền.

Hậu Hạ trở thành triều đại phồn vinh người người ngưỡng mộ, không thể không kể đến công của Ân Vô Chấp.

Khương Ngộ tỉnh táo lại, đột nhiên thấy mình có hơi vô trách nhiệm. Nếu y mà tự sát thành công thì chắc chắn sẽ tới lượt một người họ Khương khác lên ngôi, Ân Vô Chấp không thể hoàn thành phó bản giết hôn quân thì có lẽ cũng chẳng đi lên con đường lúc trước được; nói cách khác, lịch sử sẽ mất đi một vị đế vương thiên cổ và một khoảng thời gian hưng thịnh tựa kì tích.

Nhưng Khương Ngộ cũng chưa bao giờ nghiên cứu về những điều trời ghét người khinh mà các hôn quân từng gây ra, không biết phải làm sao để dồn Ân Vô Chấp vào đường cùng.

Hơn nữa... Nếu cuối cùng cũng bị giết, y không muốn tốn công làm việc nữa, nhưng trên bàn toàn tấu chương chất chồng, y lại lo lỡ có chuyện gì không kịp giải quyết thì lại ảnh hưởng tới mạng người.

Y nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng tìm được một biện pháp hay: tuy không biết bắt chước hôn quân thế nào, nhưng y biết cách khiến một người đàn ông có tôn nghiêm tức giận.

Chỉ là tìm đường chết thôi mà? Có gì khó đâu.

Gọi Ân Vô Chấp vào cung hầu hạ, nhục nhã hắn, dằn vặt hắn, lãng phí tài năng của hắn, vắt kiệt sức lực của hắn, vừa giải quyết được công việc chất chồng trong khoảng thời gian làm hôn quân và đảm bảo những hạng mục khẩn cấp được xử lí đúng lúc, vừa có thể huấn luyện năng lực đế vương của Ân Vô Chấp từ sớm, lại có thể khiến hắn căm thù mình.

Nhỡ đâu một ngày nào đó y bị hắn giết trong lúc đang ngủ thì sao.

Quả là một hòn đá trúng ba con chim!

Nhưng nghĩ thì nghĩ thế, chứ thực tế đâu dễ vậy. Y truyền thánh chỉ xuống gọi Ân Vô Chấp vào cung thị tẩm, cả triều văn võ đều thấy hoang đường, nhà họ Ân lại càng tức rồi thẳng thừng kháng chỉ không tuân.

Khương Ngộ hơi bực, nhưng không thể lôi cả họ Định Nam Vương ra chém, đành phải vắt óc nghĩ cách riêng.

Cha Trần Tử Diễm là Thừa tướng đương triều, Trần Thừa tướng và Định Nam Vương vốn có giao tình, ông cũng là người thầy Ân Vô Chấp kính trọng nhất. Hai nhà thường xuyên qua lại, Ân Vô Chấp và Trần Tử Diễm cũng thân thiết như anh em.

Khương Ngộ bèn chuyển sang Trần Tử Diễm, đầu tiên vờ như có chuyện tìm hắn ta rồi giam lỏng, sáng hôm sau y lại sai người mang tặng nhà họ Trần rất nhiều vàng bạc châu báu, nói: Trần Thị lang có công thị tẩm, đây là phần thưởng của bệ hạ.

Y từng trắng trợn gọi Ân Vô Chấp vào cung rồi bị cự tuyệt thẳng thừng, chắc chắn nhà họ Trần không thể không hiểu đây là ý gì.

Ân Vô Chấp vốn trọng tình trọng nghĩa, là chính nhân quân tử, sao có thể để anh em bị mình liên lụy?

Khương Ngộ rất bình tĩnh – không phải hôm nay thì cũng là ngày mai, Ân Vô Chấp sẽ tự dâng mình đến cửa.

Ý nghĩ ấy vừa kết thúc thì giọng thái giám thiếp thân đã vọng tới từ phía sau: "Thưa bệ hạ, Thế tử Định Nam Vương cầu kiến".

Trần Tử Diễm nghiêng đầu, vẻ mặt người bên cạnh chẳng hề thay đổi nhưng đường nét lại giãn ra, có thể thấy y đang thỏa mãn.

Quả nhiên A Chấp đã tới.

Hắn ta thả chùm nho trong tay xuống, nhận lấy khăn tay tì nữ đưa cho, rồi đứng sang một bên.

Ân Vô Chấp trong bộ áo bào Thế tử đỏ thẫm nhanh chóng xuất hiện.

Đôi ngươi Trần Tử Diễm khẽ lung lay.

Dĩ nhiên hắn ta biết mục tiêu của Khương Ngộ vẫn luôn là Ân Vô Chấp, y gọi mình vào cung cũng chỉ để ép người ấy xuất hiện. Dù sao Thế tử Ân Vương cũng nổi danh tuấn tú, dù là kẻ không mê nam sắc cũng phải thừa nhận dáng vẻ hắn chẳng khác nào thần tiên giáng trần.

Hai người chạm mắt, rồi nhanh chóng ngoảnh đi.

Cùng là người trưởng thành, cùng là con trưởng thế gia đã có công danh và có gia tộc làm chỗ dựa, hai người đều chẳng nghĩ tới việc có ngày mình lại lưu lạc đến nông nỗi phải dùng sắc hầu người, lại gặp mặt nhau trong cảnh tượng lúng túng đến mức ấy.

Ân Vô Chấp cúi người hành lễ: "Thần tham kiến bệ hạ".

Đến lúc này mà lễ nghi hắn chẳng hề rối loạn, Khương Ngộ đáp: "Ân ái khanh bình thân, lại đây cho trẫm nhìn nào".

Giọng điệu ấy chẳng khác nào kẻ xấu đùa giỡn gái nhà lành.

Ân Vô Chấp cụp hàng mi dài, che đi con ngươi tăm tối: "Trần Tương nhớ con mà sinh bệnh, đang nằm liệt trên giường, mong bệ hạ cho phép Trần Thị lang hồi phủ thăm viếng".

Hắn chỉ thiếu điều dí trán Khương Ngộ mà nói: Tên hôn quân này, đã đạt được mục đích rồi thì còn không mau thả huynh đệ ta ra.

Khương Ngộ không đồng ý ngay, chỉ quay đầu, cố ý đùa giỡn huynh đệ tốt của Ân Vô Chấp ngay trước mặt hắn: "Trần ái khanh có cam lòng rời khỏi trẫm không?".

Trần Tử Diễm nhíu mày. A Chấp tới đây rõ ràng là để hắn ta rời đi, nhưng hắn ta mà đi há lại chẳng phải đẩy A Chấp vào tình thế nước sôi lửa bỏng hay sao?

Nhưng nếu nói phải đồng cam cộng khổ thì cái "dùng sắc hầu người" này lại khó quá, hắn ta không tài nào mở miệng được.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play