*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Năm trước cô ấy đã xuất hiện triệu chứng ho ra máu, ban đêm ngủ được có tí, ban ngày tinh thần cứ mơ mơ màng màng. Gắng gượng càng lâu, dần dà cô ấy cảm giác cơ thể mình như mảnh vải gai đơn bạc, qua bao nhiêu lần giặt, vò chà, vắt khô, sợi ngang đã lỏng lẻo, từ từ mất đi sự mềm mại và màu sắc vốn có, lỗ thủng chi chít, trông chẳng ra cái gì.

Trong phòng mùi thuốc nặng nề, đắng nồng không xua đi được. Có người đốt đèn, có tiếng nước trà rót vào chén, người đàn ông đỡ cô ấy ngồi dậy, thấm nước trà âm ấm lên môi Lý nương tử, giọng nói thấp mà trong: "Uống miếng nước cho trơn họng."

Lý nương tử ho đến độ hoa mắt, nhất thời không nhìn rõ khuôn mặt hắn, thở hổn hà hổn hển, mơ hồ hỏi: "Năm cũ đã qua chưa?"

"Sắp canh ba rồi, nàng nghe xem, tiếng pháo đốt vẫn chưa dừng."

Lý nương tử nuốt vị tanh ngọt trong cổ họng xuống, tập trung lắng nghe, xa xa loáng thoáng có tiếng vang liên hồi, cô ấy gật đầu: "Trường Lưu đâu?"

"Buồn ngủ quá nên ngủ mất rồi." Lý Vị đỡ cô ấy, "Ta sắc cho nàng chén thuốc, rạng sáng sẽ mời thầy Hồ tới xem."

Lý nương tử níu lấy tay áo Lý Vị, giọng suy yếu: "Giao thừa Tết nhất, đại gia để ta yên tĩnh đi, phòng này đầy mùi thuốc chưa đủ nữa à?"

"Thuốc lúc nào cũng phải uống." Lý Vị nói, "Mấy vị thuốc lần trước Khang Toại Thành gửi còn dư ít nhiều, nếu không đủ thì ta sẽ bảo cậu ấy gửi một ít đến tiếp."

"Đại gia tha cho ta đi, giờ uống bài thuốc này, một lạng thuốc hai lạng tiền. Ta uống ngụm thuốc là trong lòng sẽ phải niệm một câu tạ lỗi, Trường Lưu cũng đã lớn rồi, ta không thể không tích góp chút tiền của cho nó. Nhà này, sao có thể để ta tiêu xài hoang phí thế được chứ."

Nét mặt Lý nương tử ảm đạm, thở dài thườn thượt: "Vị Nhi, sợ rằng ta không cố được nữa."

Hắn an ủi hết lời: "Chỉ là lao lực lâu ngày thành bệnh thôi, tí bệnh khí huyết mất cân bằng, nàng nghỉ ngơi là khỏe lại ngay, làm gì cứ phải ủ rũ như thế. Nếu nàng thấy thuốc hiện giờ uống không có hiệu quả, vị ngán, thì chúng ta đổi bài thuốc khác. Bên Lương Châu có bao nhiêu là kỳ nhân dị sĩ, ta sẽ dẫn nàng đi gặp."

"Mọi người lúc nào cũng có lý do để lảng tránh, chỉ toàn khuyên ta... Ta nghe chán rồi, dù không nói thật, vậy nhưng tới sức khỏe của bản thân mà ta còn không tự biết được ư? Như giọt sương trên lá cây đó, mặt trời vừa lên là lập tức tiêu tan. Mấy năm nay ta cắn răng chịu đựng, tuy nhiên rồi cũng sẽ đến lúc dầu hết đèn tắt thôi."

Lý nương tử hiểu rõ, chỉ hận con trai chưa trưởng thành, cô ấy sợ rằng không thể nhìn thấy tương lai ngày sau của thằng bé.

"Từ bao giờ mà nàng trở nên nản chí tới vậy." Lý Vị mỉm cười, "Bao nhiêu năm qua chẳng phải vẫn tốt sao, có ta, có Trường Lưu ở đây, nàng có gì phải lo lắng chứ..."

"Vị Nhi, ta mệt mỏi quá..." Lòng bàn tay cô ấy phiếm lạnh, nắm tay Lý Vị, bộc bạch cõi lòng mình giữa đêm sâu thăm thẳm: "Ngần ấy năm nay là ta đã liên lụy tới chàng... Lúc bé ta là chị cả, luôn đối xử với chàng như em trai ruột thịt. Ta cũng biết, nếu như ta không bệnh tật triền miên, thì cha cũng sẽ không xin chàng lấy ta, chàng cũng sẽ không ở lại nhà này... Dù nói thế nào đi chăng nữa, đều tại ta... Ta đã hại chàng..."

Vài giọt lệ tuôn ra từ hốc mắt Lý nương tử, rơi xuống tay áo Lý Vị, lăn dài chẳng thấy dấu tích: "Ta biết chàng chỉ là thân bất do kỷ."

Lý Vị nhớ lại ngày Lý nương tử xuất giá, người chị xanh xao tiều tụy, luôn nở nụ cười dịu dàng mà yếu ớt với hắn, khoác trên mình bộ áo cưới đỏ thẫm rực rỡ, gương mặt ánh lên nét tươi tắn rạng ngời. Ngày hôm đó, từ thâm tâm hắn thực sự vui thay cho Lý nương tử.

Trưởng Lưu choàng tỉnh khỏi cơn mơ. Cậu mơ thấy mình nắm tay cha mẹ, đứng trong sân đốt pháo đập tro*. Tiếng pháo đùng đoàng ầm trời, ngay cả tiếng nói chuyện của cha mẹ bên tai cũng không nghe rõ. Đảo mắt cái lại thấy con Vàng bổ nhào tới, thè cái lưỡi ấm nóng liếm mặt mình. Thình lình mở bừng mắt, quả nhiên con Vàng đang bám vào mép giường lò liếm cậu. Trường Lưu dụi hai mắt, nhìn quanh bốn phía, không ngờ mình lại ngủ trên giường lò, trên người còn đắp tấm chăn. Mặt trời ngoài cửa sổ đã treo tít trên cao, Xuân Thiên ngồi bên cạnh trông cậu, mỉm cười bảo: "Dậy rồi đấy à, đứng lên mặc đồ đi."

(*Đập tro: một trong những phong tục dân gian cổ xưa của Trung quốc, thực hiện vào mồng một tháng Giêng âm lịch khi gà gáy, nhằm để buôn may bán đắt)

Cậu nghệt mặt, gãi gãi gáy, ngơ ngác hỏi: "Em... em ngủ bao lâu rồi ạ?"

"Không lâu, mới có tí thôi." Xuân Thiên đưa bộ đồ mới qua cho Trường Lưu, thấy cậu nhóc còn ngái ngủ, bớt đi vẻ chín chắn rụt rè của bình thường, cặp mặt tròn mở to không biết chuyện gì đang xảy ra, nàng lại cười nói: "Vào phòng chúc Tết nương tử và đại gia đi."

"Rõ ràng em..." Trường Lưu mím chặt môi, nắm góc chăn hồi tưởng cảnh tượng vô cùng chân thật của giấc mơ, trộm nhìn qua khóe mắt thì bắt gặp bàn tay mảnh mai của Xuân Thiên vén chăn lên. Như có thứ gì bùng nổ trong lòng, mặt cậu nhóc lộ nét xấu hổ thấy rõ: "Chị Xuân Thiên... để em tự làm."

Xuân Thiên cười cười, thu tay về: "Được rồi."

Trường Lưu mặc quần áo chỉnh tề, thấy mẹ mình nằm giữa giường mặt mũi uể oải, cha bưng chén thuốc ngồi một bên, ý thức bản thân đã ham ngủ mà bỏ lỡ mất thời khắc giao thừa, bụng dạ cậu hết sức phiền muộn. Bấy giờ, cậu nhóc chắp tay bái tân niên, Lý nương tử yêu thương kéo cậu đến gần: "Con mẹ lại lớn thêm một tuổi rồi."

"Mẹ." Trưởng Lưu ngả vào lòng Lý nương tử, hết sức tự trách: "Con không để ý nên ngủ quên mất rồi, không đón giao thừa cho mẹ được."

Lý Vị xoa đỉnh đầu Trường Lưu: "Cha đã đón cho mẹ con con rồi, sang năm sẽ để Trường Lưu đón."

Lý nương tử lấy từ gối đầu ra sợi dây trường mệnh, buộc vào cổ tay Trường Lưu: "Năm nay không tính, sang năm mẹ đón giao thừa với Trường Lưu nhé, được không?"

Vợ chồng hai người dỗ dành con trai một phen, Trường Lưu chào đời vào một ngày đầu mùa xuân, tính tới nay tuổi mụ đã là mười hai. Mười hai là thời điểm quan trọng, cho dù không làm lớn thì cũng phải biếu hàng xóm mấy món trứng hỷ* mạch nha. Thêm nữa là cậu đã hoàn thành khóa vỡ lòng trong tư thục, bắt đầu từ năm sau phải chọn thư viện cho Trường Lưu vào học.

Phủ Cam Châu có ba thư viện lớn là Cam Tuyền, Nam Hoa, Thiên Sơn. Hai thư viện trước là cho quan học, xây ngay trong thành, là nơi nhận các con em nhà làm quan và những người có kết quả sát hạch nổi bật. Thư viện sau cùng nằm ở núi Cam Cốc ngoài thành, chủ trì là một vị Phục Sơn tiên sinh đại nho Hà Tây - Trương Bỉnh Văn. Thư viện không chỉ giảng luận Kinh Thư, mà còn biện luận thời sự, dạy cả săn bắn, đệ tử theo học cũng nhiều.

Hai người hỏi Trường Lưu nghĩ thế nào, Trường Lưu lắp bắp trả lời: "Nghe nói Phục Sơn tiên sinh học rộng hiểu nhiều, thông kim bác cổ, lòng con vô cùng ngưỡng mộ... Thầy cũng nói với con, thư viện Thiên Sơn là nơi học tập tốt hơn nhiều so với nơi khác, dặn con ở nhà chăm đọc bài, ôn tập cho tốt, chuẩn bị cho cuộc thi vào thư viện Thiên Sơn năm sau."

Lý nương tử vui mừng, thầy ở tư thục quý mến Trường Lưu thông minh bẩm sinh, chăm chỉ hiếu học, Vương tú tài trong hẻm dù mắt cao hơn đầu nhưng cũng rất coi trọng Trường Lưu, ưu ái có thừa. Nếu về sau được đích thân Phục Sơn tiên sinh truyền dạy tri thức, với Trường Lưu mà nói đã là không thể tốt hơn.

"Thư viện Thiên Sơn yêu cầu nghiêm khắc, trăm dặm mới tìm được một, con phải chuẩn bị kỹ càng, nếu không thi đậu thì cũng không được khóc nhè đâu đấy."

"Trường Lưu biết." Cậu gật gật đầu, rồi trịnh trọng nói, "Ngày mai con sẽ đi hỏi Gia Ngôn xem cậu ấy có muốn cùng con thi vào thư viện không."

Lý nương tử run rẩy vươn tay vuốt ve hai má cậu, "Nếu Gia Ngôn có thể thi vào với con, hai đứa ở chung thì mẹ cũng yên tâm hơn, không chừng cô Lục của con cũng mừng lắm đấy."

Lý Vị đưa chén thuốc đã ủ ấm cho Lý nương tử, cười nói: "Thằng bé đã có chí hướng thế rồi, nàng cũng phải uống thuốc đi."

Trường Lưu vội vàng nhận lấy chén thuốc: "Để con đút thuốc cho mẹ."

Một nhà ba người ngồi trong phòng nói chuyện, Xuân Thiên và con Vàng ngồi ngoài bậc thềm. Con Vàng vừa lười vừa tham ăn, chẳng buồn quan tâm có ăn được hay không, thứ gì cũng gặm thử cho bằng được. Sáng sớm không có ai cho ăn, thế là nó bèn cắn góc váy của Xuân Thiên nhai đi nhai lại.

Xuân Thiên cười khúc khích, mi mày cong cong, mắt sáng như ngọc, kéo hai lỗ tai con Vàng: "Đồ chó ghẻ, váy đang yên đang lành tự dưng bị mày cắn rách cả rồi đấy." Con Vàng kêu hừ hừ mấy tiếng, giục nàng vào phòng bếp kiếm đồ ăn cho nó.

Ăn sáng xong, Lý Vị dẫn Trường Lưu ra ngoài chúc Tết. Lý nương tử ban đêm ngủ không tròn giấc, Lý Vị ép cô ấy uống thuốc rồi để cô ấy nằm trên giường nghỉ ngơi. Nói cho cùng Xuân Thiên vẫn là người ngoài, không muốn đi thăm viếng chúc Tết với cha con hai người, đành ngồi trong nhà với con Vàng, lấy giỏ may vá ra thêu đồ.

Nàng nhớ khi bé, bổng lộc của cha rất ít, một tháng chỉ được mười quan tiền, trong nhà ngoài ba miệng ăn ra còn nuôi cả thị nữ Lan Hương. Vì vậy, mẹ nàng không thể không nhận đồ thêu để kiếm thêm tiền, một tấm khăn đổi được năm trăm đồng, mỗi tháng nếu bỏ qua phí ăn phí mặc, thì vẫn có thể mua mạch nha mứt quả và mấy món đồ chơi xinh xắn cho nàng. Nhớ lại những ngày tháng vui vẻ nhất ấy, cha mẹ còn sống, yêu thương nàng như châu như ngọc, cuộc sống chỉ có vô ưu vô lự.

Tài may vá của nàng là do mẹ dạy, tuy không quá xuất sắc nhưng cũng gọi là đủ tầm. Lục Minh Nguyệt giao việc cho nàng, một tấm khăn lụa một trăm văn tiền. Tận một trăm văn tiền lận đấy! Ở Trường An là mua được một quả vải Quảng Đông tươi mọng mới vận chuyển đến, ở tiệm rượu là mua được một hũ rượu Túy Tiên của Lý Thái Bạch, ở quán rượu nông thôn ven đường là ăn được chút món xoàng, cũng đã đủ cho phàm phu sai dịch một ngày ấm no. Có đôi khi nàng không ngủ được, ban đêm nằm trằn trọc đếm lại số tiền mà mình tiết kiệm, bấy giờ mới thông suốt đạo lý "phú quý dẫu phỏng tay, nhưng không ai buông bỏ nổi".

Phòng Lý nương tử vang lên tiếng sột soạt, Xuân Thiên thả kim chỉ, đi vào thì bắt gặp Lý nương tử đang chật vật đứng dậy.

"Nương tử mới ngủ có một lúc, sao lại dậy sớm thế." Xuân Thiên thấy Lý nương tử muốn mở hộp trang điểm, "Đại gia bảo cô phải nghỉ ngơi cho khỏe."

"Mùng một năm mới mà làm biếng thế này, chốc có người đến chúc Tết trông vào thì ra thế thống gì nữa." Lý nương tử thấy phòng ngột ngạt bức bối, bèn vươn tay mở cửa sổ cho thoáng.

"Cẩn thận---" Ngoài phòng tuyết tạnh trời quang, không khí rét buốt, gió thổi vù vù. Xuân Thiên sợ cô ấy trúng gió nhiễm lạnh, vội đi qua đóng cửa: "Trời lạnh lắm, nương tử coi chừng bị cảm."

Lý nương tử lắc đầu cười khổ.

"Nếu nương tử không thích ở trong phòng thì chúng ta sang nhĩ phòng ngồi, giường lò ấm, cửa sổ có thể nhìn ra ngoài." Xuân Thiên chải đầu cho Lý nương tử, "Dưới bếp có canh hoành thánh, em đi múc một chén cho nương tử ăn."

Lý nương tử cười bảo: "Em bận tới bận lui, tôi thấy áy náy lắm, ai lại để khách quý giúp đỡ việc nhà bao giờ đâu. Em chỉ cần ăn ở tự nhiên, cái khác không cần động vào, cứ mặc đấy." Cô ấy nắm mười ngón tay thuôn thuôn của Xuân Thiên, "Em da mỏng thịt mềm, nói vậy chắc lúc trước trong nhà cũng có người hầu hạ đúng không, tiếc rằng giờ..."

Xuân Thiên cười cười: "Trong nhà em toàn việc lặt vặt thôi, cũng hay giúp mẹ làm này nọ, chẳng có gì to tát đâu."

Lý nương tử ngắm kỹ nàng qua tấm gương, thiếu nữ ngoan ngoãn dễ bảo, lông mi dài chớp chớp tựa cánh bướm, sắc môi là sắc hoa đào, trải qua trận ốm như thay đổi diện mạo mới. Cô ấy thầm nghĩ dung nhan Xuân Thiên quả là không tầm thường, mang nét trong sáng khiến người đối diện không thốt lên lời. Lý nương tử nở nụ cười, khen: "Mẹ em chắc hẳn là một người cực kỳ đẹp."

Xuân Thiên sửng sốt, gật gật đầu, cười dịu dàng: "Phải."

Lý nương tử nói: "Em bảo em sinh vào mùa xuân, ta quên chẳng hỏi, cụ thể là sinh vào giờ nào ngày nào tháng nào?"

Xuân Thiên đáp: "Một ngày sau tiết Cốc Vũ, vừa qua giờ Thìn. Khi đó đương độ phồn xuân, cảnh sắc phơi phới, hoa thi đua trổ, cha mẹ em không biết nên lấy tên gì cho hay nên mới đặt là Xuân Thiên."

"Ngày sinh muộn hơn hai tháng so với ngày sinh của Trường Lưu, tính ra em lớn hơn Trường Lưu bốn tuổi."

Xuân Thiên không đi sâu nghiền ngẫm ý trong lời nói của Lý nương tử, gật đầu nói phải.

Lý nương tử thoáng nhìn nàng, lòng âm thầm tính toán.

(còn tiếp)

*Chú thích

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play