Ông Vọng thẫn thờ ngồi dựa vào thành ghế bàng hoàng, ông không dám tin những gì mà thầy Lương vừa nói là sự thật. Nhưng tất cả những điều đó đã giải thích cho toàn bộ lý do vì sao từ đời cha ông, các cụ đã cấm tiệt mọi người bén mảng đến khu đất đó, rồi đến chuyện Bãi Hoang xuất hiện nền móng của Cao Gia nhưng tuyệt nhiên trong làng không một ai nhắc tới điều này.....Đó là vì, từ xa xưa, dân làng Văn Thái đã gây ra một chuyện tày trời và họ không muốn nhớ đến vết nhơ tàn sát cả một dòng họ trong quá khứ. Giờ đây, con cái đời sau của họ đang phải lãnh chịu hậu quả.
Ông Vọng ấp úng hỏi:
- - Nhưng liệu...liệu có chắc đây là do....họ Cao làm không..? Chẳng phải thầy nói người trấn yểm long mạch là Cao Côn, nhưng Cao Côn còn chết trước khi họ Cao bị tàn sát cơ mà...?
Thầy Lương đáp:
- - Câu hỏi của bác trưởng làng rất hay, tính theo phổ truyền thì lúc Cao Côn chết cũng 70 tuổi rồi, và theo những gì ghi trong quyển trục thì sau khi Cao Côn chết, dân làng Văn Thái mới dám nghĩ đến chuyện xóa sổ Cao Gia. Điều này cho ta biết được rằng, khi Cao Côn còn sống, dân làng chắc chắn phải rất sợ nên dù bị áp bức nhưng không dám làm gì. Chỉ khi Cao Côn qua đời, là đến đời Cao Lãm và Cao Kiệt mới xảy ra chuyện. Một người tinh thông về phong thủy khi trấn yểm sẽ tính toán cho đến tận nhiều đời sau, hoặc cho đến khi long mạch bị yểm đó không còn linh khí thì bùa yểm mới biến mất. Thầy phong thủy càng cao tay thì thời gian long mạch bị trấn yểm càng lâu, có thể lên đến 100 năm, 200 năm hoặc hơn thế nữa. Và khi yểm long mạch đó, tùy theo cái tâm của thầy phong thủy mà bùa chú ràng buộc giữa họ với long mạch sẽ khác nhau. Nhưng Cao Côn đã dùng đến thuật " Giấu Long Mạch " thì chắc chắn ông ta không có ý đồ tốt. Vậy nên nhất định ông ta đã tạo một ràng buộc nhằm khi Cao Gia gặp nguy hiểm, và ràng buộc đó có thể là việc những tai ương, kiếp nạn đang xảy đến với làng Văn Thái. Điều này giải thích vì sao tồn tại đến 100 năm nay, đến bây giờ làng Văn Thái mới xảy ra chuyện. Bởi vì, thâm ý của Cao Côn là muốn làng Văn Thái tận diệt cho đến đời sau.
" Vù....Ù....Ù..."
" Lạch...Cạch....Lạch....Cạch.."
Bên ngoài gió tiếp tục thổi mạnh, gió đập vào cửa khiến cho con Vàng đang nằm ngoài hiên cũng phải nhổm dậy rồi hếch mõm ra phía ngoài sân sủa lên vài tiếng. Càng nghe thầy Lương nói, ông Vọng lại càng rùng mình. Chưa bao giờ ông dám nghĩ sự việc lại nghiêm trọng đến mức này. Nhưng những gì đang diễn ra hàng ngày thực sự rất tồi tệ.
Ông Vọng hỏi:
- - Trước thầy có nói, chỉ cần tìm được long mạch thì sẽ có cách giải cứu dân làng. Nay long mạch chính là nơi giếng làng, thầy đã nghĩ ra cách gì chưa ạ..?
Tất nhiên là thầy Lương đã nghĩ đến cách giải quyết, nhưng vấn đề hiện giờ làm cách nào để xuống được đáy giếng. Với những ghi chép cùng tấm bản đồ thì có vẻ như Cao Côn đã nhìn thấy được long mạch của vùng đất này, nhưng phải đến khi làng Văn Thái được lập lên thì mới đào giếng làng. Chắc hẳn ý kiến đào giếng cũng là do Cao Côn đề ra, lợi dụng việc đào giếng, lúc đó Cao Côn mới " Giấu Long Mạch ".
- - Chuyện này cũng không phải chuyện quá khó, trên huyện, mấy ông cán bộ có cái máy bơm cỡ lớn. Mượn thì chắc hơi khó, nhưng nếu có cán bộ xã đi cùng rồi mình biếu họ ít tiền là được thôi. Ta dùng máy bơm bơm hết nước ở giếng đi rồi xuống dưới đó.
Thầy Lương đáp:
- - Nếu được vậy thì tốt quá, nhưng có điều này bác trưởng làng cần phải biết. Hiện nay độc mới chỉ được phát hiện trong nguồn nước giếng. Nhưng nếu bơm nước giếng ra bên ngoài, nước này chảy xuống kênh mương hay ao hồ trong làng tôi sợ rằng hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Bởi khi nước nhiễm độc lan ra toàn bộ hệ thống kênh rạch của làng, sợ rằng việc khắc phục còn khó khăn hơn rất nhiều. Nước luôn là nguồn sống của tất cả các sinh vật, chuyện này không thể hấp tấp được. Chỉ một sai sót nhỏ thôi, chúng ta sẽ đưa làng Văn Thái đến bờ vực vô cùng tồi tệ.
Long mạch đã tìm ra, nhưng hiện giờ cách khắc phục, giải quyết lại đi vào bế tắc. Giếng làng là cái giếng lớn nhất, sâu nhất, bao nhiêu năm qua giếng chưa một lần cạn, cũng chẳng ai biết giếng sâu bao nhiêu. Muốn bơm nước giếng lên nhưng lại không được đổ ra kênh rạch, thật sự rất khó. Suy nghĩ mãi, cuối cùng ông Vọng nảy ra một ý tưởng, ông nói: