Trở về 10 năm trước, sau buổi trưa hai đứa trẻ gặp gỡ nhau, số lượng trẻ em mất vẫn tăng lên. Người dân trong làng Thổ Hà lo sợ lắm. Họ mới chuyển vào đây ở được vài năm, càng ngày những hiện tượng lạ kì càng bộc phát ra, ngoài tầm kiểm soát. Họ đều là dân tái định cư hoặc hộ nghèo được cấp đất ở đây, giờ chẳng đi đâu được.
Họ mời một thầy pháp đến làng, khi không lí giải được điều gì họ đành phải bấu víu vào một cách giải quyết khác...
Ngay chiều hôm ấy, trưởng làng dẫn ông thầy pháp vào làng, tới nhà sinh hoạt nơi có đám đông đang tụ tập.
Sau khi nghe mọi người thuật lại câu chuyện, ông ta chỉ nói: "Ở làng này âm khí quá nặng, chắc chắn nhà 2 đứa con thì 1 đứa sống 1 đứa chết, sống đến 7,8 tuổi là chết, không hơn được, nhà con một thì cũng không thể đoán trước. Cứ thế mà đi thôi, vì "họ" bắt đi. Âu cũng là quả báo rồi, đành phải chấp nhận thôi. Bắt đi lúc nào thì chịu, không cứu được."
Cha của một đứa bé vừa mất nghe xong định lao vào đánh ông thầy vì tội nói nhăng cuội, người dân xung quanh phải giữ lại.
"Vậy...có cách nào ngăn chặn không thầy..." Người phụ nữ trung niên đứng gần đó cất lên hỏi bằng giọng khàn khàn.
Ông thầy lắc đầu bất lực. "Đi đi..đi nhanh khỏi đây càng tốt..Mỗi khi tiếng trống cất lên là có một đứa trẻ ra đi.Họ,...gọi đấy...'
"Tiếng trống??" mọi người xì xào nhìn nhau. Có tiếng người vang lên be bé: "Có đêm tôi uống chè mất ngủ, mãi đến 3 giờ sáng không ngủ được dậy uống nước thì nghe thấy tiếng trống con...sáng hôm sau thì...cái Lê mất.."
Ông thầy lại tiếp tục: "Đêm đêm, họ sẽ lởn vởn ngoài đường, ở trên dương gian này, lang thang vô định, không chốn dung thân. Họ gõ tiếng trống để lôi kéo linh hồn trẻ em trong lúc đang ngủ...Chúng sẽ chẳng bao giờ tỉnh lại được nữa, điều đó không thể ngăn chặn, vì nỗi oán hận của họ quá lớn, họ cần tinh khí thanh thuần của trẻ em để tiếp tục tồn tại..Trừ..trừ phi..."
"Sao hả thầy???"- Mọi người bắt đầu nháo nhào lên.
"Trừ phi gán mạng của 1 đứa trẻ cho họ, thì sẽ yên đươc tầm 10 năm..." Ông thầy đáp
"Gán như nào ạ?"
"Gán mạng đến tầm 16 tuổi sẽ cho họ bắt đi...Xin họ đừng dụ những đứa trẻ khác nữa...Chỉ cần xin 1 sợi tóc, tôi sẽ làm phép xin..."
Mọi người nhìn nhau xì xào. Như thế thì ác quá...
Ở đằng xa, Hoài và Thương đứng núp bóng đã nghe thấy gần như tất cả. Bọn chúng chẳng hiểu gì...
Rồi sau đó, đám trẻ con trong làng cứ tự nhiên ra đi trong lúc ngủ, dù có cúng bái cầu Phật thế nào cũng không được, người lớn đành phải bàn nhau thử cách mà thầy pháp đã nói. Tuy nhiên họ phải chọn con nhà ai?
Sáng hôm ấy, dân làng lại mời ông thầy pháp đến. Dân làng quyết định chơi một trò chơi may rủi. Họ xếp ra 1 thùng phiếu, số phiếu vừa đúng số lượng hộ gia đình có con trong làng, không phân biệt gái trai. Trong đó sẽ có duy nhất một lá phiếu có đánh dấu, ai bốc phải sẽ nộp con. Từng người, từng người một bốc, tay run run, mở lá phiếu ra. Khi tất cả đã bốc hết nhưng vẫn chưa thấy ai nhận phiếu có dấu. Trưởng làng định đi dò phiếu từng người một thì lúc ấy bất chợt một người phụ nữ trẻ run run ngã khuỵu xuống và khóc: "Làm ơn..tha cho con tôi..." – Đó chính là Nhung, mẹ của Hoài. Cô gào lên trong đau khổ, đang tìm cách thoát ra khỏi đám đông
Ông trưởng làng cau mày: "Tìm cái Hoài về đây!" Đội thanh niên xung quanh chạy vụt đi. Bà mẹ khốn khổ định chạy theo ngăn lại nhưng bị mọi người giữ lại: "Chị ơi...Một người vì mọi người mà..."
"Mong chị nén đau thương"
"Đừng làm hại con gái bé nhỏ của tôi!" Nhung gào lên trong bất lực. Anh Hải, chồng cô cũng bị vây quanh bởi mấy ông trung niên vạm vỡ, không chạy đi đâu được, anh chỉ biết ôm ghì lấy vợ và bảo: "Bình tĩnh em...mình không tin là được...không có chuyện gì đâu..Anh không tin..tất cả chỉ là mê tín dị đoan!"
Cái Hoài đang chơi với các bạn thì bị bế thốc lên rồi đưa về bãi đất nơi mọi người đang tập trung lại, thầy pháp ngắt lấy một cọng tóc của Hoài. Con bé sợ sệt ngơ ngác chẳng hiểu gì.
Ông ta gói tóc Hoài vào một lá bùa, lập một đàn lễ to, lầm rầm khấn vái suốt 3 canh giờ. Đồ lễ không thiếu thứ gì, nhưng lại toàn đồ chay. Xong việc, ông ta đốt lá bùa cùng tóc Hoài trong ánh nến xanh leo lét của một ngọn nến đen kì dị. Gia đình nhỏ của Hoài bị người dân giữ chặt lại không cho đi đâu cho tới khi xong việc. Ông thầy phép cúng xong thì dặn người dân để nguyên đồ lễ ở ngoài trời 3 ngày 3 đêm.
Khi họ được thả cho về nhà thì trời cũng xâm xẩm tối. Người bố mỏi mệt nhìn cô con gái vẫn đang ngơ ngác không hiểu gì. Cũng phải thôi, năm nay nó mới có 6 tuổi, cả ngày hôm nay nó bị áp đủ thứ lễ nghi lên người...
Mẹ Hoài thì cứ rấm rứt khóc mãi không ngừng. Cô ôm lấy con gái bé nhỏ rồi vuốt tóc nó. 3 người đi qua gian phòng tầng 1 để trống để lên các tầng trên.
Con bé kéo kéo tay mẹ: "Mẹ ơi...cho con sang chơi nhà Thương! Cả ngày hôm nay con không được nhìn thấy nó rồi!"
Mẹ Hoài bảo: "Không được con ạ. Trời tối rồi, để mai đi!"
Hoài mè nheo: "Không mẹ ơi, nó đang bị ốm mà, cho con sang thăm nó đi!"
"Hoài, mẹ nói 1 là 1, 2 là 2, mẹ không thích nói nhiều đâu, vào rửa tay chuẩn bị ăn cơm. Con không thấy ngày hôm nay chưa đủ mệt sao?"
Hai mẹ con nói đến đó thì dưới tầng có tiếng cửa xịch mở ra.
Bố Hoài ngó xuống dưới, Hoài cũng ngó ra xem là ai.
"Ông nội!!!" Con bé reo lên rồi chạy như bay xuống dưới tầng 1 lao vào vòng tay ông nội. Phía sau lưng ông nội còn có một người theo sau. Hoài chào người đàn ông đó.
"Ông mua quà cho con không?" Hoài nũng ông. Bà nội mất từ lâu rồi nên Hoài chỉ ở với ông nội từ bé. Ông nội của Hoài là nhà thơ, ông hay đi giao lưu với hội Nhà văn các tỉnh, có khi mấy tuần mới về vì các bạn quý muốn ông ở lại chơi thêm ít ngày. Ông nội hay viết văn làm thơ rồi đọc cho Hoài nghe, còn dạy Hoài trồng cây nữa. Hoài rất quý ông.
"Ừ, lát ông đưa quà cho con nhé. Giờ bố mẹ con đâu?
Hoài chỉ tay lên tầng trên. Ông nội cùng người đó vội vàng bước vào nhà lên gác hai ngay lập tức. Hoài chạy theo.
Khi vừa thấy vợ chồng con trai, ông nội Hoài vội nắm lấy khuỷu tay của con trai vội hỏi: "Sao rồi con, ở nhà có chuyện gì? Tự nhiên đang đi cảm thấy bất an, lại mộng thấy mẹ con báo về gấp..."
Bố Hoài thở dài kể lại chuyện ngày hôm đó làm ông nội của Hoài vô cùng bàng hoàng. Ông bèn giới thiệu người đàn ông đi cùng, tên là Vĩnh, thầy pháp rất giỏi. Biết làng có vấn đề nên ông cũng thử đi tìm thầy pháp giỏi để mời về.
"Muộn rồi bố ạ. Dạo gần đầy trẻ em mất nhiều quá, họ mời thầy pháp khác về, yểm gì đó lên con bé rồi...Nói gì mà gán 16 năm...tức là con bé chỉ sống được 16 năm thôi..." Mẹ Hoài bưng mặt khóc.
Ông nội quay sang Vĩnh cầu khẩn: "Cháu ơi, có gì thì giúp gia đình bác với...Giờ ra nông nỗi này rồi có cách nào cứu vãn được nữa hay không?"
Thầy Vĩnh đáp: "Thực ra cách ông thầy kia làm cũng là bất khả kháng rồi...Mặc dù là cách khá tiêu cực nhưng lại giải quyết tạm thời được vấn đề. Đêm nay họ sẽ đến nhận lễ ở đàn lễ...Khi nhận rồi thì không rút lại được..."
"Hay tôi ra phá quách cái đàn đó đi?..." Mẹ Hoài mắt long lên.
"Nếu họ đã quan niệm thế thì không phải Hoài cũng là đứa khác thôi..." Ông nội Hoài nói "Như thế sống cũng chẳng ra sao...Mai người ta lại bắt bớ lại được ngay!"
"Vĩnh, nghĩ cách dùm vợ chồng anh chị..."
"Em sẽ làm phép ngăn cách và che mờ cô bé khỏi sự theo dõi của họ...nhưng phải đi khỏi đây ngay, trước khi họ tới đàn nhận lễ. Em tính chẳng quá nửa tiếng nữa đâu..."
"Đi khỏi đây ư...? Đi hẳn?" Bố Hoài lắp bắp hỏi.
"Đúng, đi hẳn, không ngoái đầu lại."
"Không còn thời gian chần chừ đâu...các con đi đi" Ông nội Hoài giục. Bố mẹ Hoài nhìn nhau rồi vội vàng đồng ý. Bố mẹ của Hoài nhanh chóng đi thu xếp vali, ông nội Hoài giúp thầy Vĩnh làm phép.
Thầy vẽ 1 vòng tròn bát quái trên nền nhà tầng 1 mấp mô. Thầy rút ra từ trong túi một con hình nhân thế mạng. Thầy Vĩnh nhét sinh thần của Hoài mà mẹ Hoài vừa đưa vào trong con hình nhân. Đoạn thầy cũng kẹp sợi tóc của cô bé vào một lá bùa màu đen, khác với lá bùa sáng nay là màu đỏ, rồi đốt cháy, lầm rầm cầu khấn.
Xong việc thầy hòa lẫn tro với nước rồi nhờ ông Huân, ông nội Hoài cho bé uống.
"Uống cái này làm gì?"
"Nó là bùa lãng quên đấy. Con bé phải dứt hết tạp niệm ở đây mới không tìm được về. chỉ cần nó đừng về trước 20 tuổi là được, coi như khất."
"Quên hết tất cả, tức là quên cả tôi cả bố mẹ nó?"
"Không bác ạ, nó sẽ quên những điều ở trong ngôi làng này. Thôi bác nhanh cho con bé uống..."
Ông Huân nâng lấy chiếc chén nho nhỏ. Sau chiếc chén này, con bé sẽ quên mất ông nội nó là ai cũng như toàn bộ những kỉ niệm mà hai ông cháu có với nhau...Nhưng ông không thể bỏ căn nhà này để đi với nó...
Ông lại gần dỗ Hoài, miệng mỉm cười: "Hoài con, uống hết chén này, ông đưa quà cho con liền nhé!"
Hoài nhìn hồ nghi nhưng cũng nhắm mắt dốc cạn một hơi. Khi con bé uống xong, một giọt nước mắt đã lăn dài trên má người ông khắc khổ. Con bé bắt đầu lắc lư như buồn ngủ rồi gục xuống tay ông ngủ mất.
Hai vợ chồng bố mẹ Hoài thu dọn xong thì ông cõng con bé lên, đưa cho bố mẹ nó bế.
"Đi thật xa nhé các con, đừng để Hoài nó biết, có gì thì liên lạc với ông qua điện thoại."
Thầy Vĩnh dặn dò kĩ lưỡng đôi vợ chồng về việc tránh lời nguyền này. Hai người đều nghe rõ và gật gù.
"Chúng con...đi nha bố..." Bố Hoài ngậm ngùi tạm biệt người bố của mình, chuẩn bị kéo vali ra khỏi tầng một.
Người đàn ông 70 tuổi chợt tự nhiên cuống cuồng leo lên tầng trên, một lúc sau mới chạy xuống, dúi vội vào tay con trai một bọc giấy báo với 1 xập giấy.
"Cầm lấy...tiền tiết kiệm của bố...còn tập giấy kia...khi nào Hoài nó lớn, thì đưa cho nó nghen con..." Giọng ông già đã nghẹn cả lại.
"Bố hay nhỉ..tiền tiết kiệm mãi mới có, con không thể cầm được!" bố Hoài dúi lại tay bố xập giấy báo. "Còn xập này con sẽ hứa đưa cho cái Hoài, bố nhớ phải sống tốt đợi cái Hoài về thăm nha!"
Giọng ông già run run: "Cầm đi con, coi như ông cho cháu Hoài tiền ăn học. Cầm đi..."
Thấy ánh mắt khẩn nài của bố, bố Hoài đành cảm ơn bố rồi bế con đi.
Đứng đằng sau là bóng người bố già cô đơn đang đứng bần thần nhìn theo bóng con cháu mình đi khuất dần trong làn sương mù, phía sau là thầy Vĩnh. Thầy Vĩnh chúc mọi người may mắn. Người dẫn đường đã đứng đợi từ nãy ngoài cửa. Ông ta cầm theo chiếc áo của bố Hoài mới tìm được đường vào nhà Hoài.
Cả ba người họ đi như bay, chạy trốn ra khỏi ngôi làng kì quái này. Thân Hoài rung lên trên vai bố, cô bé hơi tỉnh giấc. Trong cơn mơ màng, cô bé nhìn thấy hình ảnh hàng loạt những chiếc đèn lồng nhiều màu sắc sáng quắc lên rồi lại nhòe nhoẹt đi dần trong làn sương mù.
"Đẹp quá..." Cô bé nghĩ vẩn vơ rất nhẹ rồi lại ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau, Hoài vẫn đang chòng chành trên chuyến xe khách về Hà Nội tới nhà ông bà ngoại. Cô bé không còn chút ký ức nào về miền đất đó nữa.