Vân Thanh với người què gặp nhau chỉ có lấy tiền và cho tiền, nhiều năm như thế trôi qua, cậu chưa từng cảm thấy cuộc sống của mình tệ, nhưng kể từ khi Tần Tuấn đến, mọi chuyện đã khác.

Hóa ra cả nhà ba người có thể dạo bộ với nhau, lúc ăn khuya, con trai còn có thể uống hai ly rượu với ba. Hóa ra việc Tần Tuấn lười nhác ở nhà hô to gọi nhỏ, trong mắt mẹ thì anh ta luôn là báu vật, đồng ý mọi yêu cầu của anh. Nhiều khi trông họ mới giống là người một nhà, cậu chỉ là phần thừa.

Vân Thanh ấm ức nhiều điều không kể ai, nhưng với Bùi Tri Viễn thì chuyện bé như hạt cát vẫn nói anh nghe.

Bùi Tri Viễn an ủi cậu, "Tuổi dậy thì khá nhạy cảm mà, sẽ không tệ như cậu nghĩ. Chẳng qua là ông ấy vẫn chưa học được cách làm người ba tốt, thỉnh thoảng không để ý cảm nhận của cậu, nhưng dù sao vẫn là ba của cậu, ông không cố ý đối xử tệ với cậu đâu."

Vân Thanh nói, "Nhưng tôi vẫn không vui được."

Có điều tính cậu dễ nóng mà cũng dễ dịu, nói chuyện điện thoại xong là trở lại bình thường.

Đến tối ba người Tần Tuấn về, họ ngồi ngoài phòng khách gọi cậu ra thử giày mới, mẹ kế tận tình giải thích với cậu, "Sợ con không muốn mang giống Tiểu Tuấn nên mua hai đôi khác màu."

"Khuyến mãi đặc biệt." Người què cười phúc hậu.

Người ba thảm hại cả đời vô tích sự khó lắm mới hào phóng với con trai mình, mang đầy kiêu ngạo và đắc chí, Vân Thanh dâng nỗi xúc động lạ thường.

Đến khi cầm giày lên nhìn, lớn hơn hai số.

Vân Thanh bỏ giày xuống, "Đây không phải số của con, con mang số 38."

Không ai biết cậu mang giày số bao nhiêu, bầu không khí trở nên khó xử thấy rõ.

Mẹ kế gượng lên tiếng, "Nghe nói thằng Tuấn mang vừa giày con, dì tưởng con đi số giống nó nên mua hai đôi bằng kích cỡ, không thì mai chúng ta đem đi đổi?" Vế sau là nói với người què.

"Khuyến mãi không đổi được." Tần Tuấn xen vào một câu.

Lại càng thêm lúng túng.

Nét mặt người què toát vẻ áy náy, ông nói một cách khó khăn, "Tiểu Tuấn mang trước đi, lần sau rồi mua cho Vân Thanh, đến lúc đó ba dẫn con đi mua."

Vân Thanh nể tình đáp một tiếng, tuy cậu biết chuyện này ít khả thi. Nếu muốn đền bù cho cậu thật thì đã dẫn cậu đi mua ngay, hôm nay rõ ràng là mua giày mới cho Tần Tuấn, đôi được mua một tặng một kia là cho cậu.

Nhưng không có gì đáng ngại, cậu không ôm đòi hỏi gì từ lâu rồi.

Thời gian người què ở nhà rất ít, tiền sinh hoạt đều là mẹ kế cho, bà nói – "Con cũng biết hoàn cảnh nhà chúng ta không được tốt mà, ba con không kiếm được bao nhiêu", Vân Thanh còn có thể làm gì hơn khi nghe lời này, đương nhiên là bà cho bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu, không đủ tiền ăn thì tự nghĩ cách.

Có một quầy bán đồ ăn sáng mỗi ngày ở cửa chợ thực phẩm, Vân Thanh dậy sớm trước hai tiếng để giúp người ta bày sạp, không phải lo về bữa sáng. Nhà Bùi Tri Viễn có một chiếc xe đạp cũ kĩ, cậu tiết kiệm được tiền đi xe công cộng. Thấy cậu thế này, hàng xóm hỏi bóng gió, "Người ta đối xử bạc bẽo với con?"

"Không đâu ạ." Vân Thanh đáp.

Không cố ý đối xử bạc bẽo với mình, chẳng qua là không quan tâm mình thôi.

Xe đạp nhà họ Bùi cũ lắm, khi trước Bùi Lập Hành đạp xe đến đâu thì vang tiếng kẽo kẹt đến đó. Bạn bè cùng lớp cậu thấy thì hỏi, "Đây là xe mày hả?" Vân Thanh thản nhiên trả lời, "Ừ, nhà tao nghèo." Mọi người cười đùa xong là hết chuyện. Cũng có người tốt bụng, bình thường không hay gặp mặt nhau lén hỏi Vân Thanh, "Chú tớ kinh doanh sân trượt băng, cậu muốn tới làm bán thời gian không? Chỉ cần thu tiền, lau sàn."

Thế là Vân Thanh tới.

Đó là sân trượt patin, khách hàng đều là học sinh trung học, thỉnh thoảng cũng có mấy tên côn đồ cắc ké. Vân Thanh tan học thì đến làm, công việc chủ yếu là lấy giày, thu tiền, nhân lúc rảnh thì ra sau quầy làm bài tập, càng muộn thì cửa hàng càng vơi khách, mọi người về hết thì bắt đầu quét dọn vệ sinh. Lau sàn patin phải cúi người, sân rộng đến hai, ba trăm mét vuông, mỗi lần dọn xong lưng cậu như sắp gãy.

Mười giờ tối, đường phố vẫn còn tấp nập, các quán ăn xếp san sát nhau, Vân Thanh mua một ít đồ ăn cho no bụng rồi đạp chiếc xe cũ nát về nhà.

Mấy chuyện này cậu chưa kể với Bùi Tri Viễn, sợ Bùi Tri Viễn khen "cậu lớn rồi", mà cái "lớn" này cậu không bằng lòng chọn, nếu có thể thì cậu cũng muốn như những bạn cùng trang lứa, mỗi ngày thức giấc sẽ có bữa sáng chờ, về nhà có ngay cơm ăn, trời mưa gió thổi có người nhà đến đưa đón.

Không ai muốn chịu khổ cả, Vân Thanh cũng vậy. Dù việc này trông trưởng thành, đáng được khen ngợi nhưng cậu chỉ muốn Bùi Tri Viễn đau lòng cho cậu, tốt nhất là nên ôm cậu, dỗ dành cậu.

Vừa nghĩ đến cảnh tượng ấy, cậu bắt đầu muốn khóc.

Vào một đêm quên mang ô, Vân Thanh đạp xe đội bão táp về nhà, không kìm nén được bật khóc ngay lúc lắm. Cậu càng nghĩ càng tủi thân, không thể tiếp tục đạo đức giả nữa, về phòng lập tức gọi Bùi Tri Viễn.

Đầu dây bên đó cất giọng khàn khàn hỏi "sao vậy", hơn nửa đêm đánh thức người ta đúng là không được ổn, nhưng cậu không thể lấy lí do chính đáng nào để bao biện, cậu nghĩ đi nghĩ lại rồi méo miệng nói, "Tôi nhớ anh lắm." Sau đó khóc nấc lên, nước mắt thi nhau chảy xuống.

Giọng của người đó nghe rõ hơn hẳn, "Ai bắt nạt cậu?"

Vân Thanh muốn Bùi Tri Viễn dỗ mình nhất, vừa nghe anh hỏi thế càng khóc tợn, vừa khịt mũi vừa cuồng dại kể khổ, nói hết những chuyện mấy ngày qua.

"Ngày nào cũng là bánh bao, tôi ăn phát ngất!... Lau sàn mệt lắm, tay với lưng tôi đau nhức, chỗ nào cũng đau!.... Trường cực kỳ xa, cái xe cũ rách của anh chọc tôi tức chết, giữa đường dây sên còn hay hỏng, người ta cười chê xe của tôi cổ lỗ sĩ!... Hu hu hu hu..."

Có lẽ là giọng cậu kể nghe rất buồn cười, Bùi Tri Viễn nhịn cười dịu dàng vỗ về cậu, "Xin lỗi, xe anh trai hư nặng quá, về rồi sẽ mua cho cậu xe mới nhé?"

"Xe đi núi, cái xe mà đẹp đẹp ấy." Vân Thanh vừa lau nước mắt vừa không quên ra yêu cầu.

"Ừ." Bùi Tri Viễn nói, "Mua cho cậu."

Vân Thanh thỏa mãn được dỗ một lát lâu, cậu khụt khịt mũi, chùi khô nước mắt mới hỏi, "Vậy khi nào anh về?"

"Nghỉ đông?" Giọng không chắc lắm.

"Lâu thế!" Cậu lại tủi.

Không biết có phải là ảo giác của Bùi Tri Viễn hay không, so với trước khi xa nhau, Vân Thanh ngày càng ỷ vào anh.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play