Ngân trở về nhà khi đó đã là gần 8 giờ kém, cô đã điện cho bố để bảo ông không cần ra ngã tư đón vì hôm nay cô gặp bạn cũ, khi về cô có thể tự bắt xe ôm về được. Thấy tiếng bước chân đi vào, con Béo nhà Ngân vẫy đuôi tíu tít chạy từ trong lồng ra đón chủ. Ngân đi gần tới cái lều ông Hưng dựng ở góc sân, thấy bố đang ngồi xem hài trên VTV, Ngân ngó đầu vào chào một tiếng, ông Hưng quay ra cười:

- Ngồi nghỉ một lúc rồi mới được tắm nghe chưa, không cảm đấy.

- Vâng, con biết rồi ạ.

Cô ngó quanh quanh rồi lại thắc mắc hỏi:

- Linh nó đâu rồi bố?

- Nó học võ học vẽ gì chưa về con ạ, gớm quá cơ, thế này mai sau lấy làm sao được chồng.

Ngân làm mặt xấu, ngồi xuống rót một cốc nước chè đặc tu một mạch hết, cô đặt cốc xuống bàn:

- Thế là bố không biết rồi, nếu cho con trở về ngày xưa, chắc chắn con cũng sẽ đi học võ như nó. Bố biết vì sao không?

Ngân hỏi, ông Hưng lắc đầu.

- Thế để con nói cho bố nghe này, nếu chẳng may sau này con chọn phải thằng chồng không tốt, nó cứ hễ không vui lại lôi con ra trút giận thì có phải con thiệt thân không? Sợ nó đánh con biến dạng rồi về nhà mách bố, bố cũng không nhận ra con thì sao. Còn nếu con có võ, nó mà dám động tay động chân là kiểu gì cũng bị con lăn như lăn bánh.

Ngân vừa nói vừa làm mấy động tác múa quyền học lỏm ở trên mạng biểu diễn cho bố xem, ông Hưng ngồi cười khanh khách, được đà, Ngân lại phân tích thêm:

- Đấy mới là lợi ích thứ nhất thôi bố ạ, còn đâu con ví dụ, con gái con đứa một mình đi xa chẳng may gặp phải kẻ xấu thì mình phải tự cứu mình chứ biết chông chờ vào ai, xã hội bây giờ con người vô cảm lắm bố ạ, người ta sợ bản thân mình liên lụy nên hiếm có ai dám ra mặt giúp đỡ lắm.

Ông Hưng gật gật đầu, vỗ vỗ vào vai Ngân:

- Con nói cũng có lý đấy chứ nhể.

- Quá có lý đi bố ạ.

Vừa nói dứt câu liền nghe thấy tiếng phanh xe đạp dừng ở cổng, thấy cả tiếng chào tạm biệt nhau, rồi sau đó là bộ võ phục trắng tinh cùng cái đai nâu thắt không gọn gàng cho lắm bị gió đưa qua đưa lại, càng ngày càng gần.

- Con chào bố, chị Ngân.

Ông Hưng gật gật đầu, nhìn trán Linh lấm tấm mồ hôi ông vội xoay quạt sang chỗ trống bên cạnh:

- Mồ hôi mồ kê nhễ nhại trông có kinh không, ngồi xuống đây cho mát.

Linh vâng một tiếng, tiện tay tháo cái đai đang đeo trên người ra rồi ngồi xuống đối diện với cái quạt cho gió tốc thẳng vào mặt. Ngân đứng ngay gần đấy cũng phải nhăn mũi, đi lại gần ngửi cái lưng áo của Linh rồi eo một tiếng:

- Khiếp, người mày hôi như cú ý Linh ạ, thế mà mày cũng ngồi gần bố được, bố tắm rồi đấy.

Linh ỉu xìu quay sang nhìn chị:

- Em đố chị tìm được đứa nào đi học võ mà không ra mồ hôi đấy.

- À được rồi được rồi, tao hiểu rồi, tao đi tắm trước đây, mày cứ ở đây hành hạ cái mũi của bố tiếp đi.

Ngân tìm quần áo rồi đi sang nhà bà Lý tắm nhờ, mùi xà phòng Cỏ May mà bà Lý hay dùng khiến đầu óc cô càng thêm thoải mái. Ngân vặn vòi nước, cho xà phòng vào rồi vò qua một lượt đống quần áo đầy mùi mồ hôi của mình, rồi cô lại cho tiếp xà phòng vào ngâm để lát sau mới giặt. Linh ôm quần áo sang, thấy chị đang đánh giầy, cô liền sà lại gần thủ thỉ:

- Hôm nay chị giặt quần áo giúp em nhé, tối quá rồi lười chẳng muốn giặt, mai em lại giặt cho chị.

Thấy Ngân cứ suy nghĩ mãi làm Linh sốt hết cả ruột, cô lại bồi thêm câu:

- Em rửa bát cho.

- Để tao xem thái độ của mày thế nào đã.

Linh bĩu môi:

- Lại còn xem thái độ nữa, rửa cho cả bát, chị lãi quá còn gì.

- Tao giặt cho mày không biết bao nhiêu lần rồi, có hôm kêu rửa bát cho tao rồi ăn xong một cái là chạy tót sang nhà thằng Vũ chơi, lần này chắc cũng thế nhở.

- Giờ em là người trọng chữ tín rồi.

- Ghê.

Linh gật đầu chắc nịch, Ngân chuyển giầy ra giếng giặt để nhường nhà tắm cho Linh, lại nhìn thấy bộ quần áo bà Lý thay ra vẫn ngâm trong chậu chưa chịu giặt, cô đứng dậy đi lên phòng khách thấy bà đang xem phim gì của Ấn Độ mà cô cũng chẳng biết tên:

- Cháu giặt luôn bộ quần áo bà ngâm trong thau nước nhé.

Bà Lý vội xua xua tay:

- Thôi thôi, cứ để đấy mai bà giặt cũng được, đi làm đồng về mùi mồ hôi kinh lắm, cứ để đấy cho bà.

- Đằng nào cháu chẳng giặt quần áo, tiện thể giặt luôn cũng được bà ạ, để cháu ngâm Comfor là thơm ngay.

- Ngoan quá, thế giặt hộ bà nhớ, bà cảm ơn.

- Bà lại khách sáo rồi.

Linh vừa treo quần áo lên móc, vừa nói vọng ra sân:

- Tháng này đen như cái đít nồi ý, mới sáng banh mắt ra đã suýt thì bị người ta đâm chết rồi.

- Làm sao?

- Thì em vừa qua đèn đỏ chỗ ngã tư, tự nhiên một cái ô tô lao ra từ trong ngõ, mà đáng lẽ ra theo luật thì trước khi vòng ra khỏi ngõ họ phải dừng lại quan sát xem có người qua lại không, cùng lắm là bấm còi, đằng này chẳng làm cái gì, cứ thế lao ra, đã thế thấy em còn trợn mắt lên nhìn mấy sợ chứ.

- Xã hội nhiều người cũng không được lịch sự cho lắm, không chết là may rồi, lo mà tắm nhanh lên rồi tao giặt quần áo cho.

- Yeah!

Linh giúp chị phơi quần áo rồi hai chị em về nhà xem tivi cùng bố một lúc cho bố đỡ buồn. Anh Việt cũng vừa tắm xong, cả nhà 4 người ngồi trật ních cả cái tấm phản làm bằng gỗ, tiếng động cơ quạt kêu e e làm át cả tiếng người nói trên tivi, trên tivi đang chiếu một clip ngắn về các món quà vặt tuổi thơ, dù hơi trật trội và nóng một chút nhưng lại rất vui, ai nấy cũng dán mắt vào màn hình vô tuyến.

- A, kẹo kéo kìa.

Khung hình trên tivi đang chiếu một người đàn ông đang thắng đường trong một cái chảo rất to. Mấy anh em lại nhớ về mười mấy năm trước đây, ngày mà công nghệ vẫn chưa tiên tiến như bây giờ, trẻ con hồi đó chưa có điện thoại cảm ứng để đánh điện tử như bọn con nít ngày nay.

Ngân hồi đó phải trông em Linh để bố đi xa cắt cỏ cho cá, cứ trưa nắng là bọn trẻ con trong xóm lại trốn ngủ trưa, chúng í ới gọi nhau từ trong ngõ, cứ khi nào nghe thấy tiếng chí chóe của mấy đứa bạn, Ngân lại cõng Linh trên lưng rồi bám theo anh Việt ra đầu ngõ xem chúng bắn bi. Anh Việt chơi bắn bi giỏi lắm, ngày nào cũng vét được mấy chục viên của mấy thằng bạn da đen nhẻm vì đi bêu nắng.

Được một thời gian, chán chơi bắn bi, chúng lại rủ nhau chơi con quay, ông Hưng lại dành cả buổi tối đẽo quay cho con để sáng hôm sau anh mang đi chơi cho bằng bạn bằng bè.

Nghe anh Việt với chị Ngân kể lại những kỉ niệm trước đây, Linh lại tiếc ngẩn tiếc ngơ vì khi đó mình còn quá bé, chưa thể nhớ được gì.

- Tiếc thật đấy, em chẳng nhớ gì lúc nhỏ ngoài được ăn kẹo kéo.

- Ừ nhỉ, nói đến kẹo kẹo lại thấy nhớ. Ngày đấy xóm mình có ông Hoan chột nấu kẹo kéo phải gọi là cực đỉnh. Tao với anh Việt toàn đi nhặt bìa cát tông với thu gom giấy vụn, sau bán cho ông ý đổi kẹo kéo về ăn thôi. Ngày đấy mày bé nhất nhà, lại còn ham ăn, tao với anh Việt toàn nhường cho mày miếng to nhất đấy.

Ngân nhét miếng phồng tôm vào miệng, vừa nhai vừa nói, Linh nghi nghi nhìn chị:

- Thật ý.

- Lại không thật thì sao, mày hỏi anh Việt xem, cả bố nữa.

- Thật không hả anh? Bố nữa?

- Thật mà, có hôm em khóc đòi ăn, chị Ngân còn dám trộm thóc của bố mang đi đổi về cơ.

- Eo, không ngờ luôn đấy.

Ngân lấy tay dí trán Linh:

- Không ngờ cái gì, giờ thì biết tao tốt với mày rồi chứ hả, từ giờ tao nói gì thì cãi ít thôi.

- Thế ông Hoan chột đâu rồi chị?

- Ông bệnh mất lâu rồi.

Linh ỉu xìu, quay sang cầm tay bố lắc lắc:

- Tiếc nhỉ, tự nhiên em muốn ăn kẹo kéo, bố ơi con muốn ăn kẹo kéo.

- Kêu với bố làm gì, giờ còn ai bán nữa đâu.

Ông Hưng bỏ cốc nước chè xuống, lấy tay tắt vô tuyến:

- Được rồi, thế để mai bố làm cho mấy đứa ăn, coi như quà Trung Thu của bố cho ba anh em nhé.

- Wow, bố biết nấu thật á?

- Thật mà.

- Bố mình là siêu nhân mà, có gì là bố không biết đâu, mày hỏi thừa quá.

Mấy anh em ngồi nói chuyện rôm rả khắp cả sân lên, hàng xóm đi hóng gió qua cũng phải nghến chân lên hỏi:

- Nhà có chuyện gì mà vui thế?

Đã gần 11 giờ đêm rồi mà vẫn chưa ai chịu đi ngủ, ông Hưng giục các con về nhà bà Lý mà ngủ sớm đi nhưng không đứa nào chịu nhấc mông đứng dậy.

- Mai chủ nhật mà bố.

- Chủ nhật thì cũng phải ngủ sớm chứ, thức khuya không tốt.

Anh Việt nhìn đồng hồ, trời cũng đã về khuya, bố làm cả ngày ngoài đồng chắc cũng mệt mỏi nên anh cầm tay hai cô em gái đứng dậy:

- Bố nói đúng đấy, khuya lắm rồi hai em về ngủ đi, bố cũng mệt rồi để cho bố nghỉ ngơi nữa chứ.

- Vâng, thế hai chị em con về đây, bố cũng ngủ sớm đi ạ.

- Ừ, các con về đi.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play