Tôi chỉ doạ dẫm vậy thôi chứ thực ra muốn tới phủ Kiểm Pháp để kiện lên Đại an phủ sứ không phải chuyện dễ dàng.
Chúng tôi sẽ phải soạn ra một đơn kiện, sau đó đem tới cung phủ nộp đơn cùng một chút tiền phí. Tiếp theo là phải đợi cho tới khi đơn kiện của mình tới tay Đại an phủ sứ.
Đối với tôi, chờ cũng không có vấn đề gì. Về cơ bản thì hiện tại tôi cái gì cũng không có ngoài thời gian. Nhưng Phạm Bân không chờ được, vấn đề này cần phải giải quyết nhanh chóng.
Suy nghĩ trong chốc lát, một mặt tôi giới thiệu chức danh to lớn của Đỗ Quân, một mặt bảo Đỗ Chi gọi thêm người tới làm chứng. May thay trong đám người đang hóng chuyện ngoài kia lại có vài học trò – đại khái là tôi cần người biết chữ và quan trọng là không quen biết để đảm bảo tính công bằng; thêm vào đó, tôi đang định nói Đỗ Quân đi tìm thêm một thầy thuốc tới thì vừa hay có một người đàn ông lớn tuổi giơ tay.
Vậy là đủ. Không cần quan binh nhưng lại có Ngũ đô chỉ huy sứ ở đây, người đàn bà kia không dám kêu ca thêm nữa.
Thấy chuyện bị làm to ra thế này, người đàn bà có chút run sợ.
Sau khi dặn dò Đỗ Quân xong xuôi, tôi lẻn ra rồi chen vào đám đông phía ngoài.
Trong ba người Đỗ Quân, Đỗ Chi và Phạm Bân thì người có thể giữ được thái độ bình tĩnh nhất là Đỗ Quân. Phạm Bân đang là "đối tượng bị xỉa xói", đương nhiên không thể đứng ra làm chủ. Còn Đỗ Chi, chưa nói đến việc cô là vợ chưa cưới của Phạm Bân, chỉ tính riêng tính cách nóng nảy động cái là muốn đánh người thì lại càng không thể. Hơn nữa, tất nhiên là sẽ chẳng một ai chịu đồng ý một đứa con gái đứng lên chỉ trỏ nói lý. Vậy là tôi chỉ có thể tin tưởng Đỗ Quân.
Tuy nhiên như đã nói từ trước, Đỗ Quân là Ngũ đô chỉ huy sứ quân Thiên, vốn là một quan võ. Bởi vậy, bình thường cái mà y dùng là nắm đấm chứ không phải lời nói. Tôi vốn rất quý mến Đỗ Quân vì lý do này, y không phải một kẻ khoa trương văn vẻ. Cũng chính vì thế đứng trước một kẻ mồm năm miệng mười như người đàn bà kia, đại khái là Đỗ Quân sẽ phải chịu lép vế.
Tôi chợt nghĩ nếu có Trần Thanh ở đây, tôi nghĩ việc ép hỏi người đàn bà kia phải nói ra sự thật cũng không phải chuyện khó khăn gì.
Để đám Đỗ Quân ở lại kéo dài thời gian là vì tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về chuyện này. Muốn tra được án thì nhất định phải tìm được động cơ trước. Tôi phải thừa nhận rằng trong chuyện này bản thân có chút ích kỷ. Mặc dù tôi mới quen biết đám Đỗ Quân chưa được lâu nhưng tôi thực sự tin tưởng vào tài năng cũng như nhân phẩm của họ. Cụ thể hơn là Phạm Bân.
Nếu tôi nhớ không lầm, Phạm Bân còn có tên khác là Phạm Công Bân (tôi đã từng nghe Đỗ Chi gọi y là "Công Bân" không dưới một lần). Phạm Bân là một danh y nổi tiếng thời nhà Trần được sử sách ghi lại. Tôi không tin người như Phạm Bân sẽ gây ra lỗi lầm không thể chấp nhận được như người đàn bà đã nói, và nếu thực sự y có viết sai tên một vị thuốc thì chắc chắn y sẽ thừa nhận lỗi lầm của mình chứ không chối bỏ.
Khả năng cao là người đàn bà kia đã bịa chuyện, mong muốn nhận được ít tiền bồi thường. Tôi vừa suy nghĩ, vừa chậm chạp di chuyển giữa đám người hóng chuyện bên ngoài cửa.
Rốt cuộc ông trời cũng đã thương xót tôi. Khi len ra khỏi đám đông, tôi nhìn thấy một vài người phụ nữ đứng chụm lại với nhau bàn tán.
Tôi cố gắng tỏ ra thật tự nhiên mà đi tới bên họ, vừa đúng lúc nghe được một người phụ nữ thở dài nói: "Khổ thân chị Ngô, hết con lại tới chồng gặp chuyện vì cái lũ lang băm kia."
Vừa dứt lời liền có vài câu đồng tình.
Tôi vội vã len tới bên họ, tỏ ra thật ngây thơ vô tội: "Cháu chào các cô ạ. Ở đây có chuyện gì mà đông người thế cô?"
Họ cũng không nề hà gì, rất nhiệt tình tóm tắt câu chuyện một lượt cho tôi nghe. Đại khái là chồng người đàn bà tên Ngô kia giờ đang hấp hối vì đơn thuốc sai của một người là thái y trong cung.
Gật gù tỏ vẻ đã hiểu, tôi lại hỏi: "Khi nãy cháu nghe có ai nói về chuyện cả chồng con cô ấy đều gặp nạn..."
Một người phụ nữ đứng tuổi nhìn tôi đánh giá, nói: "Chắc cháu ở nơi khác tới nên không biết. Cái Ngô khổ lắm... Khoảng mấy năm trước nhỉ... chắc là năm sáu năm gì đấy, thằng con trai duy nhất của nó bị bệnh. Nhà nó dốc hết tiền của đi mời một thằng tự xưng là thái y trong cung tới chữa bệnh."
Người khác liền chen vào: "Mang tiếng thái y. Ấy thế mà thằng bé không những không khỏi bệnh, bệnh tình càng trở nặng, cuối cùng thì ốm chết đấy."
Tim tôi giật thót một cái: "Sau đó thì thế nào ạ?"
"Còn thế nào nữa. Hồi ấy nhà chúng nó nghèo lắm. Chồng là thầy gõ đầu trẻ, vợ làm nông, mãi mới có mụn con. Đã đổ hết tiền ra mời cái thằng thái y kia rồi, còn đâu mà đi kiện nữa. Chúng nó cũng chạy tới phủ Kiểm Pháp kêu oan mà có được cái gì đâu. Rặt một lũ bao che nhau..."
Các bà các cô bàn tán một hồi, không biết thế nào đã nhảy sang chuyện trong ngõ nhà mình có đứa con gái mười chín tuổi còn chưa lấy được chồng. Tôi không khỏi buồn cười, thực không khác gì hội bà tám láng giềng thời hiện đại.
Lựa vài câu nhạt nhẽo, tôi lặng lẽ rút khỏi mấy bà cô lắm chuyện.
Tôi hỏi đường tới nhà một thầy đồ già gần đó, tiện thể ngó đầu vào nhà người đàn bà tên Ngô kia xem tình hình. Bà ta mồm năm miệng mười vừa quát mắng vừa kêu than, trông sắc mặt hàng xóm xung quanh thì có lẽ họ đã tin tưởng rằng Phạm Bân chính là một tên thái y dỏm cứu người thành hại người mất rồi.
Anh em Đỗ Quân Đỗ Chi chỉ giỏi võ, không giỏi cãi, bị tiếng mắng mỏ của bà ta mắng cho dạt người sang một bên. Mà họ càng không thể dùng nắm đấm để đối phó với loại người này, đúng là uất ức muốn chết.
Theo lời của mấy bà cô khi nãy thì ông đồ già Lân ở cuối xóm là thầy dạy chữ của chồng thị Ngô – tôi cũng nghe ngóng được tên gã ta là Tuân. Ông đồ già này thật sự đã rất già, không còn có thể ngồi viết chữ được nữa mà chỉ nằm trên giường để con cháu chăm sóc.
Nghe tôi nhắc tới tên học trò Tuân của mình đang gặp nạn, ông lo lắng tới mức ho khù khụ, muốn bay cả hàm răng ra ngoài.
Tôi kể sơ qua về tình hình, đồng thời khen ngợi Phạm Bân là một thái y giỏi, rất được Quan gia tin dùng. Danh Quan gia như một chiếc thẻ bảo hiểm, ông đồ già vừa nghe thấy liền tỏ ra rất hợp tác, cuối cùng tiết lộ cho tôi một chi tiết mấu chốt: Gã Tuân thời còn là học trò của ông đồ Lân đã nổi tiếng vì tài giả mạo chữ viết của người khác. Tài ở chỗ gã chỉ cần nhìn qua một lần là có thể viết lại gần như y hệt.
Vậy là chuyện đã được giải quyết một nửa. Nếu đã không phải Phạm Bân viết sai tên vị thuốc thì nhất định là gã Tuân kia đã giả mạo lại một lượt đơn thuốc của y. Cũng chính bởi vậy, tuy rất giống nhưng Phạm Bân lại cảm thấy có điều gì không đúng.
Xâu chuỗi lại những chi tiết mà tôi nghe ngóng được có thể dựng lên một câu chuyện đại khái như sau: Năm năm trước, đứa con trai mười tuổi của vợ chồng Tuân đã bị một tên lang băm mang danh thái y hại chết. Hai vợ chồng tìm cách tới phủ Kiểm Pháp để kiện cáo mà không thể làm gì được, đành ngậm ngùi về chôn xác con trai.
Cũng từ đó, gã Tuân vốn đang theo nghề gõ đầu trẻ quá đau lòng mà từ bỏ, theo vợ đi cày cấy.
Lần này dã mắc bệnh lại gặp đúng Phạm Bân cũng là một thầy thuốc tự xưng là thái y, cùng với lòng thù hận vốn có hai người họ liền sinh lòng muốn hãm hại Phạm Bân để trả thù cho con.
Tôi thầm nghĩ, thực ra nếu chuyện này mà đưa tới phủ Kiểm Pháp thì chắc chắn cũng sẽ tra ra chân tướng. Khi ấy hai vợ chồng sẽ bị xử phạt rất nặng vì tội vu oan giá hoạ cho quan thái y. Tốt nhất nên giải quyết trước khi nó trở nên nghiêm trọng hơn nữa.
Quay trở lại nhà vợ chồng Tuân, mặc dù đã tìm ra được động cơ hãm hại Phạm Bân của người đàn bà kia nhưng tôi hoàn toàn không biết nên làm thế nào.
Khi tôi bước ra khỏi đám người đang tò mò đứng xem bên ngoài, chợt thấy ánh mắt của cả ba người Đỗ Quân nhìn thẳng vào mình như chúa cứu thế, thậm chí tôi còn thấy chúng đang phát sáng lấp lánh đầy hi vọng nữa.
Tôi mím môi, trong đầu sắp xếp một vài từ ngữ để nói làm sao không làm họ thất vọng. Tôi vẫn chưa tìm được cách minh oan cho Phạm Bân bởi rõ ràng còn thiếu chứng cứ. Và thứ duy nhất là chứng cứ lại là đơn thuốc thật của Phạm Bân đã viết cho gã Tuân.
Đối với thứ nguy hiểm như vậy, tôi nghĩ người đàn bà kia chỉ có hai lựa chọn: Một là đốt, xé... đại khái là huỷ đi. Hai là đem giấu đi, có thể là ở một nơi nào đó thật kín đáo trong nhà. Hoặc đối với người cẩn thận hơn, họ sẽ đem theo bên mình.
Đang bận rộn suy nghĩ, tôi không nhận ra có người đứng ngay sát sau lưng mình từ lúc nào.
"Đã tìm thấy đơn thuốc do chính tay thái y Bân viết rồi."
Một giọng nói trầm ấm vang lên ngay phía sau lưng khiến tôi không khỏi giật nảy người.
Tôi hiểu rồi, thì ra khi nãy không phải đám Đỗ Quân nhìn tôi hy vọng, mà là nhìn con người đang ở phía sau. Chẳng cần quay lưng lại tôi cũng biết đó là ai.
Ngay sau khi Trần Thanh nói đã tìm thấy đơn thuốc thật, khuôn mặt người đàn bà tên Ngô biến sắc ngay lập tức. Đương nhiên, tất cả hành động sau đó của bà ta đều không lọt ra khỏi mắt tôi.
Người đàn bà tỏ ra rất sợ hãi khi Trần Thanh xuất hiện, bà ta đưa tay lên ngực xoa mấy cái, khuôn mặt liền thả lỏng. Bà ta thở phào một cái, sau đó mặt hơi ngẩng lên lộ vẻ thách thức.
"Ở đó." Trần Thanh nói, giọng nhẹ như lá rơi.
Tôi gật đầu, kêu lên: "Chi, giữ tay bà ta cho chị."
Đỗ Chi phản ứng vô cùng nhanh, thoắt cái đã nhảy tới giữ lấy người đàn bà họ Ngô. Tôi cũng không chờ thêm, chạy đến cạnh bà ta, nói: "Cháu xin lỗi."
Bà ta không thể nào thoát ra khỏi gọng kìm của Đỗ Chi nhưng rõ ràng đã cảm nhận rõ sự uy hiếp từ tôi.
Bà ta nghiến chặt răng, gầm gừ: "Mày làm gì?"
Đương nhiên là tôi không đáp, trực tiếp rút từ trong áo bà ta ra một mảnh giấy gấp làm tư – thứ mà tôi tin rằng chính là tờ đơn thuốc thật.
Có tất cả mọi người chứng kiến, hai vợ chồng kia không dám chối cãi thêm nữa. Đích thực là gã Tuân đã giả mạo chữ viết của Phạm Bân, tạo nên một tờ đơn giả nhằm đổ tội cho hắn.
Đám học trò được mời vào làm chứng ban đầu được phát huy khả năng, cùng nhau xác nhận chữ viết của hai bản đơn thuốc có một số nét khác nhau, nhìn qua thôi thì hoàn toàn không nhận ra được.
Động cơ mà hai vợ chồng thị Ngô hãm hại Phạm Bân đại khái cũng giống như tôi đã suy luận. Thực tế chuyện này còn vô số kẽ hở, muốn làm rõ đòi lại công bằng cho Phạm Bân hoàn toàn không phải chuyện khó mà chỉ mất thời gian mà thôi.
Ví dụ, nếu đúng như sự thật là gã Tuân trở bệnh nặng vì uống nhầm thuốc do Phạm Bân kê đơn thì câu hỏi được đặt ra ở đây là: Thị Ngô đã mua thuốc ở nhà thuốc nào? Có thể gọi ra đối chứng được hay không? Hai vợ chồng thị Ngô sẽ chỉ gặp may nếu Phạm Bân là một kẻ sợ rắc rối, muốn mau chóng xử lý mà đưa tiền cho họ.
Phạm Bân đã được cởi bỏ áp lực, bản thân không muốn tiếp tục truy cứu nhưng Đỗ Chi lại vô cùng tức giận, chăm chăm lôi hai vợ chồng kia "lên phường" đòi lại công bằng. Thực ra tôi cũng rất muốn làm như cô nói, nhưng nghĩ đến tình cảnh mất con của hai vợ chồng Tuân là tôi lại thấy không đành lòng.
Tôi đứng chắn trước người đàn bà và Đỗ Chi, dù thấy rất khó xử nhưng vẫn phải mở miệng: "Chi, em bỏ qua chuyện này được không?"
Đỗ Chi sững sờ nhìn tôi. Phản ứng của tất cả những người còn lại cũng như vậy.
Tôi ngập ngừng giải thích: "Họ... họ cũng có nỗi khổ..."
Đỗ Chi lừ mắt, gằn giọng: "Có nỗi khổ thì được phép hãm hại người khác sao?"
Tôi lắc đầu cật lực, không biết nên nói như thế nào cho cô hiểu. Trần Thanh đang đứng bên cạnh liền chen vào: "Theo ý Niệm Tâm đi."
Chỉ một câu đơn giản mà Đỗ Chi phải nuốt cơn giận mà gật đầu cho qua.
Trần Thanh khẽ chạm vào vai tôi, thì thầm: "Nàng giải quyết đi, về phần Chi ta sẽ lo liệu."
Tôi gật đầu cảm kích, lại nhờ người thầy thuốc ban đầu tới làm chứng xem qua bệnh trạng của gã Tuân. Ông ta kết luận rằng bệnh hiện tại của gã không phải do uống nhầm thuốc mà vì lâu ngày không được chữa trị nên mới ốm nặng thêm mà thôi.
Ông ta cũng nói đơn thuốc của Phạm Bân là phù hợp nhất với bệnh tình của gã Tuân rồi, không cần kê đơn mới nữa. Tôi liền hiểu ra, cũng chính vì lý do này mà người đàn bà kia giữ đơn thuốc lại, để khi đạt được mục đích sẽ đem đi mua thuốc cho chồng uống.
Đỗ Quân nãy giờ vẫn đi phía sau tôi, nghe người thầy thuốc nói xong liền lấy trong người ra một ít tiền để hai vợ chồng kia lo chuyện thuốc thang. Tôi ngoảnh mặt lại nhìn y, trong đôi mắt y hoàn toàn không một gợn sóng, đủ biết y không tức giận như Đỗ Chi và việc lấy tiền cho hai vợ chồng là xuất phát từ lòng thương.
Trong khi Đỗ Chi vẫn tỏ ra giận dỗi tôi thì Phạm Bân lại có biểu hiện khiến tôi rất hài lòng. Hắn không còn tỏ thái độ bất mãn như thường ngày với tôi nữa mà thay vào đó là bộ dạng lúng ta lúng túng, ngập ngừng cảm ơn tôi.
Trần Thanh bình thản nói với Đỗ Chi: "Chi đừng giận dỗi thêm nữa, nếu hôm nay không có Niệm Tâm thì thảm rồi. Công Bân mà ta quen biết ấy mà, nếu không tìm ra cách giải quyết nhất định sẽ móc túi ra đền tiền cho kẻ khác. Lúc ấy thì cái danh thái y mà anh nỗ lực bấy lâu mới đạt được sẽ thành mây khói cả."
Tôi chỉ cười không nói gì.
Trần Thanh ạ, nếu anh không đến kịp thì có lẽ việc kia tới giờ vẫn chưa giải quyết xong, mà Phạm Bân cũng chẳng có cơ hội để cảm ơn tôi.
Phạm Bân cười xấu hổ trước Trần Thanh, liên tục cúi đầu chắp tay tạ lỗi.
Tới lượt Đỗ Quân tiếp lời: "Và đêm đến sẽ có người trèo tường đến cho nhà họ một mồi lửa."
Dứt lời, cả đám đồng loạt quay ra nhìn Đỗ Chi.
Cô bị nhìn tới đỏ cả mặt, quay ra đánh nhẹ một cái vào vai Phạm Bân một cái rồi bẽn lẽn nói: "Này, đừng nghĩ em xấu xa tới như vậy chứ?"
Cả đám lại được một trận cười nghiêng ngả.
Cơm dọn lên hết cũng là lúc Đoàn Nhữ Hài về nhà, cậu ta chỉ kịp vứt mấy quyển sách sang cho thằng Dần rồi cũng nhập bọn, còn hỏi có chuyện gì mà vui như thế. Đám chúng tôi đã quá mệt mỏi cho ngày hôm nay nên nhiệm vụ tóm tắt lại câu chuyện nhường cho thằng Dần và cái Tị. Do qua lời của kẻ khác nên câu chuyện bị biến tướng, cả đám thêm một phen cười tới đau thắt cả bụng.
Từng khuôn mặt phía trước tôi, từng nụ cười, từng hành động của họ đều khiến tôi cảm thấy thật may mắn. Nếu không nhờ có họ thì khi vượt thời gian về đây tôi đã chết bờ chết bụi ở đâu rồi. Có những người bạn thế này, tôi hoàn toàn không hối hận điều gì.
Giờ chỉ cần tìm được một người chồng giàu có nữa là toàn vẹn.
Vừa ăn vừa trò chuyện, không biết trăng đã lên từ khi nào. Do tâm trạng tốt nên mọi người cũng ăn khá nhiều. Ăn xong cả đám kéo nhau ra sân ngồi thưởng trà ngắm trăng, nghe Đoàn Nhữ Hài tiếp tục chém gió về sự nghiệp học hành vất vả của cậu ta.
Được một lát, Phạm Bân về trước nghỉ ngơi, tiếp đó Trần Thanh cũng đứng dậy. Phước Lộc đi tới khoác thêm áo cho anh, trong lòng tôi liền thắc mắc không biết anh ta có phải là con một của gia đình hay không mà được bảo hộ kỹ càng tới thế.
Trần Thanh và Phước Lộc đi trước, tôi lon ton chạy theo tiễn như mọi lần.
Ai dè vừa tới gần Trần Thanh, anh ta đã chưng cái mặt lạnh lùng hơn cả ngăn đá tủ lạnh ra với tôi, phun ra đúng hai từ: "Không cần."
Tôi sững sờ. Ý của anh là không cần chuyện gì?
Còn đang bận suy nghĩ về câu nói ngắn gọn này thì phía trước, Trần Thanh đi được vài bước liền ngoảnh lại: "Nhớ không được ra ngoài một mình."
Tôi cười hì hì đáp: "OK nhớ rồi."
Lời ra khỏi đầu môi rồi tôi mới nhận ra mình đã lỡ nói bằng ngôn ngữ hiện đại. Trần Thanh tỏ ra lơ đãng, chỉ gật đầu: "Trời lạnh, nàng mau vào nhà đi."
Và lần này anh cùng tên nhóc Phước Lộc đi thẳng, không dặn dò thêm nữa. Tôi quay đầu vào trong nhà, đang cười cười thì bắt gặp cả Đỗ Quân và Đoàn Nhữ Hài đứng đó. Cả hai người đều mang khuôn mặt chứa đầy ưu tư.
Miệng Đỗ Quân mím chặt, không hiểu y đang bất mãn thứ gì. Tôi lập tức coi Đoàn Nhữ Hài là người vô hình, toét miệng cười với Đỗ Quân. Y thấy tôi cười liền ngẩn người ra tới một lúc, chớp mắt rất mạnh mấy cái, miễn cưỡng gật đầu rồi vội vã đi vào trong gian phòng của mình.
Tôi nhíu mày. Chuyện gì thế này? Sao cả Đỗ Quân lẫn Trần Thanh đều cư xử khác bình thường như thế?
Một người vốn hay mỉm cười, dáng vẻ ung dung nay lại trở nên lạnh lùng, kiệm lời. Một người luôn tỏ ra bình tĩnh lại trở nên bất an, bối rối.
Nhìn sang Đoàn Nhữ Hài đang đứng đó, cậu ta nhếch mép cười rồi buông một câu vô cùng hờ hững: "Chị tôi trước đây có được phúc phận bằng một phần chị thì tốt."
Sau đó cậu phất áo, quay lưng định bỏ đi. Tôi trợn mắt nhìn theo, trong lòng nổi lửa giận. Không biết thằng nhóc này học ở đâu cái thói nói nửa chừng rồi làm màu phất áo như vậy?
Tôi hùng hổ đi theo Đoàn Nhữ Hài, tay giơ lên véo tai cậu ta kéo thật mạnh xuống.
Đoàn Nhữ Hài kêu ré lên vì đau, tôi nghiến răng: "Đã nói thì nói hết cho chị nghe!"
Cậu muốn gỡ tay tôi ra mà không làm được nên lập tức biến thành con mèo nhỏ, ngoan ngoãn nghe lời.
Tôi và Đoàn Nhữ Hài ngồi xổm dưới đất. Tôi đặt tay lên vai cậu ta như hai người anh em.
Đoàn Nhữ Hài nhận một cái lườm dài của tôi: "Nào, giờ thì nói rõ ràng ra cho chị đây nghe. Cậu mà dám nói bóng nói gió như khi nãy, đừng trách cái tay này của tôi ác độc."
Cậu ta dở khóc dở cười đáp: "Ý tôi là nếu lúc trước, chị tôi cũng quen được những người như anh Quân và anh Thanh thì thật tốt."
Tôi chớp chớp mắt vài cái, thằng nhóc trời đánh này vẫn còn muốn chơi trò nói nửa chừng với tôi sao?
Ngay khi tay tôi vừa chạm vào tai Đoàn Nhữ Hài, cậu ta liền gắt lên: "Chẳng lẽ chị không nhìn thấy ánh mắt của anh Quân khi nhìn chị sao?"