Quý phi không cố ý làm thương tổn Tô tần, tuy nhiên làm hại mất long tự là có thật. Hoàng thượng hạ lệnh giáng Trịnh Nhu làm Đức phi, suốt một tháng ăn năn sám hối cầu nguyện cho đứa bé chưa kịp ra đời.

Tứ phi có Hiền, Lương, Thục, Đức, nay quý phi bị giáng phẩm, tuy nói cùng hàng phi, nhưng Trịnh Nhu vẫn đứng thấp hơn Vương Ý Thanh một bậc.

Từ một quý nhân nho nhỏ, gia cảnh cũng không phải cao, thế mà đường đi của nàng ta không ngừng mở rộng.

Hoàng hậu sao có thể không biết chuyện này có âm mưu sâu lường, dặn dò cung nhân không được lơ là đối với Thục phi.

Thục phi nay không còn ai cản đường, ra sức chèn ép những ai không phục tùng nàng ta trước kia. Quý phi tạm thời bị phạt, không thể cùng nàng ta đọ sức.

Ba ngày sau khi Trịnh Nhu bắt đầu bị phạt ở lại trong Dực Khôn cung, Tô tần treo cổ tự vẫn. Chúng phi tần nhân lúc này ra sức truyền tai nhau, nói rằng Tô tần tự sát là do uất ức đối với sự bất công của hoàng thượng, luôn thiên vị Đức phi.

Trịnh Nhu bị phạt trong cung lúc này đang nhận vô vàn chỉ trích từ dư luận.

Liễu Nguyệt Đan cảm thấy vô cùng bất bình. Nàng nhớ tâm trạng lúc ấy của mình, hoàn toàn không hề có ý định ngăn cản đám phi tần kia nói bậy. Nàng hoàn toàn bị nhuốm đen bởi chiếc lồng lộng lẫy mang tên "hậu cung".

Cũng không hề có ý định trừng phạt đám người vô công rỗi nghề kia, thậm chí có lúc còn mong cho tin đồn càng ngày càng lan truyền rộng rãi, làm Trịnh Nhu không có đường lui.

Phi tần không ngừng đấu đá, chuyện như ăn cơm bữa. Không có Đức phi ngầm hỗ trợ, hoàng hậu sống cũng không dễ dàng. Tuy nhiên, điều đó cũng làm cho nàng ngày càng trưởng thành.

Trịnh Nhu cảm thấy sớm biết như thế đã không bảo bọc hoàng hậu quá kĩ. Nàng nên để nàng ấy tự đứng trên đôi chân của mình. Có như thế, nếu sau này Trịnh Nhu không còn nữa, nàng ấy vẫn có thể vững vàng bước tiếp.

Đôi khi chở che quá mức không bằng để cho người thân của mình học cách tự đứng lên sau những lần té ngã.

---

Năm Cảnh Lâm thứ mười bảy, Bình Thân vương làm phản.

Bình Thân vương chính là Thất hoàng tử năm đó tranh đế vị cùng Cảnh Lâm, cũng là một người thông minh túc trí, tuy nhiên lại thiếu kiên nhẫn. Hắn thua cuộc được Cảnh Lâm phong đất rất xa khỏi kinh thành.

Đáng lẽ lúc đó không nên tha cho hắn.

Bình Thân vương cấu kết cùng phủ Quốc sư, còn có thể ngầm liên lạc với người trong cung, thế lực vô cùng lớn mạnh. Thục phi Vương Ý Thanh chẳng những tham gia mà còn là nhân vật chủ chốt khiến cho Bình Thân vương thành công dẫn quân bao vây kinh thành.

Không biết Bình Thân vương hứa với quốc sư và Thục phi những gì mà làm họ bán mình cho hắn như thế.

Quốc sư loan tin hoàng thượng hôn quân, trời cao trừng phạt khiến con dân liên tục gặp thiên tai hạn hán. Ba người con trai của ông ở quân doanh không hiểu chuyện gì tức tốc cho quân quay về.

Sau một hồi thuyết phục, Quốc sư cũng lấy được binh phù từ con mình.

Thục phi cho người báo ra ngoài thời cơ hành động. Sau khi đánh thuốc mê các cung, nàng ta lẳng lặng ngồi trong cung chờ.

Bình Thân vương trong ứng ngoại hợp, cho rằng kế hoạch kĩ càng, chiến thắng nắm chắc trong lòng bàn tay.

Hắn đã rút kinh nghiệm trong quá khứ, không có hành động thiếu suy nghĩ, cũng cực kì kiên nhẫn chờ đợi thời cơ.

Tuy nhiên, âm mưu lớn thế nhưng vẫn không qua mắt nổi hoàng thượng, đã sớm điều động đội Ngự lâm quân giả ra tiền tuyến. Ngự lâm quân thật thì giả làm thái giám, hộ vệ trong cung.

Tất nhiên hậu cung cũng không bỏ sót. Tất cả người hầu mỗi cung không đổi nhưng lại được thêm mới nhằm bảo đảm an toàn cho các nương nương.

Mọi người đều không nghi ngờ gì cả. Thục phi cũng vậy, nàng ta không nghĩ rằng hoàng thượng đã sắp xếp ổn thỏa từ trước.

Mọi người đều bị thuốc mê đánh ngất, kể cả hoàng hậu, chỉ có Trịnh Nhu được hoàng thượng đưa tới Kính Tâm điện trước.

Cảnh Lâm chưa bao giờ tin tưởng Quốc sư. Hiệp ước của hắn và Trịnh Nhu đối với hắn mà nói chỉ là một điều không cần thiết.

Một người ngay từ đầu không ủng hộ hắn, mãi mãi cũng sẽ không.

Có lẽ lúc đầu đúng như Trịnh Nhu nói, hắn chỉ dùng nàng để làm khiên chắn cho hoàng hậu, người hắn yêu thương.

Nhưng càng ngày hắn càng hâm mộ nàng, hâm mộ sự thông minh bình tĩnh của nàng, cũng như tình cảm của nàng đối với hoàng hậu.

Không biết tự lúc nào đã xem nàng trở thành tri kỷ.

Việc Liễu thừa tướng từ quan cũng là mưu kế của hoàng thượng, để quốc sư lơ là mất cảnh giác. Liễu Quan Trúc sau khi cha mình từ quan không hề có động tĩnh, đột nhiên khi phản quân đột nhập kinh thành liền điều động hai mươi vạn quân bao vây phía ngoài kinh thành.

Phản quân không ngờ Ngự lâm quân vẫn còn trong thành, bên ngoài lại bị bao vây bởi quân của Liễu Quan Trúc, kế nằm trong kế, người trong ứng ngoại hợp, ta cũng trong ứng ngoại hợp.

Cho nên lúc Bình Thân vương dẫn quân tập kích, liền lọt vào trận địa mai phục. Toàn quân bị diệt, hắn may mắn chạy thoát.

Trịnh Quốc sư biết kế hoạch lần này hoàn toàn sai lầm. Trịnh Nhu đã nhiều lần viết thư khuyên nhủ cha mình đầu quân cho hoàng thượng nhưng ông không nghe.

Tuy nhiên ngoài mặt cứ giả vờ tiếp nhận ý kiến của nàng.

Trịnh Quốc sư cho rằng mình dù sao cũng có ba người con trai trấn giữ biên cương, không có công cũng có cáng. Tại sao con ông lại không được làm hoàng hậu mà lại còn bị giáng phẩm.

Trịnh Nhu luôn giải thích cho cha mình rằng nàng không quan tâm danh vị, trong cung nàng sống rất tốt. Địa vị hiện giờ đã rất cao rồi.

Trịnh Quốc sư lại không nghĩ như vậy. Ông cho rằng nếu Thất hoàng tử thuận lợi lên ngôi, không chừng con gái ông đã ngồi trên ghế phượng.

Vì vậy mới có chuyện ngày hôm nay.

Trịnh Quốc sư không dám nói cho Trịnh Nhu biết ông tham gia vào kế hoạch tạo phản của Bình Thân vương. Hoàng thượng cũng không nói nên lúc này Trịnh Nhu vẫn chưa biết. Nàng đang trên đường tới cung của Thục phi.

---

Vương Ý Thanh đang nằm trên ghế quý phi, làn da trắng mịn màng, tay chống nhẹ lên trán, hình như đang nghỉ ngơi.

"Đức phi nương nương tới!", giọng nói lảnh lót của thái giám lại vang lên.

Liễu Nguyệt Đan hơi buồn khi nhìn thấy cảnh tượng này. Có quá nhiều sự kiện hoàng thượng và Trịnh Nhu đều âm thầm thực hiện, không hề có sự tham gia của nàng. Nghĩ tới đây, nàng cảm thấy khó nói nên lời.

"Thục phi, dạo này sống có tốt không?" Trịnh Nhu tiến vào chào hỏi. Nụ cười tươi tắn rạng ngời, dáng dấp uyển chuyển không bị năm tháng ảnh hưởng.

"Nhờ phúc của Đức phi, ta sống rất tốt." Vương Ý Thanh cũng ngồi dậy, không trau chuốt, không trang điểm, không có ý tiếp Trịnh Nhu.

"Ngươi không muốn biết hôm nay ta đến làm gì sao?" Trịnh Nhu không được mời nhưng lại nhẹ nhàng tiến tới ghế chủ vị trong cung, cho người lau sạch sẽ, trải gối gấm rồi mới ngồi xuống.

"Sao lại không biết chứ?" Vương Ý Thanh thẳng lưng ngồi dậy, cho nô tỳ chuẩn bị cọ vẽ, phấn trang rồi ngồi vào ghế trang điểm cho mình.

"Thắng làm vua thua làm giặc. Sao nào, muốn hỏi gì thì cứ hỏi thẳng. Đấu nhau hơn mười năm, bổn cung hiểu Đức phi mà." Vương Ý Thanh nói xong, dậm phấn lên đôi mắt.

Trịnh Nhu sai người mang tới một ít vải, bây giờ là mùa hè, vải trong nước tiến cống cho triều đình không ít.

Tay nàng nhẹ nhàng gỡ vỏ từng trái vải, sau đó cho người mang tới chỗ ngồi của Vương Ý Thanh.

Vương Ý Thanh cười. Nàng thích ăn vải, nhưng thứ quả này chỉ có phi tần phẩm vị phi trở lên mới được ăn. Trước đây nàng chỉ dám nhìn, không dám động.

"Vải của Đức phi ngọt thật. Càng ngon hơn khi Đức phi lột vỏ cho ta."

"Không cần khách sáo." Trịnh Nhu lau tay rồi lấy một miếng bánh quế hương cho vào miệng.

Khung cảnh hài hòa tới nổi Liễu Nguyệt Đan nghĩ đây là hai người bạn già đang tâm sự chuyện đời.

Vương Ý Thanh chải tóc, ngậm son, vấn trâm Ngọc Bảo. Nàng thay ra chiếc áo lụa đào đang mặc rồi mang lên cung trang đỏ thẫm.

Lúc này, Vương Ý Thanh đẹp sắc sảo như một con khổng tước kiêu hãnh, khác hẳn với hình ảnh một con gà mái mười năm về trước.

Trịnh Nhu hớp một ngụm trà, bắt đầu trước.

"Ngươi biết Liên tần là người của ta khi nào?"

Mười mấy năm trước, Liên tần bị giáng phẩm rồi ở suốt trong Viên Hòa cung, ngày ngày Trịnh phi mấy bận đều đến thăm nom nàng ta.

Vương Ý Thanh cười. Nàng ta không trả lời ngay mà ăn tiếp một quả vải.

Trịnh Nhu không vội. Nàng thong thả nhìn Vương Ý Thanh.

Liễu Nguyệt Đan không có gì làm, ngồi đợi họ lên tiếng.

"Chuyện mười mấy năm rồi, ta cũng không nhớ nữa." Vương Ý Thanh nhấp nhẹ một ngụm trà.

Liễu Nguyệt Đan nhìn về phía Trịnh Nhu. Bản thân Trịnh Nhu cũng không bất ngờ lắm, tuy nhiên vẫn thấy mình bất cẩn để lộ sơ hở.

"Sinh thần nhị hoàng tử hôm ấy cũng là ngươi làm?" Trịnh Nhu hỏi tiếp.

"Trong lòng ngươi hiểu rõ, còn hỏi ta làm gì?" Vương Ý Thanh cười nhạt.

"Ngươi đúng là to gan, lại dám hãm hại long tự." Trịnh Nhu giọng nói trầm tĩnh như tường thuật, không có ý đe dọa hay uy hiếp.

"Nếu nói về to gan, ta phải nể phục Tô tần."

Trịnh Nhu nhíu mày.

"Nàng ta vốn là một con nghiện, lúc phát hiện hoài thai thì đứa bé đã chết yểu rồi." Vương Ý Thanh đeo lên tay một chiếc vòng cẩm thạch.

Tô Thiến nghiện bạch phiến nhưng không cho gia đình nàng ta biết, cũng không biết ai là người cung cấp cho nàng ta. Lúc phát hiện có thai, ngự y lại chẩn đoán là tử thai, nàng ta vô cùng sợ hãi, lo lắng mọi chuyện bại lộ.

Lúc đó, nàng ta cầu cứu Vương Ý Thanh. Vương Ý Thanh đồng ý giúp đỡ che giấu giúp nàng ta, thay thế thái y khác vào, thuận lợi đưa nàng ta lên tần vị.

Sau đó cần nghĩ biện pháp hợp lí để sẩy cái thai đi. Không ngờ hoàng hậu ngay thời điểm đó làm sinh thần cho thái tử.

Việc tới cung Viên Hòa cùng Liên tần cấu kết chính là dụ Trịnh Nhu sập bẫy. Biết chắc Triệu Vĩnh Cơ sẽ nói lại cho Trịnh Nhu biết, nên Vương Ý Thanh cùng Tô Thiến sắp đặt hai kế hoạch.

Một là thả đinh hương vào trong những gốc mai của hoàng hậu, dụ đàn rắn nàng ta thả trong hậu viện. Lũ rắn này Vương Ý Thanh nuôi từ khi chúng còn nhỏ, tuy không độc nhưng đủ khiến người ta phát hoảng. Điều đáng nói ở đây là nàng ta không sợ bị điều tra đó là rắn của nàng ta hay sao?

Đương nhiên là không, vì Trịnh Nhu sẽ ngăn chặn kế hoạch này.

Kế hoạch thứ hai là rắc mật ong xung quanh Ngự hoa viên. Số mật ong này lấy từ ổ ong trong cung. Lũ ong này làm tổ trong Ngự hoa viên, tuy nhiên luôn có người chăm nom chúng. Mỗi khi lấy mật, thái giám đều chỉ lấy phân nửa, đàn ong sẽ không chú ý.

Tuy nhiên, Vương Ý Thanh lại bảo với Chiêu quý nhân lấy một ít, bảo Trang tần lấy một ít, đến khi không còn nữa.

Đàn ong quay về không thấy mật liền nổi điên. Tuy nhiên cũng không đáng sợ vì có lưới rào ngăn chúng. Có biết đâu hôm đó có người làm rách lưới, lại còn đánh thuốc kích thích khiến đàn ong càng trở nên điên loạn.

Trịnh Nhu tìm cách đổi mai thành cúc để chặn rắn, nào ngờ lại còn bầy ong.

"Tại sao Tô tần lại chết?" Trịnh Nhu vẫn điềm tĩnh. Trước mắt âm mưu thâm hiểm như vậy tâm lý vẫn vững như cột đình.

Vương Ý Thanh cũng không ngại giải đáp:

"Không dùng được nữa thì tiễn đi thôi." Chỉ có việc đẩy thái tử xuống hồ cũng không làm được, khiến nàng bày mưu tính kế giúp nàng ta, chả có tích sự gì.

Trịnh Nhu cười mỉa mai.

Liễu Nguyệt Đan rùng mình.

"À còn nữa, việc Triệu Vĩnh Cơ có được thuốc nổ cũng là ta giúp đỡ đấy."

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play