Lục Đạc, tự Trấn Chi.
Từ rất lâu trước Lục Đức Sinh đã có một dự cảm chẳng lành: có lẽ mình đã sinh được một thằng con bất hiếu rồi.
Khi ấy Lục Đạc còn chưa lấy cớ học tài chính để đi du học, cũng chưa tự tiện đổi ngành học thành nghiên cứu di sản văn hóa. Ngay từ lúc mới sinh, Lục Đức Sinh đã nghĩ xong cái tên “Đạc” và thậm chí là cả tên tự “Chấn Chi” cho anh, nhưng khi chưa đến mười tuổi, Lục Đạc đã bảo “quân tử không thể như một món đồ” và vung tay đổi luôn cái chữ “Chấn” hay hớm của ông ta thành “Trấn”.
Lục Đạc muốn trấn cái gì thì không ai biết nhưng ông cụ Lục Đức Sinh này lại bị anh “trấn” đến mức chẳng thể làm gì được.
Sau khi sinh được Lục Đạc, Lục Đức Sinh không thể có thêm đứa con nào nữa.
Thuở còn trẻ, ông và người vợ thứ nhất là bà Tần sinh được Lục Đạc. Đến năm Lục Đạc hơn mười tuổi bà Tần qua đời vì bệnh nặng, ông ta mới cưới người vợ hiện giờ. Ngay từ khi Lục Đạc còn nhỏ, ông ta đã chẳng ưa thằng con trai này rồi nhưng vì cụ bà thương cháu nên Lục Đức Sinh đành phải nhìn con trai mình càng thêm bướng bỉnh. Sau này cụ bà đi, ông ta định lập uy với con trai thì chẳng hiểu anh đã làm gì mà thành hẳn Lập ủy ở Viện Lập pháp, để rồi mỗi lần mắng mỏ con trai là lại có người của Chính phủ đến này nọ với nhà máy của ông ta.
Nếu bảo việc đó không liên quan đến Lục Đạc thì ai mà tin cho được?
Tuổi ông ta đã cao mà bên người mỗi một thằng con bất hiếu có cho ông ta cũng không thèm. Lẽ nào sự nghiệp ông ta vất vả gầy dựng cả đời lại phải trao cho thằng nhãi này ư? Làm vậy e rằng lúc chết ông ta cũng chẳng thể nhắm mắt xuôi tay được.
Nhưng may sao… Ông ta nắm chặt miếng ngọc mỡ dê trong tay.
Phải để nó khó chịu một phen mới được.
Ánh hoàng hôn kéo chiếc bóng của chàng thanh niên mặc trường bào dài thật dài trên mặt đất, cũng khiến vóc người hoàn hảo trời cho của anh càng thêm sáng ngời, vững chãi. Anh lẳng lặng nhìn dinh thự trước mặt với chút cảm xúc khó tả ẩn sâu trong đôi mắt.
Đứng đó một lúc, anh rảo bước đi vào.
Nếu bảo Lục Đức Sinh gọi anh về vì bệnh thì anh chẳng tin. Có bảo là để anh không thể thừa hưởng tài sản của ông ta thì còn tàm tạm. Đi từ phòng khách đến đầu cầu thang, Lục Đạc cảm thấy trong nhà chẳng khác gì mấy so với trước kia. Cách bày biện đồ đạc trong căn nhà này đa số đều theo ý của Lục Đức Sinh nên thường nghiêng về thẩm mỹ phương Tây nhưng cũng xen lẫn rất nhiều đồ đạc kiểu Trung Quốc. Đây chính là cách thể hiện xưa giờ của Lục Đức Sinh: vừa có thể lấy lòng người theo đảng phái tiến bộ mà lại chẳng làm phật ý những người cổ hủ.
Lục Đức Sinh đã ngồi trong phòng làm việc được một lúc. Thấy anh vào, ông ta chẳng buồn ngẩng đầu:
– Đến rồi đấy à?
Lục Đạc trông thấy ông khỏe như vâm thì trào phúng:
– Cha khỏi bệnh thì con yên tâm rồi.
Dứt lời, anh quay người đi luôn.
Thấy anh vẫn giữ vẻ quái đản ấy, Lục Đức Sinh cả giận:
– Đứng lại!
Anh dừng bước, quay lại hỏi:
– Cha còn có việc gì nữa?
Lục Đức Sinh cau có một thoáng nhưng rồi lại tươi tỉnh ngay khi nhớ tới một việc. Ông ta nói với Lục Đạc bằng thứ giọng dịu dàng mà chính bản thân cũng chẳng ngờ tới:
– Anh ngồi xuống đi, tôi có việc muốn nói với anh đây.
Lục Đạc đã thấy chiếc ghế bành kế Lục Đức Sinh nhưng chẳng có ý bước lại, thậm chí còn bảo:
– Không cần đâu! Con đứng đây nghe là được rồi.
Lục Đức Sinh cố không quát ầm lên trước hành động vô lễ ấy của anh, thậm chí còn mỉm cười:
– Từ nhỏ anh đã là đứa không khiến cha mẹ lo lắng, nay anh đã lớn, cũng học hành thành tài và có công việc ở Viện Lập pháp, tất nhiên phải suy xét đến chuyện lập gia đình chứ.
– Việc này cũng không cần cha phải…
– Anh cũng là đứa có phúc.
Lục Đức Sinh cắt ngang lời anh:
– Ngày xưa nhà ta với nhà họ Đồng đã có lời hứa hẹn. Tuy nhà ấy không phải dạng giàu sang nhưng cũng là gia đình truyền thống danh giá.
Nói xong, ông ta đan chéo tay, đặt trên đầu gối:
– Con người Đồng Xương Vĩnh tôi hiểu lắm. Ông ấy là người già dặn, chắc chắn con gái nhà ấy cũng chẳng kém cỏi, tốt hơn nhiều mấy đứa con gái suốt ngày lượn ngoài đường, không có quy củ gì thời nay.
Lục Đạc lớn lên trên mảnh đất này nên tất nhiên thừa biết nhà họ Đồng là nhà nào và Đồng Xương Vĩnh là ai. Chỉ hai, ba câu Lục Đạc đã rõ ý Lục Đức Sinh muốn nói: Ông ta muốn ép anh lấy một cô gái phong kiến, không biết chữ, nhát gan, rụt rè, cả ngày chỉ biết quanh quẩn bên chồng.
– Ồ?
Cái lạnh trong mắt Lục Đạc như muốn đóng băng người đối diện:
– Sao con không biết là có lời hứa hẹn này nhỉ? Bà và mẹ con cũng chưa từng nhắc tới. Có khi nào cha nhớ nhầm hay bị người ta lừa không? Hoặc cha muốn bán con đi đổi lại vài đồng bạc?
Cụ bà sao có thể nhắc tới việc này với Lục Đạc cơ chứ? Anh có bảo muốn trăng trên trời thì e rằng cụ bà cũng sẽ bảo người hái xuống cho. Thế nên sao cụ bà có thể ép anh lấy một cô gái không biết nổi con chữ?
Dù Lục Đức Sinh đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho việc bị thằng con bất hiếu này cãi lại nhưng giờ phút này trái tim ông ta vẫn đau nhói. Dù vậy ông ta vẫn giải thích:
– Vốn là ông anh và ông con bé nhà kia quen biết nhau. Hồi đó đã hẹn muốn làm thông gia nhưng hai người đều chỉ có con trai nên đành đổi xuống đời cháu.
Nói xong, ông ta chợt đắc ý:
– Lệnh cha mẹ, lời mai mối là truyền thống xưa nay rồi. Đây lại còn là lời của ông anh nữa. Giờ anh đi thay đồ đi, hôm nay có thể đón dâu luôn.
Nhìn ông bố đang hả hê vì bày thêm chuyện cho mình, Lục Đạc cảm thấy trên đời thật lắm việc lạ. Theo tính cách của anh sẽ chẳng có chuyện đồng ý cưới một cô gái như vậy, điều này có khi người hầu trong nhà anh cũng biết. Hơn nữa… Chẳng rõ nghĩ đến điều gì, anh chợt đồng ý:
– Được thôi.
Lục Đức Sinh sửng sốt:
– Anh nói gì cơ?
Lục Đạc cố không bật cười:
– Con nói là được thôi. Nếu đây là lệnh của cha thì con sẽ lấy vợ.
Lục Đức Sinh bàng hoàng, không thể tin được việc vừa xảy ra:
– Anh…
– Lúc con không chịu thì cha không vui, mà sao giờ con chịu cha cũng chẳng vui thế? Hay là cha cũng ghét loại con gái ít học, tầm mắt thấp kém như mẹ Hai?
Nụ cười trên mặt anh ngày càng châm biếm:
– Sợ là cha chẳng muốn đồng ý cuộc hôn nhân này, nhưng lại biết tính con không thích bị người ta chỉ đạo, kiểu gì cũng từ chối thẳng thừng. Vậy thì cha vừa không làm phật lòng người ta, lại có thể gán cho thằng con này cái danh bất hiếu. Nói suốt nãy giờ…
Lục Đạc nhìn ông ta:
– Hóa ra cha gọi con về không phải vì tiền tài mà là vì danh tiếng!
Lại thế… Lại thế nữa! Toan tính trong lòng Lục Đức Sinh như bị anh soi tỏ khiến ông ta thẹn quá sinh giận, ném lọ mực trên bàn về phía anh:
– Thằng bất hiếu!
Đã sớm đề phòng việc này nên Lục Đạc tránh được kịp thời. Lọ mực va vào giá sách, nổ tung và bắn đầy lên thảm. Anh cũng chỉ cười:
– Tiếc quá, không biết cha còn tìm được tấm thảm nào có cùng hoa văn cho hợp với màu tường, để lấy lòng khách quý nữa không đây?
Lục Đức Sinh thở hổn hển vì tức, còn Lục Đạc chẳng để bụng, chỉ phủi nhẹ chiếc trường bào trên người rồi quay đi. Ra đến cửa, anh dừng bước nói với người phía sau bằng nét mặt tắt hẳn nụ cười:
– Cha à, nếu cha cảm thấy danh tiếng của con dùng được thì cứ dùng đi.
Dứt lời, anh bước thẳng ra ngoài phòng.
Con ngõ Ngô Đồng lúc này mới lên đèn. Trái với nhà họ Lục, phủ họ Đồng giờ đang khách khứa nhộn nhịp. Ánh đèn lồng đỏ thẫm nhuộm cho khoảnh sân cũ một màu rực rỡ. Trong căn phòng nơi góc sân vắng lặng, một cô gái mặc bộ áo cưới đỏ thẫm, đội khăn voan thêu hình rồng phượng thắm thiết bằng tơ vàng đang ngồi ngay ngắn trên sập. Nhìn từ xa trông cô gái đầy vẻ thanh tú, đoan trang phong kiến.
Lúc này, một hầu gái chải búi tóc đôi chạy “thình thịch” vào phòng, giọng nói mang theo nét bối rối:
– Chị, chị ơi! Không hay rồi! Cậu Lục kia… Cậu ấy…
Cô gái nọ vẫn ngồi im, chỉ có giọng nói trong trẻo hơi buồn bã vọng ra ngoài khăn voan:
– Anh ta làm sao?
– Cậu ấy bảo… bảo…
Cô hầu gái ấp úng muốn kể lại những điều vừa nghe lén được ở ngoài phòng ông:
– Cậu ấy bảo cậu ấy sẽ không chịu bị ép duyên, càng không lấy một người con gái chưa từng học chữ làm vợ…
Cô con gái nhà họ Đồng giật phăng chiếc khăn voan xuống, đâu còn vẻ đoan trang ban nãy? Những món trang sức trên đầu cô phản chiếu ánh sáng khiến dung mạo được điểm trang càng thêm tỏa sáng. Người hầu gái cúi đầu, thầm giận cái gã họ Lục kia: Chị đẹp là vậy mà sao lại bị hối hôn chứ? Đọc vài quyển sách, biết mấy con chữ thì giỏi lắm à? Chưa thấy ai xấu xa đến vậy!
Ánh mắt cô gái mặc áo cưới lạnh đi, sau cùng cô bật cười:
– Cũng phải. Vốn là chị nghĩ nhiều. Người ta đọc đủ thứ sách vở, còn là người có tư tưởng tiến bộ thì sao có thể để ý đến chị cơ chứ…
Nói rồi, cô vứt chiếc khăn voan xuống đất để mặc tấm vải đỏ tươi lóe lên một màu lấp lánh:
– Em múc nước cho chị rửa mặt đi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT