Chuyện xảy ra vào dịp Tết Nguyên Đán của một năm nọ, cụ thể là năm bao nhiêu thì tôi không rõ nữa. Hôm đó trời rất lạnh, đóng cả tuyết, vốn là hễ cứ vào mùa này là chắc chắn tôi sẽ ở lại Hàng Châu, nằm cuộn mình trong nhà, hoặc thỉnh thoảng đến xem cửa hàng một chút, tóm lại là tôi không muốn đi xa vào cái dịp như thế này. Có điều, năm ấy lại là một ngoại lệ, năm ấy tôi không thể không cùng gia đình lặn lội đường xa, quay về một ngôi làng nhỏ sát rìa Trường Sa.

Ngôi làng đó là tổ thôn của nhà tôi, tên là Mạo Sa Tỉnh.

Nhìn bề ngoài thì làng này cũng không có gì khác biệt so với mấy vùng nông thôn mới bây giờ, nhà nông dân cứ chồng chất lên nhau cao ngất, ốp sứ lòe loẹt, vào sâu bên trong một chút là đến khu làng cũ, có rất nhiều ngôi nhà xây bằng đất cũ kỹ nằm dọc theo sườn núi. Đó là những ngôi nhà rất cổ, gần như không thể khảo cứu được những cột kèo đầu tiên được dựng lên vào thời nào nữa rồi. Đa số những ngôi nhà này đều chỉ còn người già ở lại, một số thì không còn ai ở nữa, trở thành nhà hoang, cả căn nhà cứ xiêu xiêu vẹo vẹo, trông như sắp sụp đến nơi.

Chúng tôi về tổ thôn, không phải là để ăn Tết, hay ôn lại kỷ niệm xưa. Trên thực tế, từ khi tôi ra đời cho đến nay, số lần tôi về quê gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhất là sau khi lên đại học, tôi lại càng không muốn về. Vùng này, cả bảy làng quanh đây cũng chẳng có cái gì hay ho cả, đài truyền hình cũng quanh đi quẩn lại có mấy cái, đương nhiên là tôi chẳng muốn về chút nào.

Có điều, chuyến này tôi không thể không về. Không chỉ tôi, mà cả chú Ba, chú Hai, cả bố tôi, cũng đều phải về.

Xem chừng có vẻ như trong thôn đã xảy ra chuyện lớn gì đó, nhưng thực tế, nguyên nhân thật sự của vụ này thật đúng là phải câm nín. Lần này phải về quê, đó là bởi nơi này đã được quy hoạch để xây đường cao tốc, mà vừa khéo cái đường cao tốc này lại chạy xuyên qua khu nghĩa địa cũ, cho nên, chúng tôi phải về di dời phần mộ tổ tiên, bằng không mộ tổ sẽ bị xe ủi san bằng mất.

Chuyện này tôi thấy rất bất đắc dĩ, nhưng các cụ trong thôn thì coi nó là vấn đề nghiêm trọng lắm, muốn di dời mộ chính là phải đổi phong thủy, còn phải quấy rầy đến các cụ tổ tiên, tóm lại là chuyện lớn. Bố tôi là con trai trưởng, nhà tôi lại là chi hưng vượng nhất cả họ trong thôn, cho nên ba anh em bố tôi nhất định phải về quê một chuyến để chủ trì đại cục. Nói vậy thôi, chứ thực ra chỉ là vòi tiền thôi mà.

Bố tôi nổi tiếng là người dễ tính, cũng đồng ý rồi, còn nói đây cũng là dịp thuận tiện để tôi với mấy người anh em họ khác về quê nhận tổ quy tông. Thế mới phải về lại nơi này.

Vốn ban đầu tôi có chút mong chờ, vì lần này tụ họp đông đủ như thế, biết đâu sẽ thú vị hơn mấy lần trước. Bởi vì dù có chui vào trong núi, miễn là có bạn chơi cùng thì vẫn thấy vui, tôi nhớ chỗ ông trẻ còn có cả súng săn nữa, nếu được đi săn thì cũng là một thú tiêu khiển không tệ.

Không ngờ vừa mới tới nơi, chú Hai liền bị túm đi xem phong thủy cho người ta, còn chú Ba thì lại là trùm sò xứ này, một năm cũng phải chạy về đây đến hơn năm chục bận, cho nên chú cũng tìm người mở xới mạt chược luôn. Bố tôi thì bị mấy ông cụ đằng nội bắt đi bàn chuyện, ông già biết tánh tôi không an phận, bắt tôi không được chạy lung tung. Thế là mấy người bọn họ bàn bạc ở trước từ đường, chỉ còn một mình tôi rảnh rỗi dạo chơi trong từ đường.

Từ đường nhà tôi nằm ở ngay rìa thôn cũ, đó là nguyên một căn nhà rất lớn, nhưng khác với mấy ngôi nhà cổ trên tivi ở chỗ, ngôi nhà cổ này được trát đất vàng lên, chứ không phải tường trắng ngói đen. Từ cổng bước vào là đến một cái sân con, giữa sân là một sân khấu nom như cái đình vậy, đi vào bên trong nữa là đến linh đường. Linh đường vừa cao vừa rộng, nhưng ngước lên nhìn trần nhà mới thấy trên đó thủng lỗ chỗ, trời mưa một cái là thế nào cũng dột. Bài vị tổ tiên được đặt ở cuối linh đường, trên vách tường có khoét rất nhiều cái hốc nom như am thờ Phật, trong mỗi cái hốc đều được đặt hai tấm bài vị, đều khắc tên tổ tiên. Trước mặt là bàn thờ, có điều mấy cây nến toàn là loại cắm điện.

Từ đường này do ông nội tôi bỏ tiền ra tu sửa xây dựng lại, cho nên niên đại cũng khá lâu rồi, nhà họ Ngô nhân đinh vốn cũng chẳng hưng vượng gì, huống hồ chi hưng vượng nhất lại chuyển đến Hàng Châu mất rồi, cho nên tình cảnh ngôi từ đường này như vậy là đã tạm khá lắm rồi. Tôi tìm bài vị của ông nội, cũng là một tấm bài vị lớn, thực ra ông nội tôi đến Hàng Châu ở rể, đáng ra là không được lên cái từ đường này ngồi đâu, nhưng bây giờ đã lên rồi, đương nhiên là do ông tôi đã toan tính cả từ lúc sinh tiền rồi.

Ở nơi như thế này nhàm chán vô cùng, cộng thêm tiết trời giá rét, trong từ đường lại không một bóng người, tôi bắt đầu không chịu nổi nữa, liền sờ sờ mó mó khắp mọi nơi. Đọc vài câu đối, xem bia công đức, đúng lúc này, tôi mới phát hiện bên cạnh từ đường có một đoạn hành lang thông đến một cái cửa, sau khi bước ra đó là đến một bãi đất trống đằng sau từ đường, ở đó có một gian nhà cỏ tranh rất cũ.

Lúc ấy tôi cũng không nghĩ gì nhiều, liền đi tới đó. Một phía là bãi đất trống có nắng, một phía là căn nhà cỏ tranh trông có vẻ rất cổ xưa, lại còn khóa bằng xích sắt to tướng, trông đến là hấp dẫn.

Tôi đến đó xem ổ khóa, liền phát hiện quả khóa này quả nhiên đã rất cũ rồi, hai ô cửa sổ là hai cái lỗ thủng to tướng, trên khung cửa còn dán giấy báo rất cũ, hiển nhiên là cửa sổ đã có từ trước.

Tôi chán quá, mới thò đầu vào trong nhìn xem. Bên trong rất tối, nhưng có thể thấy trong nhà chất toàn củi khô, nền là đất bùn. Bên trên đống củi, là một cỗ quan tài to tướng quét đầy bùn khô.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play