Sau đó lại có mấy lần dư chấn nhưng cũng không lớn, tối đa chỉ thấy bóng đèn lung lay, mọi người vừa ăn cơm trưa vừa lắng nghe đài phát thanh đưa tin vùng biển cách bọn họ mấy trăm cây số phát sinh động đất cấp chín. Vị trí kia vừa lúc nằm giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên.

Hơn nữa trong lúc bọn họ ngồi ngoài sân tránh cơn dư chấn thì cơn sóng thần quy mô lớn tấn công vào ba nước. Hàn Quốc nằm ở xa hơn nên ảnh hưởng của động đất giảm, thiệt hại không lớn, nhưng ở Nam Triều Tiên và Nhật Bản thì không may, sóng thần tàn phá rất nhiều khu vực, vô số nhà cửa bị cuốn trôi.

Cả nhà mở tivi lên, thấy tin tức mới nhất liền trầm mặc hẳn, họ ở chỗ này đã cảm thấy bị chấn mãnh liệt, giống như cấp năm cấp sáu vậy, có nhà còn bị sụp thì nói chi là khoảng cách gần thế kia.

Thôn Long Tỉnh cũng bị sóng thần lan đến, còn cách tâm địa chấn rất gần nên vô số nhà cửa bị sụp đổ.

Quốc gia lập tức tiến hành cứu viện, mỗi ngày mọi người đều mở tin tức xem hôm nay cứu được thêm bao nhiêu người, bao nhiêu người quyên tiền quyên vật dụng giúp đỡ. Trong lòng thấy nặng nề vô cùng.

Không biết có phải có người phát hiện ra gì hay không mà rất nhiều nơi xuất hiện hiện tượng tranh mua hàng hoá. Một tháng sau sự tình chuyển biến nghiêm trọng, quốc gia phải can thiệp để dập tắt lời đồn đãi, phạt nặng một số thành phần thừa cơ trữ hàng để đầu cơ trục lợi và hành vi cướp đoạt tài sản của người khác, sau đó mới từ từ bình ổn trở lại.

Cuộc sống trong thôn vẫn rất yên ả, lần địa chấn này làm chết một người là Triệu Sinh, cuối cùng trong thôn vẫn an bài cho vợ Triệu Sinh và ba đứa bé một chỗ ở không có sân. Sau Cẩm Khê lại nghe được trong lúc Nhị thẩm và bà nội ở phòng bếp làm cơm tán chuyện, hình như có đàn ông ra vào nhà vợ Triệu Sinh vào buổi tối.

Tiếp đó Cẩm Khê cũng không cần len lén hóng chuyện nữa, bởi vì da mặt bà vợ Triệu Sinh dày đến không biết xấu hổ, chuyện của bà và người đàn ông khác đã không còn là bí mật nữa. Lần này mọi người trong thôn cực kỳ tức giận, Diệp gia thôn đa phần đều là người đồng tộc với nhau, mọi người đều cần thể diện, ngày xưa một nhà làm chuyện mất mặt toàn họ sẽ cùng đứng ra xử phạt, tuy hiện tại quan niệm gia tộc không còn mạnh mẽ như trước nhưng nếu làm ra chuyện đồi phong bại tục trong thôn sẽ bị người đâm cột sống, nên trước nay nếp sống của Diệp gia thôn khá tốt, nào ngờ hiện tại lại xuất hiện chuyện nhà Triệu Sinh.

Cách làm người của bà ta người trong thôn cũng rõ, nếu bà ta tìm người khác để tái giá, cùng lắm thì mọi người chỉ nói Triệu Sinh chết thật không đáng, nhưng giờ lại làm chuyện như vậy nên mọi người đều căm tức. Vài phụ nữ hơi chua ngoa trong thôn chạy đến cửa nhà bà ta mắng chửi, muốn bà ta hoặc cút khỏi Diệp gia thôn hoặc là an phận thủ thường, tiếc là vợ Triệu Sinh đã là “vò mẻ chẳng sợ nứt”*, kỹ năng lăn lộn la khóc om sòm so với những phụ nữ chua ngoa kia lợi hại hơn nhiều, bà ta còn không biết xấu mặt, chỉ cần là đàn ông đi khuyên liền cởi sạch đồ rồi ngã vào người đó, trước giờ họ chưa từng gặp qua người nào không biết xấu hổ như vậy.

Sau mọi người không còn cách nào đành phải mặc kệ bà ta, luôn giữ khoảng cách thật xa, thậm chí đi đường cũng chọn đường vòng, rất sợ dính vào một chút sẽ bị người khác trách móc, nước bọt có khi cũng dìm chết người đó. Phái nam trong thôn chỉ cần có chút dính dáng đến bà ta liền bị trưởng bối cảnh cáo chửi mắng, dần dần dù là đàn ông có chút tâm tư không đứng đắn cũng không dám tiếp cận nữa, chỉ là người đàn bà kia cũng không quan tâm, thời tiết tốt liền sang mấy thôn kế bên chơi, đôi khi đi đến mấy ngày, mặc kệ chuyện trong nhà.

Có lần Cẩm Khê từ xa thấy ba đứa nhỏ Triệu gia ăn mặc rách rưới, cô chị kéo em trai em gái tách khỏi đoàn người, đôi môi mím chặt, cặp mắt thẫn thờ và tĩnh mịch. Đó là một cô bé tám tuổi, trẻ con nhà nghèo luôn sớm hiểu chuyện. Người trong thôn thấy ba chị em cũng thương xót nhưng không dám dính đến, có người mẹ như vậy chọc vào là tự rước phiền phức tới cửa.

Mấy ngày nay trời nóng nực, cả ruộng nước cũng muốn khô, ông lão Diệp ra ngoài vài ngày, khi trở về liền kêu thằng con thứ đi tìm người chuyên đào giếng, đào một cái giếng thật sâu.

Ở chỗ họ mỗi nhà đều có giếng, lượng nước không ít, đào cách mặt đất hai ba chục mét liền có nước, hồi đó đều là bơm tay, muốn dùng phải đi xách, mấy năm nay đều đổi thành máy bơm giếng khoan, có cả ống dẫn nước, tiết kiệm thời gian sức lực lại tiện lợi.

Bất quá cái Diệp gia đào là giếng sâu, là cái loại muốn dùng nước phải kéo thùng gỗ để lấy, hiện tại rất ít nhà đào loại giếng này, đặc biệt là nhà có trẻ con, sợ mấy đứa nhỏ té xuống đó.

Lần này ông lão rất kiên quyết. Vì không dễ đào nên tốn ít nhất là năm vạn, nếu không phải Khương Thần gửi hai vạn thì họ cũng sẽ đi vay. Dù vậy cả hai nhà đều không còn tiền.

Cẩm Khê thấy số tiền hai vạn trong sổ tiết kiệm thêm việc điện thoại gọi không thông thì càng thêm lo lắng. Cậu dù ngốc nhưng cũng biết quân đội sẽ không cho binh lính nhiều tiền trợ cấp như vậy, tiền thưởng cũng không phải năm nào cũng có. Hiện cậu rất hoài nghi Khương Thần có thực sự đi lính hay không, với lại vì sao gọi điện nhiều lần vẫn không được.

Hiển nhiên ông nội cũng nhận ra được, ông nhìn số tiền trong sổ tiết kiệm, im lặng rất lâu.



Cuối cùng giếng sâu vẫn đào, vị trí là ở căn phòng đối diện bức tường phía Tây Nam.

Ở góc Tây Bắc có một cây hồng được trồng năm Cẩm Khê được hai tuổi. Có thể Cẩm Khê được xem như niềm hy vọng trong nhà nên cha mẹ càng yêu thương cậu, khi đó họ không thể thường xuyên ở nhà, mỗi lần trở về đều mang cả đống đồ ăn, năm cậu hai tuổi thì cha mua hồng đông lạnh về, trước đó trong nhà chỉ có lê đông lạnh tự làm, nên đó là lần đầu tiên Cẩm Khê được ăn hồng đông lạnh. Tuổi còn nhỏ nên cậu không thể ăn nhiều bèn cảm thấy rất mỹ vị này nọ, vừa mới biết nói không bao lâu liền nhai nhải ‘Ăn trái hồng’ ‘Ăn trái hồng’, sau đó cũng không biết ai nói cho cậu hồng sinh trưởng ở trên cây, cậu liền tâm niệm phải trồng cây hồng để hàng năm ăn quả hồng.

Cha Diệp nuông chiều con, đầu xuân năm sau đó liền đi mua gốc hồng về trồng, để sớm kết quả nên ông chiết cùng lúc năm sáu cành, người bán nói với ông một năm sau nhất định sẽ ra quả. Thế nhưng, năm thứ nhất không có trái, năm thứ hai chỉ có lá, trước đó chưa từng trồng hồng nên không rõ, sau mới biết cây hồng tuy là cây chịu lạnh, ở nhiệt độ âm hai mươi vẫn có thể sinh trưởng, nhưng chỗ họ vào mùa đông thời điểm lạnh nhất có khi lên tới âm ba mươi độ, tất nhiên là cây hồng bị đông lạnh đến hư luôn.

Cha Diệp hơi thất vọng, bất quá khi đó Cẩm Khê đã quên sạch sành sanh chuyện trồng hồng, huống chi mùa đông hàng năm đều được ăn hồng đông lạnh cha mẹ mua về nên cậu không luyến tiếc mấy.

Cây hồng kia vẫn còn sống, chỉ là không ra quả, một năm lại một năm qua đi, cây cũng to khoẻ hơn nhiều, cao đến mười mét, có thể là đã thích ứng nên cây lá luôn tươi tốt, tuy rằng nó không kết quả.

Có lần cha mẹ định đem chặt bỏ để trồng mơ hoặc táo nhưng cuối cùng cũng không bỏ được, dù sao cây đã cao lớn nên không dễ chặt. Sau khi cha mẹ qua đời Cẩm Khê lại càng không cho chặt, dù cây này không thể kết quả, chiếm chỗ trong sân cũng sẽ không bỏ nó, bởi đó là hồi ức quý giá cha mẹ để lại cho Cẩm Khê cậu.

Miệng giếng to như cái lu được che bởi cái nắp giếng bằng xi măng, nắp giếng nặng chừng hai ba trăm cân (100~150kg), chỉ với một người thì không thể khiêng nổi, ngoài ra còn làm thêm mái che bằng gỗ, cái giá có treo khóa, phạm vi xung quanh giếng tráng thêm xi măng, dây xích sắt có ba cái móc câu vào nắp giếng, phải có hai người kéo mới dịch được nắp giếng, như vậy cũng phòng ngừa bị ngã xuống, lúc múc nước phải dùng nhiều sức để kéo thùng gỗ lên. Bất quá chất nước rất tốt, uống vừa ngòn ngọt lại lạnh đông cả răng, là nước ngầm ở rất sâu dưới đất.

Giếng đào xong thì múc thử một thùng để cả nhà nếm thử chất nước, sau đó liền đóng nắp lại, thậm chí ông lão Diệp còn cất dây xích sắt đi, mỗi sáng đều liếc mắt nhìn, trong lòng cầu mong sẽ không phải dùng đến cái giếng này.

Chủ Nhật sau khi cái giếng hoàn thành, trời đổ trận mưa thật to, thấm đẫm mảnh đất khô cằn, ngày đó ông lão Diệp uống thêm hai chén rượu, nhiều hơn mọi ngày.

Các loại rau củ trong sân đều ra quả, lần này trồng rất nhiều loại, tương đậu nhà làm vì thời tiết khô nóng nên đặc biệt ngon hơn. Đến khi dưa leo, cà chua, ớt đỏ, đậu ve trong sân chín tới, Cẩm Khê liền theo bà nội Diệp đi thu hoạch, một phần đem phơi khô, một phần bỏ vào lu tương đậu muối thành dưa góp, để một năm cũng không bị hỏng, có khi còn được lâu hơn. Vốn dĩ mỗi năm đều làm, chỉ là năm nay làm rất nhiều, dùng hết cả một lu tương nhỏ .

Sau trận mưa kia, thời tiết ngày càng nóng, một áng mây màu cũng không có, đất đai vừa được tưới ướt khô cằn trở lại, mỗi ngày Cẩm Khê gánh nước tưới đất trồng rau, chưa tới giữa trưa thì nghĩ làm.

Ruộng cạn còn đỡ, ruộng nước vì đập chứa sớm đã không còn bao nhiêu nước, không cung ứng được hết cho ruộng nước, bởi chuyện cấp nước này mà vài nhà xém nữa đã đánh nhau. Cái nóng đến rất đột ngột, mới tháng Sáu trời cứ như bị lửa thiêu, chỗ họ hơi nước ít, phơi nắng không đổ mồ hôi mà trực tiếp nướng người ta thành khô đen. Cẩm Khê không còn trắng nõn như trước, phần da lộ ra ngoài hơi thâm đen, gương mặt nhờ có đội mũ rơm còn đỡ, nhưng hai tay cậu lại đen thui.

Theo tin tức trên TV, tình hình phía Nam so với thôn họ nghiêm trọng hơn nhiều, tháng Sáu đã lên đến ba mươi độ, nhiệt độ mỗi ngày lại tăng, hơn nữa nước trong thành phố cứ như bị bốc hơi, rất nhiều người bị cảm nắng .

So ra, bọn họ nơi này chỉ cần chú ý không phơi nắng quá nhiều là được, chuyện duy nhất không tốt là không thể mặc áo tay ngắn, không thì sẽ bị phỏng cháy da. Vài thanh niên trong thôn vì muốn mát mẻ ăn mặc ít khiến làn da bị thương và ngứa giống như tình trạng dị ứng với tia tử ngoại. Có người còn bị bỏng toàn thân không thể bước ra ngoài.

Xung quanh nhà Cẩm Khê vốn có ao nước bao quanh, kỳ thực đó là những chỗ trũng hằng năm bị đọng nước tạo thành, trước đây bên trong có bèo có nước, hiện tại gì cũng chẳng có.

Vườn rau nhờ Cẩm Khê mỗi ngày tưới ba lần nước nên vẫn có thể lớn lên, đậu ve đủ dài thì hái xuống cho vào nồi hấp rồi đem phơi khô, giờ mặt trời chỉ còn một chỗ tốt là phơi rau củ khô mau, giòn rụm, không cẩn thận chút liền vỡ vụn. Cũng không biết có liên quan đến mặt trời hay không mà chỉ cần tưới đủ nước rau quả lớn rất nhanh, cà chua cà tím cũng lớn, có điều làm Cẩm Khê ngày ba bận tưới nước mệt muốn chết. Bởi rau củ quá to nên lúc ra vườn Cẩm Khê còn đeo thêm cái giá có rèm che, thời tiết quá nóng, cậu không dám để bà nội ra ngoài, vài người lớn tuổi trong thôn đã ngã bệnh, trong đó có một người khá cao tuổi vừa qua đời.

Sau hai tháng vật lộn với vườn rau, Cẩm Khê vừa đen vừa gầy, phỏng chừng bạn học trước kia có gặp cũng không nhận ra cậu. Bất quá trả giá cũng có hồi báo, không mấy nhà trong thôn có vườn rau vượt qua nhà họ, vài nhà thấy quá mệt liền từ bỏ, có thời gian còn không bằng lo cho cánh đồng.

Cẩm Khê không để ý tới mấy mẫu ruộng, không có nước sản lượng nhất định sẽ giảm, ruộng ngô cùng ruộng đậu nành nhà cậu và nhà chú Hai lần lượt chết khô. Bên khoai lang khoai tây kề sát với ruộng nước lại khá tốt, vì gần ruộng nước nên dưới đất cũng có chút nước, khoai tây khoai lang vẫn mạnh mẽ sinh trưởng.



Mấy ngày nay trong thôn đang góp vốn để đào giếng, chỗ cánh đồng bên kia không còn nước, mọi người liền nghĩ đến việc đào giếng, nơi này nước ngầm cực kỳ phong phú, đào giếng tưới cho ruộng đồng, cứu được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Ruộng nhà Cẩm Khê và nhà chú Hai liền nhau, tổng cộng ba mươi mẫu, cần ít nhất ba cái giếng, như vậy cũng chưa chắc đủ, trong thôn đã có mấy nhà giếng cạn.

Nhà Cẩm Khê không còn nhiều tiền, sau khi gom lại chỉ đủ đào một miệng giếng, cứu được bao nhiêu thì cứu, trong nhà chỉ có mấy người, cứu được vài mẫu cũng đủ sống.

Không ít gia đình đều nghĩ như vậy, mấy nhà gần nhau hùn tiền đào giếng với nhau, mỗi nhà cứu được một hai mẫu là được, mấy thôn quanh đây đều ít người nhiều ruộng, không đủ sức lo hết được.

Quyết định xong liền siết chặt thời gian, tìm người đào giếng, giếng này không giống với giếng sâu nhà Cẩm Khê, đào tối đa tám mét sẽ có nước chảy ra.

Đến khi đào xong mới biết giờ phải đào ít nhất mười mét mới có nước. Hai ba mét đất bề mặt trên cùng đều khô khốc, đối với vùng chỉ có lũ lụt không có hạn hán của họ là chuyện chưa từng có. Năm xưa chỗ họ còn là vựa lúa nước nữa đấy.

Chuyện đào giếng Cẩm Khê không tham gia, trong nhà vẫn còn một đống việc chờ cậu, sáng ra là bắt đầu múc nước tưới rau, thu hoạch rau củ đã chín, thứ nào cần thái mỏng thì thái mỏng, thứ cần xắt lát thì xắt lát, nên chưng thì chưng nên nấu thì nấu rồi đem ra ngoài phơi khô, sau đó đội mũ rơm có mạng che tiếp tục tưới rau lần thứ hai. Xong việc cũng vừa vặn đến giờ cơm trưa, giữa trưa oi bức không thích hợp để làm việc, ba giờ chiều cậu mới ra ngoài.

Cẩm Khê tưới xong lần nước thứ ba thì thu dọn rau củ khô, đến chiều đem cất vào nhà kho. Khi trời nhá nhem tối thì dắt hai lừa ba dê trong nhà ra ngoài ăn cỏ. Trời quá nóng nên chỗ nào cũng toàn là cỏ khô, cậu chỉ có thể dắt chúng đến ngọn núi quay lưng với mặt trời, lúc về nhà thì trời đã tối hẳn.

Vào tháng Bảy, đường sá bị hỏng, vùng của Cẩm Khê bị cô lập, mấy ngày sau thì điện cũng mất, đợi nửa tháng cũng chưa cung cấp điện lại, không chỉ thôn họ mà cả huyện trên cũng không có điện, người trong thôn bàn bạc dùng cái máy phát điện chạy bằng dầu do trước kia dùng để cung cấp điện cho hợp tác xã, cũng may trong thôn còn thừa khá nhiều dầu do từ cái đợt tu sửa đường sá nhà nước cung cấp để hỗ trợ cho xe ba gác. Trưởng thôn dời tivi đến đại viện khu hợp tác xã cũ, về sau buổi tối có thể xem tivi một giờ. Ngày đó người trong thôn đều tụ tập ở đại viện,lần đầu tiên Cẩm Khê biết trong thôn có nhiều người như vậy, vô cùng náo nhiệt, cứ như trở về khoảng thời gian mọi người cùng sinh hoạt làm việc trong hợp tác xã trước đây.

Vì đường sá bị hỏng nên chỉ có thể dùng angten, thu được hai ba kênh, kỳ thật dù thu được bao nhiêu đài thì mọi người chỉ trông ngóng mỗi kênh tin tức.

TV vừa bật cả viện liền yên tĩnh. Một giọng điệu nặng nề phát ra từ TV.

Hiện tình hình ở khắp nơi đều không ổn, cả nước bị hạn hán, ngoài ra còn động đất, sóng thần, núi lửa bùng nổ, có thể tính là tai họa quy mô toàn quốc tế.

Trong tin tức, phân tích của các chuyên gia rất ít, hầu hết là đưa tin nơi này bị thế nào nơi đó ra làm sao, tiếp đó là tin tức lúc bảy giờ mỗi ngày phát tin tình hình cứu viện của quốc gia và hướng dẫn biện pháp xử lý tạm thời lúc khẩn cấp.

Vài nhà máy điện trong nước xảy ra vấn đề, tới giờ vẫn chưa rõ nguyên nhân, bởi nhiều quốc gia cũng bị giống như vậy, hệ thống cung ứng điện gặp trở ngại khiến việc sản xuất ngưng trệ, các khu đô thị tê liệt, đồ ăn thức uống khan thiếu, tất cả đều là vấn đề lớn.

Dường như mọi thứ đều bất thường chỉ trong một thoáng.

Càng xem tin tức, mọi người càng thấy nặng nề, mấy ngày trước vì chuyện khô hạn có người trong thôn tìm trưởng thôn và bí thư bàn chuyện gây quỹ cứu tế gì đó, giờ xem tivi mới thấy thôn của họ coi như là may mắn.

Ít nhất không thiếu thức ăn và nước uống.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play