Quảng Lăng có rượu tên Vân Dịch, thơ nói "Nhàn rỗi cạn Vân Dịch, chớp mắt ngày đã qua. Ngoảnh nhìn phù sinh kiếp, vạn năm tự khi nào?", đủ thấy nó thơm dịu tinh túy mê say lòng người đến mức nào. Trong số đó, rượu do Yên Ba lâu ủ là thượng phẩm trong thượng phẩm, người quản tiệm là Hồ Cơ Dã, tuổi đã đầu ba nhưng phong thái vẫn như xưa. Vì gả cho chủ tiệm Thẩm ông nên người ta thường gọi nàng là Thẩm nương tử.

Thẩm thị không con không cái, Trung thu năm nào cũng bái trăng, mười năm chưa từng đứt đoạn. Tối nay vốn muốn đóng cửa sớm, lại gặp phải sâu rượu hồ đồ nán lại không chịu đi. Thân là chủ tiệm nên Thẩm nương tử đành mở lời trước, hạ lệnh trục khách.

"Tất nhị thiếu gia, không biết rượu mới ủ năm nay có vừa ý không?"

Ngoài mặt nàng tươi cười niềm nở nhưng trong lòng lại thầm nghĩ: Hai vị khách quan này dừng chân đã lâu, chung bàn nhưng chẳng uống chung. Vị Tất nhị thiếu gia này coi như hiền hòa, thi thoảng vẫn cười nói, hoàn toàn không giống vị lang quân thanh tú còn lại, toàn thân toát lên vẻ ảm đạm ủ dột, khiến người ta nhìn mà thấy sợ.

"Rượu này sắc trắng như ngọc, vị ngọt như suối, quả đúng rượu ngon. Chu công tử, ý của huynh thế nào?"

Vị Chu công tử lạnh lùng thanh tú nọ không mảy may để tâm, vẫn nâng chén mời trăng.

"Tất công tử thích là tốt rồi. Nô gia lập tức sai người đưa mười vò tới phủ, khi nào lại tán gẫu tạ ơn lệnh huynh và ngài luôn chiếu cố cho." Thẩm nương tử nói xong liền gọi tiểu nhị, dặn dò chuẩn bị ngựa đưa rượu.

Ôn Khách Hành vỗ tay cười lớn: "Tốt lắm! Xin hỏi, không biết tiệm có giấy bút hay chăng? Ngày lành cảnh đẹp thế này, kẻ hèn không khỏi sinh hứng làm thơ."

Lời này cuối cùng cũng giành được cái ngoảnh đầu của mỹ nhân. Chu Tử Thư nhíu mày nhìn hắn, y còn không biết bụng Ôn Khách Hành có mấy lượng tri thức hay sao? Trước kia học đòi văn vẻ xuyên tạc văn chương cũng được, sao bây giờ thoát nạn trở về vẫn đòi làm thơ? Chẳng lẽ đụng hỏng đầu óc vẫn có thể xuất khẩu thành thơ, hạ bút sinh hoa hay sao?

Cẩm y lang quân được người trong lòng nhìn nên càng thêm đắc ý, lập tức xắn tay cầm bút, chấm mực múa chữ.

Chu Tử Thư cúi đầu nhìn, thấy trên giấy viết mấy dòng thơ:

Trăng lên tỏ rạng, khó vốc đầy tay [1]

Hằng Nga ôm hận phí hoài tháng năm. [2]

Chủ quán không tiếc, vội tiễn khách

May thay, từng rót rượu nâng chén

Mời quân cạn cùng ta.

Tuy nghi ngờ có mượn điển tích nhưng cũng xem như phù hợp với hoàn cảnh này, lại còn không quên khiến quán rượu phải thẹn vì đuổi khách. Xảo trá ranh mãnh đến lạ, nửa điểm thiệt thòi cũng không muốn chịu.

Thẩm nương tử lúng túng khó xử, chỉ đành cười xòa: "Tất nhị thiếu gia nếu đã có nhã hứng, sao không cùng bằng hữu hồi phủ uống thâu đêm suốt sáng?"

Ôn Khách Hành thổi khô bức thi pháp mình vừa ý vô cùng, cuộn mấy vòng rồi nhét vào tay áo: "Ta có tài đức gì mà đòi mời được pho Đại Phật Chu công tử này kia chứ."

Nói xong lại rất ư là oán trách liếc mắt nhìn người bên cạnh, thở dài: "Đêm trăng tròn hoa thắm ta chỉ có mỗi một chữ "cút", tình này biết chịu sao thấu!"

Thẩm nương tử đã làm trong tửu quán nhiều năm, thấu hiểu nhân tình xiết bao, lập tức nhận ra hai người này có ẩn giấu phong tình nguyệt tư, thầm than mình không nên dây vào mớ hỗn độn này làm chi. Cũng may Chu công tử nọ không phải lòng dạ sắt đá, nghe vậy mặt mày thoáng động, không rõ là tư vị gì.

Cẩm y lang quân thấy vậy càng ra vẻ đáng thương: "Không giấu gì huynh, năm ngoái ta gặp nạn nên mất sạch ký ức, không biết những năm qua đã chơi hội Trung thu thế nào... Liệu có dự tiệc kết bạn? Liệu có du ngoạn thuyền hoa? Hay cũng tìm một người tri tâm, nâng chén dốc cạn?"

Hắn thở dài nói: "Có lẽ cũng không phải. Một năm nay ta ở nhà tĩnh dưỡng nhưng không một bạn cũ đến nhà hỏi thăm. Ngoại trừ người thân, trong thành Quảng Lăng này không ai quen biết ta... Chẳng lẽ lúc trước ta là ma đầu Tu La gì đó, người người nhà nhà muốn tránh còn không kịp?"

Chu Tử Thư hoàn toàn không nghe nổi hắn tự hạ thấp tự bôi nhọ bản thân, lại càng không đành lòng thấy hắn cô liêu. Nỗi lòng hỗn loạn, y thầm nghĩ: Ta thật sơ suất. Ôn Khách Hành đột ngột mất trí nhớ hẳn rất bàng hoàng, bản tính hắn lại cao ngạo, khó mà bộc lộ tâm tình với người bên ngoài. Tối nay là ngày hội đoàn viên, ấy vậy hắn lại ra ngoài một mình, có lẽ khi ở Tất phủ cũng đơn côi lẻ bóng... Ta đây tự đau tự khổ, cớ gì lại giận cá chém thớt kẻ ngốc vô tội này, khiến hắn càng thêm trống vắng?

Nghĩ đến đây, không khỏi lên tiếng an ủi: "Ta chưa từng thấy ma đầu nào ngớ ngẩn như vậy đâu." Nói xong y đứng dậy nói với Thẩm nương tử: "Làm phiền rồi, xin lượng thứ."

Quay người đi được mấy bước liền nghe thấy tiếng chân vui sướng sau lưng, vò rượu lanh canh rung động. Chu Tử Thư đứng lại ngoảnh đầu, thấy Ôn Khách Hành hai tay hai vò rượu, nhoẻn cười nói: "Huynh xem nguyệt sắc còn đẹp biết bao, sao hai ta không tìm một chỗ mà tiếp tục nâng chén, nói cười vui vẻ?"

Bản lĩnh được đà lấn tới này thì vẫn chưa quên nhỉ, hắn mới nói được có một lời hay, sao đã thành "nói cười vui vẻ" rồi?

Có lẽ là thấy y chậm chạp không đáp, Ôn Khách Hành nhíu mày: "Vậy thì cho phép ta cùng huynh trở về, có được không?"

Chu Tử Thư vẫn im lặng, nhưng cũng không lên tiếng từ chối, chỉ chậm rãi đạp trăng mà về.

Ôn Khách Hành đi cùng y, chỉ thấy cốt cách như ngọc, tư thái tựa tiên của người này càng ngời sáng dưới ánh trăng. Bộ pháp cuốn gió, áo quần thướt tha, quả đúng là thanh vân tụ đỉnh núi, giai nhân dưới bóng trăng.

Thương nhớ cứ dồn nén trong lòng không nơi trút bỏ, dường như có nói gì cũng chỉ như lời ngon tiếng ngọt, càng thêm tổn hại đến cốt cách thanh tao của người này. Nếu nói hôm châm cứu nọ hắn là nhất kiến khuynh tâm, kìm lòng không đặng thì giây phút này chính là say đắm si mê, nhớ nhung cuồng dại.

Ôn Khách Hành kìm nén đến bực mình, vô thức dậm chân khiến Chu Tử Thư liếc xéo.

"Ta..." Hắn mở miệng muốn nói, lại thấy trong lòng trống rỗng, mỗi tấc linh hồn đều mơ hồ không rõ, tam hồn lục phách không biết đã bay đi đâu.

"Chu..." Một tiếng "Chu công tử" kẹt lại giữa môi. Không phải, không phải, không nên gọi bằng cái tên này, không nên, không nên. Sai một ly đi một dặm, hắn chỉ nên...

"Ngươi sao vậy?" Chu Tử Thư thấy Ôn Khách Hành đột nhiên im bặt, ngây người hoảng hốt liền sốt ruột kêu lên, đưa tay dò mạch tượng của hắn.

...Hắn nên gọi y là... Là gì, là gì?

Ôn Khách Hành bị bóp chặt cửa mạch, dần dần hoàn hồn. Không hiểu sao lòng thấy tủi thân vô cùng: "...Ngươi có tên tự không?"

Chu Tử Thư ngẩn người, lại nghe thấy Ôn Khách Hành lẩm bẩm: "Không được, ta không có tự. Dù huynh có nói ta cũng không có gì để đáp lại..."

Thấy mạch tượng dần ổn định, Chu Tử Thư buông tay ra, chỉ thấy lồng ngực chua xót. Y không đành lòng trông thấy Ôn Khách Hành oan ức ôm hận, như thể một đứa trẻ tủi thân cúi gằm đầu xuống, liền đáp: "Ta cũng không có tự."

Ôn Khách Hành do dự hỏi: "Vậy ta có thể gọi huynh là Tử Thư không?" Hắn chìa cổ tay ra nói: "Chúng ta đã kề da cận thịt, xứng đáng gọi nhau bằng tên."

Chu Tử Thư chỉ sợ hắn lại kích động, đành ngầm đồng ý. Y xoay người sải bước về phía quán trọ, thầm nghĩ: Ôn Khách Hành trước kia dù tính tình trời sinh trái nết, nhưng cũng không phải không an định. Hôm trước hắn từng bộc phát chân khí ở Tất phủ, hôm nay đang yên đang lành lại có cử chỉ bất thường... Hay là sau khi ngã xuống vách núi vẫn còn tật gì chưa lành? Nếu là vậy, phải để vị Từ đại phu kia chẩn đoán nguyên nhân, điều trị một phen... Vạn nhất khó quá thì y sẽ đích thân tới Nam Cương mời Ô Khê rời núi, tóm lại tuyệt đối không thể để lại bất kỳ mầm bệnh nào cho Ôn Khách Hành.

Đang suy tính thì đã về tới quán trọ. Trương Thành Lĩnh không biết đã tỉnh từ bao giờ, đang đứng chờ trước cửa. Thấy y trở về cậu liền vội vàng tiến lên nghênh đón. "Sư phụ, nửa đêm canh ba người đi đâu thế? Khiến đồ nhi gấp chết rồi."

"Con thân là đồ đệ còn muốn quản sư phụ sao?" Ôn Khách Hành nhét hai vò rượu trong tay cho thiếu niên: "Cất đi giùm ta." Rồi lại nói: "Tử Thư, huynh nghỉ sớm đi. Hôm khác ta lại tới tìm huynh, uống, rượu, tâm, tình."

Trương Thành Lĩnh ôm lấy hai vò sứ, ánh mắt đảo qua đảo lại giữa hai người, cuối cùng nuốt sạch nghi vấn vào trong mà quay vào viện. Chu Tử Thư theo sát sau lưng, đóng cửa xong xuôi mới hỏi: "Có gì mà hốt hoảng như thế?"

Thành Lĩnh trước giờ đều cẩn trọng, nếu không phải có chuyện quan trọng ắt sẽ không nóng vội như vậy.

Trương Thành Lĩnh lấy một ống trúc nhỏ cỡ ngón út ra từ trong ngực, đưa cho gia sư: "Là bồ câu đưa thư con đã thả."

Chu Tử Thư thấy vậy, nét mặt trở nên nghiêm nghị. Y cầm lấy ống trúc đổ mật tín bên trong ra, đọc xong liền hơ lên đèn mà tiêu hủy.

"Sư phụ, không lẽ bọn chúng tìm đến rồi sao?"

Chu Tử Thư ngồi bên bàn không đáp, hồi lâu mới nói: "Sáng sớm mai chúng ta rời khỏi Quảng Lăng, nhớ thiêu rụi phòng ốc ở đây."

Trương Thành Lĩnh rầu rĩ cúi đầu. Một năm qua cậu cùng Chu Tử Thư du tẩu bắc nam, ngoài tìm thuốc ra còn là để tránh họa. Tấn vương bệnh tật triền miên trên giường, tự biết không còn sống được bao lâu bèn ban chiếu lệnh: Phàm là dòng họ hoàng thất, ai có thể lấy đầu Chu Tử Thư thì sẽ truyền vương vị cho người đó. Hiện nay chư vương tranh chấp mỗi người một phương, duy chỉ Tấn vương có uy quyền. Nếu có thể kế tục ngôi vị của Tấn vương thì ngôi đế ngay trong tầm tay. Vì vậy hoàng tộc Hách Liên đều toàn tâm toàn lực nghĩ trăm phương ngàn kế.

Chu Tử Thư chậm rãi đi tới bên cửa sổ, im lặng suy nghĩ. Làm địch với giang hồ còn có thể đánh một trận; làm địch với Tấn vương, liều chết cố mà thắng; làm địch với thiên hạ, không bằng ngọc nát đá tan.

Y không phải hạng người ham sống sợ chết, vốn nghĩ chỉ đợi đến khi Thành Lĩnh có thể tự mình gánh vác sẽ xả thân chịu chết. Đã đảm bảo an bình cho đồ nhi thì có thể theo Ôn Khách Hành mà đi.

Ai ngờ... ai ngờ.

"Sư phụ," Trương Thành Lĩnh dè dặt hỏi, "Người thực sự muốn đi?"

"Đi." Chu Tử Thư đã có tính toán khác: "Tới Nam Cương." Bất ngờ xảy ra chuyện, không bằng thuận theo mà làm. Đi thẳng về phía nam bái phỏng Ô Khê, mời người bớt chút thì giờ ra bắc trị bệnh cho Ôn Khách Hành.

Trương Thành Lĩnh im lặng một hồi, lại nói: "Vậy hai vò rượu này..."

Chu Tử Thư tới trước bàn, đưa tay vuốt dấu chữ bên trên, nói khẽ: "Ngày mai dùng hai vò rượu này châm lửa đi."

Nói xong y liền cất bước vào phòng, lại nghe thấy tiếng Trương Thành Lĩnh sau lưng.

"Đồ nhi thấy không thỏa đáng."

Chu Tử Thư dừng bước, ngoảnh đầu.

Trương Thành Lĩnh siết tay thành quyền, cấp bách nói: "Vì sao... vì sao người không cho sư thúc biết mọi chuyện? Hôm nay sư phụ trở về cùng sư thúc, đồ nhi thấy rõ ràng người rất vui vẻ. Dù mất trí nhớ nhưng sư thúc không đổi tâm tính, vẫn chung tình với người... Thúc ấy sẽ càng không ngại bị truy đuổi đòi giết."

Nói đến mức này đã là cực kỳ bất kính, Trương Thành Lĩnh nghiến răng vén áo bào lên, quỳ xuống: "Con biết sư phụ dốc lòng dụng tâm, thà một mình ngậm trái đắng cũng muốn che chở cho sư thúc khỏi sương gió gian khổ. Nhưng nếu có một ngày sư thúc nhớ ra mọi chuyện thì thúc ấy biết phải làm sao?"

Gió đêm nghẹn ngào, mây đen lấp trăng, căn phòng bất chợt tối mịt.

Trương Thành Lĩnh không thấy rõ vẻ mặt ân sư, chỉ nghe thấy tiếng thở gấp gáp, hỉnh như là nổi giận rồi. Nhưng trong nháy mắt lại trở nên mệt nhọc, y chậm rãi nói: "Chỗ thảo dược hái lúc trước còn lại bao nhiêu?"

Trương Thành Lĩnh không hiểu ý, trả lời: "Không tới ba phần." Lại nói: "Sư phụ, hay chúng ta ở lại thêm mấy ngày? Ngày mai con lại đi hái một ít."

"Thuốc này có tên 'Nguyệt Tịch', bởi lẽ chỉ vừa qua mười lăm tháng tám sẽ sinh kịch độc, có hái cũng vô dụng."

"Lá vẫn như xưa, hoa vẫn như trước. Chỉ là thời thế đổi thay, không còn sở cầu."

Thấy thiếu niên hình như đã hiểu, Chu Tử Thư lại hỏi: "Vì sao chúng ta lại tới Quảng Lăng tìm thuốc?"

"Bởi vì Nguyệt Tịch chỉ mọc trên núi Lộc Đài."

"Không sai. Dù con có cắm thuốc này trong bình cũng không cách nào dời cây trồng ở nơi khác. Không phải mây mù Lộc Đài, không phải mưa gió Lộc Đài, không phải nước, không phải đất Lộc Đài... Dù có nở hoa, cũng không phải Nguyệt Tịch của Lộc Đài."

Trương Thành Lĩnh nghe đến đây, lập tức minh bạch.

Người sư phụ cậu tâm duyệt là Ôn Khách Hành quỷ chủ núi Thanh Nhai, là Ôn Khách Hành tương phùng Chu Tử Thư giữa biển người mênh mông, hiểu nhau giữa huyết hải thâm cừu, gần nhau giữa đao quang kiếm ảnh. Mất đi những thứ ấy là mất đi mây mù mưa gió giữa hai người, cho dù bản tính vẫn còn, cũng chỉ là... hoa chẳng ra hoa, lá chẳng ra lá.

Thấy thiếu niên chán nản thê lương, Chu Tử Thư lại gần an ủi: "Tiểu tử ngốc này, vi sư còn chưa khóc, con khóc cái gì."

Trương Thành Lĩnh nghẹn ngào: "Con khóc thay sư phụ."

Ánh đèn nhỏ như hạt đậu, chiếu được một tấc vuông nhưng không chiếu được lòng người.

Giờ Mão hôm sau, trời đổ mưa thu. Trương Thành Lĩnh phải tốn chút công sức mới nhen được lửa, hai người trông chừng đốt nửa canh giờ, lúc này mới đánh ngựa đi xa.

Mắt thấy chuẩn bị rời khỏi Quảng Lăng, Chu Tử Thư bất chợt xuống ngựa, lạnh lùng nói: "Nhãi ranh này tới cũng nhanh nhỉ."

Mới chớp mắt đã có mười mấy tên lính vọt ra từ bên đường, lưỡi đao sáng choang lại gần bao vây.

Chu Tử Thư lập tức nhảy lên, xoay người giang cánh tay, ám khí giấu trong tay áo bắn ra liên tiếp, loáng cái đã đoạt ba mạng người.

Tử sĩ còn lại chứng kiến uy thế của y không khỏi kiêng kị trong lòng. Chu Tử Thư đáp đất, một tay rút nhuyễn kiếm bên hông, một tay ra vẻ còn muốn phóng ngân châm, bộ pháp linh hoạt như xà nhanh chóng lấy đầu hai kẻ nữa.

Sát thủ cầm đầu nhìn xung quanh, hét lớn với thủ hạ: "Y bị thương tổn nội lực, chỉ muốn tốc chiến, mau chặn lại!"

Tám người còn lại lập tức thay đổi đội hình, hai người đồng loạt tấn công một lần. Có vẻ mệt nhọc thì lại đổi, hai người khác tiếp tục lên mà đánh, chỉ muốn hao tổn chân khí của Chu Tử Thư.

Cứ thế chiến đấu triền miên một phen, dù có thêm ba tên bỏ mạng dưới Bạch Y kiếm nhưng bọn chúng đã đạt được mong muốn.

Thấy Chu Tử Thư không còn chống đỡ nổi, Trương Thành Lĩnh bất chấp gia sư ngăn cản mà nhào vào tham chiến. Sát thủ chỉ muốn lấy đầu Chu Tử Thư, không muốn làm việc thừa thãi. Thấy y đặc biệt quan tâm đến thiếu niên, bọn chúng liền cố ý hợp lực đánh giết Trương Thành Lĩnh. Chu Tử Thư vì bảo vệ đồ đệ mà càng đỡ trái hở phải.

Mắt thấy sau lưng Trương Thành Lĩnh có địch, Chu Tử Thư không kịp nghĩ nhiều mà phi Bạch Y kiếm đi. Ngân quang xẹt qua cổ họng tử sĩ đánh lén, máu phun tới năm bước. Dù cứu được một mạng của đồ nhi nhưng y lại mất đi binh khí, sa vào thế hạ phong.

Một thanh đại đao lao thẳng tới trước mắt, Chu Tử Thư không kịp lui về, đành dồn nội lực vào hai tay lấy chưởng phong mà đỡ. Chưa kịp chớp mắt, đột nhiên có vật gì xuyên thủng không trung mà lao vào sống đao, buộc tên sát thủ lùi về sau mấy bước.

Chu Tử Thư ngưng thần nhìn qua, ra là một mảnh gốm.

Tiếp đó chóp mũi ngửi thấy mùi rượu thoang thoảng, thoáng chốc hiểu ra. Là vò rượu Vân Dịch đã bị đập vỡ sáng nay.

Ngẩng đầu lại thấy Ôn Khách Hành lao đến gần, một tay thành trảo siết chặt cổ một tên, mạnh mẽ bẻ gãy. Lại nhấc chân đá thanh nhuyễn kiếm rơi dưới đất lên, nắm chặt lấy rồi xoay người khiêu khích, xuyên thủng ngực một tên khác.

Thắng bại chốc lát đã định, ba tên còn sót lại thấy rõ người vừa tới liền sắc mặt đại biến: "Ôn Khách Hành?! Không phải ngươi đã chết rồi sao?"

Tử sĩ cầm đầu gào la kêu cứu, thả bom khói rồi tức tốc bỏ chạy.

"Sư phụ, người không sao chứ!" Trương Thành Lĩnh co cẳng chạy về phía Chu Tử Thư, đã thấy y được người khác đỡ lấy.

"...Đa tạ." Chu Tử Thư còn muốn nói nhưng đã bị Ôn Khách Hành nhanh chóng phong ấn đại huyệt, không thể động đậy.

Hai gò má cẩm y lang quân nhuốm đầy máu nhưng hắn chỉ qua loa quệt đi, vẻ mặt kỳ quái: "Ta thực sự giống tên họ Ôn đó vậy sao?"

Chu Tử Thư cụp mắt.

"Chu Tử Thư! Huynh thật sự coi ta là kẻ ngốc hay sao!" Ôn Khách Hành đột nhiên biến sắc: "Một tên hai tên thấy ta đều kêu Ôn Khách Hành, nhưng ký ức của ta đã biến mất hoàn toàn... Chân khí trong cơ thể ta ít nhất đã luyện mười năm, toàn bộ Quảng Lăng lại không người nào biết ta... Huynh còn muốn giấu ta?!"

...(còn tiếp)

__ __ __ __ __ __ __

Lời tác giả: Mất trí nhớ thật sự cẩu huyết ở chỗ, ta biết ta là hắn, lại không phải "hắn" mà ngươi yêu, nhưng chung quy ta vẫn là hắn.

Chú thích:

[1] Vế đầu câu thơ mượn bài "Nguyệt xuất" trong Kinh Thi, còn vế sau có lẽ đã mượn ý bài "Vọng nguyệt hoài viễn" (Ngắm trăng nhớ người xa) của Trương Cửu Linh.

[2] Bản gốc: Tố nga trường hận kham tha đà.

- Tố nga: tên gọi khác của Hằng Nga, hay cũng dùng để chỉ trăng hoặc tiên nữ áo trắng trên cung trăng. Trong tiếng Việt, từ tố nga còn dùng để chỉ người con gái đẹp (như trong thơ Nguyễn Du).

- Trường hận: mối hận ngàn đời.

- Kham: chịu đựng.

- Tha đà: sống uổng thời gian, năm tháng trôi qua mà không đạt được gì, còn điều ân hận tiếc nuối.

Vì sao Hằng Nga lại tiếc nuối thì mời các bạn đọc điển tích "Hằng Nga bôn nguyệt":

Xưa kia, Hằng Nga và chồng của mình là Hậu Nghệ đã từng là những vị thần bất tử sống trên thượng giới.

Một ngày kia, mười người con trai của Ngọc Hoàng biến thành mười mặt trời, làm cho mặt đất trở nên nóng bỏng và khô cằn. Thất bại trong việc ra lệnh cho các con mình ngừng phá hủy mặt đất, Ngọc Hoàng triệu Hậu Nghệ đến cứu giúp. Hậu Nghệ, bằng tài bắn cung của mình, đã bắn hạ chín mặt trời, chỉ để lại một người con trai của Ngọc Hoàng làm mặt trời. Ngọc Hoàng rõ ràng là không vui mừng gì với giải pháp của Hậu Nghệ trong việc cứu mặt đất và các sinh linh trên đó: chín con trai của ông đã chết. Như là một sự trừng phạt, Ngọc Hoàng đày Hậu Nghệ và Hằng Nga xuống hạ giới để sống cuộc sống của con người.

Thấy Hằng Nga rất đau khổ vì bị mất khả năng bất tử, Hậu Nghệ quyết định lên đường đi tìm thuốc trường sinh trong một cuộc hành trình dài và đầy gian khổ, nguy hiểm để hai người có thể trở lại cuộc sống bất tử. Vào cuối cuộc hành trình, Hậu Nghệ đã gặp được Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu đồng ý cho Hậu Nghệ một viên thuốc, nhưng dặn rằng mỗi người chỉ cần nửa viên để trở thành bất tử.

Hậu Nghệ mang viên thuốc về nhà và cất nó trong một cái hộp. Hậu Nghệ dặn Hằng Nga không được mở chiếc hộp và sau đó rời khỏi nhà trong một khoảng thời gian. Giống như Pandora trong truyền thuyết Hy Lạp, Hằng Nga trở thành người tò mò, nàng mở chiếc hộp và nhìn thấy viên thuốc ngay trước khi Hậu Nghệ về nhà. Sợ rằng Hậu Nghệ thấy mình đang lục lọi chiếc hộp, nên Hằng Nga đã vô tình nuốt chửng viên thuốc. Ngay lập tức Hằng Nga bay lên trời do thuốc quá mạnh. Mặc dù Hậu Nghệ muốn bắn Hằng Nga để nàng không bị lơ lửng trên bầu trời, nhưng chàng không thể nhằm mũi tên vào nàng.

Hằng Nga cứ bay lên mãi cho đến khi hạ xuống được Mặt Trăng. Trên cung trăng, Hằng Nga kết bạn với một con thỏ ngọc đang chế thuốc trường sinh, cũng đang sống trên cung trăng. Đây được gọi là truyền thuyết "Hằng Nga bôn nguyệt".

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play