Hắn loanh quanh đi lại dạo một vòng trong phủ.

Một số kiến trúc đã cũ kỹ nhưng đây dù sao cũng là phủ đệ vương hầu, quy mô rất lớn.

Hoa viên đằng sau rất đẹp, trước kia để hoang mấy năm nhưng bọn gia nhân chuyển đến cắt tỉa lại, khu vườn rộng có ao có cầu, trồng nhiều loại cây cảnh quan và cây ăn quả, dưới hồ sen đang nở rất đẹp.

Nhà trên có đình viện, có phòng bếp và khu nhà cho gia nhân ở.

Tách biệt phía trên là hậu viện dùng cho gia đình chủ sinh hoạt.

Bên ngoài có đại sảnh tiếp khách là kiến trúc cầu kỳ nhất.

Đi trong nhà mình mà mỏi cả chân, hắn thầm đánh giá nếu đời sau có khu đất này ở Thủ đô, có lẽ nên sớm cho thuê và dưỡng lão từ năm 20 tuổi.
Để thể hiện phong độ chủ tử, hắn cũng chỉ chỏ gia nhân làm cái này sửa cái kia.

Khi quay ra thư phòng lại gọi Hoàng Thông đến, dặn dò một số điểm lưu ý trong sinh hoạt của hắn.

Hắn vào thư phòng, sắp xếp lại đồ dùng sinh hoạt của mình, lại vào phòng ngủ, lấy balo của hắn, kiểm tra lại một số đồ vật cũ.

Cái điện thoại vẫn dùng được, hắn bật lên, ngắm nghía ảnh cha mẹ một hồi, lại xem ảnh mình và bạn bè một lúc, nước mắt ứa ra.

Không được, mai phải sạc đầy cục pin dự phòng.

Cục này muốn sạc đầy bằng tấm pin năng lượng mặt trời cần ngày nắng đẹp, sạc cả ngày may ra mới đầy được.

Đây là những thứ quý giá nhất, hắn chỉ sợ sẽ có lúc mình quên mất hình ảnh cha mẹ, bạn bè, những thứ này giữ được càng lâu càng tốt, phải bảo dưỡng thường xuyên.
Cô hầu gái trạc tuổi Đinh Đang gõ cửa, lúc chiều hắn đã thấy cô bé nhưng mệt quá nên đuổi đi, nghĩ lại thấy ân hận quá.

Mở cửa cho cô bé vào, cô bé gầy nhỏng bưng cái chậu gỗ đựng nước nóng bước vào.

Hắn ngồi lên giường rồi hỏi.
- Ngươi tên gì?
Cô bế sợ hãi nói:
- Không dám thưa lão gia! Lão gia cứ gọi tiểu nữ là Hồng là được.
- Ngươi họ gì?
- Tiểu nữ bán vào phủ Vương gia từ lúc 7 tuổi, không nhớ họ gì, chỉ nhớ sau khi vào phủ thì bà bà gọi là Hồng thôi ạ.
- Đừng gọi ta là lão gia, nghe không quen.

Các ngươi gọi ta là công tử là được rồi.
- Những nhà khác thì ngài đúng là công tử, nhưng nhà này ngài lớn nhất nên quản gia dặn gọi ngài là lão gia.
- Mai ta sẽ bảo lại với Hoàng quản gia.

Ta có một sư phụ, người coi như lão gia của nhà này, ta là thiếu gia thôi.
- Vâng ạ! Mời thiếu gia cho tiểu nữ cởi giày để rửa chân.
- Được, ngươi làm sớm rồi đi ngủ đi.
Lúc mới đến thế giới này, Bách không sao quen được cảnh hầu hạ này, nhìn chỉ thấy ngứa mắt.

Nhưng ở đây một thời gian hắn dần hiểu ra, những tầng lớp dưới trong xã hội thời này đã bị nhồi sọ tư tưởng từ bé, rất khó lay động.

Giả như việc trưa nay, nếu con Hồng vì hắn đuổi ra ngoài, không rửa chân cho gia chủ, có khi lúc ra ngoài sẽ bị thím Lục rầy là.

Hắn lúc trước không nghĩ đến điểm này không thì cũng không đuổi cô bé ra.

Giờ đành hoà mình vào cái xã hội này thôi.
Bách nhìn cô bé gầy gò hỏi han:
- Ta hỏi ngươi trả lời thật cho ta, không được dấu diếm.

Các ngươi và gia nhân phủ khác, thường ngày sinh hoạt thế nào, được trả lương bao nhiêu.
- Quản gia và chủ sự là những người có hộ khẩu, tức là người làm thuê nên gia chủ thuê và trả lương, tuỳ phủ to nhỏ mà đãi ngộ khác nhau.

Nếu là gia nhân được thuê cũng vậy, nhưng bọn tiểu nhân là người ở đợ, có khế ước bán mình cho gia chủ, thì chỉ được ăn ngủ trong phủ là tốt rồi, nào dám nghĩ đến trả lương.
- Vậy giống tá điền đúng không?
- Dạ gần giống vậy.
- Vậy các ngươi có muốn ta xé khế ước, trả tự do cho các ngươi không?
- Điều này, điều này …
Bách thấy cô bé lúng túng nên an ủi:
- Không sao! Ngươi cứ nói thực lòng.
- Nếu gia chủ bạc đãi, đánh đập thì bọn nô tài sao chả muốn được xé khế ước, nhưng nếu gặp gia chủ tốt bụng, cho công việc, cho ăn uống thì chẳng ai muốn đi, thời buổi chiến tranh loạn lạc, ra ngoài chưa chắc có được việc tốt.

Vả lại bọn tiểu nhân không có ruộng đất thì rồi cũng phải đi làm thuê thôi.
- Ta hiểu rồi.

Thôi! Ngươi lui ra đi.

Ta muốn đi nghỉ rồi.
Ôi! Thời buổi này đúng là như thế, muốn thoát kiếp nô lệ cũng không dám.

Ngoài kia có khi còn nhiều tai hoạ hơn cứ ở trong phủ lao động.

Thật xã hội này trước kia Bách làm sao tưởng tượng ra được.
Sáng hôm sau, hắn dậy sớm, ra vườn làm vài động tác thể dục, lại đi ngắm nghía quanh phủ một hồi, vào bếp xem đầu bếp chuẩn bị những gì.

Thấy bữa ăn cho gia nhân đơn bạc quá, gọi thím Lục tới, nói tăng khẩu phần ăn cho toàn bộ gia nhân trong nhà.

Hắn ăn bát cháo đầu bếp nấu xong thì Đinh Nhu đến.

Hắn oán hận nhìn Bách, lại thấy hắn đen hơn nên lời đến miệng lại nuốt vào:
- Ta vốn muốn chửi mắng ngươi một trận nhưng thôi.
- Không sao! Giữa hai chúng ta không có gì phải ngại.

Muốn chửi cứ chửi.

Công trường sao rồi?
- Không tệ! Đã làm đến lầu tư, khoảng hai tháng nữa thì xong, sắp xếp đồ đạc thì khoảng ba tháng nữa sẽ hoàn công.

Ngươi không biết chứ đây là công trình nhanh nhất từ trước đến nay, ai đi qua cũng cảm thán.

Bọn thợ được cung cấp đồ nghề xịn, hắng hái làm, nhà họ Đinh lại liên tục chuyển gỗ tốt từ Tam Giang lộ đến mới được kết quả này.

Nhưng tên khốn ngươi có biết cha ta và nhị thúc bôn ba mấy tháng nay, mệt chết người hay không?
- Biết! biết.

Lần này sẽ đền bù thoả đáng.
Hắn lấy trong hộp ra một cái dao bấm nữa, lại đưa cho Đinh Nhu:
- Cho ngươi cái này, ngươi không biết thứ này trên đời có 5 thanh.

Ta một cái, ngươi một cái, Chiêu Minh Vương một cái.

Hai cái còn lại ở đâu có biết không?

Đinh Nhu cầm con dao, say mê bấm tách tách, lại vung tay chém vào không khí mấy cái.

Những dao bấm này được thợ giỏi của công bộ làm.

Cán bằng ngà voi, thép luyện đặc chế, nhìn là biết xa hoa, rất hợp đi khoe mẽ.

Hắn nghe Bách nói thì tò mò:
- Hai cái còn lại của ai?
- Của Thái Thượng Hoàng và Quan Gia.
“Ôi, CMN! Vật này mà mình mang về Thậm Thình, mấy thằng ôn con chắc lác hết mắt” Đinh Nhu say mê cầm không rời tay.

Hắn đúng là có năng khiếu chơi dao, chỉ dăm ba phút đã có một số động tác mà Bách thấy mấy tay Găng-tơ thời sau hay dùng, múa ngón tay cho dao xoay hai ba vòng rồi ấn dao tách tách.

Đúng là Playboy cũng phải có khiếu của nó.
Bách cùng Đinh Nhu đến công trường bên hồ Dâm Đàm.

Khu này đã biến thành khu vực thi công điển hình thời sau, chỉ là vô tổ chức hơn, đồ đạc vứt khắp nơi, tiếng hò hét đinh tai.

Bách đã hẹn 50 công nhân theo mình về từ xưởng luyện sắt đến.

Lúc này đội trưởng Lão Từ đã đứng chờ sẵn.
- Lão Từ! Vào đây ta giới thiệu các ngươi với các anh em.
- Dạ đa số thợ cả ở đây chúng tiểu nhân đều quen, Minh Tự không nhớ chúng ta từ công bộ mà sao?
- Ôi! Sao ta lại không nhớ nhỉ? Thế thật tốt quá.

Vậy ông cho anh em nhận hạng mục luôn, từ này ông giúp ta quản lý 50 anh em này làm luôn ở công trường.

Cố gắng phối hợp tốt để hoàn công.

Công cụ từ mỏ mang xuống vẫn mang theo chứ?
- Đều sẵn sàng rồi thưa Minh Tự.
- Vậy ông chia công cụ cho cả anh em ở đây để tăng hiệu suất.
- Đã rõ.
Bách cùng Đinh Nhu đi một vòng quanh công trường, so với hắn thiết kế ban đầu tất nhiên có nhiều thay đổi, chỉ là tổng thể thì không sai khác.

Hắn hiểu cái mình vẽ ra là thứ vớ vẩn, không có chuyên môn xây dựng nên chỉ có thể thực hiện ý tưởng đại khái của hắn thôi.

Nếu làm hoàn toàn theo hắn vẽ, toà nhà này đứng được trên mặt đất không còn khó nói.

Ngó nghiêng được một lúc thì thấy Chu Đại Lực tới, hắn thấy Bách thì như thấy vàng:
- Minh Tự! ta nhớ ngài chết mất.

Ngài đi công vụ mà làm chúng ta lo sốt vó, ngài có biết ta và Đinh lão mấy tháng nay vất vả thế nào không?

- Quả thật có lỗi, nhưng không phải may mắn sao, ta không đi luyện sắt làm sao cái toà nhà này được xây nhanh vậy.
- Đúng vậy, ta tính toán 3 tháng nữa khai trương.

Người Công Bộ và Hộ Bộ cũng đồng ý rồi.

Ta đang chờ ngài về bàn cách thức hoạt động của Quỹ.
- Nghe nói ngươi được phong làm Tổng quản Quỹ Kiến thiết quốc gia, hàm tòng Thất phẩm.
- May mắn, may mắn, triều đình phong cho hư chức để tiện quản lý, nhưng ta hài lòng lắm rồi, những gì Minh Tự nói trước kia với ta đều đã có.

Ta nguyện vì Quỹ Kiến thiết quốc gia cống hiến.
- Được như vậy thì tốt, ông sẽ không hối hận vì lựa chọn hôm ấy.

Đây là bản kế hoạch hoạt động của quỹ.

Thời gian ta ở trên mỏ sắt viết ra.

Ông nghiên cứu mấy ngày rồi trao đổi lại với ta.
- Tạ ơn Minh Tự.
Bách lại rời công trường, hắn còn một việc quan trọng nữa chưa làm được là việc của Trang viên.

Tuy nói là đất phong của hắn nhưng thực chất chưa ngó ngàng gì, hắn vô cùng áy này.

Nhưng làm sao được, công việc bộn bề, hắn chưa thể rời kinh được.

Khi hắn đi mỏ sắt, Lê Văn Hưu đã đưa 100 quân Trạo nhi lên đấy sửa sang, xây cất nhà cửa.

Lại cùng dân trong trang viên khai phá vùng đất.

Có lẽ giờ này cũng đã thành hình rồi.

Hắn cũng viết thư nhờ Đinh Sức thỉnh thoảng từ Thậm Thình lên nhìn ngó trang viên.

Nhưng hắn chưa yên tâm, Quan gia cho hắn hưởng lộc trăm hộ trong Trang viên.

Nếu là bọn quý tộc, địa chủ khác thì chỉ chăm chăm thu thuế trăm hộ này là được.

Nhưng hắn sao thế được, mơ ước của hắn là phải làm cho Trang viên này giàu có.

Rồi từ đó các trang viên của cả nước Đại Việt này giàu có theo.

Hắn vốn là người như vậy, việc gì làm thì lựa sức, việc nhỏ làm thật tốt rồi mới nghĩ chuyện lớn.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play