Hôm sau, Bách vừa vươn vai tỉnh dậy, định bụng hôm nay bố trí chút chuyện nhà.

Hắn từ hôm được phong tước, lại bộ đã gửi tới điệp văn, Lê Văn Hưu cũng đã sắp xếp để binh bộ tuyển quân Trạo Nhi cho hắn xong xuôi.

Bên kia phủ đệ cũng đã có người quét tước nhưng hắn bận rộn chuyện luyện sắt, chưa đi xem được.

Sáng nay nhất định phải đi xem, không thế đến nhà mình mà cũng chả biết được.

Vừa sắp ra khỏi nhà thì có người báo, Lê Văn Hưu bảo hắn chuẩn bị vào cung Thánh Từ diện thánh.

Bách thầm than “lại nhỡ việc rồi”.

Hắn ăn mặc chỉnh tề, được một gia đinh dẫn đường, đưa vào cung.

Hắn trước nay chưa từng được vào cung, trong lòng cũng háo hức.

Cổng chính của Hoàng Cung là Cửa Đại Hưng, nhưng cổng này là dùng cho Điển lễ và Triều hội lớn.

Hắn đến diện kiến Thái Thượng Hoàng nên sẽ đến Cung Thành Từ.

Lúc này hai vua đều ở Kinh Thành nên Quan Gia thì ở cung Quan Triều còn Thái Thượng Hoàng cung Thánh Từ, ở phía Tây Bắc hoàng thành.

Hắn đến cửa Tường Phủ thì đã thấy Lê Văn Hưu đợi sẵn.

Hai người xuất lệnh bài cho cấm quân kiểm tra rồi vào cung.
Bách bước vào thì thấy cung cấm canh gác sâm nghiêm, cảnh trí hoa lệ, từng dãy hành lang nối dài.

Nghe Văn Hưu nói thì đây là hành lang nối từ gác Nguyên Huyền đến cửa Tây Đại Triều để các quan vào chầu tránh mưa nắng, lại quanh co một lát thì tới một Cung điện rất đẹp, hình bát giác, chạm khắc tinh tế.

Đi thêm chút nữa thì thấy trước mặt hiện ra một kiến trúc hùng vĩ, trên biển đề Cung Thánh Từ.

Bách biết là đến nơi rồi.

Lê Văn Hưu dẫn hắn vào trong, báo cho thái giám biết rồi đứng hầu bên ngoài.

Được một khắc thì Thái giám hô:
- Mời Hàn lâm học sĩ, kiêm Giám tu quốc sử Lê Văn Hưu và Minh Tự Hoàng Bách vào chầu.
Hai người vội vã bước vào, bên trong có bốn người.

Cả hai vua Thái Tông, Thánh Tông và Quang Khải đều ở đây, một người nữa Bách chưa gặp quá.

Người này đã già nhưng ánh mắt sắc lạnh, thâm thuý không nhìn Lê Văn Hưu mà nhìn Bách.

Bách thấy người này quan sát mình, ánh mắt này không phải gian hùng một cõi thì không thể có được, nuốt nước bọt.

Hắn đến nơi, quỳ ngày xuống làm lễ:
- Thần cung chúc Thái Thượng Hoàng, Quan Gia vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế.
- Các Ái khanh bình thân đi!
Lúc này Bách mới thấy trên bàn của Thái Thượng Hoàng đã bày hai vật là thanh kiếm và cái lưỡi cày bọn công nhân làm ra.

Vỡ lẽ hôm nay chắc là được triệu vào cung vì việc này.

Trần Quang Khải nói:
- Hôm này triệu hai ngươi vào cung là Thượng hoàng muốn hỏi về việc rèn sắt.

Các ngươi biết gì cứ tường tận mà trả lời.
Thái tông vẫn đang mải mê cầm thành gươm, xem xét tỉ mỉ.

Một lúc rồi buông xuống.

- Cách rèn kiếm này ngươi học từ đâu.
- Thưa thượng hoàng, cách luyện sắt thì từ quê hương của sư phụ thần, còn cách rèn thanh kiếm này không đâu xa chính là từ quân đội Thát Đát.
- Ta cũng đang thấy lạ.

Sau khi quân ta chiến thắng có thu được một số vũ khí của quân Thát Đát để lại, trong đó có cây kiếm hình dạng thế này.

Nhưng đây là bí mật trong quân, ta đã thu giữ và không cho truyền ra ngoài, sao ngươi biết được.
- Cái này do thần theo sư phụ học bác vật học, người có nói qua.

Thanh kiếm tuy là thần khí thượng cổ, nhưng nó được yêu thích vì dáng điệu thẳng tắp nên được ví với người quân tử.

Khi sử dụng thì rất bất tiện, chỉ có thể đâm mà không thể chém.

Các ngài là hành gia võ thuật chắc hiểu hơn ta, mấy khi chúng ta trong lúc giao chiến mà đâm trực diện được kẻ thù đâu, đòn đánh thông dụng nhất chính là chém.

Chính vì thế trong thực chiến thiết kế như thanh gươm này là hiệu quả hơn cả.

Sống gươm một bên làm dày hơn, một bên thật sắc bén, lại làm thành gươm cong đi với một biên độ nhất định.

Khi sử đòn chém, do sống dày một bên nên gươm chắc chắn hơn, do biên độ cong nên lưỡi tiếp xúc nhiều hơn với đối thủ sẽ gây ra vết thương sâu hơn, hiệu quả hơn kiếm nhiều.
- Đúng là thế! Ta đã thử qua, vết thương từ đao và gươm sẽ sâu hơn kiếm.

Như vậy sau này, ngoài những vật tế lễ tượng trưng, chúng ta nên sử dụng gươm hoặc đao có thiết kế sống dày hơn thay cho kiếm trong quân đội Đại Việt.
Người đàn ông lớn tuổi chắp tay:
- Ta sẽ bảo người dưới soạn chiếu ngay.
- Cách luyện sắt ta cũng đã nghe Quang Khải nói qua nhưng chưa được thấy tận mắt, nghe nói từ 100 cân quặng có thể luyện ra 50 cân sắt.
- Đúng là như vậy, hiệu suất này còn tuỳ vào chất lượng quặng sắt.

Nếu những mỏ quặng chất lượng có thể cao hơn nhưng nếu là quặng chất lượng thấp thì thần không dám chắc.
- Thế cũng đã là tốt lắm! Ôi, mảnh đất này bao năm không thể thoát khỏi phương Bắc cũng là vì phụ thuộc quá nhiều.

Đại quốc trung nguyên nắm quá nhiều công nghệ và tri thức.

Lại bắt chúng ta tiến cống người thợ giỏi sang để họ sử dụng, làm sao đất nước thoát khỏi lệ thuộc.

Chúng ta dù chiến thắng được Thát Đát nhưng thế thì sao, chiến thắng xong mà nhân dân vẫn đói khổ, trăm họ vẫn cơ cực thì có ý nghĩa gì? Năm xưa Cao Thái Hậu chỉ cần cấm không bán đồ sắt cho Nam Việt, chẳng phải huỷ diệt luôn cơ nghiệp của Triệu vương hay sao?
- Phụ hoàng chớ âu lo, cách luyện sắt mới này có thể nâng cao năng suất lên gấp mười lần cách cũ, từ nay nông cụ, binh khí sẽ dần được cấp đủ cho nhân dân và binh sĩ thôi.
Lão nhân nói:
- Quan gia cả nghĩ rồi! Hằng năm chúng ta cố gắng thu mua quặng sắt, lại cho người khắp nơi tìm kiếm mỏ đồng, mỏ sắt mà cũng chẳng đáp ứng được một phần nhu cầu binh khí chứ chưa nói đến nông cụ.

Có phương pháp luyện mà không có quặng thì cũng như có ruộng không trâu thôi.
Bốn người lại rơi vào trầm tư, Thái Thượng Hoàng lại quay sang Bách:
- Dù sao cách luyện sắt và chế binh khí mới của ngươi cũng là bước tiến không nhỏ, làm cho Đại Việt ta thu lợi nhiều lắm, ngươi vừa được phong tước Minh Tự mà đã có công hiến tài, cần phải biểu dương.

Ta thấy Quang Khải cấp cho ngươi phủ nhỏ ở bên của Vũ Thành Vương phủ, đấy là đúng lễ chế, nhưng lần này vượt phép ban cho ngươi cả Vũ Thành Vương phủ khi trước.

Lại ban cho bọn hầu cận theo lễ số của Hầu tước để làm gương cho kẻ hiến tài.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play