Edit: Sa

Bùi bảo bảo cho rằng ngay từ ngày mình được sinh ra thì đã sống dưới nền giáo dục ác quỷ của bà mẹ “thiếu nữ”. Tất nhiên mẹ cậu không có sở thích biến thái như mặc váy cho con trai, thắt bím, giả gái nhưng mẹ cậu mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế hàng thật giá thật.

Hồi bé, Bùi bảo bảo giống 80% trẻ con khắp thiên hạ: không thích ăn rau.

Mỗi lần bố mẹ dẫn cậu tới nhà người khác chơi hoặc là người khác dẫn con tới nhà cậu chơi, lúc ăn cơm, phụ huynh nhà người ta sẽ khuyên:

“Nào, một miếng nữa thôi, ăn thêm một miếng rau rồi mình không ăn nữa nhé?”

Còn mẹ cậu thì thế này:

“Nào, cục cưng, mình mới ăn được mười miếng à, con tên là Thập Thất, mình làm gì cũng phải gom đủ mười bảy chứ, đúng không?”

Nếu Bùi bảo bảo không muốn ăn, mẹ cậu sẽ đe dọa:

“Con xem phim hoạt hình hoài mà không biết hả, tên mỗi người là bùa chú, nếu con không ăn đủ mười bảy miếng, sau này sẽ không cao được mà lùn y như chú Lùn vậy đó.”

Bùi bảo bảo trợn to mắt, sau đó… ăn.

Cậu có biết cái gì đâu, cậu còn là trẻ con mà, nên đương nhiên người lớn nói gì cậu sẽ tin nấy. Hơn nữa không chỉ là việc ăn rau. Tóm lại, từ nhỏ tới lớn, cậu sống trong chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế của mẹ. Chẳng hạn như:

Ăn cơm phải ăn đủ mười bảy miếng mới được đứng dậy.

Mùa hè ăn kem, mỗi tuần chỉ được ăn ké của mẹ mười bảy thìa.

Mùa đông đi chơi tuyết, chỉ được chơi mười bảy phút.

Mỗi tháng chỉ được lắp ráp mười bảy xe trò chơi, nói “Con yêu mẹ” đủ mười bảy lần.

Mỗi ngày phải chạy bộ mười bảy phút.



Mà tất cả những việc đó chỉ vì biệt danh của cậu là Thập Thất.

Bố nói với cậu rằng vốn dĩ mẹ không mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, sinh cậu ra mới mắc bệnh, mẹ đã hy sinh rất nhiều vì cậu nên cậu phải biết thương mẹ.

Sau đó, ở nơi mà Bùi bảo bảo không nghe được, Lâm Mạn Thiến đắc ý nói với Bùi Nhất: “Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế của em có ích ghê, giúp con ăn nhiều rau nhiều cơm, lại rèn luyện sức khỏe nữa. Hên sao con nó tên là Bùi Thập Thất chứ không phải Bùi Tam, Bùi Tứ.”



Thật ra, đối với Bùi bảo bảo, trong cách giáo dục của bà mẹ thiếu nữ, ngoài chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ra thì còn cực kỳ… tùy hứng.

Cậu nhớ rõ một việc:

Hồi học lớp chồi, vào Ngày của Mẹ, cô giáo đã đưa ra bài tập về nhà: rửa chân cho mẹ.

Bùi bảo bảo dùng đôi tay nhỏ bé của mình bê chậu nước lảo đảo đi ra phòng khách. Mẹ cậu đang vừa đắp mặt nạ vừa xem ti vi, nghiêng đầu thấy con trai làm đổ nước ra đầy sàn nhà thì nổi giận:

“Bùi Thập Thất, con lại nghịch nước nữa phải không? Không cho chơi! Mau lau khô sàn cho mẹ!”

Con ngươi đen láy trong đôi mắt xinh đẹp khẽ chuyển động: “Không phải ạ, mẹ ơi, con rửa chân cho mẹ.”

“Rửa chân cho mẹ? Tại sao lại đột nhiên muốn rửa chân cho mẹ?” Sóng não của Lâm Mạn Thiến chạy thẳng ra tới đường chân trời, tim chợt lạnh ngắt: “Sao, con chê chân mẹ thối?”

“Hôm nay là Ngày của Mẹ, cô giáo Điền cho bài tập về nhà là rửa chân cho mẹ.”

“Bài tập gì mà kỳ cục vậy?” Người phụ nữ đang đắp mặt nạ nhanh chóng rụt chân lại, “Không được, chân của mẹ không cần con rửa.”

“Nhưng cô giáo Điền nói đây là bài tập.”

“Bài tập thì cũng phải hợp lý, lúc con ba tuổi, chúng ta đã quy định là phải tự mình tắm rửa. Vì vậy mẹ không rửa chân cho con, con cũng không cần rửa chân cho mẹ.”

“Nhưng mà…”

“Cục cưng à, nếu con yêu mẹ, con đi lấy cây kem trong tủ lạnh giúp mẹ nhân Ngày của Mẹ được không? Mẹ bị đau lưng, đi không nổi.”

Bùi bảo bảo lập tức bị dời sự chú ý: “Con được ăn không?”

“Được chứ. Con đã gom được năm ngày rồi, bố nói hôm nay cho phép con ăn hết một cây kem ốc quế.”

Wow!

Cậu bé vui sướng chạy vào phòng bếp lấy kem.

Ngày hôm sau.

Cô giáo hỏi cả lớp rửa chân cho mẹ xong thì mẹ có phản ứng gì? Tất cả các bạn học ở bàn trước hay bàn sau đều giơ tay, có bạn nói mẹ rất cảm động, có bạn nói mẹ rất ngạc nhiên, có bạn nói mẹ còn thưởng cho một phần gà rán, chỉ duy nhất bạn học Bùi Thập Thất là ỉu xìu ngồi ở chỗ của mình cúi đầu tủi thân. Sau đó lúc được cô giáo hỏi đến, cậu ngẩng đầu, đôi mắt ngấn lệ: “Cô Điền ơi, mẹ con không để con rửa chân cho mẹ.”

Hả? Còn có chuyện này nữa?

Giáo viên nhà trẻ biết hoàn cảnh gia đình của Bùi bảo bảo, dù sao Lâm Mạn Thiến cũng là ngôi sao lớn, chỉ cần quan tâm tới tin tức giải trí một chút là biết. Lúc nhập hồ sơ gia đình của các bé, hiệu trưởng còn nhấn mạnh là toàn thể giáo viên nhà trẻ phải giữ bí mật. Hơn nữa tuy đa số là Bùi bảo bảo được bố đưa đón nhưng một tháng cũng sẽ có ba, bốn ngày ảnh hậu Lâm sẽ đeo kính râm bịt khẩu trang tới đón con. Khi đó thấy hai mẹ con tình cảm lắm, Lâm Mạn Thiến cũng rất thân thiện, ai xin chữ ký cũng cho, sao bây giờ ngay đến chân cũng không cho con trai rửa?

Cô giáo Điền cảm thấy rất kỳ lạ, nhìn những giọt nước mắt chực tràn và gương mặt tủi thân của cậu bé, cô sợ đứa bé bị tổn thương tinh thần nên đã gọi điện cho gia đình để hỏi thăm tình huống. Kết quả người nghe máy là bố của học trò.

Sau khi nghe kể rõ đầu đuôi, bố của học trò giải thích bằng chất giọng trầm ấm:

“Xin lỗi cô giáo, thật ra chuyện là thế này, mấy hôm trước Thiến Thiên quay phim, bất cẩn bị thương ở chân nên không dính nước được. Cô ấy sợ con lo lắng nên mới không nói cho Thập Thất biết. Tuy nhiên, vào Ngày của Mẹ hôm qua, Thập Thất đã làm bánh kem giúp mẹ, còn tự giặt vớ của mình nữa, cháu nó đã cảm nhận được sự vất vả của mẹ, cũng coi như là có thu hoạch lớn.”

“À, ra vậy, thế tôi an tâm rồi… Vâng, không còn chuyện gì nữa đâu ạ, chỉ cần đứa trẻ cảm nhận được ý nghĩa của Ngày của Mẹ, bằng phương thức gì không quan trọng. Chúc chân mẹ Bùi sớm lành, vâng vâng vâng, tạm biệt.”



Bùi Nhất cúp máy, nhìn vợ mình đang nằm trên sofa chớp mắt, nhoẻn môi đầy bất lực: “Xong rồi, cô giáo nói chúc em sớm khỏe mạnh.”

Lâm Mạn Thiến nhướn mày, không hề xấu hổ mà chân thành gật đầu: “Vậy thì cảm ơn cô giáo quá.”

“Rốt cuộc tại sao em không để Thập Thất rửa chân cho em?”

“Kỳ cục lắm, từ nhỏ em đã không thích rửa chân cho ai rồi. Hơn nữa anh nhìn chân em đi, trắng nõn mịn màng đẹp quá trời đẹp, không có lấy một vết chai luôn, anh nghĩ nếu Thập Thất thấy chân mẹ nó đẹp thế này thì nó có liên tưởng nổi tới chuyện em khổ cực không?” Lâm Mạn Thiến phân tích lý lẽ: “Thà để nó làm bánh giúp em với giặt vớ còn hơn.”

Bùi Nhất phì cười: “Bình thường em có làm bánh đâu, con sẽ chỉ liên tưởng tới cô giúp việc khổ cực thôi.”

“Cho nên em mới nói là vô nghĩa đó. Vốn dĩ em ở nhà có khổ đâu, chẳng lẽ dắt nó đi xem em đóng phim?” Cô lăn lộn trên sofa, nhíu mày ủ ê: “Sao em lại sinh ra đứa con nghe lời vậy chứ, nói gì nó cũng tin làm em ngại lừa nó luôn.”

… Đúng vậy, từ bé Bùi bảo bảo đã là “con nhà người ta” trong miệng người lớn, nhất là từ sau khi cậu “hiểu chuyện” khi mới lên ba.

Mẹ bảo cậu ăn nhiều rau, cậu chỉ hỏi mấy câu, sau khi nhận được câu trả lời thì sẽ ngoan ngoãn ăn hết, tuyệt đối không khóc lóc om sòm.

Chơi bẩn tay thì tự giác đi rửa tay, tắm rửa sạch sẽ hằng ngày, không cần người lớn nhọc lòng.

Đi chơi với bạn bè, chưa từng có phụ huynh nhà khác tới nhà mắng vốn Bùi Thập Thất quậy phá, ngược lại ai cũng thích cậu, khen cậu ngoan ngoãn.

Sau này đi học, thành tích luôn dẫn đầu, mỗi lần họp phụ huynh, giáo viên toàn mời Lâm Mạn Thiến chia sẻ kinh nghiệm giáo dục con cái.

Đấy là hình tượng của con trai mình trong mắt Lâm Mạn Thiến, còn ở trong mắt Bùi Nhất thì lại là chuyện khác.

Hồi bé mỗi lần Bùi bảo bảo tắm, cậu rất thích nghịch nước, quậy nhà tắm rối tung rối mù, chừng nào bố chưa nổi giận thì tuyệt đối không ôm con vịt đi ra khỏi phòng tắm.

Thỉnh thoảng đi chơi với đám bạn, không chỉ một lần Bùi Nhất chứng kiến cảnh cậu áp bạn mình vào tường, uy hiếp bạn mình để chúng ra “gánh tội thay” mình.

Lâm Mạn Thiến không có ở nhà, đến một cọng rau cậu cũng không thèm ăn, Bùi Nhất tét mông cậu, cậu òa khóc chạy đi tố cáo với bà cô.

Tới khi đi học, thường xuyên không làm bài tập về nhà, đôi khi Bùi Nhất bớt chút thời gian kiểm tra vở bài tập của cậu thì phát hiện làm sai quá nhiều, không phù hợp với điểm thi của cậu, nghiêm nghị dạy dỗ bức cung thì mới biết cậu chép bài tập về nhà của bạn học.



Lâm Mạn Thiến gọi Bùi bảo bảo: Cục cưng. Bảo bối. Bé cưng. Cục vàng.

Bùi Nhất gọi con trai của anh: Thằng hai mặt. Thằng nuôi ong tay áo. Thằng quỷ sứ.

Tại sao lại xuất hiện sự tương phản rõ rệt đến thế?

Chủ yếu là vì hồi ba tuổi, Bùi bảo bảo xem ti vi với bạn, lúc chuyển kênh, vô tình xem được đoạn nữ chính sinh con trong một bộ phim truyền hình, gương mặt đau đớn, trán nổi gân xanh, sau đó rất lâu mới vang lên tiếng khóc của con nít.

Bùi bảo bảo nghiên cứu với bạn mình: “Người mẹ sinh con đau đến mức nào?”

Anh của cậu bạn trả lời: “Y như bị đá trúng bi bi vậy đó.”

Sau đó Bùi bảo bảo về nhà hỏi mẹ: “Mẹ ơi, lúc mẹ sinh con, phải sinh mất bao lâu?”

Lâm Mạn Thiến đang trang điểm, trả lời lấy lệ: “Từ sáng tới tối, mười mấy tiếng.”

Cậu bé hãi hùng bụm miệng lại, trong tâm hồn non nớt của cậu, chuyện “mẹ sinh ra cậu” về cơ bản giống như cậu “bị đá bi bi mười mấy tiếng”. Vì vậy, cậu ngẩng đầu lên, nói với mẹ:

“Mẹ ơi, sau này con sẽ rất tốt rất tốt với mẹ.”

“Hửm?”

“Cảm ơn mẹ đã sinh con ra, mẹ đúng là người mẹ tốt.”

HẾT!

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play