Một hôm đang ngồi ở vườn Bhesakala ở Sumsumaragira, Bụt bảo các vị khất sĩ:– Này các vị, tôi muốn nói để các vị nghe về tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân.
Tám điều này đã từng được đại đức Anurudha chiêm nghiệm và nói tới, hồi tôi gặp đại đức tại Vườn Tre xứ Ceti, nơi đại đức ẩn cư.
Đây là tám điều mà những bậc giác ngộ có thể đem ra dạy dỗ và giáo hóa để đưa người từ cõi mê lầm đến bờ giải thoát.Điều thứ nhất là giác ngộ rằng vạn pháp là vô thường và vô ngã.
Quán sát về tính vô thường và vô ngã của vạn pháp thì tránh được khổ đau và dần dần đạt tới giải thoát và an lạc.Điều thứ hai là giác ngộ rằng càng nhiều ham muốn thì càng nhiều khổ đau.
Giảm bớt ham muốn tức là làm cho đời bớt khổ.Điều thứ ba là giác ngộ rằng tri túc đem tới an lạc.
Biết sống đơn giản thì sẽ có thì giờ và tâm lực để tu đạo và để giúp đời.Điều thứ tư là giác ngộ rằng chỉ có sự tinh cần mới đưa ta đến quả vị giác ngộ.
Lười biếng và hưởng thụ chỉ đưa đến sự đọa lạc vào thế giới của ma chướng và phiền não.Điều thứ năm là giác ngộ rằng sống trong quên lãng và vô minh thì sẽ bị giam hãm đời đời trong cõi sinh tử ràng buộc.
Chỉ có đời sống chánh niệm và tỉnh thức mới đưa tới sự thành tựu giác ngộ và khả năng giáo hóa.Điều thứ sáu là giác ngộ rằng bố thí là một phương tiện quan trọng để độ người.
Vì nghèo khổ mà phần đông bị giam hãm trong oán hận và căm thù, do đó mà cứ tạo thêm nghiệp xấu.
Người hành đạo phải thực hiện phép bố thí, coi kẻ ghét người thương bằng nhau, bỏ qua những điều ác mà người ta đã làm đối với mình và không đem tâm ghét bỏ những ai đã vì nghèo khó mà lỡ phạm vào tội lỗi.Điều thứ bảy là giác ngộ rằng người hành đạo tuy đi vào đời để hóa độ mà không bị chìm đắm trong cuộc đời.
Người xuất gia khi đi vào đời để cứu độ chỉ nên lấy y bát làm vật sở hữu duy nhất của mình, luôn luôn sống nếp sống thanh bạch mà hành đạo, giữ phạm hạnh cho thanh cao và đem lòng từ bi mà tiếp xử với tất cả mọi người và mọi loài.Điều giác ngộ thứ tám là không chỉ bo bo lo việc giải thoát cho riêng mình mà phải biết nỗ lực phục vụ cho kẻ khác để tất cả cùng hướng về nẻo giác ngộ.Này các vị khất sĩ! Trên đây là tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân.
Tất cả các bậc đại nhân đã nhờ tu tập theo tám điều này mà được giác ngộ.
Khi đi vào đời họ cũng đem tám điều này để khai mở và giáo hóa cho mọi người, để cho ai nấy đều biết được con đường đưa tới giác ngộ và giải thoát.Về tới tu viện Trúc Lâm ở Rajagaha, Bụt được thông báo là vị khất sĩ Vakkali đang bị bệnh nặng và rất trông mong được thấy mặt Bụt trước khi qua đời.
Nghe Bụt về tới Trúc Lâm, thầy đã gửi vị thị giả của thầy tới để vấn an Bụt.
Vị thị giả này lạy xuống ba lạy rồi mới quỳ lên và bạch:– Bạch Thế Tôn, thầy con hiện đang ốm nặng.
Thầy con đang nằm trên giường bệnh, trong ngôi nhà của một người cư sĩ làm nghề đồ gốm.
Thầy con dặn con tới thay thầy con để cung kính lạy xuống và kê đầu trên chân Thế Tôn, ba lần.Bụt nói với thầy Ananda:– Chúng ta hãy đi thăm đại đức Vakkali.Biết Bụt đến, đại đức Vakkali gắng gượng ngồi lên, nhưng thầy không ngồi lên nổi, Bụt đỡ thầy nằm xuống trở lại và nói:– Vakkali, đừng cố gắng ngồi lên.
Cứ nằm xuống cho thoải mái.
Có mấy cái ghế có sẵn đây, tôi và thầy Ananda ngồi xuống được rồi.Bụt và thầy Ananda ngồi xuống.
Người hỏi thăm:– Thầy Vakkali, tôi mong rằng tình trạng sức khỏe của thầy không đến nỗi nào và những cơn đau trong thân thể của thầy có giảm bớt.– Bạch Thế Tôn, tình trạng sức khỏe của con càng lúc càng tệ.
Con khó chịu lắm, những cơn đau trong cơ thể đã không giảm bớt, trái lại còn cứ tăng dần.– Tôi mong rằng trong tâm, thầy không lo lắng gì và không ân hận gì.– Bạch Thế Tôn, có.
Trong lòng con có lo lắng và có ân hận.– Vậy tôi mong thầy không tự trách gì mình về nếp sống tu học phạm hạnh của thầy.– Không, bạch Thế Tôn, con không có trách móc gì con và không có ân hận gì về đời sống phạm hạnh của con cả.– Vậy thì thầy lo lắng và ân hận về cái gì?– Con chỉ lo lắng và ân hận là từ lâu nay con rất muốn đi thăm Bụt mà vì yếu quá con đã chẳng làm được việc ấy.Bụt quở nhẹ nhàng:– Thôi đi, Vakkali.
Lo lắng ân hận gì về chuyện ấy.
Thầy đã sống xứng đáng đời sống phạm hạnh như thế, thì thầy trò mình luôn luôn có mặt bên nhau rồi.
Cứ gì phải thấy mặt tôi mới gọi là thấy Bụt? Cái hình hài này đâu phải là quan trọng.
Chính chánh pháp mới là thiết yếu.
Ai thấy được chánh pháp tức là thấy Bụt.
Thấy được hình hài này mà không thấy được chánh pháp tức cũng như không thấy được gì hết.Im lặng một lát, Bụt hỏi:– Vakkali, thầy có thấy sắc thân là vô thường không? Sắc thân nơi thầy cũng thế, mà sắc thân nơi tôi cũng thế.– Bạch Thế Tôn, con thấy rất rõ, con thấy sắc thân là vô thường, sinh diệt, và biến chuyển không ngừng.
Con lại thấy cảm thọ cũng vô thường, những đau nhức cũng như những vui mừng của con cũng đang sinh diệt và biến chuyển không ngừng.
Tri giác, tâm tư, và nhận thức nơi con cũng chịu luật sinh diệt vô thường ấy.
Trước khi Thế Tôn đến thăm, con đã quán chiếu nhiều về tính vô thường của năm uẩn và con bắt đầu thấy rõ ràng trong năm dòng sinh diệt ấy không có gì có thể gọi là tự ngã.– Hay lắm, Vakkali! Tôi có đức tin nơi thầy.
Trong năm uẩn, ta không thấy được một cái gì gọi là tự ngã.
Tự ngã không phải là một cái gì được nhốt kín trong năm uẩn.
Thầy mở mắt ra nhìn đi: đâu mà không phải là Vakkali, cái gì mà không phải là Vakkali? Sự sống mầu nhiệm khắp nơi.
Vakkali! Sinh diệt không động được tới thầy đâu.
Thầy mỉm cười đi, mỉm cười ngay với cái thân tứ đại của thầy.
Mỉm cười ngay với những đau nhức đang sinh diệt trong cơ thể của thầy.Hai mắt của đại đức Vakkali rươm rướm ướt.
Trên môi thầy rõ rệt là có một nụ cười.Bụt đứng dậy cáo từ.Sau khi Bụt và Ananda đã đi khỏi, đại đức Vakkali bảo các bạn:– Các bạn khiêng giùm tôi.
Khiêng cả chiếc giường này.
Xin khiêng tôi ra sườn núi Isigili.
Một người như tôi mà nằm chết trong một căn phòng thì ngó sao được? Tôi muốn chết trên sườn núi, giữa mây trời cao rộng.Các bạn tu của thầy liền xúm lại khiêng thầy lên sườn núi Isigili.Đêm ấy Bụt ngồi thiền tọa cho đến khuya.
Sáng sớm, người đi ra và bảo mấy vị khất sĩ cư trú gần người:– Các thầy hãy đi thăm thầy Vakkali đi, và nhắn rằng thầy ấy đừng nên e ngại sợ sệt.
Cái chết của thầy sẽ bình an và vô tội, thầy cứ an tâm mà đi.
Tôi có đức tin nơi thầy ấy.Các vị khất sĩ tìm ra sườn núi và gặp đại đức Vakkali.
Họ nói:– Đức Thế Tôn có điều muốn nhắn với thầy.Vakkali nói:– Nhờ các bạn khiêng tôi xuống đất.
Nằm trên giường cao mà nhận giáo chỉ của Bụt thì còn ra gì nữa? Tôi là ai mà dám nằm trên giường cao để tiếp nhận lời giáo huấn của đức Thế Tôn?Người ta khiêng thầy xuống nằm trên một tảng đá.
Rồi các vị khất sĩ lập lại những lời của Bụt nhắn.Nghe xong, thầy Vakkali chắp tay lại, khẩn khoản:– Xin các sư huynh về đảnh lễ Bụt giúp cho tôi ba lần, và xin các sư huynh bạch với người như sau: Thế Tôn, khất sĩ Vakkali đau rất nặng, và nhức nhối vô cùng.
Khất sĩ Vakkali xin đập đầu kính lạy Thế Tôn.
Khất sĩ Vakkali thấy rất rõ năm uẩn là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã, và khất sĩ Vakkali không bị ràng buộc vào năm uẩn, cho đến giờ phút chót Vakkali cũng thấy rõ như vậy và không còn một chút nghi ngại nào.Các vị khất sĩ nói:– Huynh cứ an tâm, chúng tôi sẽ về lạy Bụt và trình lại người những điều sư huynh vừa nói.Các vị khất sĩ vừa đi khỏi thì vị khất sĩ Vakkali từ trần.Chiều hôm ấy Bụt lên núi Isigili với một số các vị khất sĩ.
Bầu trời xanh trong, chỉ có một gợn khói bốc lên từ cuối chân trời, nhưng trong phút chốc gợn khói cũng tan loãng trong không gian và biến mất.
Nhìn bầu trời bao la, Bụt nói với các vị khất sĩ:– Vakkali đã giải thoát.
Không một ma chướng nào, không một pháp hữu vi nào có thể kìm hãm và giam giữ được Vakkali.Bụt lại lên đường đi Nalanda rồi Vesali.Tại tu viện Trùng Các trong rừng Mahavana, một hôm Bụt dạy các vị khất sĩ:– Này các vị, sống ở trên đời ai mà không ít nhiều phải gánh chịu khổ đau.
Tuy nhiên, những ai có tu, có học, có đạt được trí tuệ thì khổ đau rất ít so với khổ đau của người không tu, không học, không có trí tuệ.Lúc ấy trời còn nắng lớn nhưng Bụt đang ngồi với các thầy trong bóng mát những cây sala.
Bụt nhặt lên một hòn đất nhỏ, cầm nó giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ, đưa lên cao và hỏi:– Này các vị khất sĩ, hòn đất trong tay tôi so với núi Tượng Đầu cái nào lớn hơn?– Bạch đức Thế Tôn, cố nhiên so với núi Tượng Đầu, hòn đất trong tay Thế Tôn không có nghĩa gì.– Cũng như thế đó các vị, đối với người có tu, có học, có đạt đến trí tuệ thì tuy có đau khổ mà đau khổ ấy sánh với đau khổ của người không tu, không học, không có trí tuệ thì không có nghĩa gì.
Si vọng làm cho đau khổ to lớn gấp bội.Này các vị, ví dụ có người bị trúng một mũi tên, người ấy cảm thấy đau nhức, nhưng nếu một mũi tên thứ hai tới cắm đúng vào chỗ vết thương thì cái đau nhức ấy chắc chắn lớn hơn bội phần, và nếu một mũi tên thứ ba bay tới bắn trúng ngay vào cùng chỗ đó thì sự đau nhức lại còn lớn lao gấp trăm ngàn lần.
Si vọng cũng như mũi tên thứ hai, mũi tên thứ ba và những mũi tên khác.
Nó làm cho cái khổ tăng gia gấp bội.Nhờ trí tuệ, nhờ hiểu biết, con người có học, có tu và có giác ngộ không làm cho cái khổ gia tăng nơi mình và nơi người khác.
Khi có một khổ thọ, dù là khổ thọ về thân xác hay là khổ thọ về tâm ý, người có trí không sầu muộn, không than van khóc lóc, không đập ngực bứt tóc, không đày đọa thân thể và tâm hồn, không ngã lăn ra bất tỉnh.
Người ấy bình tĩnh quán chiếu và biết khổ thọ chỉ là một cảm thọ, người ấy biết người ấy không phải là cảm thọ, không kẹt vào cảm thọ.
Cảm thọ không còn trói buộc được người ấy.
Khổ đau không trói buộc được người ấy.Khi có một khổ thọ về thân thể, người ấy biết có một khổ thọ về thân thể.
Người ấy không hoảng hốt, không lo sợ, không trách cứ, không u sầu, vì vậy khổ thọ ấy vẫn chỉ là một khổ thọ về thân thể, mà không trở nên một khổ thọ lớn lao có thể làm chìm đắm tự thân.Cũng vì thế, này quý vị khất sĩ, quý vị nên tu tập, nên quán chiếu để đạt tới trí tuệ và để không bị khổ đau ràng buộc.
Sinh, lão, bệnh, tử sẽ không còn khống chế được quý vị.Này các vị khất sĩ, khi sắp mệnh chung, việc người khất sĩ nên làm là quán chiếu thân thể, cảm thọ, tâm ý và đối tượng tâm ý.
Mỗi tư thế, mỗi động tác cần được đặt trong chánh niệm.
Mỗi cảm thọ đều được soi sáng bởi chánh niệm.
Người sắp mệnh chung quán chiếu tự tánh vô thường và duyên sinh của thân thể và của cảm thọ, để không còn bị vướng mắc vào thân thể và cảm thọ, dù là lạc thọ, khổ thọ, hay xả thọ.
Nếu có cơn đau phải đem hết toàn thân ra chịu đựng, thì người ấy quán chiếu: đây là một cơn đau phải đem hết toàn thân ra chịu đựng.
Cơn đau này không phải là ta, ta không phải là cơn đau này, ta không kẹt vào cơn đau này.
Thân thể và cảm thọ như là một ngọn đèn đang cạn dầu và hết bấc.
Ánh sáng do nhân duyên làm tỏ lộ mà cũng do nhân duyên làm tiềm phục.
Ta không bị ràng buộc bởi nhân duyên, và như thế sẽ có lắng dịu, sẽ có giải thoát.Khi những trận mưa đầu mùa đổ xuống làm dịu bớt cái nóng mùa Hạ, người lên đường về tu viện Jetavana.Năm nay các thầy và các ni sư về an cư ở các trung tâm tu học tại Savatthi đông lắm.Tại giảng đường Lộc Mẫu, một hôm Bụt giảng dạy thêm về đạo lý duyên sinh.
Một vị khất sĩ đứng lên bạch:– Thế Tôn, người đã dạy thức là cơ sở của danh sắc, như vậy có nghĩa là vũ trụ vạn hữu trong thế giới đều phát sinh từ tâm thức, có phải thế không?Bụt nói:– Đúng như vậy.
Danh là tâm nhận thức.
Sắc là đối tượng nhận thức.
Chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức là hai mặt của cùng một thực tại.
Không thể nào có nhận thức nếu không có đối tượng nhận thức, không thể nào có đối tượng nhận thức nếu không có nhận thức.
Danh và Sắc không thể tồn tại riêng biệt.
Vì chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức không thể rời nhau mà có mặt cho nên cả hai đều phát xuất từ cơ sở tâm thức.
Chính vì vậy nên tôi đã nói rằng Thức là cơ sở của Danh Sắc.– Bạch Thế Tôn, nếu Danh Sắc phát sinh từ Thức thì quả thật Thức là nguồn gốc của vũ trụ vạn hữu.
Ta có thể tìm hiểu vì sao có tâm thức hay không? Và tâm thức có từ lúc nào? Có thể nói đến một sự bắt đầu của tâm thức hay không?– Này các vị khất sĩ! Ý niệm về bắt đầu và ý niệm về chung cuộc cuối cùng là những ý niệm phát sinh từ tâm thức.
Thật ra không có cái bắt đầu, mà cũng không có sự chung cuộc.
Do vô minh cho nên ta mới có ý niệm về thỉ và chung.
Do vô minh mà người ta mới đi vòng trong cõi luân hồi sinh tử.
Cái vòng luân hồi sinh tử không có thỉ cũng không có chung.– Nếu vòng luân hồi sinh tử không có thỉ mà cũng không có chung thì làm sao là chấm dứt được luân hồi sinh tử?– Sinh và tử cũng là những ý niệm phát sinh từ tâm thức vô minh.
Thoát ra được những ý niệm về sinh tử và thỉ chung, đó là thoát ra khỏi luân hồi.Các vị khất sĩ! Hôm nay tôi chỉ nói chừng ấy.
Quý vị hãy về thực tập quán chiếu.
Hôm khác chúng ta sẽ trở lại vấn đề này..